Ở xứ Việt thời nay, bệnh vào đến bệnh viện đã là một sự khốn khổ,
khốn nạn. Đồng tiền phải đi trước, dù cấp cứu gần chết thì phải đóng
tiền mới có người hỏi tới, không thì nằm đó chờ. Một người bệnh ít nhất
phải có một người đi theo nuôi bệnh bởi lực lượng y tá, điều dưỡng không
thể chăm sóc người bệnh. Con nuôi cha mẹ, vợ nuôi chồng, chồng theo
nuôi vợ, con cháu nuôi ông bà.. Không thể không có mặt được. Không chỉ
để rót miếng nước, đút miếng cháo, đưa viên thuốc mà còn phải có mặt ở
đấy để khi bác sĩ, y tá cần thì đáp ứng ngay. Bệnh nhân nếu ở phòng chăm
sóc đặc biệt tức là đã có một chân vào cửa tử thì người nhà càng phải
cần có mặt để được gọi tên bất cứ lúc nào. Đến các bệnh viện nhà nước mà
xem, đa số bệnh nhân đều là người nghèo đến từ các tỉnh, có người không
đủ tiền mua thuốc, và người đi nuôi bệnh thường là sống nhờ cơm từ
thiện. Chồng vừa nuôi vợ bệnh vừa chạy xe ôm là chuyện thường tình. Họ
nghèo lắm, nghèo đến xác xơ. Nhà có người bệnh, nhất là những bệnh nan y
kéo dài ngày chữa trị thì từ gia đình khá khá biến thành hộ nghèo và
người nghèo trở thành tàn mạt điêu đứng cũng là chuyện thường tình. Bán
trâu, bán ruộng, bán vườn rồi bán nhà khăn gói lên thành phố chữa bệnh
cho người thân, trắng tay cũng là chuyện thường tình.
Cán bộ lãnh
đạo khi bệnh có phòng riêng, có bác sĩ riêng, có y tá, điều dưỡng
riêng, có chế độ chăm sóc cũng riêng. Đa số lại chữa trị ở nước ngoài
với cả cặp đô la, cả túi hột soàn mang theo để chi tiêu, chưa kể đến
ngân sách nhà nước dành cho họ. Họ đâu thấm cảnh chạy vạy từng đồng mua
thuốc, bông, băng. Người thân của họ đâu phải nằm ở hành lang, ở sân
bệnh viện để nuôi bệnh, họ đâu phải xếp hàng để kiếm miếng cơm từ thiện
qua ngày. Cho nên họ mạnh miệng cho rằng thu phí người nuôi bệnh là hợp
lý. Tuyên bố như thế là chưa thấm được nỗi đau của dân, chưa đồng cảm
với nỗi khổ của dân. Dân đã nghèo tận đáy khi trở thành người bệnh mà
tận thu như thế là một việc làm tàn nhẫn. Có thể gọi là vô đạo. Đồng ý
là bệnh viện hoạt động phải có kinh phí thế nhưng đã gọi là một chế độ
vì dân, do dân và lo cho dân mà còn tính với dân miếng nước dội cầu, một
chút ánh sáng của bóng đèn thì chính phủ đó có còn nên tồn tại không?
Ngân sách hàng năm dành cho y tế cũng không nhỏ, sao lại nghĩ đến chuyện
tận thu những người đi nuôi bệnh, những người đã nghèo đến tận cùng khi
đến bệnh viện.
Ngày xưa ở miền Nam, các bệnh viện công còn gọi
là nhà thương thí, ở đó bệnh nhân được chữa trị không mất tiền, còn được
nuôi ăn. Người nuôi bệnh có chỗ còn được cung cấp các bữa ăn do các tổ
chức xã hội phân phát. Họ không hô hào vì dân nhưng họ đồng cảm với hoàn
cảnh với người bệnh. Đó là cách đối xử nhân văn, nhân đạo giữa con
người với nhau. Còn bây giờ chúng ta hành xử với nhau như thế nào? Các
ngài cứ nghĩ việc tận thu, càng nhiều càng tốt, sống chết mặc bay với
những lý lẽ nghe qua tưởng chừng rất hợp lý.
"Ngày 10-4, trao đổi
với báo chí về vấn đề BV có được thu phí người nuôi bệnh hay không, Thứ
trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng hiện nay các BV đã
thực hiện tự chủ tài chính, chủ trương của Bộ Y tế cố gắng tạo điều
kiện cho các cơ sở y tế làm chủ về kinh phí để có nguồn trả lương cho
nhân viên và thực hiện nhiều công tác khác. Do đó theo Thứ trưởng Nguyễn
Viết Tiến, những khoản thu hợp pháp, không sai luật thì BV vẫn được
quyền thu.
Trở lại vấn đề thu phí người nuôi bệnh, Thứ trưởng Bộ Y
tế nhìn nhận nhiều người không phải là bệnh nhân vào BV nhưng sử dụng
điện, nước, vệ sinh, ảnh hưởng môi trường. “BV phải cử nhân viên hoặc
thuê người dọn dẹp vệ sinh và trả tiền cho các khoản điện, nước này. Về
nguyên tắc, BV là đơn vị tự chủ kinh phí nên người vào sử dụng dịch vụ
phải trả tiền là hợp lý”.
Cái hợp lý mà các ngài đang đề cập đến
là sự hợp lý tàn nhẫn vô nhân đạo. Sự tận thu này đã đẩy người bệnh đã
nghèo càng khổ thêm, họ càng túng quẫn hơn khi phải thêm một khoản kinh
phí không biết tìm đâu. Họ lại phải nhịn ăn, bán thêm ruộng vườn để đáp
ứng việc tận thu của các ngài. Khốn nạn thật!
Fb Do Duy Ngoc
No comments:
Post a Comment