Sàigòn đang vào Tết Trung Thu. Sàigòn, bấy giờ
đã được đổi tên. Cũng đúng thôi ! Bởi vì “nó” không còn giống cái
“Sàigòn” của thời trước, cái thuở mà mỗi món vật mỗi con người đều được
nhận diện một cách trung thực, cái thuở mà tiếng nói chưa bị thâm nhập
bởi những “mỹ từ... dao to búa lớn”, cái thuở mà tình cảm còn thật là
tràn đầy... Cái tên mới của Sàigòn có hơi... dài, nên sau này, người ta
chỉ còn gọi là “thành phố”, vừa ngắn gọn lại vừa hợp... thời trang !
Sàigòn bình thường đã rộn rịp. Vào dịp Tết Trung Thu lại còn rộn
rịp gấp bội. Xe cộ – đông nhứt là xe mô-tô, loại sau này được gọi chung
là Honda – chạy đầy đường, chạy loạn, tiếng máy nổ điếc tai thêm bóp
kèn liên hồi inh ỏi. Quán lều cũng đầy đường. Hàng họ chưng bày cũng đầy
đường. Bánh mứt đèn lồng Trung Thu cũng đầy đường. Coi thật là phồn
vinh sung túc.
Trong rừng xe cộ đó, có một người đàn ông cởi xe đạp chở ba đứa
nhỏ. Nhìn anh ta là thấy ngay rằng anh ta không “hợp thời”. Anh ta còn
đội nón Panama, một loại nón mà thời trước người ta nhập cảng từ Nam Mỹ.
Mặc dù cái nón – vốn là màu trắng – đã ngã màu vàng và vành nón có
nhiều chỗ rách tưa..., cái nón đó vẫn thấy lạc lõng giữa phố phường đầy
nón cối, mũ tai bèo, nón lá, nón rơm, nón kết. Anh ta còn mặc áo sơ-mi
sọc, cổ đứng tay dài, mặc dù sơ-mi bỏ ngoài quần và mang đầy nếp nhăn vì
đã không được ủi. Anh còn mặc quần tây dài màu sậm còn đủ bờ-li và nhứt
là còn mang đôi giày da đen mũi nhọn – loại “xịn” – mặc dù giày đen đã
ngã màu xam xám vì đầy bụi đất.
Trong lúc mọi người ăn mặc rất tự do, rất... giải phóng, đại
loại như áo thun ba lỗ quần đùi dép cao su, hoặc sơ-mi ngắn tay phạch
ngực quần pi-da-ma chim cò dép nhựt hoặc những bộ đồ màu xanh cỏ úa rộng
thùng thình dép lớp xe... thì lối ăn mặc của anh ta – thật tình – không
đúng “tác phong của thời đại” ! Ngay như chiếc xe đạp của anh ta cũng
không hạp với rừng xe cộ chung quanh. Nó ọp ẹp cũ kỹ, giống như đã được
lắp ráp chắp vá bằng những món đồ góp nhặt được từ những chiếc xe đạp
phế thải. Cái giỏ sắt gắn ở phía trước ghi-đong (thường dùng như
pọt-ba-ga) đã được cắt xén để trở thành cái ghế ngồi cho thằng bé, đứa
nhỏ nhứt trong ba đứa. Còn cái pọt-ba-ga phía sau thì được nối dài ra
một chút, mặt được lót ván và phía dưới có hàn hai thanh sắt ngắn để gác
chân. Hai đứa nhỏ còn lại ngồi trên đó, đứa lớn ôm đứa bé, đứa bé – vì
còn nhỏ quá không ôm được eo ếch của gã đàn ông – nắm chặt lấy vạt áo
sơ-mi, nắm bằng cả hai tay...
Trong luồng xe cộ chạy như điên, hối hả, lòn lách... người đàn
ông thản nhiên đạp chậm rãi vững chắc dọc theo hè phố. Mấy đứa nhỏ nhìn
ngang nhìn dọc, tranh nhau hỏi, tranh nhau nói, líu lo:
- Ba ! Ba ! Coi kìa ! Đèn Trung Thu ở đâu mà nhiều quá hén ba.
- Ba ! Ba ! Cái gì mà bự quá xá đàng kia vậy?
- Tại sao ông già ổng ôm cột đèn vậy?
- Sao ông xích-“dô” ổng nằm ngủ trên xe vậy?
- Bộ ở đây người ta đái ở gốc cây được hả ba?
- Cha... Ông này ổng mua tới bốn cái đèn Trung Thu.
- Mình cũng đi mua đèn nữa, hén ba?
Đứa nhỏ ngồi ở giữa, giọng khàu khàu:
- Anh Việt nói chừng ảnh “dớn” ảnh mua cho con cái đèn máy bay bự bằng cái nhà ớ !
Đứa lớn ngồi phía sau cười hắc hắc, ôm em nó lắc qua lắc lại:
- Ừa ! Mà Nhi phải đừng nói ngọng mới được. “Lớn” thì nói “lớn”, chớ cái gì mà “dớn” hả?
Đứa nhỏ nhứt ngồi trong giỏ phía trước, nói chen vào, cũng ngọng trớt:
- Anh Nhi ảnh nói “nhọng” “vá” hà. Há ba?
Làm cả bọn cười vang. Tiếng cười của cha con nhà đó hồn nhiên,
thanh thoát, bị chìm lấp trong dòng thác tiếng động điếc tai, vừa ô-hợp,
vừa khô khan của phố phường đầy người, đầy xe, đầy bụi...
Đến một gốc đường khá thoáng, nghĩa là vỉa hè còn có chỗ trống,
thấy có một xe đẩy treo đầy đèn Trung Thu đủ kiểu đủ cỡ và đủ màu sắc
đang nằm gần đó, người đàn ông rà xe đạp vào lề:
- Tụi con coi kìa, đèn Trung Thu kìa ! Để ba ngừng đây cho tụi con xuống lựa nghen !
Mấy đứa nhỏ “ồ” lên sung sướng. Đứa bé nhứt bỗng vỗ tay cười hắc hắc giống như bị cù léc. Nó la lớn:
- Đèn ! Đèn ! Đèn ! Đèn !
Thả bầy con xuống xong, người cha bảo:
- Tụi con lại đó coi đi ! Lựa đi ! Ba ngồi đây đợi.
Trong lúc mấy đứa nhỏ vây quanh xe bán đèn lồng, người đàn ông
chống chân lên bờ hè, rút ở túi áo sơ-mi một điếu thuốc. Đó là loại
thuốc vấn tay (sau cuộc “đổi đời”, vì không còn tiền để hút thuốc loại
sản xuất kỹ nghệ nên phần đông dân “ghiền” mua thuốc rê Gò Vấp về trộn
với thuốc vàng Lạng Sơn rồi vấn hút. Nhiều người vấn sẵn ở nhà rồi cho
vào bao hay hộp mang theo mình cho tiện khi cần đi đâu...). Cầm hộp quẹt
máy trong tay lắc lắc cho xăng thấm lên đầu tim, người cha đó hướng về
bầy con nói to, khá to, để át tiếng ồn man dại của thành phố:
- Tụi con lựa đi nghen ! Lựa đi ! Thứ nào cũng được hết ! Máy
bay, xe tăng, bươm bướm gì cũng được hết ! Đứa nào thích thứ nào thì nói
cho ba biết. Lát nữa về nhà, ba làm cho y như vậy hà !
Nói xong, anh ta để điếu thuốc lên môi, chẹt hộp quẹt đốt. Bập
vài cái cho lửa bắt rồi hít một hơi thật sâu để thở khói ra dài, thật
dài... Làm như anh ta muốn trút ra theo khói một cái gì đang nghẹn trong
lòng ngực. Chung quanh, người ta, xe cộ đi như loạn.
Tiểu Tử
No comments:
Post a Comment