Sunday, April 5, 2015

Phình Bụng… Thở Vào! - Bs Đỗ Hồng Ngọc


 Lạ, phải nói phồng ngực… thở vào hay căng ngực thở vào mới đúng chứ, vì phổi ở trong ngực kia mà, sao lại nói “phình bụng… thở vào”? Nhưng không! Phổi ở trong ngực nhưng thở vào thở ra được chủ yếu là nhờ cơ hoành, một cơ vắt ngang giữa bụng và ngực, có nhiệm vụ thụt lên thụt xuống để “bơm hơi” vào phổi như cái piston trong ống xi-lanh (seringue) vậy.  Vì thế, thở bụng mới là cách thở sinh lý, tự nhiên nhất, vì cơ hoành chịu trách nhiệm đến 80% khối lượng khí vào ra ở phổi trong khi các cơ hô hấp khác chỉ chiếm 20% thôi.  Cứ quan sát  một bé đang ngủ thì biết: Nó thở đều đều, nhẹ nhàng, và… thở bằng bụng! Chỉ có cái bụng nó là phình lên xẹp xuống thôi chớ cái ngực vẫn im re. Thở bụng là cách thở tự nhiên  không chỉ của người mà của…mọi loài. Thử quan sát con thằn lằn, con tắc kè, con ễnh ương… thì biết. Nó chỉ toàn thở bằng bụng. Chỉ có cái bụng nó là phình lên xẹp xuống đều đều thôi.  Chỉ cần cơ hoành nhích lên nhích xuống chút xíu là đã đủ cung cấp khí cho cơ thể rồi. Khi mệt, cần nhiều oxy hơn thì cơ hoành sẽ “thụt” mạnh hơn, nhanh hơn thế thôi. Nhớ rằng thở là chuyện bình thường nhưng tối quan trọng. Nhịn ăn vài tuần chưa chết, nhịn uống vài ba ngày chưa chết, nhưng không thở 5 phút thì đã chết vì thiếu dưỡng khí. Ai cũng phải thở, lúc nào cũng phải thở và ở đâu cũng phải thở. Người già càng cần biết cách thở… nếu muốn sống lâu và ít bệnh tật, ít ốm đau vặt.

Gần đây phương pháp thở bụng, thở cơ hoành (abdominal breathing, diaphragmatic breathing) được các bác sĩ Dean Ornish, Deepak Chopra ở Mỹ quảng bá và áp dụng trong điều trị các bệnh tim mạch, các bệnh do hành vi lối sống gây ra có hiệu quả tốt. Hơn hai ngàn năm trăm năm trước, ở phương Đông, đức Phật cũng đã hướng dẫn cách thở này gọi là Anapanasati (An ban thủ ý) cũng gọi là “quán niệm hơi thở” chẳng những mang lại sức khỏe dẻo dai mà còn giúp thân tâm an lạc.

Đặt tay lên bụng. Khi hít vào thấy bụng… phình lên là đúng

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện sinh năm 1913 tại Hà Tĩnh, học Đại học Y khoa Hà Nội rồi sang Pháp tiếp tục học, tốt nghiệp bác sĩ Nhi khoa năm 1941. Năm 1942, ông bị lao phồi nặng, điều trị ở bệnh viện Saint Hilaire du Trouvet, Grenoble. Thời đó bệnh lao chưa có thuốc chữa như bây giờ. Từ năm 1943 đến năm 1948 ông phải chịu mổ 7 lần, cắt bỏ 8 cái xương sườn, cắt bỏ toàn bộ lá phổi bên phải và một phần ba lá phổi bên trái.  Các bác sĩ Pháp bảo ông chỉ có thể sống chừng hai năm nữa thôi. Trong thời gian nằm chờ chết, ông đã tìm ra một phương pháp… thở bụng để tự chữa bệnh cho mình sau khi tham khảo đông tây kim cổ, và kết quả là ông đã sống đến tuổi 85 mới chết (1997), nghĩa là sống thêm được 50 năm nữa, họat động tích cực, năng nổ trong nhiều lãnh vực! Chuyện khó tin nhưng có thật!

Tôi may mắn quen biết ông trong nhiều năm. Với tôi, ông vừa là đồng nghiệp, là đàn anh mà cũng là người thầy. Ông thường trao đổi với tôi điều này điều khác, về công việc viết lách, giảng dạy, và về phương pháp thở “dưỡng sinh” của ông. Trao đổi không chỉ về cơ thể học, sinh lý học mà cả về tâm lý học, đạo học.  Tôi phục ông ốm nhom mà làm việc thật dẻo dai, bền bĩ, gần như không biết mệt mỏi. Trong lúc nhiều người giảng bài, nói chuyện, hội họp, làm việc… thấy uể oải, hụt hơi, thì một người chỉ còn hai phần ba lá phổi, chỉ còn gần một nửa “dung tích sống” như ông lại vẫn ung dung, thư thái.  Ông nói với tôi sau này khi ông mất đi, điều quan trọng ông để lại không phải là những tác phẩm văn học, triết học này nọ mà chính là bài vè dạy thở chỉ với 12 câu của ông.
Dưới đây là bài vè 12 câu dạy thở bụng của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện:

Thót bụng thở ra
Phình bụng thở vào
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Êm chậm sâu đều
Tập trung theo dõi
Luồng ra luồng vao
Bình thường qua mũi
Khi gấp qua mồm
Đứng ngồi hay nằm
Ở đâu cũng được
Lúc nào cũng được!
(Nguyễn Khắc Viện)

Người già hay đau vặt, hay mệt mỏi, cảm thấy hụt hơi, đuối sức, có thể áp dụng phương pháp thở bụng này sẽ thấy có hiệu quả, tăng sức bền, tăng dẻo dai. Do tuổi cao, người già ít có dịp vận động toàn thân, chạy nhảy leo trèo như hồi trẻ, thì nằm trên giường tập thở bụng –phình lên xẹp xuống- cũng là cách tốt. Nếu biết vừa thở vừa quan sát nó – tức “quán niệm hơi thở” –  nhớ nghĩ về nó… thì dần dần tâm sẽ được thanh tịnh, bớt buồn phiền, lo âu.

Không cần phải ráng sức, gắng sức chi cả. Chỉ cần chuyên cần, kiên nhẫn để tạo thành thói quen thế thôi. Có người vì muốn cho mau thành công, ráng sức quá thì sẽ dẫn đến … choáng váng, chóng mặt, tê rần… Tại sao? Tại vì đã ráng, cố ép, thì sẽ gây rối loạn sự điều hoà tự nhiên của cơ thể. Cho nên người nào “ham hố” quá, ráng “luyện công” quá, thường dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”! Người có bệnh mạn tính càng không nên ráng.  Kiên trì,  chừng vài ba tháng mới quen, mới thấy hiệu quả. Nếu đang chữa bệnh nào đó ( tăng huyết áp, tiểu đừơng…) thì vẫn phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Bs Đỗ Hồng Ngọc

No comments:

Post a Comment