Chiều cuối năm, anh Tư
Ếch ghé tệ xá. Em yêu xào cho một dĩa bê thui đậu phộng với bún
tàu; vì uống bia, mồi không cần có nước. Mời anh Tư Ếch ra nhà xe
vừa nhậu vừa bàn luận chuyện văn chương.
Gắp miếng thịt bê,
chấm nước tương có ớt xắt, anh Tư Ếch đưa vô miệng nhai sừn sựt. Nốc
gần nửa lon bia nghe cái ót, đài phát thanh của Tư Ếch nóng máy bắt
đầu lên sóng: “Tui tên Ếch, thứ Tư, dân Mỹ Tho”.
Tui ngứa miệng chen vô:
“Mỹ Tho là thủ phủ, cửa ngõ của Miền Lục tỉnh Nam Kỳ”. Anh Tư Ếch
nạt ngang làm tui mất hứng: “Tầm bậy! Mỹ Tho là thủ phủ của tỉnh
Ðịnh Tường. Mỹ Tho (Định Tường) cùng với Gia Ðịnh và Biên Hòa hợp thành
ba tỉnh Miền Ðông”.
“Còn 3 tỉnh Miền Tây
là: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.” “Chính vì vậy mới có cái vụ Tây
chiếm ba tỉnh Miền Ðông. Ông Phan Thanh Giản lui về Miền Tây giữ thành
Vĩnh Long. Giữ không được nên ông mới uống thuốc độc quyên sinh đó”
“Ủa? Vậy mà tui thấy
trong Chợ Lớn có đường Lục Tỉnh chạy vô Bến Xe Miền Tây nên tui cứ
tưởng Lục tỉnh là 6 tỉnh Miền Tây chớ?”.
Anh Tư Ếch, giọng thầy
đời, rầy tui: “Quê mình mà địa lý anh không thông; sử ký anh không
biết lại dám vỗ ngực ta đây là người yêu nước?” Bị xài xể quá tay,
tui nín khe luôn, để thằng chả mặc sức ba hoa chích chòe.
Anh Tư Ếch giảng rằng:
“Thời Việt Nam Cộng Hòa mình gọi Nam Kỳ Lục tỉnh là Nam Phần. Thời CS
nó gọi Nam Bộ.
“Viết văn thời nào
phải dùng địa danh của thời ấy. Không được viết lung tung. Như nhà
biên khảo Sơn Nam từ thời VNCH mà gọi ổng là “Ông già Nam Bộ” là gọi
tầm bậy.”
Vì vậy kẻ nào nói Mỹ Tho
là miền tây là kẻ đó nói tầm bậy, dốt (không thuộc) lịch sử.
Nhân nhắc tới ông Sơn
Nam, tui kể vài cái giai thoại cho anh nghe chơi. Xin lỗi hồi nãy tui hơi
quá lời với anh.” Tui trả lời đẩy đưa: “Ôi chuyện nhỏ! Ðừng để bụng.
Thùng bia của tui. Dĩa bê thui của vợ tui. Cái miệng của anh. Anh muốn
ăn, muốn nhậu, muốn nói gì thì nói. Mình ở xứ tự do mà! Xin anh cứ
tự nhiên” Tui xỏ ngọt đau như vậy nhưng thằng cha Tư Ếch lù đù nầy đâu
sức hiểu, nên giả tiếp tục lải nhải: “Giai là đẹp, Giai nhân là người
đẹp. Thoại là câu chuyện, chuyện thần thoại. Giai thoại văn học là chuyện
về các nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo, nhà văn học có tiếng tăm.
Ðó là về người; còn
câu chuyện có thể là có thật; mà cũng có thể là phịa. Cũng có
thể là thật một phần; rồi phịa một phần. Do truyền miệng, viết lại
tất nhiên sẽ bị tam sao thất bổn.
Phần chúng ta có tập
quán quá giang, ăn theo, hưởng xái, thấy sang bắt quàng làm họ. “Ổng là bạn
vong niên của tao. Tuần rồi, tao dắt ổng đi uống bia ôm ở ngã ba Chú Ía …bla
bla…
Nên giai thoại là: vàng
thau lẫn lộn! Thiệt giả bất minh. Vì vậy: Giai thoại: Ai nói? Nói với ai? Nói ở
đâu trong hoàn cảnh nào? Nói lúc nào không quan trọng. Quan trọng là cái giai
thoại đó muốn nói cái gì?
Anh Tư Ếch bèn kể cho
tui nghe một cái giai thoại về cách dùng chữ Miền Tây của nhà biên
khảo Sơn Nam.
“Một ông đạo diễn
viết: “Ði hái bông súng nấu canh chua”. Ông Sơn Nam gạch chữ hái, thay vào chữ
nhổ. “Trời ạ, một thằng Huế như tôi làm sao biết được người ta chỉ nhổ chứ
không hái bông súng. Hái chỉ có cái bông thì lấy gì để nấu canh?”
Tui bèn xía vô, xin
‘xạo xạo’ thêm một chút. Chưa nhổ thì gọi là cây bông súng, nó còn cái
bông. Nhổ lên ăn để ăn cái cọng không có bông. Theo tui, không phải khác biệt
về tiếng địa phương như ông đạo diễn Huế nầy nói đâu. Vì ngoài Trung, ngoài
Bắc cũng có động từ nhổ chớ sao không? Bà Hồ Xuân Hương có câu thơ: “Cột nhổ
đi rồi lỗ bỏ không”. Ðơn giản là ông đạo diễn nầy dùng chữ trật lất thế
thôi.
Anh Tư Ếch quả là dân
cà chớn chống xâm lăng. Ảnh cà khịa ông đạo diễn đã rồi ảnh quay qua
cà khịa ông nhà thơ. Ông nhà thơ viết bài: ‘Phải lòng con gái Bến Tre”.
Bài thơ nầy được phổ nhạc, hát rùm từ trong nước ra tới hải ngoại.
Là dân Mỹ Tho giáp mí
với Bến Tre, anh Tư Ếch không chịu cái chữ ‘phải lòng’ của ông nhà
thơ xứ Quảng có vẻ coi thường con ghệ Bến Tre của ảnh quá?! Dân
ngoài Trung không hiểu chữ ‘phải lòng’ trong quê Tư Ếch. Nếu một mình
thì gọi là khoái em. Phần em khoái mình thì cái đó gọi là chịu
đèn.
Theo tự điển, động từ
‘phải lòng’ là phải có hai người, trai và gái khoái lẫn nhau! Bậu có
cái lòng của bậu. Qua có cái lòng của qua. Ðem hai cái lòng đó đọ vừa khớp
với nhau mới gọi là phải lòng.
Còn chỉ mới rượt theo em
Bến Tre xuống Phà Rạch Miễu, tính dê hỗn! Mà em đẹp cỡ Phi Nhung chắc có kép
lâu rồi đâu có huỡn mà phải lòng với mấy cha?
Rồi chữ ngoe nguẩy
nữa. Anh Tư Ếch cũng hổng chịu luôn.
Khi một người con gái hờn
mát chuyện gì đó mới ngoe nguẩy. Ngoe nguẩy không phải là làm điệu, làm duyên
như ông nhà thơ đã nghĩ!
Rồi từ Sài Gòn xuống Bến
Tre là đúng. Vì bà con Lục tỉnh Nam Kỳ luôn lấy đèn Sài Gòn ngọn xanh
ngọn đỏ làm điểm đứng
Mỹ Tho cách Bến Tre 11
cây số, bà con mình nói qua Bến Tre; chớ không nói xuống bao giờ. Còn nếu nói
điểm xuất phát là Sài Gòn thì không ai xuống Bến Tre hơn 100 cây số mà đi xe
thổ mộ tức xe ngựa cả!
Rồi dùng chữ Phà ở đây
cũng trật lất. Thời đó, đi xe ngựa làm gì có chiếc Phà mà là chiếc Bắc!
Thế nên làm thơ, đặt lời
cho bản nhạc về cái vùng đất mình chưa rành thì nên kiếm Hồ Biểu Chánh, Vương
Hồng Sển, Sơn Nam mà học. Xin mấy ông đừng phang ẩu nữa được không nè? Chuyện
chữ nghĩa không thể giỡn chơi cho được!
Giảng bài xong. Dĩa
mồi đã hết. Thùng bia chỉ còn vỏ lon bia. Ðêm đã khuya. Ðài phát
thanh vẫn phát. Phát thanh viên Tư Ếch vẫn đía. Thính giả vẫn ngồi
đó, mắt nhắm híp, tui đã ngủ tự thuở nào. Ðêm cuối năm, tui mơ về
quê cũ.
Đoàn Xuân Thu
No comments:
Post a Comment