Monday, April 24, 2023

Cướp Miền Nam, Ăn Phân (Fund), Bán Việt Nam - Lâm Văn Bé


Miền Nam nói đây là Việt Nam Cộng Hòa, quốc gia đã bị thua cuộc hồi tháng tư năm 1975. Liền sau khi chiếm Sài Gòn, bọn dép râu nón cối đã từ hầm hố rừng rú chui ra, từ miền Bắc tràn vào miền Nam để vơ vét mang về gọi là chính sách 4V, đưa đảng viên miền Bắc ồ ạt vào miền Nam để tận hưởng những tiện nghi mà cả đời họ chưa bao giờ biết đến, rồi ở lại chiếm nhà chiếm đất, ăn cướp tài sản của dân miền Nam. Chính sách 4V nầy lại tiếp nối với chính sách trả thù phe thua cuộc khiến gần 1 triệu quân cán chính, kể cả tu sĩ, phụ nữ, phải bị cầm tù trong các trại cải tạo, rồi đánh phá chế độ tư sản Miền Nam, lùa dân đi kinh tế mới, như vậy chỉ trong 3 năm đã thành công đưa Miền Nam ngang hàng với sự lạc hậu của miền Bắc.

Đúng như những vần thơ “trào phúng đen” của Nguyên Thạch trong Ta đây ông Trời đã diễn tả: 

Hãy đánh cho chúng te tua / Thắng xong ta phải gom lùa tập trung

Cải tạo cho chúng lùng bùng / Hành hạ cho chúng dở khùng dở điên

Hãy đánh cho chúng hết tiền / Đánh cho tư sản chủ điền banh thây

Đánh đêm tranh thủ đánh ngày / Đánh cho bọn chúng sạch tay thành bần

Thắng xong ta phải giữ phần / Vàng bạc tài sản của dân gom về

Bao năm rừng rú u mê / Nay bù lấp lại lời thề năm xưa

Sá chi đất nước cuộc đời / Dân đói, dân sống cầm hơi mặc mầy

Dân oán, dân chửi kệ bây / Cầm nắm vận nước, ta đây ông Trời.


Bài viết trình bày nỗi bi phẩn và thống khổ của người dân miền Nam mô tả qua bài thơ trên trong thời kỳ mà cộng sản gọi là thời bao cấp, bắt đầu từ 3 lần đổi tiền, hai lần đánh tư sản, cướp nhà cướp hãng xưởng, bán bãi cho người vượt biên, rồi lùa dân đi vùng kinh tế mới gây ra bao cảnh điêu linh, tán gia bại sản cho người dân Miền Nam. Sau đó, lợi dụng các quỹ tài trợ và quỹ đầu tư của ngoại quốc giúp VN để thoát cảnh nghèo đói và lạc hậu, Cộng sản đã ăn chận, ăn chia ngoại tệ, bán rẻ tài nguyên cho ngoại bang để đổi lốt thành một giai cấp thống trị giàu tiền và quyền lực cai trị Việt Nam bằng chính sách bạo ngược, phi nhân. Bài viết theo trình tự thời gian từ 1975.


Cướp ngân hàng

Gọi là cướp ngân hàng vì vàng bạc lưu trữ trong Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa và các ngân hàng công tư lớn nhỏ tại Miền Nam là tài sản của người dân Miền Nam, được tạo dựng bằng mồ hôi nước mắt của người dân Miền Nam. Khi Cộng sản miền Bắc vào cưỡng chiếm mà họ cường điệu gọi là tiếp quản, nhưng thực sự đó là hành động cướp bóc tài sản của kẻ khác. Phải gọi chính danh như như vậy. 

1. Ngân hàng tư 

Vào ngày 30 tháng tư năm 1975, ngoài Ngân Hàng Quốc Gia VNCH là ngân hàng trung ương, trên toàn quốc còn có 36 ngân hàng gồm 6 Ngân Hàng Phát Triển Nông Thôn, 16 ngân hàng tư nhân và 14 ngân hàng ngoại quốc, tất cả có 384 chi nhánh. Khi Cộng sản vào thành phố, nhân viên ngân hàng chạy tứ tán, rồi mười ngày sau phải đi trình diện học tập, các ngân hàng rơi vào tay các cơ quan quân quản Cộng sản, và trong giai đoạn tranh tối tranh sáng, quan quân đã chia nhau ăn cắp, ăn cướp. Thời ấy, trừ ngân hàng trung ương, mỗi ngân hàng địa phương đều lưu trữ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng thì với 384 ngân hàng lớn nhỏ, tổng số tiền tồn kho phải vài chục tỷ, vậy mà chính phủ “cách mạng” công bố chỉ tiếp thu được 19 tỷ. Đó là hành động cướp của ban ngày đầu tiên của đoàn quân mang tên “giải phóng”.

 

2. Ngân Hàng Quốc Gia 

Cũng ngày 30 tháng 4, tại Ngân Hàng Quốc Gia ở Sài Gòn, các nhân viên, từ thống đốc Lê Quang Uyển đến những người trách nhiệm đều có mặt đầy đủ nên việc cướp bóc không xảy ra. Chính Lữ Minh Châu, cán bộ cộng sản của Trung Ương Cục Miền Nam đã được gài vào làm việc cho Ngân Hàng Quốc Gia từ năm 1970 đứng ra tiếp quản ngân hàng cũng phải công nhận với báo Tuổi Trẻ trong một cuộc phỏng vấn “…chính nghiệp vụ sổ sách chặt chẽ, khoa học của Ngân Hàng Quốc Gia VNCH trước năm 1975 đã giúp chúng tôi nắm được chính xác tất cả tài sản quốc gia mà chính quyền Miền Nam để lại…” Nhưng khi được hỏi tại sao chính quyền mới đã tiếp thu đủ 16 tấn vàng trong kho mà báo chí đồn rằng tổng thống Thiệu đã mang theo ra ngoại quốc mà ông không cải chính, Châu trả lời: “Đó là báo chí nói, đâu có ai hỏi chúng tôi đâu mà trả lời…” (Tuổi trẻ online 3/4/2017). Quả thật là ngôn ngữ lật lọng, đểu cáng của Việt Cộng. 

Như vậy, sau ngày 30 tháng tư 1975, Việt Cộng đã tịch thu một tích sản của Ngân Hàng Quốc Gia VNCH như sau: 

- 16 tấn vàng gồm 1234 thoi gồm 3 dạng: vàng thoi mua của Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ (FED), vàng thoi mua của công ty đúc vàng ở Nam Phi (công ty Montagu), vàng thoi do tiệm vàng Kim Thành đúc lại từ số vàng lậu do quan thuế VN tịch thu ở các vùng biên giới. Ngoài ra còn có một số đồng tiền cổ bằng vàng nguyên chất phát hành vào các thế kỷ trước của nhiều quốc gia mà giá trị còn cao hơn rất nhiều so với vàng thoi. 

- 5.7 tấn vàng gởi tại ngân hàng Thụy Sĩ cũng được thu về. 

Tổng số vàng nầy cộng thêm một số vàng khác tất cả được 40 tấn (trị giá 650 triệu mỹ kim theo thời giá 600 mỹ kim /once năm 1980) đã được đúc lại thành thoi 1kg theo tiêu chuẩn của Liên Sô để trả nợ cho Liên Sô đã cho Miền Bắc vay trong thời chiến tranh “Mỹ-Ngụy” và giải quyết tình trạng khó khăn kinh tế trong nước. 

- Về ngoại tệ ký thác tại các ngân hàng ngoại quốc như Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ, Ngân Hàng Thụy Sĩ cũng được giao trả lại cho Việt Nam, tổng cộng 396 triệu MK (vốn và lời) sau khi tái lập bang giao với Mỹ (nguồn: Tích sản NHQG năm 1975) . 

- Về tiền giấy, theo hồi ức của ông Huỳnh Bửu Sơn, người nhân viên của Ngân Hàng có mặt trong buổi tiếp thu thì “ khối tiền trong thời điểm đó là 615 tỷ đồng tiền mặt lưu hành, 440 tỷ tiền lưu trữ, không kể 125 tỷ tiền 1000 đồng in theo kiểu mới chưa phát hành” (Người giữ chìa khóa kho vàng /Báo Tuổi Trẻ, 1/5/2016). 


Đổi tiền

Có 3 lần đổi tiền được mang mật danh là chiến dịch X3 

Lần 1 (ngày 22/09/1975)

– Từ Đà Nẵng trở vào Nam: 1 $ tiền “cách mạng” đổi ra 500$ tiền VNCH. Mỗi gia đình được đổi tối đa 100 000$ tiền VNCH để có 200$ tiền “cách mạng”

 – Phía Bắc đèo Hải Vân: 3$ tiền cách mạng đổi 1000$ VNCH. Như vậy 100 000$ tiền VNCH đổi được 300$ tiền “cách mạng”.

- Đối với giới kinh doanh: được đổi thêm từ 100 000$ đến 500 000$ tiền VNCH, nghĩa là có thể có thêm từ 200$ đến 500$ tiền cách mạng. Để vớt vát được phần nào vì tiền cho đổi quá ít, người dân nhờ cán bộ, bộ đội đổi tiền dùm để ăn chia, thường là tỉ lệ 4/6 (4 là người dân có tiền) có khi lên đến 8/2.

- Số tiền còn lại không đổi được phải ký thác vào ngân hàng, đến đầu năm 1976, mỗi người được rút ra 30$ mỗi tháng, nhưng đến cuối năm thì ngưng hẳn luôn. 

Cuộc đổi tiền nầy là một cuộc đánh cướp qui mô trắng trợn của quân xâm lược, làm tán gia bại sản người dân Miền Nam. Bởi lẽ chỉ có 12 giờ đổi tiền cho 21 triệu dân, nhiều người không đổi tiền được vì không có tên trong sổ gia đình (lúc đó chưa có sổ hộ khẩu) vì đủ thứ lý do, thí dụ như người giữ tiền vắng nhà (đi xa chưa về kịp, đang bị ở trong trại cải tạo…) nên người nhà không biết chỗ cất giấu tiền, nhiều người giàu phút chốc trắng tay nên rất nhiều người phẫn uất đem tiền ra đốt, tự tử. 

Trong cuộc đổi tiền nầy, Cộng sản tuyên bố thu về được 375 tỷ đổng bạc VNCH. Nếu căn cứ vào số tiền đổi tối đa 100 000 $ cho một gia đình thì chỉ có 3.75 triệu gia đình hay 15 triệu dân được đổi tiền (tính theo mỗi gia đình trung bình có 4 người, theo Cuộc Tổng điều tra dân số năm 1989 của Viện Thống Kê). Như vậy, trong số 21 triệu dân của Miền Nam (vào năm 1975), chỉ có 15 triệu được sống cầm hơi và 6 triệu hoàn toàn bị mất trắng số tiền dành dụm từ mồ hôi nước mắt. Đó là nói theo lý thuyết, nhưng trên thực tế, tiền giải phóng là giấy lộn, chẳng có giá trị gì trên thị trường hối đoái quốc tế và như vậy, Việt Cộng đã ăn cướp công khai 615 tỷ tiền VNCH đang lưu hành, tương đương với 1.2 tỷ mỹ kim (theo hối suất 1 mỹ kim = 500 $VNCH vào năm 1975) 

Lần 2 (25/04/1978)

- Phía Bắc vĩ tuyến 17: 1$ mới = 1$ cũ

- Phía Nam vĩ tuyến 17: 1$ mới = 0,80$ cũ

Dân thành thị được đổi tối đa 500$. Dân thôn quê được 300$. Rõ ràng là dân miền Nam đã bị cướp trong lần đổi tiền trước, rồi bị phá giá kỳ đổi tiền kỳ nầy. Số tiền không đổi được phải giao nạp cho chính phủ và chỉ được rút ra nếu có lý do chính đáng và chứng minh tiền nầy không do sự bốc lột lao động của người khác. Với 2 điều kiên nầy, dân miền Nam bị ăn cướp thêm lần nữa. Kỳ đổi tiền nầy cũng là thời cao điểm của chiến dịch đánh tư sản và lùa dân đi vùng kinh tế mới mở đầu cho chính sách kinh tế lạc hậu của chế độ mới. 

Lần 3 (14/09/1985)

1$ Hồ mới = 10$ Hồ cũ.

Mỗi gia đình từ hai người trở lên được đổi tối đa 20 000$ hồ cũ để có 2 000$ Hồ mới. Các gia đình công thương nghiệp được đổi tối đa 50 000$ cũ để có 5 000$ mới. Cũng như hai lần trước, số tiền sở hữu còn lại phải giao nộp cho nhà nước và chỉ được hoàn trả từng phần theo những điều kiện rất khắt khe.

Điều bi đát là 3 tháng sau khi đổi tiền, chính phủ cho phát hành một đồng tiền mới có giá trị gấp 1.4 lần tiền cũ, tạo ra lạm phát phi mã. Giá cả tăng vọt hằng ngày, thí dụ như lúc mới đổi tiền, 1kg gạo giá chính thức là 0,04 đồng, giá chợ đen là 0,12 đồng, đến đầu năm 1988 tăng lên 2500$/kg, lạm phát gấp 775 lần. Cả nước nghèo đói, khánh tận vì sự tàn ác, ngạo mạn và ngu đần của bọn lãnh đạo.


Đánh tư sản 

Có mật danh là X2 gồm 2 đợt 

Đợt 1: ngày 10/09/1975 

Chủ tâm là bỏ tù và tịch thu tài sản của những đại tư sản mại bản, phần lớn là người Hoa, những tỷ phú thường được gọi là “vua” đầu cơ tích trữ, độc quyền một số nhu yếu phẩm cần thiết và chiến lược như Hoàng Kim Quy, vua giây kẻm gai, Mã Hỹ lúa gạo, Lý Sen sắt thép… Chiến dịch bắt đầu ngày 10/09/1975 với bản công bố của Ủy Ban Quân Quản Thành phố Hồ Chí Minh đăng trong báo Sai Gòn Giải Phóng: 

"Bọn tư bản mại bản đã cấu kết với quân xâm lược Mỹ và chính quyền bù nhìn, máu của đồng bào ta càng đổ nhiều thì chúng càng giàu thêm. Chúng đã thành những ông vua như vua gạo, vua giây kẽm gai, vua vải, cà phê, sắt thép…Tội của chúng lớn tày đình và không thể nào tha thứ được. Chúng nhất định phải bị tiêu diệt…”. 

Trong số 92 người bị tịch thu gia sản và bị kết án từ 10 năm đến chung thân có nhiều đại gia thân với chính quyền như Hoàng Kim Quy (thượng nghị sĩ), Lý Long Thân, Lý Sen, Lý Hơn, Lâm Huê Hồ, Lưu Trung, Trương Dĩ Nhiên, Trần Thành, Mã Hỹ, Lưu Tú Dân… 

Theo Huy Đức, tác giả “Bên thắng cuộc” dựa vào tài liệu của Cộng Sản thì “Cách Mạng đã thu được 918,4 triệu đồng tiền miền Nam, 134 578 mỹ kim, 7691 lượng vàng, 4040 hột xoàn, 701 đồng hồ... Trong kho tàng ta thu được có 60 000 tấn phân bón, 3 triệu thước vải, 2500 tấn sắt, 27 400 bao ciment, 644 ô tô…2 cao ốc, 457 căn nhà phố, 4 trại gà…19 công ty, 6 kho, 65 xí nghiệp sản xuất, 1, 5 triệu thiết bị, 4 rạp hát, 1 đồn điền café, nho táo ở Đà Lạt rộng 170 ha…" (quyển 1, tr.81). Dĩ nhiên đó là con số của Việt Cộng, con số thực phải nhiều hơn. 

Đợt 2: ngày 23/03/1978 

Đánh tư sản đợt nầy mang tên chiến dịch “Cải tạo công thương nghiệp tư doanh” nhằm xóa bỏ chế độ kinh doanh tư nhân để thiết lập chế đô kinh tế xã hội chủ nghĩa. 

Ngày 23/03/1978, từ sáng sớm, học sinh, sinh viên thuộc Đoàn Thanh niên Thành Phố Hồ Chí Minh và công an “đóng chốt” tất cả các tiệm buôn lớn nhỏ trong vùng Sài Gòn Chợ Lớn để kiểm kê, rồi niêm phong tất cả, đồng thời ra lịnh cấm các nhà tư sản, các thương buôn tiếp tục hoạt động. Sau 4 ngày gọi là đánh tư sản, “có 28 787 gia đình, tiệm buôn thuộc đủ loại mà Ủy ban cải tạo xếp là hộ tư sản thương nghiệp (6129), trung thương (13 923), con phe (835), tiểu thương (3300), 4600 bán chợ trời” (Bên thắng cuộc, quyển 1, tr.89 ) bị mất tài sản và không được hành nghề buôn bán. 

Nếu tính trung bình một hộ (gia đình) có 4 người thì đầu hôm sớm mai có gần 120 000 người trở nên vô sản, vô nghề, rồi bị lùa đi vùng kinh tế mới. Đó là thứ goulag của Nga Sô và Trung Cộng mà Cộng Sản VN đã táng tận lương tâm đem áp dụng trên một quốc gia mà trước đó 3 năm là một quốc gia tuy không phồn thịnh, nhưng đủ ăn đủ mặc và có tự do dân chủ. Sau khi đổi tiền và đánh tư sản, các nhà máy bị đóng cửa, nhu yếu phẩm bị cạn kiệt vì thợ thuyền, nhân công bị đi vùng kinh tế mới, thậm chí người bịnh cũng không có thuốc uống. Đây là thời kỳ đen tối nhứt của lịch sử VN mà Liên Hiệp Quốc đả xếp VN vào quốc gia nghèo hạng 3 trên thế giới. Năm 1989, lợi tức đồng niên của người VN tương đương với 96,34 mỹ kim. 

(https://tradingeconomics.com.vn). Nếu tính theo tiêu chuẩn ngưỡng nghèo cùng cực của Liên Hiệp Quốc là 1 mỹ kim/ngày (365 mk/năm) thì lợi tức của người VN trong thời kỳ nầy chỉ bằng ¼ của tiêu chuẩn nghèo nhứt. 

Không thể nào biết được chính xác sự thiệt hại của cuộc đánh tư sản nầy nhưng phải hiểu rằng toàn bộ cơ cấu vận hành của cả nền kinh tế VNCH đã bị triệt tiêu, một số tài sản khổng lồ bị đảng viên lớn nhỏ tẩu tán, cả khối nguyên liệu, trang bị và cơ xưởng bị phế thải vì hãng xưởng không hoạt động bởi sự ngu đần của cấp lãnh đạo. 

Cũng cần biết thêm là chiến dịch đánh tư sản sắt máu nầy do Đỗ Mười, tên thợ thiến heo, làm Trưởng Ban Cải Tạo và sau này trở thành người Tổng Bí Thư ngu dốt, thô bạo nhứt trong số các người lãnh đạo cộng sản với những lời tuyên bố bất hủ, lưu xú muôn đời, đại loại như: 

“Tất cả đảng viên cộng sản bọn tôi, đứa nhớn đứa nhỏ, nhất là những đứa đã vào được Chính Trị Bộ, đều gian manh, bịp bợm. Nhưng so với Bác Hồ, bọn tôi còn kém xa”


Cướp nhà, cướp đất

Trong “Hội Nghị Hiệp Thương Chính Trị Thống Nhất” họp tại Sài Gòn hồi tháng 11 năm 1975, nhiều thành viên của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam phát biểu “đồng ý nguyên tắc là phải thống nhất, nhưng cần thời gian để hai phần đất nước chia cắt có thời gian hòa hợp với nhau” (Huy Đức, tr. 251). 

Sở dĩ có sự căng thẳng như trên vì ngay sau khi chiếm được Miền Nam, phe Lê Duẩn đã gởi ồ ạt cán bộ vào Nam để thay thế bộ máy hành chính VNCH, điều mà Mặt Trận Miền Nam phản đối. Tuy đã có một nguyên tắc điều động cán bộ lúc giao thời là “Nhứt Trụ, Nhì Khu, Tam Tù, Tứ Kết” có nghĩa là ưu tiên số 1 dành cho người bám trụ tại chỗ tức người đã nằm vùng tại miền Nam, kế đó là người đã chiến đấu ở khu R, thứ ba là những ngươi bị cầm tù đã được trao trả theo Hiệp định Paris và chót hết mới là người Miền Nam tập kết ra Bắc được trở về Nam; nhưng Lê Duẩn không đồng ý nguyên tắc nầy mà cho rằng “Đây là chiến thắng của cả nước” nên đưa những cán bộ từ miền Bắc vào Nam để cầm quyền và khuyến khích ngầm dân Miền Bắc vào Nam lập nghiệp.

Jean Lacouture, sử gia người Pháp thân cộng, sau chuyến viếng thăm Việt Nam trở về Pháp đã viết một bài trong báo Le Monde về sự bình thường hóa hai miền Nam- Bắc (Normalisation) nhưng chơi chữ viết là Nordmalisation (có thêm chữ d) có nghĩa là Bắc kỳ bình thường hóa. Năm 1980, có khoảng 150 000 người Miền Bắc sông Bến Hải vào sinh sống tại Sài Gòn, năm 2000 tăng lên khoảng 1 triệu người ở trong Nam.

(Ghi chú thêm là chuyện Nam Bắc trong nội bộ đảng cộng sản, và cả trong dân gian vẫn ngấm ngầm luôn luôn: báo Tuổi Trẻ online, tuy thân chính quyền nhưng vẫn bị đình bản 3 tháng hồi tháng 6/2018 vì đã đăng bài phê bình của một độc giả đã viết: "Nam Kỳ đang bị bọn Bắc Kỳ ngu dốt cai trị”).

Sau vụ đổi tiền thống nhứt tiền tệ Nam Bắc, tịch thu hãng xưởng, triệt tiêu giới tư sản, bần cùng hóa dân Miền Nam, Cộng Sản cần có nhà ở cho đoàn cán bộ từ Bắc vào.

Để hợp thức hoá chuyện cướp nhà đất miền Nam, Cộng Sản ban hành Quyết Định 111/CP ngày 14/4/1977 quy định việc quản lý nhà đất ở các đô thị phía Nam, chương IV như sau: 

1. Mọi loại nhà cửa, đất đai trước ngày giải phóng do chính quyền Mỹ Ngụy quản lý hoặc dành cho những tổ chức hay cá nhân thuộc ngụy quân, ngụy quyền và các tổ chức đảng phái phản động sử dụng, nay đều là tài sản công cộng do Nhà Nước trực tiếp quản lý. 

2. Nhà cửa, đất đai của những người sau đây đều do Nhà Nước trực tiếp quản lý :

 - Sĩ quan ngụy quân từ cấp thiếu tá trở lên

 - Sĩ quan cảnh sát từ cấp trung úy trở lên

 - Cán bộ thuộc bộ máy cai trị của ngụy quyền đã giữ chức vụ từ Chủ sự phòng cơ quan Trung ương, Ty Phó, Quận Phó trở lên

 - Các phần tử ác ôn, mật vụ, tình báo, chiêu hồi cố tình phản cách mạng. 

Như vậy, chiếu theo quyết định nầy, nhà cửa, đất đai của những người di tản, vượt biên, HO, kể cả người dân bị ghép một cách độc đoán là mật vụ, phản động… đều bị chính phủ tịch thu.

Từ đầu tháng 3 đến cuối năm 1975 có độ 160 000 người di tản, đa số là người có của, có quyền thế, họ bỏ lại gần như toàn bộ gia sản, nhà cửa, đa số là các biệt thự đắc giá. Nếu tính trị giá ít nhứt mỗi căn nhà là 50 000 mỹ kim thì với 40 000 căn nhà, cộng sản đã ngồi mát ăn bát vàng khoảng 2 tỉ mỹ kim không kể các báu vật trong các dinh thự nầy. Sau đó, từ năm 1977 đến năm 2000, có khoảng 1.2 triệu người vượt biên (sống, và chết trên đường vượt biên) và HO, và nếu tính mỗi căn nhà trung bình 50 cây vàng với thời giá mỗi cây khoảng 500 mk (hối suất trung bình từ năm 1980 đến 2000) thì với khoảng 300 000 căn nhà bị tịch thu hay phải “bán để chạy”, cộng sản cướp được 7.5 tỉ mk (50 cây X 500 mk X 300 000 nhà). 


Lùa dân ra biển để lấy tiền 

Người vượt biên có 4 cách để ra đi

- Đi chui, là ra đi bằng cách giả dạng dân chài ra khơi lúc ban mai rồi chạy thẳng ra hải phận quốc tế hay đi lậu theo những người mua bãi. Theo cách nầy cũng gọi là đi tự túc nếu có tổ chức mua ghe tàu, tích trữ lương thực rồi đợi đêm tối trời lén lút ra biển.

- Mua bãi, là người vượt biên đóng tiền cho người tổ chức, người chủ tàu đóng tiền cho công an địa phương làm ngơ để người vượt biên tập hợp (mua bãi) trước khi ra biển.

 - Đi bán chính thức, tức mua vé từ giới chức cấp tỉnh, người tổ chức thu tiền, thường 12 lượng vàng (cây) mỗi đầu người. Ngoài ra, người vượt biên phải nộp các văn tự nhà cửa cho Ủy Ban địa phương xem như hiến tặng.

- Đi chính thức, ghi danh với chính quyền trung ương, có văn phòng ở Sài Gòn. Cách nầy thường dành cho người Hoa, đi trên các tàu lớn, có hộ tống ra đến hải phận. Người Việt đi ngã nầy phải mua giấy tùy thân người Hoa.

Thật ra, khi xuống ghe tàu ra đi, không có dạng nào là an toàn cả. Lợi dụng chính sách cưỡng bức người Việt gốc Hoa hồi hương về Trung Quốc (250 000 người vào cuối năm 1979) hay cho phép ra đi nước ngoài chính thức hay bán chính thức, Cộng sản đã tổ chức các cuộc vượt biên cho người Hoa (và người Việt giả dạng) rồi khi tàu vừa ra khỏi hải phận thì nổ súng bắt lại, cứ thế người vượt biên vô tù ra khám nhiều lần, đóng tiền nhiều lần đến khi tán gia bại sản mà có khi vẫn không đi ra khỏi nước được. Việc lùa dân ra biển, lừa gạt dân để lấy vàng rồi giết là một hành động cực kỳ dã man chỉ có Cộng sản tàn ác mới làm được.

Chính nhờ chiến dịch tổ chức vượt biên mà Cộng Sản gọi là Phương Án 2 mà giới lãnh đạo, công an các cấp trở nên giàu có.

“Theo báo cáo của Bộ Nội Vụ, từ tháng 8-78 đến tháng 6-79, có 15 tỉnh, thành đã cho người Hoa đi nước ngoài bằng tàu gồm 156 chuyến với 59 239 người đã thu 5 612kg vàng, 2435 ô tô, 1749 gian nhà… Nhưng số liệu sau khi Ban 69 kiểm Tra cho thấy số tàu cho đi là 533, số người ra đi là 134 322 người, số vàng thu là 16 181 kg, số tiền thu là 164 505 dollars, 34.5 triệu đồng, 538 ô tô, 4145 căn nhà…” (Huy Đức, Bên Thắng Cuộc, q.1, tr. 127). 

Đó chỉ là “chiến lợi phẩm” trong 10 tháng và chắc chắn thực tế còn khủng khiếp hơn nhiều. Miền Nam là kho tàng cho bọn thổ phỉ tận tình cướp bóc, giành giựt. Theo Bùi Xuân Quang trong La troisième guerre d’Indochine, chỉ riêng số vàng của thuyền nhân đóng để được ra đi chính thức và bán chính thức lên đến 25 tấn và chính phủ đã dùng số tiền nầy để trả nợ cho Liên Sô đã cung cấp võ khí trong cuộc xâm chiếm miền Nam.

Thật là đau đớn cho thân phận người dân miền Nam, khi đã may mắn còn sống sót được sau một cuộc chiến tương tàn mà vẫn không ở lại được trên quê hương, và trước khi ra đi tìm cái sống trong cái chết, vừa phải bỏ lại tất cả gia sản và vừa phải đóng tiền cho kẻ đã cầm súng và kẻ đã cung cấp súng để sát hại mình.

 

Lùa dân đi vùng Kinh Tế Mới

Sau khi cướp nhà cửa, vàng bạc của người dân miền Nam, cộng sản lùa đám thị dân đi vùng kinh tế mới vừa để trả thù, vừa để bắt dân đào kinh khai khẩn các vùng đất hoang vu mà trước đó là sào huyệt của họ. Người dân Miền Nam không sao quên được thời kỳ đen tối, đối xử tàn bạo của tân chế độ trong kế hoạch khẩn hoang nầy. 

Chỉ trong 10 năm từ 1976 đến 1985 có 2.8 triệu người đã bị cưỡng bách đi vùng kinh tế mới (Patrick Gubry. Populalion et développement, p.201) trong đó có ít nhứt 1/3 bị đi đến vùng ĐBSCL. Mặc dù kế hoạch đã bắt đầu thực hiện từ năm 1976, nhưng mãi đến ngày 27/03/1980, Tố Hữu mới ban hành Quyết Định 95-CP "Chính sách xây dựng các vùng kinh tế mới" ấn định một số "quyền lợi" của người bị cưỡng bách di dân như sau: 

- Cấp vé xe từ nhà đến vùng kinh tế mới, mỗi gia đình (CS gọi là hộ) được mang theo từ 500 đến 800kg hành lý, trợ cấp tiền ăn dọc đường 1 đồng /người/ngày (không đủ để ăn một gói xôi nhỏ); 

- Cấp cho 2 dụng cụ sản xuất (thường là cuốc cùn, nếu đưa bằng tiền thì bị cán bộ ăn chặn bớt; 

- Trợ cấp từ 700 đến 900 đồng để làm nhà ở (thử tưởng tượng cất nhà trên đất úng thủy, vật liệu xây cất không có, gia đình đông con nhỏ dai, chồng cha đang trong trại cải tạo); 

-Trợ cấp 100$ tối đa để đào giếng, 100$ để mua ghe thuyền đi lại trên sông rạch;

- Nếu bị ốm đau không lao động được thì được trợ cấp 1$/ngày, thuốc phòng bịnh, chữa bịnh theo tiêu chuẩn 50 xu/ngày, khi chết được trợ cấp 150$ chi phí mai táng.

Những người bị đưa đi vùng kinh tế mới gồm 5 dạng: 1/dân thất nghiệp; 2/dân không có hộ khẩu; 3/dân cư trú trong các cư xá, công ốc dành cho quân nhân công chức VNCH; 4/ tất cả người hành nghề buôn bán từ tiểu thương đến chủ xí nghiệp; 5/ người gốc Hoa và tín đồ Thiên chúa giáo.

Trước những điều kiện khắc nghiệt như vậy, những người bị cưỡng bách đến vùng kinh tế mới đại đa số là những thị dân xa lạ với khung cảnh mới không thể sinh sống được phải tìm đủ mọi cách quay trở về chốn cũ. Nhà cửa tài sản đả bị tịch thu, không hộ khẩu, bị truy tầm bắt bớ, họ phải chui rúc trong các gầm cầu xó chợ, con cái thất học, thật là địa ngục trần gian. 

Người bị đi vùng kinh tế mới là một thứ nô lệ lao động thời cận đại, đó là một tội ác lớn lao của đảng cộng sản sau vụ cải cách ruộng đất mà hôm nay, bọn cộng sản cha, cộng sản con phải cúi đầu nhận lỗi với nhân dân miền Nam.

ODA và FDI

Để cứu giúp VN thoát ra tình trạng chậm tiến và bần cùng, tháng 11 năm 1993, một số quốc gia phát triển và các quỹ tiền tệ quốc tế họp tại Paris để chấp nhận tài trợ cho Việt Nam theo chương trình ODA (Official Development Assistance). Từ năm 1993 đến 2014, năm mươi quốc gia và các quỹ tiền tệ đã tài trợ cho VN 80 tỷ mỹ kim trong đó có 7 tỉ không hoàn trả (viện trợ) và 73 tỷ cho vay với tiền lời ưu đãi (2-3%) và thời gian trả nợ dài hạn (30-40 năm).

Cộng Sản VN xem ODA như của trời cho nên đảng viên “có chức” từ trung ương đến địa phương tha hồ tham nhũng, bè phái, phân phối ODA không phân minh, “một số địa phương hoàn toàn chưa tiếp cận ODA như Vĩnh Long, Bạc Liêu, Hậu Giang” (CAFEF.vn ngày 12/12/2015) trong khi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, và các quê hương của các lãnh tụ thì đầy ấp dự án. 

Bị các nhà tài trợ chỉ trích nhiều lần vì tham nhũng, lãng phí, thiếu khả năng quản trị nên từ năm 2014 đến nay, ODA không tài trợ thêm mà chỉ giải ngân những năm trước còn đọng lại. Năm 2017, nợ công của chính phủ đã lên đến 92 tỉ, chiếm 64% tổng sản lượng quốc gia, tỉ lệ đã vượt qua mức báo động theo Ngân Hàng Thế giới. Nếu phải kể thêm nợ của gần 2000 doanh nghiệp nhà nước mà chính phủ bảo lãnh thì tổng số nợ công lên đến 180 tỉ. Mỗi năm chính phủ phải trả 6 tỉ mỹ kim tiền lời, tính ra mỗi người dân phải chịu nợ 35 triệu đồng hay 1590 mk trong khi lợi tức trung bình đồng niên của người dân chỉ có 2335 mk (tradingeconomics.com) 

Ngoài việc ăn chận tiền ODA, đảng cộng sản còn ăn chia với các nhà đầu tư theo chương trình Ngoại Quốc Đầu Tư Trực Tiếp FDI (Foreign Direct Investment) sau khi VN ban hành Luật đầu tư năm 1987 dành nhiều ưu đãi cho giới đầu tư ngoại quốc. Theo số liệu của Bộ Kế Hoạch Đầu Tư, từ năm 1988 đến 2018, sau 30 năm hoạt động, số vốn đầu tư đăng ký lên đến 320 tỉ MK, chiếm 25% tổng số vốn đầu tư và 70% tổng số xuất khẩu hàng hóa của cả nước. (nguồn: 30 năm thu hút đầu tư. www.vovworld.vn),

Theo một nghiên cứu của United Nations University của Phần Lan, quốc gia có nhiều liên hệ về kinh tế và chính trị với VN, tiền hối lộ các loại cho các giới chức lớn nhỏ VN để có thể mở một công ty ở VN, trung bình khoảng 13% số vốn đăng ký (xem trên Google: Lâm Văn Bé. ODA, FDI: nợ công và tham nhũng ở VN năm 2012). Như vậy, không kể tiền chia chát mánh mung giữa hai bên khi hoạt động, chỉ với “thủ tục đẩu tiên”, tính một con số tròn tối thiểu, tham nhũng VN đã “ăn” ít nhứt 30 tỉ trong quỹ đầu tư FDI và 10 tỉ trong phân (funds) ODA.

Mặc dù vẫn biết Việt Nam là một quốc gia đại tham nhũng, nhưng giới đầu tư ngoại quốc vẫn rót tiền vào VN vì dù sao họ vẫn có lợi. Hãy nhìn những con số thống kê kinh tế do chính VN cung cấp để thấy rõ kinh tế của VN nằm trong tay các nhà đầu tư ngoại quốc. Ngoài thống kê trên cho biết 70% hàng hóa xuất cảng là của các công ty ngoại quốc đầu tư ở VN, "Báo cáo của Tổng Cục Thống Kê VN công bố hôm 19/9/2018 cho biết là hầu như các doanh nghiệp VN chủ yếu là gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài và chỉ hưởng được một phần nhỏ phí gia công. Tổng phí gia công thu được từ hoạt động nhận gia công, lấp ráp hàng hóa cho nước ngoài năm 2016 được báo cáo là 8.6 tỉ USD …” (nguồn; Kinh tế VN vẫn chưa thoát kiếp gia công. RFA 21/09/2018). 

VN hôm nay chưa sản xuất được một cái đinh ốc, chỉ làm thợ lấp ráp là chủ yếu thì phải biết rằng các cao ốc vài chục từng, các thương xá cực kỳ lộng lẫy như ở New York, Thượng Hải, các khu giải trí được sắp hạng trên thế giới, tất cả đều là tài sản 100% của Nhựt, Hàn Quốc, Đài Loan… nói chung là của người ngoại quốc. Họ xây cất trang bị với vốn của họ cho VN vay rồi cho VN mướn, họ bán sản phẩm của họ sản xuất trên nước VN hay đem đến từ nước họ, thì như vậy phải biết rằng đất nước VN hôm nay không phải đã bị bán rẻ hay nhường cho Trung Cộng mà còn cho các chủ nợ đủ thứ sắc dân. 

Việt Nam hôm nay chẳng còn gì đáng giá và đám mệnh phụ phu nhân, các cô chiêu cậu ấm của các vua chúa đỏ, quần thần đỏ, tư bản đỏ, kể cả các các ông bà tị nạn vô lương tri áo rách về làng, khi nhởn nhơ trên các phố thị, các khu mua sắm sang trọng phải hiểu rằng đó là những món nợ truyền kiếp mà người dân VN phải trả không biết bao nhiêu thế hệ. Cộng sản đã cướp Miền Nam, đang ăn phân (fund) ngoại quốc và bán Việt Nam.


Kết luận 

Để chấm dứt bài viết, chúng tôi thử nhìn về triển vọng cuộc tranh đấu của người dân nhằm giải thể hay biến thể chế độ cộng sản căn cứ vào bản chất, lực lượng của đảng cộng sản hiện nay và thế tranh đấu của người dân. 

Về bản chất, kể từ 1945 đến nay, đảng Cộng Sản Việt Nam đã thay hình đổi dạng qua 3 thế hệ lãnh đạo, từ dép râu nón cối qua veston cà-vạt, từ nhà tranh vách đất qua nhà cao cửa rộng, nhưng cung cách vẫn nhà quê, ngu dốt, đặc biệt 3 bản chất cốt lỏi của người cộng sản vẫn không thay đổi, đó là lưu manh, tàn bạo và khiếp sợ Trung cộng. Nếu cần kể thêm một yếu tố thứ tư, thoạt nhìn như “vô tư”, nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến vận nước, đó là những lãnh tụ sừng sỏ, hung ác nhứt của đảng là những người gốc Bắc và Bắc Trung Bộ. 

Phải gian ác như hồ chí minh đã giết hàng triệu nạn nhân vô tội trong cuộc cải cách ruộng đất, đã mở màn cho chiến dịch bằng cách tuân lịnh cố vấn Trung Cộng Lã Quý Ba đem xử bắn bà Nguyễn Thị Năm, thường gọi là bà Cát Hạnh Long, người đã che giấu và nuôi dưỡng nhiều cán bộ cao cấp như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ…, đã cống hiến cả gia sản cho đảng; phải mọi rợ như Trường Chinh đấu tố cha; phải vô đạo như Lê Duẩn đã cướp đoạt tài sản của ông Lai Thanh và bắt con ông nầy đi cải tạo mặc dù năm 1957, Lai Thanh đã bất chấp hiểm nguy lái xe Honda chở Lê Duẩn đào thoát sang Nam Vang lúc cảnh sát VNCH truy nã... , phải có được những bản chất lưu manh và tàn bạo như vậy mới xứng đáng là lãnh tụ. Với mẫu mực nầy, đa số các đảng viên gốc Nam đều bị cho “ra rìa”, bị đánh giá thấp vì thiếu bản lãnh. Ngay cả gần đây (29/12/2015) Nguyễn Phú Trọng vẫn còn tuyên bố tại Quốc Hội: “Tổng Bí Thư phải là người Miền Bắc”. 

Trường hợp điển hình như khi Thủ tướng Phạm Hùng chết tháng 3-1988, có 33 đại biểu trên 55 trong Bộ chính Trị đề cử Võ Văn Kiệt thay Phạm Hùng, nhưng Nguyễn Văn Linh chọn Đỗ Mười, người gốc Bắc, mặc dù vào những năm 50, Sáu Dân (Võ văn Kiệt) và Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) đều nằm gai nếm mật chung với nhau ở Quân Khu IX. Phải chờ khi Đỗ Mười lên Tổng Bí Thư, Võ Văn Kiệt mới được nhường chức, nhưng có dư luận là sau đó Kiệt chết vì bị đầu độc. Trường hợp Nguyễn Tấn Dũng sinh tại Cà Mau, có công dẹp tan nhóm Trần Văn Bá, nếu không phải là con rơi của Nguyễn Chí Thanh thì chắc cũng không bao giờ được cất nhắc làm thủ tướng.


Chuyện gian xảo lừa gạt thì cộng sản còn vượt bực. Ngày 19/08/1945, lợi dụng lòng yêu nước của toàn dân nổi dậy với tầm vông vạc nhọn để đánh đuổi quân Pháp, hồ chí minh đã lừa gạt phe Quốc Gia, cướp chính quyền trong tay của Thủ Tướng Trần Trọng Kim, phế vị Hoàng Đế Bảo Đại để thiết lập chế độ cộng sản. Chuyện tương tự như vậy tái diễn vào ngày 30 tháng tư năm 1975, khi lá cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vừa cắm trên Dinh Độc Lập, thì ngày hôm sau, Tố Hữu chuyển lệnh của Lê Duẩn cho Anh Bảy (tức Bảy Cường, bí danh của Phạm Hùng, Bí Thư Trung Ương Cục Miền Nam): “Xin báo để các Anh biết, theo ý kiến Anh Ba (tức Lê Duẩn) về tổ chức chính phủ, không còn vấn đề ba thành phần…” (Văn Kiện đảng toàn tập, tập 36, NXB Chính trị QG, tr. 182). Như vậy, sau 15 năm ve vuốt Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam để nướng hàng trăm ngàn bộ đội áo bà ba đen khăn rằn, thì khi vừa được chiến thắng, Cộng sản Miền Bắc đã loại bỏ ngay Mặt Trận ra vòng quyền lực. Rồi tháng 1 năm 1977, Mặt Trận bị giải thể để sát nhập vào Mặt Trận Tồ Quốc, một cơ quan ngoại vi của đảng Cộng Sản. Trừ Phạm Hùng, những đảng viên gốc Miền Nam như Trần Bạch Đằng, Dương Quỳnh Hoa, Huỳnh Tấn Phát, Trịnh Đình Thảo,Trương Như Tảng… được phong cho vài chức vụ linh tinh, hay bất mãn bỏ về nhà nuôi heo, vượt biên, số khác vào trú ẩn trong Câu Lạc Bộ các người cựu kháng chiến, uống trà nhìn thế sự hay viết văn làm thơ phản kháng rồi đi tù cho đến khi Câu Lạc Bộ bị Cộng Sản đóng cửa luôn vào năm 1990. Chấm dứt một thế hệ yêu nước chọn lầm đường. 

Theo năm tháng, chế độ độc tôn độc đảng Việt Nam đã củng cố quyền lực bằng một bộ máy cai trị khổng lồ mà tính theo tỷ lệ là lớn nhứt vùng Đông Nam Á. 

- Năm 2015, đảng Cộng Sản VN có hơn 4.5 triệu đảng viên. (Wikipedia). 

- Năm 2017, Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết “dân số Việt Nam là 93 triệu người nhưng phải “nuôi” 2,8 triệu cán bộ công chức. 

- Công an là một sức mạnh của chế độ. Theo Carl Thayer, nhà nghiên cứu thuộc Đại Học Úc Châu am tường các vấn đề Đông Nam Á cho rằng lực lượng công an là một bí mật quốc gia mà chế độ không bao giờ công bố, nhưng dựa vào các nguồn liệu ông có được thì Việt Nam có khoảng 6.2 triệu người thuộc lực lượng an ninh cảnh sát gồm 1.2 triệu công an và 5 triệu người là thành phần dân phòng và lực lượng bán quân sự ở nông thôn. Như vậy, tại VN thì cứ 15 người dân có 1 công an canh chừng. ( www.nguoi-viet.com April 10, 2017).

- Về quân đội có 600 000 quân nhân.

Nếu cộng chung những người được chính phủ “nuôi” gồm công chức, công an, quân nhân, đảng viên có công tác thì “toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương từ ngân sách lên tới 11 triệu người, bằng 11,5% dân số”. Đó là thông tin của Viện Trưởng Viện Kinh Tế đăng trên Người Lao Động, trang mạng của đảng. Nếu tính thêm số người trong gia đình của người công chức (vợ, 2 con), số người theo cộng, thân cộng, nói chung chịu ơn mưa móc của chính phủ là 44 triệu người, chiếm 46% dân số. Đó là giai cấp thống trị tại VN hôm nay gồm những đảng viên và cảm tình viên, từ trung ương đảng đến ủy ban nhân dân xã, những người có lợi tức đồng niên chính thức từ 3000 mỹ kim đến triệu triệu mk. Họ là thành trị bảo vệ cho chế độ. 

Với những tội ác mà chế độ đã và đang làm, với sự phản kháng của người dân càng lúc càng gia tăng, liệu cái thành trì kia còn vững chắc được bao lâu? Câu hỏi chắc hẳn có nhiều câu trả lời.

 

Riêng phần người viết, lạc quan nhưng không ảo tưởng, chúng tôi hy vọng sẽ có một ngày. Nhiều dấu hiệu cho phép chúng tôi nghĩ đến ngày cáo chung của chế độ. Nhờ các trang mạng xã hội, giới trẻ VN hôm nay càng lúc càng hiểu rộng hơn về nhân ái, nhân phẩm, nhân quyền; giới truyền thông, ngay cho báo của đảng cũng bắt đầu đảm nhiệm sứ mạng của đệ tứ quyền, dám công khai chỉ trích, vạch xấu chính quyền; nội bộ đảng xâu xé thanh toán nhau; quân đội gần dân nhiều hơn gần đảng…Nhưng nghĩ cho cùng, theo dòng lịch sử, không một chế độ độc tài nào có thể trường tồn, mà gần đây, Mùa Xuân Á-Rập ở Lybie, Ai Cập, Tunisie là những trường hợp điển hình.

 

Hay nghĩ như Uwe Siemon-Netto, người ký giả Đức đã có mặt trên các chiến trường VN trong những năm 70, nay là GS Tiến sĩ Triết học, trong lời kết của quyển sách của ông tựa là Duc: A Reporter’s Love for a Wound People, ông đã viết:… Chiến thắng của cộng sản dựa vào những căn bản độc ác: khủng bố, tàn sát và phản bội. Là một Ki-tô hữu, hiển nhiên tôi không biện minh cho chuyện tiếp tục đổ máu nhằm điều chỉnh lại hậu quả tàn khốc đó, cho dù có khả thi chăng nữa. Nhưng là một người ngưỡng mộ tính kiên cường của dân tộc VN, tôi tin là cuối cùng họ sẽ tìm ra phương cách ôn hòa và các lãnh tụ chân chính để họ có thể thoát khỏi những tay bạo chúa. Có thể sẽ phải mất nhiều thế hệ, nhưng điều đó sẽ phải xảy ra…” (bản dịch của Lý Văn Quý & Nguyễn Hiền. Vinh quang của sự phi lý, p. 302).

 

01/11/2018

Lâm Văn Bé

No comments:

Post a Comment