Về tới nhà, chúng tôi vội vàng thay
quần áo để chuẩn bị ăn sáng. Uyên luôn tỏ ra nhanh nhẹn trong việc bếp núc. Chỉ
một thoáng chúng tôi đã có sẵn sàng một bữa cơm ngon. Nói là ăn sáng, nhưng đúng
ra, với những món ăn được đặt trên bàn phải được gọi là bữa ăn trưa mới đúng.
Sau phần dọn dẹp khi ăn xong, cả ba chúng tôi lại có dịp ngồi cùng nhau
trò chuyện bên đĩa mít. Thi đang loay hoay đun nước pha trà. Tôi biết, như đã hứa
với Uyên, bổn phận của tôi bây giờ là phải nói cho Uyên nghe về bài tựa “Thiền Tông Chỉ Nam” của vua Trần Thái Tông,
vị vua tại ngôi đầu tiên của nhà Trần.
Tôi đưa cho Uyên đọc sơ qua “bài tựa”
đó. Tôi không quên nhắc nàng là toàn bộ quyển “Thiền Tông Chỉ Nam” đã bị thất lạc,
nay chỉ còn giữ lại được “bài tựa” này mà thôi.
Trẫm thầm nghĩ: Phật không
có Nam Bắc, mọi người đều có thể tu cầu. Tánh có trí ngu, đồng sẵn giác ngộ. Vì
vậy, phương tiện dẫn dụ đám người mê, để sáng tỏ đường tắt sanh tử, là kinh
điển của đức Phật. Đặt mực thước cho đời, làm mô phạm cho người sau, là trọng
trách của các bậc Thánh trước (Tổ). Cho nên Lục Tổ nói: "Những bậc Thánh
trước (Tổ) cùng Đại sư (Phật) không khác". Nên biết giáo pháp của Phật nhờ
các bậc Thánh trước truyền bá ở đời. Nay trẫm đâu không thể lấy trách nhiệm các
bậc Thánh trước làm trách nhiệm của mình, giáo pháp của Phật làm giáo pháp của
mình.
Vả lại, thuở trẫm còn niên
thiếu, có chút ít hiểu biết vừa nghe lời dạy của Thiền sư thì tâm tư lóng lặng,
bỗng dưng thanh tịnh, nên để tâm nơi nội giáo, tham cứu Thiền tông, dốc lòng
tìm thầy, chí thành mộ đạo. Tuy ý nói hồi hướng đã nẩy mầm, mà cơ cảm xúc chưa
thấu suốt.
Năm mười sáu tuổi, Thái Hậu
đã chán cõi đời, trẫm nằm rơm gối đất, khóc ra máu mắt, đau đớn nát lòng; ngoài
nỗi đau buồn này, đâu rảnh nghĩ việc khác. Chỉ vài năm sau, Thái Tổ Hoàng Đế
cũng băng hà, lòng thương mẹ chưa nguôi, nỗi xót cha càng thống thiết, buồn
thảm tràn trề khó bề dẹp được. Trẫm nghĩ: Công cha mẹ đối với con, nuôi nấng vỗ
về không thiếu điều gì, dù con phải xương tan, thịt nát vẫn chưa đủ đền đáp
trong muôn một. Huống nữa, Thái Tổ Hoàng đế khai cơ lập nghiệp rất đỗi gian
nan, trị nước giúp đời càng thêm hệ trọng. Người đem đất nước giao cho ta khi
còn thơ ấu, khiến ta ngày đêm canh cánh không chút thảnh thơi. Ta lòng riêng tự
bảo: trên đã không cha mẹ để nương tựa, dưới ngại chẳng xứng lòng dân mong đợi.
Phải làm sao đây? Ta suy đi nghĩ lại: chi bằng lui về ở chốn núi rừng, tìm học
Phật pháp để hiểu rõ việc lớn sanh tử, lấy đó đền đáp công ơn cha mẹ, chẳng hay
hơn sao? Thế là chí trẫm đã quyết định.
Đêm mùng ba tháng tư năm
Bính Thân, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ năm (1242), trẫm đổi y phục đi ra
khỏi cửa cung bảo tả hữu rằng: "Trẫm muốn đi dạo để ngầm nghe lời dân,
biết được chí dân, mới hiểu thấu nỗi khó khăn của họ". Bấy giờ tả hữu theo
trẫm không quá bảy, tám người. Giờ hợi đêm ấy, trẫm cưỡi một ngựa lặng lẽ ra
đi; sang sông thẳng về hướng đông, mới nói thực lòng cho tả hữu biết. Tả hữu
ngạc nhiên, tất cả đều khóc. Giờ mẹo hôm sau, đến bến đò Đại Than bên núi Phả
Lại, sợ có người biết, trẫm lấy áo che mặt qua sông, đi tắt theo đường núi. Đến
tối vào nghỉ chùa Tăng Giác Hạnh, đợi sáng lại đi. Leo trèo lặn lội, núi hiểm
suối sâu, ngựa mỏi mệt không thể tiến lên được; trẫm bèn bỏ ngựa vin vách đá
lần bước, đến giờ mùi mới tới sườn núi Yên Tử. Sáng hôm sau, trẫm trèo thẳng
lên đỉnh núi, tham kiến vị đại Sa môn Quốc sư Trúc Lâm. Quốc sư vừa thấy trẫm
mừng rỡ, ung dung bảo:
"Lão tăng ở lâu nơi
sơn dã, xương cứng mặt gầy, ăn rau đắng cắn hạt dẻ, uống nước suối, dạo cảnh
rừng, lòng như mây nổi theo gió đến đây. Nay Bệ hạ bỏ ngôi nhân chủ, nghĩ đến
nơi quê hèn rừng núi, chẳng hay Bệ hạ mong cầu điều gì mà đến đây".
Trẫm nghe nói, hai
hàng nước mắt tự trào, đáp lại Sư rằng: "Trẫm còn thơ ấu vội mất hai thân,
bơ vơ đứng trên sĩ dân không chỗ nương tựa. Lại nghĩ sự nghiệp các bậc đế vương
đời trước, thịnh suy không thường, cho nên trẫm đến núi nầy chỉ cầu làm Phật,
chớ không cầu gì khác".
Sư bảo: "Trong núi vốn
không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết, gọi là chơn Phật. Nay Bệ
hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài".
Bấy giờ ông chú Trần Công,
người em họ mà Tiên quân gởi gấm đứa con côi. Sau khi Tiên quân bỏ thế gian và
quần thần, trẫm phong làm Thái sư tham dự quốc chính. Nghe tin trẫm trốn đi,
ông liền sai tả hữu đi mọi nơi dò tìm tung tích rồi cùng người trong nước lên
đến núi này.
Gặp trẫm, ông thống thiết
nói:"Thần nhận sự ủy thác của Tiên quân, tôn Bệ hạ làm chúa thần dân. Lòng
dân trông đợi Bệ hạ như con nhỏ mong đợi cha mẹ. Huống nữa, ngày nay các cố lão
trong triều đều là bề tôi thân thuộc, dân chúng sĩ thứ ai cũng vui vẻ phục
tùng. Cho đến đứa bé lên bảy cũng biết Bệ hạ là cha mẹ dân. Vả Thái Tổ bỏ thần
mà đi, nắm đất trên mồ chưa khô, lời dặn dò còn vẳng bên tai. Nay Bệ hạ trốn
lánh vào núi rừng, ẩn cư để mong thỏa chí mình. Như thần nghĩ, Bệ hạ tính kế tự
tu thì có thể được, còn quốc gia xã tắc thì sao? Chỉ để lời dạy suông cho đời,
chi bằng đem thân mình làm gương trước cho thiên hạ. Bệ hạ nếu không nghĩ lại,
chúng thần cùng người trong thiên hạ đồng chết ngay hôm nay, quyết chí không
trở về".
Trẫm thấy Thái sư cùng các
cố lão quần thần không có ý bỏ trẫm, liền đem lời bày tỏ với Quốc sư. Quốc sư
cầm tay trẫm bảo: "Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ
làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn
đón Bệ hạ trở về, Bệ hạ không về sao được. Song phần nghiên cứu nội điển, mong
Bệ hạ đừng xao lãng".
Vì thế, trẫm cùng mọi người
trở về Kinh, miễn cưỡng lên ngôi. Khoảng hơn mười năm, những khi được rảnh rỗi,
trẫm họp các vị kỳ đức để tham cứu thiền, hỏi đạo và các kinh Đại thừa... đều
nghiên cứu qua. Trẫm thường đọc kinh Kim Cang đến câu: "Ưng vô sở trụ nhi
sanh kỳ tâm", trong khoảng để quyển xuống ngâm nga, bỗng nhiên tự ngộ.
Liền đem sở ngộ này viết thành bài ca, để tên là "Thiền Tông Chỉ
Nam". Năm này, Quốc sư từ núi Yên Tử về kinh, trẫm mời ở chùa Thắng
Nghiêm, trông coi việc ấn bản các kinh. Trẫm đem tập sách này trình Sư, Sư xem
qua liền tán thán rằng: "Tâm chư Phật ở trọn nơi đây, sao không nhân khắc
in các kinh, khắc in luôn để dạy kẻ hậu học".
Trẫm nghe lời này, sai thợ
viết chữ chân phương, ra lệnh khắc bản in. Chẳng những để chỉ đường mê cho hậu
thế, mà còn muốn tiếp nối công lớn các bậc Thánh nhơn đời trước. Vì thế tự làm
lời tựa này.
Sau khi chúng tôi cùng đọc
bài tựa này, tôi tóm tắt và nêu lên vài ý chính cho Uyên thấy,
để rộng đường thảo luận sau này.
- Mở đầu bài văn, ngài khẳng
định Phật không có Nam Bắc, mọi người đều có thể tu
cầu. Tánh có trí ngu, đồng sẵn giác ngộ và ngài sẽ
theo chân các Thánh để góp công vào sự truyền bá giáo pháp của đạo Phật.
- Từ thuở niên thiếu (11,
12 tuổi), ngài đã nghe qua về đạo Phật và đem lòng yêu thích. Tuy là vua (lên
ngôi lúc 8 hay 9 tuổi) nhưng ngài vẫn phát tâm tìm học Phật pháp, tìm
hiểu Thiền tông.
- Năm 16 tuổi, ngài mất mẹ;
hai năm sau, ngài mất cha. Nỗi thống khổ của ngài đến cùng cực. Bên cạnh đó,
ngài lại phải gánh vác trọng trách của ông vua một nước mà cha ngài và cả dòng
họ đã vất vả trăm phần mới gây dựng lên được. Ngài phân vân trong việc chọn lựa
giữa trách nhiệm với quốc dân, sự đền ơn cha mẹ hay bỏ đi tu. Cuối cùng ngài
chọn con đường thứ hai là vào rừng núi tu, mới mong đền đáp công ơn sinh dưỡng
của song thân.
- Ta thấy ngài đã không kể
hay đả động gì tới sự bất mãn, tủi nhục khi phải bỏ vợ mình là Chiêu Thánh để
cưới chị dâu - tức vợ của Trần Liễu - là công chúa Thuận Thiên làm vợ dưới áp
lực của ông chú ruột là Trần Thủ Độ. Khi Quốc sư hỏi tại sao tới đây, ngài trào
nước mắt mà không thổ lộ ra được.
- Ngài tả lại về cuộc hành
trình vất vả khi bỏ kinh thành để trốn vào vùng núi rừng hoang vu Yên Tử.
- Ngài kể lại về cuộc đối
thoại của ngài với Quốc sư Trúc Lâm. Cuộc đối thoại rất quan trọng đối với vua
Trần Thái Tông trong việc tu học sau này. Thiền sư hỏi “Nay Bệ hạ bỏ ngôi
nhân chủ, nghĩ đến nơi quê hèn rừng núi, chẳng hay Bệ hạ mong cầu điều gì mà
đến đây". Vua trả lời “trẫm đến núi nầy chỉ cầu làm
Phật, chớ không cầu gì khác". Sư bảo:
"Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết, gọi
là chơn Phật. Nay Bệ hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm
cầu bên ngoài".
- Vua kể về sự thuyết phục
của Trần Thủ Độ để ngài phải trở lại triều đình. Câu cuối cùng Trần Thủ Độ dùng
như một tối hậu thư để vua không thể không về “Bệ hạ nếu không nghĩ lại,
chúng thần cùng người trong thiên hạ đồng chết ngay hôm nay, quyết chí không
trở về". Lúc này Quốc sư mới bảo "Phàm làm đấng nhân
quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ
làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ trở về, Bệ hạ không về sao được.
Song phần nghiên cứu nội điển, mong Bệ hạ đừng xao lãng".
- Trong khi trị nước, ngài
không ngừng nghiên cứu đạo Phật. Ngài được chứng ngộ và cống hiến sự ra đời của
cuốn “Thiền Tông Chỉ Nam”. “Trẫm thường đọc kinh Kim Cang đến câu: "Ưng
vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm", trong khoảng để quyển xuống ngâm nga, bỗng
nhiên tự ngộ. Liền đem sở ngộ này viết thành bài ca, để tên là "Thiền Tông
Chỉ Nam"
Uyên và Thi ngồi nghe tôi
nói một cách chăm chú. Tôi nhìn thẳng vào mắt Uyên như để nhắc nàng nghe cho kỹ
những điều tôi sắp nói thêm:
- Cứ dựa theo bài “tựa” trên ta có thể nhận ra được một vài điểm tương đồng của ngài Trần Thái Tông với ngài Lục Tổ Huệ Năng, vị Tổ thứ sáu trong “Kinh Bảo Đàn” của Thiền Tông Trung Hoa:
Cùng nói Phật
không có Nam Bắc, mọi người đều có thể tu cầu thành Phật.
Cùng cầu thành Phật chứ
không cầu gì khác.
Cùng ngộ bằng kinh Kim
Cang bởi câu "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm".
Sau khi tôi nêu lên những
nét tương đồng, Uyên ngẫm nghĩ một chút rồi mới nói:
- Các vị đạt đạo, họ cùng
có cái nhìn giống nhau anh nhỉ!
Tôi hỏi Uyên:
- Uyên có nhớ hôm chúng ta
cùng đi nghe sư cụ làng mình giảng kinh không?
- Uyên còn nhớ sư cụ giảng
kinh Kim Cang. Hiểu được những gì, em nói cho anh nghe!
Uyên cười chữa thẹn:
- Hôm đó em bị phân tâm nên
em không hiểu bài thuyết pháp ấy!
Uyên chép miệng:
- Mà có chú tâm nghe, chắc
em cũng chẳng hiểu nổi!
Tôi vờ tằng hắng, lên giọng
hỏi Thi:
- Thế còn cô này, có hiểu
gì không?
Thi nhẹ phùng má nói
“không!” một tiếng nhỏ rồi mới cười cười trả lời tôi:
- Không ạ! Hôm đó em ngồi
ngủ gật!
Thi nói với giọng thách
thức:
- Anh hiểu thì bây giờ anh
nói lại cho chúng em nghe đi!
Tôi giữ vẻ nghiêm trang,
ngửa mặt nhìn lên trần nhà, dõng dạc tuyên bố:
- Anh cũng không hiểu!
Nói xong tôi vẫn nhìn lên trần nhà cười khà khà. Cả hai cô cười rũ ra. Thi đưa tay cù vào nách tôi:
- Thế mà lên giọng ông
thầy! Anh chỉ giỏi bắt nạt chúng em!
Tôi cuời:
- Chúng ta đừng xấu hổ vì không hiểu nổi kinh Kim Cang. Cụ Nguyễn Du, trong một bài thơ, cụ tự thú đọc kinh này trên một nghìn lần mà vẫn không “ngộ” được. Chúng ta là “cái thá gì” mà đòi hiểu ngay. Đừng xấu hổ nữa! Kinh này đức Phật dùng để giảng dậy cho những vị hàng Bồ tát thôi mà.
Tôi xoay người về phía Thi:
- Thôi, để anh nói một chút về bộ kinh này, một chút thôi. Nếu không, em lại bảo là anh chỉ biết bắt nạt “trẻ con”.
Thi “véo” nhẹ vào đùi tôi:
- Này “trẻ con” này! Đã không hiểu lại còn đòi nói. Em không nghe nữa
đâu!
Uyên ngồi đối diện với Thi ở phía bên kia bàn, lườm cô em:
- Cái cô này! Để anh ấy nói ra những cái “không hiểu” đã nào!
Thi vênh mặt:
- Thế thì cho anh nói đấy!
Tôi cố nhớ lại những điều các sư đã từng giảng kinh này trong những ngày đại lễ Phật.
Cả cuốn kinh Kim Cang chỉ tóm tắt để trả lời hai câu hỏi của ngài Tu Bồ Đề (tên một đệ tử của Phật):
Làm sao để an
trụ tâm?
Làm sao để hàng
phục tâm?
Chỉ có hai điều đó thôi mà muốn hiểu được nó, thực
hành được nó thật vô cùng khó khăn.
Ngay đến cụ Nguyễn Du cũng phải tự nhận là đã
tụng kinh này hơn một nghìn lần mà cụ vẫn chưa “ngộ” được cốt tủy của kinh Kim
Cang. Kẻ sơ cơ như anh em chúng ta chỉ
cầu mong có ý niệm về kinh này thôi cũng đã thấy khó lắm rồi, ví chỉ như người mù dò dẫm
trong bóng đêm “vô minh”.
- An trụ tâm là không để cho tâm chạy theo trần cảnh. Tức là ta sống vẫn mắt thấy sắc, nghe tiếng, ngửi mùi, nếm vị, thân xúc chạm nhưng tâm không đắm nhiễm, mà chỉ trụ tâm vào chỗ không chấp, không vướng mắc, đó là giữ tâm thanh tịnh, tự tại trước sự tham ái, sợ hãi, khổ đau, sinh diệt, vô thường . . . của cuộc đời.
- Hàng phục được tâm phân biệt, vọng tưởng là ta đang an trụ tâm. Như vậy hàng phục tâm cũng chính là hay gần gũi với an trụ tâm vậy.
Hãy tạm hiểu điều sơ đẳng (2):
Mắt: Không thấy vật
chất là vĩnh cửu, là quí giá, cần nắm giữ cho riêng mình.
Tai: Không nghe nhiều,
không chấp vào tiếng khen chê, sanh tâm thương ghét phân biệt.
Mũi: Không để cho mùi
vị, hương lạ làm tâm tán loạn, sanh tâm mê đắm, thích hưởng thụ.
Lưỡi: Không để cho cảm
giác ngon dở, ưa thích sai khiến, tạo nghiệp chẳng lành.
Thân: Không hơn thua,
đẹp xấu phô trương, sanh lòng khinh mạn đua đòi.
Ý: Không để cho ý sanh
vọng tưởng điên đảo, tâm thức tán loạn sẽ rơi vào tội lỗi.
Tâm không trụ vào trần cảnh thì tâm sẽ trụ vào đâu? Trụ vào nơi không hình tướng, trụ vào nơi vô niệm (được nói rõ trong “Khóa Hư Lục” của vua Trần Thái Tông). Nói cách khác là tâm sẽ trụ vào nơi “vô trụ” hay cũng còn có thể nói một cách khác nữa là trụ vào nơi “vô dư niết bàn”. “Vô dư niết bàn” là “niết bàn” hiện tại của người còn đang sống; “hữu dư niết bàn” là “niết bàn” của những người đã nhập tịch (chết).
Sau phần giải thích sơ lược vài điểm về kinh Kim Cang, rồi qua vài mẩu truyện thiền cho hai cô dễ hiểu, tôi nói thêm như một lời kết luận:
- “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” ấy cũng chính là cái thân tâm “đối cảnh vô tâm” trong bài kệ “Cư Trần Lạc Đạo” của vua Trần Nhân Tông (3). Ở trong trần mà không bị nhiễm bởi trần là cách sống đạt đạo, an nhiên tự tại của ngài. Vua Trần Nhân Tông là con vua Trần Thánh Tông và là cháu nội của vua Trần Thái Tông.
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc sang hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh
vô tâm mạc vấn thiền.
Dịch:
Ở đời
vui đạo cứ tùy duyên
Hễ
đói thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà sẵn ngọc tìm đâu
nữa
Đối cảnh vô tâm chớ
hỏi thiền.
Thi lại nghiêng nghiêng đầu hỏi tôi:
- Anh có hiểu những gì anh đang nói không?
Tôi mau mắn trả lời:
- Không!
Thi ôm cánh tay tôi, cười trêu:
- Hi! Hi! Hi! . . . Thế mà em cứ tưởng anh hiểu!
Thi nép đầu vào vai tôi:
- Em ghét anh lắm!
Nghe thế, tôi véo nhẹ má Thi, nhái theo lời cụ Hồng nói với vợ trong tuyệt phẩm Số Đỏ của nhà văn Vũ Trong Phụng:
- “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”
Thi ngúng nguẩy:
- Em ghét anh!
Tôi cười lập lại:
- “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”
Uyên cũng nhìn tôi, đùa nhái theo lời cụ Hồng hỏi
lại bà vợ:
- “Thế sao nữa, hả bà?”
Chúng tôi cùng cười to. Thi không quên cắn nhẹ vào cánh tay tôi trước khi bỏ đi lấy thêm nước pha trà.
Tôi tủm tỉm cười tự nghĩ cuộc nói chuyện của tôi với Uyên và Thi về Kinh Kim Cang chẳng khác nào như mẩu đối thoại vừa rồi của cụ Hồng với bà vợ trong truyện Số Đỏ.
GHI CHÚ:
(1) Bản
dịch của Hoà thượng Thích Thanh Từ.
(2) Theo Thích Nữ Chân Liễu
(3) Trần Nhân Tông, vị vua thứ ba của nhà Trần,
hai lần đánh thắng quân Nguyên, cũng là vị tổ sáng lập
phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, một thiền phái mang tính chất thuần túy
văn hóa Việt Nam. Con gái là Huyền Trân Công Chúa được ngài gả cho vua Chiêm là
Chế Mân để đổi lấy 2 châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân đến bắc tỉnh Quảng Trị ngày
nay)
THAM
KHẢO:
*/ Kinh:
- Kinh Kim Cang
- Bảo Pháp Đàn Kinh.
Mời nghe bản
nhạc:
https://www.youtube.com/watch?v=PkW0kQ7cfsk
Xin xem tiếp PHẦN 3
No comments:
Post a Comment