Bà nội không có anh em thân thích, nghe kể bà người gốc
Nam Định, chạy giặc về làng đỏ thành Vinh, gặp rồi lấy ông nội, bà sinh được một
mình ba rồi tảo tần chợ búa chừng ấy năm ròng.
Ba được ông bà nội nuôi ăn học thành tài, ba làm cán bộ
nhà nước, sau ba nằm trong đội kỹ sư về quê mẹ xây dựng công trình gì to lắm, gặp
rồi lấy mẹ rồi sinh ba anh em, em là út. Mới sinh em được vài tháng thì ba được
cơ quan cử sang Liên Xô học chuyên ngành, và thế là ba đi biền biệt từ đó.
Ông nội đã mất trước khi em ra đời mấy năm, nên lớn lên em chỉ thấy có bà nội, mẹ và mấy anh chị em với nhau chấy rận. Ba đi rồi bà nội lãnh trách nhiệm chạy chợ nuôi cả nhà, mẹ phụ.
Bà nội có một tình thương đặc biệt lạ lùng dành cho mấy
anh em, vừa nuông chiều, vừa nghiêm khắc. Hồ như tự căn cốt giống nòi bà hiểu rằng
sau đứa con trai độc đinh thì lũ cháu lốc nhốc thơ dại này là những máu mủ ruột
thịt duy nhất mà bà có, đấy là sau này em suy nghĩ thế, chứ bà nội chắc cũng chẳng
bao giờ cần bận bịu cắt nghĩa tình thương vô điều kiện đó của bà làm chi.
Ngày đó tiếng là thành phố nhưng nhà ai cũng nghèo như nhau. Bà nội có một sạp hàng ở chợ bán nhiều thứ, nhưng thứ đắt khách nhất là món nộm đu đủ mà bất cứ đám cưới hay tiệc tùng gì thời đó cũng đều phải có. Khi em lên sáu tuổi là bắt đầu biết phụ anh trai chiều chiều gọt vỏ đu đủ, cạo hột sạch sẽ, ngâm nước phèn chua cho miếng đu đủ cứng giòn, rồi vớt ra để ráo. Sáng hôm sau tinh mơ bà và mẹ sẽ dậy để dùng bàn nạo nạo ra thành sợi, đem lên bán cho khách trên chợ. Thường thì khách phải đặt hàng từ hôm trước, cuối chiều mỗi ngày bà nội sẽ báo về số lượng hôm nay phải gọt bao nhiêu. Có những hôm khách đặt nhiều anh em em phải gọt hàng tạ quả, rã rời, muỗi cắn ngứa râm ran, bàn tay bị mủ đu đủ ăn đến mòn, nhưng không đứa nào kêu than vì biết đấy là những hôm bà bán được hàng.
Có những buổi sáng, bà và mẹ phải dậy từ một hai giờ,
ngồi nạo đu đủ, tay mỏi rũ, nhiều khi chà vào bàn nạo rướm máu. Xong xuôi thì sẽ
có một ông già trong xóm làm nghề gánh thuê qua nhà gánh lên chợ cho bà. Ngày
đó trong giấc ngủ của em lúc nào cũng có tiếng sột soạt của bàn nạo, nhiều khi
nhìn bàn tay bà nội và mẹ chai sần rướm máu, em cứ ao ước có một cái máy gì đó
có thể làm hàng thật nhanh giúp cho bà và mẹ đỡ vất vả.
Bà nội nhuộm răng đen, ăn trầu, tóc vấn khăn trần, mặc
quần lụa, áo cánh. Mùa đông bà mặc áo bông to và trùm thêm khăn nhung. Ký ức về
bà luôn thơm mùi trầu và đẹp đẽ. Bà rất sạch sẽ, nấu ăn ngon và hay lo toan. Bà
thích tắm. Cứ mỗi buổi trưa nhất là mùa hè bà đều đi xe lai từ chợ về nhà để tắm.
Anh em em được dặn trước, anh trai thì sẽ múc nước giếng mát lạnh đổ đầy hết chậu
đến thùng đến vại, còn em thì ngâm bồ kết cho bà, đầu tiên nướng thơm lên rồi bẻ
vụn hoà vào chậu nước đem ra phơi nắng. Đến khi bà về chậu bồ kết đã chuyển
sang màu vàng sậm. Những buổi tắm của bà nội sẽ có một chút hò hét thét lác khá
om sòm, nào múc nước nào kỳ lưng nào lấy khăn lấy áo, nhưng sau đó sẽ là cảnh
bà ngồi trên cái chõng tre trong vườn xoã tóc hong, miệng bỏm bẻm nhai trầu, em
thì lăng xăng nhổ tóc sâu cho bà, bà ôm em thơm tho hít hà em một chốc rồi lại
lật đật lên cho kịp buổi chợ. Nắng vàng như cũng xấp xải theo từng bước bà đi.
Lại nhớ những trưa hè đó, nắng lộng thênh thang, anh
em em mải theo chúng bạn chạy chơi không biết mệt, nào là vác sào bắt cào cào
châu chấu về nuôi gà, nào là bắt cóc bắt kỳ giông bỏ vào thùng cho ăn muỗi, nào
là chơi ô ăn quan, nhảy dây đánh chuyền. Những con đường làng rợp bóng tre mát
rượi bướm bay hoa nở cỏ dại mọc đầy, vĩnh viễn in dấu những bàn chân bé bỏng
rong chơi hồn nhiên suốt một thời thơ ấu.
Cứ thế mải chơi đến khi trời nhá nhem mới hớt hải chạy
về, một xíu kịp ngay trước khi bà về chợ. Bao nhiêu năm là mấy ngàn buổi chợ bà
về chưa một ngày nào thiếu bánh quà cho mấy anh em, khi thì củ khoai củ sắn luộc,
khi thì bánh gói bánh nếp bánh đậu bánh vừng hoặc hoa trái mùa nào thức ấy. Cả
lũ ùa vào bà vòi quà, em bé nhất nên lúc nào cũng được phần hơn. Bà nhìn mấy
anh em ăn âu yếm, rồi ôm em rờ tóc rờ tai, thấy còn nóng bừng và đẫm mồ hôi là
bà mắng yêu cho một chập. Rồi lôi em đi tắm táp thay quần áo ăn cơm. Có những
hôm em vừa bê bát cơm ăn vừa ngủ gật đánh rơi cả bát, bà lại bế em vào giường đặt
cho em ngủ. Cơn mơ em thơm mùi trầu và bàn tay bà quạt mát.
Lại nhớ những mùa mưa bão, tầm tháng bảy tháng tám
hàng năm, bà sẽ lo mua tích trữ rất nhiều mấy thứ quan trọng nhất là gạo củi mắm
muối, rồi bà sẽ cùng mẹ làm vừng lạc cất trong hũ thủy tinh, kho cá cất trong nồi
đất, muối dưa, muối cà cất trong vại sành hết to đến nhỏ, rồi lại nhờ người ta
kê giùm một góc cao ráo trong bếp để làm chỗ nấu và là chỗ để dành cho những
chum nước trong. Xong xuôi cả thảy đó bà mới yên tâm cho được. Em không bao giờ
quên những ngày lụt bão, xung quanh ngập mênh mông, bà và mẹ bì bõm chợ búa cơm
nước, cấm không cho anh em em ra ngoài vì nước băng hà băng hải bà sợ nhỡ đứa
nào sụt cống sụt giếng sụt mương. Được nghỉ học lội chơi lép nhép cả ngày trong
sân, đến tối ăn kễnh một bụng cơm nóng ngon lành rồi chui vào chăn êm ấm, nằm
nghe mưa gió quật rào rào ngoài cửa sổ, lơ mơ tiếng bà kể chuyện - thường bắt đầu
về một mốc thời gian kiểu là “hồi còn mồ ma ông cụ Tích” - em đã biết cảm thấy
sung sướng một nỗi niềm con trẻ mà đến tận bây giờ khó có thể tìm lại được.
Có một buổi chiều em đi học về, thấy bà về chợ sớm,
loay hoay với một mảnh giấy và cây bút chì. Thì ra bà viết thư cho ba, bà ít học,
chữ nghĩa chỉ vừa đủ đánh vần và đọc được một ít sách kinh. Thế nên bà loay
hoay mãi không xong, rút cục đành gọi em viết hộ thật đẹp nhé bà đọc cho em
chép mà phải chép đúng như bà bảo đấy. Đến giờ em vẫn nhớ mấy câu bà đọc “Ku Tồ
cái Sim cái Tí ở nhà ngoan học giỏi biết giúp bà nhiều việc. Thời buổi loạn lạc
con bên ấy giữ gìn. Mẹ ở nhà ruột héo gan khô vì thương nhớ con”
Ngày đó em còn quá nhỏ, không hiểu vì sao ba đi biền
biệt không về. Thỉnh thoảng mới có người chuyển giúp cho nhà vài lá thư viết
vào những thời gian khác nhau, một ít quà cáp, đồ dùng, quần áo và rất nhiều
sách - tiếng Nga có, tiếng Anh có, tiếng Việt có - cho anh em em. Em cũng không
để tâm cho lắm tại sao mẹ lại cứ lặng lẽ như một cái bóng bên bà, chăm chỉ và
yêu thương phục tùng vô điều kiện. Có những lý do lớn lao vì cuộc đời, vì thời
đại, vì lý tưởng của người lớn mà một đứa trẻ bé bỏng như em nào muốn biết làm
gì.
Rồi đến một buổi chiều mùa thu năm đó, anh em em học ở
trường buổi sáng nên đang thơ thẩn học bài trong nhà thì nghe tiếng cô Linh
hàng xóm hét râm ran, ối mọi người ơi ai như anh Trọng về rồi đây này, thế là về
thật rồi đây này làng nước ơi.
Anh Trọng đó là ba em.
Ngày ấy đi lại xa xôi, em không hề có khái niệm về Hà
Nội, về sân bay, về bến xe bến tàu hay bất kỳ phương tiện nào ngoài đi bộ và xe
đạp, vậy mà em thấy ba trở về sau mười năm xa cách từ một nơi nào tít mù trên bản
đồ thế giới mà thỉnh thoảng anh trai chỉ cho em. Ba cao lớn lực lưỡng, để râu
quai nón, tay xách nách mang nào vali nào túi, người ba toả ra mùi thơm của nước
hoa hoặc nước giặt quần áo hay một thứ mùi gì đó mà sau này em gọi chung là:
mùi Tây. Bà nội và mẹ lật đật bỏ buổi chợ chạy về, cả nhà mừng mừng tủi tủi,
hàng xóm đến thăm đông như hội, ba nhìn em gọi em lại bế em vào lòng nhưng em
oà khóc quẫy ra và chạy đến bên bà. Không quen, em không quen con người xa lạ
này một tí nào.
Nhiều ngày sau, ba bắt đầu bắt được nhịp với nếp sống ở
nhà, và mấy anh em cũng làm quen lại với ba, em đã để cho ba bế vào lòng, thơm
lên mái tóc tơ óng mượt được mẹ cắt hoài một kiểu úp nồi đất mà em cho là rất xấu,
em cũng để cho ba cọ cái hàm râu ria vào cặp má bầu bĩnh của em mà không nhột
và quẫy ra. Chị gái đã nở mũi khi nấu ăn và được ba khen ngon, anh trai đã chịu
chiều chiều bỏ buổi đá bóng để về ngồi cho ba kèm học môn tiếng Nga là môn anh
bết bát nhất. Và bà nội mỗi ngày là một đại tiệc bà mua và nấu bao nhiêu món
ngon cho cả nhà ăn. Đêm đêm khi anh em em ngủ rồi ba người vẫn ngồi trò chuyện
rì rầm cho thoả lòng nhung nhớ chừng ấy năm trời.
Rồi thì như một dĩ nhiên, gánh nặng gia đình từ bà nội
san hết sang vai ba. Ba xin bà nghỉ chợ. Nhà đã xây lại mỗi người một phòng.
Anh em em dần lớn lên rồi cũng bận bịu học hành sách vở quanh năm ngày tháng và
những thú vui bè bạn khác. Bà nội ở nhà đi ra đi vào với bầy chó mèo vườn tược.
Làng xóm năm xưa người còn kẻ mất, những con đường rợp bóng tre dần bị thế chỗ
bởi những bờ tường xi măng cắm đầy mảnh chai, những mảng bê tông trần trụi,
vênh váo, xa cách. Bà nội dần trở thành một người quê trong phố lạc nhịp với thời
gian và luôn hoài niệm về nếp sống xưa cũ.
Anh Tồ học đại học Xây dựng rồi đi làm xa giống ba, chị
Sim học Báo chí tuyên truyền thỏa ước mơ làm nhà báo. Đến hồi em ôn thi vào đại
học, thức đêm ròng rã xanh xao, bà hay dúi cho em ít thức quà như ngày bé. Em
ôm bà nũng nịu giờ còn ai ăn mấy thứ này nữa đâu bà ơi, em thức đêm học bài để
đỗ đại học như anh Tồ chị Sim đấy cho bà xem.
Và rồi em đỗ đại học như mong đợi, nhưng bà nội đã
không kịp chờ ngày nhìn thấy em thành ông nọ bà kia để đáp đền bà. Một chiều
tháng mười trời trở lạnh và mưa bụi giăng đầy ngõ, sau một tuần ốm mệt bà luội
dần như ngọn đèn hết dầu. Vị bác sĩ của gia đình ngày xưa thường đạp xe đến
khám bệnh tiêm thuốc cho anh em em mỗi khi bị ốm, người gần gũi bà nội như người
thân, cúi nghe tim nghe huyết áp bà hồi lâu rồi đỏ hoe mắt bảo ba em ừ chú ơi
chuẩn bị thôi, đến lúc bà nhà ta được nghỉ ngơi rồi.
Ba vững vàng cắt đặt mọi sự. Cả nhà em và họ mạc đã về
đủ quây quần. Mẹ và em sắp sẵn phần nước thơm để tắm cho bà. Thức cho đến cạn
đêm ấy, nhìn bà nội nằm lặng yên trên giường, bé nhỏ, đơn độc trong hành trình
cuối cùng, em mới hiểu rằng bà nội sẽ cứ thế mà đi, không bao giờ còn tỉnh lại,
để nhìn em một cái, nói với em một câu, hay còn có thể nắm tay em nữa. Em đã oà
khóc nức nở, khóc như bị ai đánh, khóc vì ngay lúc đó đã thương nhớ về bà như một
quá vãng khôn nguôi.
Nhiều năm sau này nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến đã sáng tác
một câu nhạc mà mỗi lần nghe em lại đau đớn nhớ bà đến ứa lệ:
Nhớ bà tôi một trăm năm rồi ngọn cỏ hoá mây trời
Chiều nay tôi đưa bà ra đầu làng
Đầu làng mình chợt nổi trận gió to…
Nguyễn Vân Ánh Ngọc
Một bài đọc đem đến nổi buồn mang mác, nhưng đầy thi vị. Tôi cũng hồi tưởng lại cảnh sống của gia đình mình ở VN khi xưa. Không nhung lụa, không lầu đài, nhưng tình yêu gia đình chan chứa và những niềm vui nhỏ, tầm thường, mà bây giờ dù có tất cả vật chất trên đời tôi cũng muốn được sống trở lại như vậy. Sau buổi cơm chiều, ngồi học, mưa rơi, tối được nghe kể truyện, tình lối xóm đậm đà.
ReplyDeleteCuộc đời trôi đi và những thay đổi...
Cảm tạ tác giã.