Mới đây, có một bản tin nhỏ của Úc phát đi, mà có lẽ ít ai lưu tâm,
đó là chuyện Bộ Tư lệnh Biên giới Hàng hải của Úc (Maritime Border
Command – MBC) cho biết họ đã tăng cường gắt gao trên toàn bộ các vùng
biển của Úc, liên tục tuần tra suốt 24g/ngày để chống lại nạn xâm nhập
vùng biển (Australian Fishing Zone) của họ và đánh cá lậu. Thủ phạm
chính gây lo ngại, là ngư dân Việt Nam.
Từ giữa năm ngoái đến nay, những chiếc tàu cá tội nghiệp từ Việt Nam
đi thật xa và đến tận Úc để đánh bắt như vậy ngày càng nhiều hơn. Cơ
quan quản lý Ngư nghiệp Úc (Australian Fisheries Management Authority –
AFMA) nói rằng họ sửng sốt vì số lượng ngư dân Việt xuất hiện với mật độ
dày đặc. Có đến 13 vụ xâm nhập bị phát hiện trong 11 tháng, 161 người
bị bắt, còn bao nhiêu thoát được thì chưa biết. Những cuộc bắt giữ và
thẩm tra đều có một kết quả chung: các thủy thủ phần lớn là mù chữ và
nghèo khó. Lý do đi tận đến Úc để đánh cá, theo lời khai của họ vì bởi
khu vực quần đảo Trường Sa vốn là nơi họ vẫn đánh bắt cá những năm qua,
nay đã bị Trung Quốc kiểm soát và không còn an toàn để ra khơi nữa.
Người Úc cũng buộc phải lạnh lùng như người Trung Quốc. Họ đã làm mọi
điều để chặn các ngư thuyền Việt Nam đến Úc. Hầu hết các ngư dân đều
phải chịu án tù, phạt tiền, bị chứng kiến toàn bộ tài sản của mình là
thuyền và ngư cụ bị phá hủy. Bộ Ngoại giao Úc đã bay sang Việt Nam và
nhờ đưa ra những thông báo nghiêm ngặt về việc léo hánh đến vùng biển
của Úc.
Ấy vậy mà, điều đó vẫn không giảm. Dự kiến con số ngư dân bị tù và bị
bắt vẫn sẽ tăng lên trong năm 2017 này. Bởi một hiện thực đắng cay là
ngư dân Việt phải chạy xa khỏi ngư trường của mình, lênh đênh tìm một
lối thoát khác ít hiểm nguy hơn và có thể mưu sinh được.
Biển Việt Nam được học trong sách giáo khoa là tài nguyên, là sinh
lực của quốc gia. Nhưng hôm nay, mọi bài học đều đã bị phản bội bởi hiện
thực trên đất nước xã hội chủ nghĩa kèn trống. Từ tháng 4/2016 đến nay,
sau khi Formosa xả chất độc ra biển, không chỉ hơn 200km biển chết dần,
mà khắp nơi cũng ngập ngụa cá chết, ô nhiễm và sự bất lực chủ ý và hiển
nhiên của nhà cầm quyền.
Đã vậy, không cần đi quá 12 hải lý thuộc chủ quyền của mình, ngư dân
Việt vẫn có thể chết, có thể bị hủy hoại tài sản hoặc mất tích với những
lý do mơ hồ như đang sống trong một đất nước vô chủ.
Ngày 8/4, chiếc tàu QNA 09191 bị một tàu vỏ sắt lao tới, cố ý đâm
chìm. Điều đáng kinh ngạc là nơi tài Việt Nam bị đâm chìm, chỉ cách bờ 1
cây số, rất gần khu vực cảng Tiên Sa, Đà Nẳng. Ngư dân sống sót phải
bơi trong đêm vào bờ.
Trước đó, vào tháng 3, tàu QNg 96677 TS ở Lý Sơn lại bị một tàu vỏ gỗ
nổ súng tấn công bất ngờ trong đêm, một ngư dân trúng đạn tử thương.
Tàu “lạ” bắn xối xả nhưng không rượt đuổi, không áp sát tấn công. Mục
đích là khủng bố. Nhưng khi về đến đất liền, thuyền trưởng Nguyễn Văn
Mười cùng 12 ngư dân khác được mớm cung là “cướp biển” để điền nhanh vào
biên bản.
Bất ngờ hơn nữa, vào ngày 12/4, tàu cá PY 95003 TS đang neo đậu ở
vùng biển Phú Yên, Việt Nam, đột nhiên bị một tàu “lạ” ập đến bắt cả tàu
và toàn bộ thủy thủ mang đi mất tích trong sự tê liệt của lực lượng
biên phòng. Không chỉ ở khu vực miền Trung, tháng 1 năm nay, cũng đã có
tàu “lạ” xông vào tận vùng biển Vũng Tàu và cố ý đâm chìm hoàn toàn tàu
cá Việt Nam mang số hiệu BV 7804 TS.
Biển chết, ngư dân chết. Vậy người Việt Nam còn lại gì? Ắt hẳn chỉ
còn lực lượng hải quân anh hùng và các chính sách ngoại giao hãnh tiến
với những lời hữu nghị.
Biển ôm trong lòng nó vô vàn điều bí ẩn. Anh Phê-rô Lành, một ngư dân
ở Nghệ An ra biển, kể rằng anh nhìn thấy tàu Trung Quốc bủa vây khắp
nơi và tập bắn mỗi ngày trên biển. Hầu hết tàu cá Việt Nam đều hoảng hốt
và né tránh, dạt đi nhiều nơi khác để toàn mạng sinh sống.
Và trong mọi câu chuyện kể, người ta vẫn hỏi vậy tàu kiểm ngư, hải cảnh, hải giám… của Việt Nam ở đâu?
Tháng 3/2017, trong một ghi nhận của giáo sư Ryan Martinson tại
Trường Hải Chiến Mỹ (US Naval War College), ông nhận thấy có một sự bất
thường về việc phát hiện qua vệ tinh, rất nhiều tàu đánh cá của Việt Nam
xuất hiện ở bãi Scarborough – một ngư trường tự do của nhiều nước như
Philippines, Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan… dựa theo phán quyết của tòa
La Haye hồi tháng 7/2016 (đoạn 807). Dĩ nhiên, ngư dân Việt không tự
mình liều lĩnh đi đến vùng đánh bắt hết sức xa xôi này, và lại đầy hiểm
nguy giữa sự tranh chấp của Philippines và Trung Quốc. Từ bất thường đó,
nhà phân tích Euan Graham (Viện nghiên cứu Lowy – Úc) phát hiện ra rằng
Hà Nội đã có một chiến thuật mới là chiêu dụ và đưa ngư dân đến vùng
biển này để duy trì giá trị phủ nhận đường 9 đoạn của Trung Quốc của tòa
án Hà Lan, La Haye, như một phương thức sống còn để bám lại, trong lúc
đang mất dần biển.
Cũng lại là ngư dân. Mưu sinh tự thân hay mưu sinh phất cờ cho chính
phủ thì rủi ro và bạc phận vẫn thuộc về nhân dân, trên bàn cờ chính trị
nào đó. Nhiều năm trước, truyền hình và báo chí Nhà nước từng tung hô
ngư dân Mai Phụng Lưu với biệt hiệu “sói biển”, bởi ông liều mình ra
Hoàng Sa đánh bắt, với 4 lần bị Trung Quốc phá tàu, bắt giam và đánh
đập. Ngay cả con sói biển ấy giờ cũng mệt mỏi. Cũng như hàng ngàn người
Việt đang vật vã mưu sinh trên biển lúc này, giờ thì chắc anh Lưu cũng
đã nhận ra rằng tổ quốc – lòng yêu nước thật sự thì ở trong tim mình,
chứ không phải là trong những lá cờ mới may được tặng để đi biển hay
những lời vinh danh của những kẻ đeo cà vạt luôn bám bờ.
Trong một bài phân tích về việc Trung Quốc đang thôn tính biển Đông,
ông Gregory Poling, giám đốc của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Á Châu
(Asia Maritime Transparency Initiative) có viết một bài phân tích rằng
“Liệu chúng ta có mất biển Đông chưa?” (Have we already lost the South
China Sea?), ông nói rằng việc nói thẳng và tố cáo những âm mưu của
Trung Quốc lúc này hết sức quan trọng để làm chậm lại những hành động
điên cuồng sắp tới, và quan trọng là để cho cả thế giới cùng nhìn thấy.
Hãy quay trở lại với Việt Nam. Hãy đặt câu hỏi đó, rõ hơn “Chúng ta
đã mất biển – hay mất nước chưa?”. Nếu những điều đen tối vẫn đang ở thì
tương lai, thì điều quan trọng là lúc này, người Việt cũng cần thấy nhà
cầm quyền của mình cũng cần tập biết nói thẳng và tố cáo những âm mưu
của Trung Quốc trên biển và đảo và đối với sinh mạng ngư dân Việt Nam.
Không có một chính quyền nào đủ sức biện bạch rằng vì việc lớn nên
phải chấp nhận hy sinh biển, đảo, đất nước hay tính mạng công dân của
mình. Như mọi triều đại cam tâm hiến tế con người hay sản vật để bảo vệ
cho quyền lợi riêng, sự sụp đổ sẽ đến là điều hiển nhiên cho mọi hình
thái tà quyền như vậy.
Lúc này, biển Việt Nam đang ôm giữ biết bao nhiêu bí mật về vận mệnh
của đất nước và con người. Những bí mật của thời đại rồi cũng có lúc
phải mở ra, cho thấy một chính quyền có cơ may tồn tại vững mạnh hơn
cùng với nhân dân, hoặc cũng có thể là lý do khiến nhân dân mình đứng
lên và từ chối mãi mãi.
No comments:
Post a Comment