Thời kỳ Bắc thuộc, bọn
quan lại Trung Hoa bắt dân ta xuống biển mò ngọc trai, lên rừng tìm trầm hương,
ngà voi, sừng tê giác phải chịu trăm điều gian nguy, khổ ải. Có kẻ ra đi bỏ xác
trên rừng. Người được trở về thì mang bệnh tật suốt đời.
Thời đại ngày nay, sau
ngày 30 tháng 4,1975, cuộc sống của dân ta mỗi ngày mỗi thêm kham khổ. Dân quê
phải cào bới trên đồi hoang trồng sắn trồng khoai để có cái ăn. Người ta bắt
đầu đào xới dưới đất để tìm vàng. Dọc bờ suối, trên sườn đồi, trong rừng sâu,
nơi nào nghi ngờ có quặng vàng là người người bu vào xới tung lên. Có kẻ sập
hầm bị chôn sống. Không ít người chết vì bệnh sốt rét vàng da, chết vì sơn lam
chướng khí... Chưa kể cảnh đâm chém, giành giựt, thanh toán nhau vì vàng. Trong
cảnh khốn cùng ấy, nghề tìm trầm hương nổi lên cùng lúc. Nhưng là một nghề đầy
hiểm nguy trực diện với thú dữ, nước độc, bệnh tật và muôn vàn cái chết chực
chờ.
Phong trào trầm dấy
lên từ các vùng nông thôn lan nhanh đến thành thị. Người nghèo mạt hạng bỗng
chốc có tí “nổ” chạy nghênh ngang ngoài đường, vàng đeo trên tay lấp lánh. Lại
có cả nhà xây vách gạch, mái ngói giữa đám nhà lá vách trét đất bùn rệu rã.
Cũng có lắm kẻ vai u thịt bắp trúng trầm bỏ cô vợ chân lấm tay bùn nơi ruộng
đồng lấy người con gái nơi thành thị môi son má phấn mà quá khứ đen như đêm ba
mươi. Từ hang cùng ngõ hẻm đến quán cóc bên đường làng, đâu đâu cũng nghe bàn
tán về trầm.
Ông Hà Lương nguyên là
thợ rừng giàu kinh nghiệm, nhiều năm miệt mài trên vùng rừng núi Kontum, Ðắc
Lắc nôn nao trước làn sóng người đổ xô tìm trầm. Cố ngơ đi mà không được ông
bèn bỏ nghề khai thác gỗ chuyển qua tìm trầm. Ông đứng ra làm chủ bầu thành lập
toán đi điệu.
Phan Huy Ðông hai lần
thi đậu đại học nhưng vẫn không được “cắt hộ khẩu” để di chuyển vào thành phố nhập
học với lý do cha ruột thuộc diện “Tập trung cải tạo”. Buồn chí, Ðông theo bầu
điệu đi tìm trầm.
Những chuyên viên tìm
trầm có hạng đa phần là người Phú Khánh. Vì vậy ông Lương và Ðông phải đích
thân vào Phú Yên tìm người nhiều kinh nghiệm. Có sẵn danh sách trong tay nên
việc tìm người có khả năng chẳng khó khăn gì.
Người đầu tiên là Trần
Văn Thí sinh trưởng ở Tuy Phước sống tại thị xã Tuy Hòa, đã hành nghề đi điệu
gần mười năm. Hắn chỉ nhìn da cây dó là biết có trầm nhiều hay ít trong ruột.
Bạn bè ví von:
“Tề Thiên Ðại Thánh có
thiên lý nhãn, Trần Văn Thí có tia nhìn xuyên mộc”. Trong buổi tiệc họp
mặt tại nhà ông Lương, Thí đã tỏ ra là người sành sõi về nghề tìm trầm, hắn
giải thích:
- Trầm hương chỉ được
cấu tạo trong cây dó bầu. Loại dó nầy có lá to, dày, thịt cây màu trắng. Cây
nào trầm ăn nhiều thì thịt cây trở thành màu vàng. Cây dó nào suôn đuột ít
nhánh ít cành, thân cây cằn cỗi là chắc mẩm có trầm ăn bên trong ruột.
- Tại sao vậy?
Ông Lương vừa châm
rượu vào ly cho Thí vừa hỏi.
Hít hết hơi thuốc cuối
cùng, vứt tàn thuốc qua cửa, Thí giải thích:
- Khi tinh dầu trầm đã
thành hình nhiều trong ruột, cây sẽ không lớn nổi vì sức nóng của nó. Những cây
dó nầy lâu năm sẽ bị chết khô. Có khi ngả xuống đất rồi bị lá cây rụng chất
chồng lên. Lớp thịt bọc ngoài cây dó mục dần chỉ còn trơ lại cái lõi trầm.
Thí vừa nói, vừa rút
một điếu thuốc Ðiện Biên, xóc xóc hai đầu:
- “Có một huyền thoại
về cây dó bầu trên sáu trăm năm, toàn bộ phần ruột cây dó biến thành kỳ nam
nhưng chưa ai tìm thấy. Nhiều người sành nghề trầm, có cơ may bắt gặp mùi hương
của nó nên đoán được loại kỳ nam. Ðúng giờ Ngọ ngày mùng một và ngày rằm hàng
tháng là nó phát tiết. Hương trầm tỏa thơm nồng cả cánh rừng. Người nào đi vào
phạm vi tỏa hương của nó cũng ngẩn ngơ, đầu óc mê muội đi, không biết ngày đêm,
không biết mình là ai. Ðến lúc mùi hương ma quái đó biến mất họ mới sực tỉnh và
tiếc nuối. Người mới gặp mùi hương nầy sống trong nỗi hoài nhớ mãnh liệt, ba
tháng mười ngày sau thì chết. Ðúng Ngọ thi thể họ tỏa ra mùi trầm thơm ngát.
Ðông ngắt lời xen vào:
- Vì vậy mà các nhà
nghiên cứu về trầm hương đã đặt tên là “Gỗ của các vị thần”. Theo anh biết thì
đã có điệu nào trúng được kỳ nam chưa?
- Có chứ, đó là trầm
thượng đẳng. Gặp nó cũng là cơ duyên “lộc trời cho” của kẻ tìm trầm.
Thí ngừng một chặp,
gắp một miếng dồi thịt cầy bỏ vào miệng:
- Anh Tư Lương nấu món
cầy ngon thật. Quê Tuy Hòa tôi ít khi được ăn món đặc biệt nầy.
Thí nâng ly rượu nếp
than mời anh em trong nhóm cùng chúc mừng buổi gặp gỡ. Hắn ngửa cổ tu một hơi
rồi đặt ly xuống bàn:
- Còn một số loại cây
dó khác nữa như dó me, dó niệt... nhưng ít khi có trầm ăn trong ruột, hạ nó
xuống thêm phí sức mà chẳng được gì.
Phận đưa cặp mắt thán
phục nhìn Thí rồi lên tiếng:
- Trầm được chia làm
mấy loại, thưa anh?
- Trầm hương chia làm
nhiều loại tuy không có tiêu chuẩn nào rõ rệt, nhưng cặp mắt chuyên môn của
người đi trầm tựa như người chuyên nấu rượu ngày xưa chỉ cần chấm một giọt vào
lưỡi là biết nồi rượu đã đủ độ chưa. Ngoài ra còn tùy thuộc vào bọn “tàu kê”.
Bọn chuyên viên nầy phân loại trầm độc địa lắm. Chúng nó thông đồng với các
công ty dược hoặc các địa điểm thu mua đánh rớt hạng loại hàng của mình, ép giá
để ăn chia. Chúng nó có kể gì đến mồ hôi, xương máu của kẻ tìm trầm. Ðại loại
trầm chia làm sáu hạng:
- Sau kỳ nam là trầm
búp còn gọi là dách. Loại trầm nầy khi vừa đẽo phần gỗ bên ngoài là xuất hiện
trầm màu nâu sậm. Gặp loại nầy, có điệu cho là kỳ nam. Nhưng thực ra làm sao
sánh được với độ đen của tinh dầu đậm đặc óng ánh của kỳ nam. Trầm kỳ nam gỗ
nặng và nhuyễn có đủ vị cay, chua, đắng, ngọt, thơm. Khi cháy, ngọn khói màu
xanh, lên thẳng và cao, bay lờ lững rất lâu. Bầu điệu nào mà gặp được Dách cũng
coi như trúng độc đắc rồi.
- Loại 1 và 2, trầm
được tỉa lấy ra từ thân cây đủ loại hình dáng khác nhau nhưng phải có màu
nâu đen, miếng trầm có độ dày, phát mùi thơm nhẹ và có vị cay lẫn đắng.
- Loại 3 giống tiêu
chuẩn loại 1 và 2 nhưng miếng trầm mỏng và nhỏ hơn, nom không được đẹp mắt.
- Loại 4 và 5 là trầm
bình thường có chen nhiều màu vàng của gỗ dó.
- Loại
trầm bể vụn được cho vào loại “xô”.
Các tay điệu còn phân
biệt trầm ăn ở nơi nào trên thân cây để đặt tên. Chẳng hạn, trầm ăn theo mắt
cây gẫy gọi là “Mắt đẫu”, ăn theo miệng lỗ kiến đục thì gọi là “Kiến”, ăn trong
thân gần cháng hai, cháng ba cây giống hình con bướm thì gọi là “Ðiệp”.
****
Sau buổi họp mặt, ông
bầu Lương phân công cho từng người phụ trách. Mỗi người phải lo sắm sửa đầy đủ
vật dụng. Cơ bản là phải có chiếc ba-lô của bộ đội hay của lính Miền Nam càng
tốt. Mang theo 15 ngày Mễ (gạo), Diêm (lương khô), thuốc hút, thuốc chống muỗi,
chống vắt, một cái đèn pin, áo mưa và dụng cụ khai thác trầm như rựa, búa, rìu,
bộ đục vũm để tỉa trầm... Riêng phần Ðông thì mang theo xoong nồi và chén đũa.
Rừng Khánh Hòa thì nổi
tiếng về trầm từ xưa. Nhưng rừng Ba Tơ thuộc tỉnh Quảng Ngãi là tụ điểm mới
nhất của “trận chiến khai thác trầm” thời bây giờ. Chính quyền địa phương chỉ
cấp giấy phép khai thác trầm cho người chủ bầu có hộ khẩu ở huyện Ba Tơ nhưng
được quyền mướn điệu chuyên nghiệp ở các nơi khác tháp tùng.
Thời gian đi về giới
hạn mười lăm ngày. Trầm khai thác được bắt buộc bán cho công ty dược của nhà
nước với giá chỉ bằng nửa giá thị trường. Những toán điệu người kinh từ các nơi
đổ xô về đây đều bị chận lại. Tuy nhiên, họ cũng còn nhiều hướng khác để đi
chui, chỉ xa đường hơn và phải trốn tránh lực lượng kiểm lâm và đoàn quân truy
bắt người khai thác trầm lậu.
Trước ngày “ra quân”
nhóm bốn người gồm có Lương, Thí, Ðông và Phận giữ lòng thanh sạch, làm lễ ăn
thề. Họ thay nhau uống hết ly “Bạch kê huyết” (máu con gà trắng) hòa với rượu
cắt ngay trên bàn thờ khói hương nghi ngút. Vị chủ lễ là một pháp sư người
Ra-Ðê lần lượt rảy rượu lên đầu bốn thành viên sau khi đọc lời thề:
“Nếu có lòng dạ tráo
trở, xin Thần Núi tru diệt”.
Sau giờ phút đó họ trở
thành anh em kết nghĩa, sống chết có nhau, gặp may cùng hưởng, gặp nạn cùng
chia.
Ngày khởi hành nhằm
tiết Nguyên tiêu, trời trong, gió mát. Toán điệu theo hướng khu rừng Bồ
Nâm thuộc huyện Komplong tỉnh Kontum. Nơi đây rừng núi trùng điệp, nổi tiếng là
chốn thâm sơn cùng cốc, nằm giữa biên giới hai tỉnh Quảng Ngãi – Kontum.
Ðường đi càng lúc càng
khó khăn, phải cắt rừng vượt thác, trèo lên những con dốc đứng đến nỗi mũi chạm
đất, người đi sau hôn gót chân người đi trước. Quả là nơi “sơn cùng thủy tận”.
Ði suốt ba ngày mới xuất hiện rải rác những cây dó bầu trong khu vực nầy. Ban
đêm ngủ trong đon (căn lều) đóng tạm bằng cây rừng che bằng những tấm áo mưa.
Ðông và Phận thay nhau giữ vai “anh nuôi”. Họ tìm rau tàu bay, măng le cung cấp
thêm cho bữa ăn. Ngoài ra còn phụ giúp ông Lương và Thí hạ cây dó, cưa từng
đoạn, bửa ra làm đôi, xẻ từng mảnh để tỉa phần trầm ăn trong thân cây.
Qua hai ngày “đóng
quân” ở khu vực nầy, việc tìm trầm chưa có kết quả gì. Vào trưa ngày thứ ba,
bỗng tiếng súng, tiếng mìn nổ vang rền cùng những đám khói bốc lên ngùn ngụt từ
phía xã Hiếu. Sau nầy mới hay toán điệu và dân thượng Sơn Hà đốt nhà để trả thù
trai làng của họ bị toán võ trang dân tộc làng Ngọc Têm bên Kontum giết. Sự
việc xảy ra vào hai tháng trước đây, như sau:
Toán điệu ở Sơn Hà đến
khai thác trầm vùng giáp ranh huyện Ba Tơ thuộc tỉnh Quảng Ngãi và Komplong
thuộc tỉnh Kon Tum. Một toán võ trang địa phương Bồ Nâm (Kontum) đột nhập bất
thần vào lều bắn chết anh điệu đang vo gạo thổi cơm chiều trên bờ suối. Họ cướp
hết vật dụng, lương thực và số trầm đã khai thác được trong mấy ngày qua. Toán
điệu đi tìm trầm trở về “đon” thấy bạn mình đầu bị đạn bắn vỡ ra, não sọ văng
tung tóe gục chết trên soong gạo. Máu tuôn đầy, biến nồi gạo thành nồi máu. Họ
chỉ biết ôm xác bạn mà khóc rồi mang nạn nhân về cho gia đình chôn cất. Hai
tháng sau, thân nhân của người chết cùng dân bản làng và các toán điệu hợp lại
tràn qua biên giới vào làng Ngọc Têm đốt phá tiêu hủy hầu hết ngôi làng.
Trước tình hình rối
loạn nầy, dân làng bên kia có thể tràn qua ranh giới giết địêu để trả thù. Ông
Lương quyết định rời khỏi khu vực hiện tại tiến về hướng khu rừng Ba Xa. Lại
phải mất hai ngày sau mới đến nơi. Phần mễ chỉ còn lại tám ngày ăn mà trong ba
lô chưa có một miếng trầm nào đắt giá. Vừa đến nơi dự định, Phận phát giác được
hang đá, tuy không rộng lắm nhưng đủ chứa được bốn người ngủ tạm hàng đêm. Ông
Lương và Thí bủa đi tìm cây dó, còn Ðông quét dọn hang đá, sắp xếp vật dụng đâu
vào đấy. Phận xuống suối lấy nước nấu cơm cho buổi chiều.
Suốt hai ngày vất vả
hạ cây dó đồ sộ có dấu hiệu có trầm ăn bên trong. Cả ba người vừa cưa vừa chẻ,
còn Thí với tay nghề tỉa trầm thành thạo cũng lấy được một ít trầm thuộc loại 3
“mắt đẩu”, “kiến” và “điệp”, còn lại là trầm “xô”. Chừng đó trầm, bọn tàu kê có
mua cao tay khoảng vài cây vàng thì làm sao đủ vốn sắm sửa lo cho chuyến đi
tới, mọi người buồn não nuột.
Ngày hôm sau, ba người
lại bủa đi tìm cây dó, Ðông ở lại trại lo nấu ăn cho buổi chiều. Hắn đi dọc
theo bờ suối, tìm rau tàu bay và định bắt ít ốc đá đem về nấu canh. Chợt, Ðông
trông thấy bên kia bờ suối nửa con heo rừng còn tươi rói. Hai đùi sau, và phần
ruột gan bên trong đều bị moi lấy mất. Ðông mừng quýnh vác heo về hang đá cắt
lấy hai đùi trước làm món xào cho anh em thưởng thức, còn lại cái đầu và phần
bả vai dành cho bữa ăn hôm sau. Dù không có chút gia vị nào mà hương thịt rừng
thơm ngào ngạt. Nồi thịt vừa chín tới thì ba người kia về đến hang. Phận trố
mắt nhìn xoong thịt vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ. Ông Lương và Thí nhìn cái đầu
heo rừng treo lủng lẳng trên cành cây trước hang đá, Thí vội hỏi:
- Thịt ở đâu vậy?
Ðông hớn hở trả
lời:
- Của ai bỏ bên kia bờ
suối nửa con heo rừng.
Thí buột miệng:
- Trời ơi, cậu cướp
mồi của Ngài, làm sao tránh khỏi báo thù!
Khuôn mặt Thí tái xanh
như gà bị cắt tiết. Anh yêu cầu đem trả lại chỗ cũ cái đầu heo rừng và xoong
thịt đã chín. Phận giúp Ðông mang cả hai món thịt đổ đúng nơi máu heo rừng còn
đọng vũng. Khi quay về họ ngạc nhiên thấy ông Lương và Thí hạ cây rừng chung
quanh chất ngoài miệng hang đá thành một vòng cung như chuẩn bị cho đêm lửa
trại.
Khi cơm nước xong,
trời bắt đầu chập choạng tối, ông Lương cho mồi lửa vào đống cây. Thí giải
thích:
- “Ăn của rừng rưng
rưng nước mắt”. Ðó là câu nói từ ngàn xưa để lại. Bọn mình phải đánh đổi mạng
sống để cứu vớt cảnh đói nghèo cho gia đình. Tôi biết chắc chắn nửa con heo
rừng ấy là mồi thừa của cọp. Thế nào ổng cũng trở lại tìm mồi. Khi phát giác
mồi bị mất là ngài biết khu vực hoạt động của ngài đang có đối thủ tranh giành.
Ðêm nay mình thay phiên nhau canh thức. Nếu phát giác ngài đến phải báo động
hết cả tổ thức dậy khua động và hò hét để ngài bỏ đi. Qua được đêm nay, ngày
mai mình phải di chuyển đến khu vực khác may ra thoát khỏi sự báo thù.
Ðông cảm thấy mình có
lỗi đã gây ra sự phiền lụy cho người khác nên tình nguyện thức suốt đêm canh
chừng để anh em ngủ lấy lại sức. Nhưng ông Lương bảo:
- Cậu là người đi rừng
đầu tiên, không biết những điều cấm kỵ. Chúng ta đã coi là anh em kết nghĩa
sống chết có nhau, gặp nạn cùng chia, gặp may cùng hưởng. Vì vậy, sau phiên cậu
đến Phận thức canh rồi kêu tôi dậy và sau cùng là anh Thí.
Ngọn lửa bùng cháy
hừng hực vây kín miệng hang đá. Ðông ngồi ngoài miệng hang, tay thủ sẵn cây
rựa. Hắn nghĩ đến phản ứng của Thí khi nhìn thấy đầu heo rừng lúc ban chiều có
vẽ quá đáng đã khiến cho Ðông bất bình. Nhưng khi nhìn thấy mặt anh méo xệch,
da tái xanh vì hoảng sợ thì Ðông chợt nhận thức được một tai họa có thực đang
chực chờ. Nhìn qua ngọn lửa, bóng tối rừng sâu vây quanh đen nghịt, cây cối phủ
kín cả bầu trời, Ðông mới thấy con người thật nhỏ nhoi trong cảnh u u minh minh
trùng điệp của thiên nhiên. Chàng bây giờ có khác gì con sâu, cái kiến bên bờ
vực thẳm của sự bất trắc. Vì cuộc sống quá cơ hàn mà con người sẵn sàng đương
đầu với thú dữ, bệnh tật để giải thoát cảnh tăm tối, lầm than, đớn hèn.
Tiếng chim cú não nùng
chợt vang lên từ vòm cây trên đầu rồi vỗ cánh bay, khiến ý nghĩ miên man của
Ðông ngưng lại. Chàng phóng tầm mắt nhìn qua bức tường lửa,
bỗng hai đốm sáng như hai chiếc đèn pin màu xanh pha đỏ từ ngoài rọi vào hang
đá. Thoạt nhìn, giống như mắt của loài chó trong bóng đêm nhìn vào chiếc đèn
xe. Hai đốm sáng đứng yên một chỗ khiến chàng đâm nghi, lạnh cả xương sống bèn
vỗ nhẹ ông Lương dậy. Ðông chỉ hai đốm sáng trong lùm cây bên kia tường lửa cho
ông xem. Ông Lương giật mình bảo thầm: “Ngài đến rồi” bèn gọi mọi người thức
dậy vừa khua động xoong nồi vừa la ó. Một hồi lâu sau đốm sáng vụt biến mất. Từ
lúc đó, cả bốn người cầm rựa ở thế thủ ngồi chờ sẵn sàng chống trả một khi hổ
vượt tường lửa tấn công vào hang đá.
Chờ cho ánh sáng ban
mai xuyên thủng rừng già, ba người mới xuống suối bảo vệ cho Ðông lấy nước về
nấu cơm. Ăn uống xong, tổ điệu cắt rừng đi qua ngả khác. Dù cao tuổi nhất trong
bọn nhưng ông Lương rất tháo vát và tỏ ra thành thạo trong việc tìm hướng đi.
Không ai biết quá khứ của ông, riêng Ðông thì rõ lắm nhưng giữ kín trong lòng:
“Một thời mạo hiểm nơi núi thẳm rừng sâu của lực lượng Biệt kích”.
Ðường đi vô cùng hiểm
hóc lên dốc xuống đèo. Ði được nửa ngày đường, chẳng may Ðông trượt chân rơi
xuống một cái hố sâu đầy dây leo chằng chịt. Mọi người nhanh chân trèo xuống hố
phát quang bụi rậm cứu Ðông. Bất ngờ, Thí phát giác cây dó cụt ngọn nằm trong
đám dây leo dày đặc như tấm lưới phủ lên trên. Không chần chờ phút giây nào, cả
bốn người xông vào, kẻ chặt người kéo đám dây leo lẫn gai mây. Thí vào được bên
trong lùm gai, đẽo gọt một lúc khá lâu khiến cho ba người đứng bên ngoài hồi
hộp đợi chờ. Chợt, từ trong bụi rậm tiếng Thí vang lên ngắt quảng, tắc nghẹn
trong cổ họng:
- Trầm... dách...
bà... con ơi!
Mọi người như nín thở,
ôm chầm lấy nhau nghẹn ngào. Nỗi vui mừng không ngăn được dòng lệ. Nhìn vào bên
trong, Thí cũng đang ôm cây trầm mà khóc. Hương trầm như thần dược vực lại sức
mạnh cho mọi người trong những ngày khổ cực vừa qua.
Sáng ngày hôm sau toán
điệu quyết định trổ (quay về) với hai ba lô trầm loại dách. Số trầm nầy giấu
kín, chỉ bán các loại thường cho công ty dược. Mỗi người chia nhau đồng đều
được bốn cây vàng. Ông Lương từ chối nhận lại tiền chi phí mua sắm ban đầu.
Suốt mười bốn ngày lên
núi tìm trầm, mẹ Ðông ở nhà mất ăn mất ngủ. Ngày Ðông trở về bà rưng rưng nước
mắt than thở:
- Ba Me chỉ có mình
con. Lặn lội trong chốn rừng thiêng núi thẳm có ngày bỏ mạng. Ăn của rừng trả
lại cho rừng. Con dùng số vàng mồ hôi nước mắt đó lo đút lót cho bọn quan lại
nhà nó từ địa phương cho đến huyện tỉnh bằng mọi cách để được chuyển hộ khẩu
vào đại học.
* * *
Toán điệu của ông
Lương giờ chỉ còn có ba người. Thí giới thiệu một người ở cùng quê để thế chân
Ðông nhưng ông Lương nhất định giữ nguyên ba người, ông giải thích:
- Anh em mình đã ăn
thề kết nghĩa, mừng cho Ðông nay đã vào được đại học. Chúng ta có ba người thì
làm việc theo kiểu ba người. Dù không được toại nguyện nhưng Thí chẳng có phản
ứng gì.
Họ lên đường vào ngày
đầu mùa Hạ mà trời lại âm u, không khí ngột ngạt, oi bức. Lần nầy họ tiến thẳng
đến khu rừng Ba xa, cách địa điểm trúng trầm đợt trước khoảng một ngày đường.
Người ta đồn đãi khu rừng nầy có con hổ ba chân dữ dằn lắm. Trước kia nó thường
hay xuống làng Thượng bắt heo của người sắc tộc. Một hôm bị mắc bẫy, hổ tự cắn
đứt chân của nó để thoát thân. Ông Lương chần chừ nhưng Thí đốc thúc phải đến
đó mới hy vọng có cơ hội được trầm. Những toán điệu khác vì sợ hổ không dám
vào.
Quả vậy, khu rừng nầy
có rất nhiều cây dó đại thụ, cao bốn năm chục mét. Chứng tỏ chưa có chân điệu
nào vào đây. Mất mấy ngày xẻ thịt cây dó già nhất mà trầm chỉ ăn trên các cành
cây gãy còn trong giữa thân cây chỉ mới xuất hiện những chuôi trầm mỏng như
những mảnh vải đen. Ông Lương đề nghị chuyển qua vùng khác nhưng Thí thấy tiếc
rẻ khu vực nầy. Giác quan nhạy bén của người tìm trầm lâu năm cho anh cảm nhận
được sự hiện hữu của trầm quanh quẩn đâu đây. Có điều gì đó cứ vấn vít bên anh.
Một mùi hương rất lạ thỉnh thoảng thoáng qua mà anh bắt gặp chẳng những bằng
khứu giác mà cả linh cảm. Một mùi hương quyến rủ lúc hiện ra, lúc biến mất như
một linh hồn mà suốt mười năm tìm trầm anh chưa hề nhận biết. Nó không nồng nặc
mà chỉ thoáng qua, thanh thoát, ngây ngất. Ông Lương và Phận không cảm nhận
được điều Thí mô tả mà chỉ nghe mùi cây dó tươi vừa mới bửa ra. Suốt cả ngày
hôm đó Thí cứ thẫn thờ như người mất của quý.
Sáng hôm sau, anh ra
phía sau bụi rậm làm cái “công việc vệ sinh” hàng ngày. Trước mặt anh là một
lùm dây mây rậm rạp, nhìn sâu vào trong anh thấy một đoạn cây mục ló đầu ra.
Dùng chân khượi khượi cho phần gỗ mục rớt
ra, anh giật mình kêu lên:
- “Trầm!”
Ông Lương và Phận đang
ở trong lều nghe tiếng “Trầm” liền tốc áo mưa chạy ra. Họ cấp tốc phát quang
bụi dây mây sợi to bằng cổ tay bao phủ cả một vùng. Mấy giờ liền, ba người làm
việc cật lực mới khai phá được một lối vào. Phủ lên thân cây mục là một ụ mối
như nấm mộ. Họ cào sạch phần trên ụ mối, chợt mọi người giật mình thất kinh.
Hiện ra trước mặt họ là bộ xương người. Hai xương cánh tay ôm lấy gộc trầm. Gỡ
gộc trầm ra khỏi cánh xương tay, Thí dựng đứng nó lên lấy rựa vạt sạch lớp mối
ăn bên ngoài. Bỗng, Thí thảng thốt kêu lên: “Kỳ nam”. Ông Lương có vẻ đăm
chiêu, còn Phận thì không kìm được đôi chân đang run rẩy từ nãy đến giờ.
Họ đào hố chôn bộ
xương. Ðiều kỳ lạ là bộ xương người chết tỏa ra hương trầm thơm ngát. Ông Lương
lấy một mảnh vỡ kỳ nam đặt vào mộ. Trước khi rời khu vực họ đốt trầm xông trên
ngôi mộ rồi cắt rừng trở về. Chuyến đi trúng được mẻ lớn nhưng ba người đều có
ba ý nghĩ khác nhau. Phần Thí suy tính công của mình mà phải chia đều thì uất
thật. Ông Lương cho rằng mình hưởng tài sản trên xác của người chết chẳng vui
sướng gì. Còn Phận thì bộ xương người cứ ám ảnh nên trông cho mau đến nhà.
Trên đường về, trong
lòng Thí cứ phân vân. Nửa muốn đòi chia cho mình một phần hai số trầm kỳ nam,
nhưng sợ hai người kia phản đối, nửa muốn lén tách đi đường khác để giữ
phần mình một ba lô đầy. Sau nầy có tranh chấp thì chẳng làm được gì mình.
Ðường đi qua một cái đèo cây cối um tùm, Thí bắt đầu đi chậm lại tìm lối rẽ
theo ý định sau cùng. Ông Lương nhắc nhở hai người đi sau cẩn thận, phải đi sát
vào nhau. Câu nói vừa dứt bỗng, một tiếng ào phát ra rồi một bóng dài lướt qua.
Con cọp ba chân đang ngậm cổ kéo xác một người về hướng chân đèo. Ông quay đầu
nhìn ra sau, Phận như người chết đứng, gương mặt không còn một giọt máu. Một
quảng cách khá xa phía sau là chiếc ba lô trầm của Thí rớt lại trên lối đi. Ông
Lương đứng nhìn theo hướng con hổ lòng đau như cắt. Lần đầu tiên Phận thấy
người đàn ông cứng cỏi và dày dạn nầy đã để rơi những giọt nước mắt.
Số trầm mang về bán
được ba mươi sáu cây vàng. Vì là công của Thí nên ông Lương quyết định
chia cho Phụng, vợ Trần Văn Thí một nửa là mười tám cây làm vốn, lấy thêm hai
cây bỏ vào ngân hàng cho đứa con gái ba tuổi của Thí. Số còn lại là mười sáu
cây, ông Lương và Phận chia đều. Phận rất thán phục sự ngay thẳng, công minh và
tấm lòng nhân hậu của ông Lương. Hai người cùng vào tận Tuy Hòa để thông báo
tin buồn cho vợ Thí. Nàng đã vật vã khóc than đau đớn tận cùng. Với số vàng
mười tám cây đó, ông Lương hứa sẽ giúp nàng xây dựng một tiệm buôn bán tạp hóa
để nuôi con.
*****
Thời gian thấm thoát
trôi qua, Ðông miệt mài trên ghế đại học suốt bốn năm. Sau khi làm lễ tốt
nghiệp mãn khóa, Ðông đón xe về quê thăm gia đình. Chiếc xe liên tỉnh đến bến
Tuy Hòa bị hỏng máy. Hành khách phải đợi chờ khá lâu để thay hộp số xe bị bể.
Nhân dịp nầy Ðông tìm đến nhà Thí. Căn nhà mà ngày trước chàng và ông Lương đã
tìm đến đây mời Thí tham gia vào tổ tìm trầm nay đã là một cửa hiệu bán tạp hóa
khá khang trang. Ðông qua lại, nhìn vào nhà vài ba lượt, rồi bỏ đi. Chợt có
tiếng gọi “Ðông”, chàng quay lại, thấy một người đàn ông trên tay bồng một đứa
bé đứng sau quày hàng.
- Chú Lương! chú vào
đây bao giờ? Ðông mừng rỡ kêu lên.
Ông Lương đưa bàn tay
chắc nịch bắt tay Ðông rồi mời chàng ngồi xuống chiếc ghế đẩu. Ông vừa ru đứa
bé vác trên vai vừa nhìn chàng trả lời:
- Tôi vào ở luôn trong
nầy đã hơn một năm nay.
- Thế anh Thí đâu?
- Thí đã mất cách đây
bốn năm, bị cọp vồ trong chuyến đi trầm ba người, sau khi cậu vào đại học.
Rồi ông Lương kể tóm lược
chuyến đi trầm cuối cùng như đã ghi lại ở phần trên.
Bỗng thằng bé cựa mình
thức giấc, ông vỗ vỗ vào lưng nó ru:
“Mây mưa mấy giọt
chung tình.
Ðỉnh trầm hương khóa
một cành mẫu đơn.”
Hai câu thơ trong Cung
Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều, ông Lương vừa ru nghe thật xót xa và cũng
đầy ý nghĩa.
Thằng bé nằm yên trên
vai, ông Lương ngỏ lời:
- Hôm nay là ngày kỵ
của Thí, vợ chồng tôi mời cậu ở lại dùng cơm để có dịp chú cháu mình tâm sự.
Cậu độ nầy trông chững chạc và rắn rỏi lắm.
Chị Phụng từ nhà trong
bước ra thấy Ðông, đứng khựng lại. Ông Lương liền giới thiệu:
- Ðây là Ðông, cậu ấy
đi trầm chuyến đầu tiên với ba con Thúy, nhưng sau đó cậu được vào đại học ở
Sài Gòn. Trên đường về quê cậu ghé thăm em. Phụng cúi đầu chào rồi rót nước mời
Ðông.
- Nhân tiện xin phép
chị cho em thắp cúng anh Thí nén hương.
Ðông ngỏ lời.
Phụng vồn vã đưa Ðông
lên căn gác lỡ. Bàn thờ của anh Thí đặt giữa phòng vừa đường bệ vừa trang
nghiêm. Khói trầm màu xám xanh mong manh như sợi tơ quyện lấy tấm ảnh bán thân
của anh Thí đặt sau bộ tam sự. Hương trầm xông lên thơm ngát, một mùi thơm
thanh khiết, dịu nhẹ khiến cho con người lâng lâng rơi vào trạng thái thâm
nghiêm, trầm mặc. Bên di ảnh của anh Thí là tượng con hổ ba chân được khắc rất
nghệ thuật bằng lõi trầm kỳ nam.
Chị phụng cầm ba cây
nhang từ tay Ðông cắm vào bình, Chị nói:
- Tượng con hổ đó là
do anh Lương mướn thợ điêu khắc tận Sài Gòn bằng chính gộc trầm do anh Thí tìm
thấy để chị nhớ mãi ngày anh Thí bị nó vồ. Sau khi anh Thí mất, nếu không nhờ
sự giúp đỡ của anh Lương, không biết đời chị và cháu Thúy sẽ trôi nổi ra sao.
Trên đời nầy rất khó kiếm được người như anh Lương, tháo vát trong cuộc sống
lại hiền hòa và bao dung. Chị thương anh ấy, dù tuổi đời có chênh lệch đôi
chút. Anh sống như người tu hành từ sau ngày Bảy lăm. Chị nghĩ có lẽ hồn thiêng
của anh Thí đã khiến chị lấy anh Lương để ngày nay có được mụn con trai mà thuở
sinh tiền cha mẹ chị ước ao.
Sợ chiếc xe khách bỏ
lại, Ðông vội vàng từ biệt ra bến xe mặc dù vợ chồng ông Lương cố nài chàng ở
lại. Ngồi trên xe, chợt lòng Ðông bùi ngùi nhớ lại lời anh Thí như còn văng
vẳng bên tai:
“Ăn của rừng rưng rưng
nước mắt”.
Xe chạy bon bon trên
quốc lộ 1. Tiếng máy xe nổ đều đều đưa Ðông vào cơn mê thiếp. Chàng mơ thấy anh
Thí gương mặt tái xanh đăm đăm nhìn Ðông rồi thốt lên:
“Trời ơi, cậu cướp mồi
của Ngài, làm sao tránh khỏi báo thù!”
Bất chợt hương trầm kỳ
nam tỏa thơm nồng. Mùi hương ma quái phủ ngập cả giấc mơ khiến Ðông choàng
tỉnh. Lồng ngực chàng nghe nặng trĩu và hương trầm còn thoang thoảng đâu đây./.
Hạo Nhiên Nguyễn Tấn
Ích
(1) Theo tác giả Hoa
Ngõ Hạnh TNVN
(Cảm ơn bạn MT đã cung cấp một số kinh nghiệm về nghề đi điệu (Tìm Trầm).
No comments:
Post a Comment