Trong cuộc sống, khi gặp khó khăn bế tắc bạn sẽ làm gì? Tiếp tục kiên trì hay buông xuôi tất cả? Vẫn có một con đường khác dành cho bạn, hãy tĩnh tâm lại, suy nghĩ xem rốt cuộc bản thân đang mong muốn điều gì?
Câu chuyện 1
Một nhóm bạn trẻ tuổi đi khắp nơi tìm kiếm hạnh phúc, nhưng lại gặp được rất nhiều phiền não, ưu sầu cùng thống khổ.
Họ bèn đến hỏi bậc thầy Socrates (một triết gia Hy Lạp cổ đại), rốt cuộc hạnh phúc đến từ đâu?
Socrates nói: “Các bạn trẻ, hãy giúp tôi tạo ra một chiếc thuyền trước đã!”
Những người này đành tạm thời gác chuyện tìm kiếm hạnh phúc qua một bên để tìm kiếm vật liệu đóng thuyền. Suốt 49 ngày, họ cưa một gốc cây vừa cao vừa lớn, khoét rỗng ở giữa tạo thành chiếc thuyền độc mộc.
Thuyền độc mộc được đưa xuống nước, những người trẻ tuổi kia mời lão sư lên thuyền, một bên hợp sức chèo thuyền, một bên cùng ca hát đồng thanh.
Socrates nói: “Các thanh niên, các cậu thấy vui không?”
Đám thanh nhiên nhao nhao trả lời: “Rất vui ạ!”
Socrates nói: “Niềm vui chính là như vậy đó, nó tự nhiên đến khi chúng ta bận rộn để thực hiện một mục tiêu rõ ràng nào đó”.
Đúng! Thực ra niềm vui chỉ đơn giản là như vậy.
Quá trình phần đấu vì mục tiêu của bản thân mình cũng vô cùng thú vị. Một tâm hồn khoáng đãng, thì mới dễ gạt bỏ đi những phiền muộn.
Câu chuyện 2
Một con cáo đi ngang qua một vườn nho có tường rào bao quanh chắc chắn. Nó có một cái mũi vô cùng nhạy bén cùng với cái đầu thông minh. Dựa vào kinh nghiệm nhiều năm, nó biết rằng những quả nho trong vườn kia rất đặc biệt, và chắc chắn nó chưa bao giờ được nếm thử loại nho nào hảo hạng như thế.
Con cáo này đã từng nếm qua vô số các loại nho ngon, nó thậm chí còn nói với những người bạn của mình rằng: “Trên đời này chưa từng có loại nho nào mà tôi chưa ăn”.
Đối mặt với vườn nho mà nó chưa được nhấm nháp qua quả nào, tính tham ăn cùng với hiếu thắng khiêu khích nó. Nó tự nói với chính mình: “Cáo ta đây thật vô cùng đau xót nếu như không được ăn trái nho kia, cũng giống như chỉ muốn làm binh sĩ quèn, thật không có tiền đồ gì”.
Thế là, nó quyết định bằng mọi cách phải vào vườn nho, nếu không nhất định sẽ không đi đâu. Sau khi đi hai vòng xung quanh vườn, nó phát hiện vườn nho này tường bao rất cao, nó không thể nhảy lên được. Vậy là nó ngồi lại suy nghỉ đủ cách, cuối cùng nó đã tìm được một cái lỗ nhỏ để có thể tiến vào. Nhưng cái lỗ này thật sự quá nhỏ, nó lại không thể chui qua. Suy nghĩ một lát, nó quyết định: Tuyệt thực, giảm béo.
Trải qua 3 ngày tuyệt thực, cáo đã gầy đi rất nhiều, nó dễ dàng chui qua cái lỗ nhỏ kia vào vườn nho. Nó vuốt ve những quả nho trong vườn, từ trước đến giờ, nó chưa từng nếm loại nho nào ngon như vậy. Thế là nó thỏa thích ăn, ăn liền trong ba ngày. Sau đó nó sợ gặp nguy hiểm và chuẩn bị rời khỏi đây.
Lúc này, một vấn đề mới xuất hiện: Bởi vì ăn mấy ngày liên tiếp, nó lại mập ú, nên không cách nào theo lỗ nhỏ kia mà chui ra ngoài. Bất đắc dĩ, nó lại một lần nữa tuyệt thực, lần này so với lần trước còn nhiều hơn một ngày.
Sau khi về nhà, nó đem kinh nghiệm ăn nho cùng với hai lần nhịn đói nói cho các cáo già ở trong làng, và hỏi: “Chuyện cháu làm có đáng giá hay không?”
Một cáo già nói: “Cháu mập lên bao nhiêu thì gầy đi bấy nhiều, vậy có khác nào không ăn, lại còn phải mạo hiểm tính mạng, quả thật không đáng”.
Một cáo già khác nói: “Tuy cháu có phải chịu không ít những nguy hiểm, nhưng cháu lại được ăn một loại nho ngon, chưa bao giờ được ăn, đương nhiên là đáng giá”.
Qua cuộc đối thoại giữa các con cáo thấy được các kiểu quan niệm sống của con người chúng ta:
Một người sống dựa trên lập trường chiếm hữu, người ấy nhất định sẽ nằm trong vòng luẩn quẩn giữa hai thái cực, thống khổ vì chưa thể thoả mãn được dục vọng chiếm hữu, và sự tẻ nhạt sau khi dục vọng chiếm hữu được thỏa mãn.
Một người sống dựa trên lập trường xây dựng, người ấy chắc chắn sẽ cố gắng theo đuổi mục tiêu chưa đạt được và thong dong thoải mái khi đã được mục tiêu. Quan niệm thứ nhất chắc chắn là tiến thoái lưỡng nan, quan niệm sống sau chắc chắn sẽ hạnh phúc.
Câu chuyện 3
Một con kiến hết sức chăm chỉ, siêng năng, một ngày nó đi lạc vào cái sừng trâu khô. Con kiến rất nhỏ, sừng trâu cong cong, kiến thấy sừng trâu giống như một đường hầm vô cùng rộng lớn. Nó nghĩ, ra khỏi đường hầm, chắc sẽ là một danh lam thắng cảnh đẹp tuyệt trần. Ai ngờ, càng đi lại càng thấy hẹp, cuối cùng hẹp đến nỗi không thể nhét thân vào nữa. Vì thế, kiến buộc phải dừng lại, sau đó suy nghĩ một hồi lâu, nó quyết định quay lại, khởi đầu lại một lần nữa.
Lần này, nó đi ra hướng ngoài của sừng trâu, kết quả phát hiện còn đường càng ngày càng rộng, hơn nữa đi ra khỏi sừng trâu, nó nhìn thấy trời xanh mây biếc, cao vời vợi, dưới đất cây cối tốt tươi, tựa như từng con sóng xanh cuồn cuộn ngoài biển cả. Trong chốc lát, nó cảm giác mình chính là chú chim non bay lượn giữa bầu trời tự do, như con cá nhỏ bơi lội thoải mái nơi biển rộng.
Sau đó, kiến gặp người liền nói: “Lúc gặp trở ngại con người không cách nào vượt qua, thì đừng ngại hãy đổi phương thức. Điều này giống như mở ra một cánh cửa khác, đổi một cái chìa khóa, hy vọng cánh cửa ấy sẽ trở nên rộng mở”.
“Không để tâm vào chuyện vụn vặt”, rõ ràng là rất có đạo lý.
Muốn nhận biết được bên nào là đỉnh sừng trâu dường như chẳng dễ dàng khi đang bên trong nó. Chỉ với một tâm hồn tỉnh táo và thông suốt thì mới giải trừ được hoàn cảnh khó khăn.
Hoàng Sâm, dịch từ Watchinese
No comments:
Post a Comment