Người mẹ vừa chạy vừa thở dồn dập.
Chiếc váy màu tim tím bay phần phật dưới cơn gió lạnh buổi tối. Cái áo
sát nách tung tăng bộ ngực trần. Bà không kịp thay bộ đồ mặc ở nhà. Đôi
dép hai quai mà người ta thường gọi là đôi dép lào kéo xoàn xoạt trên
vĩa hè dành cho người đi bộ. Bà vừa chạy vừa thở, hai mắt nhìn chong về
phía trước. Đôi mắt muốn chọc thủng màn đêm, xuyên suốt qua tận cùng
cuối của con đường. Bà mong thấy một bóng người đang đi, hay ít nhất một
cái gì đen đen nho nhỏ phía trước có hình dáng của một bóng người.
Chiếc chìa khóa lắc lay trên tay. Một tay cầm chắc chiếc phone tay. Bà
ngừng lại nghỉ mệt. Hơi thở đứt quãng. Bà bước chậm lại, rồi lại vội vã
chạy về phía trước.
Bắt gặp 3 cặp trai gái đang đứng ôm nhau bên lề side walk. Một thoáng suy nghĩ lóe ra trong đầu:
- Có nên hỏi chúng không? Chúng có để ý đến những gì trước mặt không? Nếu không hỏi ngộ lỡ chúng thấy thì sao?
Bà dừng lại, vừa thở vừa hỏi:
- Xin lỗi. Làm ơn cho hỏi. Mấy em có thấy một ông già Á Châu , cao cở
này đi bộ ngang đây không? Một thằng nhìn bà bằng đôi mắt dò hỏi rồi trả
lời.:
- Có, tao thấy nó đi về phía trước.
- Cám ơn.
Và bà tiếp tục chạy, càng chạy nhanh
hơn. Hy vọng tìm thấy chồng. Ông chồng tội nghiệp của bà đã bỏ nhà ra
ngoài và chắc chắn ông không hề biết đường về nhà.
Con đường dường như dài hun hút. Không
một bóng người phía trước. Tới ngã tư đèn xanh bà dừng lại. Nhìn bên
phải, ngõ side walk im ắng trống trơn. Bà nghĩ: Không lẽ ổng đi xa vậy.
Ngõ này bà chưa dẫn ông đi qua lần nào. Hay mình nhìn không kỹ trong
nhà. Biết đâu ông ấy vẫn còn ở ngoài sân sau.
Bà lại vội vã chạy về như lúc chạy đi.
Hai chân đã mỏi, hơi thở dồn dập. Bà mong mau tới nhà, niềm hy vọng
nhen nhúm. Nghĩ tới lúc gặp ông đâu đó ở trong nhà bà nhẹ hẳn người.
Mở cửa bước vào bà bật đèn và kêu to
''Ông ơi, ông!” Nhà vắng vẻ, im lìm. Bà vào phòng, lấy đèn pin và rọi
khắp nơi. Ra sân sau, bà tìm mọi góc xem ông có ngồi đâu đó hay không.
Vẫn màn đêm chập choạng trả lời bà. Bà thật sự sợ hãi. Bà thật sự lo một
điềm bất lành nào xảy ra.
Bà lại khóa cửa đi tìm ông ở một hướng
khác. Bà bắt phone. Gọi con gái lớn, con gái thứ, con trai và hai vợ
chồng em trai. Bà báo động và trả lời bằng tiếng nói dồn dập hơi thở
theo bước chân đi:
- Ba đã đi đâu mất- Khoảng nửa giờ -
Ba mặc áo jacket màu xám tro, quần đùi đen - Má ra thay nước uống cho
con Lucy, trở vào thì không thấy ba đâu. -Hả! Má tìm vòng xóm rồi. - Ờ!
ờ! Con đi lẹ lên tìm phụ má! Cậu đi gấp tìm phụ chị. Chị mệt quá rồi.
Không biết anh đi đâu .
Vậy là đứa con gái thứ bỏ dang dở bữa
ăn vừa dọn ra. Vợ một xe, chồng một xe. Hai đứa con được phân công một
theo cha, một theo mẹ để ngồi trong xe nhìn ra ngoài tìm ông ngoại. Đứa
con gái lớn đang ngồi tụng kinh ở chùa cũng bỏ ngang lấy xe đi tìm ba.
Thằng con trai cũng vội vã phóng xe ra freeway đi về nhà. Hai vợ chồng
thằng em cũng mỗi người một xe đi tìm anh rễ. Còn bà, bà chỉ biết đi
tìm, hết đi rồi chạy vòng những con đường quanh xóm. Trời lạnh mà mồ hôi
bà tươm ra. Bà mệt muốn ngất nhưng hai chân vẫn cứ từng bước mê mãi.
Bắt gặp người nào trên đường bà cũng chặn lại hỏi và cho số điện thoại
cầm tay:
- Làm ơn gọi lại dùm tôi ở số này nếu gặp một người đàn ông lớn tuổi cao cở này, mặc đồ... dáng ...v. v...
Con đường vòng xóm quanh co cũng đưa
bà về lại nhà. Bà ngồi bệt xuống bực thềm bằng gạch của vòng đai trồng
hoa phía trước. Bà đoán những nơi nào ông sẽ đi qua. Ông chồng tội
nghiệp của bà đã bị bệnh lãng quên từ mấy năm nay. Ông không thể nhớ
đường về nhà, ông nói không rõ tiếng. Trời tối chập choạng này sẽ làm
ông sợ hãi. Ông lại bị bệnh Parkinson chân tay run rẩy, có gì xảy ra ông
làm sao biết đường xoay sở.
Những cú phone liên tục của gia đình
gửi tới cho bà từ nhiều phía. Sáu chiếc xe loanh quanh trên mọi ngã
đường khu vực nhà của bà cũng không tìm thấy bóng dáng ông đâu. Bà gọi
con gái bảo đến chở má đi tìm chứ chân má quá mỏi rồi, không bước đi
được nữa.
Chiếc xe ngừng trước cửa và bà lên xe,
cùng con đi tìm những nơi khả dĩ ông sẽ đến. Hai mắt bà căng ra soi vào
các bóng cây, gốc hoa ,vĩa hè bên lề đường để tìm xem ông có sợ quá
ngồi núp ở đó không? Khi đi ông mang dép, quần chưa thay và không có
mang theo bên mình một cái gì tùy thân. Trên tay ông chỉ duy nhất là
chiếc lắc tay. Chiếc lắc đó ghi tên họ, số nhà, số điện thoại của bà và
con gái. Một bên khác ghi rõ bệnh tình của ông. Bà cầu nguyện một người
nào đó gặp ông và gọi cho bà. Mỗi lần phone reo là bà run lên hồi hộp.
Hơn một tiếng đồng hồ tìm kiếm, cuối
cùng cả đoàn người trở về với đôi mắt thất vọng và gương mặt lo âu. Một
lần nữa mấy đứa con quyết định lội bộ đi tìm lần chót những nơi khả dĩ
ông sẽ tới. Tin về vẫn vô ích. Đứa con gái đi về lạnh run lên vì đi tìm
ba ở những nơi thật vắng trong trường học. Lần trước ông cũng bỏ nhà
đi, tìm mãi, tìm hoài khắp các nơi mà không gặp. Cuối cùng, con gái chạy
vào sân sau của ngôi trường Tiểu học gần nhà, tìm được ông đang ngồi ở
một băng ghế trước một lớp học. Hỏi sao ông ở đây? Ông nói đón mấy đứa
tan học, mà sao giờ cô giáo chưa cho ra. Cho nên lần này con gái lớp
chạy đi vòng khắp nơi để tìm nhưng vẫn bặt tin. Một đứa khác thì vào khu
trung tâm thương mại sáng choang gần đó xem ba có vào mua cái gì hay
không, mặc dù ông không mang theo tiền.
Biện pháp cuối cùng là gọi báo cảnh
sát. Giả thuyết đặt ra, Ông không bị tai nạn. Vì nếu có tai nạn thì khi
đi tìm gia đình đã thấy. Ông không gặp cảnh sát vì nếu gặp thì cảnh sát
sẽ theo địa chỉ và số phone trên chiếc lắc tay mà gọi tới, Vậy ông chỉ
có thể lang thang ở một nơi nào đó mà không biết đường về. Thằng út một
lần nữa lại phóng xe đi.
Trong lúc chờ chiếc xe thằng út về là
sẽ báo cảnh sát, cả nhà ra phía trước đứng ngóng tin. Người mẹ cứ nhìn
con đường hun hút trước nhà hy vọng thấy bóng ông lù lù đi về.
Bỗng, một chiếc xe màu đỏ chạy tới, chậm chậm như tìm đường và quẹo vào nhà bà. Một người Mễ thò đầu ra ngoài dọ hỏi:'
- Có phải nhà này có một người đi lạc? Bà hối hả bước tới và nhìn vào trong xe.
- Yes! Yes! Trời ơi. Ba về rồi nè!
Cám ơn, cám ơn nhiều lắm! Bà cám ơn cuống quít người tài xế và chạy lại
mở cửa xe. Ông ngồi phía trước, bình tỉnh cười cười như chẳng có chuyện
xảy ra. Bà kéo chân ông ra khỏi xe và dìu ông đứng dậy. Cả nhà xúm lại
hỏi thăm . Người tài xế mở cửa bước ra và vui vẻ trả lời.
Ông ta kể. Ông ta thấy một ông già Á
Châu cứ loay hoay đi tới đi lui, dáng dấp như tìm đường mà không biết
lối ra. Anh ta bước tới hỏi thăm và chỉ nhận được những tiếng thều thào
run run theo tiếng nói không ra lời vì gió lạnh. Kết nối những tiếng đó
anh ta nghe được chữ MountainView. Đó là con đường và cũng là cái tên
trường Tiểu học con anh ta đang học. Anh ta đoán có lẽ ông già này ở
đường Mountain View. Thế là anh đỡ ông già vào ngồi băng trước và lái xe
đi, mong tìm đúng nhà lão già đi lạc. Đến đây anh ta thấy một nhóm
người Á Châu đang đứng lóng ngóng như chờ đợi ai đó. Thế là anh ta tấp
vào và hỏi. May quá đã trúng địa chỉ. Anh ta vui trong cái vui đoàn tụ
của gia đình. Cả nhà cám ơn rối rít người Mễ tốt bụng. Không có gì mừng
hơn tìm được người bị bệnh Alzheimers đi lạc về nhà.
Để tỏ chút lòng biết ơn, Bà gửi cho
anh ta chút đỉnh gọi là phụ tiền xăng. Anh ta không nhận vì từ nhà anh
đến đây cũng không xa lắm. Cả nhà cùng nói vào và năn nỉ. Cuối cùng anh
ta nhận và chào mọi người lên xe ra về.
Đem ông chồng vào nhà, đầu tiên là bà
pha cho ông ly nước ấm. Kéo ghế cho ông ngồi và giúp ông yên tỉnh lại.
Bà xoa đôi tay lạnh cóng của ông, xoa đôi vai gầy gò cho ấm và khoác lên
đôi vai một cái khăn cho ông bớt lạnh.
Thế nhưng, trái với sự lo lắng của
toàn gia đình, ông lại là người bình tỉnh vui vẻ hơn ai hết. Ông cười
cười nhìn một loạt cả nhà. Khi con gái hỏi:
- Ba đi đâu về vậy?
- Đi chơi
- Có vui không? Ông vui vẻ trả lời:
- Vui chớ! Đi ngoại quốc.
- Ba có nhớ đường về nhà không?
- Tìm không ra .
- Ba có sợ không?
- Sợ gì? Mà tối quá không biết nhà ở đâu.
- Ba nói tên nhà mình đi.
Ông trả lời từng chữ lấp bấp, thều
thào và vui vẻ thấy mình cũng rất giỏi. Mình giỏi lắm. Mình biết rõ ràng
tên đường và nhà mình. Tại cái tên Mễ kia không hiểu tiếng Việt. Mình
đi chơi và đã về nhà bình yên.
Bà nhìn ông trong lòng dâng lên một
niềm vui khó tả. Bà biết ông đang mừng lắm nhưng không nói ra mà chỉ
cười cười. Bà nghĩ đến lúc ông đối diện bóng đêm và xung quanh là cây
cối và những dãy nhà giống nhau. Có thể ông không dự định bỏ nhà ra đi,
có thể chỉ vui bước chân hay ông nghĩ sẽ đi theo con đường đi bộ quen
thuộc. Cũng có thể ông đi tìm bà vì không thấy bà bên cạnh. Thương ông
biết chừng nào!
Ông là một cựu sĩ quan quân lực VNCH,
đã từng là Đại đội trưởng tác chiến, phục vụ ở tiểu đoàn đối đầu với bao
nhiêu trận chiến. Những nơi ông qua, những địa điểm ông đến ông đều ghi
nhớ rất rõ ràng. Làm một người chỉ huy cái quan trọng là nắm bắt tình
hình và bén nhạy với mọi tình huống, nguy cơ xấu có thể xảy ra. Ông
từng nói với bà như vậy và luôn luôn nhạy bén với tình hình, mặc dù ông
không còn là lính.
Ông rất thông minh nhất là tìm địa
chỉ. Ngày xưa lúc bà mới quen ông, bà đi trọ học ở một xóm dệt ngoằn
ngoèo trong ngõ hẻm ở quận Phú Nhuận.Tin rằng ông không thể nào tìm tới.
Thế nhưng một buổi sáng chủ nhật từ trên gác bước xuống bà đã thấy ông
ngồi đợi với nụ cười nửa miệng nửa mừng rỡ, nửa trêu chọc bà.
Ngày mới đến Mỹ, mới có bằng lái,
đường xá chưa biết, ông vào tiệm bán xăng, mua bản đồ và trải ra giữa
bàn, hí hoáy ghi ra giấy lộ trình đi và cuối tuần lái xe đưa cả nhà đi
thăm những người bạn tù cũ hay đồng đội ở xa. Sống với ông bao nhiêu
năm, bà biết rõ tính chồng và luôn khâm phục về cách tìm địa chỉ. Chỉ
một tấm bản đồ chi chít những chữ nhỏ xíu, ông cũng tìm đúng nơi, đúng
chỗ muốn tìm. Thời đó chưa có CPS hay Iphone, Ipad để tìm đường. Mọi
việc chỉ nhờ những tấm bảng đồ bằng giấy chi chít lằn ngang lằn dọc.
Bây giờ, chỉ một đoạn đường đi bộ vòng
quanh xóm ông đã lạc đường. Càng nghĩ bà càng thương cảm, càng thấy
cuộc đời thật là một vòng tròn huyền bí. Ông đã trở về vùng trời bình
yên, khoảng trống vô tư của một đứa bé, thật an bình và cũng thật oái
oăm. Bà cũng không hiểu sao cơ duyên nào mà ông có thể nhớ được địa chỉ
nhà để người Mễ tốt bụng kia đưa ông về.
Thằng con lại gần bóp vai cha và xoa
hai bàn tay đã trở nên giá lạnh của ông. Nó không có những cảm nghĩ như
bà, vì khi nó ra đời và hiểu biết thì cha nó là một người cha nghiêm
khắc, cứng rắn. Cái dĩ vãng oanh liệt của ông nó chỉ nghe nhưng chưa bao
giờ thấy. Nó tự hào về ông nhưng những câu hỏi của nó về chiến tranh về
tù đày, nó đã nghe ông trả lời nhưng không thể tưởng tượng ra được sự
kinh hoàng của cuộc sống nơi đó.
Trước mặt nó là một người cha bệnh
hoạn tội nghiệp, một người chỉ có một đoạn đường ngắn mà cũng không biết
tìm về. Nhìn cha, nó thương ông biết bao nhiêu. Nếu không có người Mễ
tốt bụng kia thì giờ này ông đang lạnh run trong bóng đêm và sợ hãi vì
không biết lối về.
Ba đã về nhà bình yên. Con gái nhìn cha và vuốt lại lớp áo nhăn nhúm của ông:
- Tạ ơn Trời Phật, ba đã về nhà nguyên vẹn, không mất đi một miếng thịt
nào. Nó nói xong cười vui vẻ xen lẫn một chút ngậm ngùi.
Phải rồi. Câu nói của nó nghe ngang
phè lẫn chút tiếu lâm nhưng rất đúng. Những ngã tư đèn xanh, đèn đỏ.
Những nút bấm dành cho người đi bộ mà ông không thể nào biết để sử dụng.
Bóng đèn đường lấp loáng, xe cộ về đêm ai biết được chuyện gì có thể
xảy ra. Càng nghĩ càng thấy sợ .
Người chồng, người cha, người anh như
ông, không biết được tai hại của một lần bước ra khỏi nhà mà không biết
đường về. Chỉ biết hôm nay mình đi xa, xa lắm, đi mỏi cả chân, gặp người
lạ và giờ về nhà với đông đủ mọi người.
Người mẹ trong câu chuyện đã thấy cái
sai của mình khi một chút lơ đãng đã không lock cửa kỹ càng. Người con
trong câu chuyện thấy mình cần phải gần gũi cha hơn để cùng chăm sóc cho
an toàn . Thấy mình có lỗi đã để mẹ chạy đi bao nhiêu đoạn đường tìm
kiếm trong nỗi bất an. Mọi người dù mệt mỏi, đói và lo lắng nhưng vẫn
thấy mình đã sai một điều gì đó. Chỉ có người tạo ra biến cố vẫn vui vì
có một buổi tối thật lạ. Ông cười cười và bước từng bước mệt nhọc vào
phòng và lẫm bẫm:
- Không biết hôm nay sao hai chân tui mỏi quá.
Mọi người tan hàng ra về. Người mẹ đưa chồng vào phòng và tắm rửa cho ông sạch sẽ.
Ông lên giường và đi vào giấc ngủ thật
say. Buổi tối lại trở về bình yên như có bàn tay vô cùng tuyệt diệu của
ơn trên đã sắp xếp mọi thứ.
Bà mẹ vẫn chưa ngủ được, bà ngồi bên
ông, lặng yên nhìn chồng. Gương mặt ông thay đổi theo giấc ngủ, khi thì
nhìn thật an lành, lúc châu mặt lại nhăn nhúm. Có lúc rên khe khẻ hay
hốt hoảng giật mình, người co rúm lại, tay chân giựt liên hồi. Bà nắm
tay ông giữ thật chặt những lúc như vậy. Cả một quá khứ thương tích đã
dìm ông vào những bi ai. Có khi ông ngồi nói chuyện hàng giờ một mình
với những người đồng đội hay bạn tù khuất mặt. Có khi ông tươi cười bảo
bà chuẩn bị quần áo vì ông có một buổi họp quan trọng ở Trung Đoàn. Đôi
lúc đi loanh quanh tìm mẹ già và đoan chắc là bà vẫn còn sống. Cũng có
nhiều khi bảo bà nấu nướng làm một bữa liên hoan có mấy đứa về chơi. Mấy
đứa đây là nhóm đàn em lính tráng từng một thời sống chết với ông.
Bà nhớ lại cách đây không lâu, một
dịp hai vợ chồng lên thăm thằng con đang phục vụ tại Nevada, base cũng
gần Las Vegas. Cuối tuần vợ chồng nó dẫn cha mẹ đi ăn rồi đi mua sắm ở
khu outlet. Bà lúc nào cũng nắm tay ông sợ ông đi lạc. Trời tháng 7 vùng
đất sa mạc này nóng kinh hồn. Những cột nhỏ phun nước được bố trí dài
theo hành lang khu shopping để giảm nhiệt.
Con dâu đẩy chiếc xe nhỏ của con, bà
dẫn chồng kè kè một bên nên cũng không hứng thú mấy khi chọn đồ. Đứa
con dâu chọn một cái áo thật dễ thương, nó hỏi ý kiến của bà. Bà quay
sang cầm chiếc áo săm soi rồi trả lại cho con dâu và phát hiện ông chồng
đã mất.
Bà hỏi thằng con, nó nói :
- "Ba mới đứng bên con mà"
- "Vậy ổng đi đâu?"
Thế là thằng con chạy đi tìm, ngược về
đoạn đường mới đi qua. Bà đi ngược lại đoạn đường trước mặt. Hai mẹ con
trở lại cũng không thấy bóng dáng ông đâu. Lại túa ra đi tìm. Ôi chao,
trời thì nóng, phố xá đông người, các tiệm trùng điệp từng dãy, kẻ ra
người vô. Bà cứ mở cửa một tiệm, ngó dáo dác xong lại đi qua tiệm khác.
Thằng con cũng vậy. Con dâu thì cháu con quá nhỏ không dám ra nắng nhiều
đành ở điểm hẹn nhận tin tức. Cuối cùng thằng con phải đi báo "tìm
người thất lạc" tại trung tâm mua sắm. Trong lúc đi tìm bà cũng thấy
những người security đi các tiệm và dọ hỏi tìm : "ông già người Á Châu
đi lạc đội cái mũ in chữ Laker, mặc quần áo... "
Khi trở lại gặp con dâu, bà run cả
người, tim đập mạnh muốn ngất vì mệt và vì sợ. Ai đã từng đi Las Vegas
hay khu mua bán này thì đều biết người đi như trẩy hội, xe cộ chạy như
mắc cửi. Chỉ bước xuống đường là xe có thể cán ngay thôi. Con dâu tìm đủ
cách trấn an bà, mua nước cho bà uống và giao bà coi chừng cháu để nó
đi. Bà biết đó là cách con dâu bắt bà ngồi lại nghỉ mệt. Mãi lúc sau mới
thấy thằng con và dâu dẫn ông lù lù đi về. Hỏi ra mới biết có một bà
trong tiệm vóc dáng giống bà đi ra nên ông đi theo. Bà ta đi nhanh và
mất hút trong các cửa tiệm. Thế là ông lang thang đi tìm bà. Đi mãi, đi
mãi quá khát nước ông ngồi một góc ghế khuất để nghỉ mệt. Thằng con đi
qua lại tìm ở đó mấy dạo mà không thấy ba. Có lẽ tầm mắt bị che bởi
những người du khách. Nhìn ông hốc hác mệt mỏi vì khát và nóng, các con
mất cả hứng thú mua sắm. Sau khi cho ông nghỉ mệt, uống nước và báo tin
đã tìm được ông cho tổng đài mọi người lên xe đi về.
Hỏi ông có sợ không? Ông lắc đầu nói:
Sợ chi, người ta đông vui quá mà. Hỏi sao ông bỏ đi. Ông nói Ba đi tìm
má con rồi ông cười. Nụ cười vô tư lẫn chút ngờ nghệch.
Thế là thằng con tìm trong web để mua
cho ba những dụng cụ dành cho người già hay bị thất lạc. Rất nhiều thứ
nhưng rất khó để ông chịu giữ trong mình. Cuối cùng đành mua tấm lắc đeo
tay có ghi tên, họ, bệnh trạng, số phone và địa chỉ nhà để lỡ có việc
gì cũng có người xem và giúp ông hay gọi liên lạc về gia đình.
Bà ngồi trầm tư, thương ông quá mà
không biết làm sao.Cuộc đời bà gắn vào ông như hình với bóng một phút
không rời. Đó là may mắn hay bất hạnh bà cũng không biết nữa. Nhưng tin
chắc là bà không thể sống như các bạn bè trang lứa, về già hưởng những
ngày hạnh phúc bên nhau Cùng đi chơi chỗ này chỗ kia trên thế giới, tham
dự các buổi họp mặt liên hoan hay cùng nhau đi dạo, hàn huyên tâm sự.
Bà không biết ai là cái bóng của ai?
Bà hay ông? vì thật ra bà không dám rời ông nửa bước. Người chồng của bà
thật im lìm, ngớ ngẩn và bệnh hoạn, đôi khi không biết bà là ai và luôn
cảm thấy bà cản trở mọi ước muốn. Bà là cái bóng của một cái hình lạc
mất đường về nên bóng cũng chông chênh. Đôi lúc bà thấy mình rất tội
nghiệp, nhưng nhìn ông, bà lại càng tội nghiệp ông hơn. Những con người,
những nạn nhân của chiến tranh, tù tội, tuổi già và dường như đó là hậu
chấn của cơn động đất ý thức hệ dân tộc.
Tháng 6 là tháng của cha. Người cha
tội nghiệp trong câu chuyện tôi viết lên đây là thật. Người cha trong số
những người cha, người mẹ đã đến tuổi già hay mang chứng bệnh
Alzheimers. Họ đang sống trong thế giới mông lung của một bộ não đã lãng
quên nhiều thứ. Họ đã bỏ lại sau lưng một quá khứ vàng son hay một cuộc
đời đầy bất trắc để sống vô tư và mênh mang trong tiềm thức.
Hãy yêu thương và bảo vệ họ bằng tất
cả trái tim chân thành và chịu đựng. Hãy cho họ một cuộc sống được bảo
bọc và chia sẻ. Biết rằng chăm sóc họ là cả vấn đề nhưng tình gia đình,
sự hiếu thuận của con cái là tất cả những gì cần phải có. Để những lúc
bất ngờ như câu chuyện trên ta không cảm thấy bực bội hay giận hờn mà là
mừng rỡ niềm vui đoàn tụ.
Hãy cho người cha, người mẹ tội nghiệp một bờ vai, một nắm tay ấm êm hạnh phúc.
Như ngày xưa. Vâng! như ngày xưa khi
các con còn bé xíu nằm êm ấm, hạnh phúc trong vòng tay thương yêu bất
tận của hai đấng sinh thành.
Nguyễn thị Thêm.
Người Việt mình hay nói câu: “Bẩy học bẩy mươi bẩy và bẩy mươi bẩy học bẩy” . Nhưng cả hai loại tuổi này thường hay đi mà quên lối về, vì thế trước năm 1975 ở miền Nam hay có mục đăng báo tìm trẻ lạc, nay sống ở nước ngoài con cái nhiều khi phải đăng trên Meta (Facebook) tìm bố mẹ khi các cụ vào tuổi bẩy mươi.
ReplyDeleteChị Thêm viết truyện này xúc động quá! cám ơn chị Thêm , cám ơn chị NPN giới thiệu và chuyển ạ.
ReplyDeleteHồng Thúy