Tuesday, August 15, 2017

Xin Để Yên Cho Người Chết - Phan Ngọc Vinh


Vào năm 2013, chị Minh được tin nhà gửi sang cho hay mẹ chị mất, chị buồn lắm, nhưng mấy tháng trước chi đã về thăm mẹ, xem như hai mẹ con đã thấy mặt nhau lần cuối.  Chị nhờ cô bạn còn lại ở Việt Nam vào ngày đi chôn thì đến thăm và chụp hình gửi sang cho chi.

Theo lời cô bạn kể lại :
 "Đám ma nầy lớn lắm, nhưng anh em không khóc vật vả vì bà cụ đã không đi đứng được từ mấy tháng trước, mình cùng Ô Xã 8 giờ sáng đã có mặt, vào lạy bà cụ, nghe em bạn kể lại trong vài ngày vừa qua người quen đến cúng đông lắm, xe hơi liên tiếp từ thành phố về đậu đầy hai bên đường trước nhà. Con cái bà cụ làm ăn ở thành phố, giao thiệp rộng rãi nên một số thì ở thành phố về, một số bà con ở tại vùng đua nhau đến viếng. 

Từ hồi sinh tiền, con cái ăn nên làm ra, bà cụ đi không sót đám ma nào ở làng nầy, tuy nói là quê nhưng gần thành phố nên buôn bán sầm uất, người mới nhập cư đông, hãng xưởng mở cách đó không xa nên mấy đứa em của bạn làm ăn cũng phát đạt, do vậy người đến phúng viếng đông lắm, trống đánh thùng thùng, đờn cò, đờn kéo um sùm như kêu mời cả làng đến viếng  và hầu như mỗi nhà đều cử nguời đến , không sót nhà nào. Buổi tối còn có đờn ca tài tử, ai có khiếu ca hát thì cứ lên ca, nghe nói rất đông người tham dự mỗi đêm trước ngày đem chôn.

Ở quê bây giờ mỗi khi nhà có đám ma hay đám cưới, người đến cúng hay chúc mừng giống như tình nguyện cho chủ nhà mượn nợ không lấy lời, chủ nhà có đám  sẽ ghi vào sổ, nhà nào, tên gì, cúng bao nhiêu để về sau khi gia đình đó hữu sự thì sẽ được cúng lại hay chúc mừng, tuỳ theo thời gian tiền bị trượt giá mà hoàn lại cho bằng hoặc hơn, do đó thường thường không đám nào bị lỗ. 

Nghe em bạn nói mẹ bạn sẽ được đưa ra khỏi nhà 12 giờ, khoảng 2 giờ trưa thì hạ huyêt, chôn ở đất của dòng họ cách nhà độ một cây số. 
Khoảng 9 giờ sáng xe đưa đám  ma đến, ngoài đám nguời khoảng chục ông mặc đồ lễ để khiêng hòm, họ ngồi nghĩ bên lề kế cái xe tang chờ tới giờ khiêng, thì từ ngoài buớc vào có hai cô, một cậu, mặc đồ như hát bội, đến trước hòm khấn lạy xong thì bỗng một trong hai cô hét lên nhào tới ôm cái hòm, làm mọi người giật cả mình..........Mẹ ....mẹ ....mẹ ơi ...con đã về đây, con đã về đây......rồi ca vọng cổ không ra vọng cổ, mà ca ngang ngang cùng một điệu lập đi lập lại, kiểu ca "xàng xê" , "bầy chòi" gì đó mình không rành nhưng lãi nhãi, lãi nhãi.......cầm cái micro hát rống lên thống thiết cho cả làng, đầu trên xóm dưới đều nghe, vì trước đó họ đã bắt sẵn hai cái loa phóng ra hai bên trước nhà. 

Cô gái kia thì giả là người trong nhà đón chị về, cùng ca theo chị, cũng một điệu như vậy, cũng khóc la vật vả, đôi khi lăn tròn dưới sàn nhà, cầm theo cái mi cờ rô....vừa khóc, vừa rên mà không thấy có chút nước mắt nào cả......

Hai cô ca chắc là điệu ....xàng xê...ca đi ca lại một điệu, rồi chàng trai mặc đồ hát bội khi nãy bước vào như từ xa về, một trong hai cô cho biết anh về không gặp mẹ vì mẹ chết rồi, chàng trai nhào tới ôm cái hòm, lại một màn ca cổ một điệu như hai cô kia, cũng vật vã lăn lộn dưới đất, kêu la thảm thiết....mẹ ơi...mẹ ơi...con đã về ....mẹ đâu còn nữa. Các em của bạn chắc đã khóc mấy ngày trước rồi nên không thấy ai khóc nữa, mà đứng phía sau chỗ tấm màn che nửa phần cái hòm......để xem họ diễn. Đây là màn thương vay khóc mướn khóc thay khổ chủ, nghe nói từ lâu ngoài Bắc có màn nầy để cho đám ma đỡ cảm thấy hiu quạnh, em bạn nói nhà đòn bao hết các khoảng nầy, chỉ trả cho họ một lần, không phải trả từng mục .

Ba người khóc mãi, kêu la thảm thiết, cho đến khàn cả cổ, hai ba đứa em rể của bạn nhét tiền vào áo cho mấy diễn viên đó, hàng xóm, bà con đến dự buổi tiễn đưa thấy ba người tốn nhiều công sức rên la, nên cũng xúm nhau cho tiền. Khoảng hơn hai giờ sau, có lẽ đã thấm mệt, và chắc phải theo giờ định trước của nhà đòn, ba người họ mới chịu ngưng.

Xong phần thương vay khóc mướn thì màn đánh võ, một anh võ phu biểu diễn đập gạch bằng đầu và sau đó dùng tay chặt một chồng gạch thật dày làm bà con hoan hô quá cở.

Phía trước nhà thì đội lân đã trồng mấy cái trụ sẵn, sau màn chặt gạch, thì bà con cô bác ra phía ngoài xem đội lân, người múa lân thay phiên nhau nhảy lên nhả xuống.....hoặc cõng nhau chuyền trên các trụ rất ngoạn mục khiến người qua đường tưởng là chủ nhà có hỷ sự chớ không dè là... đám ma.

Khi gần đến giờ khiêng hòm thì có đội kèn Tây, đội nầy vui hơn, sau khi xúm nhau lạy quan tài thì họ bắt đầu thổi kèn Tây, nào là bài "Búp bê  không tình yê ", "Love story", ....rồi sang đến các bản nhạc Bolero .....nhiều bài lắm.....đếm không hết.  Và đội mai táng từ từ khiêng hòm ra xe nhà táng........rồi thì xe chạy từ từ, phía trước em trai ôm tấm hình, đứa khác cầm lư hương ....đội kèn Tây dẫn đầu, vừa đi vừa thổi kèn.......nhạc Tây, nhạc tàu, nhạc buồn, nhạc híp hop.... đủ cả,  vừa múa cái thanh gỗ rất vui mắt vui tai. 

Mấy ngày đêm trước thì các Sư Thầy đã đến tụng kinh, nên hôm nay tới ngày chôn, họ dẫn một đoàn Phật Tử theo sau quan tài tụng niệm tiễn đưa người quá cố. Thật là một đám ma đầy đủ nghi thức cộng thêm các tiết mục giúp vui mà có lẽ khi còn sống, người chết còn chưa được xem qua đầy đủ như khi nằm trong quan tài.  

****

Sau vài tháng, cô của chị Minh mất, thì em của chị đến thăm, kể lại sự tình, một đám ma đơn giản, nhưng làng xóm cũng phúng viếng rất đông vì tình xóm giềng rất được quý trọng và hơn nữa họ cũng nghĩ là có qua có lại, coi như gởi vốn để đó rồi từ từ khổ chủ sẽ trả lại, chẳng mất đi đâu cả.

Qua lời kể của hai đám ma lớn trong gia đình chị Minh, ...một của mẹ chị và một của người cô, thì khi tổng kết xong, tiền phúng điếu cho bà mẹ chả còn dư được bao nhiêu vì ham làm đám ma lớn, phí tổn quá nhiều. Bây giờ thì các em chị mới thấy hố, rồi đây họ lấy đâu ra tiền trả nợ những người đã đi phúng điếu mẹ mình, chắc chắn là phải móc tiền túi thôi.  

Còn đám của cô chị không chi ra bao nhiêu, chỉ tốn cho những gì cần thiết nên số tiền phúng điếu còn dư ra, các con của cô đồng ý gửi ngân hàng, lấy lời hằng năm để dành đi phúng điếu trả lại tiền cho những gia đình đã đến thăm vào ngày cô mất......dù tiền gửi Ngân hàng có bị trượt giá ....thì tính sau.

Đó là tại sao có những đám ma treo bảng "Không nhận hoa, không nhận tiền phúng điếu". Âu cũng là cách hay nhất để người chết không mắc nợ bá tánh và nhất là các con không cần ghi sổ trả nợ. 

Tuỳ theo mỗi gia đình, tùy theo lời trăn trối của người chết, tốt nhất là mình không nên có ý kiến sẽ làm buồn khổ chủ. Nhưng xin hãy để yên người chết, người chết thì đã chết rồi, xin đừng làm cho họ phải mắc nợ người dương thế để họ có thể yên giấc nơi suối vàng.

Mùa Vu Lan 2017
Phan Ngọc Vinh.

No comments:

Post a Comment