Tháng tư. Khi cái nóng miền Nam lên đến đỉnh điểm và cờ đỏ giăng đầy lối phố, là đến ngày kỷ niệm. Ngày mà cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng: "Triệu người vui cũng có triệu người buồn."
Người bên thắng trận có triệu người vui, nhưng thật ra trong niềm vui cũng có chất chứa sâu kín nỗi buồn. Hàng ngàn thanh niên miền Bắc sinh Bắc tử Nam, đã đi và không về cho một chiến thắng cuối cùng. Họ nằm lại và cho đến giờ, cuộc chiến tranh chấm dứt đã 43 năm, gần nửa thế kỷ qua rồi, thịt xương của họ đã thành cát bụi, đã hoà lẫn với đất cát, tro than, cây cỏ. Người thân của họ vẫn trông chờ, tìm kiếm trong vô vọng. Những bà mẹ miền Bắc chiều chiều vẫn ngóng về Nam, thắp nén nhang gọi hồn con về. Cắm nén nhang lên bàn thờ nhiều khi chỉ là khung ảnh trống không có hình, nhiều khi chỉ ghi một cái tên, cũng có khi là chân dung của một người rất trẻ. Họ ra đi trong chiến tranh và không trở về trong ngày hoà bình, thân xác của họ được vùi vội vàng đâu đó và bây giờ không còn dấu tích. Bạn bè, đồng đội trở về nhưng họ không về. Có người cho đến giờ vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Và hàng ngày những bà mẹ già buồn bã vẫn đợi tin con. Ngày lễ chiến thắng nhiều người vui nhưng mẹ lại buồn dù con mẹ là người lính của đoàn quân thắng trận.
Một người không về là nỗi đau không riêng người mẹ, nó là nỗi xót xa, khổ đau của cha, của anh em và còn là nỗi đau của người vợ mất chổng, những đứa con lớn lên không biết mặt cha. Chiến tranh đi qua như một con lốc dữ, để lại những nỗi đau không lấp được.
Hàng
dãy mộ bia trùng trùng điệp điệp ở Trường Son, ở các nghĩa trang liệt sĩ, nhiều
đến không còn nước mắt để khóc thương.
Người ta có thể tung hô, hùng hồn đọc diễn văn, vui chơi với ngày chiến thắng. Nhưng những bà mẹ, người cha, người vợ làm sao vui khi vẫn chưa tìm thấy hài cốt người thân của mình, hay chỉ thấy con, cháu mình chỉ còn là nấm mồ hiu quạnh.
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam, trong tất cả các cuộc chiến tranh kể từ sau năm 1945 (bao gồm Chiến tranh Đông Dương, Chiến tranh Việt Nam, Chiến tranh biên giới Tây Nam, Chiến tranh biên giới Việt-Trung và một số chiến dịch chống thổ phỉ và FULRO), cả Việt Nam có trên 1.140.000 liệt sĩ. Theo tài liệu thống kê của cổng thông tin điện tử ngành chính sách quân đội - Cục chính sách - Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng thì đến năm 2012, toàn quốc có 1.146.250 liệt sĩ và khoảng 600.000 thương binh, trong đó có 849.018 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.(Wikipedia)
Bên
thua cuộc là hàng triệu người buồn. Họ bị mất nhiều thứ: công việc, nhà cửa,
tương lai không biết về đâu? Là chia ly, là ly tán, là những bất hạnh dồn dập.
Họ cũng có những người thân cầm súng chết trong cuộc chiến. Và cũng có rất nhiều người không về. Trong cơn hoảng loạn của tháng ba, cả tiểu đoàn Thuỷ quân lục chiến bị kẹt lại ở biển Thuận An, pháo dội, súng nổ, nhiều người đã chết và vùi thây trong hố chôn tập thể. Trên con đường từ Phú Bổn về trong những ngày cuối tháng tư, bao nhiêu xác người đã nằm lại bên đường, họ nằm đó và cát bụi thời gian phủ thây họ, gia đình bặt tin và lấy ngày đó làm ngày giỗ. Những ngày cuối của cuộc chiến, xác người vẫn ngã xuống và nhiều người bây giờ cũng không tìm thấy xương cốt mộ bia. Rồi khi lá cờ của bên chiến thắng tung bay trên những thành phố, hàng trăm ngàn người vào trại cải tạo, và hàng ngàn người cũng không trở về, họ chết và thân xác được chôn vội vàng giữa vùng đồi núi xa lạ hoang vu. Người thân của họ đi tìm mà mấy người tìm gặp.
Con số 220.357 binh sĩ VNCH tử trận được Lewy dẫn từ tài liệu lưu trữ của Bộ quốc phòng Mỹ, tính từ năm 1965 đến năm 1974. Cộng thêm con số tử trận trong giai đoạn 1974-1975 và trước đó cho ra ước tính khoảng 300.000 tử trận. Nhà sử học R.J. Rummel đưa ra con số ước tính cao nhất có thể lên tới 313.000 tử trận.
Theo thống kê chi tiết của Jeffrey J. Clarke thì tính từ năm 1960 tới 1974, Quân lực Việt Nam Cộng hòa có 254.256 lính tử trận. Cộng thêm con số tử trận trong các năm 1956-1959 và năm 1975 thì số lính Việt Nam Cộng hòa tử trận ước tính là khoảng 310.000 người.
Sau năm 1975 ở miền Nam có hơn 1.000.000 người thuộc diện phải ra trình diện. Riêng ở Sài Gòn có 443.360 người ra trình diện, trong số đó có 28 viên tướng, 362 đại tá, 1.806 trung tá, 3.978 thiếu tá, 39.304 sĩ quan cấp uý, 35.564 cảnh sát, 1.932 nhân viên tình báo, 1.469 viên chức cao cấp trong chính quyền, và 9.306 người trong các “đảng phái phản động”.
Hàng
trăm ngàn người đi về phía biển, hàng triệu người bất chấp hiểm nguy đi ra biển
và hàng trăm ngàn người chôn vùi thân xác dưới đáy đại dương. Hàng trăm, hàng
ngàn người đàn bà bị hãm hiếp trên con đường đi về phía biển ấy, có người bị
chết xác quăng xuống biển, cũng có người đi được đến nơi và sống đến bây giờ,
nhưng dấu tích của vết thương theo suốt đời họ, không xoá được. Có hàng trăm,
hàng ngàn cô gái bị bắt đi và mấy chục năm rồi không tin tức, có thể họ chết
lần mòn trong những căn nhà chứa ở Thái Lan. Theo thống kê của cơ quan Tị nạn
Liên Hiệp quốc thì có khoảng 500.000 người vượt biên đã bỏ xác ở biển Đông. Thế
giới cho rằng đó là cuộc di dân tồi tệ nhất của lịch sử.
Nỗi đau tức tưởi đó làm sao quên, nên tháng tư đối với họ là tháng nước mắt.
Như thế, trong ngày chiến thắng của bên thắng cuộc, cả hai phía vẫn còn những nỗi đau khó xoá. Cả hai phía đều vẫn còn nước mắt. Nước mắt khóc cho một dân tộc bất hạnh có cuộc chiến tranh dài nhất của thế kỷ hai mươi. Một cuộc chiến tranh giữa anh em mà đã 48 năm rồi vẫn chưa hàn gắn được. Thời gian đã trôi qua, cuộc chiến tranh đã lùi xa, nhưng VẪN CÒN NƯỚC MẮT, chung quy cũng chỉ vì NCS rước chủ nghĩa quái thai vào nhà.
15.4.2023
DODUYNGOC
No comments:
Post a Comment