1.
Ngó
theo bộ điệu vừa quày quả vừa hớn hở của Hương Giáo Thân khi bước ra khỏi nhà,
ông Tám Ngàn đủng đa đủng đỉnh
vuốt râu cười mím chi một mình, ông hãnh diện kêu
giựt ngược giựt xuôi khi thoáng thấy dáng bà lui cui quét bụi trên đầu tủ sau cửa
buồng. Rồi không cần đợi vợ ra tới,
ông ào ào như tát nước:
“Mỡ quẹt miệng mèo,
ruồi kề lưỡi cóc rồi bà ơi ... .”
Bà
Tám lõ mắt ngó sửng, định chừng ông bị lậm ngãi. Tay
bà nắm lưng quần, mắt bà ngó lên trang tổ,
bộ tịch như gà mở cửa mả ngơ ngơ
ngác ngác.
Không
thèm để ý tới cử
chỉ lạ lùng của vợ, ông bô bô cái miệng:
“Hương chức hội tề mới phái sứ giả Hương
Giáo Thân tới thỉnh tui tống gió thần
ôn cho làng mình năm nay đó.” Ông liếc
mau vô phía trang thờ tổ, đảo mắt lên tấm
hoành phi vàng ối với hai chữ “Trần Phủ” mà ông lấy làm hãnh diện mỗi
khi thành công một việc gì, rồi ngó mong ra đường
nói tiếp:
“Lệ thường họ mời thầy chùa chứ có thèm mời
thầy pháp đâu. Bà biết quá mà, chuyện thần dịch, chúa ôn đâu phải chuyện lên Thiên
Đường hay xuống Địa Ngục mà tụng kinh gõ mõ. Phải biết bắt ấn bắt quyết, sai ma
tróc quỷ mới lo được.” Ông ngừng một
phút để lục lọi một chút nể vì
trong mắt bà vợ. “Mà phải là thứ thầy cứng cựa như tui đây kia chứ lơ mơ là
chúa ôn sai thần vàng nanh đỏ mỏ vật
trào máu họng. Chuyện thần thánh đâu để mấy người
non nghề lơ mơ rớ vô được. Mang hoạ cả làng cả xóm chứ
phải chơi hen ....”
Ông ngừng một
lát, ngó bầy gà mái đang bươi bươi ở bụi chuối, trong khi một con gà trống mồng đỏ đương
nghinh ngang đi chung quanh, trầm ngâm:
“Như vậy là năm nay ban hội tề có ăn học
hơn năm ngoái rồi đó. Chắc có ai ở chợ biết tài mình xúi chỉ
bày vẽ họ chứ tui biết
mà, thầy Phó Hương Quản đâu có ưa gì
tui ....”
Bà
Tám gật gù đồng ý nhưng chỉ buông
xuôi câu hỏi bâng quơ “Vậy hả?” như từ thuở giờ, rồi
cầm cây chổi lông gà đứng ngó chờ chồng nói thêm.
Vợ chồng ăn ở với nhau
mấy chục năm bà chỉ biết thui thủi ở nhà
lục đục với ông lò táo, phú thác chuyện đối phó bên ngoài
cho chồng. Nhiều khi bà cũng thấy là lạ kỳ kỳ, chồng mình cũng như người thường chứ ba đầu sáu tay mười hai con mắt
gì đâu mà có thể tróc quỷ
trừ ma, điều khiển âm binh âm tướng,
sai phái cô hồn các đảng như người đời thường nói ...
Tuy nghĩ vậy, bản tính đơn giản, khiến bà không
đào sâu thắc mắc mà tiếp tục cuộc sống an phận thủ thường,
tối ngày lấy chuyện coi nhà cửa
cơm nước cho chồng con làm vui.
Ông Tám ngó vợ một lúc rồi nói như phán:
“Bà nó lo sửa
soạn cơm nước đi. Tui ăn ba hột cơm rồi đi xóm.
Cầu chiều mai mới dìa tới lận.” Ông né
tránh ánh mắt dò hỏi của vợ nhưng vẫn giữ giọng phang ngang bửa củi chồng chúa
vợ tôi như tự thuở giờ:
“Bà đừng hỏi lộn xộn gì hết á.” Chuyện đàn ông mần ăn, đàn bà hổng nên thắc mắc vô ích. Cứ lo làm sao cho ông
táo có dịp đội nồi cơm ngày hai buổi là được
rồi. Nói bà cũng không hiểu nổi đâu. Ông bà mình nói
phụ nhân nan hóa là vậy đó ...
Rồi thấy bộ mặt xụ xuống của vợ, ông Tám
Ngàn nhẹ giọng:
“Trong thời gian tui đi khỏi, có
ai hỏi bà nói tui xuất hồn đi cầu viện âm binh nghe!”
Lấy tấm
vải điều cột cửa trước lại, đi ra đi vô bằng cửa nhà bếp, nhớ xé
mấy miếng nhỏ cột bốn gốc vách, lấy chỉ ngũ sắc giăng vòng quanh nhà chỉ chừa cửa nhà bếp
đi ra đi vô thôi. Có ai kiếm nói tui ở trong buồng
làm phép
triệu hồn âm tướng. Dặn đừng ai kêu réo tên tui. Tui về non thành quỷ Cao Biền thì
cả làng này không còn một mống. Ông hạ giọng xuống
nhỏ như cơn gió nhẹ len lén trong đêm. Bà liệu
lời hay giấu biệt luôn thằng Sửu nữa, đừng cho nó vô buồng tôi. Con nít con
nôi dại miệng dại mồm, có bề gì mất mặt cả lũ, có nước tui với bà giở nhà đi xứ khác chứ mặt mũi nào ...”
Ông ngó lên
trang thờ tổ. Cái trang sơn đỏ chạm lưỡng
long tranh châu, mặt tiền phủ rèm đỏ, màu đỏ nghề nghiệp, màu đỏ độc quyền của thần thánh. Một nét
khói mỏng túa ra từ ba cây nhang thơm cặm trước lư hương nhỏ tạo một sự huyền
hoặc quen thuộc vững bụng mấy chục năm nay. Nhìn xuyên
qua khe hở giữa hai mí rèm, ông như thấy trên đó hình một ông già mập mạp phương phi,
râu tóc phất phơ nhìn ông biểu đồng
tình, ông muốn chấp tay vái tổ phù hộ nhưng
chợt thấy lòng mình sao sao ấy, dửng
dưng. Tổ chỉ linh thiêng
chứng giám ở những buổi tế cúng. Tổ chỉ
như người bạn thân giúp đỡ bước qua
những khó khăn khi trăm mắt đổ dồn. Giờ đây tổ nằm đó, yên vị trên bàn thờ, ông muốn cầu xin một điều giúp đỡ nhưng lòng sao thấy
ngại ngùng. Tầm thường, như mình, chỉ là một khúc gỗ, một miếng vải, một biểu tượng ...
Ông bước như ma đuổi ra cửa, lòng dửng dưng ...
2.
Ông Tám Ngàn ngó mong
ra cái sân đông nghẹt mà phập phồng trong bụng. Con nít ở đâu mà nhiều vô kể.
Mấy tháng nay tụi nó chết cũng bộn
bàng sao vẫn còn ngộp mắt. Mà phải con nít thôi đâu, người lớn cũng đầy đồng,
bình thường đi cúng mình chỉ gặp ông
già bà cả, ốm yếu bịnh hoạn, sao bữa nay người mạnh khoẻ
ở
đâu ra nhiều quá? Chắc là tới từ mấy làng lân cận để giựt giàn. Một năm mới có một lần, họ cất
công lội ruộng qua đây cũng phải. Năm nay làng mình làm xôm, cộ bự, đồ thí cô hồn
nhiều, chắc thiên hạ đồn đãi lắm. Ông như cảm thấy máu chảy dồn lên mặt, sung sướng trong bụng, thiếu điều
muốn nhảy dựng lên. Như vậy là mình cũng hãnh diện. Không có mình, sao mấy ông
Hương Chức Hội Tề ù ù cạc cạc này làm được. Rồi ra người ở
mấy làng chung quanh sẽ mời mọc cầu cạnh nữa.
Ngày chạp ngày rằm, ngày Tết ngày nhứt
sẽ khá hơn chứ không như bây giờ, nhiều khi trên
trang thờ trống trơn chỉ có
nải chuối sứ bả giú để
dành từ gần cả tháng trước thấy mà phát nản. Người ta làm thầy làm bà tổ đãi, con bịnh, đệ tử tới lui nờm nợp, còn mình năm khi mười họa mới có người tới thăm, chuyến này mà thành công thì khỏi nói! Ông đưa mắt
kiếm trong đám đông xí xô xí xào trước mặt để
tìm thằng con. Không biết thằng Sửu có lanh như
con cái thiên hạ không? Dặn nó đứng ở một góc xa xa kế
bên cây da, đừng
ham giựt giàn, giựt tiền thí cô hồn gì hết,
chờ mình thảy số mấy cái cộ bự về nó.
Mà hổng biết nó có lẹ tay lẹ chân không? Nó làm hổng xong là trớt mỏ cả lũ. Hụt
đỏi uổng công.
Phải
nói lắm, đưa nhiều lý lẽ vững lắm mới được họ đồng ý cho liệng cái thẻ số 1.
Hai chục đồng bạc chứ ít ỏi gì. Một tờ giấy bạc con công mới tinh thơm mùi giấy thân thiết,
thoang thoảng mùi mực in hấp dẫn. Công linh mình, kế
này kế nọ mà chi được trả có ba chục. Bợ được cái cộ đó kể
như bộn xu. Rủng rỉnh. Ông bất
giác đưa tay lên vuốt
chòm râu cằm. Mấy sợi loe hoe như chóp cái đuôi phất trần, coi hổng giống ai,
nhưng mà phải dưỡng. Thầy pháp cằm
trụi lủi trụi lơ khác nào thầy chùa không cạo sạch tóc. Mất uy tín mà lại dị hợm
làm xốn mắt mọi người. Mắt ông Tám Ngàn sáng rỡ
lên khi thấy thằng Sửu
lách đám đông đi về phía cây da, đánh đu trên
một cái rễ bự lòng thòng từ
trên cao xuống. Thằng cũng khá, giả bộ hổng
chú ý gì hết, thong thả đong đưa, nếu lát nữa chỗ đó chỉ
có một mình nó như bây giờ thì chắc ăn, dễ
như lấy đồ trong túi. Ông cười, nghĩ tới bộ ván gõ
một tấc hai đằng nhà Hương Tuần Quới. Ra giá có
mười đồng mà cả tháng nay ai tới coi cũng chắc lưỡi hít hà chịu quá mạng mà lắc
đầu nguầy nguậy vì vói không tới. Được keo này, rinh bộ đó về, tha hồ nằm mát
lưng mấy bữa trưa nắng lại thêm nhà trước
khỏi trống trải, chớ bây giờ bộ ngựa ở nhà
nhỏ quá, huốt, thành ra trống hốc trống hênh
coi dị hợm ...
Thằng
Sửu ngó vô chỗ ba nó đứng, mắt nó loé chói lên
rồi hạ mi xuống thiệt mau, làm bộ lo níu cái rễ
da bự xộn nó đương đánh đu tòn ten trên đó.
Ông thầy Cả ở
chùa Phước Hậu và hai thầy sãi trẻ
vẫn đều đều tụng kinh gõ mõ trước bàn thờ treo tượng Phật Thích Ca ở
trên, tượng Mục Liên
cầm bửu
trượng ở dưới. Tiếng tụng kinh đều đều, tiếng mõ lóc cóc nhẹ
nhàng, âm thanh thánh thót như trong một bữa mưa đêm.
Buồn ngủ không thể cản được, ông Tám
Ngàn xoè lớn bàn tay làm bộ vuốt râu để che cái
ngáp dài. Thầy pháp thầy chùa ở
một đám cúng thói thường ít có. Bây giờ mấy ông
đương tụng thời
trưa, mình ngáp khác nào minh cà-xóc chê
bai hay thọc gậy bánh xe, mở đầu cho
chuyện thầy pháp nguýt thầy chùa, thầy chùa
bĩu môi thầy pháp. Ích lợi gi? Hổng có mấy ổng,
cuộc cúng này cũng mất linh phần nào. Không có
kinh kệ làm sao âm ty mở ngỏ cho
cô hồn về. Ngạ quỷ đương kêu réo dưới đó nhưng qua mấy tầng địa ngục làm sao trốn
thoát được lên trên
trần thế kiếm chút cháo đói thí cô hồn. Phải có
kinh kệ. Kinh kệ cũng như phù chú, mỗi thứ có một tác dụng. Phật từ bi mở đường cho ma đói về kiếm cơm. Thái Thượng
Lão Quân sai khiến âm binh làm điều
này điều nọ giúp dân lành. Không nhân dịp tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhơn
mượn oai sai họ trừ Thần Ôn thì còn đợi tới bao giờ? Nhưng mà giọng tụng
kinh gõ mõ “Tất đà du nghệ thất
bàn ra da, ta bà ha. Na ra cẩn
trì, ta bà ha. Ma ra na lô kiết đế thất Phật ra lăng đà bà …” sao buồn ngủ
quá. Mấy câu thơ kinh Mục Liên:
“Mục Liên thương xót
tức thời lấy bát
đựng cơm đem dâng
mẹ ngài vui mừng
tay trái che bát
tay mặt bốc cơm
cơm chưa tới miệng
đã thành than lửa
ăn không thể được
Mục Liên thấy vậy
liền khóc oà lên..."
(Kinh
Vu Lan Bồn)
...
như ru em, như mời thỉnh con buồn
ngủ tới đậu trên mí mắt. Mơ hồ
trong giấc ngủ chập chờn, ông Tám Ngàn thấy thầy cả già trước mặt mình bận đồ Mục Liên,
tay cầm bửu trượng
bước về phía chín từng địa ngục, vượt cầu Nại Hà, qua ngục ống đồng thiêu người, ngục cắt lưỡi móc tim, ngục cưa hai nấu dầu, dò tới tìm mẹ đang đầu đội chậu máu mình ngồi bàn chông ...
Ông Tám Ngàn chớp mắt tỉnh dậy
khi kệ kinh chấm dứt. Điệu kinh ê a mất hút, trả không
khí về âm thanh láo nháo ồn ào của đoàn ngưởi lố nhố
chung quanh, trả luôn ông Tám về thực tế ...
Thoảng nghe vị sư già biểu đệ tử mời
mình cúng, ông Tám Ngàn đứng dậy, lụp chụp đốt
sáu cây nhang, ba cây nhét vô mép tai bên mặt, ba cây cầm
lên vẽ vẽ
trong không gian lá bùa bát quái, phùng mang trợn
mắt ngâm nga: “Thần kim phục vọng…..”
Thằng
Sửu đánh đu tòn ten trên cái rễ da, nghe
giọng ngâm quen thuộc ngưng lại, ngó ba nó, cười
cười ...
3.
Ông Tám Ngàn vẫn
dến bộ đồ thầy
pháp bận hai bữa trước, chỉ có điều
sáng nay ông đội thêm cái khăn đỏ có vẽ
bùa bát quái, tay mặt cầm cái phất
trần phe phe phẩy phẩy đuổi tà ma đương lẩn
thẩn xung quanh cái ao, hai tay ông bắt ấn, miệng lâm râm niệm chú định hình và
đọc bài thiệu sai khiến thần lục đinh
lục giáp phụ lực. Bộ mặt nghiêm
trang, trịnh trọng của ông đông đặc không khí mát lạnh của buổi sớm mù sương.
Gió im, chết đứng, không một lá cây ngọn cỏ lay động.
Không một tiếng ho. Cái đuôi người phía sau di chuyển như những hình nộm bằng
cây vừa mới được hà một hơi sinh
khí.
Ông Hương Cả
đi trước, tay bưng mâm tam sênh gồm mấy
con tôm luộc đỏ, ba cái hột vịt luộc, ba miếng thịt ba rọi,
thành kính bước những bước đều thẳng
như đã đo tính sẵn ở mỗi bước
chân. Đôi mắt kẻ cả có khả năng khiến bất cứ
ai trong làng phải ngó xuống hay
chuyển cái nhìn đi chỗ khác, đã chuyển thành ánh mắt nhẹ nhàng thành kính
của một ông già hết
lòng chăm chú cầu khẩn sự giúp đỡ của một sức
lực siêu nhiên.
Ông Hương Chủ với chòm râu rễ tre đen bóng, hai tay lễ mễ bưng mâm rượu
cũng cẩn thận bước những bước thật vững chắc để khỏi làm
chòng chành bốn ly rượu nhỏ đã được rót đầy sẵn xếp
đặt theo đúng phương vị đông tây nam bắc. Cái nhạo
rượu bằng sứ Giang Đông có vẽ những hình hoa lá xanh xanh đưa vòi về phía
trước để mời mọc và
tỏ tình giao hảo với người khuất mày
khuất mặt. Ồng Tám Ngàn lập đi lập
lại không biết bao nhiêu
lần câu nói nầy với tất cả sự hãnh diện của một người chủ tế toàn quyền sai phái toàn thể nhân vật đầu sỏ trong làng trước khi đoàn
người xuất phát. Bộ mặt khắc khổ,
luôn luôn nhăn nhó của ông giờ đây tăng thêm
không khí trịnh trọng khẩn trương của buổi lễ.
Đoàn chức sắc hội tề lục đục theo sau, lễ mễ
với mâm nhang đèn lễ vật đầy ắp. Phó Hương Quản Sắt mặt mày bùng thụng
bùng thịu, cúi gầm xuống nói nhỏ với thầy Hương Kiểm
Thơm đi trước:
“Mẹ họ, thằng cha thầy Tám bày điều chuyện
nầy! Từ thuở tới
giờ gần sáu mươi tuổi, tôi mới thấy một cuộc
tống gió lạ lùng như bữa nay. Cả hương chức hội tề phải bưng đồ
cúng. Phải đặt dưới quyền sai phái của một thằng cha thầy pháp. Đéo quả con cóc
bịch, một tháng nữa
mà chuyện dịch tả của làng này hỏng hết là thằng
chả có nước dọn nhà đi chỗ khác, chứ ở đây
hổng yên thân với tôi đâu. Tôi cào nhà thằng chả
đem về cất chuồng trâu. Mấy
lá bùa với ông tướng thầy ba tôi cho vô bếp
chụm lửa nấu nước hết ... ”
Hương
Kiểm Thơm,
như để vừa lòng bạn nói phân hai, nho nhỏ đủ
nghe:
“Ừ, để
nữa rồi coi, lúc này súng ống đùng
đùng, tây tà xí xô xí xào tối ngày, thần
thánh nào cũng chạy làm sao linh được. Nhưng, thầy
Hương Quản với mấy ông Hương Cả, Hương Chủ
đồng ý như vậy thì mẹ họ, ai vô đó mà cản. Nhưng nếu
thằng cha thầy Tám này mà làm được thì có phước cho
làng mình. Thấy
tụi con nít nhỏ chết la liệt cũng sốt
ruột. ”
Phó
Hương Quản Sắt vẫn chưa chịu thua:
“Tôi dám cá với thầy Hương Kiểm mười
ăn một là thằng chả bịp.
Hết làm sao được mà hết. Đói ăn rau, đau uống thuốc. Bịnh cúng Thần Ôn thần
dịch mà hết thì mấy ông thầy
thuốc, mấy ông đốc-tưa họ giải nghệ hết sao? Chuyện
tào lao xích đế ... ”
Hương
Kiểm Thơm không nói gì, trầm ngâm ngó mong
ra cái ao. Mấy người tráng đinh
đương tay xẻng tay cuốc
đào đào, xới xới để triệt cái mạch của
Thần Ôn. Từng lưỡi cuốc mạnh bạo, tin tưởng
bủa phập xuống bờ ao, bứng mấy cục đất bự xộn liệng xa
lắc xa lơ trên bờ.
Ông Tám Ngàn mỉm
cười đứng ngó cái ao từ từ lớn rộng ra tới mé cái ranh giới được cắm bằng những
cây cọc có cột miếng vải đỏ, nối liền nhau bằng mấy
sợi chỉ ngũ sắc mong manh. Hồi sáng sớm, lúc đoàn người mới ra đây, bờ
ao cách lằn ranh hơn hai thước, theo bóng mặt trời, khoảng cách đó lần lần biến đi. Mấy sợi chỉ màu huyền bí đã lôi kéo đám con gái xếp hàng san sát nhau từ bờ sông tới ao,
chuyển nước vô ao để giúp Hà Bá đánh Thần Ôn Dịch.
Ông Tám
Ngàn tiếp tục đi lên
đi xuống, giải thích mơ mơ hồ hồ bằng thứ kiến thức lượm
được trong mớ truyện Tàu của nhà in Tín Đức Thư Xã với nhà in Xưa Nay:
“Mình người
phàm mắt thịt, làm
sao chống cự lại
kẻ khuất mày khuất mặt thần linh pháp thuật. Mình
phải nhờ, phải triệu,
phải thỉnh,
phải mời ... Đem nước vô càng nhiều thì Hà Bá càng
mạnh, Thần Ôn càng yếu.
Rồi tối nay còn cầu đảo nữa. Phải biết hổng lâu
đâu. Trong vòng một tháng là cùng. Sẽ
có nhiều trận mưa lớn, đó là tôi nhờ sự giúp đỡ của Long Vương. Long Vương Ngao
Quảng trong truyện Tây Du đó, ông ta thổi vài hơi thì ngập hang ngập ổ. Thần Ôn
mà hổng thua là tôi chịu tội với bà con cô bác. Bà con cô bác đừng có kể tôi là thầy.”
Lúc
sắp đứng bóng thì mọi chuyện kể như xong xuôi.
Nước ao trong trẻo hơn, cái bờ vững hơn ... Mọi
người cũng đã bắt đầu thấm mệt. Vài người chống cuốc quẹt mồ hôi, mắt láo liên
ngó chừng ông Hương Cả, Hương Quản để ăn gian vài phút nghỉ ngơi. Bắt gặp cảnh đó, ông Tám Ngàn thấy trò chơi của mình bấy nhiêu đã đủ, ông thì
thầm với thầy Hương Quản mấy câu. Được dịp, thầy
Hương Quản dõng dạc:
“Nghe đây bà con, theo lời thầy Tám, lúc mặt
trời đứng bóng là lúc cực dương. Ma quỷ, Thần Ôn rút về hang ổ của họ, vả lại bà con
cũng đã mệt, bây giờ tất cả mọi người sửa
soạn nghỉ ngơi, chút nữa, lãnh bùa về uống trừ tà.”
Ông Tám ban phát cho mỗi người một gói thuốc
tán trắng đục gói trong một lớp giấy vàng họa
bùa ngoằn ngoèo.
“Bà con uống thứ thuốc này trộn với tro bùa
tôi làm phép thì con cháu Thần Ôn
đương ẩn núp trong áo quần bà con sẽ chạy có cờ. Từ
đây về sau ai còn bị bịnh nữa là bởi tại vì
người đó tới số chứ hổng phải tại
tui bất tài. Thuốc vô, bùa vây bảo đảm hiệu nghiệm ....”
Ông Tám vừa
phát thuốc vừa giải thích, vừa cười. Nét tự tin hiện rõ trên bộ mặt nhăn nheo lo lắng mấy ngày nay.
Hương
Giáo Thân ngó mông lung trước mặt nghĩ ngợi. Cái
ao đẹp hơn buổi sáng quá nhiều. Tóc lông lềnh
bềnh, mài ghẻ đục lờ không còn nữa. Mực nước hơi cao, sạch sẽ, nước trong lóng
lánh. Cái vòng vôi trắng nối liền mấy cây cột có bao
vải đỏ như ngó ông cười thách đố. Ông mỉm cười một mình,
chậm chạp nối đuôi theo đoàn người tới lãnh bùa.
Ông Tám Ngàn bỗng thấy tay mình rụt rè không còn đủ sức hăm hở đưa gói
thuốc khi bắt gặp ánh mắt ranh mãnh của ông thầy giáo. Có một chút gì lém lỉnh bắt mạch trong đó. Ánh mắt ngụ ý chê bai tất cả đám hương chức hội tề già khú lẩm cẩm ngờ nghệch không biết chuyện chớ riêng
mình thì đừng hòng ai qua mặt. Hương Giáo Thân nói nho nhỏ nửa chơi nửa thiệt:
“Tôi sợ lậm bùa. Chỉ
uống thuốc thôi được không thầy, chuyện thần thánh bùa chú tôi yếu bóng vía nên
xin được miễn.”
Ông Tám Ngàn thấy
mình đoán trúng, xuống nước nói như năn nỉ
trong một cái chớp mắt ra dấu thiệt lẹ:
“Với ai thì hổng nên
chớ với thầy Hương Giáo thì bà cậu có muốn giận cũng phải xét lại. Người có chữ
nghĩa luôn luôn đức trọng quỷ thần kinh. Chiều
nay rảnh ghé nhà tôi. Tôi vẽ bùa ... vô tay
thầy giáo thì xong chuyện. Có khó gì đâu ....”
Hương
Giáo Thân gật đầu, bước mau, cười
tủm tỉm …
4.
Ông Tám Ngàn bẻ
cái đùi gà vàng tươm, mỡ nhễu ròng
ròng, đưa cho Hương Giáo Thân, vuốt đuôi thiệt ngọt:
“Trong nội làng Bình Nhâm này tôi chấp hết, trừ có thầy Hương Giáo thôi. Ông có học
hành chữ nghĩa làm sao qua mặt được. Chuyện này trong mấy cuốn sách vệ sinh thường thức có nói hết rồi. Dơ dáy
đương nhiên sanh bịnh tật, muốn tốt phải có thuốc tẩy thuốc trừ, bùa phép khỉ
khô gì, chỉ giả ngộ cho vui mà thôi ....”
Hương
Giáo Thân nghe nói thoả mãn quá trời, còn giả bộ hỏi qua cho có chuyện:
“Mà tại sao
thầy không nói rõ ra cho bà con biết, làm màu làm mè chi cho mất công mất linh.
Cả làng, trời trưa nắng đổ lửa, biết
bao nhiêu ông già bà cả trong đó. Cũng tội nghiệp họ chứ ....”
Ông Tám Ngàn cười ồ ồ:
“Thầy Hương Giáo biết rồi mà, chịu nắng một
bữa chết chóc gì mấy ổng. Sợ sương sợ nắng quá
đâu được. Mình làm chuyện lớn thì mấy cái lặt vặt đó nhằm nhò gì.”
Ngừng một lát, ông Tám Ngàn mơ màng:
“Ở đời phải hư trương thanh thế. Phải hư hư thực thực. Phòng ngừa cho cả
làng không bị bịnh dịch dễ ợt chứ khó khăn
gì đâu, nhưng làm sao cho cả làng phục mình
mới là điều khó.
Không bày mưu đặt kế, không vẽ phượng tô rồng, tôi đố ai khiến cả làng ra đào rộng cái ao đó được. Đố
ai mà khiến dân chúng chuyển nước vô
ao để cho loãng cái chất dơ đi. Ngay cả
thầy Hương Quản nữa, thầy có súng
nhưng chưa chắc nói thiên hạ nghe.
Đó là chưa kể chuyện không nói vụ Thần Ôn tống
gió mụ nội ai vô đó nói cho mấy thằng Tây đặng tụi nó cho phép tới gần đồn mà
giải quyết cái ao. Lơ mơ tụi nó nói làng mình tính
làm quổc sự, bắn chết cả lũ thì khổ cả
làng ....”
Hương
Giáo Thân để cái đùi gà xuống,
chen tiếp lời:
“Ừ há!
Nếu không có chuyện đó tôi chưa chắc đã dám lãnh nhiệm vụ tới đồn nó nói
chuyện. Mình đưa lý do có tính cách mê tín như vậy,
nó mới chịu chớ nói chuyện vệ sinh ăn ở nó
cho mình muốn sửa lưng, nó nổi lôi đình lên
chưa biết chừng. Thằng
Quan Một râu xồm xếp đồn có tiếng là
giết người không gớm tay, cái bản mặt có cô hồn
đó nổi cộc lúc nào ai mà biết được ....”
Thấy
người biết tẩy của
mình đồng ý,
ông Tám Ngàn triết lý:
“Làm nghề của
tui như làm chánh trị vậy, phải dựa trên cái mình
có - ông xuống giọng thật nhỏ - thường là rất ít, để tạo ra cái
mình sẽ có. Thiên
hạ tin rồi thì muốn
trời muốn đất
gì lại không được. Để rồi thầy Hương
Giáo coi, bà con mình ở đây, mà không chừng bà con mấy làng lân cận nữa, khi trái gió trở
trời, sổ mũi nhức đầu họ tới họ cậy tôi cho coi. Tôi học kế này trong truyện
Phan Xích Long Hoàng Đế phá khám
lớn Saigon khoảng
10 năm về trước, với lại chuyện nổi loạn ở Nghệ Tĩnh
của mấy ông làm quốc sự năm rồi. Họ có khỉ
gì đâu, le que mấy mống nhờ đánh trống gióng chuông,
thiên hạ theo nườm nượp, gạt bỏ thiếu điều hỏng hết.
Yếu thành mạnh, ít thành nhiều, dở thành
hay, được thời thành công, không được thời thì thôi, thiên
hạ cực khổ ăn đòn ăn bọng chứ mình mất mát
gì đâu?”
Đưa
tay chống cằm, mân mê
mấy gốc râu mới nhú, Hương Giáo Thân thủng thẳng nhận xét:
“Nhưng căn bản vẫn
là màu mè mà con mắt thiên hạ để làm gì? Ở
trường hợp thầy, thầy đã làm đúng. Nếu mà dối trá lường gạt như bọn nó thì …” Hương Giáo Thân cầm ly
rượu ngó thẳng vô cặp mắt đỏ ngầu của ông thầy pháp
tìm lời ... “giờ
đây mình đâu có ngồi với nhau trong tiệc rượu vui quá mạng nầy?”
Bỗng
nhớ trực ra chuyện gì, thầy Hương Giáo bưng ly rượu uống
rốc một hơi rồi nói:
“Nhưng
mà ông Tám ạ. Mình chỉ chơi trò đuổi Thần Ôn ở
làng mình. Thần Ôn ở địa phương này có là tại cái ao dơ, tại
có trại tù. Tại mấy thằng Tây bắt người ta bỏ tù mà
không cung cấp cho một chút vệ sinh tối thiểu.
Tôi nghĩ phải chi mình
kiếm được cách thay thế hay ho hơn trừ thẳng Thần Ôn Dịch ....”
Ông Tám Ngàn nghe nói vừa rỡn tóc gáy, vừa mở cờ trong
bụng, lấp liếm:
“Tôi đi guốc trong bụng thầy Hương Giáo rồi. Từ từ, đừng nói. Tai vách mạch rừng. Lậu sự là tôi với
thầy đi đứt đó. Hổng cô hồn Khám Lớn kêu
cũng ma Bà Rá
hú. Chuyện tới trước sau gì cũng tới. Chạy trời cũng không khỏi nắng. Để rồi thầy coi, tức nước vỡ
bờ, tụi thanh niên
bây giờ ngon lành lắm chứ hổng phải lù ngù lờ ngờ như tụi mình hồi đó đâu. Tụi
nó sẽ làm lớn chuyện đó. Đâu có phép nào cho bắt bao nhiêu người như vậy giam vô cái đồn nhỏ hí, nước
nôi gì cũng hổng có, cơm cháo gì cũng hổng đủ ...
Mà phải có nội làng mình không thôi đâu, lủ khủ ở đâu
cũng có, đầy trời thiên hạ ....”
Hương
Giáo Thân mắt sáng lên, gật gà gật gù:
“Ông Tám được quá cỡ thợ mộc, vậy mà mấy lâu nay tui đâu có dè. Cứ lo thủ kỹ đâu
có tâm sự với ai nên đâu biết được người đồng tâm ….”
Ông Tám Ngàn cười gượng gạo, làm bộ ơ hờ
ngó vô bếp, lướt mau qua chỗ bà Tám đương lui cui
chất chất xếp xếp
mấy con gà luộc với nửa cái đầu heo. Ông
xẻn lẻn ngang, ngượng nghịu không nói gì. Một trận gió nhẹ đong đưa cái cộ số một thằng Sửu
lãnh được trong cuộc giựt giàn vừa rồi, như đong đưa chính ông giữa hào quang của
lòng thành thật và bóng tối của những lợi
dụng nhỏ nhen, ông vói tay rót đầy ly, nốc cạn, cúi gầm mặt xuống, tránh ánh mắt
sắc như dao của người bạn rượu trước mặt …
Nguyễn Văn Sâm (San Antonio, Texas, tháng 3/1984)
(Trích tập truyện Câu
Hò Vân Tiên, Gió Việt, Texas, 1895)
No comments:
Post a Comment