1. Tôi đi làm di chúc
Trady, bà khách làm nghề y tá, lớn hơn tôi 5 tuổi, thường thích làm ra vẻ ta đây là người rành rõi, am hiểu mọi chuyện trên đời.
Chồng của Trady, ông Paul, lần đầu gặp tôi đã nói, “Trady thương cô lắm, bà ấy bảo khi nào cũng coi cô như em gái, thích lo lắng, chỉ bày cho cô mọi chuyện vì cứ sợ cô bị người khác ăn hiếp!” Ổng vừa nói vừa nháy mắt cười.
-“Ai mà ăn hiếp được tui? Tui giả bộ hiền đó chơ!” Tôi cũng không vừa, đùa lại với ông!
Mà đúng là Trady hay khuyên tôi nên làm cái này cái nọ thật. Này nhé, “Mi phải nhớ đi bầu tổng thống nghe chưa?” hay “Giấy gọi đi làm bồi thẩm đoàn, nếu mi cảm thấy chưa đủ tự tin, thì cứ đánh dấu vô cái ô “Tiếng Anh chưa đủ giỏi”...
Mỗi lần ông chồng tôi nghe tôi thắc mắc, “đòi hỏi”, kiểu như “Ông à, tới lịch đi khám tổng quát chưa?’ hay, “Sao mình không
mua bảo hiểm nhân thọ?”…, thì ổng hay đùa, “Trady xúi bà phải không?”
Cách đây hơn 10 năm, một buổi chiều, tôi đang làm chân cho Trady, thì bà nói,
“Nè, Minnie, mi có làm Will (di chúc) chưa?”
“Tui nghèo, có tiền bạc chi mô mà lo! Di với chúc chi cho mệt?” Tôi cười đáp trả.
Trady, “Mi nói rứa là không đúng rồi. Will (Di chúc) là ý nguyện của người sẽ/ sắp chết, được lập ra khi họ đang còn minh mẫn, có liên quan tới nhiều thứ, chứ đâu chỉ có chuyện tiền bạc! Tau lấy ví dụ nè. Nếu lỡ chồng mi chết, mà không có di chúc, thì mi có biết là mi không có quyền bán cái nhà mi đang ở không? Và ngay cả chiếc xe Truck ổng lái, mi cũng không có quyền bán luôn!”
“Ơ, răng lạ rứa? Mô chừ tui cứ tưởng di chúc chỉ là chia tài sản cho con cái để tụi nó khỏi gây nhau. Còn như chuyện cái nhà tui
đang ở, ký nợ tên cả hai vợ chồng thì vì răng tui không có quyền bán? Chiếc xe của ổng nữa chơ?” Tôi cố cãi.
Trady trả lời tỉnh bơ, “Là vì theo luật pháp, nếu không có di chúc, thì con riêng của chồng mi có quyền trong tài sản ổng để lại, chơ răng nữa! Chiếc xe cũng vậy. Mà đó là tau chỉ mới ví dụ chút xíu thôi, chơ thật ra còn nhiều thứ trong đó lắm, mi về nói chồng mi đi làm di chúc đi nghe. Vợ chồng tau làm lâu rồi, mà ở đây, hầu như ai cũng làm, coi như mình tự tính toán sắp đặt cho mình, để cho người vợ hay chồng bớt âu lo phiền não khi tại hoạ xảy ra. Mi có nghe mấy người bị tai biến mạch máu não, hay bị tai nạn nặng, phải sống bằng máy không? Nếu không có di chúc thì ai là người sẽ phải đứng ra quyết định việc rút ống thở, để người ấy ra đi?”
Nghe Trady nói, tôi hơi khựng vì tôi chưa hề nghĩ đến những chuyện đó.
“Được rồi, để tui về nói với ông chồng.”
Buổi tối ngồi ăn cơm, tôi nói, “Ông à, mình đi làm di chúc nghe.”
“Để làm chi? bà trông tui chết để đi lấy chồng khác hả?” Ổng cười.
“Nghe Trady nói là mình nên làm di chúc, kẻo lỡ ông có chuyện gì thì tui không có
nhà để ở, mà bán cũng không xong, bởi vì Catherine, (con riêng của ông chồng) cũng có quyền trong căn nhà này đó. Tui thấy bất công quá, cái
nhà là công lao tui với ông chơ nó có bao giờ gọi điện hỏi thăm sức khoẻ ông đâu, chứ đừng nói chi chuyện nó gởi quà Giáng sinh, lễ Cha, hay sinh nhật ông, vậy mà sao nó cũng được chia phần?” Tôi phân trần.
“Đâu phải cái gì Trady nói cũng đúng, bà hay lo xa quá đó thôi.” Ổng lắc đầu.
Tháng sau, Trady tới làm lại, hỏi “Mi đã làm di chúc chưa?”
“Chưa! Ổng nói tui hay lo Bò trắng răng, lo Voi chết không có hòm!” Tôi cười.
“Được rồi, chiều ni đi làm về, mi nói y nguyên văn như ri nè, “Tui có bà khách làm
Luật sư, bà ấy khuyên mình nên làm di chúc, sắp xếp mọi thứ, để cho người sống sót đỡ vất vả, đau khổ chừng nào tốt chừng đó.”
Tối về tôi “thủ thỉ" lại với ông chồng, thì ổng trợn ngược mắt hỏi, “Tôi tưởng bà quên chuyện di chúc rồi chứ? Bữa trước thì Trady xúi,
giờ tới bà nào đây? Khách nào của bà làm Luật sư mà tôi không biết nhỉ?”
“Bà luật sư này khách mới, ông chưa gặp, bữa nào ông ghé tiệm, nếu gặp thì tui giới thiệu để hai người làm quen.” Tôi nói dối!
Buổi chiều Chủ nhật, ông chồng ngồi uống bia (lúc đó ổng còn uống bia) với thằng bạn thân Ricky làm nghề thám tử tư, tôi nghe ổng nói,
“Nè, Minnie có khách mới làm nghề luật sư, cứ biểu lo đi làm di chúc. Không biết lệ phí có nhiều không?”
Ricky cũng ngạc nhiên không kém, “Luật sư tên chi? Tau biết khá nhiều luật sư ở Austin. Di chúc thì đúng là nên làm, trong căn cứ quân đội (chỗ phục vụ cho lính ở ngay Austin, gọi là Camp Mabri,) mấy năm trước tau cũng làm di chúc ở trong đó không tốn tiền, giờ thì không biết sao, nhưng chắc chắn là rẻ, mi gọi phone hỏi cho chắc.”
Sau đó mấy ngày thì ông chồng tôi nói, “Lấy được hẹn với luật sư quân đội, để làm di chúc rồi, không tốn đồng nào cả.”
Không ngờ “kế" của Trady lại thành công! Ông chồng tôi nghe Luật sư khuyên là làm theo ngay!
Đúng ngày giờ đã hẹn, hai vợ chồng tôi, ăn mặc chỉnh tề đi làm di chúc. Cũng hơn 2 tiếng đồng hồ mới xong, rồi họ giao cho chúng tôi mấy bản copy, yêu cầu gởi cho những người mình uỷ quyền, mỗi bản dày cả mấy chục trang giấy!
Trong di chúc có rất nhiều câu hỏi, nhưng tôi nhớ nhất những câu này,
“Nếu tim bạn ngừng đập, (chết), bạn có muốn bác sĩ dùng các phương pháp máy móc giúp bạn sống lại không?”
“Đương nhiên là đồng ý rồi! Bác sĩ cứ tự nhiên thử hết cách để làm tui sống lại nghe! Có ai mà muốn chết mau rứa?” Tôi làm đày
làm láo như lệ thường!
“Nếu bạn phải sống nhờ vào máy, (não chết), sống đời sống thực vật, bạn muốn kéo dài bao lâu?”
“Nếu bác sĩ tin rằng não tui đã chết, phải cho tui sống bằng máy móc, thì chịu khó đợi cho tui 5 ngày nghe, lỡ tui còn nợ nần, giận hờn chi ai thì tui sẽ “báo” cho họ biết, cho họ “sợ” chết luôn!” Tôi đáp.
“Khi chết rồi, bạn muốn chôn hay thiêu?”
“Thiêu thì rẻ, tiện nhưng “Nóng” lắm! Chôn thì “vui” hơn vì đám tang kéo dài hơn, có nhiều hoa, nhiều người tới, chụp hình chắc đẹp hơn, nhỉ?" Tôi đùa thôi, cái đó không thành vấn đề, chết rồi, não đâu còn hoạt động, đâu cảm nhận gì được, tuỳ ai lo liệu sao cho tiện là được rồi. Nhưng dù cách gì, tui
cũng muốn được chôn, có bia mộ, để con cháu sau này, có cái để nhớ, có nơi để tụ tập nhau về.”
Tôi nói mà trong đầu lại suy nghĩ ngược lại, “Cuộc sống ở Mỹ bận rộn như ri, biết có ai rảnh để ghé thăm mộ mình hèo?”
“Bạn có muốn cống hiến toàn bộ cơ thể, hay các bộ phận cho y học không?”
“Không! Bà đừng có dại. Lỡ mình ừ, rồi họ muốn mình chết sớm, để lấy các bộ phận, cứu 10 người khác, quên cứu mình hết sức thì răng?”
Ông chồng tôi cương quyết không đồng ý cho tôi hiến cơ thể!
…
Vậy đó mà thấm thoát cũng đã 10 năm từ ngày bản di chúc được làm, nhờ Trời Phật thương, hai vợ chồng vẫn sống “nhăn răng khỉ!” Chứ không phải như nhiều người khi nghe tôi đi làm di chúc đã ‘la’ là “Điềm gở, khi không trù chuyện chết!"
*
2. Trường hợp Ông Anh
Ai cũng nói ông ngơ ngơ, vì khuôn mặt lúc nào cũng như đang mỉm cười, chẳng biết cười với ai nữa! Bản tính hời hợt vô tâm, không biết dẻo mồm dẻo miệng, mà trái lại, rất thật thà, không có tính tò mò thọc mạch, “đâm bị thóc, thọc bị gạo”, càng không phải là ngừơi nhiều chuyện.
Ông có nhiều tài, và rất khéo tay: Hát hay, vẽ đẹp, nấu ăn ngon, nhất là món bánh mì nướng tự làm là “nghề” của ông! Còn hỏi ông thích chi, thì ông nói ngay, lúc trẻ thì nặn tượng, đọc truyện, nghe nhạc! Còn khi về già thì thêm
làm vườn, facebook và chụp hình nghệ thuật (nhất là chụp hình phụ nữ.) Ông không thích thể thao, vì “Thể thao thì phải đánh nhau, giành
giật hơn thua, mệt lắm!”
Ông thuận tay trái và không bao giờ uống sữa, dù ở Mỹ có loại sữa “Lactose free”, cũng không uống được.
Ông sinh năm 1954, tại Huế, Việt nam, là con trai đầu của một gia đình đông đúc: 8 anh em cả thảy.
Ngoài tên cúng cơm trong giấy khai sinh, và tên thường gọi ở nhà, ông còn có biệt danh “Ngố!” hay như tụi bạn vẫn gọi, "Thằng Ngố!"
Mà thật ra, hình như vào thời của ông, ai lớn lên cũng phải mang theo mình một biệt danh, nói chi xa xôi, ngay trong
nhà, đứa nào cũng có biệt danh cả đấy chứ, chẳng ai “thoát” được! Này nhé, Vêu, Nhè, tiếp nữa là Quắn, rồi Trịn, Lẫy, Ngủ và Đầu to.
Thuở nhỏ, ông thông minh, học đâu nhớ đó, luôn đứng đầu lớp, tháng nào cũng lãnh bảng Danh dự, chứ bảng Tưởng lệ là “chê!"
Lên trung học, nghe lời mấy đứa bạn cù rủ, ông đòi ba mạ cho học trường tư thục Thiên Hữu. Cả nhà nội ngoại của ông theo Phật giáo, mà trường Thiên Hữu là trường dòng, nên ban đầu ai cũng cản. Ông thì nghĩ khác, học trường đó đâu có nghĩa là phải đổi đạo? Ở cái tuổi 14, 15 của ông, thì Chúa hay Phật cũng như nhau thôi.
Vậy thì lý do gì mà ông muốn đổi trường?
-Không muốn phải ở nhà với ba mạ! Chán lắm! Còn như học trường nội trú nam, cuối tuần mới về nhà một lần.
Ba mạ thương ông nhất nhà, cuối cùng cũng chiều ý con.
Qua Thiên Hữu, ông không còn chăm học nữa. Bạn bè xấu rủ rê, chơi nhiều hơn học, nhưng ông cũng học xong lớp 12. Năm 1972 ông thi đậu vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, ngành hội hoạ.
Học thì phải thực hành, đúng chưa? Mấy bức tường trong nhà,
ông vẽ đầy kín với hình của mấy ban nhạc hắn yêu say mê: The Beattles, The Abba, The Beegees… Bạn bè tới nhà, đứa nào cũng bảo ông vẽ giống như hình chụp, rất có “thần”!
Có lần ông đang nặn tượng thằng em trai út, cho bài tập ở trường, thì nhà bị hoả hoạn. Mạ, em gái ông đang nấu ăn, cái bếp "rề sô” nghiên xuống, đổ dầu hoả pha xăng, bốc cháy ngùn ngụt, lanh trí ông quơ đại cái mền đang phơi trên sợi dây thép, rồi cầm cái tấm nhôm (lót mái nhà) đang dựng ở góc vườn, vứt mạnh vào đống lửa, lấy lối đi, rồi chùm cái mền lên đứa em gái để dập lửa.
Ông cũng tham gia trong nhóm nặn tượng cụ Phan Bội Châu do trường đảm nhận, nhưng mới được mấy tháng thì chiến tranh kết thúc, miền Nam thua cuộc hoàn toàn. Cuộc đời của mỗi gia đình, mỗi con người miền Nam đều bị cuốn theo với cơn sóng cuồng nộ của thời cuộc. Gia đình ông từ trên cao, rớt xuống đất cái bịch! Bàng hoàng, sửng sốt!
Trường đổi tên, lớp đổi thầy cô, không cho “con Nguỵ” như ông được tiếp tục học.
Ba bị đi tù trên núi, nhà bị lấy mất, phải đi ở nhờ cái chái bếp của ông nội!
Ông chán đời, ở cái tuổi 20, 21, nhìn gì cũng thấy mông lung, chỉ thích đi lang thang!
Mà càng đi lang thang thì càng thêm chán, vì không có tiền! Ông không nhìn thấy lối ra cho cuộc đời mình, mọi thứ sao vô định quá? Ông cứ lang bạt hải hồ, sống lây lất nhờ vào lòng tốt của bạn hữu!
May sao, một ngày trời xui khiến, ông lạc bước vô Đà nẵng, được làm quen thằng bạn mới người Hoa tên là "A Khìn," nói tiếng Việt "chùng chằng" như con nít mới tập nói, bởi vì ngôn ngữ chính A Khìn dùng ở nhà và đi học: Tiếng Tàu!
A Khìn rất tốt bụng, thương ông, coi ông như anh em ruột. Nhà A Khìn giàu lắm, có mấy tiệm tạp hoá đông khách đã đồng ý cho ông ở lại trong nhà, đổi lại, ông giúp họ việc sổ sách vì họ thích tính thật thà của ông.
Sau gần một năm thì, một bữa A Khìn nói, “Để ngộ xin ba me cho hai đứa mình đi vượt biên!"
*
Vậy mà gần 10 năm sau ngày ông vượt biên, thì A Khìn và gia đình mới được đi Mỹ theo diện "Người Hoa ra đi bán chính thức” (1988).
Trước khi vào Sài gòn, A
Khìn ra Huế, tìm gặp gia đình ông để thăm.
Nhà ông nhỏ chút xíu, chật chội, nóng bức vì gió Nồm ở Huế, cọng thêm 2 cái lò than: một lò để nướng bánh và một lò sấy bánh Thuẫn cho khô để bán.
A Khìn tự giới thiệu, “Con là bạn của Ngố, 10 năm trước ba mẹ con cho tiền để hai đứa con cùng đi vượt biên, nhưng số con xui, ra bãi rồi mà thuyền chưa vào, chờ mãi trời sáng dần, sợ bị bắt nên phải chạy về. Trong khi đó
Ngố hên hơn, bị tách ra nhóm khác đi trước có nửa tiếng, thì vừa tới bãi, thuyền bốc đi luôn. Đúng là
con người ta có số cả!”
Mạ ông cũng kể cho A Khìn nghe, qua thư từ Ngố gởi về. “Tàu đi từ Hội An, sau 2 tuần lênh đênh trên biển, bị bão đánh tàu hư nặng, phải để trôi tự do, hết nước, hết thực phẩm, người ta nằm dài trên thuyền, không còn sức để đứng, chỉ chờ chết thì may sao có tàu hải quân của Hồng Kông vớt đưa vào bờ. Hắn được đưa vào bệnh viện, có mấy sơ dòng Caritas chăm sóc tận tình, sau một tuần thì hồi phục, ai cũng nói hắn may mắn, bẩm sinh khoẻ mạnh nên “có da có thịt” nhanh hơn người khác."
"Mấy bà Soeur giúp làm giấy tờ, liên lạc với bà con bên Mỹ, sau 6 tháng thì hắn bước chân tới Mỹ, ban đầu ở California,
sau đó qua tiểu bang Texas, thành phố Dallas! Hắn vừa đi học, vừa đi làm, kiếm tiền mua đồ đóng thùng gởi về cho Mạ bán lấy tiền nuôi em nhỏ. Mấy năm đầu, hắn gởi về Sài gòn, sau
đó thì gởi về Đà nẵng.
Mỗi lần đi nhận quà, cũng khổ lắm, phải "nhỏ to” dặn dò, cho tiền ôngđưa thư (kẻo ổng dấu thư thì mình cũng khổ!) rồi lên công an phường xác nhận, bị hoạnh hoẹ hỏi lui hỏi tới, “Có biết ai là người gởi quà không? Liên lạc bằng cách nào? Liên hệ máu mủ thế nào?” Hồi đó đi tàu lửa vô ra Sài gòn, tàu chật ních, không có ghế ngồi, phải ngồi ở sàn tàu. Lãnh quà xong, phải nguỵ trang trong mấy cái bao tải cũ kỹ, giả làm người buôn thúng bán bưng, chưa kể sợ thuế vụ, phải tốn thêm tiền chùi lót, mà đâu đã yên! Còn phải dấu chỗ này hai bao,
chỗ kia 3 bao, cũng may, nhiều người đi tàu cũng rất thật thà, giúp để mắt tới mấy bao đồ.”
Thời gian đó, công an biết ông đi vượt biên nên cứ hoạnh hoẹ gia đình đủ điều. Mấy đứa em ông, không có đứa nào được vào đại học, lý lịch quá tệ: Cha là Nguỵ quyền, Anh đi vượt biên!
Sau mấy năm cần cù học hành, ông tốt nghiệp đại học ở Dallas. Rồi ông cưới vợ, dọn về Cali ở, sinh được 2 con gái.
Năm 1987 ông bảo lãnh em trai kế đi vượt biên bị kẹt ở đảo Philippine.
Thời gian này ông
làm có tiền, mỗi lần cả nhà nghỉ đi chơi xa, mặc dù có xe “ngon” ở nhà, cũng không thèm đi, thuê Limousine đi cho sướng!
Đi Vegas chơi, coi mấy shows diễn hàng cuối tuần là chuyện thường. Ông còn bỏ tiền làm cả cuốn CD nhạc cho riêng mình, cả chục ngàn chứ ít đâu! Chỉ có điều, bán không được, vì không có ai "lăng xê" cho ông cả!
Năm 1991 ông bảo lãnh ba mạ, và mấy anh em nữa.
Rồi gia đình lục đục, hai vợ chồng ông ly dị. Ông thấy chán nản, buồn bã…
Năm 2001, gia đình của 3 đứa em nhỏ trong nhà cũng đi Mỹ, vậy là cả đại gia đình ông ở Mỹ, không còn ai ở lại Việt nam. Ông luôn luôn lấy đó là niềm hãnh diện, “May mà mình nghĩ tới tương lai sớm, phải đi vượt biên, thì chừ mới được ri, chơ không thì khổ cả nhà, cả đời ngóc đầu không lên nổi!
Nhớ hồi nhỏ, ba ông coi tử vi, nói số ông “Lên voi xuống chó” thăng
trầm dữ lắm! Hồi trước ông làm nhiều việc, từ công ty chuyên về computer, tới buôn bán nhà cửa, mở xưởng may mặc, tiệm giặt ủi…, giờ ông chỉ muốn ngồi trầm tư, nghe nhạc, thỉnh thoảng lấy lớp học thêm computer.
Ông “thẫn thờ” như vậy gần 10 năm trời, cho tới 2004 thì xin vào làm việc cho tiểu bang, lương không cao như mấy công ty tư nhân, nhưng bảo hiểm tốt.
Trong lúc mạ ông bệnh, bà cứ thúc dục ông cưới vợ lại cho bà yên tâm. Chỉ tiếc, bà qua đời sớm quá, tháng 4 năm 2009, mà tháng 9 ông mới làm đám cưới được.
Năm đó hai vợ chồng cũng mua được căn nhà, thật là hên! Căn nhà xinh xắn, có 2 hàng cau và mấy cây bông giấy, và mua cũng được giá hời bởi vì người ta muốn bán gấp.
Vợ ông làm cho văn phòng nha sĩ dưới San Diego, còn ông làm ở Santa Ana gần nhà. Cuối tuần hai vợ chồng mới gặp nhau. Nhà ông có nhiều hoa đẹp: Sứ có cả 5 màu vàng, trắng, hồng, đỏ, cam! Còn hoa Giấy thì cũng đâu
có chịu thua: Hồng, tím, gạch, trắng, đỏ, cam. Ông thích nhất là dàn hoa Ti gôn, năm nay mới bắt đầu ra hoa, chắc là đẹp lắm đây, ngày nào cũng ra ngắm, vừa thưởng thức ly cà phê và điếu thuốc!
Cây ăn trái thì ôi thôi, “loạn lắm”, nè: Vải, Nhãn, Ổi, Khế, Cam, Chanh, Chuối, Thanh long, Bưởi… Nhưng cây mà ông thích “khoe” với bà con bạn bè nhất là cây Vả! Vả Huế hẳn hoi, chứ không phải Vả Mỹ đâu nha! Trái xum xuê, mọc tràn từ dưới đất lên trên ngọn, không ai ăn, trái tự chín rồi rụng lại xuống đất. Ông đoán “Chắc là góc trồng hợp với ánh sáng và nước, chứ mình có làm gì khác đâu!"
Tháng 6 vừa rồi, ông xin nghỉ hưu non. Sau hơn 13 năm làm cho Tiểu bang, ông được hưởng đầy đủ quyền lợi của người nghỉ hưu, chỉ có điều lương hưu ít lại thôi!
Từ ngày nghỉ hưu, ông thấy vui hẳn lên, cảm thấy yêu đời lắm. Bây giờ ông có giờ rảnh để làm vườn, lái xe khắp nơi, chụp nhiều hình đẹp nữa! Ông có bao nhiêu
là dự định, chỉ mong tới lúc nghỉ hưu để thực hiện.
*
Hàng năm, khoảng cuối của tháng 8, đầu tháng 9 (thường là ngày thứ bảy, chủ nhật để bà con có thể tham dự) thì kỵ ba vợ của ông ở San Diego. Năm nay, dự định vào thứ Bảy, mồng 1 tháng 9.
Ông nói với vợ, “Để thứ Năm anh về San Diego, ở lại chơi tới kỵ xong rồi về.”
“Thôi, nhà đông người vì có khách ở xa về kỵ, vai trái của anh mới mổ có một tuần à, đang còn phải đeo cái băng, khó chịu, sợ anh ngủ không được thì càng thêm cáu. Để tối thứ Sáu, em lái xe về Santa Ana, rồi trưa thứ bảy, hai vợ chồng mình lái về lại San Diego cũng được.” Vợ ông nói.
Thứ Sáu đó, như lệ thường, ông làm vườn, rồi vào facebook đăng mấy hình mới chụp, rất ưng ý, “Hình mình chụp rồi đăng ở trang Web khác, có 830 người bấm like, vậy mà đăng ở trang cá nhân, chỉ có 32 người like! Kiểu ni thì phải bỏ bớt bạn ra cho rồi!!!” Ông muốn đùa chọc thiên hạ cho vui, nên
đăng ý tưởng đó lên luôn.
Vậy là ai cũng “nhao nhao”, có lẽ vì sợ ông giận rồi “Unfriend” thiệt! Nào là,
“Thích hình anh chụp lắm, nhưng sợ vợ la!” hay
“Thích hình anh chụp quá đẹp, mà sợ bị ra ngủ sofa, vì mấy cô người mẫu đẹp quá, vợ ghen lắm!”
Ông thấy vui vui.
Mấy bữa này, ba của ông cũng đang phải vào bệnh viện bên Austin, mấy anh em trong
nhà thường “chít chát” qua nhóm texting. Đang ngồi đọc lại mấy tin nhắn thông báo tình hình sức khoẻ của ba, ông viết, “Ba vô bệnh viện cứ như người ta đi chợ ấy!”
Đến 7 giờ chiều, vợ ông gọi, “Em chuẩn bị lái về Santa Ana đây. Anh có cần mua gì không?”
“Không! Anh xong việc rồi đi tắm, em về thì mình nấu cơm ăn.”
Từ San Diego về nhà ở Santa Ana khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ.
Hôm đó, ít kẹt xe, nên vợ ông về nhà sớm hơn được một chút. Lái xe vào cổng, thấy từ ngoài sân vào trong đều tối om, xe của chồng đậu trong sân. “Lạ quá, ổng làm gì trong nhà mà không bật đèn lên, tối om tối mù. Xe đây thì chắc chắn là ổng phải ở nhà chứ không đi đâu! Trời tối rồi, mà chẳng lẽ ham làm vườn quá rồi quên giờ, không sợ muỗi đốt luôn?”
Vừa xách mấy cái túi xách, vừa mở cửa, vợ ông kêu to, “Anh ơi, em về nè.”
Bật đèn phòng khách, vợ ông đi tiếp vào nhà trong, liếc mắt qua 2 phòng ngủ, không có!
Ngang phòng tắm, thấy đèn đỏ, “À, ổng đang tắm.” Nghĩ vậy, vợ ông gõ cửa, “Anh à, tắm xong chưa vậy?”
Đẩy cửa vào, vợ ông chết điếng khi thấy chồng nằm sõng xoài trên nền nhà, miệng méo xệch, sùi bọt mép, tay chân co quắp.
Bình tĩnh, bà chụp điện thoại bấm số cấp cứu 911, “Chúng tôi cần xe cứu thương, địa chỉ nhà…"
Vợ ông vừa nói, vừa chạy qua nhà hàng xóm, “Jose ơi, giúp chồng tôi với, ổng bị té!”
Ông hàng xóm người Mễ đang ở trần ngồi ăn cơm với gia đình, không kịp mặc áo, cứ thế chạy theo. Ổng vuốt tay, vuốt chân hắn cho duỗi ra, thì cũng vừa lúc nhân viên cứu thương tới. Nhân viên cứu thương nhìn thấy ông, không chần chừ một giây, đưa ông lên cáng, chạy thẳng vô bệnh viện cấp cứu."
Ngồi trên xe cứu thương, vợ ông gọi điện cho hai em
trai của ông và cho cả anh trai của mình nữa.
Sau khi khám, bác sĩ bảo rằng, “Tình trạng rất xấu! Quá xấu! Xấu lắm! Vỡ động mạch giữa đầu, máu tràn qua hai bên bán cầu não nhiều quá, sợ không qua khỏi!”
Họ không muốn mở sọ não để hút máu, bởi vì “Không giúp ích gì
được cả! Bệnh nhân bị hôn mê sâu, cơ hội sống sót rất nhỏ nhoi, mà có sống cũng chỉ sống thực vật thôi, vì não bị thiếu oxy và máu quá lâu,
không cách gì cứu vãn được!”
Hôm đó là ngày 31 tháng 8 năm 2018.
*
Ngày thứ nhất ở Neurosurgery ICU. Hôn mê sâu.
Con gái viết cho bố.
"Khi chúng ta đang còn có nhau, đang ở bên nhau, hãy sống tốt với nhau, hãy mạnh mẽ và yêu thương nhau, nên bằng mọi cách để thể hiện cho nhau biết...
Cuộc sống này có những lúc thật vui, và cũng có những ngày rất buồn.
Không ai có thể nghĩ rằng có một ngày nào đó, mình trở về nhà sau một ngày làm việc, và tìm thấy người thân ngã sõng xoài dưới đất, đầu bê bết máu! Cám ơn cô Lan đã tìm thấy bố bị tai biến mạch máu não, (stroke) nằm ngất trong phòng, ngày bố ở nhà một mình. Mạch máu trong đầu bị vỡ nhiều quá, chảy tràn cả hai bên của não bộ.
Thật xót xa nhìn bố như thế này! Tim con tan
vỡ giống như bánh mì thơm ngon mùi bơ bố mua cho con ăn, bị bể vụn vậy!
Sẽ không bao giờ có lại những ngày đã qua, những ngày bố con mình chơi với nhau. Nhớ lại hôm qua viết cho bố, mà quên nói “Con yêu bố”...
Mong rằng những giây phút chúng ta bên nhau, hãy sống tốt, mạnh mẽ, yêu thương.
Bác sĩ bảo rằng, nếu bố sống qua được hôm nay, thì con đường hồi phục sẽ còn rất dài. Dài lắm lận…”
Ngày thứ hai. Hôn mê sâu.
Đứa cháu gái ở Seattle viết cho cậu.
“Cậu của tôi ở California bị tai biến mạch máu não đêm qua. Chúng tôi thật may mắn đã gặp được cậu và toàn bộ gia đình bên California
mấy tuần trước, khi mẹ tôi được vinh dự nhận giải Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo. Chúng tôi đã có những giây phút thật vui bên nhau, nó khiến cho tôi luôn ước ao gia đình lớn của mình cứ được như vậy hoài hoài.
Các bác sĩ đang theo dõi sát sao bệnh tình của cậu trong lúc này. Cho dẫu cơ may hồi phục mong manh như sương khói, chúng con
cũng xin cầu nguyện Đức Phật gia hộ cho cậu hồi phục, và sẽ tiếp tục cầu nguyện cho Mợ, cùng các chị.
Những thời điểm khó khăn như thế này, nhắc nhở chúng ta nhớ, hãy sống thật hết mình, và thường xuyên nói cho gia đình cùng bạn hữu thân quen rằng chúng ta yêu
họ nhiều lắm."
Ngày thứ ba. Hôn mê sâu.
Con gái Út gởi cho Bố.
"Bố là người đầu tiên gởi cho con hoa và thư viết bằng tay trong ngày lễ Valentine đầu tiên, khi con còn bé tí teo, mới vào lớp Một!
Bố cũng là người dạy con ghi âm nhạc disco những đêm khuya bố con mình không ngủ. Bố hát cho chị và con nghe những bài hát lãng mạn ở đám cưới của chú, khi chúng con vẫn còn ham chơi mấy trò chơi con nít Fisher- Price, Bố còn dạy con cách dùng máy chụp hình và hối thúc con đi tập thể dục ở phòng tập. Bố là lý do vì sao con biết làm những việc con yêu thích bây giờ và còn nhiều nhiều điều khác nữa. Hãy mạnh mẽ như hình ảnh của Bố luôn có trong tâm tưởng của tụi con, và cho tụi con, Bố nhé…"
Ngày thứ Tư. Hôn mê sâu.
Ngày thứ Năm. Hôn mê sâu.
Ngày thứ Sáu. Hôn mê sâu.
Bác sĩ giải thích, “Hoặc là rút ống thở và dinh dưỡng, để ông ấy ra đi thanh thản, hoặc ông ấy sẽ sống đời sống thực vật cho tới khi cơ thể kiệt quệ. Những người nằm lâu năm như vậy, sẽ phát sinh nhiều bệnh: viêm phổi, ung thư, hoại tử…”
Vợ ông quyết định giữ máy giúp ông sống, “Có thể não anh ấy bị chết, nhưng các bộ phận khác như tim, phổi, thận, gan… vẫn hoạt động tốt.
Nếu giờ mình rút ống thì có khác gì mình “bức tử” ổng, tội nghiệp lắm! Rồi biết đâu, có ngày ổng tỉnh lại?"
Đổi qua bệnh viện thứ hai ở Irvine.
Ngày thứ bảy. Hôn mê sâu.
Ngày thứ 8. Hôn mê sâu.
Ngày thứ 9. Hôn mê sâu.
Ngày thứ 10. Hôn mê sâu.
Ngày thứ 11. Hôn mê sâu.
Ngày thứ 12. Hôn mê sâu.
Ngày thứ 13. Hôn mê sâu. Đổi bệnh viện lần thứ 3.
Ngày thứ 14. Vẫn hôn mê sâu.
Bác sĩ muốn làm Tracyotomy nhưng bị nhiễm trùng, không làm được.
Ngày thứ 15. Hôn mê sâu.
Phẫu thuật để đặt ống thở ở ngoài cổ, (Không phải vào từ miệng.)
Ngày thứ 16. Hôn mê sâu. Chuyển qua nhà nuôi dưỡng người tàn tật.
*
Hôm nay là ngày thứ 16, khi tôi đang ngồi đây để viết những dòng chữ này thì tình trạng của ông ấy chưa có gì thay đổi cả!
“Ổng”, người đàn ông đang nằm bất động đó là anh cả của tôi!
Sinh nhật bữa tháng Tư vừa rồi, anh mới được 64 tuổi!
Nếu tôi nhớ không nhầm thì anh không
làm di chúc, nên không ai thực sự biết anh muốn ra đi ngay hay sống bằng máy?
Vợ anh, người yêu thương anh vô cùng đang cố duy trì sự sống cho anh qua máy
thở, máy đưa thức ăn, với hy vọng có ngày anh tỉnh lại,
"Càng nghĩ càng buồn cho ngày mai, nhưng còn thấy được nhau là hạnh phúc. Dù có phải cực khổ lo cho anh, mình cũng ráng. Như nếu ảnh có làm di chúc thì mình cứ theo ý của ảnh mà làm, chứ giờ một mình phải quyết định, mình không
nỡ để anh đi đâu!”
Nhìn chị tiều tuỵ, xanh xao thẫn thờ, lòng tôi buồn vô hạn. Có người quen qua thăm anh, khi trở về đã kể lại, “Vì hai người không có con nên dồn hết tình thương cho nhau, nhớ hôm chủ nhật ở bên đó, thấy ai cũng "chào vao" nên mọi người rủ nhau về Santa Ana ăn
trưa. Lên xe, tui nhắc, “Gài dây an toàn
vào đi chị,” thì chị nói, "Thôi không cần đâu, có gì đi theo anh luôn." Không biết chị kéo dài việc chăm sóc cho anh được bao lâu?
*
Hình như chồng tôi hay ai đó vừa nói với tôi rằng, “Tỷ lệ phần trăm sống sót trong trường hợp tương tự của anh tôi là…Zero!”
Thật đau xót!
Nếu bạn có người thân như trường hợp anh tôi, bạn sẽ làm gì?
Phép mầu có thật không nhỉ?
Và quả thật nếu có phép mầu, thì phải đợi bao lâu?
Tháng 9/2018
Minh Nguyệt Graves
No comments:
Post a Comment