Chiều hôm qua Quốc
Việt (Trần Như Hùng) đến nhà trao tôi cuốn “HỒI KÝ TRONG NGỤC TÙ CS”của bác sĩ
đại úy TQLC Nguyễn văn Dõng rồi vội vã đi... Tôi hỏi sao vậy, vào nhà uống ly
nước cái đã, nhưng anh nói: Thôi mầy, tao đang bận lắm để hôm nào, giờ phải đi
giao sách để gây quỹ yểm trợ anh em thương phế binh bên nhà.
Hùng đi xa rồi, tôi
ngước nhìn quyển sách đang cầm trên tay, cái bìa sách tuyệt đẹp, in hình sóng
biển màu áo lính Thủy quân lục chiến Việt Nam khiến tôi bồi hồi nhớ lại tất cả
những hình ảnh của một thời son trẻ, những kỷ niệm, những chặng đường đời mà
tôi đã đi qua.
Hằng năm cứ mỗi độ
tháng tư, tôi thường điện thoại tìm bạn bè để vấn an nhau, gởi gắm cho nhau
những tiếng bình yên, mong ước cho tất cả đều được vui khoẻ. Nhưng cũng có lúc
tôi lại chỉ thích ngồi một mình trong căn phòng thật vắng lặng, xem lại những chồng sách cũ, những tấm ảnh của một thời. Ngay chính
những giây phút thật vắng lặng đó, tôi tự nhủ với lòng mình “Đã bao năm rồi
mình còn nhớ được những gì? nghĩ gì? và mơ ước những gì?” Tôi nghĩ “mình có thể viết về tháng ba năm 1975” và tôi bắt đầu:
Sau khi mãn khoá 5/72
sĩ quan trừ bị Thủ Đức, tôi tình nguyện về binh chủng TQLC. Cùng lúc với 81 tân
sĩ quan trẻ, tuổi độ đôi mươi, về từ khóa 5/72Thủ Đức, khóa 5B/72, khóa 6/72
Quân trường Đồng Đế Nha Trang. Tiếp tục được huấn luyện thêm 4 tuần bổ túc căn
bản TQLC tại Trung tâm huấn luyện Rừng Cấm.
Lúc bấy giờ chiến
trường Trị Thiên đã yên tỉnh dần dần, nhu cầu bổ xung sĩ quan ở các tiểu đoàn
tác chiến ít hơn một số được phân phối về các tiểu đoàn yểm trợ và các phần
hành tham mưu. Riêng tôi được về phục vụ tiểu đoàn Công Binh TQLC, và được cấp
24 giờ phép mãn khóa về thăm gia đình vui chơi cùng bè bạn, mua sắm vài thứ cần
thiết... Ngày mai bay ra trình diện bộ chỉ huy tiểu đoàn hành quân đang đồn trú
tại Hương Điền, một quận lỵ ven biển nằm về hướng đông bắc Huế.
Tôi sanh ra và lớn lên
ở thành phố Cần Thơ, nơi đó tôi có nhiều bạn bè, gia đình thân yêu, biết bao là
kỷ niệm êm đềm của thời thơ ấu. Chuyến bay này sẽ đưa tôi xa rời tất cả để đi
về một khung trời hoàn toàn mới lạ nơi đó có nhiêu địa danh như: Thạch Hản, Cổ
Thành, Đại lộ Kinh hoàng, La Vang... một miền đất địa đầu,
và là nơi duy nhất mà người dân Việt Nam có đời sống bị đe dọa triền miên ngay
từ ngày đầu của cuộc chiến.
Trên vận tải cơ C130
gồm toàn những quân nhân TQLC mãn phép, hay là những quân nhân trở ra đơn vị
sau thời kỳ dưỡng thương, có vài người phụ nữ thuộc gia đình quân nhân đi thăm
chồng.
Chỉ hơn một giờ bay là
tới phi trường Phú Bài, tôi nhìn đồng hồ... thì trời đã xế trưa rồi! Thời giờ
sao nhanh quá! Mới sớm mai này tôi còn ngồi nhâm nhi ly cà phê với Tân, thằng
bạn chí thân, nó cố tình thức dậy sớm hơn thường lệ đến rước tôi đi... Lúc chia
tay trước cổng Bộ Tư Lệnh ở trại Lê Thánh Tôn, nó lặng thinh nhìn tôi mà không
nói câu nào, chỉ nhè nhẹ dí vào balô cho tôi gói thuốc Bastos xanh còn lại mấy
điếu cuối cùng…
Tiếng rù rì của động
cơ, hòa lẫn tiếng gió lành lạnh toát ra từ ống điều hòa không khí, tôi nhìn
quanh không tìm ra một ai thân quen, tôi là một người hành khách lạ trên chuyến
bay đi đáo nhậm đơn vị mới nơi vùng hỏa tuyến, bao ý nghĩ miên man trong đầu,
mệt.. nhắm mắt và thiếp đi... đến khi phi cơ từ từ hạ cao độ rồi lướt chạm đất.
Chiếc bửng phía sau
phi cơ từ từ hạ xuống, trước mặt tôi là phi đạo chạy dài của phi
trường Phú Bài-Huế, tôi liên tưởng ngay đến thằng bạn cùng đá chung đội banh
của trường đại học Cần Thơ. Mấy tháng trước nó đã nằm xuống chỗ đoạn cuối phi đạo này dưới cơn mưa pháo trên đường ra
trình diện đơn vị mới. “Hiếu nhảy dù”, đó là biệt danh
chúng tôi thường gọi mỗi khi nhắc về nó: Đỗ cử nhân luật đại học Cần Thơ niên khóa 1971, vì ảnh hưởng lệnh tổng động viên
nên gia nhập vào khóa 1/72, thương người con gái thật đẹp cùng lớp tên Dung,
nhưng lại yêu đời sống giang hồ của sĩ quan nhảy dù trẻ tuổi, để rồi định mệnh
khiến cho Hiếu không về...
Đang suy nghĩ miên man thì có tiếng kêu tên tôi của người hạ sĩ quan hậu
trạm, tôi tháp tùng cùng các quân nhân mãn phép đi vào bộ chỉ huy tiểu đoàn
chung chuyến xe đi tiếp tế chiều nay.
Trên quốc lộ 1 đoạn
đường vào thị xã Huế có thật nhiều căn cứ quân sự, từng đoàn quân xa di chuyển.
Vùng Trị -Thiên 2 tỉnh địa đầu của tổ quốc, như vừa được vươn mình trở lại sau mùa hè đỏ lửa, Thành phố Quãng Trị được
tái chiếm lại bằng máu, mồ hôi, nước mắt của hơn chục ngàn chiến sĩ tham chiến.
Hàng trăm ngàn quân nhân đang giăng tay trực diện với quân thù để bảo vệ lảnh
thổ và đồng bào.
Xa xa là rặng Trường
Sơn, núi Bạch Mã như hiện nguyên hình trong cái nắng vàng của buổi chiều, vài
ngọn đồi trọc mọc lưa thưa, dăm ba bụi cây chồi, màu trắng của cát nhiều hơn
màu xanh cây lá, như thầm nói lên cái oi ả của muà hè. Kìa là Trung tâm huấn
luyện Đống Đa chạy dài với từng dãy nhà tole thấp thoáng là những đại đội tân
khóa sinh đang di hành huấn luyện.
Xe đã vào tới trung
tâm thị xã, tạm dừng lại bến xe chợ Đông Ba, nơi đây chật cứng từng hàng quân
xa GMC chờ lên hàng đi tiếp tế các đơn vị trong tuyến hành quân, đủ mọi các
quân binh chủng nhất là Nhảy dù, Thủy quân lục chiến, Biệt động quân, Sư đoàn 1
Bộ Binh, Thiết Giáp... ai ai cũng vội vàng tìm bữa ăn chờ chuyển xe vào vùng hành quân.
Chỉ một ngày sau tôi
được chỉ định làm trưởng toán công tác Dân Sự vụ hướng dẫn các tài xế công binh
và các nhân viên tháo gở đạn, mìn bẩy đi biệt phái cho Tiểu khu Quảng trị.
Đây là một công tác phối
hợp giữa Tiểu khu và sư đoàn TQLC, nhằm giúp dân chúng Quảng trị hồi hương trở
về quê, sau một thời gian dài lánh nạn tại các trại tạm cư ở Đà Nẵng. Đồng bào
có thể an tâm cày cuốc, khẩn hoang mà không sợ bị bom hay đạn còn sót lại phát
nổ gây thương tích và tánh mạng. Hơn một năm thì công tác này hoàn tất hầu hết
các thôn làng của các quận Triệu Phong và Hải Lăng đều được phục hồi an toàn,
đồng lúa xanh tươi...
Khi tiểu đoàn công
binh thành lập trung đội xuồng máy (CANOES) trang bị máy Evinrude 45 mã lực
thay thế máy Johnsons 25 để yểm trợ các đơn vị TQLC vào mùa lũ lụt trong công
tác tiếp tế và di chuyển quân. Tôi được chỉ định làm trung đội trưởng
trung đội xuồng máy này cho đến cuối tháng 2 năm 1975 thì tôi được lệnh thuyên
chuyển về đơn vị mới làm sĩ quan trực hành quân Lữ đoàn tân lập 468 TQLC.
Tháng 3 năm 1975, Đại tá lữ đoàn trưởng Ngô Văn Định chỉ huy Lữ đoàn về Long An mở
cuộc hành quân khai quân, tung 2 tiểu đoàn tân lập TĐ14 và TĐ16 vào vùng, truy kích
dọc theo bờ sông Vàm Cỏ ngược lên biên giới với tỉnh Hậu Nghĩa. Ngày 19/3/75, cuộc hành quân kết thúc, cả lực lượng của Lữ
đoàn trở về qua đêm tại hậu cứ trong căn cứ Sóng Thần. Lệnh cấm trại ban ra, để
tờ mờ sáng hôm sau được không vận trở ra lại Đà Nẵng thay thế lữ đoàn 1 (?) Nhảy
dù.
Lúc bây giờ tình hình chiến
sự giao động rất là quyết liệt, lợi dụng sự cắt giảm viện trợ của đồng minh,
cộng quân gia tăng xâm nhập và gây áp lực vùng tây nguyên, toàn bộ Sưđoàn Nhảy
dù trở lại yểm trợ phòng thủ cho quân đoàn 3 bảo vệ thủ đô Sài Gòn, Sư đoàn
Thủy quân lục chiến trấn ải từ Đà Nẵng bảo vệ quân đoàn 1.
Bộ chỉ huy lữ đoàn
đóng tại Hòa Ninh, gần trung tâm huấn luyện của sư đoàn 3. Lữ đoàn 468 có quân
số ban đầu 2 tiểu đoàn tác chiến mà phải hoán chuyển với 1 lữ đoàn Dù cho nên
đại tá lữ đoàn trưởng và trưởng ban 3 hành quân thiếu tá Nguyễn cao Nghiêm rất
là bận rộn từ lúc vừa đặt chân tới cho hơn nửa khuya. Hôm sau BCH lữ đoàn có
thêm trung tá Đoàn Thức đến nhậm chức tham mưu trưởng. Tuy vừa mới đến nhưng sự hiện diện của Trung tá Thức làm thay đổi hẳn
bầu không khí chung quanh bàn trực hành quân rất nhiều. Tôi và Thiếu uý Đặng
cao Sơn làm sĩ quan trực hành quân trực tiếp dưới quyền của trưởng ban thiếu tá
Nguyễn Cao Nghiêm (K20VBDL). Ông Nghiêm lúc nào cũng hãnh diện là từng làm tiểu
đoàn phó tiểu đoàn 1 Quái điểu TQLC, từng chỉ huy cánh B đổ bộ Triệu Phong
trong trận chiến lừng lẩy tái chiếm Quảng Trị, ông thừa
kinh nghiệm nhưng lại có vẻ bị thất vọng vì không được tiến cử làm tiểu đoàn
trưởng, tâm trạng đó đã ảnh hưởng đến cách làm việc và cư xử của ông với đàn
em, những sĩ quan trẻ cần sự dìu dắt học hỏi kinh nghiệm từ chỉ huy, tham mưu,
hành quân. Chúng tôi cần kinh nghiệm của các đàn anh để tiết kiệm xương máu nơi
chiến trường.
Tôi nhớ hoài một lần
ông ra lệnh cho tôi trang bị gấp chờ công tác, tôi không được biết là công tác
gì? Cho đến khi nghe trực thăng đáp ngoài bãi ông hối thúc tôi cùng đi ra đó
nhanh lên, tôi nghĩ trong đầu là cùng đi bay trực thăng với ông ta, nhưng khi
nhảy lên ông vạch bản đồ, nói với hoa tiêu vài câu gì đó rồi chỉ tôi:
- Thằng này cùng đi.
Rồi ông nhảy lại xuống
đất mà không có nói một câu nào gọi là lệnh lạc cho tôi cả, lúc thời gian này
không mấy ai dám bay vào vùng quanh đèo Hải Vân vì rất nguy hiểm. Khi máy bay
cất cánh về hướng tây bắc vài phút rồi đáp xuống để bốc trung tá Nguyễn văn
Cảnh Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 14 đang dừng xe jeep chờ bên đường (không phải
nơi BCH tiểu đoàn). Rồi tiếp tục bay, khi gần đến một ngọn đồi khá cao nơi có 1
đơn vị cấp số đại đội trấn giữ. Như kinh nghiệm của một tiểu đoàn trưởng khi
dùng trực thăng bay thám sát tình hình hay thả tiếp tế đều rất ngại bay vào
vùng có đồi núi như vầy, người ta thường làm ám hiệu ngầm. Do đó khi trực thăng
lao tới từ trên cao phát hiện tấm vải màu trắng trải lộ thiên ở triền đồi quá
nguy hiểm vì địch quân có thể phối trí vũ khí trực xạ
xuống từ trên cao ở những ngọn đồi khác. Trung tá C nổi máu nóng đỏ mặt mày,
ông văng tục chửi thề liên tục với thuộc quyền: Mầy ngu như... mầy ăn cái (...) uống cái (...) như muốn vỡ ống liên hợp, ông
phải ra lệnh cho trực thăng rời vùng ngay. Người xạ thủ trực thăng kê sát tai
tôi tay chỉ xuống và la lớn:
- Anh có thấy đường
mòn không?
Nhìn xuống bên dưới
tôi thấy rất nhiều đường mòn, có nhiều dấu vết cơ giới di chuyển hay quân xa của VC nên chắc là có bố trí phòng không, vào vùng
đồi núi này rất là nguy hiểm nên ai cũng rất là cẩn thận. Khi đáp xuống lại bãi
trực thăng lữ đoàn để trả tôi về, đại úy hoa tiêu nhìn tôi cười nói:
- Thằng cha đó dữ bỏ
mẹ, toàn là chửi thề!
Ngày 26/3/1975:
Từ những tin tức xấu
nhận được về Lđ 147 ở Thuận An khiến cho các binh sĩ thuộc bộ chỉ huy lữ đoàn
468 cứ cùng xì xầm lo lắng từ lúc sáng sớm, có lẻ họ nôn nóng vì muốn biết tin
tức của bè bạn ở những đơn vị đó? nhưng cũng có thể là vì tình hình chiến sự,
những tin tức chiến sự đang trở thành những đề tài nhạy cảm nhất, hàng ngày dồn
dập trên báo chí cũng như đài phát thanh, những tường thuật tình hình vùng Tây
Nguyên, vùng hỏa tuyến Trị Thiên…
Vào lúc 4 giờ chiều
thì tôi được chỉ định đi ra ngoài công tác, cùng đi với tôi là 2 binh sĩ truyền
tin trang bị 2 máy PRC25 và chuẩn bị lương thực cho 3 ngày. Vì đây là lệnh cấp
bách nên chúng tôi được chuyển vận đi ngay đến 1 vị trí ở đèo Phú Gia trên quốc
lộ 1, chỉ cách cầu ga Lăng Cô khoảng hơn 10 cây số về phía bắc, lúc bấy giờ đoạn đường nầy gần như là bị mất an ninh
rồi, nhưng vẫn còn rất là nhiều thường dân tản cư, lủ lượt từng nhóm người dìu dắt nối tiếp nhau đi. Nhiều người đi vội vã với hai bàn
trắng nhưng cũng có những phụ nữ hay trẻ em gánh gồng lủ khủ đồ đạc, nhiều
người vác những cái vali nặng trĩu trên vai, bên kia
đường có một thanh niên gánh cả một cái bàn thờ có tượng chúa JESUS. Oái ăm
thay cộng sản đi đến đâu chó mèo cũng chạy, hình ảnh một cụ già ngồi trên chiếc
xe bò, con chó cò ốm nhom như gắng bước chạy kế bên -chó mèo cũng cất bước tản
cư! và tất cả như âm thầm hướng về Đà Nẵng.
Tôi ôm chiếc balô ngồi
tưạ lưng vào ghế trong cabin của chiếc GMC tay tôi gát lên khung cửa. Hôm nay
ngày như ngắn lại, mặt trời rơi xuống khá nhanh, ngước nhìn xa xa những tia
nắng cuối cùng của một ngày đang ẩn hiện trên tận những đồi cao. Khi xe qua
khỏi cầu ga Lăng Cô một đoạn tôi đoán chừng khoảng đường còn lại phải đi tới
chắc là không xa lắm! Phía tay phải đó là ngôi làng nhỏ, khói vẫn còn vờn bay
lượn từ những mái nhà tranh, quanh quẩn ngôi làng nầy người ta nấu dầu Tràm để
bán làm sinh kế, loại dầu mà mẹ tôi hay dùng xoa bóp khi cãm mạo, trong miền
nam người ta kêu là dầu gió Khuynh Diệp.
Xe đang rồ máy lên
dốc, ngược với dòng người thả bộ dưới đường. Họ đang uể oải lăn thả từng bước
suốt cả ngày trường dưới cái nóng hừng hực hất lên từ mặt đường nhựa đá, bỗng
con đường như hẹp lại vì tại đây có quá nhiều người tụ tập lại nghỉ chân. Thái
độ của người lính tài xế bây giờ bắt đầu cau có, anh ta như thúc giục đám đông dưới
đường tay thì cứ bấm còi inh ỏi, chân thì nhồi ga lên xuống, chỉ cần xuống con
dốc bên kia là đã tới nơi rồi, lấn lướt trên đường với một tốc độ nhanh là
không cần thiết và rất nguy hiểm cho người ta, khiến tôi có chút bực bội trong
lòng nhưng cũng cố gắng nhịn lời không màng để tâm tới nữa...
Tới khi xe lao xuống cuối
dốc đường tôi bảo anh cứ chầm chậm chạy vào cổng căn cứ. Đây là cái căn cứ quân
sự bị bỏ trống, mấy hôm trước chỗ nầy còn là BCH của liên đoàn Địa phương quân.
Tôi hơi ngạc nhiên khi nhìn bên trong có 5 hay 6 nhóm người ngồi, đứng từng
cụm. Họ là những người thuộc Sư đoàn 1 và Địa phương quân của tiểu
khu Thừa Thiên đang dùng máy PRC25 tôi nghe rõ họ la ó
với nhau kêu gọi nhau chửi trách nhau đủ mọi thứ danh từ tục tằn bằng
bạch văn, tôi hiểu ngay họ đang liên lạc với những đơn vị bị kẹt bên kia Đầm
Cầu Hai hay ở cửa biển Tư Hiền. Tôi hối thúc thằng Dự và Lợi phải nhanh lên mỗi
đứa xách 1 cái máy truyền tin, cái không khí nhốn nháo ồn ào của các
loa phát ra những tiếng chửi thề trách hờn nhau loạn xạ. Tôi vội vã đi
liền một vòng quanh căn cứ để quan sát, vì không muốn nghe những tiếng ồn ào
khi làm việc ở gần họ nên tôi chọn một cái chòi canh phía sau rồi bắt tay ngay vào việc, phải dùng cả 2 cái máy mà gọi
liên tục từ tần số nầy sang tần số khác đến hàng mấy tiếng đồng hồ mà không
nhận được trả lời. Theo lời dặn chúng tôi dùng danh thoại của
Đại Dương (Đại úy Đan tùy viên của Thiếu Tướng tư lệnh) mà gọi cho các danh
xưng của các tiểu đoàn 3,4,5,7 vẫn như thế mà tiếp tục làm cho đến khi trời
sáng mà vẫn không có bắt liên lạc được với ai, tôi cố tiếp tục gọi cho đến buổi
trưa, cả thảy 3 người chúng tôi đều quá mệt mỏi, và nhìn thấy thằng Dự ngáp lên
ngáp xuống có lẻ vì phải thức cả đêm nên không đủ ngủ, nó cứ đi qua đi lại có lúc
nhìn chăm chú xuống làng rồi quay lại hỏi tôi:
- Thiếu úy, tôi xuống làng
tìm mua con gà đem về nấu cháo ăn.
- Tôi đồng ý.
Khi Dự đi rồi tôi và
thằng Lợi đi vòng vòng tìm củi khô, vo gạo nấu cháo và đun sẳn một nón sắt nước
sôi, trong lúc chờ đợi tôi ngã lưng trên võng hút một vài hơi thuốc thì ngủ thiếp
đi một giấc ngon lành. Lúc tôi tỉnh giấc nhìn đồng hồ mới giật mình mình ngủ
say hơn 1 tiếng rồi! Đưa mắt nhìn quanh cũng không thấy ai cả, tôi
đứng dậy chạy ra bờ giao thông hào ngóng nhìn về hướng làng, một lát sau thằng
Dự xuất hiện nó co giò cấm đầu chạy lên, trên tay nó ôm 1 con heo con ốm nhom
óm nhách độ lớn hơn cườm chân, phát ra tiếng kêu ột ẹt, tôi giật mình:
- Sao kỳ vậy mầy?
Nó thở hổn hển:
- Trong làng vắng tanh
hè, chỉ còn mấy người già thôi, bà già muốn bán con heo bệnh nầy mà muốn giữ mấy
con gà cho nó đẻ trứng ăn.
Đang lo cho nó giờ
thấy nó về tôi mừng trong bụng nhưng cũng tỉnh bơ tôi hỏi:
- Mày biết làm heo
không ?
Nó méo cái miệng một
bên chỉ cái lưởi lê:
– Tôi làm mấy con rồi,
dễ ợt hè. Không cần cạo lông, trước hết mổ bụng lấy lòng và huyết đem nấu cháo
còn thịt thì cứ lóc từ từ, từ phía trong lóc ra bỏ da.
Thật vậy tôi cũng
không ngờ là chỉ độ hơn 10 phút đồng hồ sau, có nồi cháo sẳn sàng để ăn, đang
đói mà cháo thì nóng hổi, mồ hôi chảy ướt đẫm cái ngực trần. Nhìn 2 cái máy tôi
không còn hy vọng nữa nhưng ăn xong là trở lại công việc dò tìm ngay, mãi tới
chiều cũng không có kết quả, ngó ra trên đường thấy thường dân di tản thưa thớt
dần, tin tức mới nhận được cho biết là vc đã chận từng đoạn đường nghiêm cấm
không cho bất cứ ai đi về hướng Đà Nẵng nhất là ở Truồi, người bị dồn lại rất
là hổn loạn. Xa xa từ phía biển vẫn còn tiếng súng vọng về như là những lằn bắn
sẻ từ trên núi xuống bải cát ở cửa sông. Tôi thoáng nhìn
chung quanh thấy mấy người lính bộ binh mệt mỏi nằm vất vưỡng ra ngủ trưa.
Đêm hôm qua có một Đại
tá Trung đoàn trưởng của Sư đoàn 1 (tôi không còn nhớ tên nhưng vẫn còn nhớ ông
có tật cà lăm), ông thường chạy xe lên xuống khoảng đèo nầy và lúc nào cũng có
kéo theo sau cái móc hậu nước để thăm hỏi và tiếp tế nước cho những binh sĩ Sư Đoàn
1 bị đuối sức vì đói khát, những người nầy phải khó nhọc và thật gan dạ khi dám
vượt được qua cửa Tư Hiền. Nghĩa cử của 1 Trung đoàn trưởng chí tình cho
binh sĩ thuộc cấp làm cho ai cũng kính chào ông.
Đến 5 giờ chiều thì có
1 người lính vào làng khi trở về báo lại là Việt cộng vừa lùa mấy con bò của dân chúng ở làng trên đi về hướng núi, rồi
có một Thiếu tá của Tiểu Khu Thừa Thiên suy diễn là tụi VC muốn lấy sức
mấy con bò để kéo trọng pháo lên núi. Nghe tin nầy tất cả các toán liên lạc của
bộ binh và Tiểu khu chuẩn bị Zulu.
Tôi trình báo cáo về
Lữ Đoàn và nhận lệnh phải di chuyển trở về nhưng đi bằng
phương tiện tự túc, nhìn đồng hồ thấy hơn 5 giờ chiều, e rằng bị trễ mất, không
có đủ thời gian để đi tới chân đèo Hải vân trước khi trời tối, nếu cuốc bộ thì
hơn 2 tiếng là cái chắc, vã lại trời tối cũng nguy hiểm, lập tức xếp lại
antenna làm gọn nhẹ rồi đi xuống đồi ngay, tôi ghé lại chỗ tiếp tế nước cho
thằng Dự châm thêm nước cho đầy cái bình ton, bỗng nghe có tiếng đàn bà khóc,
tiếng rên xiết từ trên chiếc GMC, tôi tò mò bước tới gần sát cái bửng sau để
nhìn lên thì chao ôi! Cảnh tượng của một người đàn bà rất trẻ mang bầu hình như
đang đau bụng đẻ, mái tóc dài phủ che một phần gương mặt xanh dờn lấm tấm những
giọt mồ hôi và nước mắt.
Trời ơi! tôi thấy mà
thương xót cho hoàn cảnh của chị, tại sao cơn đau đớn đó lại xảy ra lúc khó
khăn nầy? Ngồi kế bên chị lại còn thêm 1 thằng bé 2 hay 3 tuổi cũng đang khóc,
tiếng thét của nó như muốn gào lên từng tiếng trông thật não lòng. Tôi nhìn
chiếc xe GMC nầy như muốn trùng xuống một bên về phía sau, nhưng nhìn kỷ lại
thì 2 cái lốp phía bên phải bể cả rồi, người đàn ông mặc áo không
cài nút đưa bộ ngực trần lấm tấm mồ hôi, đang lui cui tìm cách thay vỏ xe, có
vài người nữa đứng nhìn như bất lực.
Tôi kêu Lợi và Dự rời
vị trí nầy ngay không nên lãng phí thời giờ, tôi dự trù ra đi sẽ không ngừng
nghỉ dọc đường mà cố gắng đi cho bằng được về tới cầu Lăng Cô rồi nghỉ mệt và
báo cáo về BCH. Nhưng may mắn thay! Khi đi được khoảng 1 giờ thì TrungTá Tham
mưu trưởng của Lữ Đoàn Đại Bàng Từ Thức đang ở trên đèo Hải Vân liên lạc cho
tin là ông đích thân lái xe xuống bốc và đưa chúng tôi lên tận đỉnh đèo.
Ông dừng xe lại một
hồi lâu để tìm phương tiện cho 2 truyền tin mang máy về BCH trước. Còn tôi thì
ông bảo ở lại chờ cùng về với ông, bấy giờ thì mặt trời sắp lặn. Tr/tá Thức lái
xe ngược trở xuống cầu Lăng Cô để quan sát tình thế, khi xe bắt đầu quẹo đỗ
xuống cái dốc cuối cùng hướng về phía cầu Ga thì bất ngờ ông thắng xe thật gấp
và chỉ tay về phía bên kia đầm nước, tôi thấy có 3 người đang chạy nhanh thật
nhanh sát mé nước, chạy len lỏi vào dưới rặng của hàng dừa xanh, rồi vụt mất
dạng trong rừng cây thấp bên bờ đầm; chỉ không đầy 3 phút là có tiếng pháo kích
122 ly dồn dập vào căn cứ bên đầu cầu ga Lăng Cô. Trung tá Thức liền cho xe
chạy lùi lại phía sau cho khuất bóng đề phòng việt cộng có thể nhìn thấy xe
Jeep trên đèo tụi nó có thể bắn sẻ hay pháo tới. Sau cái phản ứng nhanh nhẹn đó
ông bảo rằng:
- Mấy thằng ban nãy
chạy lên là tụi đề lô VC đó mầy! Nếu có M79 hay M16 là tao bửa đầu tụi nó rồi!
Phía cầu ga Lăng Cô
đang chạm súng dữ dội, đạn pháo nổ ì ầm. Trên không xuất hiện phi tuần A 37 bay
lượn, tiếng phản lực gầm thét như xé bầu không gian để yểm trợ oanh kích để làm
hủy bỏ một nhịp cầu trước khi trời tối.
Ngày 27 rạng 28 tháng
3 năm 1975:
Tại chỗ con dốc thứ 4
đỗ về hướng Huế, lợi dụng lúc trời xẩm tối lẩn qua màng
sương mù dầy đặc, tiếng gió thổi ì ầm từ bên dưới biển văng vẵng lên cao, phát
hiện có 1 đoàn người lầm lũi nối tiếp nhau bò lên đèo. Như báo cáo từ phòng
tuyến đèo Hải vân gởi tới, có một số thật đông binh sĩ các cấp bị rả ngũ từ các
đơn vị Địa Phương Quân và Bộ Binh tháo chạy ngược lên dốc đèo làm cho một số
lính Tqlc bị giao động tâm lý cùng ùa theo mà chạy.
Trong lúc tình hình
căng thẳng như thế hết sức là nguy kịch, bất ngờ từ phía xa xuất hiện 1 chiếc
xe Jeep chạy tới và thắng thật gấp ngay giữa đường. Người vội vã bước xuống đó
là Đại Tá Ngô Văn Định Lữ Đoàn Trưởng Lữ đoàn 468 TQLC giọng hét quát tháo của ông
như gầm vang trong đêm tối, và cũng như muốn cố trấn an, ngăn cản sự náo loạn
nầy. Ông đứng sừng sửng hiên ngang giữa đường cầm một cái cây to hình dạng
giống như cây nêm đầu ghế bố ông quơ túi bụi vào bất cứ ai chạy lên từ phía dưới
đèo. Thật rủi thay 1 anh Tqlc thuộc tiểu đoàn x len lén cố lách qua, như để làm
gương ông đánh trúng 1 đường côn vào chân té ngay giữa đường, khiến những người
chứng kiến như thất kinh hồn vía, họ bèn chạy dội ngược về phía dưới kêu gọi
nhau inh ỏi. Lại có tiếng của Trung Tá Đoàn Thức vừa nhìn tôi và văng vẳng như lời khuyến cáo:
– Đừng chạy lên! đừng
chạy lên! hãy mau bảo tụi nó dừng lại.
Tôi chạy như lao xuống
phía dưới cố gắng báo tin cho mọi người biết nếu ai chạy lên thì sẽ bị đòn. Tình
thế thật là nguy kịch và như nếu bất lực không ngăn chận kịp thời đám loạn binh
nầy được thì nó có thể làm tác hại tâm lý chiến đấu ở phòng tuyến cực bắc nầy.
Tôi thầm nghĩ Đại Tá LĐT Định đã hành động kịp thời phản ứng với thần sắc rất
dũng cãm! Ông cứ đánh túi bụi vào đám đông làm áp đảo tinh thần để cho dù ai có
gan gồng mình cũng không dám chạy thoát lên trên và cũng chính vì vậy mà tình
hình dần dần được yên tỉnh trở lại.
Tôi theo Trung Tá Thức
ở lại tại đó và chờ cho đến thật khuya, nhìn màn đêm chậm chạp lắng trôi, như
một cái gì thật u ẩn trên con lộ trải dài xuống tận dưới đèo, ngước nhìn lên
trời chỉ thấy một vài vì sao leo lét tựa như những đom đóm mờ nơi cao thẫm. Mãi
cho đến lúc đêm hơi nghiêng về sáng có hơi sương lành lạnh thấm len vào cổ áo,
tôi trèo lên xe ngồi thu mình phía sau, nghe tiếng sóng vẫn vổ thì thầm từ mé
nước dưới đèo.
Tôi bị mệt nhoài nhưng cũng không tài nào ngồi yên một chỗ, lại bước xuống đất đi loanh quanh cho đở buồn ngủ, nhìn Trung tá Thức trở lại ngồi lặng thầm trên xe Jeep hút thuốc, ông cứ chậm rải nhả ra những làn khói dài. Cùng đi với ông từ ban chiều tôi thấy ông không ăn uống gì. Độ hơn 1 giờ sau ông mở máy lái xe quay đầu trở lên đèo, ông lái đi với vẻ đăm chiêu trong suốt quãng đường trở về đơn vị BCH lữ đoàn ở Hòa Ninh, ông chẳng nói một lời. Ngước nhìn đồng hồ tôi mới hay bây giờ trời đã gần 2 giờ sáng.
Tôi muốn đến chiếc
võng trong lều để ngủ ngay một giấc, vì mấy hôm rồi tôi không tài nào ngủ được,
cái bụng của tôi lại đau lăm răm, biết mình đang đói, tôi đi tìm Th/u Sơn đang
ở phòng trực hành quân, thấy gói thuốc Bastos xanh trên bàn tôi chộp ngay một điếu và như biết tôi đang đói, Sơn chỉ tôi khúc bánh
mì như của ai bỏ lại tự hồi chiều, Sơn ngồi trầm lặng nghe tôi kể chuyện xảy ra
ở trên đèo. Chuyện thấy đề lô VC chạy vội vả dưới rặng dừa và nhất là chuyện
thương tình của Trung tá Đoàn Thức lái xe xuống rước chúng tôi trở lên đỉnh Hải
Vân, bằng không thì chúng tôi làm sao về tới chân đèo hay là nằm chịu pháo ở
đầu cầu Lăng Cô không chừng! Bây giờ ông không còn nữa, những ngày làm việc bên
ông ở BCH lữ đoàn ngắn ngủi chỉ 2 tháng, nhưng hình ảnh của Tr/tá TQLC Đoàn
Thức vẫn mãi trong tôi từ dáng dấp cho đến nụ cười giọng nói ôn tồn, viết về
ông là để tưởng nhớ đến một người anh cao cả trong đời TQLC của tôi.
Rạng ngày 29/3/75:
... Tôi vẫn nhớ buổi
chiều ngày 28/3 trong lúc tôi và Th/u Sơn đang ngồi khui cá hộp ăn phía bên
hong ngoài căn lều chỉ huy thì phía sau căn lều anh Sơn, tài xế của Đại tá Lữ đoàn
trưởng khiêng mọi thứ cá nhân của ông ra ngoài chất lên chiếc rờ mọt rồi hấp tấp lái đi... (sau nầy chúng tôi được biết xe
về Non Nước bị kẹt lại). Thiếu tá Nghiêm trưởng ban 3 cùng ngồi ăn cạnh chúng tôi,
tay cầm cái cà-men cơm. Ông còn dặn dò nên ăn nhiều một chút, đêm nay mình sẽ
di chuyển. Tôi để ý cử chỉ lạ ở nơi ông là hôm nay thiếu tá Nghiêm luôn luôn
hướng nhìn về phía biển khơi. Rồi đột nhiên như là vui miệng ông chỉ tay vào
chiến hạm Hải quân tít ngoài xa trông như một vệt mờ nằm ngang, ông nói:
– Tối nay mình sẽ lên
chiếc tàu đó!
Đến lúc trời chạng
vạng tối thì lệnh di chuyển ban ra, tôi đi theo Tr/Tá Thức còn Th/u Sơn thì
cùng đi với Thiếu tá Nguyễn cao Nghiêm, đoàn xe di chuyển chầm chậm hướng về
đèo Hải Vân, lúc đi ngang qua BCH của Liên đoàn 10 công binh chiến đấu, tôi
thấy đang cháy ánh lửa sáng bừng, một số cơ giới bị hủy hoại tại chỗ. Nhìn
ngược lại qua phía tay trái bệnh viện nhi đồng cũng có lửa dâng cao. Khi chạy
ngang Nam Ô đoàn xe quẹo về phía đông như trên đường ra bờ biển. Chỉ đi được
một đoạn rất ngắn thì xe jeep của Đại Tá Định bị vướng phải dây kẻm gai quấn
dưới chassi. Phải mất một thời gian mới cắt tháo xong.
Bất ngờ đoàn xe dẫn
đầu lại chuyển hướng quay trở ra quốc lộ số 1 và thẳng lên đèo. Khoảng 9 giờ
tối khi đoàn xe vừa qua khỏi chỗ đường hầm hỏa xa thì có lệnh dừng lại. BCH tập
hợp lại để di chuyển cùng một lúc, cứ vạch cây rừng chồi, đa số là loại cây
mây, mà đi xuống mé biển vì không có đường mòn, có lúc dốc lại chúi thẳng làm cho rất khó khăn đi xuống, vã lại trong đêm tối nhiều
lúc sự di chuyển bị chậm lại nếu phía trước có chướng ngại
vật như gặp khe đá sâu hay cây to nằm ngăn cản lối đi. Những người đi trước mở
đường dùng dao chặt cây tiếng động kêu lên xào xạc. Không có đường mòn để nương
theo nên rất là khó di chuyển nhất là những lúc phải băng qua những lớp mây
rừng chằng chịt. Đêm tối nhưng tôi vẫn thấy phía đằng trước có mấy người cứ té
lên té xuống vì phải ôm cái bàn tiếp hậu của súng cối 60 ly và cấp số đạn. Những lúc bị dồn quân chậm lại như vậy thì lại nghe văng vẳng tiếng
chửi thề của Thiếu tá Nguyễn cao Nghiêm. Trên đoạn đường di hành nầy không thấy
Đại tá Định, ông đã ra tới chiến hạm bằng ghe chài cá và đi bằng lối khác. Khi
xuống tới dưới bãi biển, thì từng nhóm nhỏ phân tán mõng ra núp chờ lệnh trong
các bụi cây chồi. Lúc đó mực thủy triều còn thấp, Chiến hạm HQ 504 chưa thể cập vào bờ.
Thời gian chờ cũng khá
lâu, nước triều dâng chầm chậm, tôi nghe dạt dào tiếng sóng vổ ngoài xa, bất
ngờ có người kêu tên tôi từ phía có chiếc ghe cào vừa mới cập vào bờ cát, nhận ra là một đại úy, ông
này bảo tôi theo lệnh của Đại Tá Lữ đoàn trưởng là tôi và 3 người nữa lên chiếc
ghe nầy, tôi hỏi:
- Có chi tiết công tác
gì không thẩm quyền?
- Một chút nữa sẽ biết
sau.
Tôi còn nhớ tên một
người trong số đó là Thượng Sĩ Thiệt hơi trọng tuổi tác và là người bắc, còn
tên của 2 anh kia thì tôi quên mất rồi chỉ biết họ cũng là cao bồi riêng
cho ĐạiTá Định, tôi nghĩ thầm trong đầu:
- Kỳ vậy, sao lại đi
đâu với nhóm nầy?
Đêm đó tôi thấy sợ,
nhất là lúc ngồi nhìn đêm đen trên biển cả, sóng gió dập dìu thỉnh thoảng bắn
lên vài tia nước làm ướt mặt. Tôi linh tính một cái gì đó có thể xảy ra, nhớ
lời 1 cấp trưởng nào từng nói với tôi ở tác chiến mà bị cấp chỉ huy đì hay bị
trù thì khổ lắm! Từ trong khoan ghe tôi bò về phía trước nhìn vào bờ, phía
trên đèo thì tối thui, phía làng Liên Chiểu còn thấy leo lét vài ánh sáng nhưng
không tài nào đoán được khoảng cách tới bờ là bao xa. Nhìn phía sau thì thấy mấy
người lính đang tụ nhau trên một chiếc ghe khác hơi lớn hơn một chút, họ là
những người di chuyển chúng tôi ra đây. Thủy triều càng lúc càng
dâng cao, sóng cứ vỗ vập vồ vào phía hong bên phải. Mặc dầu trên ghe có 4 người
nhưng có cùng một tâm trạng lo lắng! Không biết chuyện gì sắp đến, họ bắt đầu
thì thầm với nhau. TH/sĩ Thiệt hỏi tôi:
- Tại sao phải ngồi
trên ghe nầy chờ?
Tôi trả lời là:
- Chờ lệnh chớ biết
sao?
Đêm càng khuya thì
thủy triều càng cao có gió thổi mạnh hơn, cái ghe nhỏ cứ chồng chành, lao chao
theo gió, nó trồi lên trồi xuống. Không lâu lắm thì tất cả bị say sóng đau đầu
rồi ngủ thiếp đi cho đến khi trời vừa hừng sáng tôi bừng tỉnh dậy, cố gắng bò
nhanh về phía sau để nhìn vào trong bờ: Trời! có vật gì giống như là 1 chiến
hạm lờ mờ trong màn sương của buổi ban mai dưới mé biển sát chân đèo, tôi đánh
thức mọi người dậy chỉ tay vào chiến hạm Hải Quân cập trong bờ. Tất cả đều hốt
hoảng! Tôi tìm cây manivelle (tay cầm để quay cho máy nổ) nó cũng đâu mất
tiêu rồi! Thì ra đêm hôm qua mấy người đưa chúng tôi ra đây đã nhẩn tâm quăng
nó xuống biển luôn, có người la hoảng:
– Ủa mà sao họ làm vậy
ta?
Tôi nhìn thấy trên mui
ghe còn cột một cái thúng tre. Nhưng cả dầm bơi cũng biến mất. Không còn thời
giờ để suy nghĩ và do dự, tôi bảo tất cả phải nhanh lên cố gắng dùng bá súng 2
cây MX16 và 1 M79 mà bơi, tôi thì dùng chân mà đạp nước, thật là khó khăn lúc
đầu cái thúng chỉ quay lòng vòng không đi được bao xa, tất cả 4 thằng chúng tôi
không ai có kinh nghiệm chèo ghe và nhất là lại chèo cái thúng tre tròn vo như
vầy bao giờ, nhưng cũng rất may mắn vì nhờ có gió thổi nên một hồi lâu thì
chúng tôi cũng cặp được lên tàu, 4 thằng chúng tôi đều bị ướt nhẹp.
Khi bước lên được trên
tàu HQ504 là tôi đi tìm Th/u Sơn ngay, mình mẩy tôi đang ướt lạnh, 1 tay run
run mồi điếu thuốc còn tay kia thì tôi nắm túm lại cái quần bị rách, tôi nói:
– Tao đạp nước muốn
chết mồ tổ gần đuối sức, tao tưởng bị bỏ ngoài khơi rồi hên có gió đưa mới kịp
lên tàu.
Nhìn tôi đang kéo lên
cái quần rách nát nó cười khiến tôi cáu tiết chửi thề:
– Sơn ơi! mày sướng
thật!
Trên đèo mây mù vẫn
còn bay lất phất, tôi nhìn lên bờ một lần cuối vài người vẫn còn đứng dưới
nước, một số vẫn còn lại trên bờ nhưng con tàu đang từ từ ra khơi....
TQLC Quách Vũ Uối
Tháng 4 năm 2009
No comments:
Post a Comment