Vinh ào vào phòng như một cơn lốc, à không! Phải nói rằng như một cơn bão mới đúng, vì nó xô ngã chiếc ghế, chiếc ghế xô ngã cây vắt quần áo và cây vắt quần áo ngã lên đầu Oanh đang ngồi xoải chân trên nền nhà dựa lưng vào thành giường học bài, cô la oai oái hai tay quơ quào gạt mớ áo quần phủ trên đầu:
- Má ơi! Cái gì vậy?
Trời sập hả?
Thùy nằm trên chiếc
giường tầng đối diện, chồm dậy hỏi Vinh:
- Ông làm gì mà như bị
ma đuổi vậy hả cha?
Vinh cười rũ rượi:
- Mấy bà hôm nay làm
sao vậy nhỉ? Bị rối loạn ngôn ngữ hay sao mà vừa gọi tui là ông vừa là cha…
Oanh hất hàm hỏi:
- Thôi đừng nhiều lời,
có việc gì mà đường đột sang đây?
Vinh nghiêm mặt lại,
tỏ vẻ rụt rè:
- Tui... tui vừa sáng
tác được mấy câu thơ, biết mấy bà yêu thơ nên tui mang qua đọc cho mấy bà nghe
để xin.. góp ý!
Thùy gật gù:
- Được! Cho phép
đọc...
Vinh mở một tờ giấy
vừa móc trong túi ra, rồi chỉ tay lên chiếc giường tầng có Vy đang nằm:
- Nhưng tui muốn cả Vy
cùng nghe, tui sẽ chưa đọc nếu mấy bà không chăm chú lắng nghe để... thấu hiểu
cái phần hồn của bài thơ.
Thùy trề môi:
- Gớm! Hát dở mà bày
đặt chê rạp chật đây.
Oanh nhắc chừng Thùy:
- Thì mày cứ im để ổng
đọc thử xem thơ của ổng... xuất tướng tinh con gì!
Vinh hấp háy mắt:
- Làm ơn gọi Vy xuống,
thằng Thiện nó dặn kỹ tui như vậy.
- Thơ của ông can gì
đến ông Thiện?
- Thơ của tui nhưng là
làm giùm tình ý cho thằng Thiện muốn gởi cho Vy.
Oanh leo lên tầng
giường của Vy, gọi:
- Xuống mà nghe hoàng
tử của lòng nàng nhắn gởi kìa.
Vy nằm im không động
đậy. Oanh nói lớn:
- Chà! Ngủ mà mắt còn
đeo kính, tay còn cầm sách.
Thùy phụ họa:
- Thì nó phải đeo
kiếng mới thấy đường mà ngủ chứ...
- Ông cứ đọc đi, nghe
đến tên Thiện thì ẻm hổng bỏ qua chi tiết nào đâu.
- Thôi được (Vinh đưa
hai ngón tay nắm vào thanh quản lắc lắc nhẹ rồi tằng hắng đọc):
- Nhà nàng ở cạnh nhà
tôi. Cách nhau một bức tường vôi... vàng vàng!...
Thùy trợn mắt:
- Cái gì? Thơ của ông
hả?
Oanh cầm một chiếc gối
ném vào Vinh:
- Giả mạo này…copy
này…
Vinh quay người ra cửa
nhanh như lúc vào:
- Ha...ha... qua mà
hỏi tội thằng Thiện, nó xui dại tui đó. Chứ còn tui mà gặp mấy bà thì chỉ
thích... hit mấy bà thôi!
Vừa nghe Vinh nói xong
câu, Oanh đứng bật dậy gọi cả Thuỳ theo... hộ giá:
- Cái gì? Ông này hôm
nay tự nhiên “nham nhở”, dám nói chỉ muốn... hít tụi mình! Mau đu...đu... đuổi
theo...
Vinh quay lại phân
bua:
- Tui làm gì mà nói
tui nham nhở? Tui nói “Hit” tiếng Anh nghĩa là...đánh! Mấy bà tưởng bở rằng tui
muốn hít là... (Vinh chun mũi hít hít) là vầy hả? Đừng có vội mừng.
Nghe Vinh giải thích
như thế Oanh bẽn lẽn quay vào, Thùy nói với theo:
- Nghĩ chơi ông! Tụi
tui sẽ biểu con Vy chiều nay hổng thèm đi dự sinh nhật của ông Thiện.
Vinh cười lớn:
- Hai nhân vật đó có
liên quan gì đến tui? Cũng không liên quan gì đến mấy bà. Vy không đi dự sinh
nhật của Thiện chẳng thiệt thòi gì đến nhau cả... đừng có hăm dọa đàn anh
nhé.
Oanh lườm Vinh:
- Hãy đợi đấy, tụi tui
mà thua ông sao?
Thiện từ cửa phòng trọ
của Vinh ló mặt nhìn ra:
- Tha cho nó đi... rồi
làm ơn đi dự sinh nhật của anh dùm, chứ nồi chè sâm bổ lượng thừa ra không ai
ăn, đổ uổng lắm! Anh năn nỉ lắm bà chị mới nấu dùm...
- Nể tình nồi chè sâm
bổ lượng! Tụi tui bỏ qua cái vụ... hít! Nhưng 3 đứa tụi tui đi sang nhà anh
bằng phương tiện gì?
Vinh chen vô trả lời:
- Mỗi ông chở một bà!
Oanh kêu lên:
- Chỉ có 2 người,
không nói cũng biết dư tui ra?
Thiện khoát tay:
- Kẹt lắm anh nhờ
người chở Oanh, chẳng mất phần đâu mà lo, giờ thì anh về để lo chuẩn bị.. mấy
nàng sửa soạn đi, có chụp hình đó nghe.
Oanh reo lên:
- Thích hén! Cho Oanh
chụp riêng mấy tấm nhen.
Thiện dắt chiếc Vespa
ra sân:
- Được! Nhưng Oanh
phải bớt ăn hiếp.. Vinh, anh mới..
- Dễ thôi, cứ chụp
hình xong rồi tính tiếp...
Trước khi nổ máy xe,
Thiện nói:
- Tạm thời là vậy, đằng ni về đây.
oOo
- Một ông lính mũ Đỏ
tụi mày ơi! Đẹp trai ác chiến luôn..
Vy ngạc nhiên:
- Sao lạc vào đây nhỉ?
Người quen của phòng nào dzậy cà?
Oanh bao giờ cũng tỏ
ra bạo dạn:
- Để tao ra hỏi thử,
lạng quạng là bắt cóc luôn, ai nhanh tay thì được phần.
Nói như thế nhưng cô
vội giật lùi vào trong, khi chiếc Honda 67 chợt ngừng lại ngay cửa phòng trọ
của họ, người lính mặc quân phục rằn ri, đội béret Đỏ nghiêng đầu nhìn các cô
gái, cất tiếng hỏi rất tự nhiên:
- Có phải các em là
Vy? Thùy? Oanh?
Cả 3 cô gái tròn mắt
ngạc nhiên, Oanh đáp lại bằng một giọng nói dịu dàng khó tin là của cô:
- Dạ! Đúng là tụi em
ạ.
Thùy đứng sau lưng nói
nhỏ vừa đủ Oanh nghe:
- Ngạc nhiên quá, biến
thành thục nữ nhu mì hồi nào vậy ta.
Vy che miệng cười khúc
khích, Oanh giả vờ không nghe bạn nói, hỏi tiếp:
- Sao anh biết tụi em?
Người lính dựng xe,
bước lên thềm nhà:
- Anh là Phong! Anh
trai của Thiện. Nó nhờ anh đến đón tụi em.
Thùy ngạc nhiên hỏi:
- Dạ, nhưng sao Vinh
với Thiện hổng tới mà nhờ anh ạ?
Oanh hất vai vào Thùy
trả lời thay:
- Thì chắc có lý do
nên anh Thiện mới nhờ anh Phong...
Phong gật đầu vui vẻ:
- Đúng vậy, Thiện có
việc bận bất ngờ, một phần cũng do anh nhiệt tình nhận nhiệm vụ, tụi em biết
tại sao không?
Vy hỏi lại:
- Tại sao ạ?
- Vì Thiện khoe với
anh có mấy cô bạn rất dễ thương, anh muốn biết nhận xét của nó có chính xác
không, nên nhận lời đến đây giúp nó.
Thùy so vai lại tỏ vẻ
ngượng ngùng:
- Eo ui! Tụi em mà dễ
thương gì? Anh Thiện nói vậy làm tụi em ngượng chết. Phải phạt ổng mới được.
- Vậy có phạt cả anh
không, vì anh cũng thấy nó nói đúng?
Oanh lắc đầu:
- Tụi em đâu dám phạt
anh, anh đến là đã mất công anh rồi.
(Oanh nghĩ thầm “Người
ta nói mấy ông lính mà tán con gái thì dẻo miệng lắm thật hổng sai chút nào…”)
Vy nhắc bạn:
- Mời anh Phong vào
nhà đợi tụi mình một chút đi.
Phong theo chân các cô
gái vào nhà:
- Thiện hay đến đây
chơi lắm à?
Vy đáp:
- Dạ không đâu, anh
Thiện là bạn học của Vinh cũng đang thuê phòng trọ gần chỗ tụi em.
- Nó không lo học
hành, cứ đi chơi thì có ngày cũng... “Rớt tú tài anh đi Trung sĩ…”
Oanh nén cười:
- Dạ anh Thiện học
giỏi lắm ạ, cả anh Vinh cũng vậy. Tụi em cứ nhờ mấy ảnh giảng bài giùm.
Thùy cấu vào vai Vy
nói khẽ:
- Oanh tự nhiên cho
ông Vinh xuống chức, đang là “ổng” xuống thành “ảnh”…
Nói xong Thùy và Vy
bật cười khúc khích, Phong nhìn thấy:
- Hai cô cười gì vậy?
Nói xấu anh à?
- Dạ không ạ, nhìn anh
oai thí mồ, tụi em còn chưa khen sao dám nói xấu!
Phong tự nhiên ngồi
xuống một chiếc ghế:
- Nghe em nói anh làm
muốn nở mũi rồi, lần sau khi nào muốn nghe... khen là anh phải đến đây.
Oanh hỏi:
- Lần sau là bao giờ
ạ?
- Khi về phép lần sau!
Thùy càu nhàu:
- Anh Thiện có một ông
anh như vậy mà hồi nào tới giờ ổng giấu kỹ.
Phong cười xòa:
- Anh có thể hiểu từ
“như vậy” trong câu nói của em là một lời khen chứ?
Thùy cười đáp:
- Em vô tình nói ra mà
anh đã hiểu ngay như thế, anh khôn thí mồ, sau câu chuyện với tụi em, anh
“sàng” ra chắc có đến một... đống từ ngữ ngầm nói lên sự khen luôn.
- Anh đùa cho vui
thôi, tụi em cứ nói cái gì mình thích mà không sợ bị anh hiểu nhầm đâu, còn nói
anh khôn hơn tụi em thì có thể, vì anh lớn hơn tụi em mà.
Oanh nhắc:
- Thôi nhanh lên kẻo
anh Phong đợi lâu.
Phong nói:
- Chỉ sợ Thiện đợi,
thấy lâu nó sốt ruột lại đến.. tiếp ứng để rước mấy cô.
- Nếu không thì anh
cũng phải đi 2 lần mới chở hết tụi em. Lẽ ra với Vy thì anh Thiện phải tự đến
để... đón nàng về dinh!
Phong thắc mắc:
- Riêng Vy? Có gì đặc
biệt sao?
Thùy giải thích:
- Vy là... em dâu
tương lai của anh đó!
Vy đang thay áo
sau bức màn, nghe thế la toáng lên:
- Anh Phong ơi hổng
phải vậy đâu, tụi nó cứ bày đặt cắp bi em với anh Thiện.
Cả nhóm cười rũ rượi:
- Tụi tao cắp đôi chứ
hổng có cắp bi... hi... hi...
- Vậy mà làm anh mừng
hụt vì tưởng có em dâu thật.
Thùy nói:
- Anh cứ mừng thật đi
là vừa, ảnh với ẻm còn... “Lòng trong như đã mặt ngoài còn e” thôi...
Vy phụng phịu bước ra:
- Vô đi, đứng đây nói
tào lao hoài bắt anh Phong đợi lâu.
- Dù sao anh cũng
không có việc gì phải gấp, về phép ngoài thăm gia đình còn là chỉ lang thang
một mình...
Oanh ngập ngùng dò
hỏi:
- Sao anh không đi
chơi với... người yêu?
- Anh chưa có người
yêu! Lính nghèo, cuộc sống quá hiểm nguy, cô nào dám thương…
- Anh không biết đâu,
chính vì cuộc sống của các anh hiểm nguy mà... mà... người hậu phương càng
thương lính! Đi dạo với mấy anh, có ai nhìn là... hãnh diện thí mồ.
- Tại sao?
- Vì lính oai phong,
hiên ngang đúng y như nghĩa “Chàng trai trẻ vốn dòng hào kiệt”...
- Vậy cô nào đi dạo
với lính mà thấy hãnh diện thì nói, trước khi trở về đơn vị anh sẽ dẫn đi khao
cho 1 chầu kem.
Vy, Oanh cùng đưa tay
lên:
- Tụi em xin ghi danh
liền.
Thuỳ đang đứng sau bức
màn cũng lên tiếng:
- Có em nữa, cho em đi
với.
- Vậy là cuối tuần
nhé, tụi em muốn kem Việt Hưng hay kem Hạnh Tâm?
Các cô gái làm cho
không khí vui nhộn như... tết, Vy hiền lành:
- Đâu cũng được ạ,
miễn là anh giữ lời hứa cho tụi em được...
Oanh ngắt lời Vy nói
tiếp:
- ... ăn thoải mái
trong... phần của mình!
Phong cười:
- Có mấy cô em vui vẻ
như tụi em nên cứ phải cười hoài chắc khó già nhỉ? Được! Anh hứa.
Thùy nhí nhảnh đi ra
cửa:
- Anh Phong ơi! Em xí
phần trước, mình đi được rồi.
Trước khi ra cửa Phong
đưa tay chào Oanh và Vy theo kiểu nhà binh. Oanh nhìn theo...
Một nụ hoa trong tâm hồn Oanh chợt xoè ra, e ấp nở.
oOo
Vinh và Thiện đã xong
tú tài toàn phần. Gần 2 năm trôi qua thời gian thoáng như cái chớp mắt. Oanh,
Thuỳ, Vy cũng sắp đến ngày thi cử để giã từ bậc trung học cuối cấp của mình.
Đời học sinh của các cô bình yên với những buổi đến trường, về nhà ôn tập, sau
đó là.. chơi! Dù các cô gái có phần chính chắn hơn, già dặn hơn một chút nhưng
không có thay đổi lớn như các chàng trai.
Trong khi đó Vinh đã
chọn con đường binh nghiệp cho ước mơ của mình, anh được trúng tuyển vào trường
Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt như ý nguyện. Thiện thì cùng cả gia đình vào Sài
Gòn sống, theo sự thuyên chuyển công tác của ba anh. Nhưng Thiện và các cô gái
không liên lạc, có lẽ vì thế mà sự quen biết trước đây của họ thông qua Vinh
cũng có phần nhạt nhòa đi theo thời gian, Vy cũng không còn bị sự gán
ghép, trêu ghẹo của các bạn khi có mặt Thiện như những ngày anh còn lui tới
phòng Vinh.
Căn phòng trọ của Vinh
có người mới đến ở. Hàng năm cứ lớp này đi thì có lớp khác đến. Sau Vinh, 3 cô
gái không quen thân với ai trong dãy nhà trọ này nữa. Cách sống của các cô gái
cũng lặng lẽ như vùng đất quận lỵ nhỏ bé nơi các cô được sinh ra. Thỉnh thoảng
ngày chúa nhật một cô thay phiên nhau về thăm nhà, chủ yếu là nhận tiếp viện từ
gia đình, cô nào còn lại nhà trọ giờ đây có thêm một phận sự “ý nghĩa” là chờ
Vinh đến, nấu một món nào đó rồi cùng nhau ăn uống vui như một buổi liên hoan!
Đó là tình cảm thân quý mà các cô dành cho bạn mình. Cũng có đôi lần Vinh không
được ra phố, các cô buồn thiu ngồi nhìn những thứ mà họ nhọc công chuẩn bị để
nấu thành món ăn khi có mặt Vinh. Tình bạn của họ khắn khít hơn có lẽ do họ
cùng hiểu biết hơn.
Oanh, Thùy, Vy nhớ
ngày đầu tiên Vinh được ra phố sau 8 tuần Huấn Nhục tại quân trường. Khi Vinh
bất ngờ xuất hiện ra nơi khung cửa phòng trọ, các cô vui mừng nhìn Vinh bằng
con mắt của sự thích thú, anh rắn rỏi, nét thư sinh biến mất vì màu da rám
nắng. Họ vây lấy Vinh để nghe anh kể những chuyện trong quân trường. Những từ
như “Hành xác nhập trường”, “Nhúng dấm”, “Đi vịt” được Vinh nhắc đến khi
bị phạt hoặc luyện tập. Những “kiểu” phạt mà các cô cứ suýt xoa kêu lên “Thật
lạ đời” và tỏ vẻ thương xót cho bạn mình lắm, nhưng Vinh thì lại nói một
cách... kiêu hãnh “Thế mới Tự Thắng Để Chỉ Huy chứ!”. Rồi những cái tên
như Cổng Nam Quan, Hồ Huyền Trân, Đồi Bắc, Hội quán Huỳnh Kim Quang và Vinh
giải thích luôn tại sao hội quán lại có tên như thế, đều rất mới mẻ
đối với các cô gái và cách gọi “Niên trưởng” khi Vinh nhắc đến khóa đàn anh, tiếng “cùi” thân mật khi Vinh gọi bạn đồng ngũ đều làm
các cô thấy rất lạ!
Vinh vẫn hóm hỉnh
trong cách nói chuyện của mình:
- Ở trỏng cũng nhớ
“mấy em” lắm, nhớ như nhớ giờ tấn công... Phạn Xá!
Các cô trố mắt:
- Cái gì? Trong quân
trường mà cũng có... chùa sao?
Vinh nộ các cô:
- Phạn Xá là nơi dùng
bữa chứ chùa gì.
Các cô cười phì:
- He he he... vậy mà
nghe tên sao giống như... nhà chùa hén.
Hôm nay lại một ngày
chúa nhật, mấy hôm trước nhận thư của Vinh báo rằng tuần này sẽ có mặt, nên Vy
và Thùy đi chợ mua vài thứ cho bữa cơm ngon hơn thường ngày một chút để đãi
Vinh. Oanh thì “trực” ở nhà, trong lúc chờ đợi, cô ngồi ngắm nghía bức hình Vinh
chụp trong lễ gắn Alfa, trông Vinh như thành một người khác. Và Oanh cũng nhớ
lúc ấy các cô vừa xem vừa trầm trồ xấp hình của Vinh và các bạn đồng ngũ của
anh trong quân phục đại lễ:
- Công nhận oai và đẹp
chẳng thua một kiếm sĩ của thời vua chúa phương tây!
Vinh ngồi rung đùi,
nheo mắt gật gù phụ họa:
- ... Phải nói là quá
đẹp!
- Cái gì? Khen ông hả?
Tụi tui khen bộ đồ ông ơi!
- Bộ đi lính sướng lắm
sao mà ông nào cũng cười tươi rói vậy cà.
- Vào lính đồng nghĩa
với vào sinh ra tử mà lại tình nguyện...
Vinh trả lời bằng câu
của Nguyễn Công Trứ:
- “Làm trai đứng ở
trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông...”, nhưng cũng nói luôn cho mấy
bà biết đâu phải ai muốn như tụi tui cũng được đâu, phải hội đủ điều kiện thì
mới dám nộp đơn vào “Trường của tui”. Có mấy điều kiện nghe qua là cô nào cũng thích.
- Điều đó là gì vậy?
- Phải có hạnh kiểm
tốt, học.. giỏi! Còn độc thân và phải cam kết không.. lấy dzợ trong thời gian
còn huấn luyện, hahaha... cô nào yêu anh Võ Bị thì cứ an tâm không sợ chàng đã
có dzợ ở nhà...
3 cái miệng cùng trề,
chu, uốn éo:
- Ông có rảnh thì...
xuống giùm cho, ông lên cao quá rồi nghen.
Vinh phản đối:
- Từ nay mấy bà làm ơn
gọi tui là anh đi, tui lớn hơn mấy bà 2 tuổi, học hơn 2 lớp. Mắc mớ gì cứ ông
ông, tui tui hoài vậy? Thằng Thiện thì mấy bà lại gọi là anh.
- Sao từ đầu ông không
“sửa lưng” để gọi vậy quen rồi, mí lại vai “ông” lớn hơn vai “anh” còn... bất
mãn gì?
Oanh mỉm cười khi nhớ
lại vẻ mặt của Vinh, cùng lúc cô cũng nhớ đến Thiện và... khuôn mặt Phong cũng
hiện ra ngay trong trí nhớ của cô! Chiến trường khắp nơi sôi động, người hậu
phương thấp thỏm lo lắng cho người ngoài tiền tuyến. Từ ngày “kết nghĩa” anh em
với Phong, các cô nhận được vỏn vẹn 2 lá thư anh viết chung cho cả 3 người,
trong đó chỉ là những lời dặn dò chân tình thường thấy của một người anh trai
dành cho các cô gái dễ thương của mình, mà cánh thư sau cách đây cũng lâu lắm
rồi, sao anh lại có thể không nhớ đến “em gái” của mình nhỉ? Dù rằng trong thư
anh đã nói rằng anh là chúa lười viết thư, anh còn đùa anh chưa có người yêu
cũng vì... lười đi kiếm! Anh muốn các cô đừng trách anh, khi nào có thay đổi gì
lớn là anh sẽ viết ngay để báo, còn không có thư tức là anh... bình thường!
Biết vậy nhưng làm sao Oanh không chờ đợi.
Oanh cất giấu tận sâu
trong tâm hồn một bóng dáng mà cô gặp lần đầu, cô cũng không cắt nghĩa được tại
sao cô dành cho Phong một tình cảm lớn và nghĩ về anh nhiều như vậy, giống như
một sự kiếm tìm và bất ngờ được gặp. Hay vì sự hiểm nguy vào sinh ra tử của
những người lính như anh đã là nỗi lo âu ám ảnh trong lòng của bất cứ ai nơi
hậu phương, nên khi đối diện với lính người ta dễ dàng cảm mến? Hay do sự mơ
mộng non trẻ của một cô gái tuổi dậy thì mới bắt gặp hình ảnh mà cô cho là lý
tưởng? Oanh không biết, cô chỉ thấy rằng cô nghĩ và mong gặp lại Phong biết
bao. Có lần Vy và Thùy nhận xét về Phong:
- Anh Phong trông hào
hoa phong nhã như vậy chắc có nhiều cô lắm...
Tim Oanh đã nhói lên,
bạn cô không hiểu như vậy.
Và vì nghe Oanh hay
nhắc đến tên Phong nên có lúc Vinh cũng buột miệng hỏi:
- Oanh có vẻ thích
lính Dù lắm sao mà cứ nhắc anh Phong? Tui có ông anh tuy không phải là dân Mũ
Đỏ, nhưng dân Mũ Xanh cũng oai hùng không kém, tiếc rằng anh tui có vợ rồi, nếu
chưa sẽ tui tiến cử bà làm chị dâu của tui.
Vy ngắt lời Vinh:
- Có vợ rồi thì còn
khoe làm gì! Sẵn tui nói cho ông biết luôn, Oanh chỉ thích làm chị dâu của...
anh Thiện thôi.
Nghe thế Vinh chợt im
lặng, anh cau mày lại dường như có một chút bối rối. Vy tưởng mình làm phật
lòng Vinh vì câu nói ấy nên lãng đi. Oanh cũng cảm thấy chột dạ khi nghe Vy nói
nhưng cô không buồn cãi chính, có vẻ như Vy đã nói lên được điều thầm kín trong
lòng cô.
Oanh cũng nhận thấy
dường như sau đó, Thùy, Vy và cả Vinh đều tránh nhắc đến tên Phong.
Riêng Với Thùy và Vy, Oanh cho rằng 2 bạn của mình ghét Phong rồi, vì anh chẳng thư từ nhắn nhủ gì cho họ.
oOo
Những ngày vật lộn với
bài vở để trả nợ cho kỳ thi đã xong. Giã từ nhé những con đường đêm mờ mờ ánh
đèn trong tiết trời lành lạnh và sương đọng trên tóc tôi, giã từ căn phòng đã
cho chúng tôi những ngày thật thân thương của đời học trò và giã từ những hình
ảnh nào đã có trong những ngày tôi có mặt tại nơi này. Oanh lầm lũi đi vội vàng
khỏi con hẻm nhỏ, có một điều làm Oanh, Thùy và cả Vy sẽ thấy rất buồn là từ
đây các cô khó thường xuyên gặp được Vinh. Cũng sẽ ít có cơ hội vào trường thăm
anh như lời dặn “Đừng để tui làm.. con bà Sơ!”
Rồi Vinh sẽ có những
ngày ra phố nhưng không còn ai đợi anh với những câu chuyện bông đùa, nghịch
ngợm. Anh đã giấu một cái tin về Phong, đúng hơn là cố giấu Oanh khi mơ hồ hiểu
được tình cảm của cô hướng về Phong. Anh định chờ cho qua kỳ thi rồi mới nói,
nhưng mới đây Vinh cũng chỉ cho Thùy và Vy biết. Oanh sẽ thế nào khi nghe tin
đó? Sau những lúc đùa vui với bạn bè, Vinh trở về với những suy tư, cuộc chiến
này sẽ mang những người lính đi về đâu và tương lai của họ? Đó là điều không ai
có thể trả lời trước được.
Phối hợp công việc cho
gia đình, Thùy đã chuẩn bị xong cho một chuyến vào Sài Gòn, Thùy rủ nhưng Vy từ
chối nói “Buồn lắm, tao không đi đâu, thà cứ như không biết còn hơn!”. Dĩ nhiên
có Oanh tháp tùng, cô nhận lời ngay và rất vui khi nghe Thùy rủ, Thùy nói Thiện
cũng sắp lên đường nhập ngũ rồi, nhân dịp này cùng đi thăm Thiện chứ sau này
anh ra đơn vị rồi thì khó mà gặp nhau. Ngoài mục đích ấy, Oanh còn muốn biết
gia đình Phong nữa.
Thùy và Oanh đến Sài
Gòn hôm trước thì hôm sau vội đi tìm nhà Thiện. Oanh hớn hở khi Taxi dừng lại
trước số của căn nhà mà Vinh ghi cho 2 người. Cánh cửa nhẹ nhàng hé mở, lộ ra
một khuôn mặt thanh tú của một cô gái, một nét mặt phảng phất giống Thiện, giống
Phong.
Thùy Và Oanh cùng gật
đầu chào:
- Đây có phải là nhà
anh Thiện?
Cô gái đẩy cánh cửa mở
rộng hơn:
- Đúng rồi! Mấy chị là
bạn anh Thiện?
Thùy gật đầu cười xã
giao với người mà cô đoán là em gái của Thiện:
- Tụi mình vừa từ Đà
Lạt vô! Có anh Thiện ở nhà không?
- Có đấy! Các chị vào
nhà chờ chút.
Vừa nói cô gái vừa
quay lưng vào trong gọi Thiện. Oanh và Thùy loay hoay cởi giày trước khi bước
vào nhà. 2 cô đảo mắt quan sát căn phòng khách của gia đình, và rất nhanh mắt
Oanh chạm vào một bàn thờ, nhang còn đỏ, hai cây nến trắng đang cháy, có vẻ là một
bàn thờ mới. Oanh gần như đứng chết liệm, miệng há hốc nhìn sửng sờ không thốt
được lời nào khi thấy bức chân dung của người lính sau làn khói nhang bay. Thùy
bước lại đứng sát vào Oanh, tay vòng qua lưng kéo Oanh tựa vào mình, cô nói khẽ
trong nghẹn ngào:
- Anh Phong đó... anh
Phong tử trận mấy tháng rồi...
Oanh cảm thấy đất dưới
chân chao nhẹ khiến thân thể cô cũng muốn chao theo, cô bấu những ngón chân vào
nền gạch hoa, mặt úp vào lòng hai bàn tay, đầu lắc mạnh:
- Không! Không thể
nào...
Thiện từ nhà sau hấp
tấp bước lên, trước mắt anh là Oanh và Thùy đứng mà cứ như cố lấn vào nhau, anh
lên tiếng:
- Bất ngờ quá! 2 người
vô đây hồi nào vậy?
Không trả lời Thiện,
Oanh hỏi trong tiếng thở mạnh:
- Tại sao vậy? Tại sao
tụi Oanh không biết gì? Anh Thiện tiếc một lời báo tin... đến vậy sao?
Thiện hiểu là Oanh
đang trách mình về sự ra đi của Phong, đợi cho 2 cô gái ngồi xuống ghế, khi cô
em gái của Thiện mang mấy ly nước lên xong quay bước, Thiện mới trầm tĩnh nói:
- Anh có viết thư cho
Vinh, cũng có cho Vinh biết anh Phong tử trận ở An Lộc, anh tưởng Vinh sẽ nói
lại với mấy đứa. Anh xin lỗi, cũng do trước đó không liên lạc với nhau, nên tin
buồn của gia đình mình, đường đột báo tin cho mấy đứa cũng ngại, nên...
Thùy nói:
- Thật ra Vinh có nói
lại, nhưng chỉ với Thùy và Vy thôi, Vinh dặn khi nào thi xong mới cho Oanh hay,
nhưng thi rồi mỗi lần định nói lại thấy Oanh vui vẻ khi nhắc đến anh Phong nên
tụi Thùy không nỡ..Chuyện vô đây cũng là do Vinh gợi ý, Vinh nói tụi Thùy nên
vào để trực tiếp thắp cho anh Phong nén nhang...
Oanh không nói một lời
nào, ngồi lặng đi, cảm nhận sự đau đớn như có một bàn tay vô hình đang nhồi bóp
trái tim, khiến cô muốn ngợp thở. Tai Oanh lùng bùng những câu hỏi, đáp giữa
Thiện và Thùy “... đơn vị anh Phong bị phục kích..khi anh Phong ngã xuống thì
có hai người từ hầm trú ẩn lao theo cũng bị...1 người đồng đội khác cũng bị
thương chứng kiến như thế, trước khi người ấy được cứu thương,kịp tháo trên tay
anh Phong cái đồng hồ còn dính máu của ảnh mang về làm tin... Cái đồng hồ đó
nhà mình đang 'thờ'... 3 ly nước kia một là cho anh Phong, hai là cho 2 người
đệ tử ngã xuống cùng lúc với anh Phong... không mang được xác anh Phong về,
trong tang lễ, áo quan chỉ có bộ đồ trận của ảnh...”
Oanh bật kêu lên thảng
thốt:
- Anh Thiện ơi! Đừng
kể nữa!...
Một buổi chiều! Một
buổi chiều khác lạ hơn mấy ngàn buổi chiều từ khi có mặt tôi trên đời. Tôi đang
chới với níu lấy bóng dáng một người từ tâm trí tôi, nhưng bóng dáng ấy đã lẫn
vào tiếng đạn gào thét, lẫn vào trong ánh hào quang rực rỡ của thiên đàng, lẫn
vào bóng chiều bắt đầu nghiêng đổ bên thềm. Làm sao từ đây tôi có được một
khoảng trời bình yên khi bóng dáng ấy hiển hiện trong trước mắt tôi mà cũng vời
vợi ngàn trùng!..
Câu chuyện dừng lại
khi Thùy đề nghị:
- Anh Thiện hướng dẫn
cho tụi Thùy đi thăm mộ của anh Phong... sẽ rất khó có lần sau cho tụi Thùy vào
đây gặp anh lần nữa...
Thiện gật đầu:
- Nếu vậy thì phải đi
ngay kẻo tối.
Oanh thất thểu đứng
lên:
- Đợi Oanh chào anh
Phong đã!
Oanh quay lại chỗ bàn
thờ của Phong đốt nhang cắm vào chiếc lư hương đầy ắp chân nhang, cô đứng gần
sát vào chiếc tủ cao, hai tay níu vào mép tủ, rướn người lên như cố gần hơn
khung ảnh Phong đặt sau bình hoa Lay ơn màu nhung đỏ. Cô nhìn sững vào nụ cười,
vào đôi mắt, vào chiếc mũ béret Đỏ đội lệch che một phần trán rộng của anh, vào
bông mai màu đen trên hai ve áo rằn ri màu hoa, lá rừng. Oanh bùi ngùi nhớ lần
gặp anh hôm sinh nhật của Thiện, cô đã vòi vĩnh:
- Cho em cái bông mai
này làm “kỷ nghệ” đi, em thích vì nó... vì nó không phải màu vàng...
Lúc đó Phong đã vui vẻ
nói:
- Cái này bị may dính
vào ve áo không lấy ra được, chỉ có cách là em xin cả anh đi, anh tặng luôn một
thể.
Câu nói đùa của Phong
khiến gợi lên trong lòng Oanh một chút bâng khuâng, sự xao xuyến chưa có tên
gọi, dấy lên trong tâm hồn cô gái tuổi trăng tròn. Câu nói ấy, nhân dáng ấy ghi
vào trí nhớ cô để mỗi ngày hồi tưởng lại Oanh thấy một cái gì rất cụ thể trước
mắt thật rõ ràng cho mãi đến hôm nay vẫn mới nguyên như vừa nghe thấy, như vừa
nhìn thấy. Oanh cắn nhẹ môi giữ cho tiếng khóc đừng bật ra. Em nghĩ đến anh
nhiều như thế mà sao khi rời bỏ cuộc đời này anh không khiến cho em có một linh
cảm nào? Thân xác anh bây giờ hòa vào đất rồi, An Lộc là đâu? Mà sao được ôm
giữ xác thân anh? Anh vẫn cười! Có phải vì anh biết rằng anh vẫn sống trong
lòng, trong trí nhớ của những người còn ở lại...
Thiện và Thùy im lặng
nhìn Oanh một lúc rồi Thiện mới lên tiếng:
- Oanh đừng buồn nữa,
anh Phong không muốn vậy đâu.
Oanh gạt giọt nước mắt
vừa lăn nhanh ra khỏi bờ mắt, cô gật đầu như nói với chính mình:
- Đúng vậy! Vì muốn
cuộc đời này được bình yên, vui vẻ mà những người như anh Phong phải nhận cái
chết về mình.
Oanh quay lại nhìn
Thiện, anh cũng sắp tiếp tục đi vào con đường mà những người trai sinh ra trong
thời chiến phải đi. Cô cảm thấy thương bạn mình, thương những ngày bình yên rồi
sẽ lùi lại sau lưng Thiện. Cô bước đến gần anh, nở một nụ cười héo hắt, nói với
anh:
- ... Anh Thiện cho
Oanh... ôm anh một cái nghen...
Thùy trố mắt nhìn
Oanh, thoáng chút ngạc nhiên không hiểu bạn mình đùa kiểu gì trong hoàn cảnh
này? Thiện không tỏ vẻ bối rối, anh dang hai tay ra với một cử chỉ chờ đón,
Oanh đến gần Thiện hơn, không phải tựa vào ngực anh mà là ngã sầm vào. Thùy há
hốc nhìn và khi đôi vai Oanh rung lên bởi một cơn nấc, thì cô mới hiểu rằng
Oanh đã không thể che giấu sự đau đớn mà có lẽ lúc này đã quá sức chịu đựng của
cô rồi.
Nét mặt Thiện buồn
rười rượi, anh đưa tay vỗ nhè nhẹ vào vai Oanh. Thùy cũng thấy mắt cay cay, cô
khịt mũi, đứng tần ngần một lúc rồi cũng bước đến áp mặt vào lưng Oanh, vòng
hai tay ôm sang cả Thiện. Cảm nhận được sự cảm thông từ bạn mình, Oanh bật khóc
thành tiếng. Không ai nói với nhau lời nào, mỗi người có riêng một suy nghĩ
nhưng cùng hướng về một người, người ấy đã đi vào cõi vĩnh hằng. Có phải anh
đang dang rộng đôi cánh thiên thần mà bay vào chốn không có hận thù, không có
đua chen, không bất cứ một ràng buộc nào và không biết rằng có một tình yêu
dành cho anh nằm tận sâu trong trái tim của một cô gái vừa mới biết mơ mộng lần
đầu.
Hồ Thụy Mỹ Hạnh
No comments:
Post a Comment