Đúng ra tui phải kêu ba bằng Cha vì đó là tên thường dùng ngoài quê nội ở Bình Định. Nhưng ba tui vào nam thuở còn thanh niên rồi bị đôi mắt lé kim của má tui hớp hồn. Nên "Khớp, khớp, khớp, khớp con ngựa ô ....ứ ư ư ừ theo nàng dìa dinh" ở Biên Hòa Xứ Bưởi cho tới ngày quy tiên.
Tui đã viết nhiều bài về Mẹ. Má tui là người phụ nữ
miền Nam có một không hai chiều chồng tới bến. Bà là mẫu đàn bà mà đàn ông nào
cũng mơ ước có được. Tui tin chắc như vậy vì khi lớn lên anh em tui đứa nào
cũng ấm ức tức thay cho má. Mấy bà chị dâu, em dâu tui cũng không hoan nghinh
kiểu làm vợ giống osin như má tui. "Má làm gương kiểu này không công bình
cho phe phụ nữ. Làm vợ như má tụi con chịu thua."
Má đã để lại cho các con dâu con gái một cẩm nang
mà không đứa nào muốn rờ tới đừng nói chi thực hành. Chỉ có ông Khổng tử bên
Tàu là vuốt râu gật gù khoái chí. Ổng vỗ bàn cái chách, uống cạn ly rượu Minh
Mạng hả hê vì hậu bối làm rất tốt. Má đi đúng đường ông Khổng tử chỉ giống y
như cái GPS gài trong xe bây giờ. (Chồng con nhỏ bạn tui có lần đã tuyên bố
" Khổng Tử là kẻ thù của đàn bà").
....
Ba tui người Bình Định. Một vùng đất nhiều núi non lừng danh tam kiệt. Có Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ tức Quang Trung Đại Đế cho hậu thế tự hào. Vùng đất của Võ Bình Định nổi tiếng trong nước.
Tiếc thay ba tui chẳng biết đánh võ Bình Định mà võ
mồm ông cũng không có vì ông rất kiệm lời, hay khớp trước đám đông. Bà nội tôi
xuất thân con nhà quan nên bàn tay tiểu thư mềm mại, đi đâu có người hầu không
quen làm việc nặng nhọc. Nội lấy chồng, chồng cưng chiều cung phụng. Khi cha
chết, chồng chết bà bơ vơ như dây chùm gửi không có thân cây để leo. Thế là ba
tui bỏ học theo người xuôi nam tha phương cầu thực. Ông tằn tiện làm
đủ việc, nhiều nghề để kiếm tiền gửi về nuôi mẹ, nuôi em ăn học. Ông
thề với lòng chỉ về quê khi thật là giàu.
Khi đã lấy má tui và đã tạo lập một gia đình vững
chắc, ba tui sai má tui về quê rước bà nội tui vào phụng dưỡng. Ông rước cả gia
đình chú tui vào Nam sinh sống. Chú tôi văn hay võ giỏi nhưng cực kỳ sợ anh Hai
vì ba tui đã lo cho chú như cha. Từ miền Trung khô cằn được vào miền Nam trù
phú, ruộng lúa mênh mông, đời sống khá giả, chú tui bắt đầu tạo lập sự nghiệp
bằng sự bảo trợ của ông anh tốt bụng.
Ba tui cũng giúp đỡ một số người cùng quê vào Nam
lập nghiệp. Cho nên lúc đó nhà tui rất là đông mà người nào người ấy sức dài,
vai rộng. Chỉ lo cho họ ăn uống no đủ thôi má tui cũng đã đau đầu. Mới vào Nam
họ rủ nhau làm kẹo kéo để bán. Đó là lần đầu tiên tui biết kẹo kéo làm thế nào.
Lâu dần một số xin vào làm công nhân cao su, một số đi nơi khác tìm việc làm,
nhà tui là điểm hẹn dừng chân mỗi khi họ gặp khó khăn. Tới mùa hột, má giao cho
chú tui thu mua hột cao su, nhân lực đông đảo nên má tui cũng tạm an tâm.
Chiều chiều chú tui múa gậy, đi quyền dạy võ Bình
Định ở sân trước nhà tui. Nhà tui thật rộn rịp và vui. Tiếc quá má tui cương
quyết không cho tui tập võ. Chắc má muốn tui phục tùng chồng tuyệt đối không
động tay động chân. Nên câu:
Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định đánh roi đi quyền..... không hề có tui
Chú tui có ăn học, viết chữ tàu rất đẹp, chú thông
minh và biết xoay sở. Chú từng bước quen dần với lối làm ăn nên sau đó đứng ra
thầu mua mủ đất cao su. Cái thứ mủ chảy theo thân cây và dính dưới đất coi như
bỏ đi, vậy mà chú tui vẫn tìm được mối thu mua. Chú ký hợp đồng với chủ tây và
làm ăn phát đạt, cất nhà và ổn định cuộc sống. Ba tui trút được gánh nặng về
gia đình và Bác Hai là một tấm gương cho con cháu noi theo.
Tui nhớ trong nhà chú tui có treo một bức tranh khá
to. Trên đó chú viết câu đối bằng chữ tàu và chữ việt rất trang trọng các hình
vẽ hoa văn tỉ mỉ
HUYNH ĐỆ NHƯ THỦ TÚC, PHU THÊ NHƯ Y PHỤC
Hôm đó hai vợ chồng mới cưới chúng tôi đến nhà chú
để biếu quà lễ, đốt nhang bàn thờ ra mắt thân tộc. Chú chỉ bức hoành phi và
giảng cho cháu rể một bài học về đạo làm người. Chú giữ đúng quan niệm của
người xưa" Anh em như chân tay, vợ chồng như quần áo". Chồng tui mới
cưới vợ nên gân cổ cải lại về đạo vợ chồng "tôn kính như tân." Tôi
ngồi nhìn hai người đàn ông vừa uống rượu vừa tranh luận mà không biết can
thiệp cách nào cho không khí bớt căng thẳng. Tui biết chồng tui mới cưới vợ nên
lập luận còn hăng để lấy điểm, chứ cũng dân miền Trung, nặng nề về gia tộc, đạo
lý làm người chắc cũng giống y chang nhau.
Ba tui còn một người em út nữa, nhưng chú không
muốn đi xa, chú ở lại quê để giữ nhà từ đường, chăm sóc mồ mả tổ tiên. Chú làm
nghề tráng bánh tráng gia truyền Bình Định. Chú út tui nhỏ con, lùn hơn ba tui
nhưng chú đi bộ rất nhanh và khỏe. Chú nói ở quê, chú lội bộ đường núi từ nhỏ
nên quen rồi. Chú rất hiền và chất phác. Chú uống rượu rất chì vì nhà chú nấu
rượu, thử rượu thành quen. Những ngày chú tới thăm gia đình tui, chú tuyệt đối
không uống rượu. Mấy ông anh ba xị đế của tui thấy vậy rất thương, lén lút dụ
khị chú cụng ly nhưng chú cương quyết từ chối. Câu trả lời của chú là:
- Anh Hai không thích chú uống rượu, chú không dám
uống.
Nghe đâu hồi còn nhỏ, chú rất quậy phá và ba tui đã
trị chú ra trò. Bây giờ chú vẫn còn kính, sợ anh Hai không dám làm trái ý. Chú
tui là vậy, nhưng mấy ông anh tui tuy cũng sợ ba, nhưng lai rai ăn và nhậu tới
bến không bỏ được. Có lẽ tại mấy ổng lai dòng máu Nam Kỳ.
Ba tui lùn lùn, người rắn chắc và đẹp trai. Ông kiệm lời, chỉ cười cười khi vui và lắc đầu đi thẳng nếu bất bình hay không thích nói. Làm việc gì ông cũng tận tâm, trung thực và hết sức mình. Ông rất thích thể thao, dưới tay ông là đội tuyển đá banh khá giỏi. Ông là đoàn trưởng Thanh Niên Cộng Hòa hoạt động tích cực. Ông là người giao thiệp rộng, mấy món ăn chơi có lẽ thứ nào ông cũng thử qua nhưng không sa đà vướng vào.
Tuy không khá giả lắm nhưng ông rất chịu chơi, ông dám sắm giàn dĩa hát loại lớn có quay dây thiều, sắm cây đèn măng xông sáng rực. Tối tối nhà tui vang lên tiếng ca vọng cổ mùi tận mạng của Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Út Bạch Lan, Thanh Nga. Nào Văn Hường đi chợ Tết, Nào tiếng hát Út Bạch Lan "Ngày mai đám cưới người ta. Tại sao sơn nữ Phà Ca lại buồn" Khi cô đào hát kéo hơi nhựa nhựa là ông vội vào nhà quay tiếp dây thiều. Vui quá một thời bình an.
Bà nội tui được ông phái hiền thê là má tui về Bình
Định rước vào Nam. Má tui lặn lội ra tận quê chồng, bà kể lại hành trình vất vả
tìm mẹ chồng nghe mà thương. Để ra mắt họ hàng gia tộc bên chồng, má tui đi chợ
làm tiệc đãi khách. Bà nói tiền đi chợ nhiều như gánh một gánh tiền đổi một
gánh thức ăn vì lúc đó quê ba tui xài tiền cụ Hồ, đồng bạc rẻ rề. Tui chẳng
biết đúng sai thế nào chỉ nghe bà kể lại. Muốn tới chợ phải đi bộ
thật xa, vượt qua đồi núi rồi xắn quần lội nước qua hói. Ra chợ họ nói tiếng
Bình Định má tui không hiểu gì hết, chỉ biết trả tiền và cười. Mọi việc mua bán
đều do thím tôi quyết định. Tui nhớ lại lúc tui về quê chồng xứ lạ, tui cũng lơ
tơ mơ như má của tui.
Bây giờ quê nội tui đã khác, đường xá mở rộng, nhà cửa khang trang nên chuyện má kể y như chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa.
Ba tui sinh sống lâu trong Nam, nhất là ở Sài Gòn nên tiếng nói đã thay đổi rất nhiều. Bà nội tui theo con dâu vô Sài Gòn. Nhìn nội chưa kịp mừng hai chị em tui hết hồn chạy trốn. Da bà ngăm đen mà hàm răng cũng nhuộm đen thùi dễ sợ. Bà mặc bộ đồ đen quấn đầu cái khăn cũng đen. Một mắt bà che lại bằng một cái khăn xéo cũng vải đen. Thiệt tình bà nội tui giống Hắc y nữ hiệp quá đi. Nói thiệt không có tiếng nói nào quê và khó hiểu như tiếng Bình Định mà bà nội tui dùng. Thí dụ "Nẫu" là người ta. "Dẫy na" là vậy hả. "Dẫy á" là vậy đó. "Chu cha wơi " là trời đất ơi. "Dẫy nghen" là vậy đó nghen, "Đừng làm dẫy, nẫu cừ " là đừng làm như vậy, người ta cười cho.
Kỷ niệm tui nhớ hoài là khi nội tui bảo tui lấy cái
đòn. Tui xuống nhà dưới vác cây đòn gánh ra. Nội tui là bài hải:
-Chu choa wơi, không phải cái đòn này.
Thì ra cái đòn nội tui cần là cái ghế thấp để ngồi.
Tui không coi thường quê nội của tui, tui cũng không xấu hổ hay quê khi nói mình cũng là dân nẫu. Bởi vì quê cha tôi có những điểm đặc thù mà vùng miền khác không có. Ba tui là biểu tượng của tính tình người dân Bình Định: Chất phác, cần kiệm, cương nghị, gan dạ và trung thực.
Ba tui có số đào hoa, nhiều người phụ nữ đã đến với ông. Cuộc đời ông chìm nổi trong chữ ái dục, làm khổ cuộc đời của má tui và ảnh hưởng không nhỏ đến ba dòng con. Các dì tôi đều yêu ông tuyệt đối, chăm sóc và cung phụng ông không thua gì má tôi. Hồi đó, khi tui còn nhỏ, Việt Cộng cứ đắp mô hoài, ba tui bắt tui ở lại nhà dì ghẻ để đi học cho an toàn. Tui thương má, đương nhiên tui ghét dì ghẻ. Tui nghe thiên hạ nói dì ghẻ là yêu tinh quyến rũ chồng người nên tui cũng ngầm để ý theo dõi. Dì Ba tui bỏ nhà theo ba tui từ khi còn con gái. Ba của dì không lớn tuổi hơn ba tui bao nhiêu nên ông cương quyết chống đối. Ông đánh và nhốt dì lại. Thế nhưng dì vẫn tìm cách bỏ trốn theo ba tui và làm vợ nhỏ cho đến cuối đời.
Nhà dì có một cái tủ đứng mà mỗi lần ba tui ghé nhà ngủ lại, dì trân trọng lấy đồ trong đó ra dùng. Đó là mùng, mền, khăn, gối, áo quần... những đồ dùng cá nhân của ba tôi dì cất riêng ở đó, ướp long não cẩn thận. Mỗi khi ba tui ghé nhà, dì mừng quá đi chợ nấu thức ăn thật ngon vui vẻ nói nói cười cười. Có một lần dì dọn cơm lên mà không có nồi cơm vì mừng quá quên nấu. Cho nên cái nghiệp duyên đó khiến ba tui làm kẻ phụ tình không chung thủy với má tui. Trái tim người đàn ông mềm yếu dễ đi sai hướng. Ba tui cũng vậy tình cảm bị lung lay, người đào hoa suốt đời bị tình lụy.
Không hiểu sao, ba tui kiệm lời lại không biết nói
lời hoa mỹ mà đàn bà vẫn bị ông quyến rũ. Sau 1975, khi ông đã trên 70, con
cháu một bầy vậy mà cũng có người theo. Bà ta lấy lòng từ má tui, chị dâu tui,
tui và mọi người để được lân la bên ba tui. Bà ta không ngại làm cỏ vườn, phụ
làm cỏ lúa xen canh và nấu thức ăn đem đến tận nhà. Tui hỏi ba tui:
- Sao vậy ba, bộ ba có gì với dì ấy hả? Ba tui cười
cười:
- Ba có làm gì đâu. Ba già sợ đàn bà lắm rồi. Tui hỏi
má tui:
- Sao Má! Má thấy dì ấy thế nào? Má tui cũng cười
cười:
- Già rồi! Hồi xưa không ghen bây giờ còn gì nữa mà
ghen. Thây kệ cô ta đi. Ba mày không có gì đâu. Ổng cũng tu rồi.
Đối với con cái ba tui chưa một lần nào đánh anh em tui. Hồi còn nhỏ chỉ có má tui đánh con còn ba tui chỉ nhìn và nói mà con cái răm rắp nghe lời. Lớn lên, con cái làm sai, ông ngồi trên ghế, chỉ cái ghế đối diện bảo ngồi xuống và ông nói chuyện. Ông là nghiêm phụ, dạy con bằng chính những gì ông sống và thực hành. Bản thân ông là tấm gương để chúng tôi noi theo. Tất cả những ưu đãi má tui làm cho ông đều do má tui tự nguyện bằng trái tim yêu thương và tôn trọng chồng. Ba tui rất mực thương con nhưng không dùng từ ngữ để nói. Thương vợ nhưng không dùng hành động biểu lộ. Ông có cái uy mà cả nhà đều phải phục tùng kính nể.
Tui nhớ ngày tui mới lớn, ngực đã có nhưng má tui
nhà quê quan niệm của bà rất ư là cổ lỗ sĩ. Bà may cho tui một miếng vải khá
dài và bắt tui cột lại đè cho cái ngực xẹp lép như trong phim mấy người con gái
giả trai. Bà nói ngực nhô lên là xấu, đàn ông nhìn vào có tư tưởng không tốt
nên phải giấu đi.
Ba tui trái lại, ông nói với má tui: "Con gái
đã lớn, bà đi mua cho nó mấy cái xú chiêng để nó mặc đi học" . Má tui ra
chợ, bà mắc cỡ nói nhỏ với chị bán quần áo: " Lấy cho tui mấy cái xú
chiêng". Bà bán hàng nhìn ngực má tui bán mấy cái size bự của đàn bà đang
cho con bú. Tui cầm mấy cái áo muốn khóc, tháo hết nó ra và may nhỏ lại. Cuối
cùng có dịp đi Sài Gòn, ba tui mua cho tui mấy cái áo ngực đúng cỡ và một số
quần lót. Ba tui là số một của con gái, là chỗ dựa khi tui trưởng thành.
Ngày tui còn nhỏ, Tết đến ông mua cho
tui quần áo đẹp, đích thân đeo hoa tai, dây chuyền, kiềng vàng cho tui để tui
làm một cô con gái nhà giàu. Ông đặt tui ngồi lên bình xăng chiếc xe mô tô đen,
ngồi phía sau ông là các anh tui. Ông chở các con về đốt hương bên ngoại. Chiếc
xe mô tô nổ máy, ông ngồi lên uy nghi, chúng tôi tự hào biết mấy.
Khi tui bắt đầu đi dạy, ông cất cho tui nhà riêng sát vách nhà dì ghẻ. Tui có một căn nhà nhỏ với cửa rèm màu tím của riêng mình. Tui vào hướng đạo, làm thiếu trưởng, mỗi khi đi cắm trại xa, không gặp được ông để xin phép, tui chỉ viết mấy chữ dán ở cửa nhà riêng để báo tin. Vậy mà ông cũng không giận hay la. Ông tin con gái rượu của mình. Tui là niềm vui và tự hào của ba tui. Ngày xưa ông trọng nam khinh nữ. Ông quan niệm con gái không cần học cao. Con gái phải có công dung ngôn hạnh và biết phục tùng chồng. Nhưng sau này ông đã thay đổi, ông lo cho em gái tui ăn học đến nơi đến chốn.
Ngày tui lấy chồng, ba má
tui ở vùng xôi đậu nên tổ chức lễ cưới ngay tại nhà tui. Nhóm tráng và thiếu
đoàn hướng đạo đến che rạp, chặt cây đùng đình làm cỗng Vu Quy, sắp đặt bàn
ghế. Các em nữ sinh tui dạy đến trang trí phòng tân hôn, dán giấy kết hoa. Tui lấy
chồng không có rước dâu vì nhà chồng ở tận Quảng Trị. Ba má tui cũng an tâm vì
con gái không phải làm dâu, coi như mình bắt rể. Nhưng có ai ngờ rồi tui cũng
bỏ ba má tui khăn gói theo chồng.
...
Kể từ ngày ba tui rước tăng đoàn đến tụng kinh cho bà nội tui trước lúc lâm chung, ba tui dường như hiểu ra hai chữ vô thường. Ông tin Phật Pháp và dốc tiền của công sức tái thiết lại ngôi chùa đã bỏ hoang. Ông cùng các bạn già trang lứa tổ chức lại hội chùa và thỉnh chư tăng về trụ trì.
Ba tui rất
cẩn trọng trong việc quy y Tam bảo. Ông đi tìm cho mình một vị minh sư mà ông
kính phục để làm lễ quy y cho ông. Khi được quy y Tam Bảo và chấp hành Tam Quy
Ngũ Giới ông dốc lòng niệm kinh học Phật. Ông tu tại gia và hay lên
chùa tụng kinh, nghe pháp. Thật buồn cười, tới già ông vẫn được phụ nữ chiếu
cố. Một số các bác lớn tuổi tu học như ông, tôn ông làm huynh trưởng và nhận
làm tiểu muội. Ông hay kể cho tui nghe về các vị ấy. Một số theo con
cháu ra nước ngoài định cư vẫn thường liên lạc thăm hỏi. Họ chăm chỉ học Phật
và rất tôn trọng quý mến ba tui.
Khi má tui mất và tui đi định cư tại Mỹ, trong căn nhà vắng vẻ ông thật sự sám hối và quyết chí đi tu. Anh em tui và một bầy cháu nội ngoại hết lòng can ngăn. Các anh tui thấy như mình bất hiếu vì ba đã già không thể chịu được cuộc sống kham khổ của người xuất gia. Thế nhưng ba tui đã quyết và ông xuất thế ly gia, vào chùa cạo đầu làm một Sa Di.
Vị Sa Di già hiền lành ngày ngày niệm kinh học Phật. Ông rất an lạc và được thầy trụ trì các tăng ni và phật tử yêu mến. Anh tui can ngăn không được nên cho con đi theo làm thị giả cho ông nội. Cháu ở bên cùng ăn, cùng ngủ, săn sóc ông mỗi khi đau yếu. Khi ba tui mất, cháu chính thức quy y và bây giờ đã là một đại đức với 26 năm tuổi đạo.
Hôm nay là
ngày Father's Day, tôi nhớ ba tui quá nên viết bài này. Đứa con gái ông yêu
thương đã là một lão bà, nhưng có lẽ dưới mắt ông tui mãi mãi là con gái nhỏ
ông yêu thương chiều chuộng.
Ba ơi!
Cõi hạc ba về với đất trời
Bao năm trần thế đã rong chơi
Náo nương cửa Phật tìm chân lý
Biết rõ trần gian, đạo với đời.
Con quỳ bên gối vị Sa Di
Cha tôi trưởng lão đã quy y
Đoạn ly ái dục đầy phiền não
Tâm lành an tịnh sống từ bi.
Con gái bây giờ cũng đã già
Bao năm lặn nhụp chốn ta bà
Đốt nét tâm hương con kính lạy
Đức Phật từ bi độ cho cha.
Nguyễn thị Thêm
17/6/2023
Đọc bài cùa chị Nguyễn thị Thêm tôi muốn khóc. Cách hành văn của chị mộc mạc nhưng tạo nhiều cảm xúc. Đọc bài nhớ đủ thứ về quê hương VN xa vời. Nhớ xã hội gia phong thời đó, nhớ tình ruột thịt khắn khít chỉ có khi xưa, nhớ tình người trong thời ly loạn. Và đặc biệt đồng ý với chị hai tay và cả hai chân là những gì ông Khổng Tử dạy đàn bà phải noi theo là không đúng.ô
ReplyDeleteI love chi Thêm. Cám ơn chị luôn trải lòng viết tâm tình rất thật với mình và bạn đọc.
ReplyDelete