Kể ra, có một cô người yêu nhạy cảm quá cũng khó lòng. Đầu năm, mới lỡ lời một chút, nàng đã ngúng nguẩy, nước mắt như mưa. Đến ngày Valentine, hơi chậm mua quà tình yêu cho nàng, nàng phụng phịu, mặt mũi đăm đăm. Ôi, cuộc đời đau khổ.
Trong vườn lòng mỗi người chúng ta, cũng có một cô nàng. Nàng “Ruột”. Nàng dễ chịu, ta nhờ. Nàng nhạy cảm quá, cuộc đời ta khổ sở: cho nàng ăn chút thức lạ, nàng tiêu chảy, không cho nàng ăn đủ chất bã, nàng bón, rồi nàng kêu rên, làm ta đau.
10-15% người lớn chúng ta lụy vì chứng ruột quá nhạy cảm. Ruột quá nhạy cảm xảy ra nhiều ở người trẻ và người tuổi trung niên (middle-aged). Phụ nữ bị chứng này gấp 2 lần nam giới. Trong các bệnh của đường tiêu hóa, chứng ruột quá nhạy cảm xảy ra nhiều nhất, số người nghỉ làm việc vì nó chỉ sau có cảm, tốn kém hàng năm lên đến 30 tỉ đô-la.
Triệu chứng
Triệu chứng của bệnh rất nhiều, gồm những triệu chứng tiêu hóa và những triệu chứng ngoài đường tiêu hóa. Bệnh gây đau bụng và thay đổi thói quen đi cầu, tiêu chảy hoặc bón.
- Bụng đau, hoặc khó chịu kinh niên:
Người bệnh hay đau quặn vùng bụng dưới, thường phía bên trái. Cơn đau dịu đi sau khi đi cầu hay đánh hơi. Đau cũng có thể xảy ra ở bất cứ vùng nào khác của bụng, khiến dễ lầm với các bệnh khác của đường tiêu hóa. Chẳng hạn, nếu đau ở vùng bụng trên, bác sĩ dễ định sai là bệnh bao tử. Hoặc nếu đau ở vùng túi mật bụng trên bên phải, bác sĩ có thể nghi nhầm người bệnh đau vì có sạn túi mật.
- Tiêu chảy:
Tiêu chảy hay xảy ra vào buổi sáng lúc mới tỉnh giấc, hoặc sau khi ăn sáng. Phân lỏng và như có đàm. Thường, khi đã trả nợ tiêu hóa 3, 4 lần vào mỗi sáng, người bệnh mới cảm thấy dễ chịu và yên tâm làm việc. Cũng có người tiêu chảy lai rai cả ngày. Tiêu chảy hiếm khi xảy ra vào ban đêm.
Có người diễn tả phân không lỏng, nhưng nát, không thành khuôn, hoặc rất dính và mảnh như “cây bút chì” (pencil-like). Người bệnh hay có cảm giác đi cầu không đã, đi chưa hết phân, bụng lúc nào cũng như đầy hơi, phình to. Có vị mót cầu là phải đi ngay, không thể nín nhịn chờ lúc khác thuận tiện hơn. Nhiều người không dám đi đâu, hoặc chỉ rời nhà khi biết chắc có phòng vệ sinh nào gần đấy trên lộ trình.
Tiêu chảy xảy ra lai rai nhiều tuần, nhiều tháng, rồi tự nhiên biến mất. Sau một thời gian dài ngắn khó biết, nó xuất hiện trở lại làm khổ người bệnh.
- Bón:
Nhiều người thay vì tiêu chảy, lại bón, cả tuần đi cầu chỉ 1, 2 lần. Phân cứng quá, hoặc thành những cục nhỏ như phân dê.
Một số vị nuôi cả thỏ lẫn rùa trong… vườn lòng: lúc thỏ chạy, tiêu chảy liên tiếp nhiều tuần lễ, khi rùa bò, bón ơi là bón. Cũng có lúc thỏ và rùa cùng đi nghỉ mát, các vị nhẹ nhõm, thoải mái được một thời gian.
Người mang chứng ruột quá nhạy cảm cũng hay than đầy hơi, nóng ngực (heartburn), khó nuốt, buồn nôn, đau ngực, và những triệu chứng ngoài đường tiêu hóa: đau lưng, yếu mệt, chóng mặt, hồi hộp, đau nhức toàn thân, rối loạn tình dục, đau lúc giao hợp, đi tiểu nhiều lần, khó nín tiểu, …
Người mang chứng ruột quá nhạy cảm đi khám bác sĩ thường hơn, đòi hỏi bác sĩ làm nhiều trắc nghiệm hơn, dùng nhiều thuốc hơn, nghỉ việc nhiều hơn, năng suất làm việc kém hơn, hay vào nhà thương hơn, tiêu tốn nhiều chi phí y tế hơn so với người mang những bệnh khác.
Tuy triệu chứng hoặc liên tục, hoặc cứ tái đi tái lại nhiều tháng năm như vậy, nhưng người bệnh không xuống cân, không nóng sốt, không đi cầu ra máu, về đêm vẫn ngủ ngon, không bị phiền vì các triệu chứng (những điểm quan trọng để phân biệt với các bệnh khác như ung thư ruột già, cường tuyến giáp trạng, …). Triệu chứng hay xảy ra hơn vào những khoảng thời gian người bệnh căng thẳng về tinh thần.
Người ta cho rằng “nàng Ruột” trong vườn lòng chúng ta, nếu nhạy cảm, lúc hoạt động quá mức, lúc lại ỳ ra không làm việc, là do sự xáo trộn cơ năng vận chuyển (motility disorder) của hệ thống tiêu hóa. Bình thường, hoạt động điều hòa từ trên xuống dưới của hệ tiêu hóa do những co bóp nhịp nhàng, phối hợp của bao tử và các khúc ruột nối liền nhau. Sự xáo trộn cơ năng trong chứng ruột quá nhạy cảm khiến sự co bóp, chuyển động của bao tử và ruột rối loạn. Chuyển động của ruột hoặc giảm đi (gây bón), hoặc tăng lên (gây tiêu chảy). Các nhà “ruột học” nhận thấy nhu động của ruột tăng lên vào những lúc tinh thần ta căng thẳng. Còn tại sao người có chứng ruột quá nhạy cảm hay đau bụng? Có lẽ vì người bệnh có những cảm nhận bất thường với những hoạt động của các cơ quan bên trong cơ thể, trong khi người thường, cũng với những hoạt động của ruột như vậy, không cảm thấy đau.
Định bệnh
Theo tiêu chuẩn định bệnh gọi là “Rome criteria III”, do một nhóm các nhà nghiên cứu đưa ra, một người mang chứng ruột quá nhạy cảm, khi đau hoặc khó chịu bụng, liên tục hoặc tái phát, ít nhất 3 ngày một tháng đã 3 tháng qua, và có thêm 2 hay nhiều hơn các triệu chứng kể sau:
- Đi cầu xong bớt đau, khó chịu bụng.
- Số lần đi cầu bất thường.
- Phân không bình thường: hoặc lỏng, như nước, hoặc cứng quá, thành từng cục nhỏ.
Ruột quá nhạy cảm và một số bệnh khác gây triệu chứng giống nhau. Đi khám bệnh, giúp bác sĩ, bạn kể bệnh rõ ràng, rành mạch, chúng ta khỏi đi sai đường. Bạn kể rõ bạn ăn có ngon miệng, có xuống cân, có nóng sốt, đi cầu ra máu không.
Tùy triệu chứng, thời gian bạn có triệu chứng, và hạn tuổi của bạn, sau khi thăm khám, bác sĩ có thể sẽ cho bạn thử máu, thử phân, chụp phim hoặc soi đường tiêu hóa. Chẳng hạn, với người trên 50 tuổi, vì dễ có ung thư ruột già, nên bác sĩ thường cho soi ruột già để tìm ung thư. Ngược lại, ở người trẻ tuổi, ung thư ruột già rất hiếm, nếu không có những chỉ dấu báo động như thiếu máu, xuống cân, không có người thân trong gia đình bị ung thư ruột già, soi ruột già thường không cần thiết.
Các thử máu C-reactive protein, IgA antibody to tissue transglutaminase cần làm để tìm một số bệnh đường tiêu hóa khác gây triệu chứng tương tự bệnh ruột quá nhạy cảm. Bệnh cường tuyến giáp trạng (hyperthyroidism) cũng cho những rối loạn tiêu hóa khó phân biệt với chứng ruột quá nhạy cảm. Thử máu, có thể chẩn đoán bệnh cường tuyến giáp trạng dễ dàng.
Với những người bệnh có triệu chứng tiêu chảy thời gian gần đây mới đi du lịch một quốc gia còn đang phát triển, ta cần thử phân để tìm ký sinh trùng. Nhiều bệnh ký sinh trùng (chúng ta hay gọi nôm na là bệnh sán lãi) cho các triệu chứng giống chứng ruột quá nhạy cảm.
Trong chứng ruột quá nhạy cảm, kết quả các thử nghiệm đều bình thường. Chúng ta yên tâm các triệu chứng không phải do một bệnh nguy hiểm nào khác, và có thể tiến hành chữa trị.
Chữa trị
Sự chữa trị chứng ruột quá nhạy cảm cần sự kiên nhẫn và hiểu biết, của cả bác sĩ lẫn người bệnh, để người bệnh khỏi sợ hãi, và không đặt ra những kỳ vọng khó thể đáp ứng. Nếu không, người bệnh, vừa tốn công, vừa tốn của, sẽ tiếp tục đi tìm mãi một Hoa Đà, Biển Thước không bao giờ gặp, với hy vọng sẽ có người chữa khỏi chứng này.
Sự chữa trị nhắm mục đích làm giảm triệu chứng, và bác sĩ nên quan tâm đến sự lo âu của người, tìm hiểu tại sao người bệnh tìm đến chữa trị vào lúc này: triệu chứng nặng hơn (do mới dùng một thuốc nào đó, do thay đổi thực phẩm ăn uống hàng ngày), sợ bị ung thư, người bệnh có thêm vấn đề về tâm thần, vân vân.
Chứng ruột quá nhạy cảm có 3 mức độ: nhẹ (mild), vừa (moderate), và nặng (severe).
Mức độ nhẹ
70% số người bị chứng ruột quá nhạy cảm có triệu chứng nhẹ thôi: các triệu chứng không hay xảy ra, họ vẫn sinh hoạt như thường mỗi ngày, với tinh thần bình thường, lành mạnh. Nhiều người cũng chẳng đi khám bác sĩ.
Sau khi định bệnh đã rõ rệt, người bệnh được trấn an là chứng ruột quá nhạy cảm không đưa đến ung thư hay các bệnh nguy hiểm khác. Và bác sĩ giải thích: chứng này, như đa số các trường hợp nhức đầu, tuy lành, nhưng là chứng kinh niên, và với trình độ y học hiện tại của nhân loại, chưa có phương cách chữa khỏi. Dẫu vậy, sự chữa trị sẽ giúp các triệu chứng thuyên giảm. Người bệnh được khuyên đừng nên quá bận tâm, và coi các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, táo bón, đi phân không bình thường, … của mình như… pha, đừng để chúng ám ảnh nhiều, ảnh hưởng đến công việc và hạnh phúc hàng ngày.
Có sự tương quan mật thiết giữa những căng thẳng tinh thần với sự xuất hiện, cũng như mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng. Bạn nên ngủ đủ, 7-8 tiếng mỗi đêm, đúng giờ giấc. Những hoạt động làm giảm căng thẳng tinh thần, như thể thao, các thú vui lành mạnh, hoặc thường xuyên vận động, cũng giúp vào sự chữa trị rất nhiều. Đi bộ khoảng 20, 30 phút, 3-4 lần mỗi tuần là vận động nhẹ nhàng và tối thiểu nhất ai cũng có thể làm.
Đồng thời, với những phương cách sau, nhiều người có chứng ruột quá nhạy cảm nhẹ không cần đến những chữa trị tốn kém:
- Bạn chú ý tới thói quen ăn uống mỗi ngày, để ý xem thói quen hay thực phẩm nào khiến triệu chứng của bạn tăng thêm. Nên ăn uống đúng giờ giấc. Nếu bụng hay đầy hơi, bạn thử tránh ăn đậu, hành, cà rốt, chuối, mận, cần (celery), nho, apricots, mận (prunes), brussels sprouts, wheat germ, pretzels, và bagels, những thực phẩm dễ gây đầy hơi.
- Thực hiện câu: “Ăn để sống, chứ không sống để ăn”. Không nên ăn uống quá độ. Cũng đừng ăn uống vội vàng. Vì, những cơn tiêu chảy do sự chuyển động quá nhanh của ruột. Theo một phản xạ gọi là “gastro-colic reflex” (phản xạ bao tử-ruột già), ruột chuyển động nhanh khi có nhiều thức ăn vào bao tử, bao tử phình to. Phản xạ càng mạnh nếu thực phẩm ăn vào càng bề thế, nhiều năng lượng, đầy mỡ màng. Thế nên, vào những lúc tinh thần căng thẳng, bạn ăn bớt những chất mỡ màng, ăn ít một, ăn làm nhiều bữa, có khi lại hay.
Cảm giác giục giã, phải đi tiêu ngay, nếu không thì… cũng hay xảy ra sau một bữa ăn linh đình. Nếu bạn không muốn phải tạt vào đâu đó để giải quyết gấp bầu tâm sự, bạn đừng ra khỏi nhà ngay sau bữa nhậu no say với bạn bè.
- Nếu bạn hay bị bón, bạn nên uống nhiều nước và thêm chất bã (fiber) vào thực phẩm. Các nhà chuyên môn nhận thấy trong thức ăn hàng ngày của những người bị chứng ruột quá nhạy cảm gây bón, thường không đủ chất bã. Chất bã có trong các loại rau, trái cây, bran, ngũ cốc nguyên hạt (whole grains), đậu (beans). Thực phẩm có chất bã có thể làm đầy hơi, nên khi mới dùng, bạn nên dùng từ từ, tăng dần lên. Nếu táo bón không bớt, bạn dùng thêm các loại thuốc cung cấp chất bã như Metamucil, Konsyl. Nhớ đừng trốn làm bổn phận với “cô nàng Ruột” của bạn. Mỗi ngày, bạn nên chọn một lúc nào đó, dành đủ thì giờ để đi cầu.
- Ngược lại, nếu bạn hay tiêu chảy, ngoài những thức ăn mỡ màng, bạn cũng nên tránh những chất có thể kích thích ruột như thuốc lá, rượu, cà-phê, thức ăn nhiều gia vị (spicy foods). Đừng uống nhiều nước trái cây (fruit juice), hoặc ăn rau trái sống (raw fruits or vegetables). Bạn nên bớt dùng những thực phẩm có sữa (dairy products). Sữa cũng có thể gây đau bụng, đầy hơi và tiêu chảy, nhất là nếu bạn có thêm bệnh thiếu chất lactase trong ruột (lactase deficiency), một chất cần thiết để tiêu hóa chất lactose trong sữa. Bạn cũng nên thử tránh những chất ngọt giả đường (dietetic sweeteners), chẳng hạn như chất sorbitol hoặc mannitol, thường có trong kẹo, chewing-gum, các thực phẩm không có đường (sugar-free) dùng cho những người muốn xuống cân, vì những chất này dễ gây tiêu chảy. Tuy nhiên, mỗi người một ý, mỗi bộ tiêu hóa cũng… mỗi ý. Dựa vào kinh nghiệm sau nhiều lần thử thách, bạn có thể chọn dùng những thực phẩm nào bạn thấy thích hợp nhất với cô nàng ruột khó tính của bạn.
Mức độ vừa
25% số người bị chứng ruột quá nhạy cảm có triệu chứng xảy ra thường hơn và nặng hơn trường hợp nhẹ kể trên, ảnh hưởng đến công việc hàng ngày của họ.
Ngoài những phương cách vừa bàn, những trường hợp bệnh ở mức độ vừa nên dùng thêm thuốc để kiểm soát các triệu chứng. Lúc đau bụng hoặc đầy hơi, các thuốc có tác dụng chống co thắt (antispasmodic) như Donnatal, Levsin, Bentyl, … có thể giúp ta bớt đau bụng, đầy hơi. Khi tiêu chảy, các thuốc như Imodium (mua được bên ngoài không cần toa), Lomotil, … làm bớt tiêu chảy. Những lúc bón, lại cần nhờ đến các thuốc như Metamucil, Konsyl, Citrucel, … (mua không cần toa bác sĩ); nếu bón nặng quá, ta thử thuốc mới (và rất đắt) Amitiza.
Đồng thời, người có chứng ruột quá nhạy cảm mức độ vừa được khuyên nên giữ một quyển “nhật ký”, theo dõi những lúc buồn vui của cô nàng ruột, xem lúc nào cô hay đau, lúc nào cô hay bón, lúc nào cô thích tiêu chảy, để còn liệu định, sửa đổi thực phẩm, cuộc sống hàng ngày cho vừa lòng cô. Triệu chứng hay xảy ra lúc ta lo âu, buồn phiền ư? Vậy hãy “quẳng gánh lo đi mà vui sống”, tập những kỹ thuật giúp ta quên bớt đời sống căng thẳng hàng ngày (relaxation techniques).
Mức độ nặng
Khoảng 5% số người mang chứng ruột quá nhạy cảm bị nặng quá: chẳng làm ăn gì, đi khám bác sĩ luôn, lúc nào cũng bị ám ảnh bởi các triệu chứng tiêu hóa của mình. Nhiều người có thêm các bệnh tâm thần, như bệnh buồn sầu (depression).
Ngoài những phương cách chữa trị kể trên trong phần mức độ nhẹ và mức độ vừa, người ở mức độ nặng thường cần được chữa thêm với các thuốc chống buồn sầu (antidepressants), như các thuốc Elavil, Pamelor, Imipramine, Desipramine, … Có vị cần đến bác sĩ tâm thần, hoặc các trung tâm chuyên trị đau (pain treatment center) để xoa dịu các triệu chứng.
Trong nhờ, đục chịu. Ruột ta dễ thương, ta nhờ, ruột ta nhạy cảm quá, ta đành chịu. Với những hiểu biết về chứng ruột quá nhạy cảm, tùy trường hợp bệnh nhẹ, vừa, hay nặng, với chút thay đổi trong cách sống, và dùng thuốc khi cần, nhiều người chúng ta có chứng ruột quá nhạy cảm vẫn vui sống.
Bs Nguyễn Văn Đức
No comments:
Post a Comment