Wednesday, September 18, 2019

Mùa Hẹ Nước - Tạ Phong Tần

Lá hẹ nước mềm, xốp và giòn, vị ngọt thanh mát rượi. (Hình: Internet)

Nếu không phải là dân miền Tây chính hiệu và quen thuộc cuộc sống hoang dã, rừng rú, nắng bụi mưa sình thời hoang sơ mấy chục năm về trước thì ít ai biết một thứ rau đồng ăn vô mê chết bỏ là hẹ nước. Kêu là hẹ nước vì nó mọc dưới nước, ở trong các thửa ruộng phèn, gốc bám sâu dưới bùn đất, bụi hẹ vươn lên khỏi mặt nước và xòe ra xung quanh, lá tỏa ra dập dềnh, dập dềnh, uốn éo theo từng đợt sóng mỗi khi có cơn gió thổi qua làm mặt nước ruộng chao động, phập phồng.

Thật ra, không thấy nó giống với hẹ trên cạn chút nào hết. Hẹ trên cạn dày lá nhưng bề ngang lá hẹp, màu xanh sẫm. Hẹ nước lá mỏng, có gân trắng chính giữa và giống lá sả hơn, nhưng không dày, cứng, có lông tơ như lá sả, mà mỏng, mềm, hơi trong trong, màu xanh nhàn nhạt như lá sả. Lá hẹ nước mềm, xốp và giòn, vị ngọt thanh mát rượi.

Hồi tôi còn nhỏ, vào mùa mưa Tháng Tám, Tháng Chín, Tháng Mười âm lịch, ngoài ruộng nước ngập chứa chan, mênh mông, thì cũng là lúc bọn con nít tụi tôi suốt ngày trầm mình ngoài ruộng để chơi và hái rau đồng. Thôi thì các loại rau trai, rau chóc, hẹ nước, rau dừa… ngày nào cũng ôm về nhà cả thúng ăn không hết. Có hôm say mê hái rau, trời chuyển mưa tối sầm mà không hay, đến chừng mưa đổ xuống sầm sập, trời đất tối mù, gió thổi vù vù, sấm nổ ầm ầm tôi mới giật mình. Nhìn quanh cả cánh đồng vắng ngắt không một bóng người, chỉ có mỗi một mình tôi, không dám leo lên bờ đành nằm im không cục cựa dưới mặt nước ruộng, ló có cái đầu lên, vừa đỡ lạnh, vừa tránh sấm sét, chờ đến khi tàn hết đám mưa mới trồi lên đi về nhà. May mắn ở chỗ nước dưới ruộng bao giờ cũng ấm hơn nhiệt độ trên mặt nước nên muốn tránh lạnh cứ trầm mình ngập xuống nước là xong.

Không hiểu hẹ nước từ đâu sanh ra, không thấy nó có bông, có trái. Mùa nắng đất ruộng khô rang, nứt nẻ, không có cây cỏ gì sống được. Vậy mà hễ mưa xuống đầy nước trên ruộng là có hẹ nước, không cần gieo, không cần trồng gì hết. Cho nên dân quê coi hẹ nước là thứ “của ngon vật lạ trời cho,” không phải là thứ ai muốn cũng được, vùng đất nào muốn cũng có.

Hẹ nước phần càng gần gốc trắng phếu càng ngon. Muốn hái hẹ nước phải lội xuống ruộng, trầm mình dưới nước, thò tay tìm cái gốc hẹ mà lắc lắc vài cái cho đất nhão ra rồi nhổ lên cả bụi lẫn gốc rễ. Ruộng nước càng sâu, lá hẹ càng dài, màu lá càng xanh nhạt, trong sáng, bề rộng lá lớn khoảng một phân. Ruộng nước thấp lá hẹ ngắn và màu sậm hơn, lá cũng dày hơn, bề rộng lá nhỏ hơn.

Hẹ nước mới nhổ đem về cho vô thau lớn đổ nước sạch vô ngâm khoảng một giờ đồng hồ cho dễ rửa. Khi rửa tẽ lá ra vuốt từng cái lá cho sạch đất và phèn màu vàng vàng bám trên lá, nhất là phần gốc và gần gốc hẹ, nhưng đừng tước riêng lá ra bỏ gốc nó sẽ rối thành từng nùi nhìn xấu xí lắm. Rửa xong rồi xếp ngay ngắn đầu theo đầu, đuôi theo đuôi trong cái rổ lớn cho ráo nước, lúc nào ăn xếp lên đĩa bàn lớn. Ðể nguyên gốc rễ ăn vẫn được nhưng nếu muốn nhìn thấy đẹp mắt thì lấy kéo cắt bỏ phần rễ đi. Khi ăn cuộn nó lại thành một cuộn cỡ ngón chưn cái, chấm vô mắm kho, cá kho hay thịt kho mà ăn. Ngon nhất là chấm với mắm kho, ăn với bún tươi hoặc cơm.

Miền Tây có nhiều loại mắm, cá biển đem làm mắm kêu là mắm biển, cá đồng đem làm mắm kêu là mắm đồng. Mắm kho ngon nhất phải là mắm cá sặc, cá linh đem kho nước, vừa rẻ tiền mà mùi vị lại ngon ngọt, đậm đà.

Thường thì người ta nấu mắm kho ở nhà để ăn rất đơn giản, nêm nếm gia vị theo ý mình cho vừa miệng. Mua mắm cá sặc Cà Mau là loại mắm mặn trộn thính thơm phưng phức, không xài đường hay mật mía chao cho mắm ngọt như mắm Châu Ðốc, Long Xuyên. Chỉ cần nửa ký lô mắm cho vô nồi nấu với hai lít nước lã cho con mắm rã ra hết thịt tan vô nước, chắt nước ra hoặc lấy rây lược bỏ hết xương cá. Ðổ nước mắm lại trở vô nồi, nêm thêm gia vị gồm bột ngọt, muối, đường tùy khẩu vị người ăn. Sả để nguyên cây rửa sạch, tước bỏ lá hư bên ngoài, chặt bỏ phần đầu rồi lấy sống dao dần cho gốc sả hơi dập để dễ cột lại thành một nắm bỏ vô nồi nước mắm. Có thêm củ ngải bún giã nhuyễn bỏ vô nấu sẽ dậy mùi mắm rất thơm ngon, nhưng nấu xong phải lược lại lần nữa bỏ xác ngải bún đi rồi mới có thể cho thịt, cá vô nước mắm kho được. Nấu cho nước mắm sôi lên, bay mùi sả, mùi mắm thơm phưng phức. Nếu không còn thứ gì thêm vô thì tới đây phi một ít mỡ tỏi với sả, nhắc nồi xuống rưới nước mỡ tỏi phi này lên mặt là ăn được rồi. Ở nhà quê mùa mưa chỉ cần nồi mắm kho có vậy, đơn giản mà ăn rất hao cơm.

Còn muốn ngon hơn nữa bổ sung thêm thịt, cá. Như vậy khoan đổ mỡ tỏi phi vô mắm kho mà phải chờ đến cuối cùng mới cho vô. Kiếm thêm cá rô, cá lóc, cá sặc, cá kèo, nghêu, vọp, tép… nói chung là bất cứ thứ cá tôm đồng loại nhỏ nào kiếm được (cái này kêu là cá xà bần, cá hủng hỉnh) đã làm sạch để ráo nước bỏ vô nồi nước mắm, có thêm vài miếng thịt ba rọi xắt miếng nhỏ bằng ngón chưn cái càng tốt. Nấu nước mắm sôi trên lửa vừa phải cho cá, tép, thịt chín, hớt bỏ bọt dơ rồi hạ lửa còn sôi liu riu cho nước mắm thấm vô thịt, cá, tép. Nếu có cà dái dê rửa sạch cắt khúc dài chừng ba bốn phân, chẻ đứng khúc cà làm hai cho vô nồi nước mắm kho cho cà chín, đừng kho lâu quá cà thấm nước mắm quá mặn ăn không ngon.

Nhà ai có sẵn vài vài cây dừa trồng trong vườn nhà, lấy nước dừa xiêm tươi để nấu mắm cho đến khi rã hết thịt con mắm thì cái nước mắm kho này nó trở thành loại “thượng thừa” trên cả tuyệt vời.
Hồi xưa hẹ nước mọc bao la, mênh mông, ai muốn lặn hụp hái bao nhiêu cũng được, chủ ruộng còn mừng, đỡ tốn nhiều tiền kêu công làm cỏ ruộng. Bây giờ món này đã leo lên bàn ăn trong các nhà hàng đặc sản sang trọng ở Sài Gòn, thì cái giá của nó cũng khác xưa. Chủ ruộng khôn ra, canh me không cho hái thả cửa như trước mà tổ chức một đội quân “thu hoạch sản phẩm” hẳn hoi, bán cho thương lái vận chuyển về bỏ mối các chợ rau và các nhà hàng, kiếm được bộn bạc chớ chẳng chơi. Chủ ruộng còn be bờ giữ cho mực nước trong ruộng cao hơn để có bụi hẹ nước vừa dài vừa đẹp, bán có giá hơn. Làm xong vụ lúa Ðông Xuân là cày đất cho nhuyễn, bơm nước vô giữ nước thiệt cao trong ruộng để chờ thu hoạch tiếp vụ hẹ nước.

Trời bên ngoài đang mưa lạnh lạnh mà trong nhà bếp dọn ra một mâm mắm kho thơm phức, cơm nóng bốc khói xới tơi xốp, thêm rổ rau hẹ nước xanh mướt rượt là thấy hấp dẫn quá chừng rồi. Cuộn một cuộn hẹ nước chấm một miếng vô tô mắm kho, rồi bỏ vô miệng nhai rau ráu, vừa giòn tan, vừa mềm, vừa ngọt, vừa mát lạnh trong cổ họng, thiệt không có thứ rau nào ngon bằng, ăn một lần là nhớ mãi mùi vị đặc biệt dân dã của món rau này. Bưng chén cơm nóng hổi lên và một miếng cơm, gắp thêm miếng cá, miếng cà, chợt thấy thế giới này thu nhỏ lại chỉ trong vòng có mấy bước chưn thôi.

Tạ Phong Tần 
Nguồn: nguoi-viet.com

No comments:

Post a Comment