Hôm qua nhà vợ có đám
giỗ, vợ bảo nhà không làm cỗ, chỉ bày chút hoa quả cúng tổ tiên thôi. Anh về
cũng được, nếu bận thì thôi. Vợ nói thì nói vậy, tôi tự thấy vẫn nên về.
Vợ chồng tôi sắp li hôn,
sau 2 năm yêu nhau và 16 năm chung sống. Chúng tôi đến với nhau từ thời tôi còn
hai bàn tay trắng. Hai vợ chồng trầy trật tạo dựng sự nghiệp, cuối cùng rồi
cũng có ngày phát triển như hôm nay. Nhưng khi kinh tế đã đủ đầy thì tình yêu
cũng thay đổi.
Thực ra là do tôi đã
nguôi dần cảm xúc với vợ. Tôi ngoại tình và tự thấy cuộc sống hôn nhân quá tẻ
nhạt. Sống chung thực ra chỉ làm vợ tôi thêm đau khổ, vậy nên tôi nghĩ li hôn
là giải pháp. Vợ tôi ngày xưa rất cá tính và ương bướng, giờ làm ăn nên cũng
trở nên khá gan lì. Cô ấy tất nhiên không chịu, nhưng sự im lặng kéo dài cũng
khiến cô ấy ngột ngạt. Phụ nữ thực ra không giỏi chịu đựng như người ta tưởng,
nhất là về phương diện tình cảm, nếu không níu được họ vẫn biết sẵn sàng buông.
Bố mẹ vợ đón tôi vẫn
bằng nụ cười như mọi khi nhưng có vẻ hơi khách khí. Có lẽ vì biết chúng tôi sắp
chia tay nên họ đón tôi như khách, không cho tôi động tay động chân việc gì. Mẹ
vợ nhìn tôi lạnh nhạt, còn bố vợ đối với tôi vẫn thân tình niềm nở.
Bố vợ tôi là người ít
nói. Từ ngày làm rể ông, chưa bao giờ tôi thấy ông can thiệp vào chuyện gia
đình con cái. Nhưng lần này có vẻ như ông muốn nói. Ông bảo: Từ trước giờ bố
vẫn đối với tôi như hai người đàn ông với nhau. Nhưng hôm nay bố muốn nói
chuyện với tôi là tư cách bố vợ. Giọng ông chậm rãi, đều đều, nhỏ đủ để tôi
nghe:
“Ngày xưa hồi cái Bống
nó yêu con, bố mẹ không đồng ý. Bố mẹ chỉ có mình nó là con, bao yêu thương
chăm sóc dồn cho nó cả. Tính nó từ bé đã ương bướng vì được bố mẹ nuông chiêu,
cưng như hoa như trứng. Bố vẫn nghĩ nó lớn lên trong đủ đầy sẽ không thể nào
chịu được khốn khó. Ngày nó nói yêu con và muốn lấy con, bố đã cản ngăn, không
phải vì chê con mà vì sợ con gái bố nông nổi. Nó quen ăn sung mặc sướng, con
thì thiếu thốn khổ nghèo. Nó vốn quen đón đưa, con thì một mái nhà để ở cũng
không có. Nó yêu con, tưởng tình yêu là vĩ đại lắm, tưởng phong ba gì cũng vượt
được, nhưng khi đối mặt với thực tại cơm tiền có chịu nổi không? Bố chỉ sợ nó
lấy con rồi, được dăm bữa nửa tháng sẽ chạy về nhà than rằng con không quen
chịu khổ, như vậy sẽ rất thiệt thòi cho con.
Dù vậy nó vẫn kiên quyết
lấy, nó khóc lóc suốt ngày, nó quỳ lạy van xin. Làm cha mẹ, không thể thấy con
mình yêu sống yêu chết mà nỡ can ngăn. Thôi thì nó lớn rồi, tự làm tự chịu.
Các con về với nhau, nhà
phải đi thuê. Ba lần bảy lượt bố nói các con về sống chung, nó bảo không về. Nó
không muốn con cảm thấy xấu hổ vì cậy nhờ nhà vợ, ăn không dám ăn, nói không
dám nói. Rồi trong lúc khốn khó, con tập tành kinh doanh. Nó cũng nghỉ việc nhà
nước hỗ trợ con. Nó mang bầu trong thời gian làm ăn nhiều thất bại. Đôi bận nó
về nhà, người lả đi vì suy nhược, nhưng nó giấu con, không muốn con nghĩ ngợi
mông lung.
Cuối cùng thì có công
trồng cây cũng đến ngày hái quả. Các con dần có của ăn của để. Đứa trước lớn
lên, đứa sau ra đời. Bố mẹ nhìn vào, cảm thấy hạnh phúc vì con mình đã trưởng thành,
cứng cáp.
Lâu rồi nó về nhà, mấy
lần trốn trong nhà tắm khóc. Mẹ con biết mới cố tra hỏi, nó bảo chồng con ngoại
tình. Nó bảo nó không khóc trước mặt chồng, không muốn tỏ ra yếu đuối. Bố cũng
không ngờ đứa con gái cá tính và bướng bỉnh ngày xưa nay lại trở nên yếu mềm
như vậy. Từ bé tới lớn, người có thể làm nó khóc cũng chỉ có con.
Người ta nói, khó khăn
thử thách lòng chung thủy của đàn bà. Giàu có thử thách lòng chung thủy của đàn
ông. Khó khăn không làm lung lạc ý chí và tình yêu của vợ con, nhưng tiền bạc
đã làm con thay đổi.
Bố không biết rốt cuộc
là con gái bố đã làm sai điều gì với con, nó không biết ăn ở hay đối nhân xử
thế tệ bạc? Nó ăn chơi trác táng hay bỏ bê chồng con? Là nó không tốt ở chỗ
nào, hay chỉ vì đơn giản là con khát thèm sự mới mẻ?
Con nhìn xem, người phụ
nữ đầu ấp tay gối với con 16 năm qua. 16 năm tuổi thanh xuân đẹp nhất cuộc đời
nó dành để cùng con mưu sinh bươn chải. 16 năm nó bận bịu cho chồng cho con đến
quên cả đòi hỏi. Giờ đến khi kinh tế đủ đầy rồi thì lại đối diện với cảnh chia
ly. Người phụ nữ đã vì con mà từ bỏ đầy đủ ấm êm. Vì con mà cam tâm chịu khổ.
Vì con mà mạnh mẽ, cũng vì con mà yếu đuối. Cuối cùng con lại làm khổ nó chỉ vì
một người phụ nữ chưa một ngày vì con mà hao tâm tổn sức.
Người phụ nữ con đang
yêu hiện tại, bố nghĩ nó chẳng có gì hơn vợ con, ngoại trừ tuổi trẻ. Tuổi trẻ
vợ con cũng đã từng có, nhưng nó đã dành hết cho con rồi. Tiền bạc mà người phụ
nữ kia đang được hưởng từ con, cũng có một phần mồ hôi và nước mắt của vợ con
trong đó.
Là đàn ông bố biết, bản
năng chinh phục ẩn giấu trong mỗi người. Nhiều khi chúng ta nhìn con mồi nằm
gọn trong hang của mình rồi thì thèm khát những con mồi đang tung tăng ngoài
kia. Ta thường đứng bên này đồi rồi ngó sang bên kia đồi xuýt xoa “ở bên kia cỏ
sao mà xanh thế”. Thực tế thì đứng núi này chắc chắn sẽ thấy núi khác cao hơn.
Bố không muốn trách móc
con. Nhưng bố là bố, cũng như con đối với con của mình. Làm bố, không thể thấy
con mình khổ đau mà làm ngơ, không thể thấy con mình chịu ấm ức mà không lên
tiếng. Làm bố của một cô con gái, ngay cả khi thấy nó cười vẫn cảm thấy bất an”.
Chưa bao giờ tôi thấy bố
vợ tôi nói nhiều như vậy, cũng chưa bao giờ ông uống nhiều như vậy. Cả buổi tôi
không nói một lời nào, chỉ sợ mỗi câu mình nói ra sẽ trở nên vô duyên vô dụng.
Vợ tôi từ đâu chạy ra,
giật chén rượu trên tay bố: "Bố ạ, bố đừng uống nữa, đừng nói những chuyện
vô nghĩa như thế nữa. Con đã giữ đúng lời hứa với bố ngày xưa, dù khổ cực đến
đâu cũng không phụ anh ấy. Bố xem con gái bố mạnh mẽ thế này, con có khóc đâu
mà bố lại khóc".
Trong giây phút ấy theo
lời kể của ông, bao nhiêu kí ức hiện về trong trí nhớ như một cuộn phim quay
chậm lại từng chi tiết. Người ta vẫn thường nói “khi bình yên, người ta thường
quên đi những lời thề trong giông bão”, quả không sai.
Dù sao thì ngày mai tôi
vẫn phải đến tòa án. Đến tòa để rút lại đơn li hôn.
L.G
https://dantri.com.vn
Cám ơn tác gia L.G . Câu chuyện thật hay và ý nghĩa. Cám ơn chi TK đã post câc chuyện này lên NPN
ReplyDeletePDM
Bài "Ăn năn" hay và cảm động quá. Cám ơn tác giả và NPN
ReplyDeleteBùi Thiện Dụ
Cám ơn tác giả, bài viết hay và kết cục rất có hậu.
ReplyDelete