Monday, April 10, 2023

Chưa Tròn Tuổi Lính - Nguyễn Khắp Nơi


Ba tôi là Lính Cộng Hòa. Đời lính của ba tôi rày đây mai đó, không ở chổ nào lâu quá một năm.
Từ nhỏ, tôi đã có khí thế giống cha, thích đời lính phong suơng. Đã có lần (tôi vào khoảng tám tuổi gì đó), nhân lúc ba mẹ tôi đi chơi, ở nhà tôi đã lén lấy bộ đồ trận của ba mà mặc vào người rồi ra ngoài chơi với đám bạn con nít cùng xóm. Nói mặc nguyên bộ đồ trận thì không đúng cho lắm, tôi chì mới mặc được có cái áo của ba tôi thôi mà nó đã dài sát đất rồi, nên tôi chỉ mặc áo thôi chứ không có mặc quần. Đám chúng tôi chơi làm lính bắn lộn với nhau, tôi lộn nhào, chạy chỗ này, núp chỗ nọ cứ y như là lính thật vậy đó, chơi say mê tới nỗi ba mẹ tôi về hồi nào mà tôi cũng không biết. Khi thấy ba tôi, tôi sợ quá, vì đã dám lấy áo của ba mặc mà không xin phép. Nhưng ba tôi không la mắng gì tôi cả, ông chỉ nhìn tôi cười mà nói:
“Con thích làm lính lắm hả? Nếu muốn đi lính thì chừng nào đủ tuổi, ba sẽ xin cho con vào học trường “Thiếu Sinh Quân.”
Tôi không hiểu, hỏi lại ba:
“Trường Thiếu Sinh Quân là trường nào hả ba?”
“À, đó là trường học của chính phủ, dành riêng cho con của lính, để dậy những đứa nhỏ khi lớn lên sẽ trở thành những người lính chuyên nghiệp.
“Vậy thì ba xin cho con học trường Thiếu Sinh Quân nha ba”.
Đám con nít hàng xóm thấy vậy cũng nhao nhao lên đòi ba tôi xin dùm chúng nó đi học chung với tôi cho có bạn.

Bọn con nít chúng tôi nói rồi thì quên rồi, chỉ vài ngày sau là chẳng đứa nào còn nhớ tới Thiếu Sinh Quân nữa, nhất là chỉ một thời gian ngắn sau đó, ba tôi lại được sự vụ lệnh thuyên chuyển ra Huế. Suy nghĩ tới lui mãi, vì sợ việc học của chúng tôi bị gián đoạn, nên cả ba mẹ tôi đã đồng ý là chỉ có ba tôi đi ra đơn vị mới mà thôi, còn mẹ tôi và năm anh em tôi vẫn ở lại Sàigòn. Năm đó, tôi cũng vừa thi đậu vào trường công lập gần nhà và đang vui vẻ học lớp Đệ Thất thì nhận được giấy của trường Thiếu Sinh Quân, báo cho cha mẹ tôi biết là tôi đã được nhận vào học lớp Đệ Lục vào niên khóa năm tới, 1968. Ngày nhập trường, ba tôi vẫn còn ở Huế, chỉ có mẹ và anh tôi đưa tôi xuống Vũng Tầu mà thôi.

Trường Thiếu Sinh Quân rộng rãi và to lớn lắm, trước kia là một trại lính của Pháp, gọi là Thành Pháo-thủ, nằm dưới chân ngọn núi Lớn. Phía trước là quốc lộ 15, nối liền Vũng-tầu với Bà-rịa, Sài-gòn. Truờng được bao bọc bởi một bức tường đá thật cao và thật dầy và một cái cổng sắt thật to ở giũa.

Tôi được đưa vào phòng đại sảnh để tập họp cùng với những học sinh khác. Tôi không biết có bao nhiêu học sinh vì ngoài lớp của tôi, còn có những học sinh của các lớp khác nữa. Mẹ và anh tôi được ở lại tới chiều thì phải về, để tôi ở lại cùng với những bạn học mới và các thầy giáo mới, hiệu truởng mới. Tôi được các huynh trưởng dắt đi lãnh quân trang quân dụng và những nơi ăn chốn ở. Kể từ nay, ngôi trường này sẽ là ngôi trường mà tôi sẽ theo học cho hết chương trình trung học.

Ngày Thứ Hai là ngày làm lễ chào cờ và cũng là ngày khai giảng khóa học niên khóa 1968 của chúng tôi. Nhìn chung quanh, tôi thấy thật là lạ, vì bạn bè của tôi tòan là những đứa mặc quân phục trắng, đội nón bê rê đỏ, thầy giáo của tôi tòan là những người lính mặc quân phục, và Hiệu trưởng của trường không phải là một giáo sư, mà là một vị sĩ quan: Đại Tá Nguyễn Văn Hương.

Trường Thiếu Sinh Quân, tuy tên gọi có vẻ quân đội, nhưng không phải là ngày nào chúng tôi cũng học về quân sự, mà trái lại, chúng tôi đuợc học văn hóa theo đúng chương trình của Bộ Giáo Dục. Duy nhất một điều để chúng tôi biết mình là Lính: Chúng tôi có số quân. Số quân của tôi là 4454. Mỗi tuần, từ Thứ Hai tới Thứ Tư, chúng tôi học hoàn toàn về văn hóa, Thứ Năm học quân sự, Thứ Sáu tiếp tục học văn hóa, Thứ Bẩy làm tạp dịch và vệ sinh cá nhân, Chủ Nhật chúng tôi được đi phép. Những khóa sinh nào có gia đình ở Sàigòn thì có thể về thăm nhà, còn đa số thì chỉ đi vòng vòng Vũng Tầu rồi lại về trại quây quần vui chơi với nhau.

Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất trong đời người Thiếu Sinh Quân của tôi là ngày mà đại đội chúng tôi (lớp Đệ Tứ) được tuyển chọn để đi diễn hành trong buổi lễ trọng đại nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa: Ngày Quân Lực 19 06 1971.
Trước đó một tháng, hầu như ngày nào chúng tôi cũng phải tập diễn hành ở sân cờ của trường. Chúng tôi chỉ mặc quân phục, đội bê rê chứ không mang súng đạn gì cả, vậy mà càng tập chúng tôi vẫn chưa được các huấn luyện viên cho là hoàn hảo.

Ngày 18, chúng tôi đã được đưa về Sàigòn để sáng sớm ngày 19 là chúng tôi đã có mặt tại Đại Lộ Thống Nhất để sẵn sàng diễn hành.
Nhìn chung quanh, tôi thấy dân chúng đi xem buổi diễn hành thật là đông và vui. nhìn về đằng trước đằng sau hàng quân của chúng tôi, tôi thấy thật nhiều những người lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nhìn họ thật là oai phong, thật là hùng tráng với súng mang vai và những hàng huy chương sáng ngời trên ngực. Tôi mơ một ngày nào tốt nghiệp quân truờng, cũng sẻ được mặc bộ quân phục giống như họ, mang súng xông ra chiến trường mà diệt trừ bọn Cộng sản xâm lược để bảo vệ sự tự do cho người dân và vẹn toàn lãnh thổ của Miền Nam Việt Nam, lúc đó, tôi cũng sẽ được đi diễn hành như họ, và chắc chắn trên ngực áo của tôi cũng có những hàng huy chương sáng ngời như những nguời lính Cộng Hòa đang đứng trước mặt.

Cuộc diễn hành bắt đầu, chúng tôi bước đi theo nhịp quân hành dồn dập và tiếng vỗ tay cổ võ của dân chúng đứng chung quanh. Tới ngang khán đài, chúng tôi đồng loạt quay đầu về bên trái, đưa tay chào Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ trên khán đài. Khung cảnh chung quanh thật là nghiêm trang, thật là trọng thể và rất là hùng tráng. Với một quân lực đông đảo và hùng mạnh như vậy, tôi tin chắc rằng Quân Lực Việt Nam Công Hòa sẽ thắng trận và thống nhất hai miền Nam Bắc.
Ngày thi đậu bằng Tú Tài II năm 1974 cũng là ngày chúng tôi tốt nghiệp trường Thiếu Sinh Quân. Chúng tôi được toàn quyền quyết định:
Nhập Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt,
Theo học những môn học tại Đại Học.

Tôi chọn nghành Y khoa, nên được đưa về Sàigòn để học chứng chỉ Dự Bị Y Khoa SPCN (Science, Physic, Chimie) ở Đại Học Khoa Học. Vì đây là trường dân sự nên khi vào lớp, chúng tôi được tự chọn lựa: Hoặc là mặc quân phục kaki, hoặc là mặc thuờng phục. Tôi chọn mặc thường phục để cho giống mọi người chung quanh. Hết giờ học, tôi vào thư viện tìm sách vở học thêm hoặc theo các đàn anh vào truờng Quân Y để được chỉ dậy thêm. Vì số sinh viên quá đông và từ khắp nèo đường đất nước đổ về, hơn nữa, cũng vì giảng đường quá lớn, không ai có chỗ ngồi nhất định, cho nên, ở những tháng đầu tiên của niên học, tôi chẳng có quen được người bạn mới nào cả.

Một hôm, trong giờ học về khoa học, tôi chọn được chỗ ngồi ở hàng thứ nhất gần chỗ ông giảng sư đứng giảng bài, nên ghi được bài giảng của ông rất đầy đủ. Hết giờ học, tôi vừa mới đứng lên sửa soạn thu xếp sách vở ra về thì có một cô sinh viên hở hàng cuối chạy lên nói chuyện với tôi:
“Chào anh, hôm nay tôi đi học trễ, phải ngồi ở dưới cuối giảng đường nên ghi chép không được đủ. Tôi thấy anh ngồi ở trên, chắc là ghi chép đầy đủ lắm, anh có thể . . . cho tôi mượn cuốn tập của anh để ghi lại những phần tôi còn thiếu hay không?”

Chuyện gì chứ cho mượn vở ghi chép lại bài thì đâu có gì lạ đâu. Tôi cũng đã hơn một lần phải đi muợn tập của bạn bè để ghi lại mà. Hơn nữa, học đại học là tự học nhiều hơn, cần phải có bạn bè giúp đỡ nhau, nên tôi vui vẻ cho cô mượn bài. Chúng tôi cùng vào thư viện của trường, tôi lo tìm sách đọc thêm, cô lo xem lại bài để ghi những phần thiếu sót. Từ đó, tôi biết tên cô là Thanh, cô thường mặc áo dài mầu xanh biển nhạt nhìn thật là lịch sự và thanh nhã. Đôi khi, Thanh phải đi làm thêm nên tới lóp trễ, nhờ tôi giữ chỗ dùm. Đang khi ghi chép bài, cặp kiếng mát của Thanh rơi xuống sàn, theo phản ứng tự nhiên của người lính, tôi nhanh nhẹn đưa tay xuống lượm lên cho cô, cùng lúc Thanh cũng đưa tay xuống nhặt cặp kính, hai bàn tay chúng tôi chạm vào nhau, bàn tay của tôi nắm vào bàn tay của Thanh. Cả hai không biết làm gì, cứ nắm lấy tay nhau một luc rồi Thanh mới buông tay tôi ra, lúc đó tôi mới nhặt lấy cặp kiếng mà trao lại cho Thanh. Thanh đỏ mặt nhìn tôi, lúng túng nói lời cám ơn.

Việc học của tôi đang suôi chèo mát mái, và tình cảm của tôi và Thanh cũng bắt đầu nầy nở. Nhưng chợt một hôm, tôi nhận được giấy về trình diện trường cũ với đầy đủ quân trang quân dụng.
Tới trường, ông Đại đội truởng tập họp tất cả chúng tôi lại, cho bĩết ngắn gọn:
“Viện trợ của Mỹ đã bị cắt giảm, không còn ngân quỹ cho các sinh viên đi học đại học. Tất cả phải nhập học khóa 31 Võ Bị Đà Lạt ngay.
Thế là hết giấc mơ làm thầy thuốc. Thế là hết những ngày tháng êm đềm bên Thanh. Tôi muốn báo cho Thanh biết, nhưng không còn cơ hội đến trường học nữa, và cũng không có địa chỉ nhà của Thanh.
Nhưng ngay lúc ấy, trước mặt tôi lại hiện ra một khung trời mới: Tôi nhớ lại hình ảnh những người lính oai hùng với huy chương sáng chói trên ngực áo. Tôi phải noi gương đàn anh để trở thành một người lính chiến ngay lập tức, vì tại thời điểm cuối năm 1974 này, chiến trường Miền Nam thật là xôi động.

Ba ngày sau, chúng tôi ba lô lên vai bay lên Đà Lạt, nhập trường mới: Truờng Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Lại qua một màn khám sức khỏe phân chia đại đội, trung đội.
Một tháng trời trôi qua, chúng tôi vẫn chưa dược nhập khóa, chì mỗi ngày ăn uống tập thể thao đọc sách mà thôi.
Quyết định mới lại đưa ra:
“Viện trợ Mỹ đã bị cắt tới tận cùng, Bộ Quốc Phòng không đủ ngân quỹ cho tất cả chúng tôi nhập khóa 31. Thiếu sinh quân chúng tôi phải chia ra làm hai: Một nửa ở lại nhập khóa 31, phần còn lại trở về Sàigòn, nhập khóa 1/75 Thủ Đức (trường mới đã rời về Long Thành).
Tiếp theo là phần đọc tên người đi kẻ ờ. Tôi có tên trong danh sách về Long Thành. Tôi lại một lần nửa ba lô lên vai trở về Long Thành.
Tháng 4 năm 1975, chúng tôi được gắn Alpha để chính thức là Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 1/75 Long Thành. Lúc này, tôi được sĩ quan cán bộ và những huynh trưởng cho hay, tình hình đất nước đã rất là tồi tệ, Việt cộng đã tổng tấn công ở khắp mọi nơi và đã tiến gần tới Saigòn.
Ngày 21 tháng Tư 1975, chúng tôi nghe từ trong máy thâu thanh tin Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã từ chức, Phó Tổng Thống Trần Văn Hương lên thay thế. Chúng tôi nhìn nhau không hiểu chuyện gì sẻ xẩy ra? Đất nước mình sẽ đi về đâu? Tương lai của anh em chúng tôi sẽ ra sao? Nhưng tinh thần của chúng tôi vẫn vững vàng, cả tiểu đoàn khóa sinh vẫn nguyên vẹn.

Khoảng giữa tháng Tư 1975, toàn bộ sinh viên sỉ quan và cán bộ của trường Long Thành được lệnh di tản về truờng Thủ Đức cũ. Tôi lại một lần nữa ba lô lên vai, chỉ có khác là lần này, chúng tôi được lệnh mang theo đầy đủ súng cá nhân, đạn dược và thức ăn cho nhiều ngày.
Đến trường Thủ Đức, đầy những sinh viên sĩ quan, không những chỉ có tất cả các khóa sinh của trường Long Thành, mà còn có những sinh viên sĩ quan khóa 30, 31 của Võ Bị Đà Lạt, sinh viên sĩ quan Không quân (khăn đỏ và khăn vàng) nữa. Chúng tôi được lệnh trải ra phòng thủ trường. Theo lịch trình tuần tự, đến phiên tôi được chỉ định làm Tiểu Đội Trưởng, được lệnh đưa tiểu đội ra gác tại Tuyến A, nhìn xuống Xa lộ Biên Hòa, chúng tôi liên lạc thường xuyên với Trung úy Xuân, Đại đội truởng khóa sinh.

Đêm 29 tháng Tư năm 1975, từ đồn canh, tôi nhìn về hướng Sàigòn, trực thăng bay từng đoàn thật nhiều, không biết đó là trực thăng của Mỹ hay của Việt Nam? Không biết những chiếc máy bay này chở ai? Đi đâu?
Sáng sớm ngày 30 tháng Tư 1975, tôi đặt ống nhòm nhìn xuống xa lộ, thấy có bốn chiếc chiến xa đang di chuyển về hướng Sàigòn, tôi vội vàng báo cáo với Trung úy Xuân, cho ông biết tình hình và nói rõ là có thấy cờ treo ở trên cần ăng ten truyền tin, nhưng không biết đó là cờ của ai? Trung úy Xuân cũng đặt ống nhòm và cho tôi biết tin dữ:
“Xe tăng Việt cộng đó, tụi nó treo cờ Xanh lá cây và xanh lơ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đó, anh em cẩn thận canh phòng cho vững, tôi sẽ cho lệnh bắn xuống đám xe tăng đó.”
Tích tắc sau, tôi đã nghe tiếng súng từ thiết giáp ở trong trường bắn xuống xa lộ. Ba viên đạn trúng ngay đằng trước đám xe tăng, một trái trúng ngay vào chiếc xe tăng đầu tiên, trái cuối trung bên hông của đoàn xe. Anh em chúng tôi thích thú đứng hết cả lên giơ súng hoan hô pháo thủ thiết giáp đã bắn rất chính xác.

Đoàn xe thiết giáp của Việt cộng vội vã quay đầu chạy trở lại hướng Biên Hòa, chúng tôi như được gia tăng sức mạnh, quay trở lại lo tăng cường phòng thủ thật cẩn mật. Một SVSQ tên Hóa leo lên tháp canh để canh phòng đám bộ đội nếu chúng tới gần, Anh Hóa nhìn thấy rất nhiều xe nhà binh nhưng không giống xe GMC của mình đang chở đầy lính chạy trên xa lộ về phía chúng tôi. Nếu có súng đại liên, chúng tôi có thể bắn xuống bọn chúng, nhưng thật là đáng tiếc, chúng tôi chỉ có súng M16 mà thôi. Ở trên chòi canh mà không có súng lớn thì vô ích và thật nguy hiểm, tất cả chạy ra gọi anh Hóa xuống, anh vừa xuống tới nấc thang cuối cùng thì một trái B40 đã bắn tới, xập toàn bộ tháp canh xuống, anh Hóa hú hồn le lưỡi chạy vội vào tưyến A.

Ngay lúc đó, từ máy thâu thanh của một khóa sinh, chúng tôi nghe rõ Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, yêu cầu chúng tôi buông súng chờ phe bên kia tới bàn giao.
Tại sao lại đầu hàng? Làm sao mà bàn giao được? Không! Không thể nào như vậy được. Anh em chúng tôi nhất định không chịu đầu hàng, chúng tôi còn đủ súng đạn, mặc dừ chúng tôi chưa chính thức là một nguời lính, nhưng đã có số quân, đã mặc quân phục, đã mang súng để chiến đấu bảo vệ quê hương, chúng tôi không thể đầu hàng. Tôi gọi máy liên lạc với Trung úy Xuân, người linh mang máy trả lời là:
“Ông Thầy đã lên thiết giáp ra phía sau trường để đề phòng bọn Việt cộng đánh bọc hậu.”
Một lúc sau, từ trong quân trường, anh em Võ bị và Không quân chạy rạt về phía chúng tôi, vừa chạy vừa la:
“Đừng bắn! Chúng tôi là Sinh Viên Sĩ Quan đây.”
Anh em chạy ào vào tuyến, vừa thở vừa cho biết:
“Xe tăng Việt cộng nhiều lắm, chúng đã tấn công trường , bắn cháy xe tăng của mình rồi. Chúng tôi trước đó đã phá kho súng lấy được vài khẩu M72, nên đã lấy ra bắn cháy một chiếc xe tăng của bọn chúng, nhưng chúng đông lắm, dùng đại liên bắn trả lại chúng tôi, một anh khóa khăn đỏ (Không quân) đã bị bắn xuyên qua đầu chết rồi. Không có chỗ núp, chúng tôi phải chạy ra với các anh.”

Súng nổ khắp mọi nơi, bọn bộ đội bắt đầu bắn về phía chúng tôi, chúng tôi bắn trả lại thật dữ dội, đẩy ngược bọn chúng về phía trường học. Có tiếng xe tăng gầm thết càng ngày càng lớn, rồi tôi nhìn thấy rõ ràng chiếc xe tăng đầu tiên đang quay họng đại bác bắn vào tuyến phòng thủ của chúng tôi. Một anh Không quân lấy khẩu M72 cuối cùng nhắm ngay chiếc xe tăng mà bắn, chiếc xe tăng trúng đạn nhưng không bị cháy, nó quay đầu xe trở lại nhắm vào chúng tôi một lần nữa. Không còn cách nào tự vệ nữa, chúng tôi tan hàng chạy qua hướng Trung Tâm Huấn Luyện Cảnh Sát Quốc Gia. Chỉ còn tôi với thằng Thật chạy chung với nhau.

Chạy ngang khu nhà dân, tôi nhớ khu này của gia đình binh sĩ, họ thưởng nhận đồ nhà binh của chúng tôi để giặt úi. Cô gái Tên Xuân nói với tôi:
“Ba của em còn ở trỏng đó, không biết ổng còn sống hông, mấy anh chạy đi, tụi nó vô đầy hết trơn rồi. Chúng tôi vượt hàng rào vào TTHL Cảnh Sát, đáng tiếc, anh em khóa sinh ở đây đã rút hết đi nơi khác rồi, kho vũ khí cũng trống trơn không còn gì nữa. Tiếng xe tăng của bọn Việt cộng rít lên ngoài cổng chính.
Thật nhìn tôi, chán nản:
“Hết rồi, cùng đường rồi.”
Tôi trả lời rõ ràng:
“Cứ thế mà đi ra, không đầu hàng”.
Hai đứa chúng tôi bỏ súng xuống, đi ra cổng.
Xe tăng Việt cộng đầy trong sân, một tên xạ thủ đại liên trên xe tăng quắc mắt hỏ chúng tôi:
“Đi đâu đây?”
Lần đầu tiên tôi thấy Việt cộng, da mặt tên này tái xanh như tầu lá chuối, cặp mắt của hắn xâu thẳm như bị bệnh sốt rét và đói ăn lâu ngày.
Tôi bình tĩnh trả lời:
“Ở trong khám mới chạy ra, đang kiếm đường về nhà”
Tên này không hỏi gì thêm nữa, chỉ đường cho hai đứa tôi ra xa lộ.
Dọc đường, tôi thấy thật nhiều dồng bào và những thanh niên như tôi đang im lặng chạy về phía Sàigòn. Đi ngang qua một cái cầu nhỏ, có một trạm gác, người lính Cộng Hòa bị đạn chết gục trên khẩu súng đại liên không còn viên đạn nào cả. Một người đi ngang, dáng vẻ của một người lính, đã dừng chân, nhặt cái nón sắt rơi dưới đất đội lên đầu cho xác chết.

Đi một đoạn đường nữa, tôi thấy một thanh niên mặt thất thần, tay cầm túi xách đi ngược đường với chúng tôi, về phía Thủ Đức. Tôi ngạc nhiên nhìn anh và thật không ngờ, đó là tài tử Hùynh Thanh Trà (tôi nhớ mặt anh vì đã đi xem phim “Loan Mắt Nhung” do anh đóng chung với Thanh Nga). Tôi nắm vai anh lại, hỏi anh:
“Anh Trà, anh đi đâu đây?”
Anh không trả lời tôi, chỉ tự nói với chính anh:
“Hết rồi . . . Không còn gì nữa rồi . . . “
Về đến ngả tư Hàng Xanh, qua cầu Thị Nghè, chúng tôi vẫn còn thấy những người lính Nhẩy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Biệt Kích 81, Thiết giáp vẫn hiên ngay chống trả lại xe tăng của bọn Việt cộng, chúng tôi muốn nhẩy vào vòng chiến, nhập với họ mà tiếp tục chiến đấu, nhưng bọn chúng bắn chặn đường không cho chúng tôi băng ngang.
Tới khúc Hồng Thập Tự và Phan Đình Phùng, nhà tôi cửa đóng then cài, không thấy bóng mẹ và các anh tôi đâu cả, những người hàng xóm nhìn tôi ái ngại. Thật rủ tôi về nhà ba má của anh, ở phía Ngã Bẩy, Lý Thái Tổ. Cha mẹ anh còn ở nhà, im lặng đón chúng tôi lên lầu tăm rửa thay quần áo.

Từ trên lầu, tôi thấy những đám con nít mang băng đỏ trên cánh tay chạy đi chạy lại la hét rầm trời, súng đạn vẫn còn nổ khắp nơi. Màn đêm ngày 30 buông xuống thật mau, hai đứa tôi vẫn đứng bất động trên lan can, có người em của Thật cũng lên nhập bọn. Có tiếng xe Jeep chạy từ đầu đường, trên xe có mấy thanh niên mặc thường phục cầm súng băn chỉ thiên hàng tràng dài. Em của Thật nhìn kỹ đám thanh niên rồi la lên nho nhỏ:
“Tên sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm đó, chắc nó vừa mới thoát ra khỏi khám Chí Hòa lấy súng bắn chào mừng đám bộ đội Việt cộng đó?”

Trời đêm 30 không có hỏa châu, nhưng có thật nhiều đám cháy và tiếng súng vẫn vang vọng khắp nơi.
Ánh lửa bùng lên thật cao . . .
Qua ánh lửa, tôi nhìn thấy những người lính Việt Nam Cộng Hòa oai hùng với hàng dẫy huy chương đang đi diển hành qua khan đài.
Qua ánh lửa, tôi thấy những người Thiếu Sinh Quân trong quân phục đại lễ trắng, đội bê rê đỏ đang diển hành trong tiếng reo vang cổ võ của dân chúng đứng hai bên đường:
“Hoan hô các em Thiếu Sinh Quân . . . Các em là tương lai của Việt Nam Cộng Hòa chúng ta đó . . . “
Qua ánh lửa, tôi thấy những người lính cuối cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đang bắn vào xe tăng và đám bộ đội chung quanh, rồi thân xác họ bị tan biến đi . . . Những người Lính Việt Nam Cộng Hòa oai hùng của tôi . . .

Ngày hôm sau, tôi một mình trở về trường Thiếu Sinh Quân, trường vắng lặng và có đám bộ đội đứng gác bên ngoài. Tôi đi về hướng nhà một đàn em ở ngay tại Vũng Tầu để hỏi thăm tình hình.
Thăng vừa thoát về đêm hôm qua, kể cho tôi nghe:
“Bọn chúng bắn đại liên vào trường rồi tấn công, chúng em bắn trả lại dữ dội, Đến sáng hôm sau, chúng nó đem xe tăng vào, dùng súng bắn xập cổng rồi tràn vào, nhiều đứa chúng em bị thương lắm. Chúng bắt tụi em nhốt ở khu trại đằng trước trường, đêm đến, chúng em dắt các khóa sinh nhỏ chạy trốn hết, em mới về tới nhà sáng nay thôi.

NHỮNG THIẾU SINH QUÂN CỦA TÔI
NHỮNG SINH VIÊN SĨ QUAN ĐÀ LẠT, THỦ ĐỨC, KHÔNG QUÂN CỦA TÔI NHỮNG NGƯỜI LÍNH VIỆT NAM CỘNG HÒA CỦA CHÚNG TA CHIẾN ĐẤU TỚI GIÂY PHÚT CUỐI CÙNG, NHƯ THẾ ĐẤY.

 

NGUYỄN KHẮP NƠI.

Viết theo lời kể của cựu Thiếu Sinh Quân Nguyễn Nam Sơn, khóa 1968.

2 comments:

  1. Quá lâu rồi không được đọc bài của tác giả Nguyễn Khắp Nơi. Trước đây thường được đọc bài của anh trên báo Việt Luận. Bài viết hay và rất thật, gợi nhớ lại tháng 4 buồn 1975 và phản ảnh đúng tinh thần chiến đấu quả cảm của những người lính VNCH.
    Cám ơn tác giả và NPN đã post bài
    Phạm Doanh Môn

    ReplyDelete
  2. Thời gian đó, tháng 4/1975, tôi đang học khóa 48 SQ. CB. HCTC ở trường HCTC, huấn khu Thủ Đức. Trường bộ binh TĐ cũ chia làm 6 trường ngành. Trường HCTC ;là doanh trại cũ của TĐ 3 SVSQ cũ. Vì doanh trại nhỏ hẹp, khóa sinh nào nhà ở SG hoặc vùng phụ cận có thể sáng đi chiều về bằng xe gắn máy.
    Ngày 23/4/1975, các khóa sinh của trường bộ binh Long Thành di tản về đây, phụ trách 4 tuyến gác. Họ gồm khóa sinh VBQG Đà Lạt, khóa 30 và 31. Khóa sinh SQ của trung tâm huấn luyện KQ ở Nha Trang, và khóa sinh Bộ Binh Long Thành. Chiều ngày 25/4/75, tôi lấy xe về nhà qua cổng chính, cổng 1. Tôi gặp SVSQ Trần Văn Hổ, cùng trung đội 324 với tôi ở khóa 3. 72 TĐ. Bạn ấy qua khóa phi hành, đi học sinh ngữ QĐ, có lẽ hết tài khóa nên trở lại TT. HL. KQ Nha Trang, chạy về Long Thành, rồi chạy về đây. Sau gần 2,5 năm, bạn vẫn mang con cá vàng lơ lững.
    Năm 1990, tôi gặp lại bạn ở TT. TM quận 10 rồi bặt tin đến nay....Một thời để nhớ...

    ReplyDelete