Trời Sài Gòn đang nắng đổ lửa, nóng tươm
dầu, chảy mỡ nhưng xe cộ vẫn tấp nập ngược
xuôi như đèn cù. Trước kia chỉ xe máy đã đủ kẹt xe, huống hồ nay lại
thêm ô tô nên đường xá ngày càng nghẹt
cứng. Năm 2018, SG có hơn 7,8 triệu xe máy và hơn 750 ngàn xe ô tô. Xe của dân
nội tỉnh, ngoại tỉnh. Hiếm thấy xe đời cũ mà toàn xe đời mới, nào là Future,
Wave, Lead, SH, Vision… Rồi xe ô tô nhà, xe buýt, xe bán tải, xe taxi… Chưa kể
một số xe ô tô nhà chạy theo kiểu grab car.
Xe ba gác bán dạo không được đẩy trên những
con đường chính gần trung tâm thành phố, nhưng ở các đường ngang thì vô số, mùa
nào thức nấy, chỉ cần bắc ghế ngồi trước cửa là có thể thưởng thức các mùa lần
lượt trôi qua. Giờ này đang là mùa na, cam, nhãn, thanh long… rồi thêm hồng từ Bắc
đi xe lửa vào Nam, cả xe bán cà rem cây, xe rau củ bán bắp cải, cà rốt, bó xôi…
xe nghêu sò ốc hến…
Ông đi qua, bà đi lại, lúc nào đường phố
cũng đông nghẹt. Chị bán gánh bột lọc ghé vào hàng hiên nghỉ chân, tán gẫu với
anh thợ sửa đồng hồ. Cuộc sống hối hả nuốt chửng cứ như chậm lại một chút thì
không còn kịp sống nữa. Xe gắn máy phóng ào ào, chỉ có giới sửa xe là thêm
công, thêm việc, nên con đường dài chưa tói ba trăm mét mà co đến hai tiệm sửa
xe, ba điểm sửa xe lề đường và một chỗ rửa xe.
Trời bỗng râm, nắng nhạt hẳn đi vàng hoe
hoe. Kinh nghiệm của dân địa phương là cứ nhìn bên bờ sông, mây đen kịt phía ấy
là thế nào cũng mưa, Siêu đẳng nhất là dân cá độ mưa, chỉ cần đứng thong dong
giữa cầu, ngước mặt lên ngắm trời, nghe gió, tuy không hô phong hoán vũ được
như các đạo sĩ, phù thủy trong… truyện đời xưa, nhưng cũng có thể “dự đoán thời
tiết” được trời sẽ mưa hay không, mưa nhiều hay ít, mưa bao nhiêu mi-li-mét
chính xác vô vùng, khỏi phải tốn cơm áo của gia đình, mài quần trên ghế đại học
bốn năm tu luyện với gió tín phong, mấy tích, mây ti… khỏi xài dụng cụ quan trắc
cho cho hao ngân sách lại thêm phần rắc rối, dụng cụ duy nhất cần thiết chỉ là
một cái cóng hay cái ly hứng nước dưới mái nhà là quá đủ. Dân cá độ bị khép vô
tội cờ bạc, bị hốt hoài chứ không thôi phải mời hết bọn họ vào làm việc cho sở
Khí tượng thủy văn mới đúng.
Trời tối xầm lại, mây đen vần vũ, gió thổi mạnh
từng cơn làm lá điệp tây rào rào rụng xuống như mưa, gió lùa vào lao xao, ngả nghiêng
trong tàng nhạc ngựa. Bã đậu là cây mau lớn, tàn rộng, chóng xum xuê, nên mấy
năm trước được ưa chụông, trồng tràn lan khắp nơi, có điều loại cây này quá
dòn, sau mỗi cơn giông, cành gẫy la liệt trên mặt đường, làm u đầu sứt trán khối
người nên dần dần bị đốn hết, thay thế bằng cây bàng đến mùa lá rụng, lá bàng đổi
sắc, có chiếc lá màu vàng chói lọi, chiếc đỏ rực lửa, bảng màu của thiên nhiên
pha thật kỳ diệu, nhìn màu sắc của một chiếc lá bàng rơi mới thật hiểu nào là Ngô đồng nhất diệp lạc. Thiên hạ cộng tri
thu…
Xe cộ lao vun vút hòng vượt cơn mưa, hàng
quán lề đường táo tác như bầy gà bi rượt. Tiệm bán đồ điện vội vàng kéo nguyên
mấy cái giá chưng bóng đèn vào nhà tránh mưa. Bà bán bún riêu chồng mấy chiếc
ghế đẩu lên, kẹp cái bàn xếp lại, tong tả chạy tuốt tận đâu cất đồ, bàn vé số
cũng mau lẹ thu dọn đồ đạc hô biến. Trong chốc lát, lề đường bộn bề tấp nập đã
được dọn dẹp quang quẽ, gọn gàng, khách bộ hành rảo bước tránh những hạt mưa
bắt đầu lác đác.
Không mưa thì lúc nào lề đường cũng lôi
thôi bận bịu, mạnh ai nấy chiếm khoảnh đất từ trước nhà xuống ven đường làm lãnh
thổ riêng của mình, thành thử vỉa hè như hàm răng khấp khểnh. Mỗi khúc vỉa hè tượng
trưng cho bộ mặt của chủ nhà, phô bày trình độ thẩm mỹ và khả năng tài chánh,
thôi thì đủ màu, đủ kiểu; cái cao, cái thấp, cái dốc, cái phẳng, cái lót gạch
bông khía màu vàng, cái lát đá sỏi trắng, chỗ gạch céramic xanh, chỗ khác lại
xi măng lâu ngày vỡ loang lổ, bãi đậu xe và đủ thứ hàng quán đua nhau chiếm giữ
lề đường, thành thử người đi bộ bị đẩy xuống xài chung lòng đường với xe cộ.
Nhà mặt phố còn “té” ra bạc nữa chứ chơi
sao, ai muốn ngồi buôn bán trên lề đường phải trả tiền thuê chỗ, tiền điện cho
chủ nhà sở hữu lề đường đó, không kể các thứ lệ phí khác, cho nên bà cơm tấm chẳng
những tận dụng toàn bộ vỉa hè cho khách ngồi ngồi xơi cơm thoải mái mà còn hạ
cái bếp than yên vị xuống lòng đường, quạt sườn nướng xông khói bay mù mịt thơm
lừng điếc mũi hàng xóm. Ông hàng phở cũng tỏ ra không thua kém, xe phở phải đẩy
ra trước cửa và thực khách chen chúc bên ngoài chứ nhất định không chịu vào trong
nhà dù rộng rãi, sạch sẽ hơn. Lề đường trăng thanh gió mát, ăn xong còn ngồi
rung đùi, xỉa răng cọp, ngắm phong cảnh đường phố chắc chắn phải vui mắt vui
tai rõ ràng.
Hạt mưa xiên xiên theo chiều gió bắt đầu
quất mạnh, trời càng lúc càng tối sầm, mưa mỗi lúc càng to càng nặng hạt, mưa
rào rào rồi sầm sập, sấm nổ ì ầm, thỉnh thoảng ánh chớp lòa lên soi rõ con
đường giờ đã vắng ngắt, một hai chiếc xe gắn máy hay xe hơi lao quan làm nước
bắn tung tóe. Thật lẹ làng, mấy cây sào bán áo mưa từ đâu mọc ra nhanh chóng quá
vậy, cắm chốt xỉa ra lòng đường, áo mưa treo đầy sặc sỡ đủ màu trong màn mưa trắng
xóa. Quán nhậu kéo mái hiên di động ra hết cỡ. Bàn nhậu vẫn bình thản, vừa nhâm
nhi trò chuyện vừa nghe mua ào ào, giọt nước từ máng xối dột rơi xuống chiêc thau
nhôm hứng dưới đất kêu tí tách. Một bài hát quen thuộc từ ngày xưa, cứ mỗi khi
trời mưa lại vọng lên trong đầu: Hạt mưa
trên poncho. Nhớ những đêm anh em vỗ tay reo cười. Điệu mưa nguồn, nằm trong
poncho ngỡ trên nệm gấm. Nào ai đang say sưa, hẹn nhau đi trong mưa, góp chiến
công đem ghi khắc trong lời thề. Ngày trở về, niềm gian lao tan biến trong lời
thề… Mưa, mưa mãi, thấm lòng người trai xa nhà. Hạt mưa vui như lời vỗ tay reo
ca…
Vài người lỡ độ đường tấp vào hàng hiên ngắm
trời đất. À quên, ngắm nước chứ, vì nước cuồn cuộn đã từ miệng cống ứ lên. Con
đường bắt đầu ngập, đám choai choai kéo nhau ra giữa lộ đá banh, reo hò om xòm.
Xe cộ đi từ đầu đường vào một trăm mét là tớí chỗ ngập, lỡ trớn khó quay ta,
thôi kệ cứ chạy ào qua, xui xẻo thì chịu chết máy. Con nít ở trần, vừa tắm mưa,
vừa tắm “sông”, í ới la hét đùa giỡn, mưa càng to, nước càng ngập cao, chơi càng
hào hứng. Cuộc đời thiếu tiết mục đá banh trong mưa, tắm mưa ngoài đường thì
quả thật đã mất đi một trong nhưng niềm vui thú lớn của thời thơ ấu vậy.
Đâu có cần đi xa xôi mới hay cảnh ngập ra
sao. Ở thành phố cũng biết thế nào là Thủy Tinh thị uy, mấy căn nhà nền thấp
phải dùng bao tải chặn bực của ngăn rác trôi vào nhà, nhưng vậy hãy còn là hạnh
phúc lắm đó, chứ ở khu vực thấp giữa đường thì chẳng lâu la gì, nhà đã biến thành
cái ao. Từ lúc mưa bắt đầu nặng hạt là chủ nhà đã lo nhặt guốc dép, xách ngay
cả thùng rác, khiêng xống chén… tìm chỗ cao tỵ nạn. Chứ để mưa to, nước dâng lên
quá nhanh chạy đồ đạc không kịp, tới lúc đó cái giường gỗ kê trên mấy cục gạch
trôi lềnh bềnh, đá mấy chếc ghế chổng kềnh chặn lại không thì tủ lạnh và xe gắn
máy ngả nghiêng cũng muốn đổ ụp luôn. Khiêng hai cái bàn chồng lên nhau, trên bàn
là bao gạo, trên bao gạo là sách báo, chai lọ… Con nít hí hửng ngồi trên bậc
cầu thang dùng que khều rác, nồi niêu xoong chảo thớt tự do ngao du đó đây, thật
ra cũng có cái hay là vài ba món đồ tưởng lọt khe mất tiêu, giờ lại thấy lênh đênh
hiện ra. Cá mú thì không có vì chắc chẳng lọt qua được miệng cống, nên không thể
thả vó buông câu được, nhưng dăm ba con lươn, con lịch thì sẵn sàng có mặt lượn
chơi tung tăng trong nhà. Đằng ngoài xe bột chiên, khách ăn đã phải gác chân lên
ghế, còn cô chủ thì quần xắn móng lợn, vẫn thản nhiên thoăn thoắt chiên xào nấu
nướng như không hề có biến cố gì xảy ra chung quanh. Mọi sinh hoạt vẫn rộn ràng
mặc cho “phố bỗng là giòng sông uốn quanh”.
Thế nhưng cơn mưa tuy gấp gáp và ồn ào lại
không kéo dài lâu. Mưa nhẹ hạt, sấm chớp im bặt không còn ầm oàng nữa, trời dần
dần quang đãng, trong trẻo, cây cối mới tắm gội hân hoan tươi tỉnh, mỗi cơn gió
qua lại rũ nước rào rào xuống. Các cửa được mở hết để chủ nhà ngước nhìn ước lượng
xem trời còn nặng bao nhiêu, ngó xuống đất coi ngập cỡ nào. Mưa lất phất rồi dừng
hẳn. Tạnh rồi! Từ các con hẻm ngập nước, người này, người nọ lội ra lội vào lõm
bõm, mái hiên di động được cuốn vào để hứng gió. Nước rút khỏi vỉa hè, ông thợ
sửa xe nhanh nhẩu vác đồ nghề ra đường để đón chực lau bu-gi cho những chiếc xe
bị ngập ống pô, những cây sào bán áo mưa biến mất tiêu cũng mau lẹ như lúc xuất
hiện, bàn xổ số trương ngay tấm bảng đen ghi kết quả “vé số chiều xổ”, kịp tụ tập
liền một đám đông bu lại dò số. Bà bún riêu lại cắp bàn ghế ra, bày biện đàng hoàng.
Nước trên lòng đường rút từ từ, dòng nước
chảy xoắn hút vào miệng cống, con nít ngồi bên vệ đường thả thuyền giấy trôi băng
băng, nhưng trong hẻm vẫn nghe tiếng nhà nào tát nước oàm oạp, mỗi lần ngập
nước như vậy, tha hồ mỏi tay xách nước lau cọ ná thở luôn vì bùn sình và rác
đọng trên sàn nhà và đồ đạc. Cứ mưa lớn là ngập chứ đâu phải đợi lâu lâu Thủy
Tinh mới gây sự một lần. Bà chủ tiệm chạp phô méo mặt vì quên khuấy bịch đường,
muối dưới gầm nên giờ đành giơ cao mấy bao ướt mem lên ngẩn tò te nhìn. Sáng mai
trời nắng, ai nấy tha hồ phơi phóng các thứ đầu rau rế rách.
Xe cá viên chiên, bắp Mỹ luộc nóng, bò bía…
lại lũ lượt diễu hành qua lại. Chị bán bánh chuối hạ thúng xuống, ngồi xổm thụp
ngay bậc hè đong đong gói gói, người trú mưa hàng hiên vội vã bước đi. Các khung
cửa lại mở toang, xe cộ không biết từ hóc kẹt nào lại ùn ùn túa ra. Nắng ửng vàng trên mặt đường loang loáng
nước, nhịp sống mau chóng trở lại bình thường như chưa từng bị ngắt quãng bởi cơn
mưa. Thật đúng như Nguyên Sa đã tả trong hai câu thơ dễ thương:
Em
chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
Trời
chợt mưa, chợt nắng, chẳng vì sao
Sài
Gòn Cô Nương
No comments:
Post a Comment