Bà tên là Hường, nghĩa là Hồng,
theo cách đọc trại của người miệt quê. Nhưng Hường hay Hồng gì cũng là tên của
một loài hoa rất đẹp, ai cũng hiểu vậy. Và tôi nhất thiết phải là người hiểu rõ
điều đó, vì bà là chị họ của má tôi.
Thật ra khi vừa đến Mỹ, bà chưa già. Chỉ mới 48 tuổi. Nhưng bà nhất định không chịu học tiếng Mỹ. Lý do bà nêu ra, là:
— Suốt ngày má có nói chuyện với ai ngoài ông táo đâu mà cần học tiếng Anh với tiếng Mỹ.
Bà lớn lên ở Ba Tri, vùng
quê nghèo. Thuở nhỏ bà chăn trâu, làm ruộng làm vườn, giúp ba má nuôi một đàn
em lúc nhúc như trứng gà, trứng vịt. Vừa trổ mã thiếu nữ đã đi lấy chồng. Lại tất
tả với một đàn con nheo nhóc.
Chồng bà đánh cá ngoài biển, rồi theo người ta vượt biên đi mất. Một tay bà ở lại chèo chống nuôi con. Thời gian đầu không có tin tức gì của ông ấy. Gần chục năm sau mới thấy thơ về, nói ổng đã lấy vợ khác rồi. Ổng xin lỗi bà mong bà thông cảm, vì cuộc sống nơi xứ người khó khăn và bơ vơ quá. Bà kêu thằng hai viết thơ trả lời ba, rằng “Má hiểu hoàn cảnh của ba. Má không buồn đâu. Ba đừng lo, ráng giữ gìn sức khỏe“. Khi đọc những lời đó cho con, mắt bà ráo hoảnh. Nhưng buổi tối bà ngồi nhìn ngọn đèn dầu leo lét, nước mắt ở đâu mà cứ tuôn hoài.
Cũng may, ông chồng còn chút
tình nghĩa, đã làm giấy bảo lãnh cho mấy mẹ con sang Mỹ.
Qua đây rồi, bà không nhờ vả
gì chồng. Duyên nợ không còn nữa, người ta cũng có gia đình khác rồi, mình dây
vướng làm gì nữa cho khó xử cả đôi bên. Bà nghĩ vậy và lại một mình bươn chảy
tiếp. Bà xin rửa chén, quét dọn cho những nhà hàng Việt. Mấy đứa nhỏ cũng giỏi.
Chúng chịu khó học, làm việc sau giờ học ở các chợ Mỹ để kiếm tiền phụ má. Túc
tắc như vậy, rồi tụi nó cũng ra trường, tìm được việc làm. Lúc này, tụi nó kêu
bà ở nhà hưởng phước.
— Cả đời má làm việc nuôi tụi con rồi. Bây giờ để tụi con lo lại cho má.
Vậy là bà nghỉ làm. Và
càng có lý do để không học tiếng Mỹ.
Ở nhà vài tháng bà thấy buồn quá. Bà bèn quyết định:
— Má muốn lái xe.
— Trời đất ơi! Hồi nào tới
giờ má có lái xe bao giờ đâu.
— Hồi trước chưa biết thì giờ
má muốn biết.
Thằng hai thuyết phục bà không được, bèn gọi con ba, con tư và thằng năm để cầu cứu. Đứa nào nghe xong cũng buông một câu ta thán y chang nhau:
— Trời đất ơi!
Người ta thường nói ông già Ba Tri rất ngoan cố. Nhưng người ta quên là, bà già Ba Tri cũng kiên cường không kém. Và cuối cùng, bà một mình chiến thắng cả tiểu đội con cái một cách vẻ vang.
Con ba đành vớt vát dặn dò:
— Ra đường nếu có chuyện gì, má nhớ gọi ngay cho con nghe.
Lần đầu tiên chạy xe ra đường, bà nhủ lòng phải cẩn thận lắm. Bà chạy chầm chậm với tốc độ 10 miles / 1 giờ.
Xe sau bấm kèn “tin tin”. Bà mặc kệ, cứ bình tĩnh giữ tốc độ an toàn.
Chỉ một lúc sau, nối đuôi xe bà là một hàng xe dài rồng rắn.
Có ai đó gọi phone báo 911. Police rú còi chạy đến chận xe bà lại.
— Hello. May you give me your Driver License?
— Hello, chú em. Bà lịch sự chào lại.
Police lập lại lời yêu cầu.
— Chèn ơi, nói gì mà líu lo, ai mà hiểu được. Bà cằn nhằn rồi rút phone ra. Bà bấm ngay chữ số 3 mà con ba đã chỉ, rồi đưa phone cho Police.
Anh chàng police ngẩn ngơ 1 giây, rồi như hiểu ra, liền thông báo sự việc qua phone.
Con ba rối rít xin lỗi và giải thích việc bà già “mù tiếng Mỹ” cho police. Đúng là “bạn dân”, anh police lịch sự nói “No problems “rồi yêu cầu con ba dặn dò bà chạy mau hơn.
Nhìn bà gật gật đầu khi nghe điện thoại, anh chàng cứ tủm tỉm cười.
Một lần vào dịp cuối tuần, vợ chồng thằng hai đưa bà đi ăn buffets của người Hoa. Nhìn thấy món crawfish trên khay thức ăn, bà liền nghĩ ngay đến con.
— Thằng nhỏ thích món này lắm đây.
Bà lấy muỗng múc từng con
vào đĩa. Bà già nên tay
hơi run. Sợ làm rớt, bà cẩn thận lấy từng con một. đặt cẩn thận vào đĩa. Ông
già người Mỹ đứng kế bên chờ lấy crawfish, chắc thấy… ngứa mắt khi nhìn bà từ từ,
tà tà như vậy, bèn quên câu “lịch sự như Mỹ”, mà buông tiếng thở dài.
Lập tức, tự ái bà nổi lên. Bà lấy vài con thôi mà. Chờ một chút không được
à. Còn phía bên kia đó, sao không vòng qua lấy đi.
— You go there lấy đi. Vừa nói, bà vừa chỉ tay sang phía đối diện.
Ông Mỹ không hiểu bà già này nói gì, nhưng nhìn tay bà chỉ, ông cũng … hiểu hiểu.
Ông bước vòng sang hướng kia.
Nhà thằng hai là nhà phố (town house) nên hơi bức bí với những người quen sống nơi ruộng đồng mông mênh như bà. Vì thế, thi thoảng bà hay ra công viên chơi.
Hôm nay bà ra công viên vào buổi sáng. Giờ này chỉ lác đác người nên không gian rất yên tĩnh.
Ngồi trên ghế đá, dưới tàng
cây rợp bóng, bà nghe tiếng chim ríu rít trên cao. Gió thổi hiu hiu. Cảm giác
thật bình yên. Bà thả hồn theo tiếng chim, mường tượng mình đang ngồi bên
bờ rạch sau nhà. Văng vẳng đâu đây tiếng chim cuốc khắc khoải gọi con nước lên
sau rặng dừa nước xạc xào.
Một bà già cũng trạc tuổi bà dắt chó đi dạo gần đó. Ở bên đây, người ta cưng chó lắm. Dắt chó đi dạo là chuyện bình thường.
Bỗng con chó đi chậm lại, rồi dừng hẳn. Bà kia cũng dừng lại, chờ cho chó cưng “hành sự” xong, rồi chủ và chó thủng thẳng đi tiếp.
Chèn ơi, sao lại đi mà không dọn dẹp chứ.
Bà kêu lên thật lớn:
— Ê, ê…
Bà kia giật mình, nhìn về phía bà.
— No good… No good…Bà chỉ tay về phía “hiện vật” của con chó để lại.
Bà kia tảng lờ và kéo con chó đi.
Trời ơi, người gì mà thiếu trách nhiệm. Không biết giữ gìn vệ sinh nơi công cộng gì hết.
Bà liền đuổi theo. Một tay bà chỉ vào “hiện vật, một tay bà cầm phone giơ lên:
— You no dọn dẹp, I kêu police. Kêu 911 đó. You no good. No good.
Không cần tìm hiểu làm chi cho mất thời giờ, chỉ cần nghe police và 911 là bà kia quay lại thu dọn ngay (sau khi liếc cho bà một cái).
Bà rất thích đi chợ mua thức ăn.
Mỗi khi vào chợ Kroger, bà cứ đẩy cart đi vòng vòng, lựa
lựa, chọn chọn, rồi bỏ vào cart. Chuyện chẳng gì đáng nói, nếu xong xuôi, bà đẩy
cart đến chỗ nhân viên tính tiền để thanh toán.
Nhưng bà thích check out ở máy tự tính hơn, dù bà
không biết sử dụng. Thế là bà đứng ì ra đó. Nhân viên phụ trách khu tính tiền bằng
máy, ngạc nhiên thấy bà đứng quá lâu, vội đi đến hỏi.
Bà cười rất tươi, nụ cười “nhờ vả “
— You do.
Nói vậy là dễ hiểu quá rồi. Nhân viên liền cầm lấy từng món đồ và scan giá.
Trời tháng bảy ở hướng South nóng như lửa. Máy lạnh trong nhà phải giảm nhiệt độ tối đa mới thấy dễ chịu.
Vậy mà hai chú police phải đạp xe tuần tra quanh khu vực, thật tội.
Bà để ý tầm một giờ mấy, hai giờ trưa là thấy họ tuần tra đến khu nhà bà.
— Tội nghiệp quá. Tụi nó chắc
trạc tuổi thằng hai nhà mình thôi.
Một buổi trưa, bà đứng sẵn ngoài sân. Vừa thấy 2 chú police tới, bà vẫy tay ra hiệu dừng lại.
Cả hai ngạc nhiên thắng xe
cái “ké ét…” trước mặt bà.
— Quây …quây… (wait, wait)
Bà ra dấu cho họ đợi, rồi bước
nhanh vào nhà.
Hai police còn đang ngớ người, thì bà đã bước ra, tay cầm hai lon coke ướp lạnh.
Bà nhìn họ thật trìu mến. Cả hai đón lấy lon nước ngọt từ tay bà và nói:
— Thank you.
Gì chứ câu này thì bà hiểu.
Rồi một ngày, bà gọi các con đến họp mặt đông đủ ở nhà thằng hai.
Ngồi giữa đàn con xúm xít vây quanh, bà trầm ngâm nói:
— Từ đây đến cuối đời, má sống
nơi đây, rồi chết cũng nơi đây. Sống có cái nhà, chết có cái mồ. Nhà và mồ mã của
má không còn ở quê cũ nữa, mà là ở đây, ở đất nước này. Các con, rồi các cháu
má nữa, tất cả đều ở đây.
Nên má tính như vầy …
Bà ngưng một chút, nhìn các
con đang mắt tròn mắt dẹt, hồi hộp không biết có chuyện gì.
Con tư đưa cho bà tách trà:
— Má uống miếng nước đi.
Thằng năm nhấp nhổn:
— Có chuyện gì vậy má?
— Má muốn học tiếng Mỹ.
Trời bỗng dưng có bão tuyết ở Việt Nam, cũng không làm mọi người ngạc nhiên hơn câu tuyên bố “xanh rờn“đó.
— Má … đòi học tiếng Mỹ? Thằng
hai lắp bắp hỏi lại.
— Ừ, chỗ này như đất nước của
mình rồi. Mà tụi con nít một tuổi còn biết bập bẹ tiếng nước của nó.
Chẳng lẽ má thua cả đứa con nít sao.
Phải mất một lúc mọi người mới tin là sự thật. Tất cả ồ lên:
— Má là số một.
— Má number one.
— Hoan hô má.
Bà nhìn đàn con, mỉm cười ra chiều tự đắc. Ủa, các con quên má là dân Ba Tri sao. Người Ba Tri sống có tình, có nghĩa và biết trước biết sau lắm nghe.
Vậy là chiều chiều, bà mang
tập vở đến nhà thờ để học ESL.
Biển Cát
Bà già Ba Tri . Bà già .. gân ...
ReplyDeleteThiệt dễ thương vô cùng . Đúng tính chất của người Nam bộ
KHông biết tiếng Anh sao thi đậu bằng lái được? bà nầy làm sao mà hay vậy? khi nhân viên DMV ngồi vào xe của bà là người thi và ra yêu cầu lái theo ý họ bằng tiếng Mỹ, bà phải thực hiện theo lập tức, sao nghe được mà làm đúng? thi luật lệ bằng tiếng Việt được nhưng thi lái xe trên đường thì chỉ có tiếng Mỹ thôi.
ReplyDelete