Hình minh họa
Tôi vốn là sĩ quan cấp
thấp,ở lại đơn vị chiến đấu, ngày đại tang mở đầu cho miền nam, tôi đang phục
vụ tại tuyến đầu... Trút bỏ bộ quân phục nhiều ngày với bùn đất mồ hôi, tôi
chẳng còn có gì để cho vợ và con thơ đang chờ tôi tại khu gia binh hậu cứ Trung
Đoàn. Trên chặng đường dài tìm về hậu cứ, lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi phải
ngửa tay xin ăn, xin mặc, nhưng cũng từ hành động này tôi hiểu ra được một cách
sâu sắc rằng: người lính Việt Nam Cộng Hòa đã có 1 chỗ đứng nhất định trong
lòng đồng bào.Tôi không chỉ nhận được quần áo, nhận được tiền bạc để làm lộ phí,
được ăn bữa cơm ấm áp tình người mà còn có cả lời vỗ về, an ủi.
Lần mò về đến khu Trại
gia binh hậu cứ, một quang cảnh hiện ra trước mắt tôi, toàn bộ những dãy nhà đã
đổ nát, cháy, còn trơ lại một ít cây cột sắt. Đứng bên cạnh hàng rào kẽm gai,
lòng tôi quăn thắt: “Trời ơi, sao lại thế này!” Tôi buột miệng thốt lên:
“Chẳng lẽ lại đánh nhau ở đây hay sao?”
- Chú đứng ở đây làm
gì? Coi chừng bị bắt đó!
Tôi giật mình quay
lại, một bà mẹ đứng bên cạnh tôi với cái túi đệm trên tay, chiếc khăn rằn trên
cổ, miệng nhai trầu bỏm bẻm, mái tóc đã bạc khô.
- Cháu ở mặt trận về,
tìm vợ và cháu nhỏ, trước ở trong này....
- Thôi đi với dì.
Bà kéo nhẹ tay áo tôi:
- Dì nói cho con nghe.
Đánh nhau ở đây lớn lắm, ông chỉ huy không chịu đầu hàng, nên họ trả thù...
Không còn ai sống sót.
Tôi vội hỏi:
- Họ giết cả đàn bà và
trẻ con?
- Dì không thấy, nhưng
rất nhiều người đã nói vậy, nhưng chú nên hỏi thăm bà con của chú xem, biết
đâu!
Dì nhắc lại:
- Đừng luẩn quẩn ở đây, nó bắt đó!
Từ giã bà mẹ, tôi đành
đi lang thang, tìm đến những chỗ quen hỏi thăm. Không ai cho tôi câu trả lời hy
vọng, tôi hỏi thăm về chỗ chôn người chết, câu trả lời khuyên tôi: “Chú chẳng
tìm thấy gì đâu! Nguy hiểm”.
Đất nước đã được “giải phóng”, chiến tranh đã chấm dứt, người dân không tìm được sự vui mừng; sợ sệt và lo âu căng thẳng trong cuộc sống của mỗi con người. Nhưng tôi biết phải đi đâu? Chỉ còn ở tiểu thị trấn này may ra còn có tin tức về gia đình.
Rồi một đêm của tháng
năm, như thường lệ, tôi nằm gối đầu lên thềm nhà của một căn phố tìm giấc ngủ
qua đêm, chợt có tiếng súng nổ, có tiếng rượt đuổi, hò hét... rồi có những bóng
người chạy vượt qua chỗ tôi nằm... Tôi vừa mới ngồi dậy tựa lưng vào tường thì
một đầu mũi súng lạnh ngắt dí vào mặt tôi:
- Đồng chí, bắt được
nó rồi, phản động.
Chưa kịp nhìn rõ mặt
người nói thì nhận một báng súng giáng vào đầu, tôi ngã xuống hôn mê...
Khi tôi tỉnh dậy, thấy
mình đang nằm trên một nền gạch trong một căn phòng trống trơn, cửa đóng kín
bưng với một ngọn đèn vàng ệch trên đầu, tay chân tôi bị trói bằng dây điện,
máu dồn thâm tím với sự nhức nhối không sao tưởng tượng được. Tôi vào cuộc từ
ngày đó, để gặp lại những người cùng màu cờ, màu áo ngày nào,khác chăng chút
đỉnh là để tôi có dịp nói: “Tôi bị bắt với tội phản động, chống lại chính
quyền Cách mạng 30/4. Còn tại sao họ không xử tử hình tôi, tại sao họ lại nhập
chung tôi với những người trình diện thì tôi không hiểu.” Chỉ mang máng
nhớ lại lời của cán bộ quản giáo chấp cung: Đó là chính sách khoan hồng nhân
đạo của Đảng sau khi tôi bị hành hạ, tra tấn suốt mấy ngày đêm. Rồi tôi cũng
được còng tay đưa ra miền Bắc, người cán bộ cộng sản nói rằng: để tạo điều kiện
thuận lợi giúp các anh cải tạo tốt sớm về sum họp với gia đình! Tôi không nhận
thư, không nhận quà, tôi vô sản 100% .
Vốn mồ côi từ bé, chú
tôi thương tình đem về nuôi cho tôi đi học và cũng để chăm sóc các em. Cũng
may, tôi có chút đỉnh thông minh nên qua được bậc Trung Học, có được bằngTúTài
để sau đó động viên thành Sĩ Quan QLVNCH. Trước
năm 1975, chú tôi mất, cuộc chiến nơi chỗ chú tôi ở trở nên ác liệt, và tại
chiến trường hầu như không có dịp để nghỉ ngơi, nên tôi không làm sao có thì
giờ về thăm thím và các em; giờ đây tôi hiểu, thím tôi đang gặp khó khăn biết
chừng nào. Trong lý lịch, nơi địa chỉ khai báo, tôi không biết chọn ở đâu, nên
ghi đại địa chỉ nhà thím tôi mà đã từ lâu không liên lạc...
Trong nhà tù, hằng
tháng có lệnh cho viết thư, tôi thèm nhận một lá thư nên thỉnh thoảng viết về
địa chỉ của thím nhưng tôi chẳng nhận gì. Cuộc sống là một nỗi buồn mênh
mang... Con người là một sinh vật sống dai, tôi chờ đợi cái chết đến mà nó
không đến. Ngày ngày tôi mấn mó đến các xương sườn, nhổ từng sợi râu cằm, đi
lao động, tôi để ý nhặt nhạnh cọng rau, que củi, chú nhái xấu số chậm chân.
Chịu khó một chút, ngày được phép nấu nướng, tôi cũng có một chút gì của anh em
may mắn có gia đình thăm nuôi chia xẻ để thưởng thức hương vị mỡ màng...
7 năm, tôi được thả
ra, anh em đồng cảnh an ủi: “Đừng buồn, âu cũng là số phận. Nhưng thà như vậy
còn hơn vợ bỏ đi lấy nón cối, dép râu... làm sao lại có thể nằm ngửa để cho
thằng Việt Cộng cưỡi lên người! Hừ đúng là đổi đời!”
Tôi lặn lội về quê, bộ
áo tù, lần nữa đã giúp tôi về đến nhà: “Chú mơi” ra hả, trước ở đơn vị nào,
chà, cấp úy mà cũng bị đến 7 năm... Cầm lấy chút đỉnh đi đường”. Trên chiếc xe
đò, tôi trở thành khách danh dự: không phải trả tiền xe, được mời ăn bánh, mời
hút thuốc, và khi nghe tôi nói về hoàn cảnh của mình thì đã có người rướm lệ,
nhưng cũng có người kề tai tôi nói nhỏ: “Chú khổ trong tù,
nhưng chú có biết còn có nhiều người còn khổ hơn chú kể từ lúc mấy chú ra đi!”
Tôi chỉ ở nhà thím tôi
được 5 ngày, xã chứng nhận tôi đã về đến nơi trình diện. Nhưng để quản lý chắc
ăn, họ thu cái giấy ra trại của tôi và chỉ thị cho tôi những điều phải làm hàng
ngày trong thời gian quản chế. Làm sao tôi có thể sống được khi gia đình thím
tôi quá nghèo, giờ đây lại còn cưu mang thêm một miệng ăn, tôi lại chẳng có
việc gì để làm ra tiền, ngoại trừ phải lao động xã hội chủ nghĩa.
Nhớ lời một thằng bạn, trước cùng ở chung đơn vị, tình cờ gặp lại nó ở Sài Gòn lúc tìm xe về địa phương. “Nếu kẹt, quay lên đây,
sống đại tới đâu thì tới. Thí mạng cùi...” Sài Gòn, thằng bạn đã bao bọc tôi,
tháng tháng đóng tiền cho thằng công an khu vực, tôi sống với đủ thứ nghề để
sau cùng chọn đạp xích lô tiện hơn làm phụ hồ, khuân vác...quên đời bằng những
bữa nhậu vỉa hè với đế thật cay, mặc cho tương lai và cũng mặc cho thế sự...
Sài Gòn, chỗ nào cũng nói vượt biên, tôi nghe cũng chỉ để mà nghe, vượt biên
được tính bằng cây, bằng chỉ, tôi làm sao có thể đi được!!
Năm 1988, phải gọi là
năm của Tù Cải Tạo.Do tình hình của khối Xã Hội Chủ Nghĩa bị khủng hoảng, Liên
Xô đang lo cứu nguy nền kinh tế đang bị kiệt quệ của mình, không thể mở rộng
vòng tay cho đàn em như ngày nào, nên buộc lòng Việt Cộng phải tự cứu mình. Cần
có đô la, cần tấm lòng của tên đế quốc... Cần ve vuốt khối người di tản hồi
tháng 4/75, nên quyết định thả đại tù. Báo chí, truyền thanh, truyền hình dấy
lên một phong trào đón tiếp rầm rộ... những ông HO đã trở về, những ông HO sẽ
được Mỹ đón sang Mỹ, những ông HO sẽ được cấp nhà, cấp xe, lãnh tiền tù..!!
Những ông HO giờ đây đã có giá... khiến bọn Việt Cộng phải kêu than: “Tụi nó
thời nào cũng sướng hơn mình, đúng là chơi theo kiểu Mỹ... Mai Chí Thọ trùm
công an, Ủy viên Bộ Chính Trị hậm hực với đám cựu tù: “Đây là do áp lực mà Đảng
quyết định thả các anh ra, còn tôi thì sẽ không bao giờ thả các anh ra”... Giờ
đây, những ông cựu tù đã có giá... và từ cái giá này có những câu chuyện tiếp
theo thể hiện thế thái nhân tình...
Những mụ sĩ quan sống
dựa hơi chồng, ỏng a, ỏng ẹo ngày nào, khi chồng hết thời đi tù đã quên ngay
tình nghĩa, chụp lấy thằng nón cối để tìm lại chút uy... hoặc thay vì lăn lộn
nuôi con, chọn cách dễ nhất, lấy đại thằng đàn ông nào có thừa tiền bạc, kể cả
anh Ba bán hủ tiếu bò kho, kể cả mấy chú em tài xế riêng của chồng, hay lính ma
lính kiểng... coi như chồng đã chết rồi... Ông HO trở về, lần nữa vì đàn con,
ông HO chấp nhận coi như chuyện đã qua để cùng đi Hoa Kỳ, nếu không thì cũng
rất khó vì bà sẽ quậy...tại sao không cho tui đi khi tui có hôn
thú hẳn hòi... tui thưa lên Công an thành phố!
Đúng là xui tận mạng.
Phải biết được đi Mỹ thì chịu khó ở trong tù cho đủ 3 năm với người ta, bày đặt
chạy chọt ra sớm, tốn khá vàng, để bây giờ thua thiệt. Hoặc có người còn tiếc:
giá mà hồi đó mình khai đại một cái tội nào đó để đi tù thì bây giờ... chà đi
Mỹ với danh xưng tị nạn chính trị sau khi ở tù ra nghe nó ngon lành làm sao!
Những ông HO không vợ, do hoàn cảnh nào đó, bỗng dưng có những ông mai, bà mối
chạy quanh: 5 cây, 10 cây, Honda Dream... nếu chịu lập gia đinh... Thậm chí
những ông HO sồn sồn đã cưới được những cô vợ trẻ.. Người dân dưới chế độ Xã
Hội Chủ nghĩa chỉ khao khát một điều: tìm một nơi khác để sống, tao chán cái xã
hội này quá rồi,cho nên chết sống gì thì cũng tìm cách ra đi. Năm 1990, cụ thể -
HO1 ra đi, Mỹ đón thật sự. Nhịp độ càng hối hả, đi cho lẹ kẻo Việt Cộng nó đổi
ý thì khốn, ai mà tin chúng được. Ngày ngày, tôi có dịp chở khách chạy ngang
qua đường Võ Tánh cũ cạnh Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, một trung tâm dịch vụ
xuất cảnh đã được thành lập tại đây để thực hiện chính sách nhân đạo của nhà
nước Cộng Sản: bóc lột trắng trợn người HO đến đây để làm hồ sơ.Tôi cựu tù nhân
những 7 năm thế mà đành chịu...không tiền bạc, tờ giấy ra trại để làm bằng cũng
bị thâu thì làm sao để đi. Chẳng lẽ đi rao cái giá tù của mình như một sự mua
bán! Tôi không thể làm điều đó được, mặc dù có mấy đứa bạn đề nghị với tôi. Còn
tờ hộ khẩu và còn những giấy tờ nào khác của mình làm sao cho có?
Năm, từng năm, 91, 92,
93, 94, tôi đành thua cuộc lắm lúc nói đùa: “Mẹ kiếp, tụi qua Mỹ gởi thơ về
than khổ, than cực: làm bồi khách sạn, gác dan, rửa chén, nhặt rau... chứ sướng
nỗi gì? Chúng nó nói: “Cày mệt nghỉ mới có nhà, có xe...” Nhưng cũng nhiều
lần có dịp chở các ông bà Việt Kiều, cứ xem phong thái của họ: da thịt hồng
hào, trắng trẻo, tuy không trát nhiều phấn, không sơn đỏ móng tay nhưng vẫn
thấy họ có cái gì đó hơn người nhà giàu ở đây..Cho nên khổ thì khổ, nhưng ít ra
cũng hơn sống ở xứ này, lòng tôi có cả sự phân vân lẫn ngậm ngùi thân phận...
Thế rồi, cho đến một
hôm, tôi chở một người đàn bà từ chợ Bến Thành về nhà, mãi mê nói chuyện nắng
mưa cốt để quên nhọc nhằn theo thói quen, tôi không để ý đến tấm bảng cấm...
Công an nhân dân xuất hiện đòi xem giấy tờ.Tôi đành phải khai thật, mình là dân
cải tạo qua các trại Bắc Nam, được thả về, nhưng bị mất giấy tờ chứ nếu không
thì cũng đi Hoa Kỳ như ai..Rồi tôi sau đó áp dụng nguyên tắc đầu tiên: Nói nhỏ
vừa đủ nghe: “Xin chú cầm chút đỉnh uống cà phê”... Người
đàn bà lúc đầu thấy xe bị chận lại có phần bực mình, nhưng khi nghe tôi kể về
lý lịch của mình thì thay đổi thái độ nói xen vào: “Thôi mà các chú, chú ấy tù lâu, lại không có gia đình, tha cho
chú ấy đi”... Và tôi như mọi lần với kỹ thuật nghề nghiệp, cặp tờ giấy bạc
trong hai ngón tay, hơi chồm người về phía trước che khuất người đàn bà. Công
an nhân dân cũng rất kỹ thuật đón lấy tờ giấy bạc kèm theo câu: “Thôi tha cho
lần này, lần sau mà tái phạm thì”... tôi vội vàng nhảy
lên xe... Đến nhà, người đàn bà xuống xe, trong khi trả tiền đã hỏi tôi:
- Anh có muốn đi Mỹ
không?
Tôi thành thật trả
lời:
- Cũng không rõ là
muốn hay không... nhưng dù sao đi Mỹ cũng là điều hấp dẫn. Có điều tôi không đủ
khả năng để chạy giấy tờ, khá tốn kém.
Người đàn bà mời tôi
vào nhà, mời tôi uống nước và trong câu chuyện đã khéo léo điều tra về lý lịch
của tôi, sau đó nói với tôi:
- Nếu anh thực sự là
sĩ quan đi cải tạo về, nếu muốn đi Hoa Kỳ thì tôi có cách giúp anh. Hãy suy
nghĩ thật kỹ, nếu có quyết định thì tuần tới cũng vào giờ này, anh quay trở
lại. Tôi tên là Mai, thôi chào anh, chúc anh khỏe mạnh.
Tôi ra xe, ghi nhớ số
nhà, ghi nhớ khuôn mặt, vóc dáng người đàn bà. Con người có thể tin cậy được
qua lời nói và cử chỉ, tôi chợt nhớ đến lời chú tôi: “Những ai khi nói chuyện với người khác nhìn thẳng vào mắt hầu hết đều trung thực”.
Người đàn bà này đã có đặc điểm đó, tiếng nói trong và ấm, khỏe mạnh và duyên
dáng.
Tôi chợt nghĩ: hay giờ
đây lại đến lượt mình. Trong khi chờ đợi đến ngày hẹn, những lúc gác xe dưới
tàng cây nằm nghĩ lấy sức, tôi có những giấc mơ được ôm ấp một thân thể, được
yêu, được vỗ về, có một mái nhà, có bữa cơm gia đình. Và buồn cười là tôi bắt đầu săn sóc mái tóc mà đã từ lâu tôi quên nó, tôi nặn mụt trên
mặt, chịu khó đánh răng, cạo râu, và tìm kiếm nụ cười sao cho tươi tắn một chút
trong tấm gương con.
Đến ngày hẹn, chọn bộ
quần áo lao động sạch sẽ, mượn thằng bạn chiếc xe Honda. Lần đầu tiên nó ngạc
nhiên khi thấy tôi “sạch sẽ” hơn bao giờ. Tôi đã ngắm nghía nhiều lần
trước tấm gương, mỉm cười tự tin:Ta là dân HO thứ thiệt 100% được thì chơi tới,
không thì thôi, có thiệt gì đâu mà ngại! Nói thì nói thế, nhưng trong lòng sao
vẫn rộn ràng như đang làm một cuộc hẹn hò yêu đương của thời mới lớn.
Tôi vừa dừng xe, thì
nàng đã xuất hiện ở cửa, trông nàng thật tươi mát trong bộ quần áo lụa màu
xanh, má hồng... Và tôi nghĩ rằng nàng cũng ngạc nhiên về tôi. Anh chàng xích
lô này cũng không đến nổi quá tệ.
- Anh đến thật đúng
giờ.Trông anh đêm nay khác nhiều. Anh hãy đẩy xe vào trong nhà kẻo không yên
tâm khi nói chuyện. Hôm trước, nhà đối diện với chúng tôi, chỉ sơ ý một chút đã
bị lấy mất. Sài Gòn bây giờ quá lộng.
- Dù sao thì tôi cũng
là dân nhà binh và tôi lại có cái thói quen: không được phép trễ đối với lời
hẹn của mấy bà. Tôi không đề cập gì đến chuyện xe cộ, mùi nước hoa thoảng nhẹ
qua mũi tôi, trông nàng thật quyến rũ.
- Mấy ông galant quá
trời, bồ bịch chắc dữ lắm... Mời anh ngồi.
Tôi ngồi xuống chiếc
ghế salon, nàng ngồi đối diện, bộ ghế màu tím sậm, một vài chỗ đã sờn theo thời
gian, gian nhà trông sạch sẽ và ngăn nắp.
- Anh dùng nước đá
chanh, gia đình tôi không có ai uống trà và rượu.
- Cám ơn chị, tôi chỉ
thích uống rượu đế thật cay vào buổi tối để quên đời, ngoài ra thì cái gì cũng
quí cả.
Nàng nhìn tôi, sửa lại
ghế ngồi, đắn đo một giây, nàng nói:
- Tôi nghĩ rằng anh
không tránh khỏi nghĩ ngợi về cuộc gặp gỡ này. Nhưng bây giờ là lúc tôi nói với
anh thật đứng đắn về việc anh muốn đi Mỹ theo diện HO. Anh đã nói thành thật về
lý lịch của anh nên tôi biết rõ, ngoài cái tên mà anh đã cho tôi hôm trước Mai
Quang Thông, tôi còn biết anh sinh năm 1947 ở Mỹ Tho, anh học trường trung học
Nguyễn Đình Chiểu, anh vào Thủ Đức, đi tù với tội danh bị bắt vì chống phá chánh
quyền cách mạng. Như vậy, về căn bản, anh đủ điều kiện đi Mỹ, vấn đề còn lại
chỉ là thủ tục.
Tôi tiếp lời nàng:
- Chị Mai, với tôi vấn
đề là thủ tục.
- Anh Thông, tôi có
khả năng lo liệu vấn đề này.
- Xin chị nói cho tôi
biết tôi phải làm gì? điều kiện?
- Anh Thông, tôi muốn
được đi ra nước ngoài, tôi là quả phụ, chồng tôi cũng là sĩ quan, anh tử trận ở
An Lộc năm 1973. Tôi có 2 con, một gái một trai. Tôi không muốn chúng lớn lên ở
cái xứ sở này để trở thành công dân xã hội chủ nghĩa quen thói nói dối, tàn
nhẫn và lừa lọc, nói khác đi không có tương lai.
Nàng đứng dậy:
- Xin mời anh theo tôi
để tôi chỉ cho anh xem nhà tôi và các con tôi.
Sau tấm bình
phong,trên chiếc tủ thấp, nơi thờ phượng chồng nàng. Một tấm ảnh lớn, sĩ quan
cấp tá QĐVNCH còn rất trẻ, với nhiều huy chương.
- Còn đây là ảnh gia
đình. Anh ấy, tôi và các con khi đi chơi sở thú lúc anh về phép.
Tôi muốn tìm thấy một
sự so sánh giữa con người mặc quân phục và con người mặc thường phục.Tôi quay
lại, cặp mắt người sĩ quan nhìn tôi đăm đăm, tôi có cảm giác con người đó đang
trao cho tôi một nhiệm vụ.
- Nhà này đứng tên mẹ
tôi, nhưng chính là nhà của chúng tôi, cũng may chứ nếu không thì rắc rối. Mẹ
tôi ở với chị tôi trên lầu, còn tôi ở dưới này với các con. Xin mời anh trở lại
phòng khách để chúng ta có thể bàn thêm....
- Anh Thông!
Khuôn mặt nàng toát
lên một sự nghiêm nghị, hơi chồm người về phía trước, nàng nói:
- Điều kiện còn lại
quan trọng nhất để chúng tôi và anh đi là tờ hôn thú. Anh lập gia đình với tôi.
Tôi sẽ lo liệu tất cả mọi thủ tục xuất cảnh, xin anh cho biết ý kiến của anh
như thế nào?
Tôi không tránh khỏi
bối rối. Vợ chồng trên danh nghĩa hay vợ chồng thủ tục, thật khó cho tôi để có
thể hỏi nàng về điểm này:
- Chị Mai, tôi không
có điều kiện gì cả. Vấn đề tôi ở đây hay đi Hoa Kỳ cũng chẳng có gì lớn lao cho
bản thân tôi. Tôi không có cha mẹ, vợ con và tôi không tìm thấy được một tin
tức nào để kết luận là sống hay chết từ sau tháng 4/75 mặc dù tôi đã để tâm tìm
kiếm khắp nơi. Hiện tại tôi sống lang bang. Nhưng tôi vẫn là chiến hữu trong
đại gia đình Quân Đội, những gì chị muốn, tôi sẽ làm không có gì trở ngại vì đó cũng là bổn phận mà thôi. Tôi nói không một
chút dối lòng, nàng không tránh được xúc động, một lúc sau nàng nói:
- Anh Thông, cám ơn
anh, nhưng Mai đề nghị anh nên suy nghĩ cho thật kỹ. Điều kiện rất hệ trọng đến
cuộc sống của anh. Mai rất cảm kích trước tấm lòng của anh. Đối với chính phủ
Hoa Kỳ, tờ hôn thú sẽ ràng buộc trách nhiệm với nhau khi sang bên đó. Nhất là,
tôi sợ anh sẽ bị mặc cảm: tôi dùng tiền bạc mua anh.
- Chị Mai, không ai có thể mua tôi được. Đời dạy cho tôi
nhiều thứ, cuộc sống quân ngũ dạy cho tôi nhiều thứ. Tôi cũng chẳng có gì để
mất, tất cả tùy thuộc ở chị.
- Anh nghĩ gì khi ký
tên vào tờ hôn thú, điểm quan trọng?
- Tất cả tùy thuộc vào
trái tim, hãy để nó quyết định, trước mắt là sự tin cậy ở nhau.
- Cám ơn anh!
Nàng mỉm cười tinh
nghịch:
- Tuần sau xin mời anh
đến, tôi sẽ lo xong giấy ra trại cho anh.
Đưa tôi ra tận đường,
bắt tay tôi, cái siết tay ấm áp tin cậy. Đã lâu rồi tôi sống trong cảm giác
nguội lạnh, giờ đây tôi cảm thấy có một cái gì đó nao nao trong lòng... Hôm nay
nắng Sài Gòn như rực rỡ hơn, cuộc sống không đến nỗi quá tồi để hiểu nhau và
chia xẻ dành cho những con người Ngụy bị chính quyền cộng sản coi như kẻ thù.
Tôi chạy xe lòng vòng trên các con đường quen thuộc.
Cặp mắt người sĩ quan
chồng nàng trong tấm ảnh vẫn theo tôi. Những ngày còn lại trong tuần, tôi rơi
vào một sự mệt mỏi, chán nản, mỗi khi đẩy chiếc xe ra đường. Tôi trầm tư đến độ
có mấy lần suýt xảy ra tai nạn, nhưng trong tâm tưởng tôi hiểu rằng cuộc sống
tôi sẽ đổi thay.
Đúng hẹn, tôi lại đến,
vẫn quần áo lao động tươm tất, nhưng tôi không mượn được xe Honda, thong dong
với chiếc xe Cyclo của mình, trái tim tôi rộn ràng và ấm áp tôi đến nhà nàng.
Nàng đón tôi, với nụ cười tươi tắn, hình như nàng không chú ý gì đến chiếc xe
Cyclo mà nàng đang phủ lên con người tôi đôi mắt trìu mến, dịu dàng tha thiết.
Vừa ngồi xuống ghế,
nàng đã trao cho tôi tờ giấy ra trại, nàng nhắc tôi:
- Anh hãy xem kỹ có gì
sai về lý lịch không?
Tờ giấy quái ác này,
màu giấy vàng nhợt nhạt trả cái giá 7 năm cũng chưa xong. Sau đó tôi cầm đọc
qua với ý nghĩ trong đầu.
- Không có gì sai, chị
làm nhanh thật.
Một cái nhếch mép thật
gợi cảm của nàng:
- Xứ sở này mà anh.
Nhanh hay chậm tùy thuộc tất cả vào điều kiện “ĐẦU TIÊN” của hệ thống hành
chánh XHCN, của tập trung đỉnh cao trí tuệ.
Hôm nay, thì xin mời
anh ở lại dùng cơm, tôi sẽ giới thiệu Mẹ tôi, Chị tôi cùng hai cháu với anh. Ít
hôm nữa chúng ta sẽ ký tờ hôn thú. Anh còn nhiều thì giờ để rút lui nếu anh
không muốn đi xa hơn.
Tôi bày tỏ nỗi ưu tư của
mình:
- Hình như sẽ không
nhanh đâu, vì còn phải có TV của Mỹ nữa thì mới được xét, có người cho tôi biết
sẽ mất nhiều ngày giờ.
- Tôi có thể lo liệu
được. Thưa anh, nếu không thì tôi không đặt thành vấn đề. Như anh nói, chúng ta
còn phải đối phó với thời gian, nhưng chỗ mà tôi đang chạy không phải ở đây mà
tận ngoài Hà Nội, và đã có kết quả trước đây với một số người. Sau khi chúng ta
lập hôn thú, anh có thể về đây ở với chúng tôi nếu anh muốn. Anh cần phải được
nghỉ ngơi, học Anh văn để có thể sớm thích nghi khi đến nơi... Chúng ta đi muộn
cho nên mọi thứ đều phải chuẩn bị trước. Anh đã ở tù, chắc anh sẽ không chê tôi
lo cho anh bữa ăn hàng ngày đạm bạc, anh thấy thế nào?Xin anh hãy thẳng thắn với
nhau.
- Tôi thực sự chưa
nghĩ đến điều này. Từ rất lâu, tôi sống cô độc, con người tôi chưa nhận được
một sự chăm sóc nào từ sau ngày cộng sản chiếm miền Nam, nhưng không biết có
bất tiện cho chị không?
Nàng lập lại với nụ cười
và cái nhìn hóm hỉnh:
- Thưa anh, không có
gì bất tiện. Tôi cần ra đi, tôi cần tương lai cho các cháu, tôi cần anh giúp
đỡ. Tôi phải có bổn phận lo cho anh trong cuộc sống hàng ngày. Nhà có căn phòng
riêng cho anh... Còn chuyện vợ chồng là chuyện của trái tim, hãy đợi cho nó chín
mùi!
Ngày tháng trôi đi
thật nhanh, tôi có một chỗ đi về mỗi ngày, tôi có cặp mắt trìu mến của người
mẹ, tôi có tiếng cười hồn nhiên của các con nàng, chúng thông minh và lễ phép,
tối có ánh đèn đêm ấm cúng của một gia đình quây quần bên nhau kể về kỷ niệm xa
xưa... Tôi có những giờ phút cùng nàng học Anh văn sửa giọng cho nhau và tôi
không đến nỗi tồi để làm cho các cháu phục tôi khi giúp chúng giải các bài toán
khó. Một người đàn ông trong gia đình, luôn có chỗ đứng cần thiết cho họ. Những
năm tháng khổ cực của tuổi học trò, cuộc sống phong sương, lửa đạn chiến
trường, cuộc sống lao tù... Trong bể hạnh phúc, tôi trở thành người bảo vệ
trước tiên cho chính mình. Mỗi ngày, nàng có một số thì giờ phụ bán hàng cho
chị của nàng trong chợ Bến Thành, tôi đưa nàng đi, đón nàng về, đón các cháu đi
học. Thì giờ còn lại tôi học Anh văn, để tối đến tôi hướng dẫn cho nàng và hai
cháu.
Sài Gòn, những đêm
mưa, tôi không sao ngủ được. Cuộc sống con người không chỉ có ăn, có mặc, có
đọc sách. Cuộc sống con người cần phải có tình yêu. Tôi thường đứng bên cửa sổ
nhìn mưa trên hè phố, có lúc tôi áp mặt vào song sắt để hứng lấy tơ mưa mát dịu.
Trong một mái nhà, ngày ngày gặp nhau, cung cách cư xử của Mai không cho phép
tôi có cơ hội để bày tỏ nỗi lòng của mình. Nàng trong sáng quá, tôi chỉ sợ niềm hạnh phúc hiện tại sẽ mong manh nếu tôi không gìn giữ được ở
chính mình. Hãy để cho trái tim chín mùi...bằng chờ đợi. Tôi thường nhắc cho
mình như một điệp khúc. Rồi ngày phỏng vấn đã đến. Đó là một ngày quan trọng
nhất đối với chúng tôi. Nếu Mỹ bác thì coi như công cốc xây dựng mọi thứ cả năm
dài. Chúng tôi duyệt lại mọi chi tiết về hồ sơ, nàng mang theo những giấy tờ và
hình ảnh của chồng nàng. ..Tôi thực sự lo lắng ưu tư hơn nàng. Vì nếu không
được cùng đi thì đây là một mất mát to lớn cho chính tôi vì tôi đã yêu nàng và
tôi cần có nàng.
Trông thấy tôi lo
ngại, nàng đã đặt tay lên cánh tay tôi, nhìn tôi âu yếm:
- Anh Thông, Mai tin
mọi sự sẽ thành...
Sau đó nàng cười:
- Còn nếu không, thì
anh cũng chẳng có gì để thua thiệt. Tôi chợt nổi nóng, chụp lấy vai nàng, tôi
nhấn mạnh:
- Mai, nếu không đi
được thì đây là nỗi bất hạnh của cuộc sống còn lại của anh. Anh yêu em, yêu
thật tình, em biết không? Anh muốn chúng ta thực sự là vợ chồng sống cho nhau!
Nghe tôi nói, nước mắt
nàng trào ra, nàng thì thầm:
- Em hiểu, nhưng anh
có thương các con không?
Tôi cùng nàng quay
lại, hai đứa nhỏ, chúng nó đang nhìn chúng tôi. Tôi quì xuống ôm chúng trong
đôi tay của mình:
- Các con biết không,
chúng ta là một.
... Tiếng loa gọi tên
chúng tôi lên phòng phỏng vấn. Chúng tôi nắm tay nhau chan hòa hạnh phúc. Trong
căn phòng nhỏ, chỉ có người Mỹ và 1 thông dịch viên. Chúng tôi lập lại lời thề
nói sự thật, nhưng lúc đó tôi lại nghĩ rằng: Sự thật lớn nhất với tôi là được
yêu nàng. Không có các câu hỏi truy vấn, điều chú ý duy nhất là tờ hôn thú mới
lập, nhưng rồi cũng đi qua. Tôi là sĩ quan chiến đấu ở mặt trận, nàng là quả
phụ, được ra đi cũng là lẽ đương nhiên.
Niềm vui đến với cả
nhà, chiều hôm đó chúng tôi cùng đi viếng mộ chồng nàng, khi nàng đặt bó hoa,
đĩa trái cây bánh mứt và thắp hương cùng các con khấn nguyện. Tôi giật
chân đứng theo thế nghiêm đưa tay chào kính: “Thưa anh, tôi hứa sẽ lo cho Mai
và các cháu trong phần đời còn lại của tôi”. Sau đó, tôi đi tản bộ ra đường,
tôi muốn để mẹ con nàng có thì giờ riêng tư với người đã mất. Trở về nhà, nàng
làm mâm cơm cúng chồng. Góa phụ 3 năm có quyền tái giá, nàng là góa phụ của
nhiều năm, tôi nghĩ chồng nàng sẽ cảm thông chấp nhận. Buổi tối, sau khi tiễn
khách thân thuộc ra về, nàng đề nghị tôi đưa nàng ra công viên, lần đầu tiên
tôi có cái hạnh phúc đón nhận một vòng tay trên chiếc xe Honda, lần đầu tiên
tôi có cảm giác ấm áp rạo rực khi nàng áp mái đầu vào lưng tôi... Thành phố Sài
Gòn, với những con đường quen thuộc, hôm nay sao đẹp bội phần, tôi muốn đi khắp
các con đường mà tôi đã trải qua trong nhiều năm tháng trước đây với nỗi buồn
mênh mang, với nỗi mệt mỏi không rời đằng sau càng lái của chiếc xe Cyclo...
Sau khi gởi xe Honda,
chúng tôi nắm lấy tay nhau đi chậm chậm trong công viên. Mai thì thầm:
- Anh ơi! Đã lâu lắm
rồi, em mới được sống lại cái hạnh phúc đi cùng một người đàn ông trong công
viên. Em cứ nghĩ em sẽ ở như vậy suốt đời để lo cho con nếu không tìm được cách
nào đó để ra đi.
- Em không có lần nào
tính vượt biên sao? Vượt biên trước đây nó như là một cái dịch kia mà.
- Em có thử hai lần,
tốn cũng không ít nhưng không thành, bạn em mất tích; một chuyến đi bị hải tặc,
nghe nói lại đủ nổi da gà... Thế giới này sao lắm sự tàn ác. Từ đó, em cho là
số phận đã an bài.
Bóng đêm nho nhỏ, đèn
đường nhấp nháy lẫn khuất sau các khóm cây. Trên ghế đá công viên, những cặp
tình nhân đang âu yếm, có tiếng thì thầm, xuýt xoa, có âm thanh của nụ hôn kéo
dài, có tiếng cười rúc rích... Tôi vòng tay qua thân hình Mai siết nhẹ, tôi hôn
mái tóc nàng với tất cả nỗi khao khát dồn nén từ lâu.
Mai chợt hỏi tôi:
- Anh Thông, anh nghĩ
gì về tương lai?
- Anh không nghĩ
gì cả, điều anh nghĩ là em. Anh yêu em, anh muốn cả hai chúng ta tan biến vào
nhau. Còn em?
- Em! Em nghĩ về tương
lai nhiều hơn hiện tại. Có thể vì em là người mẹ chăng? Em biết ơn anh đã chấp
nhận các đề nghị của em giúp mẹ con em được ra đi mà không đặt ra điều kiện nào
cả. Chính điều đó đã tác động đến tình cảm của em, nhưng có lẽ điều quan trọng
hơn cả, là anh đã tôn trọng em, không đòi hỏi ở em nhu cầu thể xác. Anh có tư
cách hơn những người đàn ông khác mà em đã được bạn bè có hoàn cảnh giống em kể
lại, chính vì vậy mà em yêu anh!
- Ồ, em của anh, Mai
em có biết là có nhiều đêm anh như con thú bị nhốt trong chuồng không? Anh đi
quanh quẩn trong phòng. Anh thèm ly rượu đế để say cho quên đời, anh thèm điếu
thuốc lá nóng bỏng đôi môi. Anh muốn hét lên cho vơi nỗi ấm ức... Anh muốn đến
phòng em, tông cửa vào để được ôm em, làm tình với em, bất cần mọi sự, nhất là
những đêm mưa, anh rất khổ, nhưng rồi không hiểu tại sao cuối cùng anh vẫn kềm
chế được để con khao khát đi qua...Có lẽ trong tận cùng của con người anh vẫn
còn tính kỷ luật tự chế...
- Em hiểu, nên em phục
anh. Nhưng anh của em. Chúng ta vẫn còn có món nợ. Chồng em, anh ấy ngã xuống
vì chiến đấu, còn anh, anh bỏ cuộc vì lệnh đầu hàng. Nhưng một đất nước không
có hạnh phúc cho đồng bào, không có tương lai cho thế hệ trẻ, một chính quyền
trở thành niềm tủi nhục cho người dân. Như chúng ta yêu mến quê hương đến chừng
nào mà vẫn buộc lòng rời bỏ cha mẹ, mồ mả để ra đi. Nhưng không lẽ chúng ta chỉ
sống cho chúng ta!
Tôi chợt cảm thấy lạnh
toát cả người, như có lưỡi dao thọc sâu vào trái tim. Người đàn bà này, có một
thời gian dài sống bên nhau ngày ngày tuy chưa trao đổi cho nhau thân xác, lại
có một suy nghĩ như vậy. Sự suy nghĩ này lại rất hiếm ở những người đàn ông tôi
chung chạ trong cuộc sống bụi đời.
- Ồ em, đời anh có quá
nhiều bất hạnh, cuộc sống luôn là sự tàn nhẫn,vùi dập đã khiến anh thành kẻ thụ
động. Anh không hề nói ra với bất cứ ai về những gì anh thấy. Anh chứng kiến
trước mắt của mình về cái chính quyền quỷ quái này, bởi vì anh không thể làm
được gì để thay đổi nó. Trong nhà tù, có lần anh nghe một sĩ quan cao cấp nói
rằng: “Đừng nghĩ rằng đây là những con cừu mà hãy
nghĩ đây là những con sư tử đang ngủ. Khi nó thức dậy sẽ thấy sức mạnh của nó”.
Ông nói thế khi nghe một người trong đội mạt sát một người khác về thái độ hèn
yếu... Đến nay đã mười mấy năm rồi, vẫn chưa có nhiều con sư tử thức giấc. Anh
chỉ sợ rồi đây, những con sư tử sẽ già đi theo năm tháng, không còn đủ sức lực
để thức giấc dậy sau giấc ngủ quá dài.
- Anh Thông!
Mai chắn lấy người
tôi, hai tay vòng qua cổ tôi, nhìn thật gần vào mắt:
- Sẽ có cơ hội và
chúng ta sẽ cùng bước vào cơ hội đó. Và nếu chúng ta không thực hiện được, thì
sẽ dành lại cho các con của chúng ta. Em nhớ ngày xưa chồng em đã nói với
em, lúc em cằn nhằn anh ấy không chịu chiều em ở nhà thêm vài ngày sau khi hết
phép: “Em của anh, làm trai nợ nước phải đền, thù nhà phải trả. Ông nội anh đã
để mất đất vào tay giặc Pháp, ba anh đã bị Việt Cộng chặt đầu. Hãy ghi nhớ một
điều: cuộc sống này không chỉ sống cho riêng mỗi chúng ta...” Chúng ta sẽ bắt
đầu nơi đất mới, em tin là chúng ta sẽ có cơ hội và khả năng để làm được cho dù
đó là điều nhỏ nhất.
Mai nói với tôi với
đôi mắt long lanh, đầy tin tưởng, và sau đó với một nụ hôn ngọt ngào chủ động
kéo dài, nụ hôn đầu tiên từ ngày tôi gặp nàng.
Thật khuya, chúng tôi
trở về nhà, trên hè phố co ro những bóng người không nơi nương tựa. Cuộc sống
của chính tôi ngày nào, ai chịu trách nhiệm về cuộc sống của người dân như tiêu
đề của khẩu hiệu: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc, phải xót xa để nghe thấy mỗi ngày.
Tôi chạy xe thật chậm bằng một tay, tay còn lại tôi nắm bàn tay của Mai đang
vòng qua bụng mình, tôi nói cho chính tôi: “Cuộc sống này không phải chỉ của
riêng mình”.
Chúng tôi vào nhà,
gian nhà thật yên tĩnh, mọi người đang ngon giấc. Mai đưa tôi vào phòng nàng,
căn phòng mà cả một thời gian dài với tôi luôn là vùng cấm địa. Trên chiếc bàn
nhỏ, một lọ hoa với hai cánh hoa hồng trắng và đỏ, một chai rượu sâm banh ngâm trong
sô nước đá và hai chiếc ly thủy tinh có chân. Chiếc giường ngủ đang mời gọi,
tôi ôm lấy nàng siết thật mạnh, tôi hôn nàng với tất cả sự tham lam thèm
khát... Nhưng Mai đã khéo léo lách ra khỏi tôi, nàng thì thầm: “Khoan đã anh,
để em thấp lên cây đèn cầy, chúng ta hãy uống với nhau ly rượu hợp cẩn, chai
rượu này em đã để dành nó từ ngày em lập gia đình. Đêm nay, chúng ta sẽ chính
thức bước vào cuộc sống vợ chồng. Tương lai sẽ cắt nghĩa cho anh: em là người
đàn bà thế nào!
Thông dừng câu chuyện,
chúng tôi bừng tĩnh, cuộc đời vẫn đẹp sau những năm tháng bị vùi dập, tan nát.
Thay mặt cho bạn bè, tôi nâng ly bia:
- Này các bạn, hãy
uống cạn để chúc mừng cho Thông, bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với chị Mai, một người
đàn bà tiêu biểu của gia đình quân đội.
Đặt ly xuống bàn, một
người trong chúng tôi đã lên tiếng:
- Ông bà đã bắt tay
làm được việc gì?
- Cuộc sống mình tuy
đến sau nhưng mọi việc đều đi vào ổn định. Mai đã nói với tôi: nàng là người
đàn bà như thế nào và nàng đã cắt nghĩa bằng một hành động cụ thể; dành cho tôi
một tình yêu nồng thắm của sự đền bù sau nhiều năm tháng mất mát; các con nàng
đã có hướng đi đầy triển vọng tại học đường nhờ chuẩn bị đầy đủ vốn liếng Anh
ngữ và sự thông minh vốn có. Nàng đã có một cửa hàng, nhưng nàng đã nói: phi
thương bất phú, ông bà ta có dạy như vậy, nhưng với em, cửa hàng này với số
tiền kiếm được sẽ giúp cho anh rộng chân hoạt động việc chung mà không phải bận
tâm đời sống kinh tế... Cho nên, mình đã bước vào cuộc sống chính trị ở đây,
làm một cái gì đó cho dù rất nhỏ, nhưng cũng là góp phần vào việc chung... Có
khối chuyện để chúng ta tham gia và chia xẻ trong sinh hoạt chính trị của Cộng
Đồng mạnh, vô cùng cần thiết cho công cuộc giải trừ bạo quyền cộng sản, bởi vì
nó sẽ tác động đến tổ chức chính trị của nước mà chúng ta đang định cư về đường
lối và chính sách đối với chính quyền cộng sản. Bởi điều giản dị không phải tự
nhiên mà bọn lãnh đạo cộng sản thay đổi thái độ đối với khối người Việt di tản,
tị nạn bỏ nước ra đi. Chúng cần đô la từ khối tình cảm quê hương của chúng ta,
chúng cần chất xám, khoa học kỹ thuật. Chúng cần chúng ta để yên cho chúng tác oai
tác quái trên thân thể đất nước và dân tộc... Nếu mỗi người cùng có quyết tâm,
cùng dấn thân, thì chúng ta sẽ có được sức mạnh cần thiết, sẽ lôi cuốn được
thêm nhiều người... Tôi đã gặp một số anh em, họ nói: mình cảm thấy ngường
ngượng khi có mặt trong một tổ chức...cho nên vấn đề không hẳn cứ đổ lỗi cho
việc sinh kế, không có thì giờ...Tóm lại, xin các bạn thông cảm cho mình để
mình được phép nhắc lại một câu nói của một bậc đàn anh mà mình đã gặp: “Chỉ có
sự mình tước bỏ cái danh vị Chiến sĩ của mình... chứ không ai có quyền bắt ta
phải bỏ ngũ”.
Phạm Hoài Hương
No comments:
Post a Comment