Ngày xưa, ở làng Chùa, tổng Hoàn Lão, thuộc tỉnh Quảng Bình ngày nay, có ông Tri Cát là một điền chủ giàu, tốt bụng, trong tay có đến hàng trăm mẫu ruộng, hàng ngàn trâu bò và thêm một lò làm đường mía. Ông may mắn có được một anh đầy tớ siêng năng, thật thà. Yêu mến và tin tưởng anh ta như con cái trong nhà, ông giao cho anh nhiều việc quan trọng.
Đến mùa vụ, với số ruộng trăm mẫu, anh phải mướn rất nhiều người mới làm hết công việc. Mướn một số lượng người làm nhiều như vậy, quả thực rất khó nhưng vụ mùa nào anh cũng hoàn thành. Ông điền chủ phát hiện ra anh chàng này rất thương người, trong mỗi thúng lúa trả công cho người làm, anh ta giấu chủ, thưởng thêm cho họ khi thì một cặp đường đen, một gói đậu hay một chút tiền, bỏ ở dưới đáy thúng lúa. Ông chủ biết chuyện nhưng chỉ để bụng, không rầy la gì, còn tấm tắc: “Hèn chi ai cũng muốn đến làm thuê cho Tri Cát này. Cái thằng coi tướng mạo xấu xí vậy mà thông minh ra phết!”.
Đến buổi nông nhàn, ông Tri Cát giao cho anh đi lấy nợ. Ông rất thích chơi đồ cổ, với lại tiền bạc trong các hòm, rương đã đầy rồi nên nếu gặp được đồ cổ quý thì anh được phép lấy tiền đó mua hết. Có lần anh lên vùng Tuyên Hoá, một huyện sát biên giới lấy nợ, anh thấy hoàn cảnh gia đình những con nợ quá nghèo, lại vừa trải qua những ngày hạn hán mất mùa đói kém. Thương họ, anh ngẫm nghĩ: “Ông chủ ta giàu có, không thiếu món gì trên đời, chỉ có một thứ ông còn thiếu đó là nhân nghĩa. Thay vì mua cổ vật, ta sẽ mua nhân nghĩa cho ông!”. Anh ta vui vẻ nói với những con nợ là ông chủ Tri Cát thông cảm hoàn cảnh của bà con đang lúc khó khăn, nên đã xoá hết nợ rồi. Nói xong, anh xé tất cả giấy nợ rồi trở về. Ông chủ không biết gì, cứ yên chí rằng anh đã mua một thứ gì đó bỏ vào kho đồ cổ của ông.
Cuộc sống đang bình yên bỗng gặp thời binh đao, loạn lạc. Gia đình ông Tri Cát trong phút chốc trắng tay, phải chạy lên huyện biên giới Tuyên Hoá. Tại đây, ông được chính những con nợ mà anh đầy tớ đã xoá nợ cho, cưu mang giúp đỡ gia đình ông mọi thứ. Khi hiểu ra, ông Tri Cát xúc động ôm chầm người đầy tớ: “Cảm ơn anh đã mua cho ta điều nhân nghĩa”.
(Theo Truyện cổ Việt Nam)
Bài học đạo lý:
Ca dao có câu:
“Ai ơi hãy ở cho lành.
Kiếp này chưa được, để dành kiếp sau”
Muôn ngàn kinh sách dạy làm người đều gom lại có một chữ thiện, lành. Chữ thiện gồm đủ trong ngũ thường; nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Kẻ có nhân, được gọi là người thiện, ai sống có nghĩa cũng được gọi là người thiện, có lễ, có trí, có tín cũng đều được gọi là người thiện cả. Tuy vậy hành thiện, làm lành như thế nào mới đạt được ý nghĩa chân thật, là điều đáng bàn.
Người làm điều thiện trên đời tuy nhiều nhưng thật giả khó phân. Theo Chánh pháp, làm tất cả điều kiện mà vô chấp, buông xả, không vì mình mới đạt đến sự chân thật. Bởi bố thí mà cầu phước; giúp người nhưng mong họ đền ơn; bề ngoài cung kính mà trong lòng khinh khi; dùng tài trí mưu lợi cho mình; hứa hẹn giúp đỡ mà không giữ lời… thì tuy có làm điều thiện nhưng hình thức, chấp thủ và trụ tướng, chưa đạt đến chân thật, là giả. Còn giúp người mà không kể công; làm ơn mà không cầu trả đáp; ăn ở thì phải phép, phân minh với mọi người; tính toan làm lợi cho mình và người; trung thực, không có hai lòng… là hành thiện mà vô chấp, vô trụ và chân thật. Ở đời cái gì giả thì không bền, thật mới dài lâu, lẽ nhân quả tự nhiên là như vậy.
Câu chuyện cho thấy việc làm nhân nghĩa của anh đầy tớ xuất phát từ sự chân thành, chia sẻ tình thương và thực hành điều thiện một cách tự nhiên, không hề dụng ý và điều đó đã giúp cả gia đình ông Tri Cát, trong đó có anh đầy tớ, gặp được điều lành ngay kiếp hiện tiền, không phải đợi đến kiếp sau.
Một người đầy tớ “mua điều nhân nghĩa” mà cả gia đình ông chủ được hưởng phước tốt lành, vượt qua cơn nguy khốn. Giá như tất cả những ông chủ và mọi người đều biết “mua điều nhân nghĩa”, làm việc thiện thì phước báo an lành cho cá nhân và xã hội to lớn biết dường nào!
(Theo Giác Ngộ)
No comments:
Post a Comment