Monday, May 15, 2023

Tiếng Chim - Quý Thể


Một buổi mai màu xám tro âm thầm đậu nơi cửa sổ. Tôi thức dậy sau giấc ngủ chập chờn đầy mộng mị. Bỗng đâu có tiếng chim vang lên. Tôi lắng nghe, một lúc sau nhận ra ấy là tiếng sơn ca, quê tôi thường gọi là chim chiền chiện. Một loài chim sắc lông nâu nhạt có sọc nâu đậm. Ấy là một phối sắc màu đất, chỉ tốt cho việc ẩn mình trốn tránh, không sặc sỡ quyến rũ gì cả. Tiếng hót loài sơn ca lảnh lót vang vọng, tiếng chim tuy nhỏ lại vang vọng trong một vùng rộng lớn là vì nó lan tỏa từ trên cao xuống cánh đồng. Chim sơn ca thường đẻ trứng trong những luống cày ải sau mùa gặt, và khi những luống đất đã bắt đầu đâm cỏ non cũng là lúc trứng nở, đó là mùa lũ trẻ con chúng tôi đi bắt đến, bắt chim con. Chim sơn ca luôn luôn cất tiếng hót vào lúc bình minh và hoàng hôn. Tôi tưởng tượng quanh đây có con sơn ca bay vút lên gieo tiếng hót trong như những hạt pha lê xuống cánh đồng lúa xanh mơn mởn.


Tôi nằm trên giường uể oải nhìn ra cửa sổ, chỉ thấy xa xa thấp thoáng ngọn cây dầu cổ thụ cả trăm năm, rất cao trồng ở ven những con đường lớn trong thành phố đông đúc này. Những ngọn cây cao còn chìm trong một nền trời mù mù khói xe đọng lại sau một đêm, sáng nay hóa thành thứ sương đục ngầu dơ bẩn. Không một tia nắng, không một đám mây. Tôi chợt nhớ ra chỗ tôi nằm đây là 1 căn phòng trên lầu 4 của một chung cư 5 tầng. Tôi ngẫm nghĩ mãi không hiểu nổi trong khung cảnh u ám của một buổi ban mai tồi tệ trong thành phố làm sao có tiếng hót của loài chim đồng nội thế này? Giữa một thành phố nhộn nhịp ồn ào bao nhiêu xe cộ đủ loại, tiếng máy nổ đinh tai nhức óc, khói đầy trời, lúc nào nhìn lên cũng thấy mờ mịt, cả năm chẳng trông thấy được trời xanh mây trắng, người còn chịu không nổi bầu không khí ấy huống gì là loài chim sơn ca chỉ chuyên sống và ca hát trong cảnh đồng không mông quạnh, mặt trời lên xuống, bãi cỏ xanh rờn, không khí trong veo. Con chim đồng nội nào lại lạc loài đến đây gieo tiếng hót cao vút trong veo làm mát rợi cả lòng người? Tôi định đến trưa trong khi ngồi ăn với anh Thức chủ nhà sẽ hỏi chuyện về con sơn ca thành phố và tiếng hót trong một trời đầy bụi khói sáng hôm nay.


Trời sáng hẳn, tôi mệt nhọc ngồi dậy rửa mặt cạo râu. Buổi tiệc hồi đầu hôm toàn rượu, thịt mỡ, thuốc lá và cuộc cãi vã căng thẳng lúc gần cuối làm tôi mất ngủ. Tôi là một luật sư rất thành công, nghĩa là kiếm được tiền nhiều. Tôi thao thức suy nghĩ mãi về vụ kiện, đến 2,3 giờ sáng chưa nhắm mắt được. Tôi nhỏm dậy lấy 2 viên thuốc ngủ. Khuya như thế này rồi mà phố phường vẫn chưa lắng tiếng người tiếng xe cộ. Tuy sống trên rất cao nhưng tiếng động thành phố vẫn cứ xô đến đây như những đợt sóng. Cả ngôi chung cư là một khối bê tông khổng lồ bị nung nóng suốt ngày giờ đây để thoát ra hơi nóng. Bụi bặm, với mồ hôi bê bết khắp người. Chiếc quạt trần thổi một thứ không khí cũ và nóng từ trên cao xuống rồi vần vũ trong phòng, chẳng có gì tươi mát cả. Gần sáng tôi mới chợp mắt kế đó là tiếng chim vui tươi mát rượi đánh thức. Nhìn mặt mình trong gương thật vô cùng ngao ngán, cặp mắt đỏ và nhọc nhằn như người thiếu ngủ lâu ngày, lưỡi trắng, miệng đắng, đầu óc choáng váng như say rượu, tay chân bải hoải. Tôi nhắm mắt lại lắng nghe, cả thân xác là một sự mệt nhọc. Cái gì đã làm cho thân thể và tinh thần tôi suy sụp nhanh như thế này? Mới đó mà tôi đã hóa thành người đàn ông béo phệ, nặng nề, chậm chạp, buồn bã. Hình bóng tôi xa lạ với cả tôi. Mới hơn 40 mà tôi đã phải nhuộm tóc, mang răng giả, bụng thì ngày cứ càng to ra.


Sự căng thẳng quá tải của nghề nghiệp, cộng với lối sống lúc nào cũng như chạy đua trong cái thành phố được gọi là tiện nghi này, cũng là 1 nơi đầy sự ô nhiễm đã dần dần lấy đi bao nhiêu tuổi thanh xuân, sức sống, cạnh tranh nghề nghiệp lấy đi sự thanh tịnh bình an trong tâm hồn. Đổi lại, tôi nhận được nhiều thứ, một địa vị cao, giàu có, vợ đẹp con khôn... Đây là một cuộc trao đổi sòng phẳng, thành phố cho nhiều thứ và nó cũng lấy đi nhiều thứ. Chính tôi đã chọn cuộc đổi chác này và tôi phải trả giá, dĩ nhiên...


Trong khi tôi đứng trước gương nghĩ về cái lẽ được mất của cuộc sống thì con sơn ca vẫn hát. Tiếng hát càng nghe càng thấy vui. Tôi tò mò muốn biết con chim hiện ở nơi đâu? Cuối cùng tôi định hướng được tiếng chim. Nó phát ra từ căn phòng phía trên chỗ tôi đang đứng. Tôi đang ở lầu bốn vậy con chim này ai nuối ở lầu năm. Tôi ra hiên nhìn lên. Căn phòng nhốt con chim đó đóng cửa. Vậy ra đây là chú chim siêng năng đứng hót trong chính căn phòng còn đang đóng cửa tràn ngập bóng tối. Thật đúng là một chú sơn ca lạ lùng. Chú chẳng cần trời xanh, bình minh, trên cánh đồng cỏ xuân mơn mởn. Nó chịu khó hát trong chốn chật chội tối tăm.


Trước căn phòng có nhiều chậu cây cảnh. Người chủ trồng loại cây cảnh gì không biết thấy nở ra những bông hoa đỏ rực màu tiết gà, và cái nhụy màu vàng dài như con sâu, lá cây rất to, hình lá môn, màu rắn lục trông hoa đỏ lá xanh phát rùng mình. Lá hoa đều đẹp song vẫn có gì bất thường, lạ đến mức khiến người nhìn sờ sợ. Song dù sao hoa lá và tiếng chim vẫn làm cho cả khu nhà êm đềm dịu mát. Tôi nghĩ chủ nhà chắc là người rất yêu mến thiên nhiên.

Nhân buổi ăn trưa tôi hỏi anh Thức về tiếng chim. Thức nói:

- Đó là tiếng hót con sơn ca của ông lão ở lầu trên. Ông cụ sống có một mình trong căn phòng nhỏ. Ông trồng cây và nuôi chim. Ông già lắm, chắc cũng ngoài 80, suốt ngày ông ở mãi trong phòng, rất ít khi xuất hiện bên ngoài. Mỗi khi trời tốt mới thấy cụ ra hiên phơi nắng.


Là nông dân thuần túy song ông cũng biết nhìn xa trông rộng, Ông cho con cái học hành cao đỗ đạt cao, có người làm lớn, có người làm giàu, nay con cháu ông quen với tiện nghi ở thành phố rồi, chẳng có đứa nào chịu về quê sinh sống. Chúng bàn đem cụ về thành phố. Ông không chịu, nhất quyết ở lại trông coi nhà từ đường kị giỗ tế tự. Chúng bán hết ruộng nương, bán luôn nhà từ đường, ông cụ ngăn cản các con không được đành chịu. Ông đốn tre cắt tranh về dựng cái chòi ngay trên mảnh đất cũ để ở. Về sau bọn con cháu lừa ông lên xe chở tuốt về thành phố đem nhốt trong căn phòng mãi tận lầu 5. Thế là ông lão hết đường quay lại ruộng đồng. Có lần ông cụ xách cái tay nải gõ cửa phòng tôi nhờ tôi dẫn ra bến xe tìm đường về quê. Tôi phải nói dối chẳng biết bến xe ở đâu. Hôm sau tôi đem chuyện này ra bàn với anh con và cô dâu trưởng, Anh ta cười:

- Ông già tôi chướng lắm. Chắc thời gian sau sẽ quen. Lúc đã mê thành phố thì có cho tiền cũng không chịu trở về nhà quê.


Tôi bàn việc tạo cho ông già một chốn thiên nhiên có cây cỏ tiếng chim. Ông con và cô dâu đồng ý. Hồi ấy tôi rất khâm phục người con và cô vợ anh ta, họ đúng là những người tháo vát, tiêu biểu cho hạng thị dân, thành thạo mọi việc, nói năng lịch sự, đáng khen ngợi hơn cả là chỉ trong có một buổi mai họ đã tạo ra cả một khung cảnh điền dã ngay giữa lòng thành phố. Tôi đã thấy cây lá xanh và lần đầu tiên khu chung cư khô khốc vang lên tiếng chim làm mát cả lòng ngưòi!


Từ đó ông già như con chim bị nhốt trong chiếc lồng xi măng trên lầu 5, ông hết đường cựa quậy. Anh con trai tin cụ sẽ quen và sẽ mê cuộc sống thị thành. Song theo chỗ tôi nhận xét thấy cụ ngày càng sầu thảm. Có nhiều khi ông già lần xuống tầng dưới than vản với tôi. Cụ nói chán ăn cơm tháng, thèm mắm ba khía, cá đồng, thịt chuột. Ông than phiền thức ăn nấu theo kiểu thành phố mặn không ra mặn, nhạt không ra nhạt, rất khó nuốt. Ông than phiền gió từ chiếc quạt máy khó chịu, đường trắng quá, ăn không ngon. Gạo nhạt quá, đèn sáng quá. Ông đúng là một lão nông Nam bộ. Tuy anh con có may cho cha mấy bộ quần áo sang trọng song không thấy ông dùng. Cái cốt cách nông dân nơi ông không giấu vào đâu được. Mấy ngón chân ông lão to bè, loại bàn chân đặc biệt của người chuyên đi chân trần, trên đất, gánh nặng. Ông chỉ còn lại vài chiếc răng cửa rất to. Miệng luôn luôn ngậm điếu thuốc rê to tướng ướt và tắt tự lúc nào.


Tôi thắc mắc về việc những người con tại sao không để ông sống chung với họ. Một ông lão 80 làm sao sống một mình. Nhưng tôi không dám đặt câu hỏi này với họ, nghe đâu người con là 1 cán bộ cao cấp. Hàng ngày họ cho đầy tớ mang cơm đến. Tội nghiệp ông lão rất thương các cháu, chẳng mấy khi chúng đến thăm. Mấy đứa cháu con nhà giàu, sang trọng ăn mặc theo kiểu tây đầm chỉ dám đứng bên ngoài nhìn vào phòng xem ông chúng nó với cặp mắt tò mò như đến sở thú xem con gấu nằm trong hang tối.


Nghe chuyện đến đây tôi đã phần nào tưởng tượng được tình cảnh ông lão trong những ngày cuối đời bị tách hẳn ra cái thế giới quen thuộc đầy màu xanh đồng nội của mình để bị giam hãm trong căn phòng nhỏ giống như giữa khu rừng bạt ngàn xi măng. Lần ấy tôi ở lại Sài gòn 5 ngày. Sáng nào tôi cũng được thức dậy với tiếng chim vui. Sau đó tôi trở về Nha Trang, rồi bận bịu công việc nên quên mất chuyện ông già nuôi chim trồng hoa.


Thuở niên thiếu tôi cũng từng sống ở nhà quê. Đến bây giờ sau rất nhiều năm ở thành thị tôi vẫn còn nuối cái mộng vui thú điền viên thôn dã. Tôi không thể nào quên được tiếng sơn ca từ cánh đồng cỏ xuân mơn mởn vút lên gieo một tràng tiếng óng ánh dài lóng lánh như sương mai. Tiếng chim làm cho cánh đồng bớt trống trải. Kể từ khi lên trung học tôi phải rời thôn quê về thành phố, rồi nhiều năm đại học. Học hành xong thì đi làm, có vợ, mua nhà rồi ở luôn thành phố. Từ ấy mất hút màu xanh đồng nội. Giờ đây mỗi khi có dịp ra khỏi thành phố, đứng trước màu xanh những thuở ruộng mạ tôi luôn luôn cảm thấy tâm hồn êm ả. Những cuộc chạy trốn cái náo nhiệt thành phố cũng chẳng thể kéo dài được lâu. Tôi lại phải quay về hòa vào dòng xe cộ bất tận trên đường, trở về cảnh đời thường đầy đủ tiện nghi chán ngấy. Tôi mà còn thế huống gì ông già. Tội nghiệp ông giống như cái cây bị nhổ trốc gốc từ ruộng rẫy về cắm trong chiếc lọ nhỏ.


Mấy năm sau tôi gặp lại anh Thức. Thức trách tôi vì sao về Sàigòn nhiều lần chỉ đến ở khách sạn không đến sống với anh, chê thiếu tiện nghi sao? Tôi nói, không phải, chỉ vì nhà ông cao quá lại không có thang máy. Trước leo nổi, bây giờ thì chịu, chân ngày càng yếu còn người thì càng nặng... Rồi tôi hỏi chuyện ông lão nuôi chim trồng hoa. Tôi hỏi con sơn ca của tôi mỗi buổi mai còn hót không ? Thức ngậm ngùi:

- Bây giờ ông tới nhà tôi không còn được nghe tiếng chim sáng nữa.

Tôi hỏi, vì sao? Thức kéo tôi vào hiệu nước kể tôi nghe câu chuyện cảm động và đầy sự phẩn nộ sau đây: 

"Năm ngoái cũng vào khoảng tháng này, trời nóng lắm. Một buổi chiều tôi thấy người con trai lớn của ông cụ xách chiếc giỏ lưới đựng nhiều đồ hộp đến thăm ông cụ. Toàn những thứ thức ăn nước uống đắt tiền. Thời đó những loại thực phẩm cao cấp như thế này có tiền cũng chẳng mua được. Người con có vẻ tự hào về việc mình chăm sóc cha bằng mấy thứ đồ hộp cao cấp như thế này. Anh nói dù nhà giàu cũng chẳng mua được. Anh ta ngầm bảo chỉ với vị trí quan trọng trong ngành ngoại thương như anh mới có. Anh ta cầm lên một hộp, và dù không có sự yêu cầu anh vẫn đọc cái nhãn in rất đẹp toàn chữ nước ngoài rồi giảng giải:" Người già cần những loại thực phẩm vô cùng đặc biệt tinh khiết, đầy đủ như thế này mới có lợi cho việc tiêu hóa dinh dưỡng. Theo anh chỉ có mấy nước có nền công nghệ tiên tiến mới có thể sản xuất được... ". Kế đó anh ta kể với tôi về chuyến du lịch dài ngày của cả gia đình anh lên Đà Lạt. Không chỉ tránh cái nóng Sài gòn mà anh cần chữa bệnh biếng ăn, vợ anh bệnh khó ngủ, các con bệnh dị ứng... Nói xong anh lên tầng trên với ông già. Tôi chắc anh vào phòng cha đưa chiếc giỏ rồi đi ngay không dặn dò gì cả vì chỉ vài phút sau đã thấy anh quay xuống. Tội nghiệp ông lão suốt ngày chờ đợi con đến chuyện trò mà con lại bỏ đi ngay. Phải chi hôm đó anh nói với tôi vài lời. Lần trở xuống anh ta dừng lại nói chuyện lâu hơn. Anh cho tôi biết vài tin tức thuộc loại quan trọng đặc biệt mà chỉ có hạng cán bộ cao như anh mới độc quyền biết. Anh làm như ban bố cho tôi ân huệ đặc biệt. Anh tỏ ra khoái trá về những hiểu biết này. Ôi phải chi lúc đó người đàn ông này đừng đem chuyện thời sự viễn vông ra nói mà chỉ cần gởi gắm nhờ tôi chăm sóc cha anh thì đã chẳng xảy ra nông nỗi. Sau này tôi cứ ân hận mãi, tôi trách anh ta ít trách mình thì nhiều. Tại sao tôi phải đợi đứa con như anh ta gởi thì mới để tâm chăm sóc ông già?


Mấy ngày sau cửa phòng ông lão đóng im ỉm, nhưng bên trong tiếng sơn ca vẫn hót. Hàng cây trước cửa phòng lá vẫn xanh rì màu rắn lục. Và những bông hoa cứ đỏ rực một màu máu. Tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao tôi chưa bao giờ thấy ông lão tưới nước bón phân cho hoa mà chúng vẫn tươi tốt? Tối đến trong phòng tối om. Tôi tưởng người già ngủ sớm. Không thấy ông xuất hiện. Có nhiều buổi sáng trời trong, nắng vàng thực đẹp cũng chẳng thấy ông cụ ra hiên sưởi nắng. Chúng tôi, những người hàng xóm lâu ngày hiểu cách sống âm thầm của ông nên cũng chẳng để tâm. Vả lại là thị dân ai cũng bận, cuộc sống là thế đấy nó xô con người vào vòng quay tối mày tối mặt, chẳng còn thời gian và hơi sức đâu để ý cuộc sống người chung quanh. Thực là một cách sống hời hợt của đám thị dân.


Cho đến một hôm cả khu cư xá dậy lên nạn ruồi xanh, ban đầu ruồi xuất hiện ít, sau nhiều dần. Những con ruồi no tròn, mình ánh lên sắc xanh kim lọai, hai mắt đỏ choán hết cả đầu. Chúng vo ve suốt ngày, đậu mọi nơi, để dấu phân rất bẩn lên cửa kính. Sau nạn ruồi đến mùi lạ. Ban đầu chưa rõ mùi gì, dần dần chuyển sang hôi thối mùi chuột chết. Nơi nào cũng phảng phất cái mùi đáng tởm lợm này. Chúng tôi kéo nhau đi tìm. Có người la:

- Trời ơi! Lại đây mà coi, ruồi đậu đầy cửa nhà ông lão!

Chúng tôi phá cửa xông vào. Cả bầy chuột cống túa ra. Nhiều người hét lên, chết khiếp. Ông nằm sóng soài trên nền. Ông chết đã nhiều ngày. Mấy ngón tay ngón chân bị chuột gặm nham nhở cụt gần hết!


Ông lão nhà quê chết đói ngay trên một đống thực phẩm sang trọng đắt tiền. Mấy hộp thịt, hộp cá, hộp nước trái cây xanh đỏ lăn lóc đầy nhà! Ông già quá, quê mùa quá, quê mùa đến nỗi không biết những thứ đẹp đẽ kia là thức ăn đồ uống. Mà dù có biết thì ông cũng chẳng biết cách gì mở chúng ra ăn uống. Đối với người nông dân chất phát quanh năm đồng chua nước mặn thức ăn thức uống đâu có giống mấy thứ xa lạ này?


Người ta còn kinh ngạc hơn khi phát hiện ra hàng cây cảnh người con trai và cô con dâu mua về cho ông tạo khung cảnh thôn dã điền viên cũng là thứ cây cảnh nhân tạo làm bằng chất nhựa tổng hợp. Những hoa lá không cần chăm sóc tưới bón vẫn xanh rờn rắn lục, đỏ lòm máu.

Và trời ơi!!! Mọi người còn sửng sốt hơn nữa, khi thấy trên bàn, chiếc máy cát xét đời mới nhất chốc chốc vang lên tiếng chim sơn ca!"

 

Quý Thể

No comments:

Post a Comment