Theo Phật Học Từ Điển của Thiện Phúc, “Chánh Niệm (Sammasati/Phạn, Samyaksmrti/ Sankrit, Right mindfulness
/Anh Ngữ ) là , ”Nhớ đúng, nghĩ đúng là giai đoạn thứ bảy
trong Bát Thánh Đạo. Nhìn vào hay quán vào thân tâm để luôn tỉnh thức.
-Nơi thân, tỉnh thức bằng cách thực tập tập trung
vào hơi thở.
-Nơi cảm thọ, tỉnh thức bằng cách quán sát sự đến đi trong ta của tất cả mọi hình thức của cảm thọ, vui, buồn, trung tính.
-Nơi những hoạt động của tâm tỉnh thức bằng cách xem coi tâm ta có chứa chấp dục vọng, sân hận, lừa dối, xao lãng, hay tập trung:
-Nơi vạn pháp tỉnh thức bằng cách quán sát bản chất vô thường của chúng từ sanh trụ dị diệt để tận diệt chấp trước và luyến ái. “
Chánh niệm nói ở
trên, theo tôi nên để dành cho các bậc thánh tăng, đại sĩ tu thành Phật, Bồ Tát
và A La Hán. Trong Thiền Luận, Đại Sư Suzuki nói rằng Phật Thừa, Bồ Tát Thừa, A
La Hán Thừa, Bích Chi Phật đối với chúng ta chỉ là ảo vọng. Do đó chúng ta phải
hạ thấp xuống một tầng và đặt kỳ vọng vào Nhân Thừa… còn gọi là ”đạo Phật thực
tiễn” , “đạo Phật nhập thế” hay đạo Phật ứng dụng trong cuộc sống.
Theo tôi, Phật tử phàm phu như chúng ta thì “chánh niệm” phải thiết thực. Đối với chúng ta, khi còn sinh hoạt với đời thì không thể nào “Sắc tức thị không. Không tức thị sắc được”. Đồng bạc phải là đồng bạc, không thể nào không là đồng bạc. Tiền cúng chùa phải là tiền chứ không thể không là tiền. Cái nhà phải là cái nhà, không thể không là cái nhà. Giao kèo buôn bán này phải là giao kèo hợp pháp chứ không thể không là giao kèo. Mảnh bằng này cần có để xin việc làm chứ không thể không là mảnh bằng. Do đó, lời dạy “chánh niệm” chúng ta phải tùy thuận theo cuộc sống.
Theo bài viết của
Jon Kabat-Zinn mà cư sĩ Nguyễn Duy Nhiên đã dịch ra Việt Ngữ có đăng trên
Thư Viện Hoa Sen thì, “Chánh niệm có nghĩa là ta biết tự nhìn lại
mình, quan niệm sống của mình, và ý thức được tính chất
toàn vẹn của mỗi giây, mỗi phút trong cuộc sống. Và trên hết, chánh niệm có
nghĩa là tiếp xúc được với thực tại, những gì đang xảy ra chung
quanh ta. “ Vậy thì chánh niệm ở đây, theo tác giả chính là ý thức
xem trong cuộc sống này cái gì đem lại hạnh phúc cho ta, cái gì đem lại khổ
đau, hiểm nguy cho ta. Đây là quan niệm thực tiễn và đi sát với đời sống.
Để có cuộc sống
bình yên, “trú dạ lục thời an lành ” người Phật tử phải luôn nhớ nghĩ rằng:
“Thế giới mà
chúng ta đang sống chưa phải là Thiên Đường hay Cực Lạc mà nó là thế giới của
Tham Dục, chúng sinh bị thiêu đốt trong “lò lửa tam giới” (Kinh Pháp Hoa).
Người Phật tử phải
luôn luôn nhớ nghĩ rằng con người tuy có Phật tánh tiềm ẩn bên trong, nhưng do
cuộc sống mà đôi lúc nó trở nên:
1) Vô cùng hung ác, ưa bạo động. Khi bị người yêu ruồng bỏ, nó có thể giết cả gia đình sáu người để trả thù như vụ án Nguyễn Hải Dương ở Bình Phước năm 2018. Tình yêu hay tình vợ chồng khi còn mặn nồng thì khác. Khi ghét nhau rồi thì tìm cách đầu độc, cắt cổ, thiêu sống, bắn giết nhau.
3) Tham lam, gian trá, lường gạt,
làm giàu bất chính. Thiếu tiền ăn nhậu, hút xì ke, chơi games nó có thể giết bà
nội, cha mẹ, anh em, bạn bè, thậm chí giết cả người yêu của mình như vụ án Hà
Dã Viễn năm 2015 ở Di Linh, Lâm Đồng. Vì nghiện ma túy y đã giết người yêu cũng
là cô giáo của y để cướp tài sản. Rồi biết bao nhiêu ông to, bà lớn, bộ trưởng,
thứ trưởng, tổng giám đốc ngân hàng, công ty, đầu tư, địa ốc …vào tù chỉ vì
lòng tham, gian trá, bòn rút của công nhưng bề ngoài che dấu bằng bộ mặt tận tụy,
liêm chính, đạo đức.
4) Ích kỷ, chỉ nghĩ lợi cho mình dù
hy sinh quyền lợi hay tính mạng của kẻ khác.
5) Ghen tuông, đố kỵ, tỵ hiềm.
6) Thích khoe khoang của cải, nhà cửa,
xe cộ, nữ trang, quần nọ áo kia và sự giàu có…để phô trương cái Tôi, cái Ngã.
7) Thích nói xấu, lên án kẻ khác
nhưng lại che dấu những thói hư tật xấu của chính mình.
8) Thích loan truyền tin xấu (ác
khẩu). Những tin tức tốt lành ít được quảng bá vì nó không hấp dẫn (trong
nước vì lai Mỹ nên gọi là hot), nhất là đối với truyền thông, báo chí, truyền
hình lá cải.
9) Rất tự ái, sân hận và rất dễ nổi điên để rồi đưa đến bạo động.
10) Nếu không biết kiềm chế sắc dục thì tà dâm, hãm hiếp, dâm ô, xúc phạm… sẽ xảy ra bất cứ lúc nào dù là học trò của mình hay ngay trên thang máy.
11)Tình bạn, tình yêu, tình nghĩa vợ
chồng, tình anh em, tình đoàn thể, tình đồng đội…giờ đây mong manh như sợi tơ.
Đùng một cái có thể giết nhau, đưa nhau ra tòa, nhẹ lắm là đưa nhau lên các diễn
đàn bêu riếu, chụp mũ, kết tội. Các diễn đàn thông tin để cùng học hỏi, trao đổi…
giờ đây biến thành chốn “Gió tanh mưa máu”. Ôi cuộc đời thật đáng sợ!
Giữ gìn chánh niệm không phải chỉ khi ngồi trước bàn Phật, ngồi Thiền hay đi chùa, tham gia các sinh hoạt Phật sự, mà phải ở khắp mọi nơi, mọi chốn. Người Phật tử phải:
1) Giữ gìn chánh niệm trong mọi
sinh hoạt của gia đình. Phải phải luôn luôn nói lời dịu ngọt,
tránh những câu chửi rủa, cay nghiệt, phàn nàn, phiền trách, càu nhàu, cau có.
Mới đây hai người đàn ông Mỹ đã rút súng bắn chết vợ với lý do: Một bà đi đâu
cũng đi trước chồng. Còn một bà thì ông chồng nói gì cũng cười (tức khinh thường
chồng). Còn một ông mục sư Hoa Kỳ đã rút súng bắn chết vợ, con gái và tình nhân
của con gái do mâu thuẫn trong lúc nói chuyện giữa đêm ăn mừng Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving)
là ngày lễ trọng đại của Hoa Kỳ. Xin nhớ, không phải hễ là vợ-chồng rồi hay
chúng nó là con cái của mình…thì muốn nói gì thì nói. Một lời thốt ra ở cửa miệng
“Bốn ngựa phi không kịp”. Mà trong gia đình, nói nhiều nhất là người vợ. Chính
vì thế mà một giảng sư ở Việt Nam trong một buổi thuyết pháp đã nói rằng, “Gia
đình muốn hạnh phúc thì người đàn bà phải tu cái khẩu”. Với kinh nghiệm 77
năm tuổi đời, tôi thấy trong gia đình, người đàn bà nói nhiều sẽ biến gia đình
thành địa ngục, giống như lời dạy của các cụ ngày xưa, “Đàn ông rộng miệng
thì sang. Đàn bà rộng miệng tan hoang cửa nhà.”
2) Đi ra ngoài đường, chánh niệm là
hàng đầu. Lái xe là sử dụng một phương tiện hiểm nguy cho tính mạng mình và cho
người khác. Do đó phải hết sức thận trọng. Phải để ý đến người đi bộ, trẻ em,
người khuyết tật, người già, xe cộ, thời tiết, tốc độ và bảng chỉ dẫn. Đường xá
không phải là nơi khoe khoang thành tích hoặc thi đua nhanh chậm. Lái xe an
toàn để còn về nhà với vợ với con- thay vì ra nghĩa địa hay vào tù- là khôn
ngoan. Ngoài ra lại phải còn biết nhường nhịn. Bên Mỹ này người ta thường nhắc
nhở trong khi lái xe, đôi lúc phải biết nhường nhịn (yield). Dù mình
đúng, dù mình phải, dù mình có quyền ưu tiên nhưng nếu người lái xe khác đi ẩu
thì mình phải nhường để tránh tai nạn xảy ra. Tức khí lên, ỷ mình có quyền ưu
tiên, chửi bới, bóp còi rân trời rồi tông cho bõ ghét…là thảm họa chứ không phải
điều hay. Người khôn ngoan lái xe là không để tai nạn xảy ra, chứ không phải để
xảy ra tai nạn… dù mình đúng. Vội vã, trang giành qua mặt là những nguyên do lớn
của thảm họa. Mới đây một bà già cưỡi xe đạp đón cháu đi học về, cả hai đã chết
thảm vì cố băng ngang đường rầy khi xe lửa đã gần kề. Câu hỏi đặt ra là tại
sao không nán chờ một chút cho an toàn có phải tốt không? Điều khiển xe chưa vững,
tập lái chưa thuần thục mà đã leo lên xe là tự giết mình. Biết bao nhiêu tai nạn
xảy ra, giết cả một đám tang, giết cả một đám cưới, leo lên lề, tông vào nhà,
tông cả vào một đoàn người đang chờ đèn đỏ…là do lỗi của người lái chưa điều
khiển được xe. Uống rượu, dùng ma túy rồi lái xe là tự sát, là chôn vùi cuộc đời.
Ở Mỹ này sẽ vào tù, tịch thu bằng lái và cuộc đời coi như chấm dứt.
3)Đi chợ, vào siêu thị, các nơi mua
sắm, khu du lịch giải trí… phải luôn luôn ghi nhớ chánh niệm là xếp hàng chờ tới
lượt mình. Phải lịch sự với mọi người. Không được đứng sát vào người ta, nói chuyện
vừa đủ nghe, không chen lấn, không nhìn chầm chập vào mặt người ta, luôn luôn nở
nụ cười và nhường nhịn...thì mọi chuyện đều an lành. Xin nhớ tranh giành chỗ đậu
xe cũng là thảm họa. Tại Mỹ này, một người đàn bà đã rút súng bắn chết một người
đàn bà khác chỉ vì tranh cãi về chỗ đậu xe.
4)Vào nhà hàng, quán ăn nên đứng chờ
để tiếp viên đưa mình tới bàn. Không nên nhìn vào mặt người khác rồi bình phẩm
bà này mập, bà kia ốm. Không nói lớn tiếng. Không nên hút thuốc nếu đã có bảng
“Cấm Hút Thuốc”. Không nên xầm xì chỉ chỏ sao ông/bà kia ăn nhiều thế. Mình nên
tập trung vào gia đình, bạn bè của mình, ăn uống vui vẻ là an lành nhất. Khi
người hầu bàn đưa tới món gì mình nên nói “cám ơn”. Cuối cùng nếu người hầu bàn
tiếp đãi lịch sự (good serve) thì mình cho tiền trà nước (pour bois)
ở Mỹ gọi là tiền tip. Ở Mỹ này nhiều nhà hàng tính tiền tip…thường là 15% vào
ngay hóa đơn tính tiền.
5)Vào các cửa hàng mua sắm, nhiều
khi chỉ để la cà ngắm chơi (người Mỹ gọi là shop around). Khi cầm món gì
nên mà mình không thích, khi trả lại đừng ném phịch một cái, mà nên để đúng chỗ
mà mình lấy ra. Còn người bán hàng, dù khách không mua cũng đừng cau có, lườm
nguýt …mà nên tươi cười nói lời cảm ơn và mong ông/bà lần sau lại ghé hàng
chúng tôi. Như thế có phải là an lành và vui vẻ không? Tại Mỹ này mọi món hàng,
món ăn đều ghi giá. Hầu như không bao giờ có chuyện kỳ kèo, bớt một thêm hai (ngoại
trừ Chợ Trời Flee Market). Còn ở Việt Nam tôi không rõ Luật Thương Mại có
buộc tất cả các món hàng, món ăn đều phải ghi giá không? Vì không ghi giá cho
nên xảy ra nạn trả giá…nhiều khi gây tranh cãi, nhất là nạn chặt chém. Nghe nói
bãi biển Đồ Sơn là nơi nổi tiếng vì nạn chặt chém du khách đến rợn người mà
không có cách nào trị được.
6)Không khạc nhổ và không bao giờ
được xả rác. Giữ gìn vệ sinh và vẻ đẹp của đường phố là trách nhiệm và vinh dự
của mỗi công dân. Con người có giáo dục không bao giờ xả rác bừa bãi. Hút thuốc
xong, quăng tàn xuống đất là hành vi rất xấu. Uống nước xong, quăng chai không
xuống lòng đường, góc phố là con người vô trách nhiệm. Tại sao mỗi gia đình
không mang theo một cái túi nhỏ. Ăn gì, uống gì…xong thì bỏ rác vào cái bao đó
rồi về nhà bỏ vào thùng rác có phải là đẹp biết bao không? Tin tức cho biết Tỉnh
Siem Reap, Campuchia đã có kế hoạch phát giỏ cói cho người dân đựng rác để
tránh quăng bao ny-lông làm ô nhiễm môi trường. Nghe nói cứ mỗi lần lễ lớn, ban
đêm tụ họp xem đốt pháo hoa/pháo bông, sau đó là thảm họa rác nảy sinh, dù đã
có rất nhiều thùng rác để sẵn chung quanh. Trình độ dân trí như thế thì đừng
nói thánh nói tướng về những gì hay đẹp của đất nước mình. Thật khổ cho thành
phố và công nhân vệ sinh sau ngày Tết và các ngày lễ lớn. Mới đây tôi có nghe một
bản nhạc tân cổ mang tên Tâm Sự Người Quét Rác của Khang Duy (https://www.youtube.com/watch?v=PixJKVLkT2Q&t=517s)
mà thương
cho các công nhân này, đồng thời cảm phục tác giả bài hát đã có lòng nhân ái
khác thường. Một đất nước muốn tiến lên cần có nhiều người có lòng từ bi, nhân
ái, biết làm từ thiện chứ không phải có nhiều người thản nhiên xả rác, nhiều
hoa hậu, á hậu, người mẫu mông to, vú lớn, chân dài. Từ lúc còn là thanh niên
tôi đã biết Venezuela có rất nhiều cô gái đoạt giải hoa hậu hoàn vũ nhưng đất
nước vẫn nghèo đói và nát như tương. Còn Ba Tây (Brasil) và Á Căn Đình (Argentine)
đã nhiều lần đoạt giải vô địch túc cầu thế giới, coi đá bóng như tôn giáo thần
thánh, nhưng vẫn là những quốc gia chậm tiến so với Âu Châu, Đài Loan, Nhật Bản,
Tân Gia Ba, Đại Hàn.
7)Phải luôn luôn ghi nhớ là không
được coi thường người khác. Một trong những đức tính để thẩm định giá trị của
con người thời đại là…phải luôn luôn lịch sự, khiêm tốn và kính trọng người.
Trong Phật Giáo có một nhân vật điển hình cho sự biết kính trọng người khác là
Thường Bất Khinh Bồ Tát. Người Phật tử phải luôn cảnh giác rằng tự ái của con
người rất cao. Dù là một người bần cùng, nghèo khổ, thất học hay kể cả người ăn
mày…họ cũng có tự ái, nhiều khi tự ái còn cao hơn cả ông tổng thống, bộ trưởng
hay ông tướng. Tự ái có khi còn quan trọng hơn sinh mệnh và tài sản của con người.
Đọc sách sử chúng ta đã thấy những chuyện kinh thiên động địa xảy ra không phải
vì ích nước, lợi nhà mà chỉ vì một chút tự ái. Một lời nói miệt thị, một cử chỉ
khiếm nhã, một lối cho không đúng cách… có thể xúc phạm tự ái người ta và sẽ có
phản ứng tức thì. Đã có rất nhiều vụ đâm chém xảy ra chỉ vì một thanh niên bước
vào một quán nhậu, nhìn thế nào đó mà bị nhóm người khác cho là “nhìn đểu” bèn
rút dao ra chém chết kẻ dám “nhìn đểu” mình. Vậy thì Phật tử phàm phu như chúng
ta, khi bước ra khỏi nhà là phải tâm niệm câu “Phải khiêm tốn và kính trọng
mọi người.”
8)Lựa chọn lời nói cũng là một cách
cảnh giác hay giữ gìn chánh niệm. Một lời nói dịu dàng, khéo léo giải quyết êm
đẹp mọi chuyện. Nhưng lời nói thiếu suy nghĩ khiến câu chuyện trở nên trầm trọng
hơn. Vào năm 2018, một người đàn ông ở Hà Tĩnh đã xách dao đâm chết ông hàng
xóm chỉ vì hai bên cãi vã về chuyện ông hàng xóm mở nhạc hát Karaoke quá lớn. Một
người chết, một người 14 năm tù rồi gia đình hai bên biến thành thù hận có phải
là giải pháp tốt để giải quyết những tiếng nhạc ồn ào không? Thay vì qua nhà
người hàng xóm mắng chửi, la ó, nếu người đàn ông nói như thế này, “Thưa anh
hai/anh ba. Quả thực tôi rất thích mấy bản nhạc anh hai /anh ba hát lắm. Nhưng
vì cháu nhỏ ở nhà hôm nay nó bị bệnh. Xin anh ba/anh hai làm ơn vặn nhỏ âm
thanh bớt lại thì tôi cám ơn nhiều lắm. Tiếc rằng hôm nay tôi mắc bận chứ hôm
khác tôi sẽ qua hát vui cùng với anh hai/anh ba. Nói xong, bắt tay, chào rồi ra
về. Nghe nói thế người hàng xóm sẽ mát bụng, mát dạ và câu chuyện không kết
thúc kinh hoàng như vậy. Xin nhớ rất nhiều thảm họa xảy ra không phải vì bản chất
của sự việc, nhưng lời nói thiếu suy nghĩ khiến chuyện tào lao, chuyện nhỏ…biến
thành đại sự. Muốn giữ gìn “khẩu nghiệp” Phật tử chúng ta ráng nhớ lời dạy
của các cụ, “Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”
9)Không nên tranh luận bất cứ chuyện
gì tại các bữa tiệc, hội họp, tán dóc hay vui chơi hay trên các diễn đàn. Tranh
luận hơn thua tại một bữa tiệc, hay trên các diễn đàn người thắng được gì? Tự
ái? Còn người thua thì bị tổn thương. Nếu không biết kiềm chế thì tai họa có thể
nổ ra ngay. Chính vì thế mà trong phép Lục Hòa, Đức Phật dạy các đệ tử là “Khẩu
hòa vô tránh”. Xin nhớ cho, mọi cuộc tranh luận tại các buổi hội họp vui chơi,
tán dóc đều không đem lại lợi ích gì. Nếu có tài thì về nhà viết sách, viết
bình luận trên các báo để giúp ích cho đời. Đối với người có trí tuệ và hiểu biết,
chỉ cần một lời nói là họ đã biết thế nào là đúng-sai rồi im lặng. Còn đối với
kẻ ngu xi thì có tranh luận suốt đời thì vẫn là kẻ ngu xi. Do đó, tốt nhất vẫn
là không bao giờ tranh luận dù bất cứ chuyện gì.
10)Tiếp đãi bạn bè, món gì ngon nên
dành cho bạn. Nếu có chia lời, bạn lấy phần hơn cũng chẳng sao. Hãy học tấm
gương Lưu Bình-Dương Lễ và Bảo Thúc Nha- Quản Trọng. Đang ăn nhậu, vợ bạn có gọi
về thì nên vui vẻ khuyên bạn ra về để gia đình yên vui. Chớ có ác khẩu mà nói rằng,
“Bộ mày sợ vợ hả?” khiến ông bạn (ngu si) về nhà cầm dao giết vợ để chứng tỏ
mình không sợ vợ. Trong gia đình món gì ngon nên cho các con ăn. Nếu là vợ thì
nhường cho chồng. Nếu là chồng thì nhường cho vợ. Dù là vợ chồng vẫn phải đối xử
đúng mực và kính trọng nhau. Đối xử như thế chắc chắn tình bạn bền vững và gia
đình an vui, hạnh phúc.
11)Trong công sở, nơi làm việc,
công trường, nhà máy nên vui vẻ và hòa đồng với mọi người. Xin nhớ đừng xía vào
chuyện người khác. Đừng đem chuyện của người này nói cho người khác nghe (ngồi
lê đôi mách). Dĩ nhiên là phải lễ phép với cấp trên nhưng không tỏ ra nịnh
bợ. Cư xử như thế thì đẹp lòng mọi người và được mọi người thương mến.
12)Vì đây là thế giới của tham-dục
cho nên trong thế giới của loài muông thú, con mạnh ăn thịt con yếu, cá lớn nuốt
cá bé, còn chúng ta thì lường gạt, khống chế, giết hại lẫn nhau. Mà nguyên do của
mọi tội lỗi trên đời này là do bởi lòng tham. Cứ vào các trại tù hay xuống địa
ngục, hỏi các phạm nhân tại sao họ vào đây. Chắc chắn câu trả lời sẽ là: 30% là
do Tham. 30% là do Sân, 30% là do Si và 10% còn lại là do Vô Minh (ngu dốt,
không hiểu biết mà làm bậy). Cho nên từng giây từng phút phải giữ gìn chánh
niệm để kiềm hãm lòng tham. Khi đối diện, tiếp xúc, thương thảo mọi chuyện gì trên
đời này, phải nhớ câu, “Chớ tham! Chớ tham”. Không tham thì an lành. Tham thì đổ
vỡ và có ngày vào tù hoặc tán gia bại sản. Xin nhớ muốn lường gạt ai, chỉ cần
đánh vào lòng tham của người đó là xong. Thí dụ: Có một bà tới nói rằng, chị ơi
chiếc nhẫn kim cương này trị giá mười ngàn đô-la nhưng vì cần tiền gấp quá nên
em bán cho chị hai ngàn thôi. Nếu nổi máu tham mà mua thì chắc chắn đó là viên
kim cương giả. Xin nhớ người càng thế giá, chức vụ càng cao, đại gia, làm ăn lớn,
đang điều hành các công ty, tổng giám đốc ngân hàng mới dễ lường gạt người ta.
Chứ nghèo khổ, đi xe gắn máy cà-rịch cà-tàng thì lường gạt ai?
13)Theo truyền thống Đại Thừa,
tỳ kheo giữ 250 giới, tỳ kheo ni giữ 348 giới. Giới luật là khuôn phép mà người
xuất gia theo Phật phải tuân thủ để thân-tâm trong sạch, uy nghi và bảo đảm cuộc
sống thánh thiện của người xuất gia, giống như kỷ luật của quân đội. Giới luật
không phải là sách vở của học trò, học xong rồi “chữ nghĩa trả thầy” mà phải nhớ
và tuân thủ cả đời. Buông thả giới luật thì tu cả đời, tu gì cũng hỏng, nếu nói
đắc quả là nói dóc (hý luận). Vì Phật là giới hạnh trang nghiêm cho nên
giữ gìn giới luật cũng thành Phật. Chính vì thế mới có sự ra đời của Luật Tông.
Nam Sơn Đại Sư, khoảng Thế Kỷ thứ VII, đời Đường được xem là tổ sáng
lập Luật Tông ở Trung Hoa. Vậy thì giữ gìn chánh niệm từng giây từng
phút cũng là giữ gìn giới luật mà người đời gọi là giúp ta “không phạm pháp,
không làm bậy”.
14)Sau hết, giữ gìn chánh niệm là:
Luôn luôn nở một nụ cười, giữ khuôn mặt cho tươi vui để tạo bầu không khí an
lành cho mọi người chung quanh. Cứ thử tưởng tượng, trong gia đình mà người mẹ
mặt mày lúc nào cũng cau có, người cha thì hằm hằm… thì gia đình đó chính là địa
ngục, con cái sẽ tìm cách bỏ đi. Còn trong công sở/ nơi làm việc mà người làm việc
chung với mình, khuôn mặt dữ dằn, khó chịu sẽ tạo ra một không khí nặng nề cho
mọi người. Nhìn vào tượng Phật, chúng ta thấy mặt ngài trang nghiêm nhưng phúc
hậu, hiền lành, vui tươi mà nhân gian đã có câu “hiền như Bụt” khiến chúng ta
thấy một cái gì đó tin tưởng, đáng yêu. Cả khuôn mặt của Phật Bà Quan Âm cũng
thế, đẹp, tươi tốt nhưng đoan trang và dịu hiền. Cứ thử tưởng tượng khuôn mặt
Phật thì nhăn nhó, đau đớn. Còn Phật Bà Quan Âm thì đứng gục đầu với dáng vẻ sầu
bi… có lẽ chúng ta cũng chẳng nên đến chùa làm gì để cho đời thêm đen tối. Tâm
lý thường tình trên đời này là xem hài kịch thì cười vui. Xem bi kịch thì buồn
khóc, có khi về nhà ám ảnh không làm ăn được gì nữa. Cây cỏ, vạn vận cũng cần
tươi tốt. Cây khô héo là cây sắp chết. Con người ta mà thiếu nụ cười, thiếu nét
vui tươi thì cũng giống như cây không còn nhựa sống.
Đối với bậc tu
hành giải thoát, chánh niệm để kiềm chế tà niệm, dục vọng, ý nghĩ không đúng nảy
sinh trong tâm trí và nhìn thấy tính vô thường của vạn pháp…cuối cùng để tâm địa
bình ổn, sáng suốt, không động…đó gọi là Thiền Chánh Niệm hay Thiền Tỉnh Thức (Thiền
Vipassana). Còn đối với phàm phu như chúng ta, chánh niệm là sự cảnh giác về
những hiểm nguy có thể xảy đến cho bản thân, gia đình và xa hơn cho xã hội. Sự
cảnh giác này phải tiến hành liên tục 24/24 giờ, ngoại trừ giấc ngủ. Ỷ y, để
tâm hồn thả lỏng, buông lung, phóng túng, thiểu cảnh giác là nguyên do của mọi
khổ đau, bất hạnh. Một số Phật tử than phiền rằng…tôi ăn chay, tụng kinh niệm
Phật, tôi cúng nhiều tiền cho thầy, cho chùa mà tại sao tai họa vẫn xảy đến?
Xin thưa, dù là sư cụ, hòa thượng… dù tu cả đời nhưng lơ là, mất cảnh giác thì
tai họa vẫn xảy đến như thường. Đây chẳng phải tiền oan nghiệp chướng hay quả
báo gì cả…mà chỉ vì không giữ gìn chánh niệm từng giây từng phút mà thôi. Quan
niệm này phù hợp với lời dạy của Lão Tử là muốn bình an thì lúc nào cũng phải
phòng ngừa hiểm nguy như người đi trên mặt nước đóng băng. Không phải chỉ giữ
gìn chánh niệm (cảnh giác) khi ra ngoài hay tiếp xúc với đời, mà vẫn phải
cảnh giác, dù ở một mình, dù ở trong phòng ngủ… như thể có cả ngàn con mắt đang
nhìn mình.
Ngạn ngữ Trung Hoa
có câu, “Đại trí nhược ngu, đại dũng nhược khiếp”. Kẻ đại trí bề ngoài
tưởng chừng như ngu đần và thường khiêm tốn, nhường nhịn, tỏ ra như khiếp nhược
để bảo vệ an toàn cho mình cho gia đình mình hầu mưu cầu đại sự. Còn kẻ tiểu
nhân, tiểu trí thường tỏ ra “ta đây” (trong nước gọi là thể hiện) hung hăng,
dám hy sinh thân mạng mình và cả gia đình mình cho chuyện ruồi bu, nhỏ nhặt và
thường tự ái vặt.
Rất mong bài viết này sẽ giúp ích phần nào cho những
ai nhận biết được cuộc đời này là khổ ải, là
hiểm nguy và con
người thật đáng sợ… thực hành để giảm thiểu những bất hạnh xảy đến cho
mình và cho gia đình mình. Đó là lời cầu xin “Trú dạ lục thời an lành”
mà chư tăng ni và chúng ta thường đọc tụng mỗi ngày.
Thế nhưng, cũng cần
phải nhớ, dù chúng ta có cầu xin cả đời thì Phật cũng không thể ban cho chúng
ta “Trú dạ lục thời an lành” mà Phật chỉ ban cho chúng ta pháp môn,
phương pháp để đạt được “Trú dạ lục thời an lành” đó là giữ gìn Chánh Niệm
- tức cảnh giác 24/24 giờ. Nếu chúng ta không chịu cảnh giác, tai họa xảy đến
thì đừng có trách chùa, trách Phật. Họa xảy ra rồi, dù có đi cúng cả ngàn chùa,
ngàn thầy hoặc leo lên Hy Mã Lạp Sơn cầu khấn thì vẫn chỉ là vô vọng. Cách giải
quyết rốt ráo, an toàn và công hiệu nhất là giữ gìn chánh niệm.
Xin nhớ cho, càng vọng động thì càng ganh đua, chửi bới nhiều và đứng ngồi không yên. Chửi bới nhiều, hành động nhiều thì thường phạm lỗi lầm. Càng lỗi lầm thì càng nhiểu kẻ thù. Càng nhiều kẻ thù…thì tai họa xảy đến không biết lúc nào. Và khi chết đi sẽ di họa cho con cháu. Đó là Nghiệp.
Đào Văn Bình
(Trích Kinh Hạnh Phúc Của Tôi sắp xuất bản)
https://thuvienhoasen.org/a32471/chanh-niem-trong-cuoc-song
No comments:
Post a Comment