Lời tác giả:
-Nội dung
câu chuyện được ghi lại theo ký ức của một người xa quê lâu năm nhớ về “những
năm tháng ấy” tại quê nhà vào giai đoạn đầu thập niên 1950, trước hiệp định Geneve
1954, tại miền
Bắc nước ta.
Một
buổi trưa chan hòa ánh nắng trong vắt như thủy tinh của một ngày nắng ấm cuối đông, chớm bước sang xuân. Cảnh vật như bừng sáng dậy sau những
ngày u ám. Tôi và Thi ngồi bên nhau tại một nơi vắng vẻ trong khu vườn sau nhà,
dưới tàn cây mít, gần bên chiếc cầu ao soi bóng lung linh
trên mặt nước đang gợn sóng lăn tăn. Tuy không có những bông hoa hồng rực rỡ
trong vườn hay những bông hoa dâm bụt (bông bụt) khoe sắc thắm trên hàng dậu
nhưng tôi vẫn thấy được những bông hoa ấy đang nở rộ trong lòng. Tôi rất vui,
vui vì Thi đang ở bên tôi.
Tôi
ngồi bên Thi và đang nghe nàng nói. Thi nói huyên thuyên về những điều nàng nằm
mộng đêm qua. Ánh mắt trong sáng ngây thơ của nàng hòa nhịp trong giọng nói hồn
nhiên của một cô học trò ở lứa tuổi vừa chớm lớn, chưa một lần biết yêu đương
và tan vỡ.
Tôi
nghe Thi nói, nhưng mắt vẫn không rời khỏi bàn tay nàng đang múa may theo câu
chuyện. Hai bàn tay ấy như đang cuốn hút lấy tôi. Và tôi muốn được nắm lấy
chúng lúc này để gửi đến nàng những thông điệp yêu thương của lòng tôi. Tôi
biết, với lòng tin cậy nơi tôi, Thi chỉ có thể hiểu được thông điệp ấy như một thông
điệp thương yêu của một người bạn hay của một người anh. Nàng không thể nghĩ xa
hơn về những điều tôi mong muốn. Và tôi cũng không muốn làm mất đi lòng tin cậy
nơi một cô gái chưa một lần biết nghi ngờ như Thi. Tôi cố giữ được điều đó đến
bao giờ, một câu hỏi lớn trong tôi!
Thi im
lặng một lúc. Tiếng gió thì thào thổi nhẹ. Vài chiếc lá cuối đông còn toòng teng
dính trên cành cây sung đong đưa. Con nhái từ trên bờ phóng xuống ao đến
"tũm" làm tôi như tỉnh giấc. Thi từ nẫy nói với tôi những điều gì tôi
không còn nhớ rõ. Thi đang ngồi bó gối nhìn tôi mỉm cười.
- Anh
đang nghĩ gì mà thẫn người ra thế?
- Không!
Tôi chối và mỉm cười với nàng.
Nếu Thi
biết được những điều tôi vừa nghĩ về nàng, chắc nàng phải đỏ mặt và chạy trốn. Cũng may, ông Trời đã không cho loài người
cái khả năng siêu việt ấy nên cuộc đời vẫn cứ được bình an.
Thi
đứng dậy bỏ đi, một trong những chiếc lá mít nàng dùng để ngồi dính theo quần.
Thi phủi cho chiếc lá rơi xuống đất. Chiếc lá như còn vương vấn cuốn theo chân
nàng. Tôi liên tưởng đến một đoạn thơ của Thái Can:
Cánh
hồng quyến luyến nơi chân ngọc,
Như
muốn cùng ai sống phút thừa.
Thi
tung tăng trong vườn. Khi tới sân gạch nhà trong, nàng nhặt một vật nhỏ ném
mạnh về phía tôi nhưng không tới rồi nàng mất hút trong dẫy nhà ngang. Tôi ngồi
nhổ những cọng cỏ vàng úa một cách lơ đãng.
Chiếc
áo len màu tím hoa cà của Thi lại vừa thoáng trong sân rồi hướng về phía cổng.
Tôi đoán nàng đã ra ngõ về nhà. Một chút gì bâng khuâng, vương vấn trong lòng.
Tiếng
hát ru con từ hàng xóm đưa sang. Tiếng ru con lúc nào cũng êm đềm tha thiết và
mang đến cho người nghe một chút gì
buồn man mát. Tôi như:
Tơ trời
lơ lửng vươn mình uốn,
Đến nối
duyên mình với cõi không.
(Thanh Tịnh)
Nắng vẫn
tươi, gió vẫn thổi nhẹ, chim vẫn hót trên cành, khóm tre vẫn uốn mình kẽo kẹt
đu đưa, và chiếc lá mít Thi ngồi lúc nãy vẫn còn vương trên cỏ úa, nhưng chỉ
riêng mình tôi bỗng sao thấy có cái gì trống vắng xa xăm khi nàng vừa bỏ đi.
Tôi
ngồi dựa hẳn người vào thân cây mít, hai bàn tay đan sau gáy, tư lự nhìn trời
xanh, thả hồn nhớ tới hình bóng của Thi tưởng chừng như nàng còn đang tung tăng
trên con "đường thơm", thơm mùi tóc quyện với hương “bồ kết” xen
thoảng lẫn mùi chanh theo gió nhẹ tỏa đi xa. Chiếc áo len mầu tím như còn thấp
thoáng ẩn hiện sau rặng tre xanh đầu ngõ.
Chân
đang bước bỗng e dè đứng lại
Ở giữa
đường làng, mùi rơm, hoa dại.
(Đường Thơm-Huy Cận)
Cùng
lúc ấy, từ chiếc "kèn hát"(1) bên hàng xóm, văng vẳng
tiếng hát lõng thõng, chậm rãi, đu đưa của người ca sĩ, cộng thêm với gió mát
hiu hiu hòa lẫn trong tiếng xào xạc của lá cây trên cành cây mít như những
tiếng ru đã đưa dần tôi vào giấc ngủ.
Chẳng
biết thời gian tôi thiếp vào giấc ngủ bao lâu. Âu cái tuổi thanh niên vô tư là
thế đấy.
Bỗng tôi
nghe thấy tiếng chân đi sột soạt lẫn tiếng cười khúc khích. Tôi mở mắt ra thấy
Thi đang đi về phía tôi.
Thấy
tôi tỉnh dậy, Thi hỏi ngay:
- Sao
anh ngủ say thế?
-
Không, anh chỉ nhắm mắt thôi mà! Tôi cãi lại.
Nàng
liến thoắng:
- Không
phải! Anh ngủ say lắm! Em đem cọng rơm ra định ngoáy mũi anh này.
- Anh
ngủ lâu lắm hả? Tôi hỏi.
- Anh
ngủ say lắm! Anh ngáy nữa, ngáy to lắm!
- Anh
ngáy thế nào? Tôi giật mình hỏi lại.
- Như
người ta xẻ gỗ ấy! Thi vừa trả lời vừa phá lên cười.
- ...?
- Anh
chẩy cả nước dãi (nước miếng) bên mép nữa kia kìa! Nàng chỉ vào mặt tôi.
Tôi vội
đưa tay lên mép, không thấy ướt. Thi vội vừa chạy vào sân trong vừa quay lại
trêu tôi:
- Lêu
lêu, có người phải lừa! Lêu lêu, có người phải lừa!
Tôi
biết bị lừa, vội đuổi theo Thi, tay dứ về phía trước như để “cốc” nàng cho chừa
thói trêu chọc người khác. Tôi đuổi sát theo và có thể bắt ngay được bất cứ lúc
nào, nhưng tôi đã không làm như thế vì tránh sự đụng chạm đến thân thể nàng.
Thi cứ
chạy vòng vòng, trốn sau những cột mái hiên. Tôi đuổi theo sau mà không bắt. Bất
chợt, tôi vụt chạy lên phía trước chặn đầu. Thi quay ngược về phía sau để tránh.
Nàng chạy thêm vài bước rồi bỗng ngồi thụp xuống, hai tay ôm đầu, úp mặt vào
hai đầu gối:
- Không
được đánh em! Không được đánh em!
Tôi
đứng chống nạnh nhìn nàng:
- Còn
trêu anh nữa thôi?
- Dạ
thôi ạ!
Tôi
cười tủm tỉm. Thi ngửng lên, thấy tôi không đánh, vội vàng đứng dậy định chạy
đi. Chúng tôi chợt trông thấy chị Thìn, người chị nuôi trong gia đình tôi, đứng
trước cửa nhà bếp nhìn chúng tôi mỉm cười, cái mỉm cười thật hiền lành đôn hậu
pha chút hóm hỉnh. Mặc dầu chị không nói gì, nhưng chúng tôi cùng cảm thấy
ngường ngượng. Thi kéo tôi đi về phía cổng ra con đường làng, mặc cho chị Thìn
nhìn theo.
Vừa ra
khỏi cổng, Thi nghiêm mặt lại vì sợ gặp người trong làng nhìn ngó. Nàng đi bên
cạnh tôi, ít nói, chỉ thỉnh thoảng ngước mắt nhìn tôi mỉm cười.
Thi rủ
tôi đến thăm cô giáo của nàng năm xưa.
Chúng
tôi đi về phía đình làng, qua vài ba ngõ dài, băng qua mấy thửa ruộng trước đây trồng ngô, rồi tới
xóm dưới. Xóm dưới, nhà cửa thưa thớt hơn xóm trên nơi chúng tôi đang ở, nhưng
vườn tược nhà nào cũng rộng rãi, khang trang. Trong sân, thường được trồng vài
khóm trúc hay một vườn hoa nho nhỏ với đủ loại hoa. Đôi nhà có cả hòn non bộ ở giữa sân hay dăm ba chậu cây cảnh
trồng trong chậu sứ tráng men lớn.
Đi tới
cuối một cái ngõ, Thi ngừng lại trước cửa căn nhà gạch ba gian hai chái, mái
lợp rơm vừa được thay mới, trông
rất khang trang. Chung quanh nhà được bao quanh bởi hàng rào thưa làm bằng thân
tre và nứa, thấp chỉ tới đầu người. Vài loại cây leo bò trên đó.
Qua chiếc
cổng gỗ, mái lợp rạ, kiến trúc trông giống như tam quan nhà chùa thu nhỏ. Cánh
cổng một đóng, một mở. Chúng tôi cùng bước vào phía bên trong.
Con
đường nhỏ dẫn từ cổng vào sân trước nhà được lát gạch đỏ đã đổi mầu rêu. Hai
bên đường là hai vườn hoa nho nhỏ.
Nằm dài
suốt dọc bề ngang căn nhà, một sân
gạch nhỏ cũng đã rêu phong. Ở cuối góc sân bên phải, một giàn hoa rủ những
nhánh hoa mầu trắng thoảng hương thơm. Một chiếc chum sành to mầu men nâu đậm dùng
hứng nước mưa được đặt hơi xế dưới
mái hiên nhà phía trước. Gác trên miệng chum là chiếc “gáo dừa”(2) nâu bóng.
Hai bên
hông nhà, vài cây bưởi mọc xen lẫn với hàng cây na. Ngọn hai cây nhãn mọc ở phía
sân sau lấp ló vượt khỏi mái nhà, cành lá xum xuê.
Đứng
trong sân, Thi gọi vọng to vào nhà:
- Cô
Vân ơi!
Không
ai trả lời. Thi lại gọi thêm hai ba lần nữa. Một người đàn bà từ trong nhà tất
tả đi ra, tuổi trạc ba mươi, người nhỏ nhắn và nhanh nhẹn với nét mặt vui tươi.
Người
đàn bà nhận ngay ra Thi, niềm nở nói:
- Thi
đấy à! Các em vào chơi!
Thi cúi
đầu chào:
- Chào
cô ạ! Thầy cô và em mạnh khỏe chứ ạ?
- Ừ,
vào đây! Vào nhà đã!
Sau vài
câu chào hỏi xã giao, tôi theo Thi và cô giáo vào nhà. Sau khi mời ngồi, cô
giáo vội vã vào trong nhà pha nước. Một cháu gái chừng sáu, bẩy tuổi đi ra,
khoanh tay cúi chào.
- Chào “cô
chú” ạ!
Chúng
tôi nhìn nhau. Thi bước lại ôm cháu vào lòng hỏi chuyện. Cháu bé ngoan ngoãn
đứng dựa vào lòng Thi tò mò nhìn tôi. Thi đã quen thân với cháu bé, tôi đoán,
chắc Thi đã đến đây chơi nhiều lần.
Cô giáo
trở lại với ấm nước “chè xanh” hay “chè tươi” đựng trong “ấm giỏ” và bốn tách nước
trong khay. Cô rót nước mời chúng tôi. Nước chè xanh trong vắt, mầu xanh vàng
nhạt như màu rượu sam-pa (champagne).
Tôi đỡ
tách nước chè vừa rót từ tay cô giáo, ủ nó trong lòng bàn tay để giữ hơi ấm, đợi
mọi người cùng uống. Mùi thơm nước chè xanh thoang thoảng bốc lên như mời gọi.
Nhà nghèo hay những quán nước chè xanh bên đường bán cho những người lao động thường
dùng bát ăn cơm để uống chứ không dùng cốc hay tách như thế này.
Ở nhà
quê, nước chè xanh là một thứ nước
uống thông dụng và bình dân. Vị chè hơi chan chát nhưng có “hậu vị” đậm đà. Đôi
khi người ta cũng uống nước chè nụ, nụ
được lấy từ cây chè xanh phơi khô để giữ được lâu; hay uống chè hạt vối, lấy từ cây vối, mầu nâu
đậm. Chè hạt vối vị đăng đắng chứ không chan chát như chè xanh. Chè mạn là chè xanh được hái để héo, hấp
rồi phơi khô bằng nắng hay sấy khô bằng lửa. Có nhà cầu kì, người ta ướp chè
mạn với nhụy bông sen làm cho nuớc chè
mạn sen có hương vị mát và thơm mùi sen. Nếu không có hương sen, người ta
có thể ướp chè mạn với hoa ngâu, hoa sói, hoa lài hay hoa cúc… Ở nhà quê, ít ai
uống chè Tầu vì đắt, chỉ có các cụ già
thuộc gia đình trung lưu, giầu có mới uống nhâm nhi vào buổi sáng hay lúc rảnh
rỗi hoặc đãi khách mà thôi.
Dân ta biết uống chè từ lâu, trước cả
người Tầu, vì những cây chè cổ được tìm thấy lại ở những vùng hay những nước ở
phía Nam nước Tầu. Như thế, chứng tỏ là người Việt ta biết thưởng thức nước chè
trước người Tầu. Cũng như những nhà khảo cổ quốc tế đã chứng minh được rằng
người Việt ta biết trồng lúa nước và
biết làm trống đồng như trống đồng
Ngọc Lũ trước cả người Hán. Cả nghìn năm trước công nguyên, đồng bằng Bắc Việt
đã từng là cái nôi văn hóa và văn minh rất sớm của vùng Đông Nam Á cổ đại.
Tiếng “chè” là tiếng Lạc Việt cổ, tiếng “chia”
là tiếng Điền Việt cổ ở Vân Nam, sau đó người Hán phiên âm là “cha” mà ta gọi là “trà” hay “chè”. Sau khi chè được lan tỏa từ các nước phương
nam sang bên Tầu từ đời nhà Hán hay trước nữa, “chè Tầu” được phát triển mạnh vào đời nhà Đường và đã đi đến chỗ
gần như tuyệt đỉnh vào đời nhà Tống, sau đó được cải tiến thêm về những trà cụ (ấm
tách) vào những đời sau như Nguyên, Minh, Thanh. Theo sử liệu, dân ta phải
triều cống chè ngon cho nhà Nguyên.
Uống
nước chè không phải chỉ là vấn đề giải khát đơn thuần mà nó còn là cái thú
thưởng thức thuộc hàng nghệ thuật tao nhã nữa. Người Nhật và người Trung hoa đã
đưa nghệ thuật uống chè lên hàng “trà đạo”, mà khởi thủy phát nguồn từ những nhà sư
Phật giáo. Trong ca dao của dân ta có những câu chỉ phường tục tử như:
Vai u thịt bắp mồ hôi dầu,
Lông nách một nạm chè Tàu một hơi.
Ta cũng
có thể tìm thấy trong văn chương nước ta những vần thơ về chè của những thi
nhân, trong đó ta phải kể tới thượng tướng Trần Quang Khải, người từng đánh
đuổi quân Nguyên và đã có những câu thơ hùng khí để đời:
Đoạt giáo Chương dương độ,
Cầm hồ Hàm tử quan.
[Chương
Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử
bắt quân thù]
Mà vẫn
có những vần thơ tao nhã:
Thử lai yêu khách nghiêu trà uyển
Vũ quá hô đồng lý dược lan.
[Mùa hè
lại, pha trà mời khách uống
Cơn mưa
xong, gọi trẻ sửa chậu lan]
Hay
những câu thơ nôm của Quân sư Nguyễn Trãi, người đã từng giúp vua Lê Lợi mười
năm đánh đuổi quân Minh, cụ mong mỏi được:
Bao giờ dưới núi làm nhà
Nước khe gối đá pha trà ngủ say.
Còn cụ
Cao Bá Quát có những vần thơ:
Thư nhàn hỏi lửa pha trà mới,
Thích thú tựa thông nhìn ráng sa
Chợt nghĩ về hưu vui thú ẩn,
Một cần câu trúc chuyện đời qua.
Cô giáo
Vân hỏi han chúng tôi hết chuyện học hành đến chuyện Hà Nội. Cô giáo và Thi,
hai người nói chuyện có vẻ thân mật lắm. Tôi chỉ ngồi nghe và trả lời cô giáo
mỗi khi cô hỏi. Tôi góp chuyện bằng những nụ cười nhẹ. Được Thi giới thiệu, cô
cứ luôn mồm tấm tắc khen tôi học cao và giỏi. Cô cho biết cô học trường Sư phạm
trên Hà Nội, sau đó được bổ về đây dậy học. Cô đã dậy được vài năm rồi. Khi cô
về đây, tôi đã rời khỏi trường nhiều năm trước đó nên không biết cô.
Cứ theo
câu chuyện cô nói và Thi kể lại thì cô Vân rất yêu nghề giáo và thương mến học
trò. Và học trò cũng rất yêu qúy cô. Tình thương yêu của học trò dành cho cô là
nguồn vui rất lớn cho cô khi cô phải sống tại nơi thôn dã xa thành phố này. Cô
khen Thi là đứa học trò giỏi và ngoan, ngoan nhất của cô. Mỗi lần được khen,
Thi lại sung sướng liếc nhìn tôi ra chiều hãnh diện lắm. Câu chuyện cứ lan man
kéo dài đến hết mấy tuần nước.
Thi
bỗng dắt cháu gái chạy ra sau vườn. Khi trở lại nàng mang theo hai quả ổi chín thật
to. Nàng đưa cho tôi một quả.
Cô giáo
nói với Thi:
- Sao
con không hái thêm? Nhà có ai ăn đâu!
Thi đưa
lên mũi ngửi mùi thơm của ổi rồi cho vào túi áo, không ăn.
Cuộc
nói chuyện của Thi và cô giáo Vân lại tiếp tục và cứ dài ra tưởng như không dứt.
Tôi lơ đãng nhìn qua cửa sổ. Hai con chim bồ câu đang đứng gần nhau tỉa lông,
thỉnh thoảng cùng gật gật đầu, gù gù vài tiếng. Vài chùm hoa từ hàng xóm vắt
ngang qua hàng rào rung rinh trước gió.
Hết
nhìn qua cửa sổ tôi lại đảo mắt quanh nhà. Nhà có ba gian chính. Gian giữa kê
bàn thờ và bộ “tràng kỷ” dùng để tiếp khách, nơi chúng tôi đang ngồi. Hai gian
bên trái và phải kê hai bộ “ghế ngựa” ghép bằng những tấm gỗ lim màu đen rộng bản,
bóng láng tự nhiên, dầy cả tấc.
Trên
bàn thờ, bầy biện nào lư, nào chân đèn bằng đồng sáng loáng. Phía bên trong
cùng, sát tường hai con chim hạc lớn đứng chầu hai bên tượng Phật Bà Quan Âm.
Tượng Phật Bà được kê lên cao bằng chiếc bục nhỏ bằng gỗ sơn son. Dưới chân
Phật Bà là di ảnh của những người thân trong nhà đã quá cố. Sau đến, gần nhất,
là bình hương, mâm ngũ qủa với chiếc đèn dầu leo lắt cháy. Mọi thứ trên bàn thờ
như được đặt đối xứng với nhau. Tôi nghĩ nền văn hóa của ta có tính đối xứng đó
chăng?
Dưới
chân bàn thờ, hai bên là hai lọ “độc bình”.
Trên
tường được treo vài bức tranh Đông Hồ rất đẹp, dân gian thường gọi chung loại
tranh này là “tranh con lợn" hay
“tranh con gà". Hai tranh gà, lợn này được đại diện gọi như thế vì
chúng được phổ biến rộng rãi nhất trong những tranh của làng Đông Hồ.
Tranh
Đông Hồ vừa phong phú về nội dung lại đa dạng về hình thức. So sánh loại tranh
con lợn, con gà được sản xuất tại làng Đông Hồ với loại tranh con lợn, con gà
sản xuất ở phố Hàng Trống, Hà Nội, ta thường gọi tắt là tranh Đông Hồ hay tranh
Hàng Trống thì tôi thích loại tranh Đông Hồ hơn.
Tranh
Hàng Trống, được in trên giấy tốt, sắc sảo cả về nét vẽ lẫn mầu sắc nhưng nó
lại có cái vẻ đẹp tỉnh thành. Ngược lại, tranh Đông Hồ được in trên giấy
"dó", mầu sắc được pha chế bằng những vật liệu đơn sơ sẵn có ở thôn
quê hay trong thiên nhiên như vỏ cây, vỏ sò hến, lá tre, hoa hòe, lá chanh, lá
cam... và đặc biệt là tranh được sản xuất trên mộc bản. Chính những cái đơn sơ
ấy đã tạo cho tranh Đông Hồ một sắc thái riêng biệt, độc đáo đối với các loại
tranh khác, ấy chính là tính chất mộc mạc, chân quê, đầy tình dân tộc của nó.
Và đứng cả về phương diện lịch sử của loại tranh dân gian, tranh Đông Hồ được
coi là lâu đời nhất trên đất nước ta.
Mỗi bức
tranh con lợn, con gà, các nghệ sĩ dân gian đều gửi gấm những ý nghĩa vừa tinh tế,
vừa thâm trầm vào đó. Tôi liếc vội sang Thi, mỉm cười vì nhận ra rằng Thi còn
quá trẻ và ngây thơ để tôi có thể giảng giải cho nàng về ý nghĩa lẳng lơ của bức tranh “hái dừa” đầy dục tính nam nữ gồm một cô thôn nữ vén
váy cao, ưỡn người, dạng chân đứng hứng lấy hai trái dừa của chàng trai với nét
mặt hóm hỉnh chuẩn bị ném xuống từ trên thân cao cây dừa. Hai trái dừa ấy tượng
trưng cho nam giới. Hay ý nghĩa thâm thúy của bức tranh “đám cưới chuột” nói
lên cái uy quyền của giai cấp cai trị
được miêu tả bằng hình ảnh con mèo to lớn, lớn hơn cả mấy lần con ngựa chú rể
chuột cưỡi. Hay ý nghĩa phồn thực,
con đàn cháu đống qua tranh “đàn gà”, “đàn lợn”...
Chỉ có
người Việt Nam mới thật sự thưởng thức nổi hết ý nghĩa sâu xa của những bức
tranh dân gian của người Việt Nam. Ở thôn quê, người ta còn dùng tranh Đông Hồ
như tranh ông Hổ, ông Chúa, bà Chúa ... để thờ. Tranh con lợn, con gà nói chung
thường được bầy bán tại những phiên chợ Tết hàng năm ở làng quê. Dân làng mua
tranh về để trang hoàng, để vui Xuân cùng với thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu ngày Tết bánh chưng xanh, và
những tràng pháo đỏ.
Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột,
Om xòm trên vách bức tranh gà.
(Tú
Xương)
Hay
Đón Xuân anh thích treo tranh,
Vách tím tranh lợn, vách xanh tranh gà.
Mọi thứ
trong nhà cô giáo được sắp xếp một cách ngăn nắp, sạch sẽ. Cứ nhìn cách bầy
biện, trang trí này người ta cũng nhận ra ngay gia chủ phải là một người thấm
nhuần văn hóa chân phương dân tộc.
Trời đã
ngả về chiều, câu chuyện cũng phải tới lúc chấm dứt. Tôi và Thi chào tạm biệt
cô giáo. Cô đưa chúng tôi ra tới tận cổng. Trước khi chia tay, Thi không quên
hôn lên má cháu gái và cùng vẫy tay chào.
Trên
đường về Thi kể chuyện về cô giáo Vân. Nàng yêu cô giáo lắm. Tết đến nàng
thường hay mang hoa đến tặng cô. Tôi và Thi bước bên nhau và kể cho nhau nghe
về những kỉ niệm với thầy cô. Và chẳng mấy chốc, chúng tôi đến chỗ rẽ phải chia
tay nhau, ai về nhà nấy. Tôi đứng lại nhìn theo Thi cho tới khi nàng khuất nơi
cuối ngõ.
Tôi
bước về nhà với lòng vui lâng lâng khó tả. Đi được một quãng ngắn, tôi cắm đầu
chạy một mạch về nhà, tung cổng chạy ào vào sân. Chị Thìn nhìn tôi ngơ ngác,
mỉm cười. Chị lặng lẽ lên nhà trên chuẩn bị cho bữa cơm chiều dường như sắp
được dọn ra.
Tôi
chạy tiếp ra phía sau vườn. Tôi chợt nhớ về Thi dù nàng vừa ở bên tôi cách đây
mấy phút. Âm thanh của bản nhạc tôi nghe buổi trưa lẫn tiếng cười tinh nghịch
của Thi như còn văng vẳng đâu đây.
Tôi
bâng khuâng nhìn trời cao. Những cụm mây trắng lờ lững bay bình thản, "Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay"(3),
còn bay và bay mãi tới vô cùng như tình yêu của loài người chẳng bao giờ chấm dứt.
Tôi lững thững quay trở vào nhà, mỉm cười với niềm hạnh phúc trào dâng trong
lòng.
Nguyễn Giụ Hùng
Chú thích:
(1) “kèn hát” là tiếng của người miền Bắc chỉ máy
quay đĩa 45 hay 33 vòng, chạy bằng “dây cót” quay tay.
(2) Gáo múc nước làm bằng
nửa quả dừa khô, có cán.
(3) Câu thơ cụ Tản Đà
dịch từ bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu
Mời
nghe bản nhạc
https://www.youtube.com/watch?v=zmSaEqu69dE&list=RDxcuOEJc96qE&index=3
No comments:
Post a Comment