Ngày 15 tháng 4 năm 2019 tại Paris, đã xảy ra một vụ hỏa
hoạn nghiêm trọng tại Nhà thờ Đức Bà Paris. Nhân sự kiện đau buồn này,
PetroTimes xin nhắc lại 10 trường hợp hỏa hoạn nổi tiếng nhất tại các
nhà thờ Thiên chúa giáo bằng đá trên thế giới kể từ năm 2000 đến nay.
1. Vào đêm ngày 9
tháng 6 năm 2000, Nhà thờ All Saints, được xây dựng vào thế kỷ 19 ở khu
vực Tây Dulwich, London, đã bị hư hại nặng nề bởi hỏa hoạn . Mái nhà
cháy rụi và sụp đổ, ngọn lửa đã phá hủy toàn bộ nội thất của mẫu kiến
trúc cổ điển thời nữ hoàng Victoria. Không có thiệt hại về người. Nguyên
nhân vụ cháy là do chập điện ở cây quạt đa năng. Đến năm 2006, nhà thờ
được trùng tu.
2. Ngày 22 tháng
11 năm 2001 tại thị trấn Peterborough (hạt Cambridgeshire, Vương quốc
Anh), một đám cháy đã bùng phát tại Nhà thờ thời trung cổ mang tên Thánh
Peter (thế kỷ XIII). Ngọn lửa nhanh chóng được dập tắt, nhưng các bức
tuyệt tác bích họa vẽ trên trần nhà và cây đàn đại phong cầm thuộc vào
hàng cổ xưa nhất thế giới đã bị hư hại nghiêm trọng. Theo các giả định
của cuộc điều tra, nguyên nhân của vụ cháy là do có kẻ phá hoại (đốt
lén). Công việc trùng tu nhà thờ được hoàn thành vào tháng 7 năm 2006.
3. Ngày 18 tháng 12 năm 2001 tại
New York, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại nhà thờ Anh giáo lớn nhất thế
giới, St. John the Prelate, nằm ở khu Manhattan (nhà thờ được xây dựng
hoàn thành năm 1892 và được đại trùng tu năm 1999). Ngọn lửa đã phát ra
từ một cửa hàng bán đồ lưu niệm của nhà thờ. Tòa nhà chính của nhà thờ
không bị hư hại nhiều, nhưng một phần của mái nhà đã bị sụp đổ. Không có
thương vong, nhưng nội thất nhà thờ bị khói xông đen kịt, phải mất cả
năm trời mới tẩu sạch được.
4.
Ngày 29 tháng 5 năm 2006, tại Porvoo của Phần Lan, nhà thờ được xây dựng
từ thế kỷ XV đã bị đốt cháy. Cấu trúc bên ngoài của mái nhà bị sụp đổ,
nhưng những nỗ lực của lính cứu hỏa đã ngăn chặn được lửa cháy lan nên
trần nhà và những tác phẩm nghệ thuật trang trí không bị hư hại. Nguyên
nhân của vụ cháy là do một thanh niên 18 tuổi người địa phương gây ra.
Năm 2007, anh ta bị kết án sáu năm rưỡi tù giam. Nhà thờ mở cửa trở lại
vào tháng 7 năm 2008 sau khi được trùng tu.
5.
Vào ngày 25 tháng 8 năm 2006, tại St. Petersburg, trong quá trình phục
hồi, giàn giáo trên mái vòm chính của Nhà thờ Trinity-Izmailovsky được
xây dựng từ năm 1835 đã bốc cháy. Kết quả là mái vòm chính hình chuông
và hai mái vòm nhỏ bị sụp đổ, toàn bộ các tác phẩm bích họa trang trí
nhà thờ bị ảnh hưởng nghiêm trọng Mãi đến năm 2017, việc phục hồi mới
hoàn thành.
6. Ngày 25 tháng 12
năm 2009 tại Longford (Ireland) hỏa hoạn đã thiêu rụi hoàn toàn Nhà thờ
St. Mal được xây dựng năm 1856. Nguồn phát lửa là một lò sưởi cũ. Nhà
thờ, chỉ còn lại những bức tường đá trơ trọi, đã được trùng tu sau 5
năm.
7. Vào ngày 28 tháng 7 năm
2014, tại Ninh Ba (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), do hỏa hoạn, một
trong những nhà thờ Thiên chúa giáo lâu đời nhất Trung Quốc, Nhà thờ Đức
Mẹ, được xây dựng năm 1876, đã bị thiêu rụi hoàn toàn. Nhà thờ được xây
dựng lại vào năm 2018.
8. Vào ngày 15 tháng 3 năm 2015 tại Moscow, trong quá
trình phục hồi, tháp chuông của Tu viện Novodevichy đã bốc cháy (tháp
này được xây dựng cuối thế kỷ 17). Kết quả là mái vòm hình chuông bị
biến dạng, nhưng những thiệt hại nghiêm trọng đã tránh được. Nguyên nhân
của vụ cháy là do chập điện. Công việc phục hồi tháp chuông vẫn tiếp
tục cho đến nay.
9. Ngày 15 tháng 6 năm 2015 tại Nantes (Pháp) đã xảy ra
một vụ hỏa hoạn tại Vương cung thánh đường Saint-Donatien được xây dựng
vào năm 1889. Mái của ngôi đền bốc cháy trong quá trình lắp đặt vật
liệu chống thấm. Các tác phẩm trang trí của vương cung thánh đường bị hư
hại nghiêm trọng. Công việc sửa chữa dự kiến sẽ hoàn thành trong năm
2019.
10. Vào ngày 1 tháng 5 năm 2016, ở
New York, Nhà thờ St. Savva của người Serbia, nằm trong khuôn viên một
tòa nhà theo kiến trúc tân cổ điển được xây dựng vào năm 1855, đã bị đốt
cháy. Hậu quả là mái nhà thờ bị sập, phần bên trong bị thiêu rụi hoàn
toàn. Ngọn lửa phát sinh do lỗi của người quản lý, đã không tắt nến vào
cuối lễ Phục sinh. Nhà thờ đang được lên kế hoạch khôi phục.
No comments:
Post a Comment