Thỉnh thoảng, lúc mười hai giờ đêm, khi công trường xây bệnh xá cho đảo tị nạn Pulau Bidong ngưng việc, chúng tôi đốt một đống lửa lớn, ngồi quanh kể chuyện quê hương, hát hò đàn địch, cho đến khi không còn ai thức nổi nữa mới ra về đi ngủ. Đêm nay anh Nam kể một đoạn đời của anh:
“Khi chuẩn bị cho chuyến vượt biên đã kỹ càng, chúng tôi sẵn sàng ra đi. Dầu chạy máy cũng chôn dấu được nhiều hơn số cần dùng vì sợ thất lạc và hao hụt. Chỉ chờ thời tiết tốt là đón người, khởi hành. Bạn tôi không tin vào thiêng liêng, nhưng cũng nấu xôi, gà cúng để xin thánh thần phù hộ cho phút cuối đừng có gì xui xẻo xảy ra. Tôi cũng không tin, nhưng không dám chế giễu hoặc nói đùa. Chứ thánh thần nào mà ăn hối lộ xôi, gà? Thánh thần có thương thì chẳng cần hối lộ gì cả.
Sau buổi cúng, không biết vì rau ráng không sạch, hay vì thịt gà để nguội bụi bặm, đêm đó tôi đau bụng tháo dạ đi cầu. Tôi lần mò ra nhánh cây bổ vắt trên con kinh mà thả xuống lõm bõm, làm lũ cá vấy nước dành ăn kêu soàn soạt. Khuya không trăng, không sao, trời lành lạnh, tôi mồi thuốc hút làm đóm lửa bập bùng. Bỗng tôi nghe nhiều tiếng chân đi trên bờ, và nhiều tiếng thì thầm; tôi tưởng là du kích đi tuần ban đêm. Nhưng không phải, họ là đám người vượt biên đang trên đường đi đến điểm hẹn xuống thuyền. Họ thấy đóm thuốc liền kêu tôi tụt xuống cây, và bắt tôi đi theo luôn vì sợ bại lộ bí mật. Tôi năn nỉ, xin cho lui, hứa sẽ im lặng, vì tôi cũng còn nhiều việc chưa xong, không thể ra đi được. Họ không còn nhiều thì giờ để suy nghĩ, bắt tôi phải đi theo. Tôi nói cho họ biết, thời tiết lúc này chưa thuận tiện để ra khơi, tôi biết rõ vì có theo dõi tin tức khí tượng. Họ thấy tôi cù nhầy lôi thôi quá, có người hăm: “Cho nó một phảng, xô xuống kinh khỏi bận trí.” Tôi sợ, và im miệng, họ trói tay tôi đem đi. Thật là khôi hài; khi tôi muốn đi, thì không được, và còn phải tốn nhiều vàng bạc may ra mới chịu cho tham gia. Bây giờ tôi chưa muốn đi, thì bị bắt theo. Tôi tiếc công chuẩn bị và tổ chức bấy lâu cho chuyến đi sắp đến, nhất là trách nhiệm với những người mà tôi đã hứa hẹn đem họ đi. Tôi là người chủ chốt, thiếu tôi thì không biết chuyến đi có còn chu đáo, tốt đẹp như dự định không, nhưng chuyện vượt biên là may rủi không chừng. Có khi thật chu đáo, thì thất bại, có khi tổ chức đơn sơ lộ liễu, thì lại thành công. Bị bắt đi theo nhóm này là một chuyện may mắn hy hữu cho tôi nếu chuyến đi thành công. Còn thời tiết không tốt, thì tôi không ngại. Bão bùng đâu có đáng kể. Tôi bị xô lên thuyền lớn với đôi tay bị trói và nằm yên trong khoang. Nếu bị công an bắt, chắc tình trạng bị trói cũng chẳng giúp được gì cho tôi, vì Cộng Sản không bao giờ xét đến trường hợp cá biệt. Cứ trên tàu vượt biên là đi vượt biên, không lôi thôi gì cả. Nếu khai là bị bắt buộc đi, chúng còn không tin, thêm nghi ngờ, và không chừng án lại thêm nặng, hoặc không giải quyết được, cứ để cho dây dưa mãi, không có ngày về.
Chưa bốc hết người thì
bị bại lộ, thuyền phải rời bến và bỏ chạy. Nhiều gia đình thất lạc nhau, kêu
khóc om sòm. Thuyền xả hết tốc lực, chạy dọc sông, thoát ra cửa biển. Trạm gác
bên bờ bắn súng kêu vào để xét, thuyền cũng bỏ chạy luôn. Thuyền nhẹ chạy băng
băng. Đạn bắn theo như mưa rào. Không hiểu vì đâu, chúng không cho thuyền đuổi
theo. Có lẽ chúng tôi gặp may mắn.
Thuyền chạy thẳng ra
biển khơi về hướng đông, đáng ra phải xuôi về phía nam, cần thoát hiểm trước
đã. Sống dồn cao ngất. Đúng là biển đang động. Bão tố đang cuồng nộ đâu đó trên
vùng biển đông nam Thái Bình Dương. Thuyền lắc lư vật vờ trên ngọn sóng. Những
người yếu sức đều nằm mẹp, nôn thốc nôn tháo ra nước xanh, nước vàng. Thuyền
nồng nặc mùi hôi hám. Sau khi thoát lưới công an, bà con hoàn hồn, kiểm điểm
lại mới biết chủ tàu và gia đình chưa đến kịp, bị bỏ lại đằng sau. Chỉ có người
con trưởng của chủ tàu, vì phải lái thuyền đáp bến, nên chỉ đi được một mình,
vợ con anh cũng chưa đến kịp. Nhiều người khác cũng đồng hoàn cảnh. Trên thuyền
chia làm hai phe, một nhóm đòi quay về, nhóm khác, gồm các sĩ quan cải tạo,
nhất quyết ra đi. Vì vậy, nên thuyền chạy lui chạy tới mãi trên một quãng
đường. Khi nhóm quân nhân lái, thì thuyền đi về phía Nam Dương; khi nhóm của
con chủ thuyền lái, thì bí mật quay về.
Biển vẫn điên cuồng gầm thét dữ dội. Nhiều lúc thuyền bị đưa lên cao, tưởng như lơ lững giữa thinh không, rồi ném mạnh xuống kêu răng rắc, như thân ván uốn mình bể nát. Bà con nào còn chút tỉnh táo thì cầu nguyện liên hồi. Cộng thêm với cái sợ bão tố, nhóm lạc vợ, lạc chồng, lạc con có thêm nhiều lý do để đòi quay về. Tôi đã được cởi trói, và đứng theo phe ra đi, vì quay lại là nắm chắc phần đi tù. Hai phe tranh chấp dữ dội, có khi gần như sắp xô xát. Tôi linh cảm sẽ gặp khó khăn, kiếm một cái bình nhựa làm phao, kiếm dây cột chắc lên người. Một người giễu tôi là liệu với cái phao đó, tôi bơi được qua biển? Tôi thoái thác là nếu có bị sóng đánh rơi ra khỏi thuyền, thì cũng không đến nỗi chết đuối ngay. Cuộc tranh chấp của hai phe chấm dứt khi thuyền chết máy, bập bềnh giữa biển khơi. Không ai biết là thuyền đã ở nơi nào trên biển. Người thì đoán là đã ở trong vịnh Thái Lan, người thì cho rằng đang ở gần Côn Sơn. Thuyền cứ trôi theo từng đợt sóng dài. Thợ máy cố sửa chữa nhưng anh có vẻ vụng về thiếu kinh nghiệm. Có người bảo đó là thợ máy “dổm”, nghe đâu anh ta chỉ là thợ sửa xe gắn máy loại tài tử. Muốn được đi nên xưng đại là thợ máy.
Một buổi chiều, biển
lặng im không một gợn sóng. Không một thoáng gió. Chiếc thuyền nằm im lặng giữa
mênh mông. Nhiều người tỉnh lại, bớt say sóng. Họ mừng, có người vừa mừng vừa
sợ, mừng vì biển êm, sợ vì không có gió thì thuyền bất động biết bao giờ mới
dạt đến bến bờ. Nhưng tôi lo lắng thật sự, không dám nói ra. Trong mắt con ông
chủ tàu cũng đầy ánh âu lo. Nhìn quanh bốn bề chân trời chấm xuống biển bao la.
Tôi gỡ thêm mấy lưỡi câu và sợi dây cước bọc vào túi quần. Đúng như tôi lo, khi
trời sẩm tối, cuồng phong kéo đến, sóng đùa cao ngất, nhồi con thuyền mong manh
như chiếc lá. Sóng lên cao như ngọn đồi và tiếng gió hú ghê hồn. Thân thuyền
kêu răng rắc, các mối nối long ra, nước ào ào từ đáy thuyền phun lên. Rồi con
thuyền bị vỡ toang giữa tiếng sóng gió gào; tiếng kêu con người bị át hẳn.
Tôi tự xem như cuộc
đời chấm dứt nơi đây, không có gì mà hoảng hốt, không thể nào làm gì hơn. Nhưng
tôi không buông xuôi, vì bản năng sinh tồn còn mạnh. Tôi ôm chặt lấy mảnh ván
thuyền lớn, dù trên lưng tôi còn buộc chặt cái phao nhựa. Nhiều lúc bị sóng vùi
rất lâu trong nước, tôi rán nín thở, và nhớ thời còn bé hay đi tắm sông, lặn
đua với bạn bè xuống đáy sâu. Sóng gió thét gào. Có chết cũng thôi, tôi chỉ
tiếc chuyến đi đã chuẩn bị kỹ, chờ thời tiết tốt là lên đường, mà bị bắt theo
những người này. Họ tổ chức đã kém, mà còn không biết gì về thời tiết. Tôi
chiến đấu nhiều giờ với sóng vùi gió dập. Khi mỏi quá, tôi muốn ngất đi; tấm
ván rời khỏi đôi vòng tay, nhưng cái phao nhựa còn buộc chặt trên người. Nhiều
lúc tôi mê man, không biết gì, có khi trong lúc mơ hồ tôi biết mình đang bồng
bềnh trên sóng. Lúc mệt quá, tôi buông xuôi, muốn chết đi cho khỏe. Cơn bão tố
kinh hồn kéo dài đến khuya hôm đó.
Rồi gió và sóng lặng
rất mau; cuối cùng tôi bị dạt vào một bãi cát. Tôi nằm liệt, không cử động
được, trí óc mơ hồ và thiếp đi rất lâu cho đến khi trời sáng thì tỉnh dậy. Vừng
thái dương đỏ ối vừa nhô khỏi chân trời ở phương đông. Ánh sáng ban mai vã vào
mặt ấm áp. Tôi phải tập cử động từ ngón tay, rồi bàn tay, và tự xoa bóp khắp
người, một lúc sau mới có thể chống tay ngồi dậy được. Tôi gắng quan sát chung
quanh, không biết mình đang ở đâu, nhưng mơ hồ đoán được là đang ở trên một hòn
đảo. Nếu ở đây cũng có chính quyền Cộng Sản, và bị bắt lại thì thà chết giữa
biển còn hơn. Thôi thì đành liều, nếu có ở tù, thì cũng sẽ tìm cách vượt ngục,
còn có cơ hội đi lại nữa. Nghĩ đến đó, tôi thấy mình thêm hăng hái. Tôi ráng
lết vào một lùm cây để ẩn nấp. Bắt mấy con dã tràng nhỏ bỏ vào miệng nhai sống,
ngon như ăn mỹ vị. Tôi liếm nước mưa đọng trên lá cây, ngọt như nước đường. Tai
tôi lắng nghe, tìm xem có tiếng động sinh hoạt của loài người hay không. Chắc
cũng có nhiều người dạt vào đây như tôi. Tôi cẩn thận nhìn quanh, rồi đi vòng
theo bãi cát, khom người như đi phục kích. Đi chừng một tiếng đồng hồ, thì tôi
bị dốc đá dựng đứng cản đường. Tiếng chim kêu xôn xao trên đỉnh cao. Chưa thấy
một dấu tích sinh hoạt nào của con người trên đảo, và tôi chợt lo. Lẽ nào mình
trở thành anh chàng Rô Binh Sơn (Robinson Crusoe) sống một mình ngoài hoang đảo
như câu chuyện tôi thích thú đọc đi, đọc lại thời thơ ấu. Anh chàng Rô Binh Sơn
còn có một số dụng cụ cần thiết, tôi đây thì chỉ có tấm thân và cái phao nhựa.
Cảm thấy đói bụng vô cùng, nhưng không có gì ăn. Cá thì lội tung tăng từng đàn,
nhưng với tay không, tôi còn chưa nghĩ được cách bắt. Tôi dùng cuội lớn, đập
mấy con sò dính vào đá tảng, móc thịt sò ăn sống. Giá mà có chút chanh, chút
muối và chai đế thì hưởng lạc có thua chi thi sĩ Tản Đà. Tiếng đập của tôi vang
dội lên vách đá vọng lại mồn một, làm tôi lo. Khi đã bớt đói thì tôi đâm lo.
Tiếng đập vang sẽ tố cáo tôi hiện diện nơi đây. Tôi đi sâu vào lùm cây, tìm một
nơi kín đáo um tùm tạm thời ẩn nấp và nghĩ ngơi.
Nằm trên nhánh cây,
tôi suy nghĩ, sắp đặt chương trình hành động đối phó với các trường hợp có thể
xảy ra. Cùng lắm là bị bắt, khi đã chấp nhận có thể bị bắt rồi, thì lòng tôi
lắng xuống. Nếu nơi đây có người ở, và có chính quyền Cộng Sản, thì tôi phải
tiếp tục trốn tránh, rồi tìm cách, lấy một chiếc thuyền đi về đất liền, nhưng
giờ thì phải tránh sao cho khỏi bị bắt trước đã.
Đã ở tù Cộng Sản một
lần rồi, tôi ngán lắm. Trưa hôm đó, tôi leo lên đỉnh đá cao nhìn xuống, thấy xa
xa bên kia, có bóng cây dừa, và hình như có bãi cát bằng. Tôi cẩn thận đi về
hướng bãi dừa, đi rất chậm, nhìn quanh dò xét đặt từng bước, vạch cây, vén lá,
cố không để lại dấu vết nào. Khi qua một quãng đất trũng, tôi thấy cả một vường
khoai mì, có vẻ như mọc hoang, nhưng nhiều gốc mì trốc đất nằm ngổn ngang. Đúng
là đảo có người ở. Tôi yên lặng nằm sát đất có cây cỏ cao che kín, đợi chờ xem
có gì lạ không. Chỉ có tiếng chim kêu và mấy con sóc chuyền từ cành này qua
cành khác.
Tôi ra rìa đá, nhìn
xuống xa xa, thấy có căn chòi lá nhỏ, và một bóng người thấp thoáng. Tôi yên
lặng quan sát và rình xem sinh hoạt động tĩnh. Bóng người đi vào căn chòi rồi
khuất dạng. Tôi chờ đợi thêm nhiều tiếng mà không thấy gì, bèn đi vòng quanh,
cố tìm hiểu dân số và tổ chức chính quyền trên đảo. Nhưng hình như chỉ có căn
chòi duy nhất đó mà thôi. Tôi quay lại vườn khoai mì, dùng nhánh cây nhọn đào
được mấy củ lớn, bóc vỏ và ngâm vào vũng nước cho bớt chất nhựa, rồi cẩn thận
ăn thật ít, ăn thật chậm. Kinh nghiệm ở tù cho tôi biết say khoai mì có thể tán
mạng dễ dàng. Thế này thì cũng không lo đói. Tôi leo lên nhánh cây có lá phủ
kín nhìn xuống căn chòi, biết đâu đó là trạm canh gác của công an biên phòng
Cộng Sản. Không biết vùng này thuộc lãnh thổ nước nào, Việt Nam, Cao Miên hay
Thái Lan? Buổi chiều, khi nắng phai màu, tôi thấy có thêm hai bóng người nữa đi
về căn chòi. Ba người ngồi trên tảng đá, hình như họ đang ăn và nói chuyện.
Bóng chiều xuống dần, tôi tự họi, không biết mấy người này làm gì trên hoang
đảo, họ là ai, có nhiệm vụ gì.
Hoàng hôn dần dần phủ
lấp hải đảo. Khi trời tối hẳn, tôi lom khom đi về phía căn chòi, cố gắng để
không gây tiếng động. Cố thở thật nhẹ, và chỉ di chuyển khi có gió gây tiếng
động xào xạc trong tàn lá. Tôi nằm yên nghe ngóng. Họ đang nói chuyện, tôi chỉ
nghe loáng thoáng tiếng nói mà không biết họ dùng ngôn ngữ nào. Khi ba bóng
người đi vào căn chòi, thì tôi cũng quay trở lại hướng núi đá cao, tìm một nơi
ngủ qua đêm. Gió quá, tôi lần xuống bãi cát đào một cái hố chắn gió, và nằm ngủ
ngon giấc. Suốt một ngày lo lắng, mệt nhọc, tôi ngủ thật say, gió biển lành
lạnh. Sóng đập rì rầm, tôi nằm mơ thấy mình đang đi ngữa Sàigòn vào thời Cộng
Sản chưa chiếm đóng.
Sáng dậy, tôi xoá dấu
tích của mình trên cát, và vào rừng cây rậm ẩn nấp. Cái phao nhựa thành bình
đựng nước. Tôi đập vỡ một số sò bám trên mặt đá, ăn với khoai mì sống đã được
ngâm nước từ hôm qua. Leo lên dốc đá, tôi nhìn xuống căn chòi rình rập. Mấy cây
dừa sai trái, thân cao vút, làm tôi thèm lắm, nhưng không biết làm sao hái
được. Đã là dân thành thị không biết leo trèo, lại còn phải ẩn nấp dấu diếm,
thì mong chi có dừa ăn. Nhưng dù sao đi nữa, đêm nay tôi sẽ cố gắng, tìm cách
leo thử. Hình như đã có lần tôi thấy người ta dùng một vòng dây máng vào hai
chân, móc quàng qua thân cây mà leo lên dần. Tôi cẩn thận đi vòng xuống bãi bên
kia, thấy rau lang và giàn dưa leo. Tôi hái dưa ăn, dưa thơm và ngọt lịm như
tôi chưa từng ăn bao giờ, tôi bỏ thêm mấy trái vào túi quần và thử mò xuống cát
xem khoai lang đã có củ chưa, nhưng chỉ thấy toàn dây và rễ nhỏ.
Có lẽ vì ăn quá nhiều
khoai mì sống, buổi trưa tôi thấy say say và buồn ngủ. Tôi nằm dài trên tảng đá
bằng phẳng, đánh một giấc ngon lành, không biết ngủ được bao lâu. Đang nằm ngủ
mê man, bỗng tôi chợt thức giấc và có linh cảm như ai đang nhìn mình. Tôi vùng
ngồi dậy khi thấy có đôi mắt nhìn sát vào mắt tôi. Tôi chợt nhận ra một chú bé
chừng mười lăm tuổi. Nó hốt hoảng thối ui, và vấp chân té ngửa. Nhanh như chớp,
một viên đá lớn từ xa bay đến đánh bốp vào đầu tôi, làm tôi ngã xuống, hai tay
ôm đầu rên rỉ, máu chảy ướt tay. Trán tôi sưng vù như quả ổi, đầu nhức nhối, cố
gắng chống tay dậy, nhưng không dậy nổi. Chuyện gì xẩy đến đây. Dân làng họ có
bắt tôi giao cho chính quyền không? Tôi chợt ân hận đã hớ hênh nằm ngủ quên.
Tôi nằm quằn quại trên tảng đá. Thôi thì đành liều. Có bị bắt thì sẽ tính sau.
Tôi nghe đối thoại bằng tiếng Việt, giọng rất khó nghe, mới hiểu rằng, chị cậu
bé tưởng tôi tấn công, nên ném đá yểm trợ cậu em. Một lúc sau có tiếng đàn ông,
và tôi được đắp lá nhai dập lên vết thương. Tôi hé mắt nhìn, thấy một người đàn
ông tóc tai phủ ra sau vai, râu ria xồm xoàm như người vượn, mặt sạm đen, đóng
một cái khố nhỏ bằng da thú, chỉ có đôi mắt sáng đợm ánh lạ kỳ. Cả ba người đều
đóng khố, thân trên để trần. Có lẽ thổ dân trên đảo, hoặc giống dân thiểu số
trong vùng này. Khi bớt đau đớn, tôi cho họ biết là bị đắm tàu, dạt vào đây. Họ
dìu tôi về căn chòi mà hôm qua tôi rình rập dò xét. Chú bé đưa cho tôi nước
uống trong chén vỏ dừa. Người đàn ông tự giới thiệu là ông Tư, sinh quán trên
đảo này. Ông nội của ông Tư ngày xưa làm quan võ, phò tá vua Hàm Nghi chạy ra
Tân Sở. Khi vua bị Tây bắt, ông cụ cùng một nhóm quan sĩ tiếp tục kháng chiến
theo hịch cần vương. Sau đó, theo cụ Phan Đình Phùng khởi nghĩa kháng chiến
trong nhiều năm. Cuối cùng, khi tan rã, cụ nội đem gia đình và một nhóm thuộc
hạ xuống thuyền đi Xiêm La, nhưng gặp bão giữa đường, phải ghé lại đảo này. Sau
đó không đi được vì thuyền chìm. Ban đầu có bốn gia đình lập cư. Dần dần chết
hết, chỉ còn ông Tư và hai người con. Bà Tư trẻ hơn ông Tư chừng hai mươi tuổi,
nhưng mất sớm.
Trên tường đá treo mấy
cây kiếm và bao kiếm chạm trổ rất tỉ mỉ và đã hoen ố bụi thời gian. Không là
chuyên môn, tôi cũng đoán ra được đó là những thanh bảo kiếm. Ông Tư cho biết,
một trong những thanh kiếm là của ông Tôn Thất Thiệp, kiếm phò vua. Mấy đời cha
ông, mong có cơ hội trở về đánh đuổi giặc Tây ra khỏi nước. Khôi phục gian sơn.
Ông nói rằng, có lẽ đời ông không làm gì được nữa, chờ cho thằng Ba lớn lên,
mong nó nối mộng cha ông. Ông thở dài não ruột. Thì ra, ông không biết gì về
tình hình thế giới, tình hình đất nước trong gần tám mươi năm qua. Tôi chậm rãi
cho ông biết, Tây đã về nước hơn hai mươi năm rồi. Bây giờ thì Cộng Sản cai trị
đất nước, họ còn tàn bạo, khắt khe và áp bức hơn cả giặc Pháp. Nhân dân đau khổ
và đói rét hơn cả thời nô lệ ngoại bang. Có lẽ ông Tư không hiểu nhiều về những
lời tôi nói vì không lẽ dân mình cai trị nhau mà khắt khe tàn bạo hơn ngoại
quốc thực dân. Nhưng ông cũng vui khi nghe giặc Tây đã ra đi, và theo ông, thì
nay không còn băn khoăn, cánh cánh bên lòng vì lời di huấn của tổ tiên. Yên tâm
sống. Ông không còn sợ tuyệt tự, không còn ai nối chí cha ông. Tôi cảm thương
tấm lòng của ông Tư. Giấc mơ đuổi giặc Tây đã truyền qua ba đời mà vẫn chưa
nguội lạnh. Tôi cũng mang một giấc mơ tương tự, đuổi giặc Cộng ra khỏi quê
hương. Chính ông Tư cũng không biết tuổi tác của ông và cả hai con ông. Ngày
tháng cứ trôi đi, không ai để ý đến thời gian. Cô Hai, theo tôi đoán thì xấp xỉ
trên dưới hai mươi, và chú Ba, thì khoảng mười lăm. Thân mình cô Hai mảnh
khảnh, chắc như tượng đồng. Mái tóc đen dài thả lỏng trên lưng. Vầng trán cao,
bóng. Đôi mày cong che đôi mắt long lanh sáng, trong mắt như có nụ cười. Hai
làn môi thanh tú. Cổ cô dài nối liền tấm ngực mà hai vú lớn cong ngược lên.
Lưng thon, mông chắc chắn, đôi chân dài. Cô Hai chỉ đóng cái khố da thú nhỏ che
ngang người. Chú Ba thì như con gà mới lớn, lỏng thỏng, dáng dấp vụng về, chỉ
có đầu tóc dài không cắt làm cho thêm phần hoang dã.
Tôi được gia đình này
đón nhận với lòng hoan hỉ. Ông Tư tường nhìn tôi với ánh mắt tràn đầy tình cảm
dịu dàng. Cậu Ba quấn quýt quanh tôi, không rời nửa bước, và hỏi, nói đủ thứ
chuyện. Phần cô Hai, thì rất tự nhiên, không có chút e lệ nào, hình như không
biết phân biệt trai gái và có những đụng chạm cùng tôi, mà đôi khi tôi ái ngại.
Để hoà hợp, tôi chỉ đóng cái khố nhỏ qua người. Tham gia sinh hoạt trong gia
đình này. Tôi từ từ kể cho ông Tư nghe về diễn biến lịch sử xảy ra cho đất nước
từ khi Tây chiếm Việt Nam, những phong trào khởi nghĩa chống Pháp, Đệ Nhất, Đệ
Nhị Thế Chiến, Nhật Bản vào, rồi Pháp trở lại, chiến tranh dành độc lập, Pháp
rút về, tiếp theo là cuộc nội chiến gần 20 năm, Cộng Sản miền Bắc thắng. Dân
niềm Nam không chịu nổi chính sách hà khắc bỏ nước ra đi. Ông Tư thì còn hiểu
nhiều, chú Ba và cô Hai thì nghe, mù mờ, ngơ ngác. Tôi cũng bỏ nước trốn đi như
ngày xưa cụ tổ của gia đình này, vì không chịu được giặc Pháp. Không phải chỉ
mình tôi, cả nước muốn trốn đi, tránh cái chế độ khắt khe chưa từng có trong
lịch sử Việt Nam.
Tràm cà Mau
No comments:
Post a Comment