Tuần lễ này đánh dấu 100 ngày nhậm chức của TT Trump. Báo chí gọi đó là thời kỳ trăng mật với tân tổng thống.
Chẳng
hiểu chuyện trăng mật này là trăng mật của ông Trump với cô dâu hay với
mẹ vợ, chỉ biết trăng mật này có vị đắng hơn mật gấu, giống như Nội
Chiến Thứ Hai của Mỹ vậy. Tân TT Trump chống đông đỡ tây, phản đòn, đánh
nhau túi bụi với khối cấp tiến, đảng đối lập Dân Chủ (DC), và truyền
thông dòng chính (TTDC).
Bình thường, 100 ngày đầu luôn là thời
gian các tân tổng thống tích cực nhất, tung hàng loạt quyết định về
chính sách mới, sau khi bổ nhiệm hàng loạt quan chức mới, mong để lại ấn
tượng lịch sử. Trên nguyên tắc, đó cũng là thời gian mọi người, từ cử
tri đến đối lập đến truyền thông, có vẻ nương tay, xem ông này làm trò
trống gì. Vì cái nương tay đó mà báo chí gọi là thời kỳ trăng mật, nếu
không âu yếm vuốt ve nhau thì cũng ít nhất không mang dao búa phạng
nhau.
Nhưng đó là chuyện “bình thường”. Với ông Trump, không có gì bình thường hết.
Một
mặt, vừa nhậm chức là ông đã xách bút ký hàng loạt sắc lệnh Hành Pháp
lật ngược các sắc lệnh của TT Obama. Mặt khác, phe ta quyết định chẳng
có trăng mật gì ráo, mang dao búa đánh ngay từ khi chưa động phòng.
Truyền
thông dòng chính (TTDC) nhẩy bổ vào tố tân tổng thống cư xử như tay độc
tài của một xứ u mê Phi Châu, mà lại cố tình lờ đi việc TT Obama đã
thẳng thừng tuyên bố năm 2013 là ông không cần quốc hội, và sẵn sàng trị
nước bằng cây bút và điện thoại, rồi ký gỡ gạc hàng loạt mấy chục sắc
lệnh trong mấy tuần cuối cùng trước khi mãn nhiệm. Câu hỏi mà TTDC không
đặt ra là tại sao TT Obama ký hàng loạt sắc lệnh thì ô-kê, mà TT Trump
ký lệnh thu hồi những sắc lệnh đó thì lại là độc tài?
Có người
chỉ trích tân TT Trump là người khai hỏa với đối lập qua bài diễn văn
nhậm chức hung hãn, chửi vị tiền nhiệm, “gây ra một cuộc nội chiến”.
Những người thành kiến đầy mình này quên mất TT Obama đã được chính báo
phe ta Washington Post phán là tổng thống tạo phân hóa nhất lịch sử cận
đại Mỹ, và TT Trump chỉ là người thừa kế cái gia tài chia rẽ đó thôi. Họ
cũng quên mất bài diễn văn nhậm chức của tân TT Obama năm 2009 còn hung
hãn hơn nhiều, mở đầu bằng hai đoạn chửi thậm tệ vị tiền nhiệm TT Bush
con, đang ngồi ngay đó [không tin, vào Google truy cập “Obamas 2009
inauguration speech”].
Quan trọng hơn nữa, họ cũng quên là phe
đối lập đã khai chiến với ông Trump chỉ một ngày sau bầu cử, chứ không
đợi tới bài diễn văn nhậm chức. Trong nguyên một tuần sau ngày bầu là
phe ta đã huy động cả vạn người xuống đường mỗi ngày hò hét “Not My
President”. Rồi như cột báo này đã viết, “những chiêu võ đếm phiếu lại,
áp lực cử tri đoàn, đả phá thể thức bầu bán,...” đều được tung ra để
đánh tân tổng thống.
Ngày ông tuyên thệ thì mấy vạn bà mang biểu
ngữ thô tục nhất xuống đường đòi bảo vệ và tôn trọng mấy “con mèo mầu
hồng” của họ, và một đám khác biểu tình đập phá, đốt xe, chẳng ai rảnh
nghe “diễn văn khai chiến” của ông Trump. Nghị sĩ đối lập thì sau đó lo
câu giờ cản việc phê chuẩn quan chức mới, để rồi có dịp la hoảng “sao
ông tổng thống này nói nhiều mà vẫn chưa làm gì?”. Bà dân biểu da đen
Maxine Waters hò hét đòi đàn hặc tân tổng thống ngay khi ông đang đọc
diễn văn nhậm chức, chưa làm gì. TTDC thì khỏi bàn thêm, xúm lại đánh từ
cả nửa năm trước bầu cử, có thể nói như chưa từng thấy so với bất cứ
tổng thống nào khác.
Tóm lại, lương thiện mà nói, bên nào đã gây ra “nội chiến”?
Bây
giờ thì gạo đã thành cơm, không cản được nữa thì quay qua tìm đủ cách
hạ uy tín tân tổng thống. Kiểu như... thắng nhờ Nga giúp. Hay thua phiếu
phổ thông.
Lập luận mới xuất hiện là ông Trump đắc cử chỉ với
24% phiếu cử tri. Mập mờ ám chỉ TT Trump không chính danh vì có tới ba
phần tư cử tri không bầu cho ông. Nếu đủ lương thiện thì phải ghi thêm
là theo cách tính này, TT Clinton cũng chỉ đắc cử với đúng 23,9%, và TT
Obama chỉ khá hơn có vài ly, 26,9%.
Có người lo ngại đánh ông
thần Trump quá, ông này sẽ nổi điên làm bậy thì nguy. Nhưng có người
khác lại nghĩ phe đối lập và TTDC biết tính ông Trump nên cố tình chọc
giận để ông ta nổi điên làm bậy, cho có cớ để đàn hặc, lột chức.
Dù
sao, ba tháng đầu cũng đã là lúc vài tố giác của phe cấp tiến chống ông
bắt đầu rơi rụng. Như việc tố TT Trump là “tay sai” của Putin đưa vào
Nhà Trắng trở nên lố lăng khi ông Trump đánh Syria. Hay việc tố TT Trump
không đóng thuế trong 20 năm trở thành lố bịch khi chính một đài TV phe
ta tiết lộ ông đã đóng 38 triệu đô thuế năm 2005, tương đương với tiền
thuế TT Obama đóng trong hơn 450 năm!
Đi vào chi tiết cụ thể, ta nhìn lại những thành công và thất bại trong ba tháng “trăng mật” xem sao.
THÀNH CÔNG 1: BỔ NHIỆM NHÂN SỰ
TT
Trump mặc dù bị nghi ngờ là bảo thủ giả mạo, đã lựa chọn những phụ tá
có dấu triện “bảo thủ” in rõ trên trán. Không có một vị bộ trưởng hay
phụ tá, cố vấn nào có thể bị nghi ngờ là cấp tiến nằm vùng hết. Dấu ấn
chung thứ hai là tất cả đều là những người xuất sắc, dầy dặn kinh
nghiệm, thành công, thuộc hạng đại gia, không tỷ phú thì cũng triệu phú,
lãnh lương cho vui.
Một cách tổng quát nhất, ê-kíp quốc phòng và
an ninh được phê chuẩn mau lẹ. Ê kíp kinh tế, tài chánh được phê chuẩn
lừng chừng. Ê-kíp xã hội thì bị khó khăn vất vả, nhất là ba bộ trưởng Tư
Pháp, Y Tế, và Giáo Dục. Ông Tư Pháp bị chỉ trích kỳ thị da đen cách
đây gần nửa thế kỷ. Ông Y Tế vì quan điểm chống Obamacare, và bà Giáo
Dục vì cổ võ cho trường học tư bị nghiệp đoàn giáo chức trường công
chống mạnh. Nhưng tất cả đều được phê chuẩn vì phe CH nắm đa số tại
Thượng Viện.
Nhìn chung, trong chính trường Mỹ hiện nay, chỉ có
ít nhiều đồng thuận trong các vấn đề an ninh, quốc phòng thôi, còn các
khu vực khác đều bị tinh thần phe phái bảo thủ-cấp tiến chi phối nặng,
bất kể khả năng hay kinh nghiệm cá nhân.
Có thể một nửa nội các
bị chống đối mạnh vì ý thức hệ, nhưng ít ai chối cãi được nội các của TT
Trump nói chung đều toàn là những người đầy khả năng và kinh nghiệm,
phần lớn là doanh gia. Họ cũng là một khối đa dạng, tự tin, sẵn sàng
chống đối nhau trong nội bộ, và cũng không ngại nói lên quan điểm trái
ngược với cả tổng thống. Đây chính là mô thức của TT Abraham Lincoln:
chọn phụ tá khác biệt nhau để có dịp nghe tiếng nói đối nghịch từ nhiều
phiá, thay vì chỉ thích nghe dạ vâng từ mấy anh phụ tá vừa tốt nghiệp
đại học, miệng còn hôi sữa theo mô thức Clinton-Obama.
THÀNH CÔNG 2: TỐI CAO PHÁP VIỆN
Như
bài tuần trước đã bàn qua, TT Trump đã bổ nhiệm được thẩm phán bảo thủ
Neil Gorsuch vào TCPV, tái tạo thế quân bình trong ngành Tư Pháp ở mức
cao nhất. Việc Thượng Viện hủy bỏ thể thức câu giờ filibuster cũng sẽ
bảo đảm TT Trump có thể bổ nhiệm thêm một hay hai thẩm phán bảo thủ nữa,
và TCPV sẽ nghiêng qua bên bảo thủ trong cả thế hệ tới.
THÀNH CÔNG 3: TẠO TIN TƯỞNG VÀO KINH TẾ
Ngay
sau khi ông Trump đắc cử, không khí kinh tế đã thay đổi 180 độ, bắt đầu
bằng hàng loạt đại công ty thông báo thay đổi kế hoạch kinh doanh, bỏ
tiền đầu tư phát triển trong nước Mỹ thay vì đi mở hãng xưởng ngoài
nước. Đồng thời một số đại công ty ngoại quốc cũng thông báo sẽ đầu tư
vào Mỹ.
Các doanh gia tin tưởng chính sách kinh tế chú tâm vào
phát triển qua chính sách giảm thuế và giảm thủ tục hành chánh của TT
Trump sẽ tạo cơ hội cho kinh tế phát triển nhanh chóng, khác xa với
chính sách kinh tế thiên về tái phân phối lợi tức, bóp nghẹt kinh doanh
qua việc tăng thuế và cả núi luật lệ hành chánh của TT Obama.
Trong
vòng vài tháng đầu sau khi ông Trump đắc cử, chỉ số chứng khoán tăng
vọt lên cỡ 10% ngay, cho dù TT Trump chưa ra được một quyết định hay
luật kinh tế nào.
THÀNH CÔNG 4: ĐỐI NGOẠI
Ngay từ trước
bầu cử TT Trump đã bị đả kích vì đủ tội, nào là thân Nga, nịnh Tầu,
chống đồng minh,... và quan trọng hơn cả, chẳng có chính sách đối ngoại
gì.
Trong quan hệ quốc tế, ba tháng quá ngắn ngủi để có nhận định
chính xác. Nhưng nhìn chung, ta thấy TT Trump tuyệt đối trái ngược với
TT Obama. Trong khi TT Obama chủ trương hoà hoãn gập mình xin lỗi tứ
phương tám hướng, đặc biệt là vuốt ve tối đa khối Hồi giáo, lo lấy lòng
mấy anh độc tài tép riu như Iran, Venezuela, Cuba, im ru trước Cậu Ấm
Ủn, khoanh tay ngồi nhìn Putin chiếm Ukraine và họ Tập hùng cứ Biển
Đông, lo tháo chạy ra khỏi Iraq và Afghanistan, nói chung, chuyện gì
cũng chần chừ cả tháng chưa lấy được quyết định, đưa ra hình ảnh của một
đại cường cọp giấy, thì TT Trump làm ngược lại hết.
Ông công
khai sỉ vả Hồi giáo quá khích, mạt sát tất cả ai chỉ trích mình, đấm
ngực America First, chẳng xin lỗi ai, hăm doạ hết Nga đến Trung Cộng,
vừa thấy Syria dùng vũ khí hoá học là mang bom đánh ngay mà chẳng cần
vạch làn ranh xanh hay đỏ gì hết.
Việc ông đánh bom Syria đã được
ủng hộ mạnh từ khắp nơi, kể cả Âu Châu. Luôn cả cựu ngoại trưởng John
Kerry, và cựu bộ trưởng Quốc Phòng Leon Panetta cũng ủng hộ, cùng với ít
nhất ba-bốn phụ tá cao cấp cũ của TT Obama. Nhưng cũng đã có người đả
kích vì cái gọi là “chưa xin phép quốc hội và Liên Hiệp Quốc (LHQ), đưa
đến tình trạng vi phạm luật pháp Mỹ và luật pháp quốc tế”.
Có hai
điều đáng nói ở đây: 1) đánh bom Syria là việc TT Obama đã làm từ nhiều
năm qua, TT Trump chỉ tiếp tục. Chỉ trong năm 2016, TT Obama đã đánh
bom Syria 12.192 lần, gần gấp 10 lần đánh bom Afghanistan [1.337 lần].
Khi TT Obama đánh bom Syria, có xin phép quốc hội không? 2) LHQ có tư
cách gì kiểm soát chính sách ngoại giao và quốc phòng của một nước thành
viên? Luật quốc tế nào bắt Mỹ phải xin phép LHQ? Khi Putin mang bom
đánh quân chống Assad có xin phép LHQ không? Khi TT Johnson mang lính Mỹ
vào Nam VN, có xin phép LHQ không? Khi TT Obama đánh Libya hay Syria,
có xin phép Hội Đồng Bảo An không?
TT Trump lần đầu tiên mang bom
với cái tên quái đản MOAB –Mother Of All Bombs-, mạnh nhất sau bom
nguyên tử, đi đánh các hang động ISIS tại Afghanistan. Đây cũng là thông
điệp cho Bắc Hàn là xứ đang dấu cả ngàn cỗ đại bác trong hang núi phiá
bắc Hán Thành, cách có 30 dặm, đe dọa sẽ phá nát Hán Thành nếu các căn
cứ hoả tiễn nguyên tử bị tấn công.
Nhìn vào tương lai xa, chưa ai
biết được kết quả sẽ như thế nào, nhưng ít nhất, ta cũng thấy một tổng
thống dám nói, dám làm, nói là làm, có khi chưa nói đã làm, bắt buộc cả
thế giới phải suy nghĩ bẩy lần trước khi thách thức Mỹ. Hiển nhiên là TT
Trump đã tái tạo được thế đại cường cho nước Mỹ trong một thời gian
thật ngắn.
Người ta cũng nhìn thấy một tổng thống hành xử một
cách không ai đoán trước được, đúng như ông đã “hứa hẹn” khi tranh cử và
đã giải thích “không muốn cho địch thủ biết trước sẽ làm gì”. TTDC tố
ông lật lọng, thay đổi quan điểm, như bây giờ nhìn nhận NATO là không
lỗi thời, hay xác nhận TC đã không phá đồng Mỹ kim,... Không sai, nhưng
toàn là những chi tiết chiến thuật. Trên căn bản, cử tri bầu ông vì ba
lý do chính: 1) mang lại việc làm, 2) cản làn sóng di dân lậu, và 3) vứt
cái áo cọp giấy để trở thành cọp thật trên thế giới. Họ sẽ đánh giá ông
qua ba vấn đề này, và cho đến nay, ông đã chứng tỏ đang đi trên con
đường đó, không có gì thay đổi.
Bây giờ ta nhìn qua những thất bại.
THẤT BẠI 1: OBAMACARE
Ứng
viên Trump vận động và đắc cử một phần không nhỏ dựa trên lời hứa thu
hồi Obamacare. Vài ngày sai khi tuyên thệ, ông ký sắc lệnh cho các cơ
quan chính quyền chuẩn bị thay thế Obamacare. Rồi trao cho chủ tịch Hạ
Viện, Paul Ryan, trách nhiệm đưa ra luật y tế mới.
Kết quả sau
hai tháng làm việc, luật mới chết trong trứng nước, không mang ra biểu
quyết được vì ngay cả khối CH trong Hạ Viện cũng không đạt được đồng
thuận. Đưa đến tình trạng chính quyền Trump đành chấp nhận sống với
Obamacare cho tới khi nào đạt được thỏa thuận với một bộ luật y tế mới,
mà chưa ai biết khi nào thực hiện được.
Lý do thất bại chính là
ông Ryan đã quá hấp tấp, chưa đủ thời giờ tạo đồng thuận nội bộ cũng như
quảng bá cho quần chúng chấp nhận luật mới.
THẤT BẠI 2: SẮC LỆNH DI TRÚ MỚI
TT
Trump ký hai sắc lệnh, tạm ngưng cấp chiếu khán vào Mỹ trong 90 ngày
cho những công dân từ bẩy nước Trung Đông đang bị chiến tranh nặng, và
tạm ngưng cấp khiếu khán di dân cho tất cả các nước trên thế giới trong
120 ngày để duyệt xét lại luật lệ nhận di dân. Cả hai sắc lệnh mau mắn
bị 2 tòa liên bang bác bỏ khiến không thi hành được. TT Trump ra sắc
lệnh mới thay thế, sửa đổi đôi chút, nhưng cũng không có kết quả khả
quan hơn, vẫn bị 3 toà liên bang bác. TT Trump đang làm thủ tục kháng
cáo, nhưng toà trên sẽ không xét lại cho tới tháng Năm tới. Có nhiều
triển vọng sẽ lên tới TCPV.
Như đã có dịp bàn trên cột báo này,
đây là cuộc đấu tranh lớn giữa Hành Pháp và Tư Pháp trong khuôn khổ cuộc
tranh chấp ý thức hệ bảo thủ-cấp tiến, đi xa hơn chuyện tạm cấp chiếu
khán. Ta chờ xem.
Điều mọi người đã thấy là số lượng dân tràn lậu
vào Mỹ, bị bắt rồi đẩy ra lại đã giảm mạnh, từ hai ba chục ngàn một
tháng trong những tháng cuối năm 2016, xuống còn lèo tèo hai ba ngàn qua
tháng Hai, 2017. Thông điệp không hoan nghênh di dân lậu của TT Trump
đã được dân Nam Mỹ nghe rõ. Họ hiểu thời vàng son Obama đã cáo chung.
THẤT BẠI 3: VẪN BỊ CHỐNG ĐỐI MẠNH
Như
đã bàn, tuần trăng mật của TT Trump đắng ngắc. TTDC và đảng DC tiếp tục
đánh liên tục ngay từ ngày ông đắc cử, không ngừng nghỉ, cáo buộc ông
đủ thứ tội tầy đình. Từ thông đồng với Nga đến trốn thuế, đến kỳ thị đủ
loại, rồi chê ông thất bại đủ chuyện, chẳng làm nên trò trống gì. Đố ai
tìm được một bài báo trong TTDC khen ngợi TT Trump. Trong khi khối dân
cấp tiến vẫn xuống đường biểu tình không chán.
TT Trump cũng đã
chẳng cần hoà giải gì, phản đòn, mạnh tay lấy những quyết định gây chống
đối mạnh hơn nữa như ra sắc lệnh di trú mới, tố ngược lại chính quyền
Obama đã theo dõi ban vận động của Trump giúp bà Hillary.
Về
chuyện tố ngược này, TTDC dĩ nhiên cho đây chỉ là chiêu võ điệu hổ ly
sơn của TT Trump, không đáng quan tâm. Tuy nhiên, tin mới nhất cho biết
FBI nhìn nhận đã theo dõi ông Carter Page, cố vấn ngoại giao của ứng
viên Trump, trong suốt thời gian tranh cử. Đưa đến câu hỏi “còn ai khác
bị theo dõi nữa?”.
Việc TT Trump đánh bom Syria đã là gáo nước
lạnh xối lên đầu câu chuyện Nga giúp Trump đắc cử. Ít ra thì câu chuyện
cũng sẽ lắng động một thời gian nếu không chìm xuồng luôn.
Xì tin
bí mật hậu trường đã trở thành chuyện cơm bữa khi hầu hết các biến cố
trong hậu trường của chính quyền Trump mau mắn bị xì ra cho TTDC ngay.
Từ những cuộc nói chuyện điện thoại giữa TT Trump với các chính khách
ngoại quốc cho tới những tranh cãi trong nội bộ các phụ tá và cố vấn của
TT Trump. Trong chính quyền mới, hiện vẫn còn cả ngàn người của chính
quyền cũ, là chuyện bình thường. Nhưng cái không bình thường là trước
đây, chưa khi nào xẩy ra trường hợp quan chức chính quyền cũ ra công phá
chính quyền mới như bây giờ. Chỉ phản ánh tư cách của ê-kíp Obama.
DANG DỞ
Trong
ba tháng đầu, TT Trump đã làm không ít chuyện qua hàng loạt sắc lệnh,
ra lệnh nghiên cứu cải tổ quy mô guồng máy hành chánh nhằm cắt giảm luật
lệ hành chánh, đóng băng việc thu nhận công chức, chuẩn bị xây tường
tại biên giới Mễ, bắt đầu duyệt xét cải tổ chính sách thuế, ra lệnh hủy
bỏ ngay Hiệp Ước Xuyên Thái Bình Dương, cứu xét lại Hiệp Ước NAFTA với
Canada và Mễ Tây Cơ, xét lại các hiệp ước về khí hậu, phác hoạ ngân sách
mới trong đó chi tiêu quốc phòng tăng mạnh trong khi các chương trình
xã hội giảm mạnh theo chiều hướng giảm thiểu vai trò vú em của Nhà Nước,
ngưng tài trợ tổ chức chuyên phá thai Planned Parenthood, lập thủ tục
an ninh mới để bảo vệ mạng sống cảnh sát kỹ hơn, thu hồi khuyến cáo quái
gở về cầu tiêu cho dân chuyển giới,...
Tất cả nằm trong kế hoạch
cải tổ vĩ đại của TT Trump, đều là những việc mà 3 tháng chưa đủ để
chuẩn bị chứ đừng nói tới thành quả.
xxx
Nói chung, cho đến nay, những thất bại của TT Trump có vẻ nặng ký
hơn những thành công, ít nhất là trong ngắn hạn. Từ đó, cộng với sự khai
thác tối đa của TTDC đánh TT Trump không ngừng nghỉ, hậu thuẫn của TT
Trump khó tránh được hậu quả bất lợi. Tỷ lệ hậu thuẫn của TT Trump cho
đến nay đã xuống mức thấp nhất trong tất cả các tổng thống trong lịch sử
cận đại, tuy đang bò lên lại trong mấy ngày gần đây.
TTDC đã
thổi phồng hai cuộc bầu đặc biệt, tìm dân biểu thay thế ông Tom Price,
tân bộ trưởng Y Tế, và ông Mike Pompeo, tân giám đốc FBI, cho rằng sẽ là
cơ hội cho DC hạ CH vì TT Trump cho đến nay đã quá tệ. Kết quả khối DC
thất bại mặc dù đã bơm cả chục triệu đô vào hai cuộc bầu dân biểu tầm
thường. Ghế của ông Pompeo vẫn bị CH giữ, trong khi ghế của ông Price
không ai đủ 50%, nên sẽ bầu lại tháng 6 tới.
Dĩ nhiên như TT Obama đã từng nói, cái mốc 100 ngày quá ngắn, chẳng nghiã lý gì, mà phải nhìn vào cái mốc 1.000 ngày. (23-04-17)
Vũ Linh
Quý
độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email:
Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng mỗi Thứ Ba trên Việt Báo.
Đính Chính:
Trong bài này, có sơ xuất ghi DB Mike Pompeo là "tân giám đốc FBI". Thật ra ông là tân giám đốc CIA.
Xin đính chính và cảm ơn độc giả.
Đa Tạ.
Vũ Linh và Việt Báo
No comments:
Post a Comment