Khoảng cuối năm 1967 tôi nhận được sự vụ lệnh về cầm một đại đội cho
một tiểu đoàn mới thành lập chưa được bao lâu, thuộc SÐ25BB, lúc đó
đang đồn trú tại quận Ðức Hòa.
Tiểu đoàn này trước đó mấy tháng, được đặt dưới quyền chỉ huy của một
vị Thiếu tá rất nổi tiếng bên Biệt Ðộng Quân mới chuyển qua. Vì công sự
phòng thủ chưa hoàn tất, Bộ Chỉ Huy/Tiểu Ðoàn (BCH/TÐ) phải tạm thời
đóng trong ngôi biệt thự của một nhà máy xay lúa, chủ nhân là ông Sáu
Ngô. Ông Sáu Ngô đã giữ kín một điều mà mãi sau này người ta mới biết,
là ông có một người em bỏ nhà từ hồi còn nhỏ, theo VC.
Lợi dụng cơ hội hiếm có này, trong một đêm đen tối, VC đã bất ngờ
dùng đặc công và nội tuyến, tràn ngập vào được tuyến đầu của BCH/TÐ. Chỉ
sau vài phút đầu bối rối, các anh em binh sĩ của BCH/TÐ đã chống trả
rất mãnh liệt và sau đó phản công, đánh bật chúng ra khỏi con đường
mương mà anh em đã tạm dùng làm tuyến phòng thủ, khiến chúng phải vội vã
tìm đường rút vì chúng dư biết lực lượng tiếp viện của ta đang trên
đường tiến tới.
Tuy phải trả một giá rất đắt, VC cũng đã gây thiệt hại khá nặng cho
bên ta, nhất là về phương diện tinh thần, vì trong số các chiến sĩ đã hy
sinh ngay tại tuyến đầu đó, có cả vị TÐTrưởng can trường mà ai đã từng
là Biệt Ðộng Quân cũng đều phải nghe danh: “Thiếu tá Cọp Ba Ðầu Rằn” !
Sau trận thất bại này, các anh em binh sĩ trong Tiểu Ðoàn (TÐ) có
phần xuống tinh thần. Tiểu đoàn phải chờ bổ sung thêm quân số và cần
được “hấp” lại. Và tôi được chuyển về đây cũng trong dịp này.
Ðược nương nhẹ rất nhiều, nhiệm vụ chính của TÐ lúc đó hầu như chỉ là
hành quân mở đường và làm an ninh vòng ngoài cho Bộ Tư Lệnh/Sư Ðoàn 25
Bộ Binh tại Ðức Hoà. Lâu lâu cũng có hành quân, nhưng chỉ là những cuộc
hành quân lục soát quanh vùng, sáng đi chiều về, như công chức!
Trong khoảng thời gian coi như nhàn hạ này, tôi đã quen biết một đứa
bé gái tên là Hân, lúc đó khoảng 8, 9 tuổi, là cháu gọi bằng dì của cô
Thanh, chủ ngôi nhà mà tôi đã xin phép để đặt Ban Chỉ Huy/Ðại Ðội. Tôi
chọn nhà cô Thanh vì không những nhà có một sân lớn, tầm quan sát tốt,
nó lại còn có cả một cái nhà cầu đàng hoàng. Cô Thanh, một phụ nữ khoảng
trên dưới ba mươi, không đẹp cũng không xấu, ăn nói rất nhỏ nhẹ, dễ
thương. Không thấy cô có chồng, nghỉ dạy học đã lâu để trông coi việc
ruộng nương, nhưng bà con lối xóm vẫn quen gọi cô là Cô Giáo. Dĩ nhiên
cô Thanh không hề là đối tượng của những sĩ quan còn rất trẻ như chúng
tôi hồi đó.
Còn nhớ ngày đầu tiên gặp và nói chuyện với cô ở ngoài sân, về việc
xin tạm dùng căn nhà làm BCH/ÐÐ, tôi thấy có một đứa bé gái đứng dựa
lưng một gốc cau gần đó, đang nheo mắt nhìn tôi rất chăm chú. Thấy nó dễ
thương, tôi quỳ một chân xuống ngang tầm nó và ngoắc nó lại. Nó phụng
phịu lắc đầu, không chịu. Cô Thanh nói như hơi gắt:
Hân không được hỗn, lại cúi đầu chào Thiếu úy đi con!
Vẫn còn phụng phịu, nó tiến lại gần tôi và lí nhí nói mấy câu gì tôi cũng không nghe rõ!
Tôi thông cảm sự thay đổi quá đột ngột đối với gia đình cô giáo, đang
vắng vẻ, neo đơn; nay bỗng dưng ồn ào náo nhiệt, ra vào toàn lính là
lính!
Cô Thanh thì còn bận rộn với ruộng vườn, công thợ… chứ bé Hân thì
ngoài giờ đi học, nó đụng độ tụi tôi suốt ngày. Mấy ngày đầu, nó có vẻ
còn tránh né, nhưng rồi sau đó, quen hết anh hạ sĩ y tá này đến bác
thượng sĩ thường vụ kia, nó trở nên vui vẻ và hòa đồng rất nhanh với cái
không khí ồn ào nhưng kỷ luật của đời lính chúng tôi. Ðặc biệt, Hân quý
tôi hơn cả, vì có mấy lần tôi đã giúp em giải một vài bài toán khó
trong lớp. Nó quấn quít bên tôi suốt ngày, chuyện trò líu lo không ngừng
nghỉ. Có những lần tôi đi hành quân về, nó núp trong bụi, rồi chợt chạy
ùa ra ôm lấy chân tôi cười nắc nẻ … Mới 8, 9 tuổi, mà em đã biết dành
dụm tiền để mua đường, nấu đãi chúng tôi những bát chè thật ngọt ngào
ấm bụng! Bù lại, những lần đi phép, không lần nào tôi không mua cho em,
khi thì đồ chơi, khi khác là sách, tập…
Hân mồ côi cả cha lẫn mẹ. Quê em ở mãi đâu vùng An Hiệp, Thái Mỹ. Em
kể với tôi, nước mắt lưng tròng: Cha em một hôm đi làm ruộng, đạp nhằm
phải mìn VC, chết không kịp trăn trối! Hơn năm sau, người mẹ cũng ra đi
vì bịnh! Thế là em phải về núp bóng dì của em, là cô giáo Thanh.
Tôi lúc đó chưa lập gia đình, thực tình, tôi thương Hân như thương người em út, nó còn kém đứa em út của tôi ba, bốn tuổi.
Tuy ở với dì ruột, tôi biết Hân đang thiếu một tình thương phụ mẫu,
nhất là hình bóng của một người cha. Và… không phải là một nhà Tâm lý
học, tôi không thể biết nổi: ở tuổi nào sớm nhất, một đứa con gái có thể
biết yêu? Vì có một lần, mấy cô bạn gái của tôi từ Sàigòn lên thăm. Khi
họ ra về, bé Hân đã đối xử với tôi một cách rất khác thường. Nó lảng
tránh và ít nói hẳn, không hồn nhiên như trước nữa! Hình như nó cũng
biết hờn, ghen? Tôi nghĩ dù sao, nó chỉ là một đứa con nít. Mà đúng thế,
chỉ được hai hôm là cô nàng đã quên hết! Lại giở trò nghịch ngợm, chọc
phá như cũ…
Hồi đó cứ như thế, tôi lấy tình thương yêu của anh em binh sĩ dưới
quyền và luôn của bé Hân như một hơi ấm gia đình. Ðang ở cái tuổi tràn
đầy nhựa sống, mấy anh chàng sĩ quan lóc chóc như tụi tôi, có thì giờ là
la cà tán tỉnh mấy em cỡ tuổi đôi tám, chợt nở rộ như những bông hoa
đầy hương sắc miền thôn dã, chẳng hạn như hai chị em cô Huệ, cô Khanh
con ông chủ nhà máy xay, hoặc Giáng Tiên, hoa khôi tỉnh Hậu Nghĩa.
Thế nhưng mấy tháng nhàn hạ qua nhanh như gió thổi, khi TÐ vừa có một
sinh khí mới, thì biến cố Tết Mậu Thân xảy ra! TÐ hành quân mệt nghỉ,
ngày nào cũng có hành quân, ngày nào cũng có đụng độ, mà trận lớn nhất
xảy ra vào trước Tết khoảng 2, 3 ngày. Ðại Ðội (ÐÐ) của thằng bạn cùng
khóa nhảy vào giữa một Tiểu Ðoàn VC. Chúng đang ếm quân trong khu vực
Rạch Gấu, vùng phụ lưu sông Vàm Cỏ, chờ xâm nhập để đánh vào Phú Lâm
ngày mồng một Tết. Hai trực thăng trúng đạn phòng không địch, phải quay
về. ÐÐ của nó thành ÐÐ trừ! Không đủ trực thăng, ÐÐ của tôi phải lội bộ
vào tiếp cứu. Ðịch áp đảo về quân số, vũ khí có thừa, nhưng mục tiêu
của chúng là vùng Chợ Lớn, ngày Tết, không phải chúng tôi. Thế nên chúng
chỉ cầm cự để bảo toàn lực lượng, chờ đêm xuống là rút. Vậy mà mãi mờ
sáng hôm sau, tụi tôi mới thanh toán xong mục tiêu. Nhờ những phi vụ
oanh tạc và pháo binh bắn suốt đêm, VC dù đã cố kéo theo, chúng cũng để
lại rất nhiều xác đồng đội và vũ khí. Tuy vậy, chúng tôi cũng không vui
gì khi phải đem ra xác thằng bạn Ðại Ðội Trưởng và bốn chiến hữu của
anh! Tội nghiệp quá, anh quê ở Hóc Môn, ra trường là xin ngay về Sư Ðoàn
25 cho gần nhà!
Chúng tôi ra trường, một số người đã may mắn thoát khỏi làn tên mũi
đạn, họ đã theo gương các bậc đàn anh, dùng tài thao lược và lòng dũng
cảm của mình để làm nên nhiều chiến tích vẻ vang cho quân đội. Thế
nhưng chiến trận hàng ngày cũng đã lấy đi không ít những người con yêu
của Trường Mẹ, họ đã hy sinh khi còn rất trẻ, trong những trận đánh tuy
khốc liệt, tàn bạo … nhưng cũng chỉ là thường tình trong chiến tranh!
Không một ai biết, chẳng một ai hay, họ đã nằm xuống như hàng ngàn chiến
sĩ vô danh khác, tên tuổi và thành tích không bao giờ được xuất hiện
trên trang nhất các nhật báo. Có chăng, chỉ là mấy dòng tiếc thương cô
đơn, ngắn ngủi của thân nhân, bè bạn trong những khung hình chữ nhật
màu tang đen, nơi trang chót của tờ báo!
Qua hai đợt Mậu Thân, tôi được thăng Trung úy, nghĩa là sớm hơn quy
định khoảng gần nửa năm, nhưng đến cuối năm 1969 tôi bị thương nặng,
miểng mìn văng đầy người. Tệ nhất, có một miểng chém vào động mạch bên
nách phải, máu ra rất nhiều và nếu không đã theo mấy thằng bạn … vui vẻ
về “miền quá cố” rồi!
Khi cơn thập tử nhất sinh đã qua, tôi được chuyển về Tổng y viện Cộng Hòa ở Sài Gòn
Một hôm, tôi đang nằm cho y tá rửa vết thương và thay băng thì có mấy
anh em ban 5 Tiểu Ðoàn lên thăm. Tôi ngạc nhiên hết sức khi thấy có cả
bé Hân trong đó, nó chạy ngay lại ôm lấy tôi, nước mắt đầm đìa… Ông
Thượng sĩ thường vụ của tôi sau khi thăm hỏi xong, nói nhỏ vào tai tôi:
– Ngày nào nó cũng lên TÐ, xin bằng được nếu khi nào TÐ lên thăm thương bịnh binh, nhớ cho phép nó đi theo!
Tôi nhìn xuống con bé đang rúc cái đầu bé nhỏ vào bụng tôi, tấm thân
mảnh mai của em thì rung rung theo tiếng nấc! Tôi cúi xuống hôn trên mái
tóc mềm mại của nó và cứ để như vậy một lúc lâu, bởi vì chính trong
lòng tôi cũng đang nghẹn ngào, xúc động…
Lúc sau, tôi nâng cầm nó lên, trấn an nó:
– Chú không sao đâu! Chỉ một thời gian ngắn nữa là chú sẽ lành vết thương và sẽ được xuất viện.
– Rồi Trung úy có trở lại đại đội không? Nó ngước mặt e ngại hỏi tôi điều mà nó quan tâm nhất.
– Chú cũng không biết nữa, chắc là phải ra một hội đồng quân y để họ giám định. Sau đó mới biết!
– Vậy khi nào xuất viện, chú xuống thăm Hân nha ?
Tôi mỉm cười nhìn nó:
– Chắc chắn là chú sẽ đến thăm Hân và các anh em trong đại đội, ngay khi nào chú có thể đi được.
Lúc này mới thấy nó nở một nụ cười, rồi cúi xuống nhấc lên một túi
nhỏ và lấy từ trong đó ra một ít trái cây để trên chiếc bàn nhỏ đầu
giường. Thì ra nó cũng biết đem quà cho thương binh!
Phái đoàn thăm viếng lúc này đã xin phép tôi để qua thăm các anh em
thương binh khác. Trước khi ra khỏi phòng, ông thượng sĩ thường vụ cúi
sát tai Hân dặn dò:
– Khoảng nửa tiếng nữa con ra chỗ đậu xe để về nha. Về sớm cho an toàn!
Nó ngoan ngoãn gật đầu, rồi bắt đầu bi bô:
– Bữa trước ai cũng tin là chú đã chết thiệt rồi. Sau mới biết chú
còn sống, đang nằm bịnh viện Cộng Hòa. Dì Thanh có dắt Hân đi cầu nguyện
trên chùa hoài. Dì con nói gởi lời thăm chú.
Ðến đây, nó bắt đầu quay qua nhìn mấy vị sĩ quan thương binh khác nằm
cùng phòng. Chợt thấy chiếc nhẫn của tôi để trên mặt bàn lúc tháo ra
cho y tá rửa vết máu trong các ngón tay, nó cầm lên ngắm nghía rồi hỏi:
– Nhẫn này của chú? Sao bự và đẹp quá vậy?
– Ừa, nhẫn của chú. Ðây là chiếc nhẫn lưu niệm của trường Võ Bị Ðà Lạt, lúc mãn khóa ai cũng có.
– Chú thích nó lắm hả?
– Chú rất quý nó, và chú đã đeo nó từ khi ra trường.
Nó nhẹ nhàng để lại chiếc nhẫn vào chỗ cũ, rồi quay ra ôm lấy tôi,
như thể không muốn xa rời! Nó kể đủ thứ chuyện ở Ðức Hòa, đâu là đại đội
đã có Ðại Ðội Trưởng mới nhưng không còn đóng ở nhà nó nữa, các chú
trong BCH/ÐÐ vẫn thường ghé thăm luôn, rồi nó kể cả chuyện vợ lớn trung
sĩ Hai ở Sàigòn lên đánh ghen, làm tôi không nhịn được cười…
Nửa giờ sau, ông thường vụ đã xuất hiện ở cửa phòng, nói với vào:
– Chào Trung úy đi Hân, đến giờ về rồi!
Hân bắt đầu lúng túng, vòng tay bé nhỏ, nó cố ôm lấy tôi. Mấy phút sau, tôi phải nhẹ nhẹ gỡ nó ra:
– Thôi Hân về đi không họ chờ!
Nó nhìn tôi như muốn khóc:
– Chú hứa nhen! Tới thăm Hân nhen, Hân chờ đó!
Nói rồi nó buông tôi, từ từ bước ra cửa, hình như nó đã khóc. Ðến cửa
phòng, nó quay lại nhìn tôi, bàn tay bé nhỏ của nó đang cố chùi những
giọt lệ…
Tôi không thể nào quên được ánh mắt của Hân ngày hôm đó! Trong đôi
mắt thơ dại và rưng rưng lệ của em, chứa biết bao nhiêu là thiết tha,
trìu mến… Nó nhìn tôi như nhìn một người thân yêu, mà nó ngờ rằng sẽ
không bao giờ còn có dịp thấy lại thêm một lần nữa! Một ánh mắt của
chia ly, của vĩnh biệt…
Không cầm lòng được, tôi gọi nó:
– Hân, lại đây với chú!
Ngoài bộ đồng phục rộng thênh thang của bệnh viện, tôi chẳng có gì
ngoại trừ một thân thể đầy những vết thương và băng bó, tôi đành cầm
chiếc nhẫn lưu niệm của tôi, nhẹ nhàng để vào lòng bàn tay của nó:
– Hân giữ cho chú chiếc nhẫn này. Giữ thật kỹ và đừng cho ai biết.
Hân biết là chú quý nó như thế nào rồi. Khi nào xuất viện chú sẽ đến
thăm Hân và Hân đưa lại cho chú. Thế có được không?
Thật không ngờ, cái ý kiến bất chợt đến với tôi lúc đó lại có tác
dụng ngay! Hân vui mừng ra mặt, ít nhất nó đã có một vật làm tin kèm
theo lời hứa. Lau hết nước mắt nó thủ thỉ:
– Dạ, con sẽ giữ thật kỹ, chờ khi nào Trung úy đến con giao lại!
Tôi xoa đầu nó rồi đẩy nhẹ nó về phía cửa. Lần này, nó quay lại mỉm
cười nhìn tôi và rồi bóng nó từ từ lẫn vào với dòng người thăm viếng
bên hành lang bệnh viện …
Tôi xuất viện sau đó chừng một tháng, và phục hồi mau lẹ. Tuy vậy,
phải chờ đến Tháng Ba năm 1973 sau hai lần giám định tôi mới nhận được
giấy tờ giải ngũ chính thức. Tôi may mắn toàn thân không mất mát gì,
nhưng những ngón tay bên mặt nhất là ngón trỏ, không co duỗi bình
thường được. Cầm tờ chứng chỉ giải ngũ trong tay, tôi biết mình đã vĩnh
viễn giã từ vũ khí!
Trong khoảng thời gian chờ quyết định của Hội đồng quân y, tôi đã đi
Ðức Hòa thăm lại chốn xưa. Ðại Ðội của tôi gần như hoàn toàn mới, chỉ
trừ một vài anh em trong BCH/ÐÐ nhận ra tôi, còn lính tráng hầu hết là
lính mới, nhìn tôi như nhìn một người xa lạ! Chiến tranh đã làm thay đổi
nhanh không thể ngờ được.
Tôi lần mò đến nhà cô giáo Thanh để thăm cô giáo và bé Hân nhưng thật
không may, người nhà cho biết hai dì cháu cô đã đi ăn đám giỗ bên Bình
Thủy, có lẽ đến chiều mới về!
Tôi buồn rầu về lại Sàigòn, tự hứa sẽ trở lại vào một dịp khác.
Chiến tranh vẫn còn đó, chiến trận gia tăng khắp mọi nơi, nhưng
Sàigòn vẫn còn là một mảnh đất khá bình yên! Nó như một hải đảo nằm
giữa một biển lửa. Và tôi đã phải cố gắng để thích ứng với cuộc sống
hoàn toàn thay đổi. Dù sao, tôi vẫn còn trẻ. Tôi làm việc như một cái
máy, nhưng tôi không còn bị cô đơn, cái cô đơn của một người chỉ huy, dù
chỉ là một cấp nhỏ; tôi tự do, không còn bị ràng buộc vào một trách
nhiệm có liên can đến sinh mệnh của nhiều người khác! Tâm trạng thả lỏng
này đã dẫn tôi đắm mình trong thụ hưởng, để bù lại cho bao năm tháng
tuổi xuân đã qua đi trong quân trường và ngoài trận địa .
Bận rộn vì công việc lúc ban ngày, say mê trong ánh đèn mầu của các
vũ trường vào ban đêm, tôi gần như đã quên hẳn Hân, một đứa bé đang ở
một nơi thiếu an ninh, mà chỉ một năm trước đây thôi, tôi đã coi nó như
một đứa em ruột thịt! Tôi đã tự khất lần, và ngần ngại không muốn ra
khỏi Ðô thành, nơi mà lúc nào cũng có những cuộc vui đang chờ sẵn!
Khoảng đầu năm 1974, nhân một chuyến phải đi Trảng Bàng, tôi ghé vào
Ðức Hòa và gặp lại Hân. Căn nhà vắng vẻ, khu xóm cũng thiếu bóng
những người lính, có lẽ họ đang bận rộn trong một cuộc hành quân nào đó.
Khi tôi đến, chỉ có mình Hân ở nhà.
Hân lúc này không còn bé nữa, em đang là một thiếu nữ tràn đầy nhựa
sống với một vẻ đẹp tự nhiên và tuyệt mỹ mà Thượng Ðế chỉ dành cho
những người con gái đương độ thanh xuân! Em mừng đến rơi cả nước mắt khi
thấy tôi! Rót nước mời, em vẫn thân mật nhưng tỏ ra hơi e thẹn, cái e
thẹn dễ yêu của các cô gái đang dậy thì.
Hân cho biết em đã trông mong tôi từng ngày, và rất ân hận vì lần
trước tôi đến, mà em không được gặp! Lấy chiếc nhẫn giấu kín trong hộc
tủ, Hân đưa nó sát mặt tôi, rồi nắm vội nó trong bàn tay và ấp lên ngực:
– Hân biết đây là chiếc nhẫn lưu niệm của chú, nó lưu lại những kỷ
niệm của chú với quân trường Ðà Lạt; nhưng bây giờ, nó cũng đã trở thành
một vật lưu niệm của Hân luôn! Nó đã lưu lại những kỷ niệm giữa Hân và
chú! Hân muốn được giữ nó lâu hơn nữa, chú có cho phép Hân không?
Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng rất cảm động trước những lý lẽ phát ra tự con tim của em:
– Hân cứ giữ nó đi, như vậy khi nào chú đến thăm Hân, chú sẽ được gặp cả hai!
Quá vui mừng, quên cả e thẹn, Hân chạy lại ôm tôi, và nói trong cảm động:
– Thực ra, khi có chiếc nhẫn bên mình, Hân có linh cảm là chú sẽ luôn
luôn quay về tìm Hân, và như vậy Hân sẽ không bao giờ mất chú!
Tôi ôm chặt Hân, và hôn nhẹ lên trán em như vài năm trước, khi em còn rất nhỏ.
Hình như Hân muốn nhiều hơn thế ! Trong vòng tay tôi, cơ thể em đang
ấm dần lên… Em từ từ ngước mặt lên để mong những làn môi gặp nhau, nhưng
tôi đã tự dừng lại bằng cách buông lỏng em! Có phải tôi hơi bị ngu
không, hay tôi vẫn còn bối rối giữa Hân, một đứa bé và Hân, một cô gái
đang nồng nàn trong độ xuân thì?
Chúng tôi chia tay nhau khi ánh chiều vừa xuống. Tôi hứa với Hân sẽ
lên thăm em thường hơn. Cả hai cùng bịn rịn, không nỡ rời nhau, nhưng
rồi phút chia ly cũng phải tới, tôi lên xe về lại Sàigòn mang theo
hình ảnh đôi mắt và những lời dặn dò đầy nước mắt của Hân:
… Nhớ lên thăm Hân nha! Hân chờ đó …
Những tháng ngày sau đó, thời cuộc biến đổi không ngừng… Tất cả đều
thất lợi cho miền Nam chúng ta! Ngay cả con đường từ Sàigòn đi Ðức Hòa
cũng không còn an ninh nữa! Tiếp đến là những biến cố dồn dập, nó đến
nhanh quá, như dòng thác lũ, như cơn đại hồng thủy, nó cuốn đi hết cả…
Không kịp nữa rồi, những gì ta không làm, hoặc chưa làm, đành phải xếp
lại trong niềm hối hận khôn nguôi…
Câu “nước mất, nhà tan” thật là thấm thía với tâm trạng của những
người bỏ nước ra đi ngày ấy! Ra đi là không bao giờ nghĩ đến ngày trở
lại, ra đi là chấp nhận cả một trời mù mịt, đau thương! Tôi cũng ở trong
số ít những người “bất hạnh nhưng may mắn” này! Còn lại tất cả nhân dân
miền Nam coi như gẫy cánh nửa đường; có khác chăng, chỉ là mỗi người
“gẫy”một kiểu!
o O o
Sau hơn ba mươi năm vật lộn với cuộc sống trên nước Mỹ, tôi quyết
định nghỉ hưu vì đã thấm mệt, cả thể xác lẫn tinh thần. Những chuyện
ngày xưa khi nhớ, khi quên. Nhiều chuyện quên hẳn, như gió thoảng, như
mây bay!
Dòng đời đổi thay, cũng chỉ là thường tình của cuộc sống!
Những ngày, tháng buồn tênh, tôi chợt nhớ đến hai câu thơ, không biết đã đọc được ở đâu và ai là tác giả:
Khi ta ở, đất chỉ là đất ở,
Khi ta đi, đất đã hóa linh hồn!
Vâng, linh hồn của đất, của những nơi ta đã từng đi qua, những nơi đã
hơn một lần ta dừng lại… Nó đã có một linh hồn, và linh hồn đó thường
hay ám ảnh tim ta, những khi ta quay về nhìn lại quá khứ !
Tôi đã về thăm lại Sàigòn vào năm 2007!
Vẫn biết đổi thay là lẽ tự nhiên của cuộc sống, nhưng đổi thay một
cách xô bồ, hỗn độn và … ngộp thở như Sàigòn hôm nay, chỉ làm tôi thêm
tiếc nuối Sàigòn của những ngày xa xưa!
Tôi biết Sàigòn khi vừa ở tuổi có trí khôn. Những con đường thời niên
thiếu ấy, với những hàng me, hàng phượng vĩ… muôn đời thơ mộng và sống
mãi trong trí nhớ của tôi! Ðại lộ Trần Hưng Ðạo lần đầu tiên tôi biết,
có tên là Galliéni, đường Nguyễn Huệ là Charner … Rồi đến thời Ðệ nhất
Cộng Hòa, đa số đường phố đều mang tên Việt, nhưng không có con đường
nào là Ðồng Khởi hoặc Nam Kỳ Khởi Nghĩa cả! Sàigòn chỉ có Tự Do và Công
Lý! Có những bác tài xế taxi hoặc xích lô máy, kiếm đủ tiền nuôi vợ con
rồi, không tiếp thêm ai nữa mà ngả lưng ngay trên nệm xe của mình, làm
một giấc! … So với ngày nay, đời sống thời đó sao mà thanh bình và dễ
dàng quá! Thì ra càng cách mạng, càng giải phóng … người dân chỉ càng
thêm khốn khổ !
Lang thang mãi ở Sàigòn, chán! Một hôm, tôi trở lại thăm Ðức Hòa, chỉ
vì tò mò muốn biết, nơi đã từng là chiến địa ngày xưa đó, giờ nó ra
sao?
Hơn ba mươi năm trôi qua, đã có biết bao nhiêu là vật đổi sao dời, bèo dạt… hoa trôi… Và những người muôn năm cũ, giờ cũng chỉ như bóng chim tăm cá, không biết họ đã trôi dạt về những nơi đâu?!
Ðức Hòa đã thay đổi theo một chiều hướng đi xuống! Ngày xưa, dù đang
là thời chiến tranh, nó vui nhộn biết là bao: hàng quán, lính tráng,
người mua kẻ bán ồn ào, tấp nập. Những con đường, tuy chỉ nhỏ vừa cho
hai xe nhà binh tránh nhau, nhưng đầy bóng mát của những hàng cây cao…
Giờ đây, có những con đường mới thành lập, rộng thênh thang, thẳng tắp,
nhưng trống trơn dưới ánh nắng như thiêu như đốt, không một bóng cây; xe
cộ thì lẻ loi vài chiếc! Thị xã giống như một cô gái quê, xấu, đang cố
làm dáng với những vết son vụng về tô vội!
Ðến khu Bình Tả, nơi ngày xưa tôi đã đóng quân. Cảnh vật cũng không
thay đổi nhiều, nhưng sao trông thật hoang sơ, buồn thảm! Tại một ngã
ba, ngày ấy có một cái quán lụp xụp, lúc nào cũng ồn ào những lính. Cho
đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ chính tại cái quán lụp xụp đó, tôi đã ăn
những tô hủ tiếu ngon nhất trong đời.
Ði vào sâu hơn khoảng trăm mét là ngôi biệt thự nhà máy xay. Rõ ràng
là nó đang bị bỏ hoang, rêu phong nứt nẻ… Cảnh vật sao quá thê lương, ảm
đạm! Hỏi thăm thì biết cô Huệ đã định cư bên Úc từ lâu! Cô Giáng Tiên,
hoa khôi Hậu Nghĩa, nghe nói sau này lấy một sĩ quan Biệt động quân đẹp
trai, giờ này không biết cuộc đời đã xô đẩy họ đến nơi đâu?
Ði sâu hơn nữa thì gặp tàn tích của một cái đồn, đồn này là của Tiểu
Ðoàn chúng tôi hồi đó. Gần đấy có cắm một cái bảng nhỏ, trên đề: “Di
tích lịch sử – Cấm đến gần” !
Tự nhiên, tôi thấy lạnh toát người! Có phải anh linh của bao nhiêu
chiến sĩ ngày xưa vẫn như còn đang phảng phất đâu đây, trên những ngọn
tre, những tàu lá chuối, hay trên những hàng mù u nơi xa xa kia?! …
Ra thăm khu trung tâm thị xã, ở đây có thay đổi chút ít. BTL/SÐ25BB
nay đang là một công viên dành cho trẻ em, ngay trước cổng vào có một
căn nhà nhỏ, trong đó trưng bày hình ảnh và những kỷ vật của một “đồng
chí Võ Văn Tần” nào đó!
Chợ Ðức Hòa xây thêm một mặt tiền mới, quay về hướng khác, nhưng tôi thấy bức tường mặt tiền cũ vẫn còn để nguyên.
Ðang ngơ ngẩn nhìn ngó cảnh vật, tôi chợt để ý có một bà cụ cứ chăm
chú nhìn tôi. Bước đi vài bước, bà lại quay đầu nhìn lại; cuối cùng bà
cụ đến gần nhỏ nhẹ hỏi tôi:
– Nếu không phải, xin ông thứ lỗi! Phải ông đây là Trung úy Phong không?
Tôi giật bắn người! Chắc chắn đây là một người quen biết với tôi, nhưng nghĩ mãi, tôi đành chịu:
– Dạ, tôi là Phong đây! Xin lỗi, trí nhớ tôi hơi kém, bà đây là …?
– Trời đất, Mô Phật! Thiệt không ngờ cũng có ngày tôi lại gặp được
Trung úy! Tôi là Thanh đây! Xưa Trung úy có đóng quân nhà tôi, Trung úy
còn nhớ không?
Lúc này thì hình ảnh của một cô giáo Thanh ngày xưa đã lờ mờ lẫn vào khuôn mặt già nua của bà cụ, tôi mừng rỡ:
-… cô giáo Thanh! Tôi nhận ra rồi! tôi nhận ra rồi! Chà, cô trông
còn mạnh lắm. Xin mời cô vô quán nước đây ta ngồi nói chuyện.
Ðôi mắt già nua của cô Thanh đã thấy có ánh nước, cô cầm tay tôi ân cần:
– Thôi! quán xá gì! Chắc là Trung úy ở nước ngoài về thăm quê hương?
Trung úy có rảnh mời ghé lại tôi uống miếng nước. Nhà cũng gần đây thôi!
– Dạ! Tôi ra khỏi nước từ năm 75, giờ nghỉ hưu rồi mới có dịp về thăm
lại. Hồi nãy đi ngang, tôi thấy khu nhà cũ của cô giờ dường như là một
nhà máy gì đó ?
– Bị nhà nằm trong khu quy hoạch, nghe đâu họ đã bán đất đó cho Hàn
quốc lập nhà máy may gì đó. Tôi phải mua bậy một căn nhà cũng gần chợ
đây thôi, cho nó tiện! Mời Trung úy đi theo tôi, chút xíu là tới à!
Lẽo đẽo theo chân bà cụ đi vào một con đường nhỏ ngang hông chợ, tôi ngần ngại ngỏ ý:
– Tôi giã từ quân đội lâu lắm rồi, cô Thanh cứ gọi tôi bằng tên cho tiện!
– Không có sao đâu! Ở đây bà con cỡ tuổi tôi, ai cũng quý những người
lính Cộng Hòa khi xưa. Lại bởi tôi quen miệng rồi, tôi nhớ Trung úy là
Trung úy, gọi khác nghe kỳ lắm!
Ðến đây, mặc dù tận đáy lòng, như có một chút gì hơi hổ thẹn vì sự thất hứa năm xưa, nhưng tôi không thể quên được Hân:
– Thế cháu Hân giờ sao rồi? Chắc cũng con cháu rầm rề cả !?
Cô Thanh bỗng như chùng xuống, cô nói rất nhỏ, giọng run run:
– Cháu… cháu nó không còn ở với tôi nữa!
Vừa lúc đó, cô dừng lại trước một căn nhà, nhà của cô. Phải qua một cái sân nhỏ trước khi vào tới phòng khách. Cô Thanh giơ tay:
– Dạ, mời ngồi! Ðể tôi lấy nước trà mời Trung úy.
Trong nhà còn có hai vợ chồng người bà con của cô, tuổi khoảng ngũ
tuần. Cô Thanh sai họ châm bình nước trà, đoạn rót ra trân trọng mời
tôi. Không giữ được kiên nhẫn, tôi hỏi:
– Hồi nãy cô nói cháu Hân không còn ở với cô, vậy giờ cháu đang ở đâu?
Sau một hơi thở thật dài, cô Thanh bỗng bật lên khóc nức nở…Hai tay bưng mặt, cô nói trong tiếng nấc:
– Cháu nó đã mất rồi! Nó bỏ tôi đã gần ba chục năm rồi Trung úy ơi!
Tôi bàng hoàng, choáng ngợp như vừa bị dội cả một thùng nước lạnh vào
người! Không biết tôi có nghe lầm không? Sao sự chết chóc lại có thể
xảy đến với một người còn quá trẻ như Hân?!
Qua một phút chới với vì bất ngờ và xúc động đến tột cùng, tôi lấy lại bình tĩnh:
– Cháu nó qua đời như thế nào, cô có thể cho tôi biết được không?
Chuyện cũng hơi dài dòng, vì vậy tôi có ý mời Trung úy tới nhà, mình
có nhiều thời gian hơn. Cô Thanh có vẻ đã lấy lại được chút bình tĩnh,
cô tiếp:
– Tôi nhớ nó mất năm Mậu Ngọ, 1978. Lúc đó khó khăn lắm, cả nước đói!
Ở quê như chúng tôi mà cũng phải ăn độn! Cháu Hân bỏ học ngay từ năm
75, nó nói học hành gì mà tối ngày họp tổ, họp đoàn, rồi chửi bới chế độ
cũ… Vậy mà cũng không thoát, nó phải nhập vào cái gì kêu là thanh niên
xung phong gì gì đó, đi làm thủy lợi! Nghĩa là đào kinh, đắp mương đó
Trung úy!
Ngừng lại vài giây như để lấy thêm sức, cô tiếp:
– Hồi đó nó đang tuổi con gái, mà ăn uống thì thiếu thốn! Lại thêm
thi đua này nọ, nó bị mất sức nhiều lắm. Rồi đào kinh đào mương, ngủ bờ
ngủ bụi muỗi mòng… bị sốt xuất huyết! Bịnh cũng không đáng gì, nhưng
thuốc men hồi đó hoàn toàn không có! Ăn còn không đủ, nói chi thuốc!…
Lúc đó nó mới vừa 19 tuổi !
Ðến đây, cô lại ôm mặt nức nở… Tôi lại gần cô, vỗ về an ủi:
– Số phận đã an bài như vậy, không cho em qua được cơn khó khăn! Cô
cũng không nên rầu rĩ quá không có lợi. Tuổi cô cũng như tôi, ngày một
yếu kém…
– Tôi cũng biết vậy, và tôi cũng đã cố giữ gìn sức khỏe, để sống đến ngày hôm nay …
Nói tới đây, cô Thanh từ từ đứng dậy, hướng dẫn tôi đi về phía bàn thờ giữa căn nhà.
Phía trên bàn thờ, tôi thấy có treo hai tấm hình lớn mà tôi đoán là
song thân của cô Thanh; đặt trên mặt bàn thờ phía bên trái, có ba tấm
hình mà một trong ba tấm đó, tôi nhận ra là em Hân. Hình chụp có lẽ vào
lúc em 17, 18 tuổi, trông xinh đẹp như một bông hoa đang nở.
Khi tôi nhìn em thì đôi mắt của em cũng đã nhìn vào tôi từ lâu lắm
rồi, có lẽ ngay từ khi tôi bước vào căn nhà này! Thắp nén nhang, tôi
biết tim tôi đang chảy ra thành nước, và dòng nước ấm đó đang chảy ngược
lên phía đôi con mắt…
Khói nhang bốc lên không gian và lung linh tỏa rộng. Ánh sáng yếu ớt
khúc xạ qua làn khói, làm như em đang mỉm cười nhìn tôi! Có lúc lại
không phải là cười, mà đang nhìn tôi như trách móc!? …
Mắt tôi bỗng nhiên hơi mờ đi, hình ảnh của Hân, một buổi chiều nào xa
xưa trong dĩ vãng bỗng hiện về, bé nhỏ lẫn trong đám người thăm viếng ở
bịnh viện Cộng Hòa. Tôi vẫn còn nhớ mãi ánh mắt và nụ cười khi em quay
lại nhìn tôi… Và rồi lần cuối cùng tôi gặp, cánh tay bé nhỏ giơ lên
chào tạm biệt khi tôi trở về Sàigòn, mắt em đầy lệ …
Một dư âm mơ hồ như vọng lại từ một nơi nào xa, xa lắm:
… Ðừng quên đến thăm Hân nha, Hân chờ đó! …
Người tôi lúc đó như muốn rũ xuống, tôi cố gắng hết sức đứng thẳng người, nhìn tha thiết vào đôi mắt em, cầu xin một tha thứ !
Ngay trước bức hình của em, tôi thấy có một hộp nhỏ bằng nửa bàn tay,
khảm xà cừ màu đen rất đẹp. Thấy tôi nhìn vào chiếc hộp nhỏ, cô Thanh
nói như khuyến khích:
– Trung úy cứ cầm lên và mở ra coi!
Tôi nhẹ nhẹ cầm chiếc hộp lên bằng hai tay và mở nó. Một làn sáng như
lóe lên: chiếc nhẫn lưu niệm trườngVõ Bị Ðàlạt năm xưa của tôi hiện ra,
sáng bóng, nằm trong hộp trên một miếng nỉ trắng.
Cầm chiếc nhẫn trên tay, tôi chợt rùng mình, dường như có một luồng
điện nhẹ đang chạy qua khắp châu thân! Qua biết bao nhiêu năm tháng,
chiếc nhẫn vẫn còn đây mà… người xưa đã mất! Chiếc nhẫn như nhắc tôi một
lời hứa, một lời hứa tôi đã không giữ trọn!
Nhìn giọt nước mắt rơi, tôi mới biết mình đang khóc! Thực lòng, tôi
cũng không biết tôi đang khóc vì vui mừng thấy lại một kỷ vật xưa, hay
đang khóc vì tràn đầy ân hận!
Rồi trong một thoáng giây vô thức, tôi đưa chiếc nhẫn lên gần miệng,
hà một hơi ấm vào viên hồng ngọc rồi chà xát nhẹ nhẹ vào ngực, phía trái
tim.
Nhạt nhòa trong nhang khói, tôi thấy Hân như lại mỉm cười! Có phải
tôi tưởng tượng không, hay đang thực sự có một thần giao cách cảm?
Cô Thanh từ nãy chỉ đứng yên lặng theo dõi, bỗng cô nói, giọng nhẹ như hơi thở:
– Những lúc còn tỉnh, cháu nó đã kể hết cho tôi nghe vì sao nó có
chiếc nhẫn này! Trước đó, nó đã giấu cả tôi, giữ kín và âm thầm chờ
mong cho đến những ngày cuối cùng! Trước khi nhắm mắt, nó còn dặn tôi
phải để chiếc nhẫn này trong một chiếc hộp thật đẹp, ngay trước hình thờ
của nó. Vì nó quả quyết là sẽ có một ngày, một ngày Trung úy sẽ tìm
đến!
Ngừng một phút, cô nói thật nhỏ, như nói với chính mình:
– Cũng phải mất gần ba chục năm! Giờ thì châu đã lại về hiệp phố!
Ðặt lại chiếc nhẫn vào trong hộp và trân trọng để chiếc hộp vào đúng chỗ ban đầu, tôi quay qua cô Thanh:
– Thưa cô, chiếc nhẫn này có lẽ là một trong những kỷ vật quý nhất mà
tôi còn có được, kể từ khi vội vã ra đi ngày ấy! Nó đã đánh dấu một
thời chinh chiến tang thương của đất nước, nó nhắc tôi một thời tuổi trẻ
mà lúc nào tôi cũng hãnh diện và trân quý. Và… nó cũng có cả hình bóng
của em Hân trong đó nữa! Nhưng chắc nó không cần về “hiệp phố” nữa
đâu! Tôi giữ nó chỉ có khoảng 5 năm, thế mà chiếc nhẫn này nó đã ở bên
em Hân những trên ba mươi năm, những lúc em còn sống và cả những lúc em
đã qua đời! Tôi không thể hình dung được rồi mai đây, bên hình của em
sẽ chỉ còn là một khoảng trống! Tôi còn biết khi xưa,em luôn luôn muốn
có chiếc nhẫn này ở bên cạnh. Xin cô cho phép tôi, cứ để chiếc nhẫn bên
hình của em. Nó ở đây cũng là nó đang ở mãi mãi, trong tim tôi …
Không biết mắt tôi có ướt đẫm như đôi mắt cô Thanh không, nhưng giọng nói của tôi, sao bỗng thấy quá nghẹn ngào:
… Vẫn biết âm dương là muôn đời cách trở, nhưng tôi muốn mượn chiếc
nhẫn này, như một vật xúc tác giữa hai linh hồn, một linh hồn đang còn
phiêu bạt nơi đất khách quê người, và một linh hồn đang an nghỉ ngàn đời
trên quê hương …
o O o
Cô Thanh ân cần mời tôi ở lại dùng cơm chiều, nhưng tôi phải từ chối
vì không muốn trở lại Sàigòn khi quá tối. Tôi hẹn tuần sau sẽ lên để
thăm và thắp nén nhang tại mộ phần, nơi an nghỉ cuối cùng của em Hân.
Khi tiễn tôi qua chợ, cô Thanh cười nói với tôi:
– Trung úy biết không, khi mua lại căn nhà gần chợ này, tôi cũng có
chủ ý là được thấy thật nhiều du khách Việt kiều. Thấy ai có dáng Việt
kiều là tôi ngó thiệt kỹ. Không dè cũng có ngày Trời Phật run rủi, mà
cũng có thể do vong hồn của cháu Hân khiến, tôi lại gặp được Trung úy.
Tôi cảm thấy như vừa trút được một tảng đá đã đè nặng trên vai tôi qua
bao nhiêu năm tháng… Xin cám ơn Trung úy!
Tôi mỉm cười trước những ý nghĩ chân chất và đôn hậu của một người
miền Nam như cô Thanh. Tôi nắm hai tay cô, rồi ôm cô thật chặt trước khi
giã từ. Theo tỉnh lộ 10, tôi trở về Sàigòn qua ngả Phú Lâm. Trước kia
con đường này hầu như không bao giờ sử dụng được, nó luôn luôn bị đắp
mô, mìn bẫy, đôi khi có cả phục kích …
Thương hải biến vi tang điền! Ngàn xưa đến ngàn sau, dù muốn hay không, đổi thay vẫn cứ là một bản chất tự nhiên của đời sống!
Chỉ có tình cảm của con người, có những thứ tình cảm mà suốt cả một đời, không bao giờ thay đổi!
… Vậy mà nhiều khi tôi vẫn đinh ninh rằng: Ðã mất hết cả rồi!
BTP – Memorial Day, 2013
Nguồn: http://baotreonline.com
Nhiều người không phải là nhà văn, nhưng viết hay tuyệt. Ông Trung Úy Bùi Thượng Phong này là một người như thế. Câu chuyện ông viết làm lay động trái tim cuả người đọc.
ReplyDeleteThật là một Truyện ngắn tuyệt vời.
Cổ nhân có câu nói :" Vật bất kỳ bình tắc minh". Vật gì không ở trạng thái bình thường, tất nó kêu lên. Người VN chúng ta trong giai đọan máu lửa mấy chục năm qua, đâu có ai ở trạng thái bình thưòng. Vì thế mà chúng ta "kêu" lên trong văn thơ.; và những tiếng kêu ấy, vì phát ra từ trái tim, cho nên nó cũng làm tim người đọc rướm máu xót xa.
Cầu xin cho tác giả được hưởng mọi bình an và ơn phuớc trong những năm tháng còn lại của cuộc đời rất thanh cao và chu toàn trách nhiệm của tác giả Truyện ngán này.