Nó và tôi thân thiết như bóng với hình từ thuở nhỏ cho đến bây giờ và về sau. Chiều hôm qua nó đã đi vào lòng đất lạnh. Ngày hôm nay tôi viết về nó với tất cả tấm lòng tiếc thương dành cho người bạn thân trong đời.
Tôi gọi nó là Xiêm vì lúc tiểu học nó rất mê chơi cá Xiêm. Hai thằng chơi nhau rất thân nhưng khác nhau rất xa. Tôi thích đọc sách, nó thích mày mò sửa chữa máy móc. Nó thích đi đây đó, tôi biếng xê dịch. Nó thích giao du và có rất nhiều bạn. Tôi khép kín và ngại kết bạn mới.
Hai thằng cùng đi chung với nhau trên suốt đường đời từ nhỏ đến lớn và chúng tôi hầu như chẳng biết và chẳng màng đến thời thế và xã hội lúc bấy giờ. Sau khi học xong cao đẳng sư phạm, nó lên Đà Lạt học tiếp. Tôi ra Huế học sau khi ba tôi trải qua mười năm tù ở các trại cải tạo trên đất Bắc. Ra trường nó sửa máy, tôi dịch báo kiếm sống. Số tiền chúng tôi kiếm được chẳng nhiều nhưng cũng đủ chi phí cho những lần gặp nhau bên tách cà phê hay ly bia. Ngồi bên nhau, chúng tôi nói nhiều chuyện nhưng hầu như không bao giờ nói chuyện chính trị. Không phải chúng tôi sợ nói chuyện chính trị mà vì đơn giản chúng tôi chẳng biết gì để nói. Thế hệ thời ấy của chúng tôi tưởng như sống trong cái hang kín mít nơi ánh sáng sự thật hầu như không bao giờ rọi đến.
Khi tôi rời Việt Nam và mê say hương lạ ở phương trời mới thì nó lại tiếp tục đi học lên và sửa chữa các thiết bị y tế để kiếm sống và cuối cùng dạy về thực hành thí nghiệm ở một đại học lớn ở Sài Gòn.
Tôi lập gia đình còn nó vẫn độc thân đến cuối đời. Mấy năm gần đây, qua người bạn chung, hai đứa liên lạc lại với nhau. Nhưng từ hai phương trời vào tuổi quá nửa đời người hai thằng mới nhận ra đôi bạn nối khố ngày nào giờ có điểm chung duy nhất là rất quan tâm đến sự sinh tồn của quê hương.
Nó nói nhờ thế giới mạng mà nó biết về hiệp ước Thành Đô, về Gạc Ma, về biển đảo, biên giới bị Trung Cộng lấn chiếm, về tình cảnh dân oan vân vân. Tôi không ngờ nó rất quan tâm đến tình hình quê hương và xã hội nơi phận người mỏng manh như lá cỏ dưới gót sắt độc tài. Nó thường nói nó muốn làm gì đấy cho quê hương. Từ đấy mỗi lần nói chuyện qua điện thoại chúng tôi thường nói hàng giờ về xã hội và chính trị ở Việt Nam. Giấc mơ chung của hai đứa là ngày nào đấy không xa ánh sáng tự do và dân chủ cuối cùng sẽ phá tan bóng tối độc tài và nô lệ phủ xuống quê hương. Nó không bao giờ nhắc chuyện nó thường xuống đường phản đối Trung Cộng.
Cho đến một hôm, tôi không tin vào mắt mình khi tôi nhìn thấy hình nó trên mạng trong một cuộc biểu tình vào tháng Năm 2014. Nó bị công an và dân phòng bắt và khiêng đi như con vật. Mắt tôi dán chặt vào màn hình và nước mắt như muốn ứa ra vì cảm phục. Nó là người yêu nước thầm lặng nhưng bền bỉ và can trường.
Tôi lo lắng cho nó nhưng liên lạc với nó hoài không được. Tôi bắt đầu coi lại hình ảnh tất cả các cuộc biểu tình trước đấy và tôi lại thấy chính nó - hình ảnh thằng bạn chí thân của mình trong phiên tòa phúc thẩm xử Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha.
Tôi tìm hoài trên mạng về nó. Cuối cùng may mắn thay tôi đọc được lời nhận xét của anh Nguyễn Trí Dũng, con trai Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, về nó đại ý như sau:
- Bác áo vàng bị bắt ấy rất can đảm. Bác tuy ốm yếu như vậy nhưng bác thường xông vào cứu các đồng đội bị bắt. Mỗi lần đi biểu tình thấy bác ấy mình rất an tâm.
Nước mắt tôi bắt đầu ứa ra.
Rồi cuối cùng tôi cũng đoán được tại sao công an bắt và khiêng bạn tôi như con vật giữa ban ngày như thế. Bởi vì bạn tôi đã xông vào cứu một người biểu tình không quen biết bị côn an đánh.
Về sau tôi mới gọi được cho nó. Nó kể khi nó trở lại lớp sau khi được thả ra các sinh viên trong lớp đồng loạt hoan hô nó. Và nó "nổi tiếng" nhờ các bức hình ấy. Nhưng ngay sau đấy nó bị công an địa phương hành cho lên bờ xuống ruộng. Mỗi tuần vào ngày Chủ Nhật nó phải lên đồn công an trình diện khai báo. Chị em nó ở quê gọi điện thoại vào khóc lóc nói công an ở địa phương đến nhà yêu cầu gia đình khuyên bảo nó không được biểu tình nữa. Sau vài tháng chịu không xiết, nó phải dọn đi nơi khác. Và nó kể cho tôi nghe nó từng tham gia nhiều cuộc biểu tình. Tôi nói với nó lời nhận xét về nó của Nguyễn Trí Dũng. Nó cười nói "có gì đâu mi."
Tôi viết bài và dịch bài mười năm không bằng nó xuống đường một lần. Lại càng không bằng một lần nó dám xâm mình cứu người bị bắt hay bị đánh.
Xiêm ơi, tau viết bài này một ngày sau khi mi an nghỉ dưới lòng đất quê hương. Đáng lẽ mi không nên ngủ sớm như vậy mà hãy thức dậy đi tiếp với tao và muôn người khác vì đường đấu tranh còn dài và khó. Nhưng thôi mi hãy an lòng ngủ đi sau khi làm tròn bổn phận đối với quê hương. Dù sao đối với tao mi không chết, mi anh hùng trong tau, Xiêm ơi!
22.04.2017
No comments:
Post a Comment