Dạo này mấy khi đã hơn mười giờ đêm mà ông Tư Bến Nghé lại gọi phôn… Từ lúc mỗ tôi vô tình nói hớ câu, do ảnh hưởng của thuốc mà cái ngủ cái thức không còn theo giờ giấc bình thường, xem ra ông đâm ngại gặp lúc mỗ tôi đang ngủ mà ít gọi. Mỗi lần ghé quán, ông chỉ luôn một câu -Anh Hai có buồn cứ ra đây, tui pha trà ngon hai đứa nói chuyện xưa xứ mình… Chuyện xưa xứ mình, câu nói nó cho thấy hết cái nỗi lòng của một người già đơn độc đang phải sống cảnh tha phương, tối nay Ông Tư cần có bạn, cái trang báo lính làm ông nhớ nhà, ông thèm có người cùng ông đong đưa câu chuyện về những ngày tháng cũ.
Nhớ thiệt! Ông nói, nhìn lại nó mà không người trò chuyện, chắc gì đêm nay ông ngủ được, nó không là cái ông muốn ăn, nhưng nó lại làm ông thắt ruột, thắt gan vì nhớ… Những hình ảnh các món ăn trong bài post cuối ngày “Đặc sản”, đã lại đưa ông về chốn “xa mút tí tè” bên kia bờ đại dương, ông cười nhớ lần đầu chèo xuồng đi vớt cá Linh, chiếc ba lá của ông chòng chành rồi lật úp giữa cái mênh mông nước nổi đất Hồng Ngự. Đã đôi lần mỗ tôi nói về ông, lúc tuổi đôi mươi bạn bè người khoác áo lính, kẻ làm công chức nhà nước, riêng ông vốn tánh thích lang bạt mà ông xuôi con nước sông Tiền, sông Hậu. Hay ruỗi rong theo những chuyến xe về miền tận cùng phương nam cho thỏa bước chân đi đó đi đây.
Cái thú giang hồ vui cùng sông nước, nó như sẵn có trong máu con người Nam Bộ của ông, riêng mỗ tôi thì phải hơn chục năm sau, vào lính mới được hưởng cái thú đó, và câu chuyện hôm nay tản mạn những gì nhớ lại, vẫn là chuyện đời sống người dân mình lúc đó thật nhẹ nhàng. Mùa nước cũng là mùa cá linh từ trên Biển Hồ, Cao Mên đổ về, chúng lội đầy trong giòng nước phù sa, chúng có khắp nơi, nhưng không có bán ở chợ… vả cần gì phải mua, muốn ăn thì bắt mà ăn. Nhà nào dọc bờ sông con rạch mà không có một cái vó, còn những đứa trẻ đi xúc cá Linh với cái rổ, cùng ít cám rang nhồi chung cơm nguội nắm trong lòng bàn tay, huơ huơ trong nước cá xúm lại rỉa qua kẽ ngón tay, bọn trẻ như say với các con cá trắng bạc nhảy lung tung trong rổ.
Nước và cá, nước mênh mông mút mắt, thì cá muốn bắt nó ở ngay gần bên đâu cần nhọc công gì, thấy chúng mà ham nên chi ông Tư nghe người ta chèo ghe vô đồng xúc cho đặng nhiều. Để rồi bị lật ghe, không tiếc công đám tôm cá trôi theo làn nước, mà ông cứ chặc lưỡi hoài vì gói thuốc rê ướt mem, lại trên đường về không gặp cánh đờn ông minh để xin hơi thuốc, nhớ lại mà còn cười chuyện lần đó. Sức trai ngon miệng, thì ăn mạnh lắm cũng chỉ hai tô cơm chan canh chua cá linh nấu bông điên điển là căng bụng, ít ăn như mỗ tôi thì một tô cơm với ít bông súng, bông lục bình, lá cách non, đi kèm món cá linh kho mẳn, tức kho lạt là ‘full’, thì ra trước nhà cất vó là có dư ăn, đi chi cho xa, vậy ra hồi nhỏ chắc ông cũng quậy dữ lắm hả ông Tư?
Món ăn vùng sông nước quê hương, thấy trên báo lính HNPĐ nhắc đến cá linh, thì hai anh em nói nhiều về nó, chứ cái ăn miệt đồng bằng mình thì nhiều lắm, biết cơ man nào kể cho đủ... Món canh chua thịt gà nấu bằng lá vang hái trên núi Sam vùng Bảy Núi, An Giang, một lần ăn mấy ai làm sao quên được – Về Đồng Tháp, ghé Tràm Chim Phước Xuyên, những con tép bạc nấu bông sua đũa trắng cùng trái bứa, làm suốt bữa ăn, ta nghe mình không còn muốn làm dân thành phố. Ông Tư Bến Nghé nói, chất tạo chua của nồi canh, tuy nó chỉ là món nghèo quanh vườn, nhưng nó nói lên cái hồn của nồi canh, món canh chua ngọt của cá lóc, cá bông, mà thiếu cái chua của me, thấy như ta đánh mất giòng sông quê mình.
Cũng bởi dân ăn sau này không rành cái văn hóa Nam Bộ, lại thêm người nấu không phải là dân miệt vườn mình, thì mới sinh ra giống gì cũng đem đi nấu canh chua, rồi từ lẩu canh chua đến lẩu thập cẩm của thằng Tầu. Trong chúng ta không ai là không biết món ‘lẩu’, mà có người mình còn gọi là ‘cù lao’, lẩu thập cẩm hay gọi đùa cù lao tả pí lù, thì chỉ một cái lẩu thôi, nó nằm chễm chệ ngay giữa bàn. Tất cả mọi thứ chơi chung trong cùng một chỗ, mực, cá, tôm, thịt bơi giữa đám rau đi kèm mà phần lớn là rau thơm mang đủ thứ hương vị riêng, nên hỏi món lẩu nó ra sao, khó một ai tả được nó, hầm bà lằng đủ thứ thì mùi vị biết nói sao cho chính xác.
Ngay các quán, nấu cùng một loại lẩu cũng không một quán nào có cùng các thứ giống nhau, bởi khoái mà cho thêm thứ này rồi bớt món kia, lắm nơi cái thêm hơi lạ tay làm món ăn bị lạc quẻ. Thay lươn đem cá trê vàng nấu canh chua bắp chuối, cái lạ miệng thì có, nhưng ngon thì cần phải hỏi lại! Vì vậy hôm nay Ông Tư nói bên nhà, món lẩu đang rộ khắp hang cùng ngõ hẹp thành Hồ, ra cả Hà Lội, mà chiều chiều cán cộng xúm đen xúm đỏ bia bọt, miệng chúng nhồm nhoàm của những phường tạp ăn. Lẩu gì mà có cả đập cái hột vịt lộn bỏ vô, chúng đúng là cái quân mọi rợ ăn uống không theo cái văn hóa ẩm thực người mình - Cái nhận xét này mỗ tôi xin được đứng ngoài, để tránh bị văng miểng.
Người mình món ăn khá là rạch ròi đâu ra đó, tuy trong xẻo, trong đồng, nhưng vì người ăn kén mà người nấu phải đúng, như món gỏi bông súng, bông lục bình, ăn cùng cá linh kho mẳn phải được bóp giấm chanh đường cho dịu, để người ăn nghe được cái ngọt nước của cá linh non. Nghe ông Tư nói mà mỗ tôi nhớ ngày nào tóc còn xanh xuôi con nước Cửu Long, về Sóc Trăng ngồi giữa chợ, thầy trò vây quanh gánh bún mắm, lần đầu lạ lẫm với từng món rau ăn kèm, ấy vậy mà những lần sau nơi bến lạ, nhiều quán rau ăn kèm không đúng đã làm cho ta mất ngon.
Hôm nay cùng ông Tư Bến Nghé trong thoáng chốc gợi lại chuyện xưa, như thể làm lạ miệng cho độc giả báo lính HNPĐ, nên xin quí vị đừng chê là câu chuyện đầu cua tai nheo mà trách mỗ tôi, vì còn gì vui bằng đem đến cho ông Tư đang nhớ nhà, đêm nay một giấc ngủ nhẹ nhàng. Và để kết câu chuyện hôm nay, xin xoay qua lời ông bạn mến SR trong bàn ra tán vào “Món ăn, đặc sản quê hương… Ai mà không thích, không thương, không thèm.... Nhưng nay nhiễm độc tèm lem.... Gian thương thất tín nên em… hết thèm”.
Thèm lắm ông bạn SR ạ! Mỗ tôi sống xứ người đã hai mươi năm, một lần độc nhất trở lại quê nhà để xây mộ cho Cha, chỉ thế thôi rồi trở lại bên này, nhiều đêm trong giấc ngủ thấy mình xuôi lại những giòng sông xưa, giật mình tỉnh giấc ngồi trong bóng đêm mà nhớ quê đến ứa nước mắt. Ông anh SR mến, thời chúng mình, trên đường xuôi ngược bước chân thằng lính, đây không là món đặc sản cho dân nhiều tiền, vả là lính đâu lại được nhiều tiền, nó chỉ là món ăn dân dã, nhưng lính vẫn luôn được ăn – Nên có nói thèm đây là nói thèm những gì của chúng mình ngày xưa… Mến.
Việt Nhân (HNPĐ)
No comments:
Post a Comment