Tôi kể chuyện sau đây, làm gì bạn cũng chán, vì nó giống rất nhiều trường hợp đã từng xảy ra, nhưng không kể thì bạn tôi buồn, vì: “Mầy ráng kể cho người khác nghe, để họ biết. Đó là kỷ niệm của tao...”
Đây là một chuyện tình. Mà chuyện tình dang dở mới hay, chứ
hai anh chị yêu nhau rồi thành vợ chồng thì chán chết. Bạn đã lập gia đình
chưa? Cứ soi gương hoặc nhìn trộm “đối phương,” thì sẽ thấy những nét thê lương
trên gương mặt đau khổ vì sẽ phải sống với nhau đến “đầu bạc răng long!” Chán
đến bực nào!
Chuyện phải có đầu
có đuôi. Phần đầu chuyện nầy xảy ra ở Việt Nam, trước 1975, phần cuối nằm bên
Mỹ, sau năm 2000. Trên 20 năm! Coi như từ thế kỷ 20 qua thế kỷ 21!
Ở một tỉnh lẻ miền
Trung Việt Nam, có cậu học trò yêu cô nữ sinh. Cậu tìm cách cho cô biết là mình
yêu cô ta, nghĩa là tỏ tình, cô ta chấp nhận, và thế là cô cậu yêu nhau. Diễn
tiến chuyện tình nào cũng giống nhau. Viết thư, hẹn hò, gặp nhau, cầm tay nhau,
thề non hẹn biển... đại khái như vậy. Tỉnh lẻ còn có màn khuyến khích
nhau chăm học để xây dựng tương lai. Thế nên, trên bàn học, cả hai đều giành
một nửa thời gian để học, một nửa để mơ mộng và viết thư tình. Cậu vâng lời
người yêu, học ngày học đêm, học xanh mặt... nhưng tú tài hai, cậu thi rớt (thi
hỏng). Vậy là phải vào trường Sĩ Quan Thủ Đức. Trong thời gian trong quân
trường, cô cậu vẫn thư từ với nhau, vẫn quyết giữ lời thề chỉ yêu một người.
Khi ra trường, cậu
trở thành một chàng chuẩn úy mạnh khỏe, hiên ngang. Chàng xung phong vào binh
chủng nhảy dù. Khi ra đơn vị, đi hành quân, rồi đụng độ, chàng chới với, thấy
tử thần có thể thò tay chộp mình bất cứ lúc nào nên chàng đâm ra mất tinh thần:
“Mình cưới em, rủi mình lãnh đạn thì đời em khổ!” Vì thế chàng ít trả lời thư
nàng. Nàng thì không thúc giục, trách móc nhưng báo tin rằng cha mẹ nàng “ép
duyên” nàng với một người mà nàng “ghét cay ghét đắng”! Nàng càng gửi nhiều thư
thì chàng càng cắn răng yên lặng cho nàng yên lòng lên xe hoa. Khi được tin
nàng lấy chồng, chàng buồn lắm nhưng nghĩ rằng, mạng mình còn không giữ được,
tư cách gì giữ được người yêu. Cứ coi như đã quyết dâng trọn đời mình cho Tổ
Quốc thì không còn thắc mắc gì nữa.
Đời lính, sống rày
chết mai. Ra trận thì thần kinh căng như sợi dây đàn. Khi dừng quân hay về hậu
cứ, phải tìm cách cho sợi dây đàn đó bớt căng, bằng cách nhậu nhẹt, ca hát, vui
chơi xả láng. Không nhớ dĩ vãng, không nghĩ đến tương lai... để mai đây lại
chuẩn bị hành quân. Cứ thế, ngày nầy qua tháng khác...
Bỗng nhiên, năm
1975, Dương Văn Minh đầu hàng giặc. Ai cũng chưng hửng!? Thế là chàng đi tù.
Chuyện tù Cộng Sản
thì đã có nhiều người kể, cả đến khi đi tù về, cũng có nhiều người kể rồi, bây
giờ xin qua chuyện đi HO qua Mỹ. Nhân vật nam của chúng ta được Mỹ nhận, được
hưởng qui chế tị nạn, nghĩa là được lãnh trợ cấp, được bảo hiểm sức khỏe
(medicaid) miễn phí trong khoảng 8-9 tháng. Sau đó, chàng xin được một việc
làng nhàng gì đó sống qua ngày. Ở Cali. đông người Việt, chàng gặp lại biết bao
bạn thân trong quân ngũ, trong tù. Thế là màn hẹn hò nhau nhậu nhẹt lại tái
diễn tưng bừng, náo nhiệt. Bạn bè không gọi chàng bằng tên mà bằng biệt danh
“Thằng vừa đánh răng vừa huýt sáo.” Nguyên do là lúc đi tù, bịnh hoạn, đói
khát, người chàng suy sụp, chỉ da bọc xương, mấy cái răng thay nhau rụng dần.
Qua đến xứ Mỹ, hàm răng chỉ còn trên danh nghĩa, quân số cỡ tiểu đội trừ. Chịu
khó móm mém nhai một lúc thì món gì cũng nuốt được hết. Vấn đề ở chỗ, cái miệng
coi rất kỳ. Môi trên, môi dưới lồi lõm, giống cái mép của “cái bánh quai vạc.”
Khi cười thì chiếc răng nầy đứng xa chiếc răng kia, trông rất mất đoàn kết. Bạn
bè xúi: “Mầy
không nhân dịp cái medicaid (bảo hiểm sức khỏe) mà nhổ hết mấy cái răng cũ,
thay hai hàm răng giả vào, ít lâu nữa, hết oe phe (welfair) tiền đâu nhổ răng,
thay răng?”
Vậy là chàng đến nha sĩ, nhổ ráo trọi. Răng xấu, răng tốt,
răng lung lay cho đi chung một xuồng (thời đó chưa có chuyện cấm nha sĩ nhổ
răng cả hàm để lấy tiền bảo hiểm). Dĩ nhiên, hai hàm răng giả đó, tối ngủ, tháo
ra bỏ vào ly nước cho nhẹ miệng, sáng dậy đánh răng (giả), miệng vẫn có thể
huýt sáo vui vẻ. Từ khi đeo hàm răng giả, bạn bè gặp chàng rất ngạc nhiên:
- Sao lối rày mầy đẹp trai ra vậy?
Chàng cười, đưa hai hàng ngọc trai trắng nuốt:
- Tao vừa làm răng giả.
Chẳng phải bạn bè khen lấy lòng mà các bà sồn sồn cũng vồn
vã, thân mật với chàng nhiều hơn trước, đôi khi còn tặng chàng một cái nhìn
long lanh, xiêu đình, đổ quán. Khi được nhiều người đẹp để ý, tâm hồn chàng
bỗng đâm ra lãng mạn, mơ màng. Thế là chàng muốn nổi bật, muốn thành thi sĩ, ca
sĩ, nhạc sĩ... Trước hết, chàng làm thơ. Khổ nỗi, chàng làm chỉ được một câu,
câu tiếp theo lại không ăn vần với câu trước. Chàng nghiên cứu thơ Đường, song
thất, song thất lục bát, thất ngôn, ngũ ngôn, hò, vè..Chàng vẫn thất bại! Thời
may, chàng đọc được một bài báo nói về thơ tự do. Đã tự do thì làm gì chả được,
cần gì vần điệu,miễn là đừng vi phạm đến “thơ” tự do của người khác. Thế là
chàng làm thơ tự do, đôi khi tự cho là siêu thực. Chàng viết tùm lum ra những
câu rất bí hiểm, xong chàng ngắt ra thành từng khúc, xuống giòng và gửi đi các
báo. Báo nào chàng cũng kèm một cái check mua một năm báo với điều kiện phải
đăng những bài thơ của chàng. Các báo cũng chẳng hẹp hòi gì, cũng có thể họ mặc
cảm, nếu không đăng thì chứng tỏ mình chưa đủ trình độ hiểu thơ “siêu thực.”
Chàng còn dành dụm tiền và ra một tập thơ. Rồi ra mắt thơ, có bạn bè đến dự, có
báo chí đưa tin, khen tặng, đăng hình... Có thơ đăng báo, ra mắt tập thơ, đương
nhiên chàng là “nhà thơ.”
Sau khi đã thành thi sĩ, chàng tiến sang lãnh vực ca
sĩ. Chuyện nầy dễ hơn. Cứ ca rao kê (Karaoke) hát theo cho đúng nhịp, đúng
giọng rồi chờ dịp “hội hè đình đám” là chàng xung phong lên giúp vui. Giọng
chàng không hay, ai cũng ngại mời chàng hát, nhưng không cho chàng hát thì
chàng giận. Nghe nói ở một tiểu bang miền tây Hoa Kỳ, trong một buổi họp cộng
đồng, có một bà xin lên hát, không cho bà hát, bà viết đơn tố ông chủ tịch cộng
đồng đem tiền đóng góp của cộng đồng đi nhậu. Mỗi việc đính chính thôi cũng đủ
khiến ông chủ tịch xất bất, xang bang. Từ đó, hễ bà muốn hát là hội đoàn nào
cũng phải cho bà hát, nổi hứng, bà ngâm thơ. Cũng ở tiểu bang đó, có một bà
khác, không cho lên hát, bà ta tố một ông chủ tịch hội đồng hương “thâm lạm”
quĩ, ông nầy (là bác sĩ, thiếu khối gì tiền), bực mình, từ chức.
Trở lại chuyện chàng
“đánh răng huýt sáo” nầy. Trong các buổi lễ lạc đông người, chàng được long
trọng giới thiệu là: Ca sĩ kiêm thi sĩ “Thương Hoài Tiên,” ý chàng là để tưởng
nhớ một người tên Tiên. Kể ra, “cũng có danh gì với núi sông,” đủ cho chàng
khoái chí với mấy bà nạ dòng cô đơn. Chàng để tóc dài, ăn mặc cẩu thả một chút
cho ra vẻ nghệ sĩ, những nơi đông người (mà có các bà) chàng thường ít nói
chuyện, làm ra vẻ suy tư, mắt nhìn xa xôi, mày nhíu lại, thỉnh thoảng lại gật
gù, miệng như mỉm cười một mình... vì chàng biết có nhiều bà đang “chiêm
ngưỡng”(?!) mình.
Đọc đến đây, tôi
biết, bạn chẳng thấy gì đáng cho bạn bỏ mấy chục phút ra để theo dõi. Thì đây.
Mời bạn đọc tiếp.
Một buổi
tối, chàng nghe điện thoại reo. Một giọng nữ bí mật, ỡm ờ:
- A lô! Biết
ai gọi đây không?
- Xin lỗi.
Tôi đang được hân hạnh tiếp chuyện với ai đây ạ?
- Nghe giọng
nói mà không nhớ ra người sao? Không thèm nhớ hay đã quên hẳn rồi?
- Giọng nói
thì rất dịu dàng, thân mật và vui vẻ. Ai vậy cà?
- Bé Ti đây!
Nhớ ra chưa?
Chàng ngớ
ra. Trên đời, chàng đã gặp biết bao Bé Ti. Đó là tên gọi những cô bé còn bé tí.
- Xin lỗi.
Người Việt mình, đa số các bé gái đều được gọi là Bé Ti. Người nào rất thân mới
tiếp tục gọi Bé Ti khi cô bé đã lớn...
- Trong số
biết bao Bé Ti đi qua đời anh, lẽ nào anh không nhớ được lấy một người?
Rồi bên kia
đầu giây có tiếng hát “Người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người?”
- Chúa ơi!
Tôi làm gì được hân hạnh đó?
- Em không
có ý nói nghĩa đen. Anh hiểu chưa?
- Tôi đi
lính, trước mặt là kẻ thù, bên cạnh là chiến hữu, rừng núi, sình lầy... đánh
nhau túi bụi, họa hoằn lắm, khi dừng quân, mới tán tỉnh, chọc ghẹo cô hàng cà
phê mấy câu. Chỉ thế thôi. Qua đây, tuổi già xế bóng, các bà nạ dòng cũng chỉ
ban cho vài câu vui vẻ. Tôi làm gì được cái hạnh phúc là có người có cảm tình,
để ý yêu thương, lại còn cho “qua đời” nữa? Hay là cô đang chọc ghẹo tôi cũng
nên?
Im lặng một
lúc rồi có tiếng thở dài:
- Tội nghiệp
anh! Nhưng em biết, anh có yêu một người. Nhà thơ “Thương Hoài Tiên” của em ơi!
Anh còn nhớ người xưa không?
Thi sĩ kiêm
ca sĩ của chúng ta kêu lên:
- Bé Ti! Em
Tiên đó hả? Phải em không?
Xin thưa,
đây là người yêu tỉnh lẻ của chàng, thời chàng còn là học trò, như đã kể phần
trên. Thế là chàng và nàng sôi nổi, trò chuyện với nhau hàng giờ trên điện
thoại. Nàng cho chàng biết là đang ở tiểu bang Kentucky với con gái. Chồng chết
năm 83, sau khi vượt biên qua Mỹ được 5 năm. Nàng đến nhà một người bạn, thấy
tập thơ của chàng, trong đó có địa chỉ và số điện thoại nên gọi đến chàng ngay.
Chàng mời nàng đến dự trong dịp Đại Hội Mũ Đỏ,
tháng sau, tổ chức ở Cali. Chàng hứa sẽ hát tặng nàng nhiều bản nhạc rất hay,
rất ý nghĩa. Nàng bảo rằng, thằng con trai nàng đang làm việc ở Cali. nàng sẽ
đến dự. Chàng hỏi ngày giờ để đón nàng, nhưng nàng bảo sẽ gặp nhau đêm đại hội
cho bất ngờ và thú vị.
Thế là từ
hôm đó, cả hai, chàng và nàng đều sửa soạn cho buổi gặp gỡ. Hai người đều có
những vấn đề giống nhau, là những biểu hiệu của tuổi già. Tóc bạc, da nhăn và
bụng phệ... Chàng và nàng đều đi nhuộm tóc. Nàng cắt ngắn mái tóc, cỡ ngang vai
cho giống thời nữ sinh. Chàng có lợi thế ở hàm răng giả trắng nuốt như ngọc
trai thì nàng cũng đang chấn chỉnh cho dung nhan mùa hạ đỡ phần ảm đạm. Sau
buổi điện thoại độ một tuần, nàng bay về Cali. vào ngay mỹ viện, cắt mắt, căng
da mặt, xăm lông mày. Bây giờ thì đôi mắt nàng thụt vào, sâu thẩm, giống mắt cô
Ấn Độ, rất đẹp, chỉ hơi phiền là khi ngủ, mắt không nhắm kín được! Trở lại mỹ
viện thì người ta bảo: “Cắt ra thì dễ, vá thêm vào rất khó, có thể đui mắt”?!
Vì thế nàng bỏ ý định nâng ngực và sửa mũi. Vấn đề còn lại là hôm đại hội nàng
sẽ ăn mặc như thế nào? Đồ đầm hay áo dài truyền thống? Nàng quyết định mặc áo
dài nhung màu tím than, đeo chuỗi ngọc trai (giả) vừa mệnh phụ vừa sang trọng.
Về Cali.
nàng để ý tìm chàng, có thấy nhưng không muốn gặp mặt, để giây phút bất ngờ đó
cho đêm đại hội. Tối dự đại hội, nàng còn mang thêm kiếng cận (giả), trông vừa
trí thức vừa rất lạ để chàng không nhận ra. Khi nàng vào cửa với vợ chồng thằng
con trai thì thấy chàng đang loay hoay, sắp xếp cờ quạt, máy móc trên sân khấu,
thỉnh thoảng chàng bước xuống chỗ tiếp tân nhìn chừng những khách dự tiệc, mà
không biết rằng nàng đã ngồi vào bàn từ trước rồi.
Buổi đại hội
nào cũng giống nhau. Giới thiệu chương trình, chào cờ, đọc diễn văn rồi ăn uống
và nghe ca nhạc. Không biết chàng có tìm thấy nàng chưa mà chàng không còn sớn
sác dòm ngó từng bàn tiệc nữa.
Khi đến giữa
chương trình thì người giới thiệu trân trọng mời nhà thơ kiêm ca sĩ Thương Hoài
Tiên lên “cống hiến” một bản nhạc. Chàng bước lên sân khấu với cây đàn guitar:
- Tôi xin
gửi đến quí vị bản nhạc “Bài Tình Ca Mùa Đông” để tưởng nhớ đến một người bạn
cũ, nay không biết phiêu bạt phương trời nào.
Ý chàng làm
như chưa tìm thấy nàng, khiến nàng rung động cả tâm hồn. Và chàng cất tiếng
hát. Chàng hát không hay lắm, nhưng nhờ bản nhạc hay và nhờ cao hứng trước
người xưa, nên giọng chàng hết sức truyền cảm. Nàng ngồi im lặng, đôi mắt gắn
chặt lên chàng, nuốt từng lời ca của chàng. Thế rồi nàng gỡ mắt kiếng cận (giả)
ra, thò tay cầm một đóa hoa hồng mà nàng đã mua đem theo và đứng lên, yểu điệu
tiến về hướng sân khấu. Chúng tôi, bạn bè của chàng đều được chàng kể cho nghe
từ trước, chỉ chưa thấy dung nhan của nàng mà thôi. Thế nên, khi nàng bước đến,
chúng tôi chờ lúc nàng tặng hoa cho chàng là sẽ vỗ tay hoan hô. Phần chàng, có
lẽ đã thấy nàng, nhưng vẫn vờ như say sưa trong tiếng nhạc, lời ca. “Bài tình
ca mùa đông, hát mãi đôi môi lạnh căm. Lòng thì vẫn hẹn cơn đau nguôi ngoai.
Sao nỗi nhớ mỗi ngày mỗi đầy!...” Không có cảnh nào cảm động bằng, không có mối
tình nào đẹp hơn! Chúng tôi, và cả bạn nữa, biết chắc nàng tặng hoa chàng rồi
hai người nắm tay nhau xuống sân khấu, ngồi bên nhau mừng mừng tủi tủi.
Nhưng, một
việc bất ngờ xảy ra, đáng lẽ tôi không kể ra đây vì bất nhẫn, nhưng sự thật nó
như vậy mới chết chớ!
Khi nàng
chuẩn bị bước lên tam cấp, lên sân khấu thì lúc chàng hát đến câu “Êm êm... Ngoài
kia nhạc đêm đông...” Chàng cao giọng, miệng há ra, gân cổ nổi lên... Đột
nhiên, hàm răng giả đẹp đẽ nhưng quái ác vọt ra khỏi miệng chàng, bay lóng lánh
trong ánh đèn sân khấu rực rỡ, sáng chói, lăn vài vòng dưới sàn gỗ rồi nằm tênh
hênh trước sân khấu, nơi thường dùng để khiêu vũ. Miệng chàng móm xọm, môi trên
thụt vô, môi dưới trề ra. Chàng buông tay đàn, bụm lấy miệng. Chúng tôi lặng người, bất động, quên cả thở!
Bây giờ!
Biết kể tiếp ra sao cho bạn đọc hài lòng đây?
Thôi thì thế
nầy. Nàng quay lại, cúi xuống, lượm hàm răng giả, lấy khăn tay đang cầm trong
tay lau sơ sài hàm răng rồi bước lên sân khấu, ra dấu cho chàng há miệng ra,
rồi nàng nhét hàm răng giả đó vào miệng chàng. Chàng trở lại đẹp trai như cũ...
PHẠM THÀNH CHÂU
Bây giờ có keo dán không sút răng ra. Tai nạn này sẽ không xãy ra nữa đâu. Mình đọc thì thấy cười, nhưng ... cười trên sự đau khổ của người ta.
ReplyDeleteTg chï viết vui thôi, đâu mà tệ dữ dzậy.
ReplyDelete