Friday, July 1, 2022

Tổng Đài Thời Thơ Ấu


Khi tôi còn nhỏ xíu, gia đình tôi nằm trong số ít những gia đình đầu tiên có điện thoại trong vùng. Vâng, tôi còn nhớ rất rõ cái hộp bằng gỗ sồi gắn vào tường ở chỗ chân cầu thang tầng cuối ngôi nhà. Cái ống nghe được gắn một bên cái hộp. Tôi cũng còn nhớ rõ số điện thoại của nhà, số 105. Hồi ấy, tôi hãy còn rất bé để với tới cái ống nghe, nhưng tôi thường lắng nghe một cách say mê khi mẹ tôi nói vào máy. Một lần, mẹ tôi nhấc ống nghe lên nói chuyện với cha tôi đang đi xa vì chuyện làm ăn. Thật là kỳ diệu. Thế rồi tôi tưởng tượng ra ở nơi nào đó, bên trong cái dụng cụ kia, có một nhân vật kỳ diệu trú ẩn, người này có tên Information Please (Tổng Ðài), và không có điều gì mà người phụ nữ ấy lại không biết tới. Mẹ tôi có thể hỏi bà ấy số điện thoại của một người nào đó, và khi cái đồng hồ của tôi chết, Tổng Ðài có thể nối cho chúng tôi giờ đúng ngay tức thì.

Kinh nghiệm riêng của tôi có liên quan đến “thiên tài trong ống nghe” này xảy ra vào một ngày khi mẹ tôi đi thăm một nhà hàng xóm. Lúc bấy giờ tôi đang nghịch chơi trên cái ghế bào ở trong căn hầm dưới nhà(basement) và tôi đã để cái búa đập vào ngón tay mình. Ðau thấu trời xanh nhưng tôi biết khóc chẳng ích gì vì không có ai trong nhà để an ủi vỗ về tôi. Tôi đi quanh quanh trong nhà, cho ngón tay đau vào miệng mút, cuối cùng tôi bước tới chân cầu thang. A, cái điện thoại! Thế là tôi chạy nhanh đi lấy cái ghế đẩu ở phòng khách kéo nó tới dưới chân cái hộp điện thoại. Rồi tôi trèo lên, lấy cái ống nghe ra khỏi móc, đặt nó vào tai: 

“Xin tổng đài, ạ.” 

Tôi nói vào cái máy.


Một hai tiếng lích kích, và rồi một giọng trong trẻo nói vào tai tên: 

“Tổng đài nghe.”

“Tôi bị thương đau ở tay.” 

Tôi rên rỉ trong điện thoại. Nước mắt tuôn ra, giờ đây tôi đã có người nghe mình nói.

“Mẹ cháu không có nhà sao?” 

Người phụ nữ trong hộp máy hỏi.

“Chỉ mình cháu ở nhà thôi, hu hu.” 

Tôi bù lu bù loa.

“Cháu bị chảy máu không?”

“Dạ, không ạ!” 

Tôi trả lời.

“Cháu vô ý để cái búa đập vào ngón tay đau quá là đau.”

“Cháu có thể mở tủ đá ra không?” 

Cô hỏi. Và tôi trả lời là có.

“Vậy cháu đập ra lấy một cục nhỏ rồi chườm vào ngón tay đau. Cái đó sẽ làm cháu hết đau đấy. Nhưng cẩn thận đừng để đầu nhọn cục đá chích vào tay.” 

Rồi cô dỗ dành tôi: 

“Ðừng khóc. Cháu sẽ khỏi thôi.”

Sau buổi đó, tôi gọi Tổng Ðài về bất cứ chuyện gì. Tôi xin giúp giải thích giúp tôi một câu trong bài học địa lý và cô cho tôi biết Philadelphia nằm ở đâu, và cô cũng cho tôi biết về sông Orinoco, con sông thơ mộng mà sau này khi lớn lên tôi sẽ khám phá. Cô giúp tôi giải bài toán số học và cho tôi biết con chuột sóc ăn trái cây và các loại hột, tôi vừa mới bắt được một con ngày hôm trước ở công viên.

Một hôm, con chim hoàng yến có tên Petey của tôi gục chết. Tôi gọi Tổng Ðài kể cho cô nghe tin buồn. Cô lắng nghe và nói những điều thông thường để an ủi một đứa bé. Nhưng tôi vẫn không nguôi thương tiếc con chim. Tại sao những con chim ca hát lộng lẫy như thế, mang niềm vui đến cho mọi người mọi gia đình, mà rồi gục xuống chỉ còn một đống lông trong lồng.

Hẳn là cô ấy cảm nhận nỗi đau đớn sâu xa của tôi, nên cô dịu dàng nói: “Nè Paul ơi, cháu luôn nhớ rằng có những thế giới khác để chim hót ca.”

Rồi tôi cũng cảm thấy nguôi ngoai.

Lại một hôm khác, tôi gọi Tổng Ðài và nghe một tiếng nói thân thiết. Tôi nhờ cô cho biết cách viết của từ FIX. Cô vừa cất tiếng thì con em gái của tôi, vốn thích thú làm cho tôi sợ hãi, nhảy từ trên các bậc thang xuống người tôi, miệng kêu một tiếng “Yaaaaaaaa!” kinh khiếp. Tôi té xuống khỏi cái ghế đẩu, kéo đứt cái ống nghe ra khỏi hộp điện thoại. Cả tôi và con em đều kinh hãi. Tổng Ðài không còn đó nữa, và tôi không biết là mình có làm cho cô ấy bị thương không khi tôi giật đứt cái ống nghe.

Nhiều phút sau, một người đàn ông xuất hiện trước cửa nhà tôi. Ông ta nói: 

“Tôi là nhân viên bảo trì điện thoại. Tôi đang làm việc ngoài phố thì nghe Tổng Ðài cho biết có trở ngại gì đó ở số này.” 

Ông cầm lấy cái ống nghe trong tay tôi và hỏi: 

“Chuyện gì xảy ra thế?”

Tôi kể câu chuyện cho ông nghe.

Ông nói: 

“Ðược rồi. Ta sẽ sửa lại trong giây lát thôi.” 

Ðoạn ông mở cái hộp điện thoại, lôi ra một nùi dây nhợ, sắp xếp và nối kết lại, rồi nhấp thử cái nút ở ống nghe mấy lần, cuối cùng ông nói vào máy: “Tôi là Pete đây. Mọi thứ đã đâu vào đấy ở số 105. Con em gái làm cho thằng bé hoảng sợ và giật đứt sợi dây ở ống nghe.”

Ông mắc điện thoại lên, mỉm cười và vỗ nhẹ lên đầu tôi, đoạn bước ra.

Tất cả những chuyện này xảy ra trong một thành phố nhỏ ở miền Tây Bắc ven Thái Bình Dương. Sau đó, khi tôi lên chín, cả nhà dọn qua Boston và tôi nhớ cô quay quắt. Tổng Ðài vẫn nằm trong cái hộp ở ngôi nhà xưa, và tôi không muốn gọi thử cái điện thoại cao lênh khênh đặt ở cái bàn trong phòng.

Tôi dần khôn lớn nhưng vẫn không quên những buổi chuyện trò thời thơ ấu, và những khi tâm trí cảm thấy nghi hoặc hay ngần ngại về một việc gì tôi lại nhớ tới cái cảm giác bình yên và tin cậy khi nhận được câu trả lời chính xác từ máy nghe. Tôi thật sự biết ơn người phụ nữ dịu dàng, tử tế và kiên nhẫn đã mất thì giờ vì một chú bé con.

Một vài năm sau, khi tôi sang miền Tây vào đại học, máy bay ngừng cánh ở Seattle. Tôi có nửa tiếng đồng hồ rảnh ngồi chờ chuyến bay kế tiếp, và tôi đã dùng điện thoại chuyện trò với em gái tôi đang sống trong vùng này. Thế rồi, hoàn toàn không chút ý thức, tôi gọi tới thành phố tôi, và nói: “Xin cho tôi gặp Tổng Ðài ạ.”

Thật là kỳ diệu, tôi gặp lại giọng nói trong trẻo thuở nào: 

“Tổng Ðài tôi nghe đây.”

Tôi hoàn toàn không dự tính khi nói: “Cô làm ơn cho tôi biết chữ Fix viết như thế nào ạ.”

Im lặng một lúc lâu. Rồi có tiếng trả lời thật dịu dàng: 

“Tôi nghĩ là ngón tay của cháu bây giờ đã hết đau rồi, phải không?”

Tôi cười lớn: 

“Thế là cô vẫn còn ở đấy. Cô biết không, cô có ý nghĩa như thế nào trong suốt thời thơ ấu ấy.”

“Cô cũng thấy cháu vô cùng có ý nghĩa đối với cô,” Tổng Ðài nói. 

“Cô không có con cái, cho nên cô thường mong cháu gọi tới. Thật là kỳ cục, cháu nhỉ?”

Tôi nghĩ, không có gì kỳ cục hết đâu. Tôi cho cô biết là bao năm qua tôi vẫn hằng nghĩ đến cô. Và tôi hỏi tôi có thể gọi cho cô lần sau khi tôi ghé thăm em gái tôi không.

“Tất nhiên rồi, cháu cứ hỏi Sally.”

“Tạm biệt cô Sally.” Tổng Ðài mà cũng có tên riêng, thật là điều lạ. Nếu rồi đây cháu gặp bất cứ con chuột sóc nào, cháu sẽ bảo nó cứ ăn quả và hột, cô nhé.”

“Ồ, cháu cứ làm thế nhé.” Cô nói. 

“Và cô mong một ngày gần đây cháu sẽ đi tới con sông thơ mộng Orinoco. Giờ, cô tạm biệt cháu nhé.”

Ba tháng sau, tôi trở lại Seattle lần nữa. Một giọng nói khác trả lời tôi trong điện thoại. Khi tôi nói muốn gặp Sally thì giọng nói đó hỏi: 

“Anh có phải là bạn cô ấy không?” 

Tôi trả lời phải thì người ấy nói: 

“Tôi rất buồn báo cho anh biết gần đây Sally chỉ làm bán thời gian thôi vì cô ấy bị bệnh. Cô ấy đã qua đời cách đây năm tuần lễ.” 

Trước khi tôi rời máy, người đó bảo: “Chờ một chút. Có phải tên anh là Villiard không?”

“Phải.”

“Vâng, Sally có nhắn tin lại cho anh. Cô ấy viết nó ra giấy.”

“Gì thế ạ?” 

Tôi hỏi, nhưng đã biết cô Sally muốn nói gì.

“Ðây rồi. Tôi đọc nha. “Nói cho Paul biết là tôi vẫn nghĩ còn những thế giới khác cho con chim nó hót. Paul sẽ biết tôi muốn nói gì.”

Tôi cảm ơn và gác máy. Tôi đã biết điều cô Sally muốn nói.

Paul Villiard

(Le Thi Ngoc Mai St.)

No comments:

Post a Comment