Thursday, July 11, 2024

Nhớ Quên Quên Nhớ - Sương Lam

 


Hình như bước vào tuổi U70, U80 chúng ta hình như bị mắc bệnh "Nhớ Quên- Quên Nhớ " không nhiều thì ít.

 Ngay chính bản thân người viết, nhiều khi tự bảo sẽ làm một chuyện gì đó ví dụ như  bỏ thịt cá ra xả đá để nấu ăn, thế mà khi lên internet tìm tài liệu viết bài, tôi mê lướt internet  đến nổi quên béng việc này.  Đến khi gần tới giờ ăn, tôi xuống bếp để nấu một nồi canh thì hỡi ơi, cục thịt kia vẫn còn nằm an ổn trong ngăn đá tủ lạnh.  Thế là ngày hôm đó, tôi phải “tự biên tự diễn” thay đổi thực đơn một cách nhanh chóng kẻo ông xã đói bụng thì mệt lắm. 

Còn phu quân của tôi, thì khỏi nói rồi, chàng thuộc chữ “Quên” nhiều hơn chữ “Nhớ.  Đôi khi chàng vẫn  thường lạc đường đi lối về dù con đường đó “đã bao lần đôi ta cùng chung bước.  

Bây giờ càng lớn tuổi, chàng càng quên nhiều hơn nữa vì hay hỏi đi hỏi lại hoặc thường hay quên  những gì tôi mới nhờ chàng giúp. Chàng quên khôn thế, không biết chàng quên thật hay giả vờ quên để không làm việc tôi mới nhờ chàng giúp? Vì thế khi muốn nhờ chàng làm một việc gì, ví dụ như hút bụi trong nhà, tôi phải chạy đi lấy sẵn máy hút bụi để chình ình ngay trước  mặt chàng, thế là chàng nhớ ngay "Job hút bụi" phải "bị" hay "được" thi hành ngay kẻo bị bà xã càm ràm. Xong ngay.

Quên thì ai cũng có thể quên những gì không quan trọng hay khi mình muốn quên đi một chuyện tình buồn hoặc quên người yêu cũ, nhưng xin đừng bị bịnh mất trí nhớ Alzheimer  (bịnh lú lẫn) thì thật khổ sở vô cùng.   Người viết xin dành cho các vị bác sĩ chuyên môn giải thích và chữa trị các bịnh mất trí nhớ này. Người viết chỉ biết chia sẻ với các bạn những tài liệu được người viết sưu tầm trên internet, đem về đây giúp cho quý bạn đọc để có một chút ý niệm về các căn bịnh quái ác này. 

Bệnh mất trí nhớ không chỉ là một vấn đề tại các quốc gia có thu nhập cao. Hội Nghiên cứu về Alzheimer Quốc tế cho biết, bệnh mất trí nhớ ảnh hưởng đến dân chúng tại mọi quốc gia, trong đó có hơn một nửa đang sống tại những nước có thu nhập trung bình và thấp.

Đặc biệt, theo WHO, bệnh Alzheimer chiếm 70% các trường hợp mất trí nhớ. Bệnh mất trí nhớ thường không được nhận ra. 

Bệnh này thường bị nhận xét sai lầm là sự suy giảm hoạt động của trí óc do tuổi già gây nên, vì bệnh có thể trùng hợp với những vấn đề của tuổi già và cũng tiến triển chậm chạp. Ngay cả tại các quốc gia có thu nhập cao, chỉ có từ 1/5 đến một nửa các trường hợp mất trí nhớ được nhận ra trong những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ. 


Bệnh mất trí nhớ là một sự rối loạn của não bộ bắt nguồn từ một số bệnh khác nhau của não. Bệnh này ảnh hưởng đến trí nhớ, lối suy nghĩ và năng lực thực hiện những hành động sinh hoạt thường ngày.

Những biểu hiện thường gặp là quên ngay một việc mình định làm, không tìm thấy đồ vật mình vừa đặt xuống... Điều đáng nói là hiện nay đối tượng suy giảm trí nhớ không chỉ tập trung ở người lớn tuổi mà còn rất nhiều người trẻ cũng lâm vào tình trạng này.


Trong đó, nguyên nhân có tính chất “thời đại” đang là yếu tố làm gia tăng những người “nhớ nhớ, quên quên” hiện nay như: nghiện rượu, lạm dụng các loại thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm cũng là một trong những nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ...

Bên cạnh đó, với nhịp sống và cường độ làm việc quá gấp gáp và căng thẳng như hiện nay, nhiều bạn trẻ rơi vào tình trạng stress, mất ngủ, trầm cảm, làm việc căng thẳng gây kém tập trung và mất trí nhớ.

WHO cho biết có hơn 600 tỷ USD được chi tiêu mỗi năm để chữa trị và chăm sóc cho những người mắc bệnh mất trí nhớ. Mặc dù là “quả bom nổ chậm” nhưng chỉ có 8 quốc gia có kế hoạch ngăn ngừa và chữa trị bệnh này.
Không có thuốc chữa dứt bệnh mất trí nhớ nhưng có thể làm được nhiều việc để giúp đỡ và cải tiến cuộc sống của những người bị bệnh mất trí nhớ. Trong đó, tập luyện trí nhớ vẫn là biện pháp điều trị chính.

Bên cạnh đó, các thuốc có tác dụng chống oxy hóa như vitamin E, ginkgo biloba cũng có tác dụng chống lão hóa và giúp giữ gìn trí nhớ. Tuy nhiên, dùng các loại thuốc này cần phải có sự tư vấn của bác sĩ chuyên môn.
Vì thế, ngay từ ngày hôm nay, bạn hãy chuẩn bị những bài tập luyện trí nhớ trước khi có thể quên tất cả.

(theo Doan Huong).

Một tài liệu khác nói về trí nhớ giảm sút phải làm sao rất hay nhưng khá dài.  Người viết chỉ xin trích đăng những đoạn quan trọng để chia sẻ với quý bạn mà thôi nhé.


TRÍ NHỚ GIẢM SÚT PHẢI LÀM SAO? 

Đôi lúc, bạn có cảm giác mất trí nhớ tạm thời nên chẳng biết mình đang và cần làm gì? Càng lớn tuổi, con người càng hay quên. Đó là lý do bạn nên quan tâm, chăm sóc cho "bộ nhớ"của mình từ bây giờ. Trí nhớ và hoạt động trí tuệ nói chung là chức năng thần kinh cao cấp của con người. Ở mỗi người, trí nhớ lại có những phương thức hoạt động phù hợp với hoàn cảnh nghề nghiệp, gia đình, vị thế xã hội của họ.


Trí nhớ ngắn hay dài hạn đều phụ thuộc vào não bộ.

Người ta phân biệt hai loại trí nhớ ngắn hạn và dài hạn. Trí nhớ ngắn hạn là khả năng lưu giữ những thông tin mới tiếp nhận trong vài giây, trước khi nó được củng cố để giữ lại lâu dài. Trí nhớ dài hạn là quá trình lưu giữ các thông tin tiếp nhận được và con người có thể nhớ tới chúng sau một thời gian. Dù ngắn hay dài hạn, việc hình thành và duy trì trí nhớ đều trông cậy vào một khu vực nằm sâu trong não bộ, gọi là vùng hippocampus. Bên cạnh nó là vùng hạnh nhân (amygdala), tạo cảm xúc, in dấu những ký ức của mỗi người. Lớp ngoài của vỏ não lưu giữ trí nhớ dài hạn ở những khu vực khác nhau nhờ những loại hình thông tin đa dạng như ngôn ngữ, cử chỉ, cảm giác...Để những vùng nói trên hoạt động hiệu quả, các động mạch nuôi não phải thông suốt để não có đủ oxy, năng lượng, các chất dẫn truyền thần kinh không thiếu hụt và các "khớp thần kinh" (synapse) được bảo tồn. Tuy nhiên, trong thực tế, những điều kiện đó dễ bị xâm hại do tác động của nhiều yếu tố, khiến chúng ta sa sút trí tuệ, mất trí nhớ, bị bệnh Alzheimer, Parkinson...

Những phương pháp cải thiện trí nhớ hiệu quả: 


Kẻ thù nguy hiểm nhất của trí nhớ là stress. Trong gia đình cũng như ngoài xã hội, mọi người đều chịu nhiều áp lực. Không ít người bị stress trầm trọng khiến cơ thể phóng thích nhiều cortisol (hormone stress), làm tổn thương vùng hippocampus. Mặt khác, stress còn làm giảm, thậm chí mất tập trung. Ngoài ra, cortisol còn thúc đẩy việc sản xuất insulin, ngăn không cho vùng hippocampus sử dụng đủ đường huyết để não có năng lượng cho việc ghi nhớ. Hơn thế stress còn gây khó khăn cho việc "truy cập" ký ức đã được lưu giữ.

Dưới đây là các cách giúp cải thiện trí nhớ:

1. Hóa giải stress bằng phương pháp thiền hay yoga.

2.Tập thể dục cho não bằng cách đọc sách, báo, lướt các trang web lành mạnh và bổ ích.

3. Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối, .

4. Phải tạo được giấc ngủ tốt.

5. Kiểm soát tốt những căn bệnh mãn tính như cao huyết áp, đái tháo đường... cũng là một giải pháp hữu hiệu để tăng cường trí nhớ.

6. Lối sống tích cực, lạc quan, cởi mở.


(Nguồn: Bài viết của hai bác sĩ Mehmet Oz và Michael Roizen 
Nguyễn Minh Tâm dịch) 


Tôi cũng thường nói đùa với bạn bè rằng: “Thiên tài thường hay đãng trí” để tự bào chữa cho mình mỗi khi tôi quên một chuyện gì.  Đó chỉ là để đùa cho vui mà thôi chứ mỗi khi quên một chuyện gì là tôi thấy mắc cở và cũng buồn bã lắm vì biết mình đã “không còn trẻ nữa” rồi nên mới hay quên như thế.

Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta cũng cần phải học cách quên đi những sự buồn phiền xảy ra trong gia đình, ngoài xã hội thì mới có thể sống vui sống khỏe được.  Tôi vẫn nhớ câu nói của một bậc hiền trí nào đó mà tôi không biết tên để làm châm ngôn cho cuộc sống của mình:


“Nhớ những cái cần nhớ, quên những cái nên quên, sống cuộc sống cởi mở, trong lòng không vướng mắc thì cuộc sống này sẽ thật tươi đẹp.”   

Mời qúy bạn thưởng thức playlist Youtube Short về Sư Thích Minh Tuệ do anh Tiến TS thực hìện. 

 

Playlist Youtube Short Sư Thích  Minh Tuệ của anh Tiến TS

https://www.youtube.com/playlist?list=PLmVMlXDYaU3VYFXwm2mLVCpqo1kycpr-1 


Người viết hy vọng khi xem playlist này quý bạn sẽ nhớ mãi hình ảnh vị sư "đầu trần chân đất"  Thích Minh Tuệ chỉ với chiếc bình bát trong tay, khất thực sống qua ngày trên đường tu học Phật Pháp  đã tạo nên một  "hiện tượng" đặc biệt trong thời gian vừa qua.  Cảm ơn anh Tiên TS rất nhiều

Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé. 

 Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn-MCTN 719-ORTB 1150-7-10-24)

Sương Lam

Website: www.suonglamportland.wordpress.com

http://www.youtube.com/user/suonglam

https://www.pinterest.com/suonglamt/

2 comments:

  1. Chị Sương Lam ơi, Quên gì thì quên, miễn đừng quên người nhà của mình là được rồi phải không chị?
    Cám ơn chị Sương Lam.
    TK

    ReplyDelete
  2. Đúng rồi, em Tố Kim ơi.
    Quên gì cũng được nhưng quên người nhà của mình là mệt lắm đấy nhé. Smile.
    Cảm ơn em Tố Kim đã post tâm tình của chị trên Blogspot của em.
    Chúng ta cùng vui vì đã đồng cảm với nhau.
    Thân quý,
    Sương Lam

    ReplyDelete