Saturday, May 8, 2021

Của Dâng Cho Cha, Của Biếu Cho Mẹ - Lm. Nguyễn Tầm Thường



Ai yêu mến cha mình thì đền bù tội lỗi.
Ai thảo kính mẹ thì như người thu được kho tàng.

Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống.  Trí khôn người có suy giảm, con cũng hãy nể vì, đừng nhục mạ người khi con đương sức trai tráng.

Của dâng cho cha sẽ không rơi vào quên lãng.

Của biếu cho mẹ sẽ đền bù tội lỗi và xây dựng đức công chính.

Vào ngày bĩ cực, công việc con sẽ được nhớ đến, như băng giá khi trời tối, tội con sẽ tan đi.  Người lộng ngôn, khinh cha, dể mẹ là xúc phạm đến Thượng Ðế, kẻ tác tạo nên họ.

(Huấn Ca 3,3. 12-16)

 

Tôi trình bày đoạn văn trên thành hai câu một, để chúng ta thấy tác giả viết như một bài thi ca, đối xứng ý và lời.  Hai câu đầu nói về con người: Ai yêu mến. Ai thảo kính. 

Ai

Ai

Thảo kính

Yêu mến

Mẹ

Cha

Thu được kho tàng

Ðền bù tội lỗi


Câu kế tiếp cắt nghĩa và căn dặn bổn phận làm con, cách cư xử với cha:

Hỡi kẻ làm con:

Hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi.
Chớ làm phiền lòng người khi người còn sống.
Trí khôn người có suy giảm:
Con cũng hãy nể vì.
Ðừng nhục mạ người khi con đương sức trai tráng.

 

Rồi lại đến hai lời thi ca.  Hai câu này nói về của lễ: Của dâng.  Của biếu. 

Của biếu

Của dâng

Cho mẹ

Cho cha

Sẽ đền bù tội lỗi
xây dựng đức công chính

Sẽ không rơi vào quên lãng

Sau hai lời thi ca lại là câu cắt nghĩa:

Vào ngày bĩ cực:

Công việc con sẽ được nhớ đến,
Như băng giá khi trời tối, tội con sẽ tan đi.
Người lộng ngôn,
Khinh cha, dể mẹ
Là xúc phạm đến Thượng Ðế,
Kẻ tác tạo nên họ


Ðoạn văn viết chi tiết, phong phú về ý và ngôn từ.

Yêu mến cha, tôi đền bù được tội lỗi.

Thảo kính mẹ, tôi thu được một kho tàng.

Sau khi căn dặn cách đối xử, tác giả hứa những phần thưởng, và sau cùng là lời trừng phạt: Ai khinh cha, dể mẹ là xúc phạm đến Thượng Ðế.

 * * *

Trong đời sống, ta không dám khinh cha dể mẹ.  Ta không nói lời lộng ngôn.  Ta không xúc phạm đến Thượng Ðế.  Nhưng của lễ nào ta biếu cho mẹ, ta dâng cho cha?

Thời gian có huyền nhiệm của thời gian.  Có những tháng ngày tâm hồn ta chùng xuống vì thời gian đi quá lẹ, quá xa.  Nhìn lại, bất chợt ta buâng khuâng tiếc nuối.  Nếu cha tôi còn sống thì...  Nếu mẹ tôi còn sống thì...

Tôi viết dòng này gởi riêng người bạn trẻ.

Ở lứa tuổi của tôi, ngày tháng không còn thong thả, không còn nhìn đời lững thững nữa.  Cứ thường, người ta quý thời gian là khi người ta đã có vết thương về thời gian.  Bạn còn trẻ, còn cha, còn mẹ. Tôi viết riêng cho bạn.  Tôi mong bạn chưa bị thời gian để trong tâm hồn nỗi muộn màng, hối tiếc.

Bố tôi bị tai biến mạch máu não bẩy năm nay.  Tôi về thăm, bố không còn nhận ra tôi nữa.  Ông cụ bại liệt nằm đó.  Mẹ tôi phải săn sóc 24/24.  Là linh mục với công việc mục vụ bận rộn ở đây.  Tôi không biết ngày bố chết có về được không.  Công việc giúp các khóa linh thao bắt tôi làm chương trình cả năm trước.  Cộng đoàn đã lên chương trình cả năm, đến ngày tĩnh tâm, nếu bố chết, làm sao tôi từ chối, bỏ chương trình của họ mà về.

Có về thì người chết cũng đã chết.  Tôi không làm được gì.  Bởi đó, tôi chuẩn bị tinh thần đó cho mẹ tôi.  Nếu bố chết, mỗi em một phận sự lo tang lễ cho bố.  Tôi nói với mẹ là tôi không về.  Về cũng chẳng làm được gì.  Nhiều lần tôi nói vậy.  Mẹ tôi chỉ nghe.  Mẹ biết tôi là linh mục, còn bao công việc chung.  Mẹ im lặng.

Ðêm đó, tôi ngồi nhìn ánh đèn thành phố.

Trên sân thượng của căn nhà ở đường Cách Mạng Tháng Tám, Sàigòn.

Ngày mai lên máy bay.  Không biết ngày nào mới lại về thăm mẹ. Tôi nhớ đời sống của mẹ tôi.  Tôi hình dung ngày đêm mẹ tôi quanh quẩn bên cha tôi.  Căn nhà có hai ông bà.  Ông nằm đó không nói. Vắng tôi.  Tôi phải lên Sài Gòn qua đêm để mai ra phi trường.  Ðêm sau cùng.  Tâm tư của một thời thanh niên yêu Sài Gòn, với những con đường và mưa đổ bất chợt.  Tâm trạng của người quay về ôn kỷ niệm xưa mà sao Sài Gòn quá xa trong tâm thức.  Tôi đang ngồi một mình trên sân thượng thì bà chủ nhà đến.

-        Mai Cha đi xa rồi.

Người đàn bà ngoài sáu mươi.  Bà mới mất mẹ.  Bà hỏi thăm gia đình tôi.  Tình trạng bệnh tật của bố tôi.  Bất chợt bà hỏi:

-        Có mệnh hệ nào, ông cố qua đời Cha có về không?

Câu hỏi này chính tôi đã chuẩn bị cho tôi từ lâu.  Tôi cho bà biết tôi không về.  Vì công việc mục vụ tôi không thu xếp được.  Bà im lặng không nói.  Cái im lặng giống mẹ tôi.

Dưới đường xe cộ ồn ào.  Sài Gòn vào mùa nóng, khí trời rất hanh, quá oi bức.  Bụi đường và khói xe. Tôi ngồi trên sân thượng, nhìn phố xá, nhìn những con đường như lời chào của người sắp đi xa, tâm trạng không vui gì.  Những khoảng trống thinh lặng.  Không có câu chuyện nào tiếp nối giữa tôi và người đàn bà đang để tang mẹ.  Có lẽ tâm trạng bà cũng không vui.  Tôi cắt nghĩa thêm cho bà về câu trả lời của tôi lúc nãy:

 -        Tôi không về, vì về cũng chẳng làm gì được.  Mọi cái tôi đã chuẩn bị.

Im lặng.  Vẫn cái im lặng trong tâm hồn của một người phụ nữ. Giống mẹ tôi.  Sau cùng bà nói:

-        Cha cho phép con khuyên Cha một điều được không?

Ngôn ngữ bà dùng ở đây rất đặc biệt.  Bà nói bà muốn khuyên tôi. Tôi thưa bà là tôi sẵn sàng nghe.

-        Thưa Cha, con khuyên Cha, nếu ông cố chết, Cha phải về để tang.  Cha là con trưởng trong gia đình.  Không phải về thì cũng chẳng làm gì được, nhưng vì mẹ Cha, Cha phải về.  Cha về cho người sống chứ không phải cho người chết.  Cha nói với mẹ Cha là ngày bố chết Cha không về.  Cha có biết tấm lòng người mẹ thế nào không.  Con vừa mất mẹ.  Mất mẹ là cái tang lớn nhất.  Năm nay đã sáu mươi.  Mà ngày mẹ chết con vẫn thấy bơ vơ.  Con cũng là mẹ, con có kinh nghiệm cả hai, kinh nghiệm của người con mất mẹ, và kinh nghiệm của người làm mẹ.  Cha nói Cha không về.  Mẹ Cha kính trọng nhiệm vụ của người con linh mục.  Nhưng mẹ Cha sẽ buồn.  Lời nói của Cha làm mẹ Cha nghĩ rồi đến ngày bà chết, Cha cũng không về.  Người mẹ nào không thương con, muốn gần con. Cha có biết Cha nói thế, mẹ Cha đang sống những ngày nghĩ đến cái chết của ông cố, Cha không về, cái chết của chính bà, Cha cũng không về.  Nó buồn lắm.  Con là người mẹ con biết tâm hồn những bà mẹ.  Cha phải về để thọ tang.

Trời lúc đó mấy giờ khuya rồi, tôi không rõ.  Bà nói tới đó rồi im. Dưới đường xe cộ vẫn ồn ào náo nhiệt.  Trên sân thượng tôi im lặng. Phố xá dưới kia không hồn.

Tôi không ngờ trong lối suy nghĩ của tôi từ trước đến nay quá nhiều lý trí.  Bấy giờ tôi mới thấy cái im lặng của mẹ tôi khi tôi căn dặn các em phải làm gì khi bố chết.  Bấy giờ tôi mới hiểu cái thinh lặng của mẹ tôi khi tôi an ủi bà là tôi không về.  Một sự im lặng tôi thấy đau trong tim.  Người đàn bà khuyên tôi, ấp úng, nước mắt lưng tròng. Tôi cũng đưa tay dúi mắt.  Tôi thương mẹ tôi quá đỗi.  Tôi muốn nói với bà.  Mẹ ơi! con sẽ về.

Này người bạn trẻ còn cha mẹ.

Kinh nghiệm chỉ mua bằng thời gian.  Mà trẻ thì làm sao có nhiều thời gian để mua.  Tôi gởi bạn những dòng này không như lời khuyên luân lý, giáo điều.  Tôi muốn gởi bạn như tâm tình mà có quý bạn tôi mới viết.  Tôi cám ơn người đàn bà đã khuyên tôi.  Thời gian có thể làm hồn ta hạnh phúc hay mang thương tích.  Chớ gì chúng ta biết lắng nghe sự huyền nhiệm của thời gian.

Trên đường đời, chúng ta phải lắng nghe nhiều lắm.  Trong những lắng nghe, tại sao ta không lắng nghe chính mẹ mình, lúc mẹ còn sống?  Nhiều khi mẹ nói bằng im lặng của lòng mẹ.


Lm Nguyễn Tầm Thường, S.J.

Trích tập suy niệm ÐƯỜNG ÐI MỘT MÌNH, đoản khúc 99. 

Anh Thập sưu tầm

1 comment:

  1. Đọc xong , nước mắt tôi cũng nhoè đi
    Phải rồi , phải về thôi ...
    Về cho Mẹ được ấm lòng . Về cho người còn sống còn có được niềm an ủi cuối đời
    Người mất thì đã mất ...
    Nhưng .... Mẹ vẫn còn ....

    ReplyDelete