Ở một ngã tư trên đường từ hãng
làm về nhà mỗi khi ngừng xe chờ đèn xanh, mấy lúc gần đây tôi thường thấy một
ông già người Mỹ đứng đó xin tiền, chờ khi đèn đỏ tất cả xe ngừng lại thì đi
ngược theo đoàn xe dọc lề đường cầm một tấm carton có mấy chữ nguệch ngoạc trên
đó: "I am hungry. Will work for food. God Bless". Những hình ảnh
tương tự như vầy tôi vẫn hay thấy ở những ngã tư đèn xanh đèn đỏ rải rác trong
thành phố, nên gần như tôi không chú ý gì tới người Mỹ già này. Một vài lần dừng
xe ở một ngã ba, ngã tư nào đó, khi thấy một người homeless nào đến gần xe tôi
đậu, nhìn dáng vẻ khổ sở tôi cũng động lòng cho ông ta 1 dollar. Rồi thôi! Xe
chạy và tôi không mảy may để ý gì tới người đó nữa. Người Mỹ già homeless này
cũng vậy. Xe tôi chạy qua ngã tư này hàng ngày và đậu chờ đèn xanh không biết
bao nhiêu lần rồi. Tôi nhìn thấy ông Mỹ này chắc cũng 5,7 lần gì đó… nhưng có
bao giờ tôi để ý tới ông ta đâu và có lẽ sẽ chẳng bao giờ để ý đến ông cho tới
một hôm…
Hôm đó là một ngày tháng Năm, như
mọi lần tôi đậu xe ngay sát lề chờ đèn xanh, nơi ông già Mỹ đang đứng. Tháng 5
là mùa Hè ở Texas, trời rất nóng. Bên ngoài cũng khoảng 92, 93 độ F chứ không
ít. Ông già Mỹ cũng vẫn cầm tấm carton giơ lên trước ngực. Trời nóng như vậy mà
ông ta mặc một cái áo lính rằn ri 4 túi kiểu của quân đội Mỹ. Nhưng cái đập vào
mắt tôi ngày hôm đó là, trên ngực áo của ông ngoài mấy phù hiệu binh chủng, còn
có huy hiệu một lá cờ vàng ba sọc đỏ. Chính điều này làm tôi chú ý. Khi ông bước
đến cửa xe, tôi không cưỡng được nên hạ cửa kiếng xuống móc ra tờ giấy 1 dollar
đưa cho ông:
Hello, hình như ông là cựu quân
nhân?
Ông nhận tờ giấy bạc:
Cám ơn ông. God Bless. Phải! Tôi
là cựu quân nhân đã từng tham chiến ở VN trước đây. Ông là người Việt hả? Bắc
Việt Nam hay Nam Việt Nam? Tôi cười, nheo mắt với ông:
Đúng. Tôi là người Việt. Nam Việt
Nam chớ không phải Bắc Việt Nam.
Ông giơ một ngón tay cái lên, mỉm
cười qua hàm râu quai nón xồm xoàm lâu ngày không cạo:
God Bless you. Good! Good! Nam Việt
Nam tốt lắm.
Ông ta chào tôi và tiếp tục đi qua
xe khác.
Chỉ có thế! Đèn bật xanh. Xe tôi lại
chạy nhưng đầu óc tôi cứ lưu lại hình ảnh người Mỹ già này suốt con đường về
nhà. Không hiểu tại sao một cựu quân nhân Mỹ lại sa vào cuộc sống khó khăn đến
thế? Ở xứ này, người dân vẫn tôn trọng cựu quân nhân lắm mà? Lần đầu tiên tôi
thắc mắc về một người homeless. Có lẽ chính vì cái huy hiệu lá cờ vàng ba sọc đỏ
đeo ở trước ngực áo ông ta cứ lãng vãng trong đầu óc tôi hoài.
Hai hôm sau, cũng tại ngã tư quen
thuộc. Tôi gặp lại ông Mỹ này vẫn đang mặc chiếc áo trận rằn ri đi tới khi tôi
đậu xe chờ đèn. Tôi hạ kiếng xe xuống:
Chào ông. Tôi có thể hỏi thăm ông
một chút được không?
Ông già nhìn tôi với một thoáng ngạc
nhiên:
Chào ông. Được chứ. Ông muốn hỏi
gì?
Ở đây không tiện. Đèn xanh rồi, xe
tôi phải đi ngay đây. Tôi sẽ qua cây xăng bên kia đường. Tôi gặp ông ở đó trong
vài phút nữa. Được không?
Được chứ. Được chứ. Tôi chờ ông
bên đó nghe. Tôi quay xe ngược trở lại và tắp vào cây xăng Shell bên kia
đường nơi ông già Mỹ đang đứng chờ. Tôi xuống xe bắt tay ông:
Chào ông. Tôi tên là Khanh. Tôi có
gặp ông trước đây. Ông có nhớ tôi không?
Ông già Mỹ cười làm rung động hàm
râu quai nón xồm xoàm. Gương mặt ông trông giống như một tài tử xi nê nào đó mà
tôi đã có dịp xem qua:
Chào ông Khaan (Ông chào tôi bằng
tiếng Việt và phát âm tên tôi như 2 chữ Kha An ) Nhớ chứ, nhớ chứ. Ông là người
Việt tôi gặp hôm trước đây mà… Nam Việt Nam.
Ông lại cười, giơ ngón tay cái lên
khi nói đến chữ Nam Việt Nam và nói tiếp:
Tôi tên là Bill. Ông muốn hỏi tôi
chuyện gì.
Ồ! Cũng không có gì quan trọng. Thật
ra… thật ra…
Tôi bỗng trở nên lúng túng, ấp a ấp
úng khi thình lình nhận ra chính mình cũng không biết tại sao lại muốn nói chuyện
với ông già Mỹ này. Có lẽ một sự ràng buộc vô hình nào đó với cái phù hiệu ông
ta đeo trên ngực áo đã khiến tôi không cưỡng lại được và có lẽ sự thắc mắc
trong lòng hai hôm nay cộng với thời gian đứng chờ đèn xanh quá ngắn ngủi có thể
sẽ bỏ lỡ một dịp may hỏi ông ta vài câu mà mình thắc mắc. Nhưng khi cơ hội đến
thì mới biết là tôi đã chẳng chuẩn bị gì hết, vì thế đâm ra lúng túng. Cuối cùng
tôi cũng nói lên được một câu:
Tôi cũng là lính ở trong thời chiến
tranh VN.
Vậy hả! Tốt! Tốt! Anh cũng là cựu
chiến binh chiến tranh VN hả. Tốt! Tốt!
Tôi nhìn gương mặt ông, thấy toát
lên một vẻ rất chân thật khi nói lên câu trên. Hình như những hình ảnh về thời
đi lính xa xưa ở VN vẫn còn để lại trong lòng ông nhiều kỷ niệm. Buổi chiều ở
Round Rock mùa này trời nóng kinh khủng. Tôi chỉ mới đứng bên ngoài nói mấy câu
với ông già Mỹ mà đã thấy khó chịu rồi. Vậy mà ông ta đứng ở ngoài trời cả ngày
như thế thì thiệt là… Một thoáng xót xa dấy lên trong lòng tôi:
Này Bill, ông có bận quá không? Nếu
ông không bận, tôi muốn mời ông đi đến một nơi nào đó, chúng ta vừa ăn uống vừa
nói chuyện. Được không?
Không. Tôi không bận gì cả. Tốt. Tốt.
God Bless.
Bill xách theo cái túi đeo vai đựng những
vật dụng cá nhân của ông lên xe. Tôi chở Bill đi ngược lại đường May, con đường
chính của thành phố Round Rock và sau đó rẽ trái qua đường 620:
Mình ghé vào tiệm Fried Chicken
phía trước được không?
Tốt! Tốt. Fried Chicken ngon lắm.
Tôi nheo mắt nhìn Bill, cười:
Nhưng ở đây không có bia đâu nhé.
Không sao. Cám ơn ông. Ăn Fried
Chicken tốt lắm rồi.
Chúng tôi ghé vào tiệm Golden
Fried Chicken gần đó, gọi phần ăn cho hai người và chọn ngồi vào góc khuất
trong tiệm. Buổi chiều giờ này quán còn vắng vẻ lắm. Không khí mát dịu của máy
điều hoà bên trong làm tôi khoan khoái, dễ chịu hẳn lên sau khi vừa từ bên
ngoài bước vào. Nhìn Bill làm dấu thánh giá trước khi ăn, tôi thấy ở ông toát
ra một điều gì đó hiền hoà khác hẳn cái bề ngoài có vẻ "dữ dằn" qua
quần áo, râu tóc rối tung của ông, tôi nói để bắt chuyện:
Ông cứ ăn tự nhiên nhé.
Tốt. Tốt. Cám ơn ông.
Vừa nhai ngồm ngoàm miếng gà
chiên, ông vừa hỏi tôi:
Khaan. Trước đây trong chiến tranh
VN, ông đi binh chủng nào? Đóng ở đâu?
Tôi hả? Tôi ở trong binh chủng Không
Quân. Trước đây đơn vị tôi đóng ở Phan Rang. Tôi ở trong quân ngũ không lâu, chỉ
từ 1972 cho đến ngày miền Nam nước tôi rơi vào tay CS miền Bắc. Còn ông?
Tôi là lính Thủy Quân Lục Chiến
sang VN năm 1966. Ở tại căn cứ Long Bình một thời gian. Sau đó đơn vị tôi chuyển
ra Đà Nẵng và cuối cùng đóng tại Khe Sanh.
Ông vừa ăn vừa kể tôi nghe về một
vài kỷ niệm ở VN trước đây, ông nói một vài tiếng Việt còn nhớ được với cách
phát âm lơ lớ như những từ: "Chào ông, chào bà, chào cô… con gái VN đẹp lắm,
nước mắm… đi đi…mau…cám ơn ông…"
Chúng tôi vừa ăn vừa nói cười thật
cởi mở. Tôi cũng kể cho Bill nghe về đơn vị của tôi trước đây và một vài kỷ niệm
vui thời lính tráng. Trong thoáng chốc, chúng tôi nói chuyện, cười đùa với nhau
như hai người bạn hồi nào không hay. Bill kể tôi nghe thêm nhiều kỷ niệm về đời
lính của ông và trận đánh ông tham dự lần cuối ở Khe Sanh:
Trong trận đánh ngày 21 tháng
Giêng năm 1968, tôi bị thương nặng và được đưa về bệnh viện Dã Chiến chữa trị tạm
thời, sau đó họ đưa tôi về bệnh viện ở Đà Nẳng tiếp tục chữa trị. Cuối năm
1968, tôi được giải ngũ và về lại Mỹ.
Bill giở áo lên chỉ cho tôi thấy
những vết sẹo còn để lại sau mấy ca phẫu thuật. Nhìn những vết sẹo dài còn để lại
trên ngực và bụng của Bill, tôi có thể đoán vết thương của ông lúc đó chắc là
ghê gớm lắm. Lấy tay chỉ chỉ vào những vết sẹo đó, ông nói:
Những vết sẹo này từ năm 1968 đã
là một phần cơ thể gắn bó thân thiết với tôi. Tôi tự hào đã có những vết sẹo
này, tuy nhiên rất lấy làm tiếc là chúng ta đã không đạt được mục đích. Cái giá
tôi trả và phần thân thể tôi để lại ở chiến trường VN đã không được đền bù xứng
đáng. Tiếc thật!
Bill cho tôi biết trong lần bị
thương đó, để cứu ông các bác sĩ quân y đã phải làm nhiều cuộc phẫu thuật lấy mảnh
đạn trong người, cũng như cắt bớt và may vá nhiều khúc ruột. Ngoài ra các bác
sĩ còn phải đặt một thanh sắt, bắt vít nối xương ống chân phải của ông.
Tôi nhìn gương mặt Bill, cặp mắt
ông không biểu lộ một nét thù hận hay bực bội nào cả khi nói về những vết
thương cũ! Hình như thời gian đã phôi pha và xoa dịu đi những đớn đau, mất mát
mà ông đã trải qua. Chúng tôi im lặng tiếp tục ăn, không ai nói với ai thêm lời
nào nữa một lúc khá lâu. Có vẻ như Bill đang nhớ lại một vài kỷ niệm cũ trước
đây. Tôi nghe thấy ông lẩm bẩm hai chữ Khe Sanh, Khe Sanh... vài ba lần trong
khi đang ăn và đôi mắt ông hình như đang mơ màng về một cõi xa xăm nào đó. Đầu
óc tôi ngập tràn nỗi xúc cảm không tả được. Trước mặt tôi là một người Mỹ già
xa lạ. Một người mà nếu không có chiến tranh xảy ra ở đất nước tôi, có lẽ ông
ta sẽ không hề biết tới VN là gì, nói chi tới những địa danh như Long Bình, Đà
Nẳng, Khe Sanh… vậy mà cho tới bây giờ, sau mấy chục năm ông vẫn còn nhớ và
phát âm khá chuẩn tên những địa danh này bằng tiếng Việt. Chiến tranh đã tình cờ
mang ông đến với một quốc gia có cái tên gọi Việt Nam nghe thật xa lạ, nơi ông
đã chiến đấu để bảo vệ lý tưởng Tự Do cho người dân nơi đó và ngay cả đã hy
sinh xương máu cho một đất nước mà trước đó ông không hề biết tới. Trước mặt
tôi, người Mỹ đó giờ đây lại là một người không nhà cửa, sống một cuộc sống lây
lất không có ngày mai. Còn tôi, một kẻ tị nạn đang ăn nhờ ở đậu nơi xứ sở của
chính ông, lại là người may mắn hơn ông nhiều. Ít ra tôi có được một ngôi nhà
xinh xắn, một mái ấm gia đình, một công việc đàng hoàng và con cái tôi đang thọ
hưởng nền giáo dục tốt đẹp nơi xứ sở của ông… Tôi không thể nào ăn được nữa, một
điều gì đó đang dâng lên trong lòng khiến tôi nuốt không vô nữa:
Này Bill. Tôi có thể hỏi ông một
vài câu liên quan tới cá nhân ông được không?
Bill ngước mắt lên nhìn tôi, ngạc
nhiên:
Cá nhân tôi? – Ông cười – Cá nhân
tôi thì đâu có gì đâu mà không hỏi được.
Sau khi ông giải ngũ, ông đã làm
gì? …và tại sao …tại sao ông lại trở nên… thế này? Xin lỗi Bill. Ông không cần
phải trả lời câu hỏi này, nếu ông không thích. – Tôi hỏi và cảm thấy không được
tự nhiên lắm với câu hỏi đường đột này –
Với tay lấy tờ giấy napkin lau miệng,
Bill cười:
Ồ! Không sao cả. Lâu lâu có dịp ôn
lại chuyện cũ cũng thú vị lắm. Ông hỏi tôi sau khi tôi giải ngũ hả?? Tôi làm lặt
vặt một vài việc để kiếm sống rồi quyết định quay lại college lấy cho xong bằng
2 năm, sau đó vào làm việc cho một hãng chế biến đồ nhựa. Tại đây tôi gặp một
người đàn bà và sau một thời gian quen biết đã kết hôn với người này. Năm đó là
năm 1974 và lúc đó tôi đang ở Houston. Vợ chồng chúng tôi có một đứa con gái và
sống hạnh phúc lắm. Nhưng sau 6 năm chung sống hạnh phúc, sóng gió bắt đầu nổi
lên khi tôi bị laid off. Những cuộc cãi vã xảy ra, ban đầu thì còn ít và còn có
lý do chính đáng, nhưng sau đó thì xảy ra gần như mỗi ngày mà toàn là những cuộc
cãi vã không đâu ra đâu! Chuyện gì chúng tôi cũng có thể gây gổ với nhau được.
Cuối cùng vợ tôi lấy cớ tôi hay uống rượu không lo kiếm việc làm và nộp đơn ly
dị. Toà án phán mọi chuyện lỗi ở nơi tôi. Như ông biết đó, ở xứ này cứ 100 vụ
ly dị là gần như 99 vụ đàn ông là người gây ra lỗi. Thế rồi vợ tôi được phép giữ
đứa con gái và tôi phải trợ cấp nó cho đến khi nó đủ tuổi thành niên. Từ đó những
việc làm kế tiếp của tôi bao nhiêu lương lãnh về, sau khi trừ chi phí trợ cấp
cho con gái, còn thì chỉ đủ để tôi sống qua ngày mà thôi. Dù vậy tôi cũng cố gắng
làm tròn bổn phận của mình và trợ cấp con gái tôi cho đến khi nó trưởng thành.
Bây giờ nó đã có chồng và nghe nói đang sống tại một nơi nào đó ở Florida thì
phải.
Thế ông không gặp con gái thường
xuyên sao? – Tôi hỏi chen vào khi thấy ông ngưng lại nửa chừng.
Lần cuối tôi gặp nó lúc đó nó chưa có chồng,
cách đây cũng hơn 10 năm rồi. Từ đó tôi không gặp nó nữa. Nhiều năm trước tôi
nghe có người nói nó đã lập gia đình với một tay nào đó bán insurance và di
chuyển về Florida. Như vậy cũng tốt. Xin Chúa ban phước lành cho vợ chồng nó.
Con gái ông có biết ông gặp khó
khăn như thế này không? Và có giúp đỡ gì cho ông không? – Tôi tò mò hỏi -
Không. Nó hoàn toàn không biết -
Bill nhún vai nói tiếp – Tôi cũng không cần nó phải giúp tôi. Nó cứ lo cho thân
nó với chồng con nó là tốt rồi. Tôi nghĩ tôi OK.
Tôi không khỏi ái ngại nhìn Bill,
gương mặt ông vẫn bình thản khi nói về người con gái duy nhất của mình:
Ngoài cô con gái và người vợ trước
ra, ông còn người thân nào không?
Người thân của tôi hả? Còn chứ.
Nhưng xin ông chờ tôi một chút, để tôi lấy thêm nước uống rồi trở lại kể tiếp
cho ông nghe.
Không đợi tôi trả lời, Bill cầm ly
giấy nước ngọt đã uống hết, đứng dậy đến chỗ mấy bình nước ngọt bày sát vách tường
và bắt đầu "refill". Nhìn ông ta đang đứng lấy thêm nước ngọt và nghĩ
về câu chuyện dở dang ông vừa kể, tôi thật khá ngạc nhiên với lối sống của người
Mỹ. Tôi cứ tưởng ông ta không còn ai thân thuộc nên mới sa vào cảnh khó khăn đến
thế. Đâu ngờ ông ta còn có con gái và người thân khác. Còn đang suy nghĩ lang
mang thì Bill quay trở lại:
Xin lỗi đã bắt ông đợi. Tôi đang kể
đến đâu rồi nhỉ?
Về người thân của ông….
À. À. Người thân của tôi. – Ông chậm
rãi uống nước ngọt – Chà! Hôm nay thật là thoải mái. Cám ơn ông Khaan. God
Bless. Về người thân của tôi hả? Tôi hiện còn cô em gái đang sinh sống với chồng
con ở Kentucky. Gia đình cô ta cũng OK. Thỉnh thoảng đi đâu ngang qua, tôi cũng
có tạt qua ghé thăm vợ chồng cô ta. Ngoài ra, tôi có mấy cousins ở rải rác đâu
đó tôi cũng không biết rõ nữa. Lâu quá rồi không gặp họ.
Xin lỗi cho tôi hỏi thẳng câu này.
Tại sao ông không kiếm một việc làm để đỡ phải vất vả?
Đâu có ai muốn mướn tôi mà làm. Chắc
ông nghĩ là tôi làm biếng không chịu đi kiếm việc làm phải không? Để tôi kể cho
ông nghe tiếp. Sau cuộc hôn nhân lần đầu và sau nhiều năm trợ cấp cho con gái
tôi đến khi trưởng thành. Cuối cùng tôi cũng thoát được sự ràng buộc của luật
pháp để lo cho mình tôi thôi. Vào khoảng năm 1995- 1996 gì đó, tôi kiếm được một
công việc tài xế xe tải lương rất khá, lại hợp với sở thích đi đây đi đó của
tôi nữa. Cuộc sống của tôi sung túc dần và tôi nghĩ tới chuyện sống chung với một
người đàn bà khác lần nữa. Cuối năm 1997, tôi gặp Christina trong một Country
Club ở Dallas và chúng tôi mau chóng say mê nhau. Thú thật chưa có người đàn bà
nào mà tôi chết mê chết mệt như Christina. Nàng có hai đứa con trai với một đời
chồng trước. Hai đứa con trai này sống riêng với bạn gái, thỉnh thoảng mới về gặp
nàng một lần. Sau một thời gian hẹn hò, chúng tôi quyết định chung sống với
nhau. Chúng tôi mua một căn nhà nhỏ và sống thật hạnh phúc bên nhau ở một khu
ngoại ô Dallas. Tôi vẫn còn giữ chân tài xế xe tải và Christina đang làm thư ký
cho một kho hàng. Với lợi tức của hai chúng tôi phải nói là sống khá thoải mái.
Tôi nghĩ là sau bao vất vả, cuối cùng Chúa cũng ban cho tôi một tình thương và
mái ấm gia đình như ý muốn. Dự tính của hai đứa chúng tôi là ráng làm thêm vài
năm nữa thì tôi sẽ thôi không lái xe tải và sẽ mở một cửa hàng nhỏ nào đó sống
yên bình bên nhau. Nhưng…
Kể tới đây, giọng của Bill như
chùng lại, lần đầu tiên tôi thấy đôi mắt ông biểu lộ một nỗi buồn man mác. Ông
ngưng lại nửa chừng, nhìn ra ngoài qua khung cửa kính tiệm Fried Chicken nơi có
mấy con chim bồ câu từ đâu đang sà xuống trước bãi đậu xe tìm thức ăn. Nắng ở
bên ngoài đã bớt đi cái gay gắt khi nãy. Một vài thực khách bước vào gọi những
phần gà chiên mang về nhà cho buổi ăn chiều. Tôi nhìn Bill, biết ông đang xúc động,
nên không dám làm kinh động ông. Thú thật cá nhân tôi như bị cuốn hút vào câu
chuyện của ông già Mỹ này. Ở ông có một nét gì đó tôi thấy cảm thông lắm, điều
này phải chăng do buổi nói chuyện ngày hôm nay có sức thuyết phục tôi về một
câu nói ai đó đã từng nói: "Đằng sau mỗi một người, ai cũng đều có một tâm
sự riêng." Tôi rất tò mò muốn biết câu chuyện của ông ta như thế nào,
nhưng nhận thấy ông đang xúc động nên đành nén lại:
Bill? Ông có sao không? Ông có muốn
về chưa? Tôi sẽ chở và thả ông xuống bất cứ nơi nào ông muốn trong thành phố.
Ồ không. Tôi không sao. Xin lỗi
ông. Lâu quá không có dịp nhớ về chuyện cũ nên cảm thấy hơi xúc động. Tôi chưa
kể ông nghe hết mà. Tôi sẽ kể ông nghe nếu ông không có bận gì. Rất cám ơn ông
đã đối với tôi tốt đẹp thế này. Thật là một buổi chiều tuyệt vời. Đã lâu rồi
tôi không có được một buổi chiều đẹp và cũng lâu lắm rồi không có ai đối tốt với
tôi như vậy. Cám ơn ông. God Bless.
Tôi nói mấy câu khách sáo lại với
ông và hỏi ông có muốn dùng gì thêm không. Ông cám ơn tôi lần nữa và bắt đầu kể
tiếp câu chuyện dở dang:
Tôi những tưởng sẽ có cuộc sống an lành
bên Christina suốt cuộc đời còn lại với những dự tính tương lai rất bình dị như
bao người dân lương thiện khác. Nhưng không ngờ những gì tôi tính toán chỉ là
trong mơ mà thôi vì thực tế không bao giờ tôi có được những gì tôi đã mơ ước.
Ông biết không. Tôi đâu có bao giờ ngờ vì cứ hay xa nhà trên những chuyến xe tải
giao hàng xuyên bang… mỗi tuần chỉ về nhà 1, 2 ngày rồi lại đi tiếp. Khoảng thời
gian trống vắng ở nhà một mình, Christina đã có bạn trai khác bù đắp vào. Khi
tôi về thì nàng tiếp tôi ra điều yêu thương tôi lắm, nhưng hễ khi tôi xa nhà
thì nàng lại có người khác đến. Tôi vẫn cứ một mực làm ăn và không hề hay biết
gì về chuyện này cho đến một hôm… vì chuyến xe tải đi giao hàng của tôi bị đình
hoãn theo yêu cầu của khách hàng, nên tôi trở về nhà… và bắt gặp ngay tại trận
Christina với nhân tình của nàng ở trong phòng ngủ đang làm chuyện mà họ muốn
làm. Tôi thật choáng váng với những gì phác giác được và thế là tôi điên tiết
lên quất cho đôi gian phu dâm phụ một trận nên thân. Christina lúc đó chống cự
lại tôi và lên tiếng bênh vực cho bạn trai của nàng nên càng làm cho tôi nổi
điên hơn lên. Sau một cú tát của tôi Christina đã ngã vào con dao do chính nàng
cầm lên hăm dọa tôi. Gã bạn trai của nàng lúc đó cũng nằm ngất ngư dở sống dở
chết. Nhìn hiện trường, cõi lòng tôi hoàn toàn tan nát, nhưng đầu óc thì lại tỉnh
táo vô cùng. Tôi gọi điện thoại 911 báo cáo sự việc xảy ra … Xe cảnh sát và cứu
thương tới. Họ bắt tôi ngay sau đó và không may cho Chirstina đã chết trên đường
đưa tới bệnh viện, còn thằng bạn trai của nàng thì chỉ bị thương nặng. Sau đó
ra tòa… tôi bị khép vào tội cố ý hành hung người gây thương tích, kèm theo tội
ngộ sát. Cuối cùng nhận bản án 9 năm về hai tội trạng này.
Tôi được thả về sau hơn 7 năm thụ
án với hạnh kiểm tốt, tuy nhiên cuộc đời tôi thay đổi hẳn từ đó. Việc làm chẳng
những khó kiếm vì ai nấy khi thấy lý lịch của tôi cũng đều né tránh. Tôi đã nộp
đơn xin việc ở nhiều nơi, nhưng không chỗ nào nhận! Những việc làm tay chân họ
cũng chỉ mướn tôi khi cần thiết 1, 2 ngày rồi thôi. Cuối cùng chính bản thân
tôi cũng không còn muốn phấn đấu hoặc tha thiết đến chuyện kiếm việc làm nữa. Để
làm gì? Khi người ta đã không muốn thuê mướn mình thì có đi van nài cũng vô
ích! Từ đó, nếu ai cần mướn tôi làm gì thì tôi làm nấy. Còn không thì mỗi ngày
với số tiền khách vãng lai bố thí cho, tôi cũng đủ sống rồi. Hoặc cùng lắm thì
cũng có những nơi từ thiện giúp chúng tôi thực phẩm lây lất qua ngày cũng không
sao. Bây giờ thú thật tôi không nghĩ gì nhiều cho bản thân nữa hết. Chúa muốn
tôi thế nào thì tôi vâng lời thế đó, không bận tâm làm gì cho mệt. Xin ông đừng
tìm cách khuyên lơn tôi. Nếu ông có lòng tốt hoặc thương hại, giúp tôi được
chút gì, tôi hoan hỉ nhận lấy và cầu ơn Chúa ban phước cho ông. Nhưng xin đừng
cố gắng khuyên tôi vì tôi sẽ không nghe đâu. Tôi tự biết tôi đang làm gì và bằng
lòng với những gì mình đang làm.
Tôi im lặng nghe ông kể hết câu
chuyện mà trong lòng cảm khái vô cùng. Thành thật mà nói, không đợi ông dặn trước.
Nếu muốn khuyên một câu, tôi cũng không biết phải khuyên như thế nào nữa. Tôi
nghĩ nên im lặng và tôn trọng ý của ông thì hơn. Có thể vì mình là người ngoài
cuộc, nên không cảm nhận được hết cái phẫn uất của cuộc đời và những bất hạnh
dành cho ông. Chúng tôi ngồi yên một lúc thật lâu. Sau khi kể xong câu chuyện đời
mình, đôi mắt Bill có vẻ đăm chiêu hơn. Tôi nhìn ông và lái sang chuyện khác:
Này Bill. Tại sao ông vẫn còn mang
trên ngực áo huy hiệu lá cờ VNCH của chúng tôi?
Bill cúi xuống nhìn ngực áo của
mình, miệng nở lại nụ cười hiền hoà như trước:
Khi tôi đến VN tuổi còn rất trẻ,
khái niệm về độc lập, tự do, chiến tranh, hoà bình tôi chưa rõ ràng lắm. Là một
người lính, lệnh bảo như thế nào thì làm theo như thế đó. Quân đội mà! Nhưng thời
gian chiến đấu tại VN, tôi đã thực sự hiểu rõ ý nghĩa của những điều này và thực
sự trưởng thành nhiều. Tôi thấy rõ bản chất hiền hoà của người dân miền Nam ở
đây và tại sao người dân miền Nam phải chiến đấu để bảo vệ cho sự Tự Do của họ.
Tôi hiểu và thấy rõ ý thức hệ của hai miền Nam, Bắc ở VN khác nhau như thế nào
và dần dần tôi ý thức được nhiệm vụ của mình và rất tự hào đã góp phần vào công
cuộc bảo vệ Tự Do cho miền Nam VN. Ngay cả khi tôi bị thương suýt bỏ mạng tại
Khe Sanh và mãi cho tới bây giờ, tôi không mảy may hối tiếc chút nào cả vì tôi
nghĩ tôi đã phục vụ cho đất nước tôi khi chiến đấu bảo vệ lý tưởng Tự Do tại
chiến trường VN. Chỉ tiếc là chúng ta đã thất bại. Chúng ta đã thất bại bởi vì
những dị biệt chính trị của các chính khách ở đất nước tôi cuối cùng đã thay đổi
và nhượng bộ luôn chính sách ở chiến tranh VN. Chúng ta đã thất bại vì đường lối
và ý muốn của các cấp lãnh đạo, nhưng những người lính chiến như tôi và ông thì
không hề thất trận. Tôi không nghĩ thế. Cho tới giờ phút này, tôi vẫn hãnh diện
về những gì đồng đội và cá nhân tôi đã làm ở VN. Chúng tôi chiến đấu vì một lý
tưởng tốt. Tôi mang phù hiệu lá cờ VNCH như một tự hào đã có lần chiến đấu cho
sự Tự Do của quốc gia này.
Tôi không tránh khỏi xúc động với
những lời của Bill. Đây đúng là lời nói chân tình của một đồng minh đã từng sát
cánh với quân đội VNCH trong lý tưởng bảo vệ Tự Do cho quê hương tôi:
Cám ơn ông đã nói lên những lời
nói khẳng khái vừa rồi. Lời nói của ông làm tôi kính phục và cảm thấy chúng tôi
đã nợ ông và đất nước của ông quá nhiều trong nhiệm vụ bảo vệ lý tưởng Tự Do
qua cuộc chiến ở VN trước đây. Ông nói đúng. Chúng ta thất bại vì có những dị
biệt trong chính trường ở nước ông nhưng quả thật quân đội của Hoa Kỳ và quân đội
VNCH của chúng tôi không hề thất trận.
Đột nhiên gương mặt Bill trở nên
buồn bã và giọng nói chùn hẳn xuống:
Tuy thế, chiến tranh VN đã để lại
cho chúng tôi nhiều đau buồn mãi cho tới hôm nay. Trong trận đánh Khe Sanh mà
tôi đã bị thương và may mắn được cứu sống, có hai người bạn thân thiết nhất của
tôi đã tử trận. Mỗi năm vào ngày lễ Memorial Day, tôi đều về Washington DC nơi
có tấm bia tưởng niệm các chiến sĩ đã bỏ mình trong chiến tranh VN. Tên hai người
bạn nằm xuống của tôi được khắc trên đó. Mỗi năm vào ngày lễ này, tôi đều đến
tưởng niệm hai người bạn tôi dưới tấm bia đó. Sắp tới lễ Memorial Day nữa rồi,
nhanh thật. Gần tới ngày này là tôi mặc lại chiếc áo trận ngày xưa để tưởng nhớ
tới những người đã ngã xuống và để chứng tỏ trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi vẫn
là một Veteran trong chiến tranh VN.
Lời nói của Bill làm tôi sực nhớ sắp
tới ngày lễ cựu chiến binh rồi. Ở Hoa Kỳ, ngày lễ này được tổ chức mỗi năm vào
ngày thứ Hai cuối cùng của tháng 5. Memorial Day năm nay sẽ rơi vào ngày thứ
Hai, 29 tây tháng 5 năm 2006. Tôi nói:
Ông nói đúng. Chiến tranh đã để lại
biết bao mất mát, đau buồn cho những người còn lại. Tôi cảm thông sâu sắc những
gì ông vừa nói và thành thật chia buồn về sự mất mát hai người bạn thân của
ông. Bao giờ ông sẽ đi Washington DC? Ông có đi diễn hành trong ngày lễ này
không?
Hai hôm nữa tôi sẽ đi. Ông nói diễn
hành hả? – Bill lúc lắc đầu - Không. Tôi không cần những thứ đó. Trước đây tôi
có tên trong hội Cựu Chiến Binh nhưng lâu rồi không còn liên lạc, sinh hoạt gì
với hội nữa. Tôi chỉ mang đến cho hai bạn tôi hai cành hoa đặt dưới chân bức tường
lưu niệm có khắc tên họ và ngồi tưởng nhớ lại những kỷ niệm xưa giữa tôi và họ
khi còn ở chiến trường VN. Thế thôi! Tôi tự hứa sẽ đến thăm họ mỗi năm một lần
nếu sức khoẻ tôi cho phép.
Tôi nhìn Bill, càng lúc càng kính
phục ông hơn qua những gì ông nói:
Hai hôm nữa ông sẽ đi à! Ông đi
Washngton DC bằng phương tiện gì? Ông có trở về lại đây không?
Bill cười lớn, hàm râu quai nón
rung rung theo tiếng cười:
Dễ mà. Tôi sẽ đi bằng bất cứ
phương tiện nào tôi có thể kiếm được. Quá giang, xe bus… đi tới đâu cũng sẽ có
người giúp đỡ tôi cả. Ông đừng lo.
Ông nheo mắt nhìn tôi một cách hóm
hỉnh rồi nói tiếp:
Tôi đi đâu cũng sẽ gặp người tốt
như ông mà, lo gì. Ông tin tôi đi. Tôi sẽ tới Washington DC đúng vào dịp lễ
Memorial Day. Ở đó một vài ngày, sau đó lại lang thang. Ông biết đấy. Homeless
như tôi thì ở đâu chẳng được. Có thể tôi sẽ về lại đây. Có thể sẽ đến một nơi
nào đó tôi cũng chưa biết được.
Chúng tôi ra khỏi quán Golden
Fried Chicken thì đã chiều lắm rồi. Nắng gần như tắt hẳn mặc dù mặt trời tháng
Năm ở Texas như vẫn còn tiếc nuối chút ngày hè và còn lãng vãng đâu đó ở chân
trời xa chưa chịu chìm xuống hết. Những con chim bồ câu tìm mồi trên bãi đậu xe
lúc nãy đã bay đi đâu mất. Tôi hỏi Bill nơi ông muốn tôi chở trở về khi hướng
xe ra phía xa lộ 35. Ngồi bên cạnh, Bill có vẻ thoải mái với không khí mát dần
lên của máy lạnh trong xe. Ông luôn miệng cám ơn tôi về "một buổi chiều đẹp
tuyệt vời" và lập đi lập lại nhiều lần hai chữ God Bless. Tôi tắp vào bãi
đậu xe của một siêu thị ở góc ngã tư North Lamar và Braker Lane nơi Bill muốn
tôi thả ông xuống. Tôi bước xuống xe, đặt vào tay Bill tờ giấy bạc $20 và bắt
tay từ giã ông:
Bill. Cám ơn ông. Hôm nay chính
ông mới là người đã cho tôi một buổi chiều đẹp tuyệt vời qua câu chuyện của
ông. Tôi xin chúc ông đi Washington DC được bình yên và gặp nhiều may mắn. Hy vọng
chúng ta còn có dịp gặp lại nhau.
Hình ảnh Bill với cái túi đeo trên
vai bước xa dần, lẩn khuất giữa những hàng xe trong bãi đậu xe của siêu thị
Albertson khi màn đêm từ từ buông xuống và câu chuyện đời ông vẫn cứ bám theo
tôi trên đường lái xe về nhà. Từ hôm đó đến nay, tôi không gặp lại Bill nữa. Ở
ngã tư trên đường tôi đi làm về mỗi ngày, bây giờ có một người Mễ đứng bán hoa
hồng cho những xe qua lại. Tuy nhiên như một thói quen, hễ gần đến ngã tư này
là tôi lại đưa mắt tìm xem Bill có đứng đó không.
Hình ảnh người Mỹ già homeless
ngày nào và câu chuyện của ông ta vẫn là một kỷ niệm khó phai mờ trong tôi.
"May God Bless you, Bill."
Vĩnh Khanh
VA của Mỹ yể trợ cựu chiến binh rất hậu hỹ. Không biết tại sao Bill như vạy?
ReplyDeleteBị thương nặng, mổ ngực, bụng, cắt nối ruột, chân phải gãy, phải đặt thanh sắt vào, vậy mà không nhận được trợ cấp thương tật và trợ cấp cho cựu chiến binh giải ngũ ? Vô lý quá vậy?
ReplyDeleteLái xe tải xuyên bang là công việc khá nguy hiểm, đòi hỏi thể lực khỏe tốt, chân phải cứng cáp lành mạnh mới đủ sức điều khiển chiếc xe tải lớn nặng nề trong thời gian dài trong ngày, trong khi chân phải của ông VA nầy bị gãy phải bắt vít , sức lực bị suy giảm do thương tật, vậy ai dám mướn ông làm tài xế xe tải liên bang? No way!!