Florida
thuộc về những tiểu bang được gọi là Miền Nam (The South) của Hoa Kỳ.
Những
Tiểu bang Miền Nam
Theo sự phân chia địa dư, vùng Miền Nam gồm 11 tiểu bang được kể từ trên xuống dưới và từ đông sang tây trên bản đồ nước Mỹ gồm: Virginia, North Carolina, South Carolina, Georgia, Florida, Kentucky, Tennessee, Alabama, Mississippi, Akansas, Louisiana.
Khi nói tới vùng đất Miền Nam, người ta thường nghĩ ngay tới hai ý niệm tiên khởi:
- Ý
niệm thứ nhất: Miền Nam là vùng gồm những tiểu bang thuộc “Liên minh Miền
Nam” (Confederacy) trong cuộc Nội Chiến (Civil War) của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Nhưng trên thực tế thì không hẳn như thế, như Texas thuộc
“Liên minh miền Nam” lại nằm trong những tiểu bang Miền Tây (Western States),
hay tiểu bang Kentucky tuy thuộc Miền Nam nhưng lại không nằm
trong “Liên minh miền Nam” mà lại là “Liên minh miền Bắc” (Union).
- Ý niệm thứ hai: Miền Nam là vùng gồm những tiểu bang ở phía nam đường ranh Mason-Dixon (đường ranh giữa Pennsylvania và Maryland), có giới hạn phía đông là biển Atlantic, và phía tây là dòng sông Mississippi (Mississippi River). Nhưng trên thực tế không hẳn là như thế, hai tiểu bang của Miền Nam là Arkansas và Louisiana cũng nằm cả phía bên kia, tức bờ phía tây của dòng sông Mississippi.
VÀI NÉT VỀ SỰ PHÁT TRIỂN
BAN ĐẦU CỦA FLORIDA
Tiểu bang quan trọng nhất của những tiểu bang Miền Nam (The South) là tiểu bang Florida.
Vào
trước năm 1900, Florida còn gần như là đất hoang, chỉ có vài thành phố tương
đối lớn cách biệt riêng rẽ, không có đường xá hay xe lửa để nối kết với nhau.
Nếu như Thủ đô Washington D.C. ngày nay được coi là một đài tưởng niệm của kiến trúc sư Pierre Charles L’Enfant (1), người đầu tiên đã “layout” ra thành phố ấy vào năm 1791, thì tương tự, toàn bộ bờ biển phía đông của Florida là đài tưởng niệm của ông Henry M. Flagler, người đầu tiên đã “layout”, khai phá, mở mang miền đất này trở thành khu vực trù phú và đẹp đẽ như ngày nay.
Vào năm 1888 khi ông Flagler tới Florida, cả một dải dài bờ biển phía đông của Florida không có lấy một thành phố nào ở phía dưới thành phố Jacksonville ngoài trừ thành phố St Augustine. Tất nhiên St Augustine là thành phố cổ nhất của Hoa Kỳ được xây dựng từ người Tân Ban Nha, và đã từng là thủ phủ của Florida một thời gian dài cho tới năm 1824. Cho tới năm 1913, Flagler chết, đường xe lửa đã được thiết lập cho tới mũi Key West và một chuỗi thành phố đã được xây dựng như Daytona Beach, Palm Beach, Ft Lauderdale, Dania, Hollandale, Miami, và Homstead.
Flagler không phải là nhà thám hiểm cũng không phải là nhà khai phá rừng vì ông chưa từng đốn một cây nhỏ. Ông đến Florida khi tuổi ông đã “chớm già” nhưng lại là người rất giàu có. Khai thác Florida được ông coi như là một sở thích (hobby) lúc về già. Ông nhìn thấy được ở nơi đây đang tiềm ẩn một triển vọng rất lớn về kinh tế mà ông muốn khai thác.
Flagler sinh năm 1830 trong một thành phố nhỏ ở tiểu bang New York trong một gia đình nghèo. Thời còn thanh niên, ông đã tới Ohio làm việc vất vả và để sau đó ông trở thành một thương gia thành công. Năm 1867, ở tuổi 37, Flagler hợp tác với người bạn trẻ của ông là John D. Rochefeller đang làm chủ một công ty dầu nhỏ (oil company). Hai người cùng nhau thiết lập và phát triển thành một công ty dầu lớn và nổi tiếng sau này là Standard Oil Company. Đó là cơ hội lớn nhất cho Flagler, ở tuổi 50, tài sản của ông đã đạt tới 50 triệu đô la thời bấy giờ. Tuy nhiên, khi lớn tuổi, Flagler cảm thấy mệt mỏi với việc kinh doanh dầu hỏa (oil business) nên đã tìm tới một công việc khác thú vị hơn.
Năm 1884, Flagler đã cùng vợ con đến thành phố Augustine để hưởng những ngày nghỉ mùa đông ấm áp. Ông thấy rất thích thú với cảnh đẹp và khí hậu ở đây. Sau khi trải qua một mùa đông ở Augustine, ông đã quyết định xây một khách sạn lớn ở thành phố này. Hai năm sau, khách sạn Ponce De Leon hoàn tất và đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng vì là khách sạn được đánh giá đẹp nhất trên thế giới vào thời đó. Càng ngày Flagler càng thấy thú vị và hấp dẫn với Augustine, ông đã cho xây thêm vài khách sạn lớn nữa. Nhưng có một điều là không có đường xe lửa để nối từ Jacksonville đến Augustine, ông quyết định cho xây đường xe lửa này. Và sau vài năm, đường xe lửa được hoàn thành, không những chỉ qua Augustine mà còn được kéo dài tới Palm Beach. Tại Palm Beach ông cho xây thêm một khách sạn lớn nổi tiếng nữa mang tên Royal Poinciana. Ông tiếp tục tiến xa tới phía nam của Miami và ông cho mở thêm một khách sạn lớn.
Năm 1896, Flagler lên kế hoạch khai thác đường xe lửa đi sâu xuống phía nam hơn nữa, qua Miami tới tận Homestead. Công việc này quả thật rất khó khăn. Đầu tiên, ông phải thuê mướn 40.000 công nhân, phần đông đến từ miền bắc để đảm trách những công trình khác nhau. Có hai việc ưu tiên mà ông phải đương đầu.
- Việc phục vụ sinh hoạt hàng ngày như nơi ăn chốn ở cho số lượng công nhân lớn lao.
- Vật liệu xây dựng phải mang từ những tỉnh miền bắc xa xôi xuống.
Để giải quyết cho những vấn đề trên ông phải thiết lập thành phố, công viên và các cơ sở phúc lợi cho công nhân. Ngoài ra ông còn làm đường lớn, mở rộng sông ngòi, đào sâu thêm các cảng cho việc chuyên chở vật liệu đến tận những nơi cần thiết. Do đó nhiều thành phố tân tiến dọc theo bờ biển phía đông Florida được mọc lên.
Công trình to lớn cuối cùng của Flagler là đường xe lửa tiếp nối từ Homestead tới Key West được mang tên Florida East Coast Railroad dài 150 dặm. Key West là phần đất cuối cùng phía nam của Florida và mũi Key West là điểm cực nam của Hoa Kỳ. Nhiều người vào thời đó cho rằng tuyến đường xe lửa này khó thực hiện được và không thực tế vì nó kết nối một chuỗi kết hợp nhiều hòn đảo nhỏ trên biển được gọi là “keys”. Nhiều cầu bắc ngang qua các đảo được thực hiện, có cây cầu dài tới 7 miles. Flagler đã quyết tâm thực hiện công tác xây dựng trước khi ông chết. Công tác được khởi công năm 1908 và phải mất 8 năm mới hoàn tất. Ông đã ngồi trên chuyến xe lửa đầu tiên đến Key West. Lúc này ông đã 92 tuổi. Sau đó mấy năm, ông mất ở Palm Beach.
DU NGOẠN FLORIDA
Chúng tôi đã đến Florida vào đầu tháng 8. Tháng này, Florida vẫn còn ở vào mùa hè, trời nóng và ẩm, có nhiều cơn mưa nặng hạt nhưng thường không kéo dài. Chúng tôi theo bước chân khai phá của ông Flagler, tức là chúng tôi sẽ thực hiện một cuộc hành trình bắt đầu từ thành phố Daytona, một tỉnh phía bắc có bãi biển đẹp và nổi tiếng, cho tới thành phố Key West, thành phố tận cùng phía nam của Florida, cũng là thành phố cực nam của nước Mỹ.
Thành phố DAYTONA
Chuyến máy bay của chúng tôi đáp xuống phi trường Orlando vào buổi chập tối. Trời mưa lất phất. Cảm giác đầu tiên chúng tôi nhận ra ngay được là cái “ấm” và “ẩm” của Florida.
Sau khi thuê xe tại phi trường, mất khoảng một giờ lái, chúng tôi tới thành phố biển êm đềm và xinh đẹp Daytona. Daytona đã bắt đầu lên đèn
“Check in hotel” là công việc đầu tiên phải làm. Nơi tôi ở là một Hotel Resort ở ngay bờ biển và cũng may mắn là căn phòng chúng tôi ở cũng hướng mặt ra biển, gồm hai phòng có bếp và tiện nghi cho việc nấu nướng trong vài ngày lưu lại đây.
Trời bắt đầu
tạnh mưa và đã tối hẳn.
Sau khi check-in, chúng tôi đi bộ dọc theo bờ biển, trên con đường lát gạch
rộng rãi kéo dài vài cây số trong khu khách sạn tôi ở.
Dọc theo con đường gạch là những khách sạn sang trọng nối hàng nhau, chạy dài theo bờ biển. Với
ánh đèn chiếu sáng trên những bãi cỏ rộng hay trên bùng binh phun nước (fountain) nổi bật trong bóng đêm
làm cho con đường đi bộ trở
nên thêm phần thơ mộng. Có những khu bán hàng lưu niệm cho du khách với ánh đèn
màu rực rỡ và những tiếng nhạc êm dịu làm tăng thêm vẻ thanh lịch cho cả khu.
Đối diện với những khách sạn, phía bên kia con đường
gạch là biển. Khách du lịch có thể ngồi trên những chiếc ghế dài kê rải rác vài
nơi để nghỉ chân và để thả hồn theo tiếng sóng biển vỗ rì rào xen lẫn với tiếng
gió thổi.
Xa
xa,
thỉnh thoảng xuất hiện ánh đèn của vài ba chiếc tầu du lịch lớn (cruise) từ từ di
chuyển rồi dần dần mất hút trong bóng đêm. Hình ảnh những ánh
đèn le lói chập chờn trong bóng đêm mênh mông giữa biển cả của vài chiếc tàu
hay thuyền nhỏ làm chúng tôi lại có dịp nhắc cho nhau nghe về những khó khăn, nguy hiểm
trong những ngày
vượt biển đi tìm tự do,
và tự cho mình đã may mắn để có
được đời sống thanh bình trên
mảnh đất của tương lai đầy hy vọng
này.
Thấy mình đã đi quá xa và quá lâu nên
chúng tôi quay trở về khách sạn.
Đường vắng người, khung
cảnh càng về khuya càng trở nên thơ mộng và êm đềm hơn.
Tôi nhẹ kéo nhà tôi đi sát về phía mình,
tay nắm tay đi thảnh thơi trong ánh đèn đêm. Cái cảm giác ấm áp
của bàn tay nàng làm tôi liên tưởng tới những ngày mới quen nhau, khi ấy nàng còn trẻ lắm. Dĩ vãng
của “những
năm tháng ấy”
trở về. Tôi nâng tay nàng lên hôn nhẹ, cả hai cùng nhìn nhau mỉm cười.
Gió biển đã làm tôi cảm thấy hơi lành lạnh.
Sáng hôm sau, tôi vừa mở cửa ra lan can để
hít gió biển trong lành. Ôi, cả một khung trời
mở rộng.
Biển trải ra tới tận cuối chân trời. Vì bãi
biển cách nơi tôi đứng khá xa nên tôi không nghe thấy rõ tiếng sóng mà chỉ nghe thấy tiếng rì rào của gió và thoang thoảng mùi của biển rất đặc biệt khó tả, mùi biển mặn. Những đợt sóng trắng nối tiếp nhau từng đợt ùa
vào bờ rồi lại vội vã rút ra lan tỏa trên bãi cát.
Từ trên lan can nhìn xuống phía dưới sân là một dẫy hồ bơi. Những
ngọn đèn quanh hồ, ẩn
mình yên lặng dưới bóng hàng cây “palm”, chiếu xuống mặt hồ lung
linh.
Trời chưa sáng tỏ nhưng công nhân của
khách sạn đã sớm quét dọn để
chuẩn bị một ngày mới cho khách, tôi đoán phần đông là du khách phương xa. Tiếng di chuyển và
làm việc của công nhân khách sạn làm phá tan đi đôi chút sự yên tĩnh trong buổi sớm mai.
Chúng tôi chuẩn bị xuống bãi biển đi bộ.
Cuối chân trời
xa xa đã
nhen nhúm
tia sáng đầu tiên. Ánh sáng ban mai ấy chuyển dần từ màu tím đậm sang màu tím
nhạt tỏa ra thành hình cánh quạt. Vài đàn chim hải âu vội vã nối đuôi nhau bay
là là trên đầu ngọn sóng.
Chúng tôi băng qua dẫy hồ bơi để tới bãi
cát. Cát biển ở đây không hẳn màu vàng và óng ả như cát bãi biển Nha Trang mà
là màu
trắng đục. Bãi biển rộng và dài,
dài đến mút con mắt. Tiếng sóng biển vỗ bờ lấn át tiếng gió. Từng ngọn sóng xa
xa đang xô nhau chạy vào bờ. Sóng biển, hàng hàng lớp
lớp, với bọt
trắng xóa ùa sâu vào bãi cát rồi
lại hối hả rút
ra ngay. Đàn chim nhỏ trông như
bầy gà con chạy thoăn thoắt trên bãi cát kiếm mồi. Mỗi khi sóng biển rút ra là
cơ hội cho chúng chạy ùa tới
đó vội vã mổ mổ kiếm ăn trên cát ướt. Tôi không biết chúng kiếm được những gì ở đó.
Vầng đông đã ló dạng, ánh bình minh hửng đỏ từ cuối chân trời
nhô lên một cách nhanh chóng. Chỉ một
thoáng, mặt trời đã ngoi lên khỏi mặt nước, màu sắc biến đổi từ màu
đỏ chuyển sang
màu da cam rồi sáng dần lên để
thấy rõ mặt người và cảnh vật chung quanh. Những khách sạn dọc theo bờ biển chúng
tôi đi ngang đêm qua cũng dần hiện rõ xa xa. Chỉ có một điều, lúc này thiếu ánh đèn màu nên chúng giảm bớt sự thơ mộng và
sang trọng đi rất nhiều. Người đi bộ trên bãi biển đã lác đác xuất hiện rồi
đông dần
hơn lên.
Ánh sáng ban mai chiếu trên sóng nước và
bãi cát trông loang loáng như được lát vàng. Vài con cò dò dẫm bình thản đây đó
trên thảm vàng óng ánh ấy. Bóng cò trắng mảnh khảnh chiếu xuống nước, chiếu xuống
cát ướt, ôi đẹp làm sao. Một con cò đậu trên cọc cao nhìn trời lơ đãng rồi chợt vỗ cánh bay đi. Vài con
chim hải âu bay lượn trên trời, thỉnh thoảng bay sà xuống gần chúng tôi kêu lên
vài tiếng để xin ăn. Chim hải âu đẹp nhưng tiếng kêu của nó không êm đềm thánh
thót chút nào. Được cái, chúng
rất thân thiện, không sợ con người bắt làm thịt nên cứ nhởn nhơ, sẵn sàng sà xuống nếu
được cho ăn. Chúng cũng làm vui bãi biển và nhất là vui với đám trẻ con thích
cho chim ăn.
Cát tại bãi biển Daytona mịn và “nén” một
cách tự nhiên đủ để cho xe hơi chạy trên đó mà không sợ bị lún bánh xe vào
trong cát. Cũng với lý do đó, bãi biển trong những ngày đông du khách, một
phần của nó đã biến
thành bãi đậu xe công cộng,
rất thuận tiện.
Chúng tôi đi bộ trên bãi biển đã khá xa,
tính ra cũng khoảng một hai
cây số trong cảnh thanh bình ấy. Bụng đã thấy đoi đói nên chúng tôi cùng nhau
quay trở về khách sạn
để chuẩn bị cho bữa ăn sáng và kịp giờ xuống biển tắm, đùa nghịch với sóng cho
thỏa lòng mong ước. Bờ biển ở vùng bắc California, nơi chúng tôi đang ở, đẹp
lắm nhưng không tắm được vì nước biển lạnh cóng, chỉ cần nhúng chân xuống nước
là phải nhấc vội lên
ngay chứ đừng
nói chi là lội xuống. Biển Cali chỉ để ngắm và nghe sóng biển rì rào nên thơ, còn tắm biển là chuyện đừng
mơ, nhất là ở lứa tuổi “chớm già” như chúng tôi.
Cũng may, chúng tôi “book” được
căn phòng có hai buồng ngủ, bếp, phòng khách và phòng ăn. Nó nho nhỏ thôi nhưng
cũng đủ đáp ứng cho sinh hoạt gia đình bốn người (vợ chồng tôi và vợ chồng
người bạn cùng đi). Tất nhiên bếp là nơi dành cho “hai bà” nấu nướng. Khi đi
chơi xa mà chúng tôi vẫn được ăn cơm với những món ăn Việt Nam hợp khẩu vị mình
thì thích thú biết bao, nhất là không phải ra nhà hàng ăn, vừa tốn tiền lại vừa mau chán. Trong
suốt mấy ngày ở Daytona tôi chưa thấy quán ăn của người Việt, nhà hàng Tầu thì
có.
Cứ theo chương trình, sáng đi bộ dọc theo
bờ biển, trưa đi tắm biển đùa với sóng, chiều tắm hồ bơi nước ngot và
nằm dài trên ghế nhìn ngắm lung tung kể ra cũng thoải mái lắm. Cơm ngày ba bữa.
Dư thì giờ còn lại, hay lúc nhàn rỗi, chúng tôi ngồi tán gẫu hay lái xe đi chơi
thăm thành phố.
Daytona là thành phố biển du lịch khá nổi
tiếng của Florida, thuộc loại trung bình, không lớn không nhỏ và
không có cuộc sống vội vã,
xô bồ như những thành phố lớn.
Ngoài việc tắm biển, lái xe trên những
con đường lộ để vừa ngắm biển vừa ngắm nhìn những khách sạn hay biệt thự sang trọng
mọc rải rác dọc theo bờ biển, chúng tôi cũng còn có dịp đi thăm thú một vài nơi
đặc biệt của thành phố, đó là ngọn hải
đăng, ngôi nhà xưa của tỷ phú
Rockefeller, vườn Sugar Mill Gardens
và tình cờ được thăm một
công viên nhỏ của thành phố có liên quan tới Việt Nam.
Ngọn hải đăng.
Đây là một di tích lịch sử của ngành Hàng
hải Hoa Kỳ. Hải đăng ở Daytona được coi như cao nhất của
tiểu bang Florida
và cũng là một trong số hải đăng
cao và đẹp nhất của Hoa Kỳ. Nó
được xây dựng trên một khu đất rộng ven biển và được bao quanh bởi một quần thể kiến trúc nhà cửa dùng phục vụ cho công việc điều hành.
Nhà
bán hàng lưu niệm cho du khách tọa lạc ngay cổng ra vào chính. Gian hàng tại đây đủ rộng để có thể coi nó như một bảo tàng viện nho nhỏ trưng
bầy nhiều hình ảnh, mô hình thu nhỏ của hải đăng tại Daytona
và một số hải đăng khác nổi tiếng trong quá khứ hay đương thời,
cùng với sự so sánh về kích thước, chiều cao, dáng vẻ của từng ngọn để ta có thể có cái nhìn tổng quát hay có thể hình dung
về những kiến trúc khác nhau của phần lớn hải đăng trên
nước Mỹ hoặc vài nơi trên thế giới.
Hải đăng tại Daytona mang tên Ponce De Leon Inlet Lighthouse được xây
từ năm 1884 bằng gạch đỏ, cao
175 feet (khoảng 53 mét),
có đường kính đáy là 32 feet
(khoảng 10 mét), đường kính trên đỉnh là 12 (khoảng 3.6 mét) và
được đưa
vào hoạt động vào năm 1887. Khởi
thủy, nó được đốt bằng dầu nhưng tới năm 1933 trở lại đây thì được thay bằng đèn điện với vài lần thay
“ống kính”. Ngày nay, hải
đăng này có
thể chiếu xa tới 20 miles
(khoảng 32 cây số).
Nhà ở của Rockefeller
Tôi không biết rõ thời gian đích thực
Rockefeller sống trong căn nhà này từ năm nào và bao lâu. Cứ nhìn bề ngoài
thì căn nhà cũng đơn giản thôi, không
to lắm so với những căn nhà bình
thường khác trong cùng khu. Nó không cổ kính và hào nhoáng dành cho một triệu phú đứng hàng đầu một
thời tại nước Mỹ như tôi đã trông đợi trước đó.
Kích thước căn nhà, cách bố trí phòng ốc (floor plan) có vẻ vẫn còn được
giữ nguyên như lúc ban đầu, nhưng cách trang trí và “furnitures” trong nhà
nay đã đổi mới so với những gì thể
hiện trong các tấm ảnh cũ treo trên tường. Ngoài những tấm
ảnh mang tính cách gia đình, tôi thật thích thú khi nhận ra một bức ảnh chụp giá
cổ phiếu trên thị trường chứng khoán vào
ngày 9 tháng 3 năm 1918, nhiều cổ phiếu
được tính bằng xu. Theo tài
liệu trưng bày, tài sản của ông dựa trên kinh doanh dầu
lửa (oil),
ông là
triệu phú giầu nhất trong 30 triệu phú hàng đầu của nước
Mỹ vào thời điểm đó. Chúng tôi rời khỏi
đây sau khi đi xem toàn bộ căn nhà.
Vườn Sugar Mill Gardens
Vườn này xuất thân từ đồn điền mía và nhà
máy đường. Vào đầu thế kỷ 19, vùng Daytona trồng rất nhiều mía. Nhà máy đường được thành lập ngay trong
đồn điền mía với sức lao động chính từ những người nô lệ da đen.
Từ cổng bước vào là khu vực nhà máy đường
với những máy móc thô sơ, cũ kỹ của thời đại kỹ thuật đã qua vẫn còn giữ nguyên
trạng và được bảo trì tốt để du khách tới thăm. Ngoài máy móc còn có những bảng
hướng dẫn về quy trình sản xuất từ cây mía đến khi ra đường. Sự sản xuất tuy trên quy mô nhỏ, tôi đoán, rất
nhỏ so với bây giờ,
nhưng nó cũng
vào loại kha khá vào thời đó,
vì so ra, những máy móc dùng trong dây truyền sản xuất cũng thuộc loại
khá lớn. Tôi thấy có cái hay là nhà máy được giữ ở tình trạng nguyên thủy làm
du khách thích thú vì có cảm tưởng đang quay ngược lại với thời
gian và đứng trước một khung cảnh rất hoang sơ,
một di tích rất xa xưa,
chứ không bị
“tô son trét phấn” để
“hiện đại hóa” nó lên một cách giả tạo
như ta thường bắt gặp ở quê nhà.
Từ nhà máy đường đi sâu vào phía trong là
một khu vườn được gọi là Sugar Mill Gardens. Khu vườn trở nên âm u vì gần như bị bao phủ bởi rừng
cây cổ thụ lớn.
Trong vườn, đây đó có “tượng” các
loài khủng long với kích thước như thật, được trồng nhiều loại cây
và hoa thuộc vùng nhiệt đới rất đẹp, đặc biệt là hoa “bông bụt” vừa to vừa có
nhiều màu sắc lạ khác nhau.
Chúng tôi không thể ở trong vườn được lâu vì
muỗi. Muỗi ở đây cắn rất đau, cắn đâu sưng đỏ ngay đấy. Chúng tôi đành “chạy” khỏi khu vườn với tâm
trạng “bỏ của chạy lấy người” vì muỗi. Nhìn chung quanh, chúng tôi mới nhận ra,
cả khu vườn chỉ có chúng tôi là những du khách duy nhất tới thăm.
Đài tưởng niệm cựu chiến binh Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam
Đài tưởng niệm này là một nơi đáng ghi
nhớ nhất trong tâm trí tôi trong những ngày ở Daytona. Một cách vô tình, chúng tôi đã lạc bước vào đây. Đài tưởng
niệm nhỏ thôi và thật đơn giản. “Tượng đài”, bằng đá, được tạo dựng bởi nghệ
sĩ tạc tượng Gregory Johnson, tạc vào ngày 11 tháng 11 năm 2011. Tác phẩm chỉ là
hình ảnh một
cái ghế dựa, loại ghế mộc mạc
mà ta thường thấy ở Việt
Nam;
chiếc nón sắt, một quần trận xếp
ngay ngắn nằm trên mặt ghế và chiếc áo
trận buông thõng vắt
trên một đầu thành
ghế. Phía dưới ghế là đôi giày trận. Toàn bộ như còn lấm bùn, lộ rõ nét phong sương, trận mạc. Chỉ có thế thôi. “Tượng
đài” được đặt lẻ loi, đơn chiếc trong một khu vườn nhỏ như vườn sau nhà ở thôn
quê miền Nam nước ta. Trong vườn gồm
khóm tre, khóm chuối, ... có
cả ao bèo và khóm lá khoai mọc bên ao. Một chiếc cầu tre nho nhỏ bắc qua con
mương. Khung cảnh yên tĩnh lắm. Trước cảnh ấy tôi bị xúc động tới đáy trái tim
mình.
Bãi
biển Flagler Beach
Ngoài
ra chúng tôi còn đến bãi biển Flagler Beach, bãi biển mang tên người đã từng
khai phá, phát triển và tạo dựng những thành phố bọc theo bờ biển phía đông của
Florida và chạy dài từ bắc xuống nam như đã nói ở trên. Bãi biển này có một cầu
tầu bằng gỗ dài, vươn xa ra phía biển dùng cho người ra hứng gió mát hoặc dành cho người câu cá.
Nhiều tay câu chuyên nghiệp đã câu được những con cá rất lớn ở đây, được giới thiệu
qua những bức ảnh dán trong bảng lồng kính đặt ngay ở đầu
cầu.
Việc thăm thú thành phố Daytona và vùng
lân cận không phải là mục đích của chúng tôi. Chúng tôi chỉ thoáng qua thành
phố theo đúng tinh thần “cưỡi ngựa xem hoa”. Mục đích của chúng tôi đến đây để
tắm biển và hưởng sự thanh bình và thư giãn.
Thành phố MIAMI
Miami nói riêng và
Florida nói chung là nơi có cộng đồng người Cuba tỵ nạn Cộng
sản sống đông đúc. Người Do Thái sinh sống ở đây cũng đông. Nếu bước chân vào phi trường Miami, ta có cảm tưởng như đang tới một thành phố
thuộc Châu Mỹ La Tinh vì hai ngôn ngữ chính được sử dụng trong những thông báo
cho du khách là tiếng Anh cộng theo với tiếng Tây Ban Nha.
Miami Beach
Miami Beach là thành phố biển lớn. Nổi tiếng nhất
là con đường chính, thu hút nhiều du khách,
chạy dọc theo bở biển, một bên là biển và một
bên là phố xá sầm uất mà phần lớn là nhà hàng ăn và quán “bar”. Cảnh người đi chen chân đông
đúc, xô bồ, xen lẫn tiếng
nhạc ồn ào. Tôi đã đi trên con
đường này cả ban ngày lẫn cả ban đêm nên tôi có thể nói, nhịp sống trên con đường
này có thể đại diện cho nếp sống ở những
thành phố lớn loại tầm cỡ trên nước Mỹ.
Và cũng từ đây chúng tôi có thể lái xe ra bãi biển Hollywood, không xa lắm. Bãi biển dài và đẹp.
Những ngày nắng đẹp, bờ biển này cũng đông người tắm. Tôi xin kể nhỏ một câu
chuyện vui vui (chỉ nên dành cho mấy
ông) xảy ra trên bãi biển này:
Một buổi sáng đẹp trời, chúng tôi ra biển
Hollywood của Miami Beach để
tắm và vui đùa với những ngọn sóng cao. Hai “thằng đàn ông” chúng tôi, sau khi tắm mát, nằm
nghỉ trên hai chiếc ghế dựa thuê được kê kề bên nhau. “Hai bà” đã ngủ thiu thiu
dưới hai cây dù bên cạnh khi mặt
trời đã lên cao. Cách chỗ chúng tôi
không xa, hai thiếu nữ tóc vàng xinh đẹp đang ngồi
nhìn trời mây nước với chiếc áo khoác ngoài mỏng manh như tơ trời đang phất phới bay. Tôi
liên tuởng tới những con bướm vàng trong bài hát trẻ con. Tôi nhớ lõm bõm vài câu:
Kìa con bướm vàng
Kìa con bướm vàng
Xòe đôi cánh, xòe đôi cánh
Bươm bướm bay bên hoa hồng
Ra mà xem. Ra mà xem.
Tôi liếc nhìn hai con bướm vàng óng ả một
cách bâng quơ, hồn nhiên. Bỗng
tôi chợt hốt hoảng, một sự việc
đang diễn ra trước mắt. Hai con bướm vàng đang lột xác, lột xác. Chẳng phải chờ
đợi lâu, hai con bướm đã chuyển đổi theo chu trình tiến hóa ngược để từ “bướm” thành “nhộng” thay vì từ “nhộng” thành “bướm”, nhưng chúng chỉ tiến hóa
thành “nửa nhộng” thôi. Chúng thảnh thơi sánh
đôi bước xuống nước, trườn mình bơi ra xa. Tôi đạp nhẹ chân ông bạn nằm bên,
kín đáo nháy mắt chỉ trỏ về phía trước. Ông bạn tôi hiểu ngay, dỡ bỏ đôi kính
mát đen đậm (sun glasses),
hất đầu ra phía sau. Tôi cũng hiểu liền và quay lưng lại. Hai, ba con “bán nhộng” khác đang nằm sấp phơi
nắng ngay sau lưng tôi. Tôi rủ ông bạn, theo chân “nhộng”, xuống nước bơi và nhảy sóng một cách hồn nhiên và
trong sáng. “Hai bà” vẫn nằm ngủ yên bình dưới cái nắng đã bắt đầu trở nên gay
gắt.
Vườn trái cây ở HOMSTEAD
Homestead là thành phố ngoại
ô, nằm phía nam của Miami. Florida có
nhiều loại cây trái vùng nhiệt đới như xoài, nhãn, thanh long, ...
đặc biệt là loại cây dòng họ “citrus” như cam, bưởi,
chanh. Loại cây cam thích hợp với khí hậu ở đây vì có
nhiều nắng ấm, với số lượng 300 ngày nắng một năm và không có tuyết lạnh vào
mùa đông. Cam ở Florida đã được kỹ nghệ hóa để đủ tiêu dùng trong nước và xuất cảng ra
nước ngoài qua sản phẩm đã được biến chế thành nước “orange juice” nổi tiếng thế giới. Các nông trại ở đây đã dùng kỹ thuật “pha giống” để tạo ra những
loại cây mới. Tuy nhiên, theo
ý tôi, muốn ăn những trái cam thơm
ngon ta phải về tiểu bang California.
Ở Homestead, người Việt rất thành công trong việc khai thác những trại trái
cây với diện tích canh tác tương đối rộng và quy
mô. Trại trái cây này nốt tiếp trại trái cây
kia, càng ngày càng lan tỏa ra. Di dân tỵ nạn Việt Nam đã đóng góp một phần, tuy
còn giới hạn, nhưng tích cực vào sự phát triển kinh tế của Florida.
Chúng tôi có dịp được
đến thăm một trại trồng nhãn của người Việt Nam ở Homestead vì
mùa này đang là mùa thu hoạch loại trái cây này. Thật ra, ngoài nhãn, trong trại trái cây của người Việt còn trồng nhiều loại trái cây
miền nhiệt đới khác và đặc
biệt là những cây trái của miền Nam Việt Nam.
Trong trại nhãn, “rừng nhãn” bao la bạt ngàn
mọc san sát sum sê
theo hàng lối ngay ngắn với những chùm nhãn nặng trĩu
cành, tươi ngon, óng ả. Việc canh tác ở đây đã được cơ giới hóa nên vừa sản
xuất được số lượng lớn vừa ít tốn nhân lực. Nhãn
được đóng thùng đem bán trong nước Mỹ hay
xuất cảng ra nước
ngoài. Số nhân công, phần đông là
người Mễ được thuê mướn để làm những công việc nặng nhọc như khuân vác hoặc xếp
những thùng trái cây lên xe tải hay cho vào kho. Mỗi thùng nặng
khoảng 20 hay 25 lbs. Những trái nhãn rơi trong lúc
đóng thùng cũng được đóng thành thùng riêng bán với giá rẻ
hơn, khoảng 15 USD cho một thùng 20 pounds (1 pound = 0,45 kí lô). Chúng tôi mua một thùng ăn dọc đường và mang về khách sạn.
Trước đây, khách hàng
được vào tận cây để hái, nhưng sau khi “ăn thử” khách đã vứt
vỏ và xả rác bừa bãi trong vườn. Chính vì lý do đó, nay khách hàng không còn
được vào tận cây để hái nữa. Tuy nhiên, có một
trại nhãn của người Mễ ở ngay kế cạnh, để cạnh tranh với trại nhãn của người
Việt, khách hàng được đến tận cây để chọn, chỉ chùm nhãn nào mình thích, nhân
viên của trại sẽ cắt xuống cho. Không ăn thử và xả rác.
Công viên quốc gia Everglades
Công viên nằm ở phía
nam Miami và cũng không cách xa Miami là mấy. Công viên là một vùng đất rộng
chiếm một phần diện tích đất đai khá lớn ở phía nam Miami. Và đây là một hệ
thống sinh thái quan trọng của Florida nơi nhiều loại sinh vật tự nhiên được sinh
sống ở đây. Môi trường ô nhiễm đang phá hoại hệ sinh thái này bởi các nông trại
chung quanh. Nhiều nhà nghiên cứu và các hội đoàn cùng các nhà tự nguyện đã
phối hợp với chính quyền để bảo tồn khu vực thiên nhiên này.
Chúng tôi đến đây, âu
cũng chỉ được thăm một phần rất nhỏ của Công viên
này mà thôi. Cả một vùng nước đầm lầy rộng mênh mông, cỏ
tranh hay lau mọc ngang lưng xen lẫn những cây dừa nước hiện ra trước mắt.
Chúng tôi mua vé vào Công viên và được đưa tới một khán đài nhỏ bằng gỗ. Nhân
viên của Công viên giới thiệu những động vật hoang dã sinh sống ở đây. Và họ cũng giới thiệu chúng tôi chuyến “tour” sắp
tới với vài khuyến cáo cần thiết về an toàn cho chuyến đi. Sau đó chúng tôi
được truyền tay nhau những con thú hoang nho
nhỏ để xem tận mắt, mó tận tay trong đó có con cá sấu “baby” trông thật dễ
thương. Ai cũng chụp ảnh với chú sấu này. Nhà tôi vốn nhát nên không dám đụng
vào nó.
Chúng tôi được đưa lên
chiếc “tầu chạy gió” (air boat). Đó là chiếc tầu chạy bằng chiếc
quạt gíó to, quay vù vù đặt ở phía đuôi. Sức gió của quạt
sẽ đẩy tầu đi. Trong khoang chứa được khoảng mươi người.
Quạt thổi mạnh, tầu của chúng tôi lướt chạy trên mặt nước, nước không sâu lắm. Có khi tầu chạy lướt lên cả cỏ tranh để tiến sâu vào trong đầm. Dọc hành trình, chúng tôi gặp nhiều loại thú hoang dã nhỏ, có cả nhiều loại chim ... Và sinh vật chính yếu thu hút du khách nhiều nhất vẫn là những con cá sấu, to có, nhỏ có; khi gặp một con, khi vài con ở cùng một chỗ; có con nằm nghỉ ngơi, có con bơi lội, có con nằm lười biếng trên mặt nước há căng miệng ra thật lớn cho những chú chim con tới “xỉa răng”. Càng vào sâu bên trong đầm, nước càng cạn hơn. Có chỗ cạn đến nỗi tôi có cảm tưởng một con cá sấu khổng lồ nào đó có thể trườn mình tấn công vào thuyền. Cũng may là chuyện đó đã không xảy ra. Tôi thấy có một điều là lạ, mỗi khi có con cá sấu nào xuất hiện, thế là cả tầu say sưa chụp ảnh, chụp vội vàng và chụp cho thật nhiều như cả đời chưa từng thấy cá sấu bao giờ. Máy “digital camera” mà, chụp bao nhiêu mà chẳng được. Chụp một cách hào phóng chứ không dè xẻn đến bủn xỉn như xưa kia nữa vì sợ tốn tiền khi đem “rửa” chúng ra giấy in. Tôi nhớ có một lần, vào hồi xa xưa đó, cô hàng xóm nhà tôi đã dọa nghỉ chơi với tôi chỉ vì tôi từ chối chụp cho cô một tấm ảnh mà thế đứng của cô “rất Nhật”, nghĩa là một chân co về phía sau, dơ hai ngón tay phải thành hình chữ “V” đưa ra phía trước, tay trái chống nạnh, đầu ngả sang bên, miệng cười chúm chím. Tôi nhất định từ chối không bấm máy, cô kết tội tôi chỉ vì tiếc 20 xu đem rửa nên không chịu chụp tấm ảnh mà cô cho là quá đẹp với cái dáng vẻ ấy. Thế đấy. Chắc nay thì khác rồi, cô chẳng thể kết tội tôi như thế.
Chiếc tầu đưa chúng tôi ra thật xa, tới một “vũng” nước sâu tới đầu gối
không có cỏ lau. Cả tầu nhẩy xuống lội bì bõm ra điều thích thú, ra cái điều
như lần đầu tiên được bước xuống vũng nước đục ngầu những bùn. Mỹ có khác ta.
Bốn người Việt Nam chúng tôi ngồi trên tầu nhìn, cười tủm tỉm. “Hai bà” của
chúng tôi không xuống vì tưởng như còn đang sống ở Việt Nam: sợ đỉa.
Sau khi lội bì bõm và chụp hình cho nhau. Tất cả
lên tầu và thẳng đường trở vế chốn cũ. Trong chuyến quay về không còn ai háo
hức chụp hình nữa. Chắc đã chán.
ĐÔI LỜI THAY KẾT LUẬN
Florida không phải chỉ vỏn vẹn có vài nơi và vài điều ngắn ngủi như tôi vừa giới thiệu. Nó còn có nhiều thứ để xem và để “enjoy” lắm.
Những thành phố hay địa danh nổi tiếng tôi đã từng có dịp đi qua, và cũng đã từng lôi cuốn nhiều du khách đến thăm như Orlando với Disney World, Coco Beach, Trung Tâm Không Gian Kennedy, Fort Lauderdale, Palm Beach, Key West, Tampa với Clear Water Beach và Pensacola ... mỗi nơi một vẻ. Tôi xin được giới thiệu sau.
NGUYỄN GIỤ HÙNG
No comments:
Post a Comment