“Nếu 500 ngàn trong tổng số 3 triệu
dân Sài Gòn cầm súng chiến đấu với một tinh thần quyết tử thì chắc là quân cộng
sản Bắc Việt phải chuốc lấy những thất bại nặng nề, và Sài Gòn sẽ trở thành một
Stalingrad thứ hai. Lúc đó, dư luận thế giới bắt buộc phải quan tâm để đưa đến
những cuộc thương thuyết về vấn đề ngưng chiến tại Việt Nam”.
Ngồi trước mặt tôi và
sau lưng là những người lính cận vệ trong bộ quân phục Không Quân hùng dũng,
cựu tướng Nguyễn Cao Kỳ với một giọng chắc nịch và quả quyết, đã nói như vậy
trong buổi phỏng vấn vào ngày 25/4/1975 tại nhà thờ Lộc Hưng ở ngoại ô thành phố
Sài Gòn.
Ông Kỳ vốn là một nhân
vật nổi tiếng vì trước đó đã giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền
miền Nam như Tư Lịnh Không Quân, Thủ Tướng, Phó Tổng Thống. Ông đã được biết
qua báo chí thế giới bằng hình ảnh một người đàn ông có dáng gầy, cao vừa phải,
dung mạo đẹp trai, và nhất là bộ ria đen nhánh. Vợ ông là một phụ nhữ xinh đẹp,
xuất thân từ giới tiếp viên hàng không.
Tuy nhiên, từ năm
1971, trong cuộc tranh đua quyền lực, ông Kỳ đã bại dưới tay ông Nguyễn Văn
Thiệu, một nhơn vật từng sát cánh với ông lúc trước. Vì thế, ông đã bị hất văng
ra khỏi chính trường miền Nam. Sau đó, người ta ít thấy ông Kỳ xuất hiện và cho
đến gần thời điểm nguy ngập vào mùa Xuân năm 1975, ông Kỳ đã lên tiếng chỉ
trích những thất sách về mặt quân sự cũng như sự thối nát về mặt chính trị của
chính quyền Sài Gòn.
Vào ngày 25/4/1975 nói
trên, trong một buổi tập họp được Ủy Ban Hành Động Cứu Nước do linh mục Trần
Hữu Thanh lãnh đạo đứng ra tổ chức, ông Kỳ đã đến tham dự và phát biểu. Khi ông
Kỳ dùng xe jeep đến nhà thờ Lộc Hưng thì nơi đây đã có gần 3 ngàn giáo dân tụ
tập sẵn ngoài sân từ bao giờ. Địa phận Lộc Hưng vốn là nơi cư trú của đa số
người Công Giáo miền Bắc tỵ nạn Cộng sản di cư về đây từ năm 1954. Trước khi
đến đây, ông Kỳ đã nhận trả lời phỏng vấn của những phóng viên ngoại quốc như
chúng tôi.
“Nếu đồng báo nhứt trí
đoàn kết, thì chúng ta sẽ còn con đường sống. Chúng ta phải cương quyết chiến
đấu cho đến hơi thở cuối cùng. Quân cộng sản chỉ chờ đợi nơi chúng ta tự chia
rẽ và tự tan rã mà thôi. Tôi sẽ ở lại Sài Gòn và chiến đấu cho tới chết. Tôi
muốn nói lên quyết tâm này với dân chúng Sài Gòn. Những người bỏ chạy ngay bây
giờ trước khi quân địch tấn công vào đều là những kẻ hèn nhát”.
Đứng trên bục gỗ trước
máy phóng thanh, lời kêu gọi của ông Kỳ vang dội đến mấy ngàn giáo dân Công
Giáo như càng làm tăng thêm dũng khí cho họ.
Lúc này, quân Bắc Việt đã tràn đến những cứ điểm phòng thủ cuối cùng quanh vòng đai Sài Gòn sau khi nuốt gọn Xuân Lộc. Và Sài Gòn đang trong tình trạng hồi hộp, căng thẳng về một cuộc tổng công kích cuối cùng của quân Bắc Việt vào ngay lòng thủ đô. Tuy vậy, lúc nghe ông Kỳ diễn thuyết, tôi cũng cảm thấy yên tâm phần nào vì miền Nam vẫn có thể tránh khỏi một cuộc chiến bại toàn diện.
Thế nhưng vào sáng
ngày 29/4/1975 ông Kỳ đã dùng trực thăng tháo chạy ra ngoại quốc, bỏ lại sau
lưng những lời thề hứa chiến đấu quyết tử mà ông từng hùng hồn tuyên bố trước
đó bốn ngày.
Từ lúc ông Kỳ bỏ chạy
cho đến giây phút cuối cùng khi Sài Gòn rơi vào tay quân Bắc Việt, chỉ đúng một
ngày. Trong khoảng thời gian này, số những tướng lãnh cùng binh sĩ VNCH ở lại
chiến đấu cũng không phải là ít và có những vị tướng đã hy sinh.
******
Dọc theo quốc lộ 13,
cách Sài Gòn khoảng 50 km về hướng Bắc là căn cứ Lai Khê do sư đoàn 5 VNCH trấn
giữ. Đây là một trong năm sư đoàn được phối trí theo thế chiến lược bảo vệ vòng
đai thủ đô Sài Gòn. Lúc này, Tổng Tham Mưu chỉ huy quân Bắc Việt là tướng Văn
Tiến Dũng đã huy động tất cả 5 quân đoàn gồm 15 sư đoàn với quân số khoảng 200
ngàn để chọc thủng những tuyến phòng thủ vòng đai cuối cùng hầu tiến chiếm Sài
Gòn.
Đúng vào buổi sáng
30/4/1975, sư đoàn 5 của VNCH đã phải hứng chịu những áp lực nặng nề trước sức
tấn công mãnh liệt của quân đoàn 1 Bắc Việt, cuối cùng vì lực lượng quá ít so
với quân số hùng hậu của quân Bắc Việt, sư đoàn 5 tan vỡ và vị Tư Lệnh sư đoàn
là tướng Lê Nguyên Vỹ đã tự kết liễu vận mạng bằng cái chết hiên ngang, bất
khuất.
Mặt khác, tại cứ địa
Củ Chi cách Sài Gòn khoảng 30km về hướng Tây Bắc, sư đoàn 25 của VNCH cũng bị
tấn công dữ dội và ngã gục trước quân đoàn III Bắc Việt. Tư Lệnh sư đoàn là
tướng Lý Tòng Bá vì muốn bảo vệ sinh mạng binh sĩ nên đã chịu hàng và bị bắt làm
tù binh.
Ngay cửa khẩu của khu
vực đồng bằng sông Cửu Long là căn cứ Tân An nằm ở hướng Tây Nam Sài Gòn được
sư đoàn 22 VNCH trấn thủ cũng không tránh khỏi sự tấn công mãnh liệt của lực
lượng Bắc Việt và đã bị tiêu diệt. Kế đến là lực lượng những binh sĩ còn lại của
sư đoàn 18 dưới sự chỉ huy của tướng Lê Minh Đảo đang trấn đóng tại phía Đông
Sài Gòn đã bị đột kích bằng chiến thuật biển người của quân đoàn 2 Bắc Việt.
Sau khi thất thủ, tướng Lê Minh Đảo bị bắt làm tù binh.
Tướng Lê Minh Đảo, TL SĐ18 BB
Trong tình thế hiểm
nghèo này, chỉ còn lại lực lượng duy nhất của sư đoàn 7 ở Mỹ Tho là tương đối
có khả năng kéo về Sài Gòn tiếp ứng nhưng vì các trục lộ giao thông đã bị địch
quân cắt đứt nên ngay sau khi Sài Gòn thất thủ, sư đoàn 7 VNCH cũng đành phải
đầu hàng.
Tướng Trần Văn Hai, TL SĐ7BB
(*ghi chú của HVR: Tư
lệnh SĐ7BB, Tướng Trần Văn Hai đã tự vẫn ngay trong doanh trại đơn vị)
Tiếp theo tại Cần Thơ, Bộ Tư Lệnh Quân Khu 4 của VNCH là nơi kiểm soát toàn bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đã tận lực trong việc bảo vệ và tiếp ứng cho hai sư đoàn 9 và 21 đang bị uy hiếp trầm trọng, nhưng kết cuộc cũng đành phải bó tay. Vị Tư Lệnh quân khu là tướng Nguyễn Khoa Nam cùng Tư Lệnh Phó là tướng Lê Văn Hưng đã chọn cái chết để bảo vệ khí tiết ngay tại căn cứ Cần Thơ.
*****
Đối với tôi, thì việc
trong hàng ngũ những tướng lãnh và nhân viên cao cấp của chánh quyền miền Nam,
người nào bỏ chạy, người nào ở lại tử thủ đã trở thành đối tượng cho sự suy
nghĩ về những phương cách xử thế ở đời và là một bài học kinh nghiệm cho bản thân.
Những người thường hô
hào chiến đấu chống cộng tới cùng, hoặc kêu gọi sự đoàn kết và lòng yêu nước
theo chủ nghĩa dân tộc một cách kịch liệt nhứt, lại là những người chạy trốn
sớm nhứt. Ngược lại, những người có vẻ như thân Mỹ hay thân Pháp lẽ ra phải nhanh
chưn chạy thoát thì lại hy sinh ở lại chiến đấu. Thêm một lần nữa, tôi cảm nhận
được một sự thiệt rất bình thường là “nếu chỉ dựa vào lời nói của một người, ta sẽ không thể phán
đoán hành động của họ như thế nào”.
Sau ngày Sài Gòn thất
thủ hai năm, tôi được chuyển sang làm đặc phái viên ở Hoa Kỳ và đã có dịp ghé
thăm nơi ở mới của ông Nguyễn Cao Kỳ tại California.
Từ lúc được chính phủ
Hoa Kỳ tiếp nhận cho định cư, ông Kỳ đã mở một siêu thị để kinh doanh ở gần
thành phố Los Angeles cách nhà ông khoảng chừng 20km, một ngôi nhà thuộc hạng
sang trọng đối với tiêu chuẩn của vùng này. Sau khi nhấn chuông, tôi được ông Kỳ
đích thân mở cửa đón tiếp. Trong bộ quần áo màu vàng nâu, ông Kỳ có dáng vẻ của
một vị trưởng giả và nếu gọi là có sự thay đổi nơi ông thì có lẽ chỉ là màu của
bộ ria nay đã trở thành màu tro nhạt.
Ông tiếp tôi tại phòng
khách và nhận trả lời cuộc phỏng vấn. Sau khi kể lại những khó khăn ban đầu từ
lúc ông cùng vợ và 6 người con 4 trai 2 gái đặt chưn tới đây, ông hồi tưởng lại
chuyện chiến tranh: “Tôi
đã từng chủ trương rằng, hòa hợp hòa giải với thế lực cộng sản kết cuộc chỉ là
một ảo tưởng. Điều này hoàn toàn đúng. Vì vậy, đối với cộng sản chỉ có chọn lựa
một trong hai con đường: hoặc đầu hàng, hoặc chiến đấu tới cùng. Về điểm này có
thể nói là những nhận thức của Tổng Thống Thiệu rất đúng đắn và chính xác”.
Tuy nhiên, ông Kỳ đã
không chiến đấu tới cùng với cộng sản.
Việc ông vừa tuyên bố sẽ tử thủ tại Sài Gòn sau đó lại bỏ chạy như vậy, quả thật đã khiến tôi khó đề cập đến vì thái độ biểu hiện của ông quá chai cứng: “Tôi đã cố gắng đến cuối cùng và biết rằng miền Nam sẽ hoàn toàn thất trận nên phải ra đi. Vả lại, tôi cũng chỉ là một dân thường mà thôi. Nếu như lúc đó tôi ở vào vị trí trọng yếu của chính quyền thì chắc chắn tôi sẽ ở lại tử thủ. Tuy vậy, đối với những chiến sĩ VNCH đã chiến đấu đến giờ phút cuối thì tôi rất kính phục và không biết phải dùng lời lẽ gì để biểu hiện cho sự kính phục này”.
Nói tóm lại, những lời
biện minh, giải thích của ông Kỳ cho dù nghe ở một góc độ nào chăng nữa, quả
thật người ta cũng không cảm nhận được ý nghĩa gì cả!
Komori Yoshihisa & Khôi Nguyên
No comments:
Post a Comment