Tuổi học trò ngây thơ. Ngày hai lần
đến trường, vô tư lự, tôi chưa hề có một dự tính, ước mơ gì cho tương lai. Như
hầu hết các thiếu nữ Việt Nam thời đó, có lẽ cuộc đời tôi rồi cũng theo một con
đường thông thường là lấy chồng, nuôi con, suốt năm quanh quẩn trong nhà tề
gia, nội trợ mà thôi.
Nhưng không ngờ, chỉ một hình ảnh
thóang qua nhẹ nhàng mà đã làm thay đổi cuộc đời tôi.
Đó là sự tình cờ của một buổi chiều
khi tôi chợt gặp gỡ một chị nữ quân nhân gọn gàng trong quân phục ngay trước
nhà tôi ở, ty Bưu Điện Đà Lạt. Trên túi áo chị có bảng tên Xinh, và chị cũng thật
là xinh xắn. Chỉ một hình ảnh thóang qua đó thôi, mà đã ghi sâu trong tiềm thức
của tôi, gợi lên trong lòng cô gái nhỏ những mơ ước không đắn đo về tương lai đời
mình.
Năm đó, cuối niên học 1966-1967,
tôi còn là một nữ sinh áo trắng của trường Bùi Thị Xuân Đà Lạt, chuẩn bị bước
vào năm cuối bậc trung học. Một hôm, đài phát thanh Đà Lạt loan tin Trường Võ Bị
Quốc Gia đang tuyển mộ hai nữ trợ tá để làm việc tại Phòng Xã Hội của trường.
Vì đang thời chiến tranh sôi động, ngày nào, trên đài phát thanh cũng phát đi
những bài hát về tiền tuyến hậu phương. Những bài hát này cộng với hình ảnh của
những người lính chiến ngày đêm gian khổ ngòai chiến trường gây xúc động mãnh
liệt trong lòng tôi. Tôi cảm thấy cần làm điều gì đó để xoa dịu nỗi đau thương
của người thương binh, hay ít ra góp phần giúp đỡ gia đình họ ở hậu phương.
Hình ảnh người nữ quân nhân tên Xinh lại trở về trong tâm tưởng của tôi. Ôi! Bộ
quân phục đơn sơ gọn gàng nhưng trông đẹp làm sao! Thế là tôi đã có một quyết định
cho mình.
Người hướng dẫn tôi làm thủ tục
gia nhập quân đội là chị Hiền, Trưởng Phòng Xã Hội Trường Võ Bị Đà Lạt. Chị
mang cấp bậc Thượng Sĩ, chắc đã đi lính lâu năm rồi. Có nhiều thiếu nữ như tôi
cũng nộp đơn nhập ngũ, nhưng cuối cùng chỉ có hai người được chọn. Đó là chị
Nghĩa và tôi. Sau ngày đầu tiên, hai đứa tôi nhanh chóng trở thành đôi bạn thân
qua những tháng dài học tập và sau đó cùng về làm việc ở Đà Lạt.
Chị Hiền đã lo vé máy bay chu đáo cho chúng tôi để về Sài Gòn trình diện
Cục Xã Hội kịp thời. Cục Xã Hội nằm trên đường Đồn Đất gần bờ sông Sài Gòn, gồm
mấy dãy nhà gạch cổ lổ xây từ thời Pháp thuộc. Hai đứa con gái mới rời ghế
nhà trường, bỡ ngỡ, bơ vơ nơi xứ lạ. giữa những người mới gặp. Vì thế chúng tôi
bám lấy nhau trong mọi sinh họat, học tập. Được một điều là chị Võ Thị Vui tiếp
đón chúng tôi tận tình, niềm nỡ và săn sóc chúng tôi trong tình chị em. Chúng
tôi đỡ lo trong khi ở tại Cục chờ đợi khóa huấn luyện quân sự bên trường Nữ
Quân Nhân khai giảng. Sau khi hòan tất chương trình căn bản quân sự, chúng tôi
về lại Cục Xã Hội để học chuyên môn tại trường Xã Hội/QLVNCH. Trong thời gian
thụ huấn, chúng tôi may mắn tham dự Ngày Quân Lực 19-6 năm 1967 trên đường Thống
Nhất.
Mãn khóa về lại Đà Lạt, tôi cứ tưởng sẽ trở về trường Võ Bị làm việc với
chị Hiền. Lòng tôi nao nức vô cùng. Nhưng thật ngạc nhiên, trên tờ sự vụ lệnh,
đơn vị mới của tôi lại là trường Chỉ Huy Tham Mưu. Được hân hạnh trình diện Đô
Đốc Chung Tấn Cang đang là Chỉ huy trưởng và Trung tá Trịnh Xuân Nghiêm, trưởng
khối CTCT, tôi được đưa về phòng xã hội khi đó còn đóng cửa vì chưa có nhân
viên làm việc từ mấy tháng qua. Sau đó, người ta mới kể cho tôi nghe chuyện hai
chị nữ trợ tá của phòng Xã Hội cùng quê Kiến Hòa ăn Tết Mậu Thân và không ai trở
lại. Một chị thì bị việt cộng sát hại, một chị khác tên Xuân Hoa, thì vì quá sợ,
đã không dám trở về đơn vị. Người Nữ trợ tá hy sinh tại Kiến Hòa chính là chị
Xinh mà tôi đã gặp trước đây và có chút duyên gì đó chăng mà tôi lại thay
thế đúng vị trí của chị ở trường Chỉ Huy Tham Mưu.
Ngày nay, trên mảnh đất tự do này, gần bốn mươi năm sau, tôi chợt nhớ
đến chị để viết vài dòng ký ức, tưởng nhớ vong linh người mà tôi đã xem như
hình ảnh thần tượng của thời niên thiếu mà tôi đã nối gót trên đường phục vụ
quân ngũ và quê hương.
Còn bao nhiêu chị khác đã hy sinh hay đang âm thầm chôn chặt cuộc đời
mình trong xã hội u ám của Việt Nam cộng sản? Cầu mong sao đất nước sớm thóat
khỏi hồi đen tối, vãn hồi tự do dân chủ để những phụ nữ Việt Nam được sống xứng
đáng làm người tự do, có nhân phẩm.
Đặng Kim Hoa
No comments:
Post a Comment