Monday, May 21, 2018

Đức Maria – Mẹ Giáo Hội - Trầm Thiên Thu


(Lễ Mẹ Giáo Hội – thứ Hai sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống)
Theo Thánh TS Giêrônimô, tên Maria trong tiếng Do Thái nghĩa là “biển”. Còn Thánh Bênađôcó cách ví von về Đức Mẹ rất chí lý: “Thiên Chúa đã quy tụ tất cả nước lại một nơi gọi là biển, và Ngài quy tụ mọi ân sủng nơi một người là Mẹ Maria”. Ôi, tuyệt vời và kỳ diệu biết bao!

Ngày 3-3-2018, ĐGH Phanxicô đã quyết định thiết lập lễ kính Đức Maria là Mẹ Giáo Hội, hằng năm cử hành theo lịch chung của Giáo Hội: Thứ Hai sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Đây là lễ nhớ ưu tiên số một – nếu trùng với ngày lễ nhớ khác. Năm nay (2018), lễ Mẹ Giáo Hội được cử hành lần đầu tiên, ý nghĩa tăng thêm vì lễ này được cử hành trong Tháng Năm – Tháng Hoa.

Từ nửa thế kỷ trước, ngày 21-11-1964, chính ĐGH Phaolô VI (chân phước sắp được tuyên thánh), khi bế mạc khóa III của Công đồng chung Vatican II, đã tuyên bố:“Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Giáo Hội, nghĩa là của toàn thể dân Kitô giáo, các tín hữu cũng như các chủ chăn, và họ gọi Đức Maria là Mẹ rất quí mến. Toàn thể dân Kitô giáo ngày càng gia tăng lòng tôn kính Mẹ Thiên Chúa dưới danh hiệu rất dịu dàng này”.

Người mẹ thật kỳ diệu. Chính Thiên Chúa Cha cũng đã trao Con Một Yêu Dấu của Ngài cho một phụ nữ nuôi dưỡng và chăm sóc, đó là Đức Maria. Điều đó cho thấy vai trò của người mẹ rất quan trọng đối với con cái. Có thể nói rằng Thiên Chúa đã hào phóng ban cho mỗi chúng ta có đến ba người mẹ: Người Mẹ chung thứ nhất là Bà Eva, Người Mẹ chung thứ nhì là Đức Mẹ, và Người Mẹ riêng thứ ba là Người Mẹ sinh học của mỗi chúng ta.
Từ thuở hồng hoang, sau khi Thiên Chúa “thiết kế” hai con người đầu tiên trên thế gian, vì nghe lời đường mật của ma quỷ nên họ kiêu ngạo mà bất tuân, và tội lỗi thống trị họ. Hai con người đó là Adam và Eva, chúng ta quen gọi là Ông Bà Nguyên Tổ.

Thiết tưởng cũng cần nhắc lại vấn đề này: Tên Adam nghĩa là “con người” hoặc “từ bụi đất”, còn tên Eva nghĩa là “người cộng tác”. Đó là các tên “tượng trưng” dành để gọi những con người đầu tiên mà thôi, chứ không như “quý danh” của chúng ta ngày nay.

Trình thuật St 3:9-15 cho biết rằng, khi đó Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu?”. Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn”. Thiên Chúa lại hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?”. Trúng tim đen, hết đường chối cãi. Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn”. Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?”. Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn”. Thiên Chúa phán với con rắn: “Mi đã làm điều đó, nên mi ĐÁNG BỊ NGUYỀN RỦA NHẤT trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó”.
Đó là câu chuyện về nguồn gốc của tội lỗi, đồng thời cũng cho biết trước về một Trinh Nữ khiêm nhu và thánh thiện: Đức Maria – Thánh Mẫu Thiên Chúa. Kinh Thánh cho biết thêm rằng chính ông Adam đã“đặt tên cho vợ là Eva, vì bà là mẹ của chúng sinh” (St 3:20).

Một người mẹ “nuôi dưỡng” chúng ta trong tội lỗi – Bà Eva, nhưng Thiên Chúa lại ban cho một người mẹ khác “nuôi dưỡng” chúng ta trong ân sủng – Đức Maria. Người Mẹ Cựu Ước trái ngược với Người Mẹ Tân Ước. Đó là hai phong cách khác nhau của hai người mẹ (x. Gl 4:22). Nhưng người mẹ dù có thế nào cũng vẫn là mẹ – kể cả người mẹ sinh học, Thiên Chúa không hề muốn chúng ta mồ côi, bởi vì Ngài hiểu thấu “mồ côi khổ lắm”, khổ trăm đường – cả thể lý lẫn tinh thần.

Có mẹ là có tất cả, an tâm ngay trong lúc nguy hiểm. Trình thuật Cv 1:12-14 cho biết cảnh các tông đồ quây quần bên Đức Mẹ để tôn thờ Thiên Chúa: Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ô-liu trở về Giêrusalem. Núi này ở gần Giêrusalem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát. Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông: Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê, Philípphê, Tôma, Batôlômêô, Mátthêu, Giacôbê con ông Anphê, Simôn thuộc nhóm Quá Khích, và Giuđa con ông Giacôbê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu.

Đó là hình ảnh một gia đình hạnh phúc – hạnh phúc vì có mẹ, đặc biệt là hạnh phúc vì luôn tín thác vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Gia đình đầm ấm như vậy mới thực sự là “tổ ấm” đúng nghĩa: Chia sẻ mọi thứ – vật chất và tâm linh. Đó là lời nhắc nhở các gia đình ngày nay:Đừng quá bận rộn thể lý mà coi nhẹ tinh thần, thậm chí còn có thể quên cầu nguyện.

Ngày xưa, gia đình Công giáo có “phong cách” tốt lành là luôn có Giờ Kinh Gia Đình, trong đó có phần tôn vinh Đức Mẹ: “Lạy Nữ Vương gia đình, Mẹ ở đây với chúng con, vui buồn sướng khổ, Mẹ con cùng nhau chia sẻ. Xa Mẹ chúng con biết cậy trông ai. Đời chúng con gian nan khổ sở lắm, gia đình chúng con long đong tối ngày, nhưng có Mẹ ở bên chúng con, chúng con thấy quên hết ưu phiền, vui sống qua kiếp lưu đày, mong ngày sau sung sướng cùng Mẹ muôn đời trên thiên đàng. Amen”.Ấm áp biết bao!

Người Mẹ luôn là nhân vật quan trọng, hơn cả dạng VIP (Very Important Person). Cũng lạ, những gì quan trọng thường được người ta ví là mẹ: Tiếng mẹ đẻ (quốc ngữ), mẫu quốc, mẹ đẻ (hoặc cha đẻ) của cái này hay thứ kia… Tương tự, Thánh Vịnh Tv 87 (câu 1-3, 5-7) cũng xác định “Thành Sion là mẹ muôn dân”.
     Thành Sion được lập trên núi thánh.
     Chúa yêu chuộng cửa thành hơn mọi nhà của dòng họ Gia-cóp.
     Thành của Thiên Chúa hỡi, thiên hạ nói bao điều hiển hách về thành!
     Nhưng nói về Sion, thiên hạ bảo: “Người người sinh tại đó”.
     Chính Đấng Tối Cao đã củng cố thành.
     Chúa ghi vào sổ bộ các dân: “Kẻ này người nọ đều sinh ra tại đó”.
     Và ai nấy múa nhảy hát ca: “Sion hỡi, mọi nguồn gốc của tôi ở nơi thành”.
Mẹ là nguồn cội, mẹ giản dị mà thâm thúy, mẹ hiền từ mà thẳng thắn, mẹ dịu dàng mà cứng rắn, mẹ nói ít mà nhiều ý,… Phàm ngôn không đủ lời để diễn tả về mẹ, đó mới chỉ là người mẹ trần gian, huống chí là Người Mẹ tâm linh.

Trình thuật Ga 19:25-27 ngắn gọn nhưng nói lên ý nghĩa đầy đủ của ngày lễ Mẹ Giáo Hội: Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.
“Đây là… và đây là…”. Thế thôi. Rất ngắn gọn, nhưng trong đó hàm súc biết bao điều cao siêu khác: tình cảm, trách nhiệm, bổn phận,…

Chúa Giêsu đã trải nghiệm tình mẫu tử trong 33 năm, và luôn là một Hiếu Tử đối với cha mẹ. Chính Thánh Luật Chúa cũng rất coi trọng chữ Hiếu, nên từ đầu Thiên Chúa đã dạy: Thảo kính cha mẹ – một trong thập giới bất biến. Ngay trước lúc từ biệt cõi trần, Chúa Giêsu không muốn Đức Mẹ cô độc và cũng không để con cái mồ côi, Ngài đã trao phó Đức Mẹ cho Giáo Hội và giao trách nhiệm cho Giáo Hội.

Lạy Thiên Chúa, chúng con cảm tạ Ngài đã ban Thánh Mẫu Maria cùng chia vui sẻ buồn với chúng con trên chặng đường lữ hành gian khó này. Lạy Mẹ Maria – Mẹ Giáo Hội, giữa biển đời tăm tối, xin Mẹ luôn chở che chúng con thoát khỏi mưu chước ba thù. Mẹ là Sao Mai, xin đưa con thuyền Giáo Hội vượt sóng đi đúng lối chính đường ngay để có thể cặp Bến Phúc Bình An. Xin Mẹ từ nhân an ủi chúng nhân sầu héo hắt nơi thung lũng nước mắt trần gian này. Ngày nay có bao tà thuyết mệnh danh là sự thật, nhưng chỉ là quỷ ma, xin Mẹ ra tay ngăn chặn để bảo vệ Giáo Hội, và xin đưa người lạc lối về nẻo chính đường ngay. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.


TRẦM THIÊN THU

No comments:

Post a Comment