Một cảnh trong vở diễn "Đời như ý" chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư.
1. Không giống như người ta, hễ thích cải lương thì đặt tên con là
Ngọc Huyền, Lệ Thủy, mê phim Việt Nam thì đặt tên Diễm Hương, Việt Trinh, chú
Đời đặt tên cho hai đứa con gái mình là con Như, con Ý.
Ai cũng hỏi, "Làm gì có chuyện đời như ý?". Chú Đời
cười, hàng ria mép xoăn tít xồm xoàm quớt lên, tự hào, sao mà không?
Nhìn vẻ mặt này không ai nghĩ chú mù, thấy sao mà tự tin, thanh
thản quá chừng. Không ai biết chú khổ còn hơn... cô Lựu. Chú Đời dẫn cả nhà rời
Chợ Cũ, Cầu Nhum lang thang lúc con Ý mới bồng nách. Gồng gánh như một gánh
hát, chú ca cải lương, bán vé số kiến thiết. Vợ chú nửa điên nửa tỉnh, không biết
có phải vui trong bụng lắm không mà suốt ngày cười ngẩn ngơ. Hai đứa con gái
đứa mười, đứa tám tuổi phụ cha đem vé số tới mời từng sạp chợ. Đứa nào mặt mày
cũng xấu xí, lem luốc, đen đúa, nên nghe cha tụi nó kêu con Như con Ý ai cũng
cười.
Một ngày của gia đình chú Đời bắt đầu từ sáng sớm, chú buộc vô
mình sợi dây điện nối giữa cây đờn với cái loa con Như đang cầm, nó ghịt dây
thì chú bước tới, chùng dây thì đứng lại. Con Ý nhỏ con chạy lăng xăng đằng
trước, đứng coi búp bê người ta chưng tủ kiếng. Vợ chú vừa đi vừa ca hát đằng
sau, nhặt hoa phượng để lên đầu. Cũng giống như những người hát rong khác, nhà
chú có cả thảy bốn người nhưng trên con đường tấp nập, trông họ nhỏ nhoi, cô
độc làm sao.
Ở thành phố này có chừng đến ba bốn người hát rong, họ dìu dắt
từng đôi, ở tận đằng xa, người ta nghe tiếng ca là biết gánh của ai rồi. Có đôi
vợ chồng già ca mùi như Thanh Sang, Thanh Nga; có một đôi trẻ hơn, ông chồng
đưa hơi như Trọng Hữu. Chú Đời ca dở, giọng hơi giòn, chói, thuộc lòng chỉ mấy bài
"Chiếc áo người vợ hiền", "Con gái của mẹ"... nghe mắc
chán. Nhưng chú đi đằng đầu phố, gió đàn lại cuối phố nghe tiếng được tiếng mất
nhưng người ta biết ông "Đời Như Ý" sắp đi qua. Cái miệng của ông này
sao mà lanh dữ vậy, luôn miệng gọi Ý con, con đừng có đi xa, con Như đi chậm
một chút, ba theo muốn đứt hơi rồi, coi má con đâu. Mình ơi, mình à, mình lại
gần tui nè. Rồi oang oang bảo vé độc đắc chiều nay nằm ngay đây, ngay trân chỗ
này nè. Có hai ngàn một vé, ăn gói xôi chưa kịp mắc răng đã hết, mua giúp tờ vé
số đặng giúp tui xóa đói giảm nghèo. Mua đi, để tui đi xin bà con cũng mắc...
cho hà. Mấy ông chạy xe ôm nói chú rao làm sao mà láu cá quá, không biết mù
thiệt hay mù giả mà sao cái miệng leo lẻo vậy. Chú gỡ mắt kiếng đen ra, cười với
đôi mắt lạnh lẽo, sâu hút, "Mấy anh nghĩ vậy riết quen, em đui tối thiệt
thòi, rên rỉ, than vãn cũng đâu hết thảm. Mà, em đang sung sướng quá chừng đây,
kể lể nỗi gì".
Theo chú nói thì chú sung sướng thật. Vợ chú đẹp, vui vẻ (vì cười
hoài), có đi nhậu vợ chú cũng không chù ụ như vợ người ta. Không ngã lòng trước
sự hào nhoáng xa hoa, chồng người ta sao mà đẹp trai, sao mà giàu hơn chồng mình.
Chỉ cần mỗi bữa sáng, chú mua cho vợ hai ngàn đồng cà phê sữa là vợ mừng rưng
rưng nước mắt. Chú sung sướng vì còn có hai chị em con Như con Ý, nhỏ xíu mà
giỏi, dễ dạy, đẹp đẽ. Nghĩ vậy nên chú Đời phải vui, vui vì vừa lòng với những
gì mình đang có.
Những trưa nắng gia đình chú tạt vào hiên chợ Bách Hóa, nghỉ chân.
Con Như lãnh tiền, chạy đi mua cơm về ăn. Họ ngồi giữa ngọn gió mát lồng lộng.
Chú Đời lúc nào cũng ngồi ăn chậm rãi, nghe ngóng chung quanh như canh chừng,
như bảo vệ bữa ăn thiêng liêng của nhà mình. Chú nghe tiếng đũa khua tinh tang,
cuống quít lên miệng chén là biết đứa nào đói đứa nào không. Rồi cằn nhằn vợ,
"Mình ăn chậm thôi, nghẹn bây giờ, đó, nghe ặc ặc rồi đó. Con Như lấy nước
mà uống. Coi gỡ xương cho em Ý với, con". Bữa nào ăn cơm xong, chú cũng
ngồi chải đầu cho ba mẹ con họ, ai đi ngang khen chơi, cha, bữa nay hai đứa nhỏ
đẹp gái dữ, chú sướng quá cười hích hác. "Nó giống mẹ. Giống vợ em mới
đẹp, giống em xấu hì. Mà, ngộ quá, con của mình, xấu mấy cũng thấy đẹp thấy
thương".
2. Quẩn quanh mấy chợ, mấy khu phố quen hoài bán không chạy như
trước, chú Đời phải ráng đi tới tối mịt mới về. Giọng chú ngày càng khàn, nghe
khen khét như nồi cơm quá lửa. Đi qua mấy quán nhậu, có người kêu vô, đưa ly
rượu, chú trịnh trọng nâng ngang mày đa tạ, chỉ hít tới hít lui khen "Rượu
ngon. Mùi đã thiệt" nhưng không uống, chú bảo lúc này giọng dở quá, hình
như nghe không khỏe trong mình.
Nên có lúc giọng ca của chú lật bật như hai hàm răng đánh vào
nhau, chú biểu con Như đi mua Anagin về cho chú uống. Mấy cô tiểu thương trong
chợ cằn nhằn, thằng cha mầy lúc này ca gì như là sốt rét, "Chiếc áo người
vợ hiền" hay vậy mà ca lụm cụm như "chiếc áo bà già". Một bữa đi
ngang qua trạm y tế phường, con Như dụ, nó nói trong trạm có khám bệnh miễn
phí, nên nó dẫn chú vào. Lát sau, lúc từ phòng siêu âm bước ra, chú Đời giận quá,
mặt xanh, tay chân run rẩy, "Ba đã nói có bịnh hoạn gì, làm tốn hết mười
lăm ngàn đồng bạc".
Chú Đời mau giận mà cũng mau quên. Bữa sau chú còn sắm đồ cho hai
chị em con Như. Diện quần áo mới, tắm rửa kỳ cọ sạch sẽ, ai cũng bật ngửa,
"vậy ra ông này mù mà tinh, ổng đâu có xạo, mấy đứa cũng ngộ gái quá
chớ". Dì Liễu cũng khen.
Dì Liễu bán xoong chảo ở trong chợ Bách Hóa, không có con nên
thích con nít, hay rờ rờ đầu chị em Như, Ý, nói với mấy bà bạn, "tui khoái
chị em con nhỏ này, nghèo vậy mà đàng hoàng, không đá cá lăn dưa". Con Như
nghe thích lắm, về nói với ba, chú Đời hỏi, dì Liễu thích con hay thích con Ý.
Như bảo thích bằng chang nhau. Cho con cục kẹo thì cũng cho con Ý một cục. Chú Đời
thở dài, "Ba già rồi, hát ca hết ra hơi rồi, chắc là nuôi mấy má con con
không nổi, hay là ba cho bả một đứa, nghen".
Dì Liễu tính đâu chú nói chơi, con người quý con như mạng mình,
nói cho là cho sao. Ai dè chú làm thiệt. Dì Liễu mừng lắm, những bữa chợ vắng
có một đứa hủ hỉ, trông đồ cho mình ngủ cũng vui. Dì chọn con Ý vì khuôn mặt nó
đẹp, sáng sủa chứ không buồn bã như con Như. Dì còn đi coi thầy, chọn ngày tốt
để rước con Ý về.
Hôm con Ý về với dì Liễu là rằm tháng Hai, chú Đời biểu con Ý mặc
đồ mới, kéo nó ngồi vô lòng mình, chú chải tóc cho nó, chú chải lâu vì nó cứ
tức tưởi liên hồi. Chú hỏi bữa nay con mặc áo màu gì, nó bảo màu xanh. Chú dặn
lòng, mình sẽ nhớ hoài, lúc xa chú, con Ý mặc đồ xanh, mặc dù chú không biết màu
xanh ra sao. Chú kêu vợ lại, biểu, "Mình hôn nó một cái đi, mai mốt nó
không ở với nhà mình nữa. Mình đẻ ra nó mà tui không nuôi, mình đừng có
giận". Vợ chú đâu có giận. Chỉ có con Như giận, nó nức nở, "con thương
con Ý nhất nhà mà, ba". Chú không thương à? Thương, nhưng chú chắc dạ lắm,
bước đi là đi một nước. Vợ chú rên ti tỉ, ngoái lại nhìn phía chợ hoài. Con Như
vẫn khóc. Chú hỏi nó, "Con Ý có nhìn theo không, con". "Có, ba
à, tội nghiệp nó quá". Dường như con đường có nhiều ổ gà sao nghe chông
chênh quá. Chú Đời cắn môi bước tới.
Nhưng đến chạng vạng, lúc quay về nhà trọ đã thấy con Ý ngồi lù ở
cửa. Từ đó không cách gì bứt nó ra được. Chú năn nỉ nó quay lại với dì Liễu, nó
không nghe. Chú lấy gậy đánh, nó cắn răng chịu. Chú đưa vợ với con Như trốn khỏi
thị xã nó cũng biết cách lần theo. Bảy tuổi, con Ý cũng đã bảy năm lưu lạc
giang hồ chớ giỡn. Cuối cùng, một đêm, chú bắt nó ngồi trước mặt mình, ôm lấy
đôi vai xương xẩu của nó, chú nói cho con Ý nghe một câu chuyện đau lòng, chú
nói nó không phải là con ruột của chú, chú lượm nó ở ngoài đống rác bệnh viện.
Chú nuôi nó tới chừng này là để kiếm người bán lại. Dì Liễu cũng trả cho chú
hai triệu chớ đâu có ít. Con Ý nhìn tệp tiền chú rút ra từ túi áo, mặt nó lạnh
băng. Sáng sau, chú Đời đưa con Ý trở lại với dì Liễu. Lúc quay đi chú hỏi con
Như, "Nó có nhìn theo không, con". Con Như nói không. Chú ừ, nấc khan
một tiếng rồi cất tiếng ca, "Nuôi con khôn lớn không mong gì con nuôi lại
mẹ...", sao mà nghe nghẹn ngào như đang khóc.
Con Như sợ rồi sẽ tới phiên mình. Nó cuống quýt sống, cuống quýt
yêu thương chú Đời. Nó ăn ít, lấy đồ cũ ra mặc như thể chứng minh rằng nuôi nó
cũng không tốn kém gì mấy. Chú Đời hiểu lòng nó, hay hôn lên mái đầu khét nắng
của nó, lặng lẽ thở dài. Lấy số tiền dì Liễu cho, chú Đời đưa vợ vào bệnh viện.
Bác sĩ nói vợ chú bệnh đã quá lâu, không có hy vọng chữa lành, nhưng cứ ở lại
điều trị một thời gian xem sao. Chú Đời ôm vợ vào lòng, ngồi ngay chỗ băng đá
đằng trước, chú nắn đôi tay, rờ rẫm mãi lên mặt vợ, biểu: "Mình ở đây
nghen, ráng mau hết bệnh về nấu cơm cho tôi ăn, nói chuyện với tôi chơi. Hồi
cưới mình tới giờ, chưa khi nào mình nói câu nào tử tế với tôi, tôi cũng buồn
lắm". Vợ chú cười.
3. Cả gia đình lang thang đó giờ chỉ còn hai người. Đêm khuya trở
giấc, chú Đời kéo mền đắp cho con Như, vô tình đôi tay chú quệt trúng hai hàng
nước mắt. Chú biết nó thức, chú hỏi "Sao vậy, con đau bụng hả?". Nó
tức tưởi, "Bây giờ chỉ còn có mình con, ba đừng bắt con đi đâu hết, để con
dẫn đường cho ba, mua thuốc cho ba uống, phụ bán vé số, nghen ba". Chú ừ,
bỏ con đi đâu bây giờ.
Chú thường vòng qua chợ Bách Hóa, chú không hát, không dừng lại
bán, chỉ kêu con Như tỏ mắt nhìn con Ý coi bữa nay nó mặc áo màu gì, mập ốm ra
làm sao, tóc dài bao nhiêu rồi. Đứa con gái lớn buồn bã bảo, "em con mập
lắm, trắng hơn hồi nó còn ở nhà mình. Nó cắt tóc tém, coi giống con trai lắm, nó
nhìn thấy con mà giả đò như không thấy vậy, ba". Không mặc đồ xanh ba mua
à? Không, lâu rồi nó không mặc nữa. Chú nghe vừa mừng vừa đau. Vậy là nó quên
chú rồi, nó yên lòng bên người mẹ mới. Vậy là từ nay chú đã xa mãi đứa con này.
Lụi hụi hết mùa nắng, giọng chú tắt khèn khẹt trong cổ họng, thậm chí không thể
cất lời rao. Chú đờn cho con Như ca, tiếng ca ngọng ngịu và non nớt lắm, vô
vọng cổ luôn bị đứt giữa chừng. Tội nghiệp, con nhỏ không có tài, ngáy còn lạc
giọng mà ca nỗi gì. Những lúc ngồi bên con, nghe nó ăn giá sống cho họng bớt
khan, chú Đời muốn khóc, thấy mình bất lực trước bệnh tật. Chú bảo, "Thôi,
bỏ nghề, con".
Đã thấu gần hết cái khổ của kẻ hát rong, đã mỏi đôi chân ròng rã,
chú Đời bán cây đờn, cái loa với bộ bình ắc quy. Chú xin cho con Như đi chạy
bàn, rửa chén ở quán hủ tiếu Nam Vang. Mới đầu nó không chịu, nó nói ba ở nhà
một mình không được. Hồi đó ba buồn còn đờn lửng tửng chơi, bây giờ đờn cũng không
còn. Nhưng rồi đến bữa cơm, nó đổi ý, nó không thể để chú Đời quẹt kho quẹt vầy
hoài. Một bữa trưa, nó bưng tô nước thịt có nhúng nắm rau chạy về, chú Đời rầy
nó làm vậy chi, ông bà chủ chắc không thích, nó cười, chú thím Sảnh biểu con
đem về cho ba đó. Người ta thương con lắm. Chú Đời bảo, cuộc đời này, thiệt
nhiều người tốt.
Một bữa trưa, chú Đời bắt nó ngồi lâu với chú thêm một chút nữa.
Chú lấy lược ra chải đầu cho nó, tóc nó đã dài chấm thắt lưng. Chú nói, không
biết chừng nó mười tám hai mươi tuổi tóc dài cỡ nào hen. Con Như cười, chừng đó
cho ba chải đầu, thắt bím cho con mệt luôn. Chú Đời bảo, từ đây tới đó còn lâu.
Rồi chú than, sao mà chú nhớ vợ với con Ý quá chừng. Con Như bần thần, "Hồi
đó, nhà mình vui biết bao nhiêu hén, ba".
Ừ, vui. Trưa vầy, nếu không ở bên hông chợ thì cả nhà chú cũng tụm
lại bên một gốc cây nào đó có bóng mát, nghỉ chân, ăn cơm. Hai đứa con nhỏ của
chú bữa nào cũng không chịu ngủ lấy sức mà mải mê búng thun. Mở miệng ra rầy, con
Ý nịnh, "để con nhổ tóc bạc cho ba". Nó nói đầu ba bạc nhiều lắm, rồi
đặt sợi tóc lên bàn tay chú, trời ơi, sợi tóc mỏng tanh, nhẹ te vầy mà nó cũng
thấy, con mắt nó sáng ghê. Rồi chú nhớ tới người vợ hay tựa đầu vào vai chú ngủ
khì, trong trẻo, vô tư như trẻ con. Tự dưng chú Đời thèm được sống lại những
buổi trưa ấy, những buổi trưa đã xa rồi, đã xa mất rồi. Chú biểu, "Mai con
chạy ra chợ Bách Hóa, hỏi dì Liễu cho con Ý về, ba gặp một chút, sao... ba nhớ
nó quá hà". Nhưng con Ý đâu còn ở chỗ dì Liễu nữa, dì nói nó đi rồi. Con
Như tưởng dì giấu, cứ theo năn nỉ hoài, "tội nghiệp ba con mà, dì, cho nó
về một chút thôi rồi mai mốt con không lại xin dì nữa". Dì Liễu vốn là
người nhân hậu, dì chỉ biết nắm tay nó mà khóc ròng.
Là thật. Con Ý đã bỏ nhà đi bụi đời là thật. Nó đi vì lâu rồi mà
không được nhìn thấy người cha tội nghiệp ấy dắt chị nó lặng lẽ qua chợ. Nghĩa
là ba nó đã không còn thương nhớ nữa. Vậy thì ở lại làm gì? Con Như quay về, nó
phải dừng lại rất lâu, nó không biết phải nói thế nào cho chú Đời đừng đau xót.
Nó ngập ngừng đứng chỗ cái hàng ba đầy rêu ướt, chợt nó nghe tiếng hát, trời
ơi, là tiếng hát của má nó. "Ầu ơ. Đường dài ngựa chạy biệt tăm. Ơ... Phải
duyên chồng vợ ngàn năm cũng chờ". Con Như mừng rỡ xô cửa bước vào, má nó
đưa tay lên miệng ra hiệu im lặng, rồi thì thào:
- Đừng la lớn. Mệt rồi. Ngủ đi.
Con Như chạy lại ôm má nó, nó nghĩ chắc chú Đời
giả bộ đây, trông con Ý thấy mồ mà không chịu dậy. Nó chọc lét vô mấy cái xương
sườn của chú, nhưng chọc mãi, chọc mãi, chú không bao giờ thức nữa.
4- " Làm gì có chuyện đời như ý ? "
Nguyễn Ngọc Tư
No comments:
Post a Comment