Wednesday, April 19, 2023

Từ Tố Nữ - Nguyễn Văn Tới

Hình trích từ alamy.com, trên mạng, có ý chỉ về túi vàng.

Ngày 30 tháng 4 lại đến gần, chúng ta lại được đọc những câu chuyện kể hay được viết lại về những chuyến vượt biển hiểm nguy đi tìm cái sống trong cái chết. Những hình ảnh đau thương lại tràn về trong tâm khảm của những thuyền nhân như chúng ta. Riêng tôi, ngoài những lo sợ, những kinh hoàng bị bắn, bị rượt đuổi, tôi xin viết lại một câu chuyện buồn mà vẫn phải … cười, gọi nôm na là chuyện buồn cười.

Ghe chúng tôi khởi hành gồm 48 người, trong đó có một người phụ nữ trung niên khoảng 40 tuổi người Việt gốc Hoa. Dáng người chị nhỏ nhắn, hơi thấp, mái tóc ngắn với khuôn mặt dễ nhìn, sau này tôi mới biết chị tên là Từ Tố Nữ, chị đi từ quận 5, Chợ Lớn.

Sau những nguy hiểm chết người, ghe chúng tôi may mắn được đến hải phận quốc tế khi trời hừng sáng. Chủ ghe cho phép tất cả hành khách lần lượt được chui lên bong tàu để tận hưởng không khí trong lành và để “giải quyết bầu tâm sự” phía đằng lái, sau hai đêm ngày nhịn tiểu nhịn đi cầu và bị ngộp thở, ngửi toàn mùi khói dưới khoang máy. Tôi vẫn ngồi trên ghe vừa uống cà phê vừa nắm cần lái trong khi mấy người tổ chức nắm tay kéo từng người lên bong và hướng dẫn họ biết phải làm gì và đi đâu.

Chợt nghe thấy tiếng nói léo nhéo rất trong trẻo, nói rất nhiều và nói không ngừng, không kịp lấy hơi, một giọng tiếng Việt lơ lớ, tôi quay nhìn về phía sau, thấy một phụ nữ đang phân trần gì đó với một em trai trẻ tuổi. Hai bên không bên nào chịu thua bên nào. Cuối cùng em trai phải bỏ ra đằng trước, vừa lẩm bẩm chửi thề, bỏ đi vừa lắc đầu chán nản.

Phía tận cùng đằng lái, bên phải là một bàn cầu lộ thiên được quây lại bằng 4 tấm ván nhỏ vừa đủ cho một người ngồi xuống để trút bầu tậm sự vào chốn “mênh mông’ gió nước. Chúng tôi đi ghe lâu đã quen, nhưng với một người chưa đi ghe xuồng bao giờ, và nhất là một phụ nữ dân thành phố như chị thì quả là một “nhiệm vụ gần như bất khả thi” (Mission Impossible) trong khi chiếc ghe vẫn cứ lắc lư con tàu đi. Mắc đi tới nơi mà ruột gan cứ bị thót lên, nhồi xuống, nhộn nhạo vì “nỗi niềm” vừa chực trào ra thì lại phải chạy ngược lại bên trong. Nỗi niềm này thực chẳng biết tỏ cùng ai.

Chiếc ghe vẫn cưỡi trên những con sóng nhẹ nhàng bập bềnh và tiếp tục lướt về phía trước. Mặt trời đã lên cao rọi những tia sáng lấp lánh trên mặt nước. Chúng tôi quay mặt đi để cho chị có chút riêng tư, yên tâm “vận thần công lực” tống xuất độc tố ra ngoài thì nghe chị ấy la lên một tiếng kêu rất lạ, không phải tiếng la hét vì sợ hãi mà là một tiếng than não nề. Mọi người đều ngoái lại nhìn chị, chỉ thấy chị đứng bật dậy, tay kéo quần, tay chỉ xuống nước biển xanh tím, miệng ú ớ những tiếng kêu vô nghĩa. Vài người chạy lại hỏi có chuyện gì không, chị vẫn chỉ xuống biển và miệng thì la “vàng của tui, bịch vàng của tui”.

Lúc đó mọi người mới hiểu ra khi chị ngồi xuống để đi cầu thì túi vàng lận trong lưng quần rớt xuống biển. Chị vẫn tiếp tục la coi người nào có thể giúp chị vớt bịch vàng lên, chị sẽ đền ơn. Giữa biển trời mênh mông, vàng nặng chìm xuống nước rất mau, không ai biết hình thù túi vàng ra sao, mà cũng chẳng ai liều mạng nhảy xuống biển sâu để vớt túi vàng cho chị. Chị chỉ biết sụt sịt khóc vì tiếc của; ai cũng cảm thông nhưng không thể làm gì hơn, không biết nói gì để an ủi chị. Cuộc hành trình vẫn tiếp tục.

Sau này, khi chúng tôi được chuyển qua một chiếc tàu buôn Pháp để họ đưa chúng tôi đến đảo Palawan, Thuyền Trưởng Jean Gada yêu cầu tôi viết cho ông một danh sách tất cả thuyền nhân với tên tuổi và ngày sinh, quê quán để tiện việc phân phát luơng thực và khi đến đảo sẽ nộp danh sách lên cho cao ủy tỵ nạn. Tôi viết tên tất cả mọi người bằng tiếng Việt nhưng không thêm dấu cho ông dễ đọc. Ví dụ tên anh Vũ Cao Đại, tôi viết Vu Cao Dai; khi đến tên chị, tôi viết Tu To Nu.

Ông thuyền trưởng họp mọi người lại, giải thích cho họ biết khi nào sẽ đến đảo và trấn an mọi người dù các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á đã đóng cửa, riêng trại Palawan vẫn còn đón nhận thuyền nhân. Ai nấy đều mừng muốn khóc. Ông bắt đầu đọc tên từng người, đến tên Tu To Nu, ông khựng lại, trán nhăn nhó như đang suy nghĩ điều gì. Sau một hồi lưỡng lự, ông cũng đọc to, giọng Pháp rõ ràng “Toute Nue”, ông nhắc đi nhắc lại 3,4 lần mà không ai dơ tay. Ông quay sang tôi, mặt đỏ gay vì cố nhịn cười, ngón tay chỉ vào tên chị và hỏi có ai tên “Toute Nue” không.

Mới đầu, tôi cũng không hiểu vì sao ông phải nín cười, tôi nhìn kỹ tên chị một lần nữa và chợt vỡ “cục ngu” trong đầu, và cả tôi cũng không nhịn được cười. Ông và tôi cùng nhìn nhau rồi cả hai phá lên cười sặc sụa, cười nghiêng ngả, cười đến ra nước mắt. Cả tàu ngó hai chúng tôi, tưởng hai tên này điên vì không ai hiểu tiếng Pháp đủ để thấy được sự tai hại của ngôn ngữ, ngoại trừ ông thuyền trưởng và tôi. Thủy thủ đoàn của chiếc tàu, tất cả là người Philippines nên họ cũng đứng trân ra. Sau khi cười không nổi nữa, ông thuyền trưởng thành thật xin lỗi tất cả mọi người vì có sự hiểu lầm này và yêu cầu tôi thông dịch và chuyển lời đặc biệt xin lỗi chị Từ Tố Nữ.

Trong tiếng Pháp, chữ Toute Nue nghĩa là “hoàn toàn trần truồng”. Mọi người lại được dịp cười một trận nghiêng ngả nữa, riêng chị TTN thì ngồi im một chỗ, mặt đỏ như gấc.

Sau 34 năm, tôi quên tên hầu hết những người chung chuyến tàu, nhưng tôi vẫn không thể nào quên được tên của chị vì câu chuyện vừa kể trên. Năm nay kỷ niệm 48 năm ngày đau thương dân tộc Việt Nam đang còn bị áp bức dưới ách cộng sản, những người liều mình vượt biên năm xưa, trong đó có tôi, ngồi nhớ lại chuyện đau buồn cũ; riêng tôi, trong nỗi đau thương, có thêm một chút buồn pha lẫn một chút cười mà chúng ta thường gọi là chuyện buồn … cười.


Nguyễn Văn Tới. 30/4/2023

1 comment:

  1. Cám ơn chị Tố Kim chuyển.Cám ơn tác giả Nguyễn Văn Tới cho đọc những bi hài của những ngày đau thương vượt biển.
    Hồng Thúy

    ReplyDelete