Bill và Melinda Gate không phải là cặp vợ chồng bình thường. Họ là
cặp vợ chồng tỷ phú, từng có thời được xếp là giàu nhất thế giới. Thế nên, từng
mỗi cử chỉ, lời nói của họ đều được chú ý. Đầu tháng 5 vừa qua cả hai cùng
tuyên bố là họ chia tay, chấm dứt cuộc hôn nhân kéo dài hơn một phần tư thế kỷ.
Đương nhiên lời tuyên bố trên đã trở thành đề tài bàn tán xôn xao, và bên cạnh
đó, nó cũng làm nổi bật lên một hiện tượng bao quát hơn trong mối quan hệ của
các cặp vợ chồng Mỹ.
Ly hôn
khi đã ngoài tuổi 50, người Mỹ thường gọi đó là “ly hôn đầu bạc” (gray
divorce). Cụm từ này bắt đầu được dùng nhiều tại Hoa Kỳ vào năm 2004, nhưng hiện
tượng ly hôn của các cặp vợ chồng khi tuổi về chiều đã bắt đầu tăng từ mấy thập
niên trước và nay càng ngày càng nhiều, đi ngược lại với xu hướng suy giảm nói
chung về tình trạng ly hôn ở các cặp vợ chồng trẻ hơn. Lý do đưa đến ly hôn ở
các cặp vợ chồng lớn tuổi này đương nhiên có khác so với các cặp vợ chồng trẻ:
Theo các chuyên gia về cố vấn hôn nhân, lý do không nhất thiết là vì xung khắc
trong cuộc sống mà đúng hơn là cả hai đều muốn bắt đầu một chương mới trong cuộc
đời của họ – con cái lớn ra ở riêng, hoặc tuổi nghỉ hưu ngày càng đến gần – khiến
họ muốn đánh giá lại đời sống hôn nhân của chính họ. Và một điều nữa là càng
ngày người ta càng sống khoẻ mạnh hơn ở tuổi già, có nghĩa là họ sẽ còn nhiều
thời gian hơn để bắt đầu lại giai đoạn tiếp theo trong cuộc đời.
Trong suốt năm vừa qua, nhiều cặp vợ chồng đã phải rời lại việc ly
hôn do khủng hoảng đại dịch, nhưng các luật sư cho biết họ dự kiến con số trường
hợp ly hôn trong tất cả mọi lứa tuổi sẽ tăng khi trận đại dịch giảm cường độ. Đặc
biệt đối với các cặp vợ chồng trên 50 tuổi, các chuyên gia cố vấn hôn nhân cho
biết, trận đại dịch đã cho họ có thời gian và cơ hội để nhìn lại chính họ cũng
như tìm hiểu xem họ thật sự muốn gì đối với cuộc đời còn lại của họ.
Trước đại dịch, các cặp vợ chồng có con cái đã trưởng thành hoặc
những người mới nghỉ hưu có nhiều sinh hoạt khác ở bên ngoài và điều này giúp họ
quên đi những mối bận tâm ở nhà cũng như mối quan hệ vợ chồng không mấy tốt đẹp,
hay nói cách khác là không được vừa ý. Trận đại dịch đã khiến họ suy nghĩ khác
về phần đời còn lại cũng như mục đích trong cuộc sống, những gì họ sẵn sàng chấp
nhận và không chấp nhận. Và ngày càng có ít người chịu chấp nhận ở lại trong một
cuộc hôn nhân nhàm chán, trống rỗng, mặc dù là một cuộc hôn nhân không có xung khắc,
nhưng cũng không vui vẻ, hạnh phúc.
Lúc này con cái đã trưởng thành và đã dọn ra ở riêng nên họ thấy
lý do ráng sống chung, cố gắng chịu đựng nhau “vì các con” không còn là động lực
để giữ chân họ nữa.
Hơn nữa thời buổi này những người ly hôn được xã hội chấp nhận
hơn. Trước đây, người ly hôn bị xã hội đánh giá nghiêm khắc hoặc bị người khác
tìm cách xa lánh; nhưng nay ly hôn đã trở thành chuyện bình thường trong xã hội
và người ly hôn cũng nhận được sự ủng hộ tinh thần nhiều hơn sau khi quyết định
trở lại cuộc sống của người độc thân.
Và, khi
một người vượt quá tuổi trung niên rồi thì thường người ta không còn lo sợ bị
người khác đánh giá nữa. Nói cách khác, đàn ông và đàn bà ở tuổi này tự tin hơn
trong những quyết định của họ. Có thể người ngoài nhìn vào thì không hiểu,
nhưng chính người trong cuộc, tức là họ, hiểu là đủ rồi.
Sống khoẻ mạnh hơn và tuổi thọ dài hơn cũng đóng một vai trò trong
các cuộc chia tay trong thời gian gần đây. Hệ thống chăm sóc y tế ngày càng đầy
đủ và tốt hơn, phẩm chất cuộc sống về mặt sức khoẻ nói chung cũng ngày càng cải
thiện. Và thêm điều này nữa là ý thức về bổn phận đối với hôn nhân được coi trọng
ở các thế hệ trước thì ngày nay người ta lại coi nhẹ hơn. Cũng có người cho rằng
đó chính là hậu quả của lối sống ích kỷ, thiên về cá nhân chủ nghĩa. Tuy nhiên,
mỗi thời mỗi khác, và mỗi thời người ta có sự lựa chọn riêng của thời đó. Khó
có thể nói thời này tốt hơn thời kia nếu chỉ dựa trên quan điểm cá nhân của
riêng mình.
Tuyên bố
của cặp vợ chồng Bill và Melinda Gates theo sau cuộc chia tay cũng gây xôn xao
dư luận một thời của một cặp vợ chồng nổi tiếng và giàu có khác là Jeff Bezos,
nhà sáng lập công ty Amazon, và MacKenzie Scott, ly hôn năm 2019 sau 25 chung sống.
Trong mấy thập niên gần đây, tỷ lệ ly hôn ở Hoa Kỳ nói chung đã giảm,
nhưng đối với các cặp vợ chồng 50 tuổi hoặc hơn thì tình trạng ly hôn lại tăng hơn
gấp đôi. Theo kết quả phân tích của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Bowling Green
State dựa trên số liệu của chính phủ liên bang, năm 2019, cứ mỗi 1,000 người
đang kết hôn thì có 15 người ly dị, so với năm 1990, con số đó là 19. Cùng khoảng
thời gian trên, cứ mỗi 1,000 người tuổi từ 55 đến 64 hiện đang kết hôn thì có
11.4 người ly dị trong năm 2019, so với năm 1990 là 5 người.
Cũng theo các nhà nghiên cứu của Đại học Bowling Green State, trận
đại dịch đã đẩy tỷ lệ ly hôn xuống thấp hơn trong năm ngoái. Theo các thống kê
đã hoàn tất tại năm tiểu bang – Arizona, Florida, Missouri, New Hampshire và
Oregon – tỷ lệ ly hôn trong chín tháng kết thúc vào tháng 11 đã giảm 18% so với
cùng thời gian một năm trước đó.
vợ chồng, và thường là người lo tổ chức các buổi tụ họp với bạn bè
và tiệc tùng trong dịp lễ. Thêm nữa, bạn bè chung của hai người cũng như con cái
trong nhà thường ủng hộ và đứng về phe các bà. Nói một cách dễ hiểu, sau khi ly
hôn, các ông phải đối mặt với cảm giác rất cô đơn trong khi các bà thì bị ảnh hưởng
nhiều về mặt kinh tế.
Thống kê ly hôn toàn quốc tại Hoa Kỳ cho năm ngoái hiện thời chưa
có nhưng một số luật sư chuyên về luật gia đình nói rằng số người tới văn phòng
để được cố vấn đã có tăng trong mùa xuân. Sodoma Law, một công ty chuyên lo về
luật gia đình tại Charlotte, North Carolina, cho biết công ty hiện đang lo thủ
tục đơn ly hôn với con số kỷ lục: Trong tháng Tư, công ty đã nhận hồ sơ của 87
khách hàng cần cố vấn, so với tháng Tư năm ngoái là 50 hồ sơ. Công ty dự kiến số
người ly hôn sẽ tăng nhiều hơn trong những tháng tới, khi các tòa án trở lại hoạt
động đều đặn hơn và tháng hè cũng là lúc mà nhiều gia đình thay vì đi nghỉ mát
thì lại dắt nhau tới toà để ký giấy ly hôn.
Thêm một yếu tố khác khiến tỷ
lệ ly hôn của các cặp vợ chồng đầu bạc gia tăng là vì ý nghĩa về hôn nhân nay
đã thay đổi. Hôn nhân ngày nay theo quan niệm của nhiều người là một thành tựu
cá nhân đạt được trong đời, nói cách khác, hôn nhân đối với họ không còn mang ý
nghĩa thiêng liêng, không còn là một trách nhiệm cao cả hay một món quà quý giá
được trao tặng. Hôn nhân không chỉ là sự cam kết mà còn là một hợp đồng, và khi
người ta không còn vừa ý với hợp đồng đó nữa thì người ta xé nó ra làm hai mảnh
tách rời.
Thực tế là nhiều phụ nữ nay cũng làm việc toàn thời gian và điều
này cũng đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề ly hôn đầu bạc. Công việc làm
đó (nghĩa là có thu nhập) cho phép người phụ nữ dễ dàng bước ra khỏi cuộc hôn
nhân mà họ cảm thấy không hạnh phúc. Có thể họ sẽ gặp khó khăn hơn về tài chánh,
nhưng nhiều bà vợ ngày nay không còn quá bị lệ thuộc kinh tế vào người chồng
như trước đây nữa.
Tuy
nhiên, một thống kê khác cho biết cứ ba người thuộc thế hệ baby boomers (từ 57
đến 75 tuổi) thì có một người hiện không sống trong hôn nhân. Nếu tính ra thì
có khoảng 24 triệu người trong lứa tuổi này đang sống độc thân một mình, là một
con số khá lớn, và điều này khiến cho các nhà nghiên cứu xã hội phải quan tâm
và đặt câu hỏi là rồi đây ai sẽ chăm sóc họ trong tương lai. Mặc dù phần lớn
các cuộc ly hôn đầu bạc xảy ra với những người trưởng thành ở độ tuổi cuối 50
hoặc 60, nhưng nếu những người này không nghĩ đến chuyện kết hôn lại hay kiếm một
người bạn tình sau này thì họ sẽ phải đối mặt với tình trạng sống một mình
trong tuổi già. Tuổi già mà phải sống một mình thì chắc là cô đơn lắm và không
biết điều này có làm cho ai đó bận tâm trước khi đặt bút ký vào tờ giấy ly hôn
hay không.
No comments:
Post a Comment