Monday, June 17, 2013

Truyện Dài : Về Phương Trời Cũ (Chương 3)

Chương 3

Tuần lễ này học sinh có ba ngày nghỉ liên tục.  Chúa nhựt là ngày nghỉ cuối tuần đương nhiên.  Thứ hai và thứ ba là hai ngày lễ công cộng.  Ba ngày quá ngắn để học sinh nội trú ở xa có thể về thăm nhà nhưng lại quá dài nếu cứ phải vào ra quanh quẩn trong cái khung viên nhà trường tù túng.  Thế nên sư huynh hiệu phó cho chỉ thị toàn trường một ngày chúa nhựt đi du ngoạn bên ngoài.  Mỗi lớp được tự quyền chọn lựa địa điểm và tổ chức lấy theo ý riêng.  Đang rầu rĩ trong lòng, Như Kim không thiết gì đến chuyện vui chơi nhưng vì nhiệm vụ phó lớp, cô không thể làm ngơ vắng mặt, phải cùng anh trưởng lớp lo toan, nào ghi tên góp tiền, nào bàn món ăn, nào tính cách di chuyển, sắp xếp cho lớp mình một cuộc picnic như tất cả những lớp kia.

Địa điểm của lớp cô chọn ở một vùng ngoại ô không xa thành phố mấy nên phương tiện di chuyển là xe đạp.  Khải đi chung xe với cô vì chiếc xe của Khải đã cho hai anh em nội trú mượn.  Những người khác, kẻ thì chở thức ăn, người thì gạo củi, người thì chén bát nồi niêu…

Hình minh họa

Khi đi ngang qua trại điểm của lớp Frère Venance, trong đoàn cô có người dừng lại ghé vào xin nước uống.  Frère đang đứng sâu bên trong cách mặt lộ khoảng non trăm  thước, bên cạnh có cả Tú Vân, cô bạn cùng lớp với cô.  Tú Vân là đệ tử một dòng nữ tu nhưng xem chừng không có căn tu cho mấy.  Tú Vân có một cắp mắt sắc sảo, một đôi mày vòng nguyệt đen mượt trên một khuôn mặt thật trắng.  Tuy có điểm nổi bật nhưng nhìn chung nét mặt Tú Vân trông như một tượng bột thạch cao thô cứng nặng nề chớ không như Như Kim mơ màng và gợi cảm.  Tú Vân cũng có vẻ rất ưa thích Frère nên hay tìm cách làm cho Frère quan tâm chú ý.  Chẳng hạn như trong giờ học, Tú Vân thường giả vờ không theo kịp lời Frère, thường nêu lên những câu hỏi thắc mắc về bài Frère đang giảng, và đến khi tan lớp thì hay chận Frère lại hỏi này hỏi nọ không thôi.  Rồi hôm nay chẳng hiểu vì lý do gì mà Tú Vân lại có mặt nơi đây, thật không đúng chỗ đúng lúc chút nào, không biết lại có ý đồ gì đây nữa.  Kim nghe xốn xang bứt rứt trong lòng nhìn trừng trừng vào trong.  Bên trong kia, nhác thấy cô, Frère đưa tay lên vẫy vẫy như tỏ ý gọi mời khiến cô cảm thấy lạ lùng bỡ ngỡ.  Không phải là Frère đang oán giận cô lắm hay sao, hay là Frère đã rộng lượng xí xóa bỏ qua cho cô rồi.  Lòng rộn lên một niềm vui khôn tả, trong phút chốc cô cơ hồ quên hết mọi sự chung quanh, như một kẻ mộng du cô bước tới nhưng bất chợt một bàn tay giữ cô lại và tiếng Khải trầm buồn vang lên:
          - Đừng Kim, Kim không thể ở lại đây đâu.  Mình có bổn phận phải đưa lớp mình đi đến nơi picnic, Kim quên rồi sao?  Tú Vân kỳ thật, lớp mình thì không đi chung, lại đi với lớp khác.  Sáng nay tôi tới trường sớm để đón các bạn, chờ một lát thì thấy Tú Vân và mấy chị đệ tử kia vào tới.  Lúc ấy học sinh lớp đệ ngũ đã sẵn sàng trên xe, Frère Venance sắp sửa cho xe chạy thì bỗng dưng thằng Sơn thò đầu ra hỏi: “Chị Vân có muốn đi với lớp em không?” Không hiểu nghĩ sao Tú Vân lại gật đầu lên xe đi theo bọn họ.

Cái vẫy tay của Frère nếu có một mãnh lực huyền bí thì lời nói của Khải đúng là tiếng chuông đánh thức hiệu lực cũng không kém gì.  Cô thẩn thờ quay lại, nét mặt ê chề buồn bã.  Không biết Khải nghĩ thế nào về cô lúc ấy mà Khải lại thở dài.  Nhưng mặc kệ, Khải muốn nghĩ sao cũng được, dù sao thì cô cũng thầm cám ơn Khải vô cùng, vô hình chung đã giúp cô giải tỏa được nỗi thắc mắc trong lòng về sự hiện diện của Tú Vân bên cạnh Frère ngày hôm nay.  Khải đã không nhỏ mọn lợi dụng tình thế đó mà đặt điều nói xấu Frère mặc dù trong thâm tâm Khải đã nhen nhúm một sự bất kính nào đó từ khi xảy ra lời đồn đãi dèm pha từ lũ học trò.

Suốt ngày hôm ấy, cô ngoài mặt tuy cũng nói nói cười cười nhưng trong lòng thì ủ dột héo hon.  Cô nghĩ đến Frère không ngớt không ngừng.  Giờ đây Frère đang làm gì?  Đang cùng Tú Vân chuyện trò đùa cợt hay đang cùng lũ trẻ hòa mình vào cuộc chơi?  Frère có nghĩ gì đến em hay không?  Em rất muốn nhưng tiếc rằng em không thể nào ghé vào đó cho được để tìm xem Frère có còn buồn còn giận em nữa hay không để em được nhẹ nhõm yên lòng.  Em muốn thấy Frère cười vui trở lại, muốn nghe Frère nói năng thăm hỏi em như mọi lần chứ đừng lặng thinh bỏ mặc bỏ xó em như vậy.  Em đâu có làm gì nên tội nên tình, chỉ nhắc nhở Frère thôi mà, sao Frère lại giận người khổ mình đến thế.

Buổi chiều tàn cuộc, trên đường về mọi người ai nay đều tản mác rẻ dần về nhà, chỉ còn mấy anh nội trú, Khải và cô phải trở lại trường để trả vài món đồ đã mượn của nhà bếp và để Khải lấy lại xe.  Lúc sắp chia tay, Khải chợt hỏi cô:
          - Mấy hôm rày tôi thấy dường như Kim có tâm sự.  Như bữa du ngoạn hôm nay, bạn bè ai cũng  nói cười không ngớt, chỉ có riêng mình Kim là cứ dàu dàu nét mặt, hoặc có cười đi chăng nữa thì cũng là cái cười gượng gạo vô hồn.  Tôi biết tôi hỏi như vậy là tò mò quá đáng nhưng thấy Kim buồn, tôi cảm thấy không yên tâm nên không thể nào không hỏi.  Tuy nhiên, trả lời hay không là quyền của Kim, tôi không dám miễn cưỡng.


Lời han hỏi  ân cần của Khải làm cô rất đổi băn khoăn, Khải quan tâm đến cô thật như trong một chiều mưa nào đã từng tỏ ra quan tâm lo lắng hay chỉ muốn tìm hiểu dọ dẫm tình ý của cô đối với ông thầy.  Cô còn nhớ một chiều thứ bảy tháng trước, hôm ấy có trận đấu túc cầu giữa hai lớp đệ tam và đệ nhị ở sân vận động tỉnh.  Sư huynh chủ nhiệm trước đó đã dặn dò cả lớp là nên đi đông đi đủ để cổ võ tinh thần anh em.  Dù không thích gì về thể thao nhưng cô cũng vâng lời rủ Trúc cùng đi.  Lúc đi thì trời quang mây tạnh nên chẳng ai nghĩ đến chuyện mang dù mang áo mưa chi cho vướng vít rườm rà.  Chẳng ngờ đến xế chiều thì trời bỗng chuyển màu âm u và cơn mưa thình lình kéo ập đến.  Lúc ấy trận đấu đang đến hồi gay go quyết liệt nên cả hai đội banh vẫn không chịu ngừng cuộc và cả đám khán giả cũng như cổ động viên vẫn cố nán lại tiếp tục theo dõi.  Cô gọi Trúc về nhưng Trúc nói:  “Mưa này chẳng nhằm nhò gì tao, mày kiếm chỗ núp lại chờ tao chút nữa đi, sắp kết thúc rồi.”  Cô đành chạy vào một gốc cây có tàng lớn rậm rạp đứng ẩn mình.  Mưa càng lúc càng như trêu người mang theo từng cơn gió vút qua lành lạnh khiến cô không khỏi rùng mình.  Đang đứng co ro rầu rĩ thầm mong cho trời mau tạnh thì bỗng đâu có ai khoát lên người cô một chiếc áo che mưa.  Cô giật mình quay lại thấy Khải đang nhìn cô cười ngọt ngào.  Khải không đẹp trai mấy nhưng có nụ cười đầm ấm và tự tin của tài tử Charlton Heston trong vai Benhur thuở vàng son chưa vướng vòng lao lý, nụ cười đã gây ít nhiều cảm tình với cô trong ngày đầu vào lớp.  Hơi khó chịu về cử chỉ thân mật đường đột của Khải, cô gạt phăng chiếc áo định trả lại nhưng Khải khoác tay, khẩn khoản nói:
          - Kim hãy mặc áo mưa tôi mà về kẻo ướt.  Tôi thấy Kim không khỏe mạnh mấy, coi chừng bị cảm mưa đó.
Cô ngần ngừ hỏi:
          - Còn anh thì sao?
Khải cười đưa tay chỉ về hướng nhà thờ:
          - Nhà tôi gần đây thôi, ở ngay sau ngôi nhà thờ đó, chạy một mạch là tới ngay, sẵn dịp tắm mưa luôn cũng thích.
Cô vẫn lắc đầu tìm cách từ chối :.
-Mưa chắc cũng sắp tạnh rồi, chắc không cần đến áo mưa đâu, nếu anh không mặc thì cũng mang về đi.
Khải nhìn trời rồi nhìn ra đám đông vừa giải tán đang nhốn nháo chạy, có đứa tìm chỗ đụt,  có đứa liều ướt cắm đầu chạy băng ra đường để  về, tiếp tục thuyết phục:
          - Thứ mưa không ào ạt này rất là dai dẳng, không chóng tạnh đâu.  Kim hãy nghe tôi mặc chiếc áo này đi về đi, đứng đây làm gì cho thêm lạnh, ai cũng lo về hết rồi đó.
Lúc ấy Trúc cũng vừa chạy đến ướt loi ngoi run lập cập nói:
          - Mưa thế này mà có người nhường áo mưa cho là phước đức ba đời, còn e lệ kiêu kỳ cái nỗi gì nữa.  Mày không mượn thì để tao, tao sắp bệnh rồi đây, tao phải đi về ngay mới được.
Thấy vậy cô mĩm cười nói với Khải:
          - Vậy chắc Kim phải nghe lời anh mượn chiếc áo này để che mưa đi về với Trúc.  Cám ơn anh nhé.  Thứ hai Kim sẽ mang vào lớp trả lại anh.
          - Nhưng nếu Thứ hai Kim vào lớp mà không thấy tôi tức là tôi đã bị cảm cơn mưa chiều nay rồi đó.  Thôi hai cô về đi.  Tôi chỉ nói đùa thôi.
Khải nói xong cười như có ẩn ý.  Kim quay sang Trúc đổ tội:
         - Tại mày đó nghe Trúc, Khải có bị cảm bị bệnh gì là tại mày chớ không phải tại tao đâu à.  Ướt thì cũng đã ướt rồi, còn bày đặt áo mưa áo gió điệu hạnh làm gì nữa.

Cô đã nhiều phen thắc mắc về sự quan tâm của Khải đối với cô, sự quan tâm có vẻ hơi kỹ lưỡng thái quá trong ranh giới bạn bè.  Tuy cô cảm giác được rằng Khải rất cảm mến cô nhưng cô không tìm thấy ở Khải một sự gạ gẫm nào của một con chim trống đối với con chim mái hay một lời tán tỉnh nào của một cánh bướm vờn hoa.  Khải không trêu ghẹo cô như Tuấn, không viết thơ tỏ tình như Tân, ngày nghỉ không đến nhà cô ngồi hằng giờ như Quang, ba người bạn chung lớp.  Khải cũng không nhìn cô chôn chân như Tường trưởng lớp đệ tứ hay theo cô trên đường về như Thuận lớp đệ nhị.  Do đó cô không làm sao đoán được lòng Khải, chỉ tạm thời kết luận rằng Khải chăm sóc quý mến cô như một người anh chăm sóc cô em gái cưng của mình vậy.

Đứng trầm ngâm giây lát với câu hỏi rào trước đón sau của Khải, cô mới tìm ra được một câu trả lời thích đáng cho xong để Khải không phiền lòng:
          - Cám ơn anh đã quan tâm tới Kim.  Anh nói đúng, Kim đang buồn thật nhưng đó chỉ là nỗi buồn con gái.  Nỗi buồn đó có thể là có nguyên nhân, cũng có thể là không.  Anh cứ nghĩ là Kim đang buồn vô duyên cớ đi, vài hôm nữa không chừng nó sẽ tự động không cánh mà bay.  Con gái là vậy mà, chợt buồn rồi chợt vui như một cơn mưa rào chợt đến rồi chợt đi vậy.  Anh tìm hiểu làm gì cho mệt.
Khải nhìn xa xôi cười buồn:
          - Kim nói vậy thì tôi hay vậy thôi.  Tôi muốn làm người trong cuộc để an ủi Kim nỗi buồn đó nhưng có lẽ là Kim không cần.  Thôi tôi về Kim nhé.

Hai đứa chia tay nhau trước cổng trường, mỗi người đi một ngã, mỗi người một tâm sự phiền não riêng mình.  Câu nói úp mở của Khải không làm cô nghĩ ngợi bao nhiêu vì cô đang bận lòng suy tư về một hình bóng khác.  Cô nhớ lại cái vẫy tay của Frère hồi sáng này và nghe lòng nhóm lên một tia hy vọng, một chút hân hoan  Bóng chiều đang dần rơi theo những tia nắng vàng yếu ớt còn vương rải ở cuối đường.  Gió hiu hiu nghe buồn man mác như nỗi buồn của cô và của Khải có lẽ.  Đời phải chăng là một cuộc thả mồi bắt bóng, những cái gì không thuộc tầm tay thì cứ mãi đi kiếm đi tìm và cứ mãi ước mơ dù biết rằng chỉ hoài công mơ ước và chỉ chuốc vào thân nỗi thất vọng muộn phiền.

**********************

Hôm nay được nghỉ lễ ở nhà, Như Kim theo má đi chợ.  Cô rất thích cái công việc bếp núc chợ búa này nên hễ có dịp là cô xách giỏ đi theo má để học cách chọn lựa rau quả cá tôm.  Vừa về đến nhà, đang soạn giỏ thức ăn cô chợt nghe có tiếng gọi cửa.  Cô chạy ra thấy Sơn với nụ cười toe toét trên môi.  Cô mở cửa mời Sơn vào và hỏi:
          - Sao, hôm qua đi picnic vui không Sơn?
Sơn lắc đầu mặt bí xị:
          - Vui gì chị ơi! Frère buồn hiu làm tụi em cũng mất hứng.  Hôm nay em bận phải đi mua đồ dùm má em nên không vào chơi được.  Em chỉ ghé qua nhắn chị dùm cho Frère thôi.  Frère bảo chị chiều nay khoảng ba giờ vào trường cho Frère gặp.  Thôi em đi nghe chị, bữa khác sẽ vào chơi lâu.

Sơn đi rồi, cô quay vào trong với bao nỗi hoang mang lo lắng.  Frère muốn gặp cô để làm gì, để rầy rà trách móc hay muốn phân giải chuyện gì riêng tư, sao không đợi đến ngày cô đi học lại.  Frère muốn gặp cô mà lại nhè ngay cái thằng bép xép nhờ nó chuyển lời thì có khác gì nhắn tin trên đài phát thanh, cả bọn nội trú thế nào rồi cũng sẽ “bắt trúng đài” và sẽ tha hồ mà bàn ra tán vào thỏa thích.  Và cô lại lo không biết lấy lý do gì cho hợp lý để xin phép má vào trường trưa nay.  Những ngày nghỉ cô thường chỉ lúc thúc ở nhà học thêu thùa nấu nướng chớ không mấy khi ra ngoài long nhong họp bè họp bạn.  Hôm qua cô đã đi picnic cả ngày nên hôm nay đâu dễ gì má cho ra khỏi cửa.
Thấy cô trở vào một mình, má hỏi:
          - Ai vậy con, sao không mời người ta vào?
Kéo chiếc ghế ngồi xuống cô đáp:
          - Thằng Sơn má à.  Nó nói bận đi ngay không vào chơi được.
Sơn đã đến nhà cô mấy lần rồi nên má không thắc mắc hỏi “Sơn nào” má chỉ nói:
          - Vậy nó lại làm gì?
Cô làm ra vẻ thản nhiên vừa lặt rau vừa nói, giọng điệu như miễn cưỡng:
          - Nó tới để nhắn con chiều vô trường chơi.  Ôi, mấy ông Frères cũng như mấy bà Soeurs má biết mà.  Ngày nghỉ họ không biết làm gì cho hết giờ nên cứ kiếm rủ học trò vào chơi cho đỡ buồn vậy mà.  Má thấy anh Thuận với chị Lê đó, có ngày nghỉ nào mà họ có mặt ở nhà đâu.  Cũng như hồi xưa con học ở trường bà, thứ bảy chúa nhựt là mấy bà bảo vào tập tuồng tập hát.  Không đi thì sợ họ ghét mình.  Chiều nay con đi một chút được không má?
Má tỏ ra dễ dãi:
- Ừ đi thì đi.  Mà ông Frère nào nhắn con vậy?  Ông ta khoảng tuổi nào?
 Không hiểu vô tình hay hữu ý mà má lại hỏi đến tuổi Frère nhưng cô đáp tỉnh tuồng:
          - Con không rõ ông ta bao nhiêu tuổi nhưng có lần đứa nào đó hỏi thì ông ta nói rằng: “Frère già lắm, chín mươi tuổi rồi”.  Con nghĩ có lẽ là chín mươi chia ba quá.  Ông này hôm trước cho con hộp kẹo đó.  Con đã nói là con không thích ăn kẹo mà ông ta cứ một hai bắt con phải lấy, hỏi con có em không đem về cho nó ăn.
Má lại hỏi tiếp:
          - Còn ông Frère nào hay tổ chức chơi này chơi nọ cho học sinh?
Cô đáp ngay chẳng cần suy nghĩ:
          - À, đó là ông Frère phó hiệu trưởng.  Ông này hơi đứng tuổi nhưng rất dễ dãi vui tính, gần gũi với học sinh nên đứa nào cũng mến ông ta hết.
Má nói có vẻ phán đoán theo kinh nghiệm:
          - Thì cứ bày cho tụi nó chơi riết thì tụi nó thích chứ gì.  Bọn trẻ mà, đứa nào mà không ham vui.  Mấy ông này coi bộ còn yêu đời quá mà tu hành sao được.
Cô cười biện luận:
          - Đâu phải ai đi tu cũng là vì chán đời đâu má.  Người ta là thầy dòng chứ bộ thầy chùa sao mà bắt người ta diệt lục dục thất tình.  Chúa còn phải giận dữ vì tội lỗi loài người, Phật còn biết thương xót chúng sinh trầm luân trong bể khổ thì “hỷ nộ ái ố ai lạc dục” ở con người bảo diệt làm sao diệt cho được.
Má nạt đùa lên:
          - Thôi đừng có nói động phạm tới Phật Trời mà coi chừng mang tội đó.  Coi mấy giờ rồi bắc giùm má nồi cơm lên đi.  Chiều có đi thì đi một chút cho có mặt thôi rồi về, nói má không cho con đi lâu nghe chưa.  Con gái đi chơi hoài quen thân hư hết đó.

Cô mĩm cười nói “dạ” trong bụng nghe mừng thầm.  Cô đã thuộc lòng ý má.  Mỗi lần cô xin đi đâu là má đều dặn hờ nhắc chừng như vậy nhưng rồi có về trể thì cũng chẳng sao.  Cô chỉ cần má “chuẩn tấu” cho ra khỏi nhà là đủ rồi còn chuyện gì khác thì cứ tính sau, hạ hồi rồi sẽ phân giải.

Buổi chiều cô đến theo lời nhắn gởi của Frère.  Từng bước, từng bước ngập ngừng cô bước vào khung sân loang nắng.  Frère đang đứng đón cô ở cầu thang cạnh lớp, dáng dấp trẻ trung tươi mát trong chiếc áo thể thao xanh màu hy vọng.  Frère đưa cô lên phòng khách trên lầu, mời cô ngồi và bảo chờ Frère giây lát.

Còn lại một mình, cô đưa mắt ngó mông ra  sân thượng.  Ở một góc nơi cuối sân đó, đêm trung thu nào Frère đã cùng cô ra đứng ngắm trăng.  Trăng thu bàng bạc ảo huyền, trời trong vắt không gợn áng mây, gió đêm vi vu lạnh phảng phất mùi hương dạ lý đâu đây ngạt ngào.  Frère nói những đêm trăng như thế này Frère thường mang đàn ra đây dạo nhạc, chỉ có tiếng đàn và thiên nhiên mới làm thoát tục thanh thản lòng người.  Cảnh đẹp người thanh, cô đã xao xuyến lòng đêm trăng ấy không biết vì cảnh hay vì người.


Vài phút sau Frère trở ra cùng với quyển sách trên tay, chiếc áo xanh yêu đời lúc nãy đã biến mất để thay vào một lớp áo tu trì vô vọng tối tăm.  Frère nhìn cô với ánh mắt vương sầu.  Cô cúi mặt nghe lòng chua xót thấy cả một trời cách ngăn.  Ôi!  Cho dù biển có rộng, sông có dài hay hố thẳm non cao đến đâu đi nữa thì cũng không ngăn cách cho bằng một chiếc áo đen oan nghiệt này.  Trời ơi!  Có phải là Frère định trả thù cô đó hay không?  Sao Frère lại có thể nhẫn tâm như vậy?  Nhưng cũng tại cô, tại cô bảo Frère đừng quên mình là một sư huynh nên Frère phải mặc vào chiếc áo.  Ai biểu cô “hạ độc thủ”, xuống tay trước, làm khổ Frère thì Frère phải có thái độ nào thích đáng để trả đũa lại chớ sao.  Cô nửa cân thì Frère cũng phải tám lượng mới công bằng.  “Vỏ quít dày thì có móng tay nhọn.  Gậy ông lại đập lưng ông”, cho đáng đời.  Niềm sầu tủi dâng lên đầy ắp khiến cô nghẹn ngào, cố gắng lắm cô mới ngăn được những giọt lệ đã đọng đầy mi mà chỉ một cái chớp mắt thôi là sẽ tuôn rơi lả chả.
Nhìn sâu vào mắt cô, Frère dịu dàng lên tiếng:
          - Như Kim! Frère mời em đến đây hôm nay là để nói với em một chuyện.  Em có biết rằng Frère rất mến thương em.  Đã bao đêm dài Frère suy nghĩ đắn đo, không biết là có nên thố lộ với em tâm tình này hay suốt đời chôn giấu. Nhưng nếu không nói ra thì lòng Frère cứ mãi ray rứt không nguôi và em cũng sẽ mãi mãi băn khoăn về cái tình cảm không tên không rõ ràng này.  Ngay từ buổi đầu gặp gỡ, Frère đã có linh cảm rằng người con gái học trò này sẽ làm xáo trộn tâm tư và ảnh hưởng đến cuộc đời mình rất nhiều.  Và quả nhiên như vậy, có dịp dạy em, tiếp xúc với em hằng ngày, Frère đã rung động vì em, vì một tâm hồn đa cảm tế nhị, một khuôn mặt khả ái dịu hiền.  Trong lòng Frère, em là một người bạn tâm giao hơn là một cô học trò, bởi thế cho nên Frère mới có những hành vi đặc biệt trìu mến, những gián tiếp tỏ bày đối với em như vậy.  Và Frère cũng nhận xét được rằng em cũng không mảy may từ chối, đối với Frère, em cũng có ít nhiều cảm tình đáp lại, có phải vậy không em?

Cô ngập ngừng khẽ đáp:
          - Em không phủ nhận là em cũng … rất có cảm tình với Frère nhưng em không muốn Frère quên mình là một tu sĩ.  Và cũng chính vì Frère là một tu sĩ nên mình không thể mặc tình để cho tình cảm phiêu lưu.  Vì thế nên em phải nhắc nhở Frère chớ thật ra em cũng không đành lòng.  Em biết rằng Frère sẽ đau khổ và có thể sẽ oán ghét em luôn vì câu nói đó nhưng như thế thì càng tốt cho Frère hơn, từ nay Frère có thể yên tâm mà trọn lòng với Chúa như từ xưa.

Frère cười buồn trách nhẹ:
          - Đúng vậy, Frère rất đau buồn vì cái câu “N’oubliez pas que vous êtes Frère religieux” như một lưỡi dao giết người ngọt lịm của em nhưng Frère không giận em đâu.  Em nói đúng đó mà.  Frère vẫn biết rằng ở vào thân phận địa vị của Frère, là một tu sĩ Frère không có quyền nghĩ đến tình cảm riêng tư.  Em không nhắc thì Frère cũng nhớ, chính Frère đã cầu nguyện ngày đêm, cầu xin cho mình đừng sa ngã lạc lòng.  Dù Frère không thể bảo lòng đừng thương em, đừng mơ tưởng đến em nhưng Frère vẫn còn đây lý trí.  Frère biết làm sao để không lỗi đạo với Chúa. Frère biết phải dừng lại ở một mức độ nào để không thẹn với lương tâm vì đời Frère trót còn mang nặng một sứ mạng thiêng liêng bên mình.

Ngoài kia trời đang mưa, cơn mưa mây từ cụm mây đen vừa tụ lại.  Những sợi tơ trời được dệt bằng những bụi nước mong manh, giăng giăng thật đẹp, bay bay vào phòng, vương vương trên tóc cô.  Lần đầu tiên cô cảm thấy yêu mưa, cơn mưa bụi nhẹ nhàng không sấm chớp như một thứ điểm trang cho cuộc đời, cho một ngày quá nắng.  Cô chớp mắt rưng rưng trút đi bao nỗi sầu thương ẩn ức trong lòng để nghe reo lên niềm hạnh phúc.  Frère không giận cô là cô đã mừng, còn được nghe chính Frère thốt lên lời yêu mến thì còn vui sướng nào hơn.  Cám ơn Chúa vô cùng.  Cô chỉ cần chiếm được lòng riêng của Frère, chỉ cần Frère thương tưởng là cô đã mãn nguyện hạnh phúc lắm rồi. Đền thiêng nhà thánh đó cô chỉ cần được bước chân vào để ngắm nhìn cho thỏa thích chứ tuyệt đối không sờ mó hay đánh cắp đi một của lễ báu vật nào trong đó đâu.  Cô không tranh giành Frère của Chúa đâu, xin Chúa hãy an tâm, xin Chúa đừng lo lắng giận dữ.

Frère đứng lên khép lại cánh cửa sổ, giọng êm đềm tiếp nối:
          - Em biết không, những con người tình cảm như chúng ta đều rất yếu đuối, hay buồn rầu và lo lắng vu vơ.  Frère tặng em quyển sách có cái tên “Quẳng gánh lo đi và vui sống” này để em đọc, hy vọng nó sẽ là cẩm nang dìu dắt, hữu ích cho em trong cuộc đời để em có niềm tin và vui sống.  Và đây là tấm ảnh của Frère, em hãy giữ lấy làm kỷ niệm vì rồi đây Frère sẽ ra đi, chúng mình sẽ phải xa nhau.  Nhưng dù xa nơi chân trời góc biển nào Frère cũng sẽ như tấm ảnh này sẽ bên em mãi mãi.

Nói đến hai tiếng xa nhau, giọng Frère bỗng não nề như âm vang của một điệu đàn ai oán, đôi mắt buồn da diết hướng về cô một thoáng bâng khuâng ngậm ngùi.  Cô cầm lấy quyển sách và tấm ảnh từ trong tay Frère nghe bồi hồi xúc động.  Cô cũng có khác gì Frère đâu, sao lại không hiểu được nỗi bi ai trong lòng Frère khi nghĩ đến một ngày ly biệt, cách chia hai nẻo đời.  Nhưng cô đã chấp nhận rồi từ khi trót gởi lòng cho một tu sĩ như Frère.  Nếu định mệnh chia xa hai người thì cô phải đành chịu vậy.  Có ai mà thoát được số mệnh đâu trừ khi ý trời không phải là vậy.  Chuyện đời vẫn thường hay có sự đổi thay bất ngờ vào giây phút cuối.  Chưa đến lúc cuối cùng thì đừng vội kết luận ra sao.  “Thiên cơ bất khả lậu” kia mà.

Cô từ giã Frère ra về.  Frère tiễn cô chầm chậm xuống những bậc thang.  Hạt mưa bụi cuối cùng đã tan vào trong nắng.  Nắng chiều nhòa nhạt không gian cho bóng cô cô đơn đổ dài.  Ra đến cổng cô nhìn lại.  Frère còn đứng đó dáng muộn phiền quạnh hiu.  Cô thở dài quay đi lòng héo hắt.  Lý tưởng nào đã bắt Frère làm kẻ độc hành suốt kiếp?  Lý tưởng nào đã cấm đã ngăn, đã bóp chết vùi chôn đi bao nhiêu ước mơ lạc thú của cuộc đời hở Frère!?

Hình minh họa

2 comments:

  1. Giang nghĩ Frere thì chưa là LM có thể chổi áo dòng để hoàn tục , một cô bạn Giang ở Sóc Trăng lập gia đình
    Với với một thầy tu xuất sau tiếp thu .
    Chồng củ,a Ngừoi Cô cũng tu xuất. ,

    ReplyDelete
  2. Hi! chị Minh Giang! Frère và linh mục hòan tòan khác dòng tu. Không phải làm Frère một thời gian là lên chức LM. Thầy dòng chỉ đi dạy chớ không được quyền dâng lễ như LM.
    TK

    ReplyDelete