Khi đã làm mẹ của một người lính thì tôi càng thương Bà Ngoại
tôi nhiều hơn nữa ! Và tôi rất may mắn hơn bà của tôi.
Thuở nhỏ tôi ở với Bà Ngoại, vì ba tôi trong QLVNCH, còn mẹ tôi
làm trong bệnh viện cũng thường hay đi công tác xa.
Ngoại tôi rất thương tôi và trong mười mấy đứa cháu ngoại/nội
sau này, tôi vẫn là đứa được Ngoại thương nhiều nhất!
Dạo ấy tôi độ chừng vài tuổi đầu, tôi thường hay đứng hoặc ngồi
tựa vào cây cột xi măng trước mái hiên nhà vào buổi chiều để nhìn ra ngõ, tay
mân mê cái chéo khăn. Khăn của Ngoại tôi lấy choàng lên vai rồi đứng trông
ngóng ba mẹ tôi đi công tác ngoài kia chưa về.
Tôi rất mê ngửi mùi khăn của Ngoại vấn đầu, khăn Ngoại thoảng
mùi dầu xức tóc rất thơm “nhưng chắc chắn là không phải mùi dầu dừa.” Cái lọ nhỏ
nhỏ mà tôi đã được nhìn thấy mỗi khi Ngoại chải tóc hay xức lên tóc một ít cho
mượt mà dễ chải.
Thời gian cứ trôi... tôi lớn thêm đôi chút.
Tôi vẫn có thói quen đứng dựa cột chờ ba mẹ, chờ lúc lâu chưa thấy
về thì vào nhà rồi lại ra đứng chờ tiếp tục, những khoảnh khắc đó tôi hay thấy
Ngoại tôi ngồi bên khung cửa sổ đăm chiêu ngó ra cửa ngõ rồi lại xoay qua dán mắt
lên bức tranh gỗ được điêu khắc bằng tay treo trên vách. Trong tranh có một bà
lão gầy gò với ánh mắt u buồn nhìn theo dáng một người lính QLVNCH, đầu đội nón
sắt lưới, vai mang ba lô và cây súng đang quay lưng lại bà lão, bức tranh còn
có thêm dòng chữ: NÓ ĐÃ ĐI RỒI!
Tôi tò mò hỏi ngoại:
- Ngoại ơi, hình trong đó là ai mà Ngoại nhìn hoài vậy?
Ngoại nhìn tôi và trả lời:
- Bức tranh của thằng Chung, Cậu 5 của con, nó tự làm tặng cho
Ngoại lần trước nó đi hành quân về đó.
Sau câu trả lời ấy thì tôi bỗng thấy mắt Ngoại đỏ hoe, và nước
trong đôi mắt Ngoại đang lưng tròng..!
Từ đó, tôi không dám hỏi thêm điều gì nữa với Ngoại về bức tranh
của Cậu 5.
Sau ngày 30 tháng tư năm 1975, và vài năm sau Ngoại không còn
nhìn ra đầu ngõ nữa.
Lúc bấy giờ tôi thường hay thấyNgoại ngồi một mình và bà nhìn chằm
chằm vào bức tranh của Cậu 5 đang treo trên vách, hai hàng nước mắt Ngoại rơi
lã chã..! Tôi xót xa, thương Ngoại quá nhưng không biết làm gì hơn.
******
“Em trúng đạn rồi Đại Úy ơi!...” Câu
nói cuối cùng của Cậu 5 tôi thốt lên và cậu gục ngã sau đó!
Những người chiến hữu khi về tìm đến nhà bà đã kể lại cho Ngoại
tôi và gia đình biết sự việc.
Cậu tôi trúng đạn khi đang mang máy truyền tin đi trong đoàn
quân, và cậu đã chết trước 1 tiếng đồng hồ khi lệnh ngưng bắn được truyền thanh
do ông Dương Văn Minh tuyên bố.
Trong lúc hỗn loạn... anh em chiến binh đành đem xác cậu và những
thương binh để nằm nơi trường học và chỉ còn kịp gỡ tấm thẻ bài của cậu đem về
cho Ngoại.
Và... cậu 5 của tôi không có bia mộ, thân xác sau đó vùi chôn
nơi đâu cũng không rõ..!
Mặc dầu ba mẹ tôi cùng Ngoại đã nhiều lần tìm kiếm hỏi thăm những
người ở lân cận ngôi trường ấy để tìm nơi chôn xác cậu nhưng vẫn không tìm ra,
tôi nghe Ngoại kể lại: nghe đâu có người đã bó chiếu xác những người lính nằm lại
trong ngôi trường ấy đem vùi lấp đâu đó nhưng không ai biết ở đâu!
Sau này theo tôi nghĩ: có lẽ vì sợ hệ lụy nên họ không dám chỉ
chỗ vùi xác.
*****
Vài năm sau 1975, ba mẹ tôi cùng gia đình vượt biển.
Thời gian như thoi đưa...
Thoáng chốc đã hơn 20 năm, tôi và các con định cư nơi đất Mỹ!
*****
Sau những tháng quân trường ở Texas thì thằng con lớn tôi ra trận
“Iraq War”.
Có lẽ do dòng máu di truyền của ông cha, nên con tôi cũng thích
vào quân đội. Chẳng những là thằng con, em út và cousin của tôi cũng thích vậy
đó! Đứa lượn trên trời, đứa đi đường bộ, đứa lênh đênh trên biển.
TRỜI!!!!!
Từ lúc lọt lòng mẹ cho đến tuổi hiểu biết tôi đã trải qua không
biết bao nhiêu cuộc đau thương tang tóc của đại gia đình tôi vì chiến tranh Việt
Nam.
Giờ đến lượt em và con tôi đi tác chiến..!
Là người thích đọc tin tức báo chí nhưng kể từ ngày con tôi ra
trận,trái tim người mẹ lúc nào cũng thấp thỏm lo âu... đến mức độ tôi không còn
dám cầm tờ báo lên xem, vì sợ nhìn vào mấy bức ảnh đăng các gương mặt non choẹt
của những cậu lính Mỹ đã... một đi không trở lại trên góc của tờ báo.
Rồi thì cũng qua bao nhiêu năm....
Thật may mắn cho đại gia đình tôi, 3 chàng dạn dày sương gió, cả
3 đều về đến nhà bình an, và cả đại gia đình mừng mừng, tủi tủi.
******
Đếm dần thêm 20 năm đã trôi qua….
Con tôi là đứa bay nhảy nhiều nơi, nhiều Quốc Gia nhất nhà, con
không còn là cậu thanh niên mới lớn, mới vào quân đội như ngày nào.
Hôm nay được ngồi ăn buổi cơm cùng con tại nhà, tại USA, đó là
món quà lớn, là niềm hân hoan của người mẹ dõi mắt chờ trông con theo từng
tháng năm dài.
2 chữ “giải ngũ” con đã đem lại sự hãnh diện thay thế vào nỗi
lòng lo lắng thấp thỏm trong những ngày qua của người mẹ lính.
Tuy đang vui niềm vui cùng con, nhưng đến ngày 30 tháng tư thì
tôi không sao quên được đôi mắt của Ngoại. Đôi mắt chất chứa biết bao nỗi buồn
khi phải tiễn đưa các con của bà, từng người, từng người ra trận. Dòng lệ của
Ngoại như đã cạn khô trên đôi khóe mắt rướm máu vì thương nhớ những người con của
Ngoại ra đi mãi mãi.
Khi viết lên dòng tâm tình này tôi liên tưởng đến Ngoại, đến những
bà mẹ của lính... những giọt nước mắt trên gương mặt các bà khi hay tin con
mình không còn. Và nụ cười rạng rỡ chào đón các con của mẹ đi về đến nhà nguyên
vẹn.
Riêng tôi, xin cảm tạ Trời-Đất đã thương lấy tôi lúc tuổi về chiều,
đã cho tôi được niềm vui trọn vẹn của người mẹ lính.
******
Thường thì dân tộc nào cũng hay oán trách bọn “ngoại xâm.” Nhưng
thật ra, “nội chiến” trong anh em cũng là cảnh nhồi da xáo thịt, máu chảy thành
sông để lại bao đau thương cho những người mẹ đã từng trải qua sự mất mát những
đứa con thân yêu trong đó có Ngoại tôi. Thương xót cho những bà mẹ đã từng chín
tháng cưu mang những đứa con và đã đứt từng khúc ruột, vắt cạn máu và nước mắt
để nhìn những đứa con thân yêu lìa xa, và thương cho những người Vị Quốc Vong
Thân đã bị vùi nắm xương tàn dưới lòng đất không bia mộ!
Ôi! Còn nỗi đau nào hơn…
Ngày 1 tháng 5 năm 2024
Đăng Tâm
(Sau này Ngoại đã mất, có lần tôi về thăm quê Ngoại, tôi hỏi Mợ
Tư về bức tranh đâu, tôi không thấy nữa! Mợ trả lời: đã bỏ đi rồi... sau khi
Ngoại đã mất).
No comments:
Post a Comment