Sunday, April 23, 2023

11 Câu Chuyện Ngắn Nơi Cửa Phật Giúp Ngộ Ra Trí Tuệ Thâm Sâu Của Cả Đời Người

Trong cuộc sống, không phải chuyện gì chúng ta cũng có thể ngay lập tức thông suốt và thấu hiểu. Những câu chuyện ngắn nơi cửa Phật dưới đây chứa đựng những triết lý nhân sinh thâm sâu của cả đời người , có thể giúp người đọc ngộ ra được nhiều đạo lý mà trước đó chưa từng để ý.

1. Câu chuyện thứ 1 .

Một vị thiền sư hỏi người cầu đạo : "Anh cho rằng, một thỏi vàng tốt hay là một đống bùn lầy tốt hơn đây ?" 

 Người cầu đạo đáp : "Đương nhiên là vàng tốt hơn rồi !"

 Thiền sư cười nói : "Nếu như anh là một hạt giống thì sao ?" 

Bài học suy ngẫm : 

Sống trên đời, đôi khi chỉ cần thay đổi cách suy nghĩ và góc nhìn nhận, có lẽ ta sẽ phát hiện ra những điều tốt đẹp mà bản thân chưa từng để ý.


2. Câu chuyện thứ 2 .

 Một thanh niên tìm tới nhà sư để xin chỉ dạy : "Đại sư, có người nói tôi là thiên tài, lại cũng có người mắng tôi là kẻ ngốc, vậy đại sư nghĩ sao ?" 

"Vậy anh nhìn nhận ra sao về chính bản thân mình?" Nhà sư hỏi ngược lại. 

Người thanh niên đầy vẻ mờ mịt không hiểu gì. 

Nhà sư nói tiếp: "Ví dụ như cùng là một cân gạo, trong mắt những người làm bếp thì là mấy bát cơm; trong mắt người làm bánh thì là mấy cái bánh rán; trong mắt người bán rượu lại là mấy chén rượu. Gạo vẫn là gạo. Cũng như vậy, anh vẫn là anh, anh có năng lực giỏi giang ra sao đều dựa vào cách anh nhìn nhận về bản thân mình.

Bài học suy ngẫm: 

Không sợ bị người khác coi thường, chỉ sợ bạn tự coi thường chính mình. Ai nói bạn không có giá trị ? Không một ai có thể quyết định cuộc đời bạn sẽ ra sao. Bạn lựa chọn con đường nào để đi, nó sẽ quyết định tương lai cuộc đời của bạn sẽ phát triển theo hướng như thế ấy. 

Giá trị lớn nhất của đời người chính là việc chúng ta có thể tự ý thức được giá trị của bản thân trong cuộc sống hay không.


3. Câu chuyện thứ 3 .

 Một người nông dân đi tới miếu để cúi lạy trước thần Phật nhằm cầu xin bình an cho gia đình.

Sau mấy hồi dập đầu, người nông dân này bỗng thấy bên cạnh mình có một người cũng đang cúi lạy. Nhưng điều đáng nói là dung mạo của người này giống hệt với bức tượng Phật trên đài cao kia. 

Người nông dân thấy rất khó hiểu, hỏi nhỏ : "Ngài là Phật sao ?"
Người kia đáp: "Đúng vậy." 

Người nông dân lại càng mê muội, hỏi tiếp: "Vậy tại sao Ngài lại vẫn phải cúi lạy chứ?" 

Người kia trả lời: "Bởi vì tôi biết, cầu khấn, nhờ vả hay xin xỏ người khác không bằng tự cầu cứu chính bản thân mình. Chỉ có bản thân mình mới thực sự giúp được mình mà thôi, không nên trông đợi vào người khác."

4. Câu chuyện thứ 4 .

 Một vị võ sĩ nắm trong tay một con cá rồi đi tới phòng của một vị cao tăng. 

Võ sĩ nói: "Chúng ta thử đánh cược đi, thiền sư nói con cá trong tay tôi sống hay chết?" 

Vị cao tăng kia biết nếu ông nói con cá đó chết rồi, người võ sĩ chắc chắc sẽ buông tay thả con cá đi; nhưng nếu ông nói nó còn sống, võ sĩ nhất định sẽ ngầm bóp chết con cá lập tức. 

Vì vậy, cao tăng trả lời: "Con cá đó đã chết rồi." 

Võ sĩ lập tức buông tay ra, cười nói: "Thiền sư thua rồi, ngài nhìn xem con cá này rõ ràng vẫn còn sống." 

Vị cao tăng cười mỉm, nói: "Đúng vậy, tôi thua rồi." 

Bài học suy ngẫm: 

Cao tăng quả thật đã thua trong lần đánh cược này, thế nhưng ông đã cứu được một con cá. Đó chính là lòng từ bi của người tu hành. 

Từ bi đối với toàn thể chúng sinh và với chính mình sẽ mang một ý nghĩa to rộng hơn, giúp mở rộng con tim của mình và khiến mình trở thành cao cả, bén nhạy và nhiều nghị lực hơn . 

Đừng bỏ lỡ : Từ bi là "vũ khí" vạn năng, mạnh mẽ gấp nhiều lần đao kiếm .


5. Câu chuyện thứ 5.

Hàn Sơn hỏi Thập Đắc: "Trên thế gian này có người phỉ báng ta, bắt nạt ta, sỉ nhục ta, cười nhạo ta, khinh thường ta, lợi dụng ta, lừa gạt ta. Vậy nên cư xử ra sao với những người đó?" 

Thập Đắc trả lời: "Nhẫn nhịn người đó, nhường nhịn người đó, tránh xa người đó, thuận theo người đó, chịu đựng người đó, kính trọng người đó, không để ý đến người đó. Cứ thế qua mấy năm rồi anh hẵng nhìn lại người ta.
Bài học suy ngẫm:
Những người gây khó khăn lại chính là những người mang đến cho bạn cơ hội để nhìn lại bản thân và giúp bạn có những thay đổi tích cực trong tính cách của mình. 

Người gây khó khăn cho ta cũng giống như những chiếc gương vậy. Họ giúp chúng ta nhận ra rằng chính chúng ta đã tạo ra một phiên bản méo mó và phóng đại về bản thân mình. Chúng ta tìm thấy con người thật của mình và sống thật với bản thân bằng những gì chúng ta đang có.  

Hãy biết ơn những người gây khó khăn trong cuộc sống của bạn, hãy học từ họ và họ sẽ chỉ cho bạn biết chính xác đâu là mẫu người bạn không muốn trở thành.

6. Câu chuyện thứ 6 .

Nam Ẩn là một vị thiền sư thời Minh Trị của Nhật Bản. Một ngày nọ, có một vị giáo sư học thức uyên thâm tới tìm ông để hỏi về Thiền, ông chỉ dùng trà để đãi khách. 

Thiền sư Nam Ẩn rót trà vào ly của khách, cho đến khi rót đầy, ông không hề dừng lại mà vẫn tiếp tục rót nữa. 

Vị giáo sư kia ngạc nhiên khó hiểu nhìn nước trà không ngừng tràn ra ngoài ly, cho đến khi không thể làm thinh được nữa nữa, ông mới lên tiếng hỏi : "Đã tràn đầy ra khỏi ly rồi, ngài đừng rót nữa !"
"Ngài cũng giống như chiếc ly này vậy, "Thiền sư Nam Ẩn chậm rãi trả lời, "bên trong chứa đầy suy nghĩ và thái độ của bản thân. Nếu ngài không làm sạch chiếc ly của mình thì bảo ta phải nói với ngài về Thiền sao đây ?" 

Bài học suy ngẫm: 

Câu chuyện này không nhất thiết chỉ đúng cho học Thiền.  

Muốn tìm hiểu bất kỳ điều gì ờ đời như một tôn giáo, một người, một nhóm người, một nền văn hóa, một dân tộc, một lịch sử, một vụ kiện,… chúng ta phải loại hết những thành kiến, phỏng đoán và kết luận trong đầu về lĩnh vực đó.
Giữ đầu óc như một cái tách trống rỗng, một tờ giấy trắng tinh thì chúng ta mới có thể học hỏi được, dung nạp được những điều mới mẻ


7. Câu chuyện thứ 7 .

Tiểu hòa thượng hỏi lão hòa thượng : "Sư phụ, thế giới cực lạc mà người thường nói, con không nhìn thấy vậy tin làm sao ?" 

Lão hòa thượng dắt chú tiểu vào một căn phòng màu đen, nói với chú: "Bên góc tường có một cái búa." 

Tiểu hòa thượng dù trợn to hai mắt hay híp mắt ti hí vẫn không thể nhìn rõ năm ngón tay. Không thể làm gì khác, chú đành nói với sư phụ rằng mình không nhìn thấy gì hết. 

Sau đó lão hòa thượng đốt một cây nên soi sáng căn phòng, ở góc tường quả nhiên có một cây búa. 

Ông nói với đệ tử : "Thứ con không nhìn thấy không có nghĩa là không tồn tại, có phải thế không?" 

Đến lúc này, chú tiểu mới thốt lên kinh ngạc, thắc mắc của chú bấy lâu nay cuối cùng đã được giải đáp.

8. Câu chuyện thứ 8 .

 Có một vị thiền sư có một người đệ tử rất hay than phiền. Một ngày nọ, thiền sư bỏ một thìa muối vào trong cốc nước rồi đưa cho đệ tử uống. 

Đệ tử nói : "Mặn chát không chịu nổi ." 

Thiền sư lại đổ nhiều muối hơn xuống hồ nước, rồi kêu đệ nử nếm thử nước trong hồ. 

Đệ tử uống xong lại nói : "Thật ngọt ngào tinh khiết ."
Bấy giờ thiền sư mới đáp : "Những đau khổ trong cuộc đời cũng giống như chỗ muối kia, vị mặn nhạt của nó phụ thuộc vào thứ chứa đựng nó. Con muốn làm một cốc nước hay một hồ nước đây ?" 

Người đệ tử hiểu ra và từ đó giảm bớt tính phàn nàn đi rất nhiều, luôn mở rộng lòng và đón nhận mọi điều trong cuộc sống.


9. Câu chuyện thứ 9 .

Mùa hè nắng nóng, bãi cỏ trong sân chùa héo khô một mảng lớn, trông rất xấu xí.

Tiểu hòa thượng thấy vậy mới nói với su phụ : "Sư phụ, hay là chúng rắc vài hạt giống xuống đi !" 

Sư phụ nói : "Đừng nóng vội, cứ tùy thời ."
Khi có hạt giống trong tay , sư phụ nói với tiểu hòa thượng : "Con đem trồng đi." Không ngờ, một trận gió nổi lên, thổi bay đi không ít hạt giống vừa gieo. 

Tiểu hòa thượng vội vã nói với sư phụ : "Sư phụ, rất nhiều hạt giống đã bị gió thổi bay đi mất rồi ." 

Sư phụ đáp : "Không sao, những hạt bị thổi đi đều là hạt lép, dù có trồng xuống cũng không nảy mầm được , tùy tính." 

Mới vừa rắc xong hết chỗ hạt giống, lại có mấy con chim bay tới, đậu dưới thửa đất kiếm ăn. 

Tiểu hòa thượng vội vã lấy sào xua đuổi chim, sau đó chạy đi mách sư phụ : "Không xong rồi sư phụ ơi, hạt giống bị chim ăn mất rồi ." 

Sư phụ nghe xong chậm rãi trả lời : "Con đừng lo, hạt giống vẫn còn nhiều lắm, không ăn hết được đâu, tùy ngộ." 

Nửa đêm, một trận mưa to gió lớn kéo đến. Tiểu hòa thượng nức nở chạy tới phòng sư phụ : "Lần này thì xong thật rồi, tất cả hạt giống đều đã bị nước mưa cuốn trôi rồi." 

Sư phụ đáp : "Cuốn rồi thì thôi, trôi đến đâu nảy mầm đến đó, tùy duyên." 

Qua mấy ngày, trên mảnh đất trơ trụi mọc lên rất nhiều mầm non xanh, ngay cả những nơi ban đầu vốn không reo hạt giống cũng xuất hiện những mầm xanh tốt nho nhỏ.  
Tiểu hòa thượng trông thấy thế vui mừng vô cùng : "Sư phụ, người mau nhìn xem, hạt giống mọc lên hết rồi." 

Sư phụ vẫn bình tĩnh như trước và nói rằng: "Vốn là nên như vậy, tùy hỷ."

10. Câu chuyện thứ 10 .

Có một võ sĩ hỏi thiền sư : "Thiên đường và địa ngục khác gì nhau?" 

Vị thiền sư hỏi ngược lại : "Anh là ai ?" 

Võ sĩ đáp : "Tôi là một võ sĩ. "

Thiền sư nghe xong cười nói : "Một người lỗ mãng như anh sao xứng hỏi ta ?" 

Võ sĩ vô cùng giận dữ, rút kiếm ra nhằm hướng thiền sư mà chém : "Hãy xem ta giết ngươi !" 

Khi thanh kiếm chỉ còn cách đầu thiền sư vài tấc , ông cũng không hề hoang mang lo sợ, nhẹ giọng nói : "Đây chính là địa ngục. " 

Võ sĩ nghe thế rất kinh ngạc, vội vã dừng tay. Sau đó dường như ngộ ra , anh ta vứt bỏ thanh kiếm, chắp hai tay, cúi đầu quỳ lạy : "Xin cảm ơn sư phụ đã chỉ dạy, xin ngài hãy tha thứ cho sự thô lỗ vừa rồi của tôi. " 

Thiền sư mỉm cười nói : "Đây chính là thiên đường."

Bài học suy ngẫm: 

Trong mỗi con người đều tồn tại hai mặt thiện và ác, tốt và xấu. Sự nóng giận mất kiểm soát sẽ đẩy con người đến địa ngục , còn khi mang trong mình thiện niệm, trở về với bản tính chi sơ, cánh cửa thiên đường sẽ được mở ra.


11. Câu chuyện thứ 11 .

Có một ngày, Tô Đông Pha đến chỗ nhà sư Phật Ấn nói chuyện phiếm , hai người ngồi xếp bằng đối diện nhau cùng luận về Thiền. 

Khi đang nói chuyện vui vẻ, Tô Đông Pha mới hỏi nhà sư Phật Ấn : "Ngài nhìn tôi bây giờ giống cái gì ?" 

Thiền sư Phật Ấn nói : "Tôi nhìn ngài giống một phi tượng Phật. " 

Tô Đông Pha thấy Phật Ấn mập tròn, lại mặc áo đen, bèn đáp ngay : "Tôi lại nhìn ngài giống như một đống phân bò." 

Thiền sư Phật Ấn chỉ cười mà không nói gì. 

Tô Đông Pha đắc ý lắm vì nghĩ mình đã thắng. Sau khi về nhà, ông tự đắc khoe với em gái. 

Em gái Tô Đông Pha nghe xong câu chuyện liền nói : "Trời, anh thua rồi ! Tấm lòng của thiền sư rộng như cảnh giới của Đức Phật, cho nên mới nhìn thấy anh giống Phật. Còn lòng anh như phân bò cho nên nhìn thiền sư cũng chỉ giống như một đống phân bò mà thôi ! " 

Tô Đông Pha nghe em mình nói xong mặt đỏ tới mang tai, biết mình đã thua một keo nặng.
Bài học suy ngẫm:  

Tâm người càng rộng rãi, mắt nhìn chỉ thấy điều tốt đẹp, còn lòng dạ hẹp hòi, nhỏ nhen thì chỉ nhìn thấy những thứ xấu xí. Khoan dung độ lượng với người chính là tạo phúc báo cho mình


Lam Lam

https://lichngaytot.com/blog-cuoc-song/cau-chuyen-ngan-noi-cua-phat-700-200038.html

No comments:

Post a Comment